Đọc và tìm hiểu
Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới Kỳ XI
của Đức Giáo Hoàng Beneđicto XVI gửi các Giám mục, Linh mục, Phó tế những người Thánh hiến và các tín hữu Giáo dân
Về Bí Tích Thánh Thể
Rôma 2007
BÍ TÍCH TÌNH YÊU
Thánh Thể, nguồn suối và tột đỉnh của đời sống và sứ mệnh của Giáo Hội.
XIII
THAM DỰ PHỤNG VỤ CÁCH TÍCH CỰC (s. 52)
Việc cử hành phụng vụ đi đôi với việc tham dự phụng vụ. Cho đến lúc này, Tông Huấn đã nói tới việc cử hành Thánh Thể và những điều cần lưu tâm để cử hành Thánh Lễ một cách sốt sắng và nghiêm trang, cho thấy ý nghĩa của những lễ nghi, lời kinh, cử chỉ, biểu hiệu trong đó. Vì phụng vụ là việc của Thiên Chúa (s. 37), đó là việc Giáo hội làm để tôn thờ Thiên Chúa, đó là việc liên hệ tới mầu nhiệm thánh. Nhưng làm sao để tín hữu cùng tham dự vào công việc cao cả này một cách tích cực và hữu hiệu. Công đồng chung Vaticanô II đã không muốn cho tín hữu tham dự phụng vụ như những khán giả đi coi một buổi trình diễn văn nghệ (s. 52), nhưng là những người tham dự vào phụng vụ một cách tích cực, ý thức, hữu hiệu và sốt sắng (Hiến chế về phụng vụ, s. 48). Chỉ dẫn này đã khởi xướng việc canh tân phụng vụ để có thể đạt tới mục tiêu này. Nhiều thành quả đã đạt được một cách thật lớn lao và rõ ràng (s. 3. 52). Tuy nhiên vẫn còn nhiều điều, nhiều kho tàng chứa đựng trong giáo huấn của Công đồng mà chúng ta cần phải tiếp tục khám phá thêm (s. 3). Đàng khác trong công cuộc canh tân phụng vụ, người ta cũng phải công nhận đã có những hiểu lầm về ý hướng của Công đồng, ngay trong việc hiểu cho đúng thuật ngữ “tham dự cách tích cực” (s. 52). Vì thế, Tông Huấn đã muốn dừng lại một lần để làm sáng tỏ ý nghĩa của thuật ngữ này, đâu là cách thế đúng để hiểu, để giải thích thuật ngữ này, làm thế nào để tín hữu thực sự tham dự cách tích cực vào phụng vụ.
- Tham dự cách tích cực là gì (s. 52).
Đức Thánh Cha Beneđicto XVI đã nói như sau: “Chúng ta không thể nào mà dấu diếm điều này là có một sự hiểu lầm, ngay về thuật ngữ tham dự này, đã được nhận ra. Vì thế, nên nói rõ rằng, với từ ngữ này, người ta không có ý hiểu rằng điều này không có ý nói tới một thái độ bên ngoài mà thôi trong buổi cử hành. Sự thật, việc tham dự tích cực mà Công đồng mong muốn phải được hiểu bằng những từ căn bản hơn, bắt đầu từ việc hiểu rõ mầu nhiệm được cử hành và mối dây liên hệ của chúng với đời sống hằng ngày” (s. 52). Điều này được diễn giải một cách cụ thể như là tín hữu được (1) Lời Chúa hướng dẫn, (2) họ đến tham dự bàn tiệc Thánh Thể, (3) họ tạ ơn Thiên Chúa, (4) dâng hy tế của Chúa Kitô, (5) rồi học dâng chính đời sống mình để trở nên của lễ đẹp lòng Thiên Chúa, (6) và càng ngày càng kết hợp với Thiên Chúa và với anh chị em của mình (s. 52).
- Phương pháp hiểu và giải thích Công đồng (s. 3).
Nhân cơ hội nói tới xác quyết của Thượng hội đồng giám mục thế giới kỳ XI, liên hệ tới ý muốn của Công đồng Vaticano II, Đức Thánh Cha Beneđicto XVI đã nhắc lại điều Ngài trình bày trước Giáo triều Rôma dịp chúc mừng Giáng sinh ngày 22-12-2005 về phương pháp hiểu và giải thích Công đồng chung Vaticano II (l’herméneutique de la réforme: AAS 98, 2005, tr. 45-53).
Trước tiên, Đức Thánh Cha nói: “Như thế, hôm nay chúng ta có thể đưa mắt nhìn Công đồng với lòng biết ơn: nếu chúng ta đọc và tiếp nhận Công đồng theo sự hướng dẫn một cách chú giải đúng đắn, thì Công đồng có thể và luôn là một sức mạnh lớn lao hơn cho việc canh tân luôn cần thiết cho Giáo Hội”.
Và đâu là lối giải thích đúng đắn các chỉ thị của Công đồng? Một nhận xét chung cần được lưu ý tới, đó là chúng ta phải nhận ra tinh thần của Công đồng muốn, chứ không chỉ dựa vào văn kiện bản văn của Công đồng. Vì văn kiện không thể nói lên hết điều Công đồng đề ra. Đàng khác, những gì Công đồng đề ra đều do một Vị làm chủ Giáo Hội, người hướng dẫn chính thức. Người này là Chúa Kitô và Chúa Thánh Thần. Các giám mục là những người lãnh nhận ơn bí tích và trở nên người xử lý các mầu nhiệm của Thiên Chúa (x. 1Cr 4,1) và vì thế các ngài phải trung thành và khôn ngoan gìn giữ kho tàng chân lý này (x. Lc 12, 41-48). Do đó, người ta phải hiểu rõ rằng Công đồng luôn bảo quản kho tàng chân lý ngàn đời Chúa Kitô đã trao phó cho Giáo Hội để gìn giữ, rao truyền và đem ơn cứu rỗi cho nhân loại. Giáo Hội qua các thế hệ không thể thay đổi các chân lý này, nhưng tìm cách để suy tư về chân lý cứu rỗi và đem chúng vào trong đời sống của Giáo Hội và mỗi tín hữu của từng thời đại. Điều này Đức Giáo Hoàng Chân phước Gioan XIII đã nói rõ trong bài diễn văn khai mạc Công đồng Vaticano II (11-10-1962) và Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã nhắc lại trong bài diễn văn kết thúc Công đồng Vaticano II (ngày 8-12-1965). Rồi Đức Thánh Cha Beneđicto XVI nói tới hai phương pháp chú giải Công đồng: phương pháp chú giải cắt đứt với truyền thống của Hội Thánh; và phương pháp chú giải nằm trong sự trung thành với truyền thống, có sức làm cho sức sống của Giáo Hội luôn tăng thêm và có khả năng để phát triển Giáo Hội trong mọi hoàn cảnh và qua các thế hệ khác nhau. Vậy chúng ta phải chọn lựa phương pháp chú giải trung thành với truyền thống và ở trong nhãn giới của Giáo Hội.
Điều này cũng được áp dụng vào trong việc giải thích cuộc canh tân phụng vụ và việc giải thích chính thái độ tham dự tích cực của tín hữu vào buổi cử hành phụng vụ mà Công đồng đã nói tới trong số 48 của Hiến chế về phụng vụ. Tông Huấn nói: “Các nghị phụ của Thượng Hội đồng giám mục đặc biệt ghi nhận và nhắc lại ảnh hưởng ích lợi mà công cuộc canh tân phụng vụ đã thực hiện từ Công đồng chung Vaticanô II đem lại cho đời sống Giáo Hội. Thượng Hội đồng giám mục đã có cơ hội đánh giá việc tiếp nhận công cuộc canh tân này từ sau các khóa họp Công đồng. Có nhiều điểm được đánh giá cao. Cho dù các khó khăn và một số lạm dụng được nhận ra mà không thể che giấu, thì cuộc canh tân phụng vụ,vẫn còn nhiều điều phong phú mà chưa khám phá ra hết, vẫn còn là điều tốt đẹp và có giá trị. Cụ thể là việc đọc lại những thay đổi mà Công đồng muốn, ngay từ bên trong, sự duy nhất là điều làm cho thấy tính cách đặc biệt của việc phát triển trong lịch sử của chính nghi lễ, mà không được đưa vào những gì làm sứt mẻ có tính cách giả tạo”. Lời xác quyết này đưa ra hai sự kiện là: (1) có sự duy nhất liên tục trong việc phát triển phụng vụ, nghi lễ phụng vụ qua các thế hệ của Giáo Hội; vì thế cần lưu tâm không đem những gì giả tạo trái ngược với truyền thống chân chính và duy nhất này.
- Các điều cần được hiểu đúng khi nói tới tham dự tích cực vào phụng vụ (s. 53).
Nhìn vào công cuộc canh tân phụng vụ, người ta nhận thấy có những lạm dụng, sai lầm khi thực hành chỉ dẫn của phụng vụ về việc tham dự tích cực. Tông Huấn đã đưa ra một vài điểm và lấy lại đúng ý nghĩa của điều Công đồng muốn (s. 53).
- Tham dự tích cực và thừa tác viên linh mục (s. 53).
Khi nói tới tham dự tích cực vào phụng vụ, chúng ta đừng nghĩ rằng mỗi người phải thi hành mọi phận vụ trong buổi cử hành phụng vụ như nhau. Việc tham dự không phải là thi hành một phận vụ trong phụng vụ. Đó là một hiểu lầm về việc tham dự (s. 53). Nhưng phải hiểu phụng vụ được xếp đặt với những chức vụ theo phẩm trật (s. 53). Vì thế, cần có khả năng phân định thế nào về sự hiệp thông trong Giáo Hội có phẩm trật. Một sự lẫn lộn về phận vụ sẽ không giúp ích gì cho việc tham dự tích cực. Phải nhận định rõ ràng vai trò của giám mục, linh mục trong khi cử hành phụng vụ. Ngài là người có thẩm quyền cử hành buổi phụng vụ Thánh Thể từ đầu cho tới cuối. Qua chức thánh đã lãnh nhận, linh mục đại diện và biểu hiện của Chúa Kitô và Giáo Hội nữa.
Còn các phó tế có nhiệm vụ giúp đỡ linh mục tại bàn thờ: như sửa soạn bàn thờ, giúp linh mục, công bố Phúc m, đôi khi giảng trong Thánh Lễ, đọc các ý chỉ của Lời nguyện tín hữu, trao Mình Thánh cho tín hữu.
Ngoài các thừa tác viên có chức thánh này, còn có các thừa tác viên khác, tu sĩ hay giáo dân được chọn và chuẩn bị kỹ lưỡng.
- Các điều kiện khác để tham dự tích cực vào Thánh Lễ (s. 54. 55).
Trong Tông Huấn, chúng ta còn thấy nói tới những yếu tố khác giúp tín hữu tham dự vào buổi cử hành Thánh Thể cách tích cực và hữu hiệu: như thích nghi phụng vụ (s. 54: chúng ta đã nói trên đây ở bài XI), hoặc thái độ nội tâm phải có như sạch tội (s. 55: chúng ta đã nói ở phần bàn về Thánh Thể và bí tích Thống Hối và Hòa Giải, và Thánh Thể và Giáo Hội, cũng như Thánh Thể và tình hiệp thông với Giáo Hội), hoặc việc rước lễ của những người không phải là công giáo (s. 56: đã nói ở trên).
Tông Huấn cũng nói tới cách thế tham dự Thánh Lễ qua các phương tiện truyền thông xã hội, như truyền hình, truyền thanh (s. 57). Về điểm này Tông Huấn nhắc nhở là buổi cử hành Thánh Lễ qua các phương tiện tối tân này phải mang đặc tính: gương mẫu, phải chuẩn bị kỹ lưỡng nơi cử hành, giữ kỹ lưỡng các luật về phụng vụ. Các buổi cử hành này giúp ích rất nhiều cho tín hữu và những người theo dõi, nhưng không thể nhờ đó mà chu toàn luật buộc tham dự Thánh Lễ ngày Chúa Nhật và Lễ trọng bắt buộc.
Riêng đối với những buổi đồng tế đông linh mục và đông tín hữu tham dự (s. 61), Tông Huấn đã lưu ý những điểm sau đây: khía cạnh phẩm chất của buổi cử hành, nhất là khi có giám mục giáo phận chủ sự cùng với linh mục đoàn và phó thế cũng như các thừa tác viên khác trong giáo phận (s. 61). Phải lưu tâm tới việc đọc Kinh Nguyện Thánh Thể, việc cho rước lễ, rồi những quãng cách quá xa bàn thờ của các vị đồng tế. Vì thế, phải nhớ rằng đây là những buổi đồng tế có tính cách ngoại thường (s. 61).
- Lo lắng cho một số tín hữu tham dự Thánh Lễ (s. 58. 59. 60).
Các giám mục cũng được nhắc nhở để một số tín hữu gặp những hoàn cảnh không thuận lợi có thể tham dự Thánh Lễ như các tín hữu khác, cũng có thể tham dự tích cực vào Thánh Lễ: đó là những bệnh nhân (s. 58); các tù nhân (s. 59) và các người di dân (s. 60). Phải lo cho bệnh nhân, kể cả những người bị bệnh tâm thần, năng được rước lễ (s. 58); những người bị bệnh tâm thần rước lễ trong đức tin của gia đình và của Giáo Hội, các nhà thờ cần được thu xếp để các người khuyết tật có thể ra vào nhà thờ cách dễ dàng (s. 58).
Còn những tù nhân (s. 59) cần gặp Chúa Kitô trong giai đoạn cuộc đời rất khó khăn; đàng khác, đi thăm tù nhân là thăm viếng chính Chúa. Ở đây Đức Thánh Cha Beneđicto XVI (dùng đại danh từ “TÔI”) đã muốn các giáo phận xét lại việc mục vụ đối với tù nhân, đã thực hiện thế nào trong giáo phận của mình (s. 59).
Còn đối với các người di dân, các Giám mục cảm thông với hoàn cảnh đáng thương của họ vì không được tham dự phụng vụ theo lễ nghi của riêng mình. Vì thế, Đức Thánh cha Beneđicto XVI (dùng đại danh từ “TÔI”) đã xin các giám mục hãy tiếp nhận các người di dân như anh chị em của mình (s. 60).
Tóm lại, khi nói tới việc tham dự tích cực vào buổi cử hành Thánh Lễ hay các buổi cử hành phụng vụ nói chung, Tông Huấn muốn chúng ta hiểu đúng ý nghĩa của thuật ngữ này, không lẫn lộn vai trò của từng người và nhất là của linh mục, làm sao để giúp tín hữu tham dự tích cực, nhất là với các người gặp phải hoàn cảnh khác thường, và việc tổ chức các buổi cử hành phụng vụ ngoại lệ, ngoài nơi thông thường. Phải làm sao cho thấy vẻ đẹp của buổi cử hành Thánh Lễ.
XIV
CHẦU THÁNH THỂ (s. 66-. 67)
VÀ LÒNG TÔN SÙNG THÁNH THỂ (s. 68)
Sau khi đã nói về việc cử hành Thánh Thể, Tông Huấn trình bày việc Chầu Thánh Thể và lòng đạo đức đối với Thánh Thể, vẫn có trong truyền thống của Giáo Hội.
- Chầu Thánh Thể (s. 67).
Điều Tông Huấn muốn lưu tâm ở đây là sửa sai quan niệm cho rằng Thánh Thể chỉ để nên lương thực cho chúng ta chứ không phải để chiêm ngắm. Quan niệm này có phần lảng vảng trong công cuộc canh tân phụng vụ sau Công đồng chung Vaticano II. Người ta thấy Tông Huấn đã trích dẫn lời Thánh Augustinô: “Không ai ăn thịt này, nếu đã không thờ lạy thịt đó trước”(Enarrationes in Psalmos 98,9). Việc chầu Thánh Thể là để thể hiện cách rõ ràng việc cử hành Thánh Thể, kéo dài việc cử hành này, làm cho tín hữu đi sâu vào mầu nhiệm Thánh Thể trong thinh lặng và hồi tâm và từ đây họ ý thức được sứ mệnh phải đi rao truyền mầu nhiệm này trong cuộc đời của mình; trong khi chầu Thánh Thể, tín hữu nhận ra sự hiện diện của Chúa Kitô và đến gặp gỡ Ngài. Họ thờ lạy Ngài sau khi đã đón nhận Ngài trong lúc rước lễ. Như vậy, việc Chầu Thánh Thể có liên hệ nội tại với việc cử hành Thánh Thể (s. 66). Vì thế, cần dạy giáo lý cho tín hữu biết việc đạo đức này.
Trong thời gian họp Thượng Hội Đồng Giám Mục, chính các Nghị phụ đã tới nhà thờ Thánh Phêrô để cùng nhau chầu Thánh Thể. Điều này làm xúc động và đem lại nhiều ý nghĩa cho chính các ngài và cho tín hữu (s. 66).
Đức Thánh Cha Beneđicto XVI (dùng đại danh từ “TÔI”) để nhắn nhủ việc Chầu Thánh thể cá nhân hay cộng đoàn (s. 67). Cũng nên tổ chức việc chầu Thánh Thể trong thời gian liên tục. Việc rước lễ lần đầu cũng cần được lưu tâm (s. 67). Đức Thánh Cha tỏ lòng ngưỡng mộ các Dòng Tu dành thời giờ để các thành phần của Dòng Chầu Thánh Thể. Đức Thánh Cha (dùng đại danh từ “TÔI”) khuyến khích các hiệp hội giáo dân cũng thực hành việc đạo đức quan trọng này.
Chúng ta biết rằng trong phụng vụ, việc rước kiệu Thánh Thể và chầu Thánh Thể đã nằm ngay trong khi cử hành Thánh Lễ chiều thứ năm tuần thánh.
- Các hình thức tôn sùng Thánh Thể (s. 68).
Ngoài việc Chầu Thánh Thể, trong Giáo Hội còn có những hình thức khác biểu lộ lòng tôn sùng đối với Thánh Thể như: kiệu Thánh Thể, nhất là Ngày Lễ Mình và Máu Thánh Chúa Kitô, Chầu Thánh Thể 40 giờ, Đại Hội Thánh Thể quốc tế, quốc gia, giáo phận, việc khuyến khích giáo dân thinh lặng trước Nhà Tạm để sống với Chúa Thánh Thể, việc viếng Mình Thánh Chúa khi đi qua nhà thờ, việc rước lễ thiêng liêng (s. 55). Các hình thức này cần được lưu giữ lại và thích nghi với hoàn cảnh ngày nay (s. 68).
Tại Việt Nam, có một số giáo phận có thói quen “Chầu Lượt” luân phiên theo các xứ, họ đạo. Đây là tập tục tốt lành nhưng cần canh tân việc đạo đức này để trở nên ích lợi, như có tam nhật chuẩn bị, học hỏi giáo lý, chầu Thánh Thể trước đó, gặp gỡ cầu nguyện, thi hành việc bác ái, xã hội và truyền giáo.
Lm. Phanxicô Borgia Trần Văn Khả
(simonhoadalat.com)