Chầu Thánh Thể - Cửa Hướng Đến Thiên Đàng

Trước Mặt Nhật được đặt trên bàn thờ, đơn giản là chúng ta chỉ ngồi và nhìn chăm chú vào Mình Thánh được bao quang bằng ánh sáng. Đó là chính Thân Mình Chúa Ki-tô, là Bánh đã được truyền phép. Vô số những người công giáo trên khắp thế giới cũng đăm đăm nhìn lên như thế trong những giờ chầu Thánh Thể.

      Tại sao chỉ là ngồi và chiêm ngắm Thánh Thể? Vâng, dường như không có hành động nào ở đây: hành động ở đây chỉ là hiện diện, là chính sự hiện diện của Thiên Chúa. Câu chuyện xảy ra ở Bê-ta-ni-a cho thấy, chị Mác-ta lo lắng bận bịu với công việc nhằm đáp ứng những nhu cầu của thế gian. Nhưng ở đây, trước Chúa Giê-su Thánh Thể trong dạng thức bí tích, giống như người em Ma-ri-a, chúng ta tìm thấy nơi chỗ cho mình, đó là ngồi bên chân Đấng Mến Yêu.

      Chúa Giê-su Ki-tô đang hiện diện ở đây với mình, máu, linh hồn và thiên tính của Người. Nếu ai đó nghi ngờ về những gì xảy ra đối với tấm bánh trong Thánh Lễ, họ cần được nhắc lại giáo huấn của Hội Thánh về bánh sau khi được truyền phép đã biến thể trở thành Chúa Giê-su. Người cũng chính là Thiên Chúa. Nếu đọc Tin Mừng theo thánh Gio-an chương VI với tâm trí của Hội Thánh, rõ ràng là Đức Giê-su, Con Thiên Chúa, đã kéo dài sự nhập thể của Người trên trần gian bằng việc thiết lập bí tích Thánh Thể, nhờ đó trong mỗi Thánh Lễ, bánh và rượu được biến đổi thành chính bản thân Người vì chúng ta. Những lời cốt lõi, phản ánh một cách sinh động và không còn úp mở nữa trong phụng tự Công giáo chúng ta là: “Này là Mình Thầy….Này là Máu Thầy.” Giây phút linh mục đọc những Lời truyền phép đó, trời đất đã giao duyên gặp gỡ trong bánh và rượu, Thiên Chúa trở thành thần lương cho chúng ta.

      Các nhà thần bí suốt dòng lịch sử đã nghiệm thấy những hồng ân vĩ đại nơi sự hiện diện của Chúa Giê-su trong Nhiệm Tích Thánh Thể. Dân chúng cũng thế, nhờ đức tin, cặp mắt trái tim của họ đã mở ra. Có người nghĩ rằng chỉ trong các tu viện hay đan viện, may ra chúng ta mới thoát khỏi những áp lực của thế gian và có thể gần gũi được với Thiên Chúa. Thực ra, Chúa Ki-tô vẫn ở ngay bên chúng ta trong Thánh Lễ, trong Nhà Tạm Thánh Thể ở nhà thờ và chúng ta không cần phải tìm kiếm Người ở nơi đâu khác. Thực sự không có nơi nào trên trái đất này thánh thiêng hơn là Nhà Tạm. Mỗi một Thánh Lễ, sự truyền phép đều là một phép lạ, vượt xa hơn bất kỳ một phép lạ nào khác, hơn cả sự tạo thành vũ trụ. Bởi đó, người công giáo chúng ta luôn luôn bày tỏ sự cung kính một cách đặc biệt mỗi khi vào nhà thờ. Chúng ta bái gối hay cúi sâu trước sự hiện diện đích thực và chân thực của Đức Vua – Đấng nắm trọn chủ quyền đang ở đó trong Nhà Tạm. Chúng ta tôn thờ, quỳ gối vì Thiên Chúa đang hiện diện nơi đó. Chúng ta giữ thing lặng trước sự hiện diện của Người để lắng nghe điều Người nói.

      Thực tại của chúng ta nơi trần gian này sẽ qua đi. Bây giờ chúng ta mang hình dạng con người, nhưng chúng ta sẽ như thế nào, điều đó tùy thuộc vào Thiên Chúa: “Anh em thân mến, hiện giờ chúng ta là con Thiên Chúa;nhưng chúng ta sẽ như thế nào, điều ấy chưa được bày tỏ.” (1Ga 3,2). Dường như chúng ta chỉ là một ảo ảnh của kiếp sống và thân xác như cỏ cây của chúng ta sẽ được biến đổi khi rơi vào lòng thương xót không thể hiểu nổi của Thiên Chúa. Lúc này đây, Người đến với chúng ta như của nuôi dưỡng, như thần lương sự sống. Khi được thay đổi, chúng ta sẽ thấy khuôn mặt của Đấng đã chọn lựa ở giữa chúng ta như một người tôi tớ phục vụ và Người phục vụ chúng ta bằng cách hiến trao thịt Người làm của ăn, máu Người làm của uống.

      Giáo lý về sự Hiện Diện Đích Thực có nghĩa là Chúa Giê-su hiện diện ngày hôm nay trong nhiệm tích Thánh Thể cũng không kém chi việc Người có mặt ở nhà của hai chị em Mat-ta và Ma-ri-a. Người ta có thể nói, “Chúng ta có Thánh Thể trên trần gian: Đức Giê-su lịch sử đã sống như xưa; còn Đức Ki-tô phục sinh đang ngự trên thiên đàng.” Tuy nhiên, chúng ta đã nói rồi, trong Chúa Giê-su Thánh Thể, trời và đất đã giao duyên thành một hoàn toàn. Trong Chúa Giê-su, lễ thành hôn đã bắt đầu. Người là Thiên Chúa, Đức Chúa của trời cao, đã trở nên hữu hình và chúng ta có thể sờ chạm Người: ai thấy Người là thấy Chúa Cha (x. Ga 14,9). Con mắt xác thịt chúng ta thấy tấm bánh và chén rượu, nhưng bên dưới hình bánh và hình rượu đó, với con mắt đức tin, là chính Chúa Giê-su mà thân xác phục sinh của Người đang ngự trên thiên đàng. Đoàn các thiên thần và các thánh hân hoan nhảy mừng, thờ lạy Chúa. Một số trẻ em dưới thế quỳ gối và ngồi tại cánh cổng hướng đến thiên đàng, chúng nhìn lên vòng tròn ánh sáng là trung tâm của thiên đàng một cách đầy khát mong, và trong khi chúng ở đó, toàn trái đất như cây cỏ nở hoa: trong sự hiện diện của Người, tất cả đều bình an, tất cả đều là ánh sáng.

      Thánh Thể là sự hiện diện đích thực và liên tục của Chúa Giê-su, không chỉ là một thời khắc hiệp thông, nhưng là một sự hiện hữu, một sự cư ngụ liên tục, một thực tại vĩnh cửu của Nhập Thể, Người hiện diện “trong mọi Nhà Tạm trên trần gian cho đến tận thế.” Trong thời đại chúng ta, chầu Thánh Thể đã trở thành một cách thế phổ biến mãi mãi để chúng ta ở trong sự hiện diện của Chúa Giê-su, để chúng ta tôn thờ Người: đó là một cách thế để ở trong thiên đàng đang khi chúng ta vẫn còn trên dương thế.

      Sự bình an, trầm lắng và hân hoan tuyệt vời nhất sẽ đến cho những ai ở lại trước sự hiện diện của “chàng rể của linh hồn chúng ta”. Không ai, và chắc chắn rằng không gì khác trên dương gian làm thỏa mãn trọn vẹn nỗi khát vọng sâu thẳm nhất của chúng ta. Chúng ta sẽ thấy một chút nào đó về Thiên Chúa nơi các loài thọ tạo, nơi mọi thứ đẹp tươi – và nơi mọi người Chúa đã dựng nên. Còn nơi nhiệm tích Thánh Thể, chúng ta sẽ thấy Người. Không như thấy Người khi chúng ta rời bỏ trần gian, không như Người muốn chúng ta biết về Người trong cõi trường sinh, nhưng trong dạng thức Người đã chọn lựa để đến với chúng ta trên hành trình dương thế của nhân loại. Ngày nào đó, khi sự tối tăm hiện tại này chấm dứt và Thiên Chúa sẽ là “tất cả trong mọi sự”, bấy giờ chúng ta sẽ nhìn thấy dung nhan yêu dấu của Đấng đã tác tạo chúng ta bởi yêu thương, đã cứu chuộc và hiến dâng chính mình Người cho chúng ta trong cái chết ô nhục nhất, Người sẽ ôm lấy chúng ta.

      Giờ đây, chúng ta đăm đăm nhìn lên Chúa Giê-su. Người như thần lương của chúng ta được bao quanh bởi ánh sáng. Thánh Thể mà chúng ta tôn thờ là cửa sổ hướng đến thiên đàng, hướng đến Thân Mình đích thực của Chúa chúng ta. Chính Người, chứ không phải ai khác đang ở đây. Chúng ta hãy đến thờ lạy Người.

Lm. Giuse Phạm Đình Ái SSS chuyển ngữ

© 2016 Dongthanhthe.net. All rights reserved.