Sống Bí Tích Thánh Thể Là Sống Yêu Thương

Vì thế, sống Bí tích Thánh Thể cũng chính là sống yêu thương, sống cảm thông, sống hợp nhất. Chúng ta phải bắt chước cộng đoàn Giêrusalem ở những năm tháng đầu tiên khi Giáo hội còn phôi thai. Từ nghi thức bẻ bánh trở về, họ đã gom góp tài sản riêng làm của chung, rồi phân phối theo nhu cầu của mọi người, đến nỗi dân ngoại đã phải thán phục và kêu lên: - Kìa xem họ yêu thương nhau biết là chừng nào. (Cv 2,42-46).

Nếu đọc lại Tin Mừng, chúng ta sẽ thấy từ việc chuẩn bị đến việc thiết lập và cử hành bí tích Thánh Thể, tất cả đều được diễn ra trong bầu khí của một bữa ăn.
Thực vậy, bữa tiệc thứ nhất đó là đám cưới Cana, tại đây Chúa Giêsu đã làm phép lạ biến nước lã hóa thành rượu ngon. Qua phép lạ này Chúa Giêsu không phải chỉ muốn cứu cho đôi tân khỏi bị bẽ mặt với khách mời vì thiếu rượu, mà còn muốn củng cố niềm tin cho các môn đệ, cũng như chuẩn bị cho các ông đón nhận bữa tiệc ly sau này, khi Ngài biến rượu thành máu thánh Người.
Tiếp đến là phép lạ Chúa Giêsu làm cho bánh hóa nhiều để nuôi dưỡng đám đông trong hoang địa. Qua phép lạ này, Chúa Giêsu đã chính thức hứa ban cho chúng ta thứ của ăn thiêng liêng nuôi sống linh hồn chúng ta:
- Thịt Ta thật là của ăn, Máu Ta thật là của uống, ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì sẽ có sự sống đời đời. Và Ta, Ta sẽ cho họ sống lại ngày tận thế. (Ga 6,55-56).
Thế nhưng, quan trọng hơn cả phải là bữa tiệc ly, qua đó Chúa Giêsu đã thiết lập Bí tích Thánh Thể vào buổi chiều ngày Thứ năm Tuần Thánh. Phúc âm đã kể lại như sau: Đang khi ngồi ăn, Chúa Giêsu cầm lấy bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra, trao cho các môn đệ và phán:
- Tất cả các con hãy cầm lấy mà ăn, này là mình Ta sẽ bị nộp vì các con.
Cùng một thể thức ấy Người cầm lấy chén, tạ ơn, trao cho các môn đệ và nói:
- Tất cả hãy cầm lấy mà uống vì này là chén máu Ta, máu giao ước sẽ đổ ra cho các con và nhiều người được tha tội. Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Ta. (Mt 26,26-29).
Cuối cùng, đó là bữa ăn nơi quán trọ gần làng Emmaus. Sau khi hai môn đệ mời Người vào nghỉ chân, Người đã cầm lấy bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra, trao cho họ. Và họ đã nhận ra Người đã Phục sinh, đã sống lại. (Lc 24,13 -35).
Nhìn vào đời thường, chúng ta thấy, những người cùng ngồi ăn với nhau trong một bàn tiệc trong một bữa cơm, thường có một mẫu số chung nào đó. Mẫu số chung ấy có thể là tình nghĩa gia đình, tình nghĩa bè bạn. Mẫu số chung ấy còn có thể là một niềm vui, một nỗi buồn, hay một công việc cùng làm. Vì thế, bữa ăn trở nên một biểu tượng của tình yêu, của cảm thông, của hợp nhất.
Bàn tiệc Thánh Thể cũng vậy, phải là biểu tượng của yêu thương, của cảm thông, của hợp nhất, như lời thánh Phaolô:
- Chúng ta tuy nhiều, nhưng cùng chia sẻ một tấm bánh và làm nên một thân thể Đức Kitô. (1Cr 10,17). Vì thế, sống Bí tích Thánh Thể cũng chính là sống yêu thương, sống cảm thông, sống hợp nhất. Chúng ta phải bắt chước cộng đoàn Giêrusalem ở những năm tháng đầu tiên khi Giáo hội còn phôi thai. Từ nghi thức bẻ bánh trở về, họ đã gom góp tài sản riêng làm của chung, rồi phân phối theo nhu cầu của mọi người, đến nỗi dân ngoại đã phải thán phục và kêu lên:
- Kìa xem họ yêu thương nhau biết là chừng nào. (Cv 2,42-46).
Còn chúng ta thì sao? Hằng ngày, hay ít nữa là hàng tuần, chúng ta đều đến nhà thờ tham dự thánh lễ, thế nhưng, trong cuộc đời, chúng ta đã thực sự sống yêu thương, sống cảm thông và sống hiệp nhất với nhau hay chưa?

Lm. Giuse Trần Ngọc Tân, SSS

 

 

© 2016 Dongthanhthe.net. All rights reserved.