Thánh Thể Và Hoa Mân Côi

THÁNH THỂ VÀ HOA MÂN CÔI

       Bí tích Thánh Thể là “nguồn mạch và chóp đỉnh của toàn bộ đời sống Kitô giáo”. Là nguồn mạch hồng ân của Thiên Chúa ban cho nhân loại; đồng thời Bí tích Thánh Thể là trung tâm quy tụ toàn thể dân Chúa trong tâm tình tôn thờ và tạ ơn Thiên Chúa.

       Hoa Mân Côi hay còn gọi “hoa hồng”, là ý tượng trưng cho kinh Kính Mừng. Trong tháng 10, theo truyền thống Hội Thánh, chúng ta siêng năng lần hạt Mân Côi, là thể hiện lòng yêu mến Đức Mẹ, nhất là ngắm năm Sự Sáng, nơi Chúa lập Bí tích Thánh Thể. Chúng ta sẽ khám phá mầu nhiệm Thánh Thể liên kết với Đức Mẹ - “Người Nữ Thánh Thể”.

BÍ TÍCH THÁNH THỂ LÀ QUÀ TẶNG CỦA THIÊN CHÚA

       Thánh Thể là Bí tích Tình Yêu tuyệt hảo của Thiên Chúa dành cho con người. Nhờ Bí tích Thánh Thể, “chúng ta lãnh nhận chính ‘Cội Nguồn của mọi ơn thiêng’; lãnh nhận chính Thiên Chúa. Để rồi trong việc Rước Chúa, chúng ta học biết luật yêu thương mà Thiên Chúa đã tỏ bày cho con người, đồng thời lãnh nhận được ân ban đặc biệt trong tình yêu”. (Thánh Eymard).

       “Bí tích Thánh Thể là chính hy tế Mình và Máu của Chúa Giêsu, mà Người đã thiết lập để lưu tồn hy tế thập giá của Người qua bao thế kỷ cho đến khi Người lại đến. Như thế, Người ủy thác cho Hội thánh việc tưởng nhớ cái Chết và cuộc Phục sinh của Người. Bí tích Thánh Thể là dấu chỉ hợp nhất, dây bác ái, bữa tiệc vượt qua, nơi chúng ta lãnh nhận Ðức Kitô, linh hồn được tràn đầy ân sủng và được bảo đảm cho đời sống vĩnh cửu”. (bản toát yếu GLCG số 272)

       Nói cách khác Bí tích Thánh thể là “Quà Tặng Tình Yêu” mà Thiên Chúa trao ban cho loài người. “Món quà” theo nghĩa đen là có thể làm kỷ niệm hay đồ ăn thức uống người ta trao cho nhau trong dịp sinh hoạt đặc biệt trong cuộc sống. “Món quà tinh thần” có thể là lời khuyên dạy bảo hay lời cầu nguyện, nhất là tình nguyện hy sinh cuộc sống vì người mình yêu thương. Nói Bí tích Thánh Thể là “Quà tặng” hay “Món quà” của Thiên Chúa được hiểu cả theo đen lẫn nghĩa bóng. Vì Bữa Tiệc Ly, Chúa lập Bí tích Thánh Thể để lại mẫu gương tuyệt vời, là sáng kiến trên cả tuyệt vời mà Thiên Chúa trao tặng cho nhân loại qua lời nói, việc làm và chính mạng sống của Chúa Giêsu cho nhân loại.

KINH MÂN CÔI (HOA MÂN CÔI) LÀ QUÀ TẶNG ĐỨC MẸ DÀNH CHO CHÚNG TA

       Thế kỷ thứ XII, Đức Mẹ hiện ra rao truyền tràng hạt Mân Côi cho Thánh Đaminh để cải hoá bè rối Albigensê tại miềm Nam nước Pháp, khiến cho lòng đạo đức bị lung lay dễ mất đức tin. Kế đến Chân phước Alanô thêm phần suy niệm các mầu nhiệm trong khi lần chuỗi Mân Côi. Từ nay tràng kinh Mân Côi gọi là “Vòng hoa hồng”.

       Thế kỷ XVI, sau cuộc chiến thắng quân Hồi giáo Thổ Nhĩ Kỳ tại vịnh Lêpantê (7-10-1571), nhờ ơn đặc biệt của Đức Mẹ Rất Thánh Mân Côi, Đức Thánh Cha Piô V dạy rước kiệu Mẹ trọng thể và thành lập lễ vào ngày mồng 7 tháng 10 để ghi ơn Đức Mẹ đã cho chiến thắng. Đến đời Đức Grêgôriô thứ XIII, theo lời dòng Đaminh thỉnh nguyện ngày lễ Đức Mẹ chiến thắng thành lễ Đức Mẹ Mân Côi.

       Thế kỷ XX, vào năm 1917, Đức Mẹ hiện ra tại Fatima nước Bồ Đào Nha với 3 trẻ chăn cừu. Khi Đức Mẹ hiện ra tay cầm chuỗi Mân Côi, và cùng các em lần hạt, Mẹ nhắn nhủ là các con siêng năng lần hạt Mân Côi.

       Quà tặng của Đức Mẹ trao ban cho con cái loài người theo dòng lịch sử là chuỗi Mân Côi, mà thánh Piô Năm Dấu Thánh nói: “Chuỗi Mân Côi là vũ khí tự vệ cho thời đại ngày nay cho chúng ta”.

       Đối với dân tộc Việt nam, sự kiện Đức Mẹ hiện ra tại La Vang vào năm 1789 là dấu ấn Mẹ vẫn đồng hành và an ủi các tâm hồn khốn khó chạy đến với Mẹ, mà ngày nay nhiều con cái khắp các miền đất nước muốn đến nơi này để cảm nhận sâu sắc hơn tình Mẹ Maria dành cho mỗi người.

       Quà tặng Mẹ Maria cho chúng ta là chuỗi Mân Côi, là phương thế tốt nhất để suy niệm và thành lối sống của hội viên Huynh đoàn Thánh Thể.

MẦU NHIỆM THÁNH THỂ VÀ HOA MÂN CÔI

       Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô đệ nhị, trong triều đại của Ngài ghi đậm dấu ấn lòng yêu mến Đức Mẹ, nên được Đức Mẹ che chở, cho thoát chết trong gang tấc khi bị ám sát tại quảng trường thánh Phêrô. Trong tông thư “Kinh Mân Côi” (năm 2002). Đức Giáo Hoàng kết luận: “Là lời kinh cầu cho hoà bình, Kinh Mân côi cũng là và luôn luôn là lời kinh của gia đình và cho gia đình. Lời kinh này đã là một thời hết sức thân thiết với các gia đình Kitô giáo, và hẳn đã làm cho các gia đình xích lại gần nhau hơn. Điều quan trọng là đừng đánh mất gia sản quý báu đó. Chúng ta cần phải quay lại với thói quen cầu nguyện trong gia đình và cầu nguyện cho gia đình, khi tiếp tục sử dụng Kinh Mân côi... Gia đình mà cầu nguyện chung thì ở chung với nhau. Các thành viên trong gia đình, khi hướng mắt nhìn về Đức Kitô, thì cũng có được khả năng nhìn thẳng vào mắt nhau, thông hiệp, tỏ tình liên đới, tha thứ lẫn cho nhau và nhìn thấy giao ước tình yêu của họ được đổi mới trong Thần Khí của Thiên Chúa”.

       Đức Mẹ Maria - Người Nữ Thánh Thể, Mẹ đã hiệp thông với Chúa Giêsu ngay từ lúc Ngôi Hai nhập thể trong cung lòng Mẹ, Mẹ đã trở nên Nhà Tạm nơi Con Chúa ngự trị, nên Chén Thánh mà chúng ta vẫn hằng cầu xin, ngày ngày đón nhận và tôn thờ Chúa Giêsu Con Mẹ, là Ngôi Lời vẫn làm Người và ở giữa trần gian nơi Nhiệm Tích Thánh Thể là Bánh ban sự sống và Chén trường sinh mang lại cho chúng ta ơn cứu độ muôn đời. Càng yêu mến Mẹ Maria, chúng càng ra sức học tập nơi Mẹ qua việc sống kết hợp với Chúa Giêsu trong mọi công việc hàng ngày, nhất là sốt sắng tham dự Thánh lễ, để cùng với Mẹ dâng lên Thiên Chúa niềm vui nỗi buồn của bản thân, gia đình và xứ đạo chúng ta.

       Đức Maria đã sống Đức tin về phép Thánh Thể ngay cả trước khi thiết lập Bí tích Thánh Thể, chính bởi sự kiện ngài đã dâng hiến cung lòng trinh bạch để Ngôi Lời Thiên Chúa nhập thể. Khi tưởng nhớ cuộc khổ nạn và sống lại, Thánh Thể cũng đặt mình trong sự tiếp nối với biến cố nhập thể. Khi được truyền tin, Đức Maria đã cưu mang Con của Thiên Chúa trong thực tại thể lý là Mình và Máu Người, vì thế thể hiện trước trong chính bản thân Ngài điều xảy ra các Bí tích ở một mức độ nào đó nơi mọi tín hữu rước Mình Máu Chúa dưới hình bánh rượu.

       Như thế, có một tương đồng sâu xa giữa tiếng Fiat của Đức Maria đáp lại lời Thiên Thần và tiếng Amen mà mọi tín hữu thưa khi lãnh nhận Mình Thánh Chúa. Đức Maria được mời gọi tin Đấng mà ngài cưu mang “bởi phép Chúa Thánh Thần”“Con của Thiên Chúa” (Lc 1,30-35). Tiếp nối với Đức tin của Đức Trinh nữ, chúng ta được mời gọi tin rằng: “trong Mầu nhiệm Thánh Thể, chính Đức Giêsu Kitô - Con của Thiên Chúa và Con của Đức Maria, trở nên hiện diện trong nhân tính và thiên tính trọn vẹn của Người dưới hình bánh rượu” (Tông huấn Giáo Hội từ Thánh Thể số 55).

       Khi suy ngắm mầu nhiệm 5 Sự Sáng, chúng ta được mời gọi đi vào cuộc đời công khai của Chúa Giêsu, để sống tâm tình theo bước chân Mẹ Maria qua từng “hoa Mân Côi”“kinh Kính Mừng”, chúng ta sẽ dần khám phá kế hoạch tuyệt vời của Chúa nơi trần gian qua con đường thánh giá mà Mẹ Maria đã hiệp thông trọn vẹn với Chúa Giêsu.

       Là người Kitô hữu, chúng ta được định hình lối sống Thánh Thể sẽ giúp chúng ta theo gương cộng đoàn Kitô tiên khởi, qua việc nuôi dưỡng bằng Lời Chúa và Thánh Thể, làm chứng cho Đấng Phục sinh đang hiện diện. Đức Maria là mẫu gương sống tình hiệp thông với Đức Kitô trong cuộc Thương khó và Phục sinh, giúp các tín hữu sống tinh thần của Mẹ Maria trong đời sống cầu nguyện và cộng tác với anh chị, đem yêu thương và phục vụ gia đình và khu xóm,...

       Cha thánh Eymard khi suy niệm về Đức Mẹ là người sống giờ Chầu Thánh Thể: “Các con thấy điều cha muốn nói đến, đó là các con thờ lạy Chúa Giêsu hợp với Mẹ Maria, cha không nói nhờ Mẹ. Hãy hình dung là các con ở Phòng Tiệc Ly và Chúa Giêsu ban Mẹ Maria cho các con để là Mẹ và thầy dạy, vậy hãy sống với Mẹ. Hãy hình dung Mẹ Maria quì gối trên chiếc ghế ở Phòng Tiệc Ly, hoặc dưới đất tùy các con. Mẹ thờ lạy Con Thần Linh và những gì Mẹ nói đều làm hài lòng Chúa, Mẹ là Rêbêca, cha nghĩ như vậy và Mẹ biết làm rung động con tim Chúa”. [...]

       Mẹ Maria chỉ mong muốn một điều duy nhất, đó là vinh quang của Con Thần Linh Mẹ. Nếu Mẹ có thể trở lại trần gian và làm lại sự hiến dâng trong tất cả chiều kích của nó, Mẹ sẽ làm gì?. Vậy các con hãy làm thay cho Mẹ, rồi các con có thể làm gì?. Các con sẽ hứa nhiều điều với Chúa, các con có lý để có những quyết tâm. Và vì Chúa luôn ban cách dư dật cho những ai yêu mến Chúa, Người sẽ ban cho các con như vậy, nhưng điều gì sẽ xảy ra?. Một đứa trẻ làm mất tất cả vì nó nhẹ dạ, nó bỏ đi những gì người ta cho, và người mẹ có đó để giữ cho nó. Hãy làm thế với Mẹ Maria, những kho tàng các con có được, những quyết tâm của kỳ tĩnh tâm”.

       “Sống sung mãn mầu nhiệm Thánh Thể và trình bày mầu nhiệm Thánh Thể để vinh quang Chúa rạng tỏ khắp trần gian”, lời mời gọi chúng ta học hỏi nơi Đức Maria qua việc cử hành Thánh Thể và suy niệm kinh Mân Côi hàng ngày, để trọn cuộc sống chúng ta thấm nhuần tinh thần của Chúa Giêsu, là sẵn sàng yêu thương phục vụ mà thánh Eymard chọn làm châm ngôn sống: “Tôi sống, không phải là tôi sống, mà là Đức Kitô sống trong tôi”. (Gl 2, 20).

Lm. Giuse Phan Ngọc Trợ, SSS

 

 

© 2016 Dongthanhthe.net. All rights reserved.