THÁNH THỂ - BÍ TÍCH CỦA HIỆP HÀNH

 

          Các chuyên gia thường nhắc nhở chúng ta rằng; chúng ta đang sống trong một thế bị phân hóa và chia rẽ nghiêm trọng - về nhiều mặt chính trị, văn hóa và kinh tế... Chúng ta hầu như khó có thể đồng ý về bất cứ điều gì, ngay cả những lĩnh vực chân lý và những giá trị cơ bản. Chúng ta cũng không ngần ngại quy trách nhiệm nguyên nhân gây ra những đổ vỡ này cho bất cứ ai. Ai có khả năng tiếp xúc các thiết bị truyền thông đại chúng đều có thể tham gia vào những cuộc xung đột này và thực sự có nhiều người đang đổ thêm dầu vào lửa qua những phương tiện đó. Trái lại, chẳng có mấy ai, hứng thú đứng ra gợi ý những đề xuất để hàn gắn những rạn nứt sâu sắc đáng ngại này.

          Chúng ta nhiều lúc có thể nghĩ rằng; Giáo hội Công Giáo của chúng ta đã vượt lên trên những văn hóa chia rẽ bất đồng này, nhưng điều đó chưa bao giờ là hiện thực. Ngay từ đầu, Chúa Giêsu đã kêu gọi Giáo hội của Ngài, nhanh hoàn tất sứ mệnh loan báo Tin Mừng của mình giữa lòng thế giới. Trên hết tất cả, sứ mệnh của Giáo hội vừa là loan báo Tin Mừng cho từng cá nhân con người cũng như cho chính từng nền văn hóa - để biến đổi và tô điểm cho các nền văn hóa khắp nơi bằng các nhân đức và giá trị của Tin Mừng.

          Điều này nói lên ý nghĩa rằng Giáo hội mặc dù không thuộc về thế gian, nhưng thực sự hiện hữu cách rõ ràng không thể nghi ngờ giữa thế giới này. Không thể phủ nhận rằng sự chia rẽ đang vây bủa chúng ta, thậm chí ngấm sâu vào chính hàng ngũ Giáo Hội của chúng ta. Những thứ văn hóa bất đồng được phản ánh qua những chia rẽ đang bao phủ Giáo hội, ngay ở giữa chúng ta và ở nhiều nơi khác trên thế giới. Tuy nhiên, trong tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta, Ngài đã cho chúng ta một liều thuốc giải độc cho căn bệnh “bất Hiệp hành”, đó là Bí tích Thánh Thể, bí tích của sự hiệp nhất, Bí tích giúp mọi người có thể cùng ngồi chúng ngồi chúng, cùng đồng đạo và nhất là cùng nhau hành động trong yêu thương.

          Trong thời gian này, thời gian được đánh dấu bởi lời mời gọi bước vào tiến trình Hiệp hành toàn thể thế giới, chúng ta đặc biệt được thúc đẩy một cách cấp bách cần phải hiểu thật sâu và nắm bắt đầy đủ ý nghĩa giáo huấn của Giáo Hội về Bí tích Thánh Thể. Trong Thư gửi tín hữu Êphêsô, Thánh Phaolô kêu mời chúng ta “Anh em hãy thiết tha duy trì sự hiệp nhất mà Thần Khí đem lại, bằng cách ăn ở thuận hòa gắn bó với nhau” vì chúng ta là “một thân thể và một Thần khí”. (Ep 4, 3). Thánh Phaolô tiếp tục kêu gọi chúng ta đến với niềm hy vọng duy nhất mà chúng ta được chia sẻ: “Một Chúa, một đức tin, một phép rửa, một Thiên Chúa là Cha của tất cả mọi người... (Ep 4,6). Lời khuyên dạy của Thánh Phaolô phản ánh lời cầu nguyện tha thiết của Chúa Giêsu rằng chúng ta, các môn đệ của Ngài, sẽ chia sẻ sự hợp nhất của sự thật và tình yêu thương mà Ngài đã chia sẻ với Cha mình từ muôn thuở. “Lạy Cha, xin cho họ nên một, như Cha ở trong con và Con ở trong Cha... để thế gian tin” (Ga 17:21). Bản chất và sứ mạng của Giáo hội phụ thuộc vào sự hợp nhất và khả năng Hiệp hành sâu sắc của chúng ta với Chúa và với nhau.

          Vì vậy, mối quan tâm đến sự hợp nhất của Giáo hội không chỉ đơn chỉ là thuần là một sự mong muốn được an bình mang tính lý thuyết - như kiểu nói, “ Này bạn, chúng ta có thể sống hòa hợp với nhau không?” Nhưng chúng ta phải hành động để đạt đến mức cao, sâu hơn thế. Hành động, như Thánh Giacôbê khuyên dạy để chứng tỏ đức tin của một tín hữu đang thực sự sống đạo của mình. Trong sự hợp nhất phong phú và đa dạng của mình, Giáo hội được mô phỏng dựa trên sự hiệp nhất của các Ngôi vị trong Ba Ngôi Thiên Chúa (xem Lumen Gentium, số 4). Hòa mình vào sự hợp nhất trong tình yêu và chân lý của Thiên Chúa là trọng tâm của bản chất và sứ mệnh của chúng ta. Thật vậy, chúng ta phải là một bí tích - một dấu chỉ sống động và hữu hiệu - của sự hiệp nhất giữa Ba Ngôi Thiên Chúa trong một thế giới đầy rạn nứt.

          Trung tâm của đời sống Giáo hội là Bí tích Thánh Thể, Bí tích của sự hiệp nhất và hành động trong bác ái yêu thương. Chia sẻ với nhau trong bữa tiệc của Thiên Chúa hiến mình vì yêu - qua đó Ngài đã chiến thắng tội lỗi và sự chết - chúng ta gắn kết với nhau bằng một tình yêu hiệp nhất. Trong quyền năng của Chúa Thánh Thần, Chúa bị đóng đinh và phục sinh kéo chúng ta đến với chính Ngài và kết hợp chúng ta với Cha trên trời và với nhau. Như các tác giả thời xưa thường nói, “Bí tích Thánh Thể tạo nên Giáo hội”. Giáo hội lại tiếp tục mang lại sự hiệp thông của tình yêu và sự sống cho thế giới.

          Sự hiệp thông là Bí tích Thánh Thể cũng trang bị và đòi hỏi chúng ta phải suy nghĩ và thay đổi cách sống - không thể để “sóng đánh tung và gió cuốn mất những lời giảng dạy” trong Thư của Thánh Phao Lô (Ep 4,14). Đúng hơn, chúng ta phải “sống theo sự thật trong tình yêu”. Sự kết hợp của chúng ta với Chúa Giêsu Thánh Thể phát xuất trong sự kết hợp giữa đức tin và hy vọng nhưng cũng là sự hiệp nhất trong tình yêu và đón nhận những gì là chân chính và tốt lành về mặt luân lý, hoàn toàn phù hợp với phẩm giá con người. Đây là cách chúng ta thực hành tình yêu mà chúng ta cử hành trong Bí tích Thánh Thể. Đây cũng là cách chúng ta xây dựng Nhiệm thể Chúa Kitô.

          Trong thế giới ngày nay, sự hiệp nhất của Giáo hội sẽ luôn chưa hoàn hảo và vì thế lời khuyên của Thánh Phaolô hãy luôn cố gắng xây dựng sự hiệp nhất vẫn còn nguyên giá trị. Vì thế, càng có nhiều lý do để chúng ta mở lòng đón nhận Bí tích Thánh Thể, nguồn hiệp nhất của chúng ta và là nguồn sức mạnh mà chúng ta cần để xây dựng sự hiệp nhất của Giáo hội, Nhiệm Thể Chúa Kitô. 

          Hiệp hành – bước đi nếu được khởi hứng và trung thành bước đi trong Thánh Thể chắc chắn sẽ luôn được cả thế giới tin tưởng dõi theo!

 

Lm. Giuse Trần Ngọc Tân, SSS

Trưởng Ban sứ vụ.

 

© 2016 Dongthanhthe.net. All rights reserved.