Lễ suy tôn Thánh Giá (ngày 14/9/), Giáo Hội mời gọi chúng ta nhận ra tình yêu Thiên Chúa được thể hiện trong cuộc thương khó Đức Giêsu, và đỉnh cao của tình yêu Thiên Chúa là cái chết của Đức Kitô trên thập giá tại đồi Can-vê. Khi tham dự Thánh Lễ, Giáo Hội trình bày mầu nhiệm Chúa Giê-su hiến tế chính thân mình trên thập giá, làm của lễ dâng lên Chúa Cha và qua cái chết vì tình yêu này, Giáo Hội được khai sinh và loan truyền mầu nhiệm Thiên Chúa yêu thương loài người và mời gọi Kitô hữu chiêm nghiệm để sống mầu nhiệm “Thánh Giá đến Thánh Thể” trong cuộc sống hàng ngày.
“Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo” (Lc 9, 24) Không có một tôn giáo nào lấy biểu tượng cho tôn giáo của mình bằng hình ảnh cây thập giá với một người bị đóng đinh trên đó như Kitô giáo của chúng ta. Nhìn vào hình ảnh của một người bị chết trần trụi và rất đau thương với mũ gai cuốn trên đầu và khiến cho ai nhìn vào cũng rùng mình và khiếp sợ. Vậy tại sao, Thiên Chúa Cha để Con Một của Ngài lãnh nhận một hình phạt nhục nhã nhất thế gian, hình phạt chỉ dành cho người phản bội tổ quốc hay tên trộm cướp như Barnaba trong cuộc xứ án Chúa mà Chúa Kitô bị xếp ngang hàng với tội xúi dân làm loạn chống lại đế quốc Rôma, “điều người Do Thái coi là ô nhục, không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ” (1 Cr 1,23)
Con đường Chúa đi, đích thực là một con đường chẳng ai có thể hiểu nỗi, vì nó đi ngược lại hoàn toàn với những gì lý trí con người có thể nghĩ tới và cảm xúc con người có thể tuân theo. Nhưng thập giá có thân thể Đấng Cứu Thế tựa vào, thì với người Kitô hữu, nó lại trở thành dấu chỉ của tình yêu, của vinh quang và của chiến thắng.
Chúa không nói chúng ta đi tìm Thập giá, nhưng là hãy vác lấy Thập giá mình. Một cách nào đó, không ai có thể thoát khỏi Thập giá trong cuộc sống...Đau khổ không phải là một đày đọa con người phải gánh chịu, mà là một phương thế nên “Thánh”. Mỗi người là một Thập giá, mỗi ngày một Thập giá. Ai trong chúng ta cũng đang chịu một đau khổ nào đó, hãy nghĩ đến tình yêu Chúa mà đón nhận. Ước gì khổ đau “Thánh” là chính thập giá sẽ luyện chúng ta để mỗi lúc được kết hợp với Chúa mật thiết hơn. Vâng, chính trong tình yêu mọi gánh nặng là nhục nhã, đau thương ê chề và bị bỏ rơi sẽ trở nên nhẹ nhàng, như cha thánh Eymard đã trải nghiệm trong suốt cuộc đời của Ngài. Ngài cảm nhận, nhờ vào tình yêu của Chúa Thánh Thể nên Ngài nói “mỗi ngày 15 phút trước Thánh thể bạn sẽ tìm được sức mạnh”. Chúng ta nên nhó rằng Chúa không bao giờ đặt trên vai chúng ta một thập giá nặng hơn đôi vai của chúng ta, nên chúng ta an tâm vì “Ơn Chúa đủ cho con” (2Cr 12,9)
“Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết” (Ga 6, 54). Chúa mời gọi chúng ta “ăn thịt và uống máu của Ngài”, lời của Đức Giêsu mời gọi chúng ta hướng đến mầu nhiệm Vượt Qua của Người. Hay nói cách khác là đón nhận những “thập giá” hàng ngày là bệnh tật, nghèo khổ hay bị sỉ nhục, bị hiểu lầm mà vẫn kiên nhẫn đón nhận trong sự kết hợp với Đức Chúa Giêsu như trong ngắm thứ thứ hai mùa Thương: “Chúa Giêsu chịu đánh đòn, ta hãy xin cho được hãm mình chịu khó bằng lòng”.
Thật vậy, “ăn thịt và uống máu của Ngài”, theo nghĩa ẩn dụ, là khi chúng ta cử hành Thánh Lễ, là mở lòng ra, mở từng ngày sống ra và mở cuộc đời của chúng ta ra, để đón nhận ơn tái sinh mà Ngài thông truyền cho chúng ta từ mầu nhiệm Thập Giá và Phục Sinh. Và đó chính là con đường dẫn chúng ta đến sự sống đời đời, để chúng ta ở lại trong Ngài và Ngài ở lại trong chúng ta, và để chúng ta sống nhờ Ngài.
“Việc cử hành Lễ Tưởng niệm của Chúa luôn là trung tâm của đời sống chúng tôi, với tư cách cá nhân hay những thành viên của gia đình. Đây là khởi điểm cho chúng tôi thấu hiểu về Thánh Thể và cũng là nguồn khởi hứng cho việc cầu nguyện và dấn thân của chúng tôi.” (LS số 7).
“Ðứng gần thập giá Ðức Giêsu, có thân mẫu Người” (Ga.19,25). Đức Mẹ Maria đã đón nhận Thánh Thể là chính mầu nhiệm nhập thể, Con Thiên Chúa làm người trong cung lòng Mẹ, là thân xác Đức Giêsu được lớn lên trong vòng tay yêu thương của Mẹ Maria, và mẹ đã trở thành môn đệ Chúa Giêsu khi lắng nghe lời Chúa giảng dạy trong ba năm truyền giáo.
Đức Maria là người Nữ Thánh Thể khi cưu mang Ngôi Hai làm người, và sau ngày Chúa Lên Trời, Mẹ đã cùng các Tông đồ là Giáo Hội sơ khai cử hành nghi “Lễ Bẻ bánh” là đón nhận Thánh Thể Chúa. Nguyện xin Mẹ Thánh Thể phù hộ chúng ta sống tâm tình của Mẹ để vui lòng đón nhận niềm vui và nỗi buồn trong cuộc sống để hiệp dâng trong Thánh lễ, đem lại nguồn vui có Chúa và Đức Mẹ đồng hành trên dương thế.
Anh chị em thân mến!
Sống sung mãn mầu nhiệm Thánh Thể và giãi bày ý nghĩa của mầu nhiệm Thánh Thể, chính là sống mầu nhiệm Thánh Giá trong cuộc sống hàng ngày và kết hợp với Chúa Thánh Thể khi tham dự Thánh lễ hay Rước lễ thiêng liêng, chúng ta sẽ hân hoan vui mừng vì mang trong mình mầu nhiệm Phục sinh, để ngày mỗi ngày, chúng ta trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô.
Nguyện xin Đức Mẹ Thánh Thể và cha Thánh Eymard, cầu bầu cho chúng con biết làm cho thập giá đau thương trở thánh Thánh Giá yêu thương, Thánh Giá nở hoa làm cho cuộc sống thêm ngát hương tình Chúa và tình người.
Lm. Giuse Phan Ngọc Trợ, SSS
Phó Bề Trên Giám Tỉnh.