THÁNH THỂ - KIỆN TOÀN SỰ HIỆP NHẤT GIÁO HỘI

THÁNH THỂ - KIỆN TOÀN SỰ HIỆP NHẤT GIÁO HỘI

“Xin cho họ nên một như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha, để họ cũng ở trong chúng ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai Con”. (Ga 17, 21)

       Đó là lời cầu nguyện tha thiết của Đức Giêsu dâng lên Chúa Cha trước khi Ngài đi vào cuộc khổ nạn. Lời nguyện xin cho sự hiệp nhất của Đức Giêsu được cất lên trong bầu khí của phòng tiệc ly - nơi bày tỏ Tình yêu đến cùng, nơi Bí tích Thánh Thể được thiết lập và cũng là nơi hành vi tự hiến của Đức Giêsu được cử hành. Bởi thế, sự hiệp nhất nên một trong Hội Thánh khởi nguồn trong sự hiệp thông mật thiết với Chúa Giêsu, mà là Đức Giêsu đang ngự thật trong Bí tích Thánh Thể. Vì chỉ nơi Thánh Thể mọi tín hữu được “nên một như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha”. Toàn bộ phụng vụ của Giáo Hội, đặc biệt là thánh lễ và Thánh Thể đều hướng về sự hiệp thông giữa con người với Thiên Chúa và giữa con người với nhau. Trong khuôn khổ bài viết, xin được trình bày Thánh Thể - kiện toàn sự hiệp nhất trong Giáo Hội được thể hiện qua những chiều kích sau:

1. Nỗi khát khao hiệp nhất:

       “Thầy ước ao ăn Lễ Vượt Qua với các con trước khi chịu khổ hình” (Lc 22:15), với những lời này, Đức Giêsu bày tỏ nỗi khát khao thẳm sâu trong trái tim của Ngài khi bắt đầu cử hành “bữa ăn cuối cùng” và thiết lập Bí tích Thánh Thể. Đức Giêsu chờ đợi khoảnh khắc mà Ngài sẽ hiến chính Mình Người dưới hình bánh và hình rượu cho những kẻ thuộc về Người. Trong sự ao ước của Đức Giêsu, chúng ta nhận ra sự ao ước của chính Thiên Chúa Cha – Tình yêu mãnh liệt muốn thu hút cả nhân loại vào trong sự sống thần linh của Thiên Chúa và do đó cũng làm thỏa mãn khao khát của tất cả mọi loài thụ tạo, bởi vì: “tất cả thụ tạo đều ngóng chờ sự mạc khải của con cái Thiên Chúa” (x.Rm 8,19), để họ được hợp nhất hoàn toàn nơi Thiên Chúa.

       “Chỉ trong Thiên Chúa mà thôi, hồn tôi mới được nghỉ ngơi yên hàn” (Tv 62,2)

       “Chúa đã dựng nên chúng con cho Chúa, nên lòng chúng con khắc khoải cho đến khi yên nghỉ trong Chúa” (Tự Thuật, Thánh Augustinô)

2. Tình yêu hiệp thông khi cử hành Thánh Thể:

       Giáo Hội hiệp thông trong cùng một Đức tin - Đức cậy - Đức mến và tham dự vào cùng một hy tế của Đức Kitô, tất cả cùng tham dự một cử hành phụng vụ duy nhất và chia sẻ một tấm bánh duy nhất. Vì thế không thể chấp nhận hiệp thông Thánh Thể mà không đưa tới hiệp thông Giáo Hội. Dụ ngôn “tiệc cưới” là hình ảnh rõ nét về mối hiệp thông Giáo Hội. Thiên Chúa bày tỏ sự gần gũi của Ngài một cách đặc biệt khi đi vào phòng tiệc: “dạo quanh, gặp gỡ, chào hỏi thực khách đến dự tiệc”. Thế nhưng lại có một người đến bàn tiệc mà không mặc áo cưới – họ đến mà không vui trong sự hiện diện của Chúa, vì tâm trí họ đang ở những chỗ khác. Dụ ngôn cho biết vị khách không mặc y phục lễ cưới “câm nín” không trả lời ông chủ tiệc, điều đó diễn tả anh ta không muốn đi vào niềm vui tương quan với chủ tiệc, cũng như tất cả thực khách đang hiện diện. Đúng là tất cả mọi người được mời vào dự tiệc một cách nào đó đều có Đức tin - Đức tin “mở cửa” cho họ vào, nhưng thiếu “áo cưới” của hiệp thông yêu thương trong bữa tiệc sẽ bị loại ra ngoài. Sống Đức tin mà không có sự hiệp thông yêu thương tức là không sẵn sàng cho bữa tiệc, sẽ bị trục xuất ra ngoài. Cũng vậy, việc cử hành “bữa ăn của Chúa” đòi hỏi Đức tin, nhưng Đức tin đòi hỏi hiệp thông yêu thương, nếu không, ngay cả Đức tin, nó cũng chết.

       Thánh Phaolô trong thư thứ nhất gửi các giáo đoàn Côrintô xác quyết mạnh mẽ rằng: “Tấm bánh mà chúng ta bẻ ra không phải là chia sẻ trong thân thể Chúa Kitô sao?. Bởi vì có một tấm bánh, chúng ta tuy nhiều nhưng là một thân thể vì chúng ta ăn cùng một tấm bánh” (1 Cr 10:16). Nơi Bí tích Thánh Thể, Hội Thánh được sinh ra. Tất cả chúng ta ăn một tấm bánh và lãnh nhận một thân thể của Chúa; nghĩa là Ngài mở rộng nơi mỗi chúng ta, đưa chúng ta lên cao, vượt qua những rào cản ngăn cách và làm chúng ta nên một trong Ngài.

       “Hãy là những người thờ phượng nhiệt tình của Thánh Thể, nhưng trong sự sốt sắng của anh em nên tránh sự phân rẻ: chỉ có một phép rửa, một chức tư tế, một Thiên Chúa!... Hạng người Công Giáo nào nói: Tôi chỉ tới giáo xứ của tôi”? Một trái tim Công Giáo phải rộng như trái tim của Thiên Chúa! Vì thế hãy tránh sự hẹp hòi nơi lòng mộ mến, tính hẹp hòi làm cho linh hồn teo tóp; trái lại, lòng mộ mến giống như mặt trời ban sự sống làm giản nở trái tim trong khi đốt cháy trái tim! Hãy cao thượng trong cách nhìn sự vật, rộng rãi trong các ước ao, vĩ đại trong tình yêu! (Bài giảng của cha thánh Eymard).

       “Bí Tích Thánh Thể là một cuộc gặp gỡ rất cá nhân sâu sa với Chúa, nhưng không bao giờ là một hành động đạo đức cá nhân riêng lẻ. Chúng ta cần phải cử hành mầu nhiệm đó với nhau”. (Bài giảng của ĐGH Bênêđictô XVI trong thánh lễ Thứ Năm Tuần Thánh).

       Đức Giêsu hiện diện hoàn toàn và tròn đầy mỗi khi cộng đoàn đang cử hành. Thánh Thể nối kết mọi người trong Ngài. Thật vậy, mục đích tối cao của sự biến đổi Thánh Thể là sự biến đổi chính chúng ta trong hiệp thông với Chúa Kitô. Bí tích Thánh Thể nhắm tới những con người mới trong Đức Giêsu, một thế giới mới của tình huynh đệ, yêu thương và phục vụ.

3. Vương Quốc Thánh Thể - lời mời gọi tham gia sứ vụ kiện toàn sự hiệp nhất trong Giáo Hội.

       Sự hợp nhất các Kitô hữu chỉ có thể hiện hữu nếu các Kitô hữu hiệp nhất trong Đức Giêsu. Sự hợp nhất này không phải mang ý nghĩa hoàn toàn thần bí và bên trong, nhưng phải trở nên hữu hình, hữu hình đến mức phải chứng tỏ cho thế gian rằng: “Đức Giêsu được Chúa Cha sai đến”. Ngài đang hiện diện cách sống động nơi cộng đoàn tín hữu. Thánh Thể cho chúng ta viễn cảnh về vương quốc của Thiên Chúa; đó là “dấu chỉ về sự hiện diện của Ngài”. Chúa Giêsu nơi Bí tích Thánh Thể nhắc nhở chúng ta về sự hiện diện của Người nơi những người anh chị em xung quanh, đặc biệt là “những người đói, khát, khách lạ, người đau ốm, tù nhân, người cô thân, người bị bỏ rơi và những nạn nhân...” (x.Mt 25, 31-46). Họ là những người buộc chúng ta liên đới trong Nước Hằng Sống. Thánh Thể không chỉ cho chúng ta đi vào vương quốc Thiên Chúa, nhưng còn là một lời mời gọi chúng ta lên đường xây dựng, kiện toàn và làm cho vương quốc Thánh Thể ngự đến.

       Sau lời Kinh Lạy Cha, các tín hữu đón nhận Mình và Máu Thánh. Điều này bao hàm việc hiệp thông Thánh Thể khơi nguồn cho sứ vụ để cho “Nước Cha trị đến”. Vương quốc sẽ đến của Đức Giêsu Kitô là niềm đam mê của cha Eymard - vị Tồng Đồ Thánh Thể, là một mục tiêu mà cha nỗ lực cách kiên định: “tôi thật sự mong muốn đem vương quốc của Đức Giêsu Kitô tới trên trái đất!. Xin cho nước Ngài đến, phải là một lời kinh liên lĩ”.

       Sau hiệp lễ, phụng vụ đi vào hồi kết thúc. Nghi thức kết lễ diễn ra không chỉ là một công thức tuyên bố rằng: “Phụng vụ thánh lễ đã chấm dứt, cũng không đơn thuần là việc giải tán một nhóm người” nhưng là việc sai đi, nghi thức đơn giản trở thành một “khoảnh khắc sứ vụ”. Cộng đoàn cử hành Thánh Thể lúc này được thúc đẩy bởi Thánh Thần “để ra đi và mang lại hoa trái” (Ga 15,16), Giáo Hội cũng được sai đi để mang lại nhiều hoa trái hơn.

       “Những người thờ phượng đích thực và liên lĩ và tạo nên những tông đồ quảng đại cho vinh quang Ngài, những người chuyển thông tình yêu của Ngài, nhờ đó, Chúa Giêsu có thể luôn được thờ phượng trong Bí tích này và được vinh danh ngoài xã hội trên toàn thế giới”. (Trích hiến luật của Dòng Thánh Thể của cha thánh Eymard)

       “Điều vẫn có ngay từ lúc khởi đầu, điều chúng tôi đã nghe, điều chúng tôi đã thấy tận mắt, điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng, và tay chúng tôi đã chạm đến, đó là Lời sự sống. Chúng tôi đã thấy và làm chứng, chúng tôi loan báo cho anh em sự sống đời đời: sự sống ấy vẫn hướng về Chúa Cha và nay đã được tỏ bày cho chúng tôi”. (1 Ga 1,1-2)

       Suốt buổi cử hành Thánh Thể, chúng ta đã chạm đến sự hiện diện của Thiên Chúa trong cộng đoàn; Chúng ta nghe Thiên Chúa nói với chúng ta qua Lời sự sống; Chúng ta đã chạm đến tình yêu tự hiến mình của Đức Giêsu; Chúng ta đã hưởng nếm Bánh sự sống chứa đầy tình yêu và bình an. Điều đã thấy, đã nghe, đã chiêm ngắm và nếm thử, giờ đây chúng ta được mời gọi làm chứng bằng lời nói và việc làm cho sự sống mà chúng ta đã được vinh dự trải nghiệm. Nhờ đó sự hiệp nhất trong Giáo Hội được kiện toàn, Nước Chúa được hiển trị và vinh quang Thiên Chúa được rạng tỏ khắp trần gian.

       Tạm kết: Hy vọng là tất cả chúng ta đã có đôi chút trải nghiệm về những cộng đoàn sống động nhờ liên đới, hiệp nhất và yêu thương, nơi mà chúng ta cảm nhận sự hiện diện của Thiên Chúa. Sự hiện diện có sức năng động để các thành viên tương tác và chia sẻ những giá trị chung. Nhờ đời sống hiệp nhất của một cộng đoàn mà chúng ta làm chứng về một sức sống và tình yêu của Thiên Chúa. Chúng ta có thể diễn tả một Giáo Hội hiệp nhất bằng hình ảnh quen thuộc trong dụ ngôn của Đức Giêsu: Sự hiệp nhất trong trong Giáo Hội giống như một thành phố xây trên núi để mọi người nhìn thấy. Mặc dù sự hiện diện của cộng đoàn giáo xứ, dòng tu, gia đình hay một đoàn thể Công Giáo có thể là nhỏ bé trong cơ cấu phẩm trật của Giáo Hội, nhưng đừng quên rằng mỗi thành viên trong cộng đoàn đó được kêu gọi để giống như một chút men pha trong khối bột, nhưng vẫn đủ làm dậy men cả thúng bột.

Lm. Phaolô Maria Nguyễn Thanh Quang, SSS

 

 

© 2016 Dongthanhthe.net. All rights reserved.