Thánh Thể Và Các Bí Tích

Bài 3

Đọc và tìm hiểu

Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới Kỳ XI

Về Bí Tích Thánh Thể 

của  Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI gửi các Giám mục, Linh mục, Phó tế,

những người Thánh hiến và  các tín hữu Giáo dân

Rôma 2007 

BÍ TÍCH TÌNH YÊU

Thánh Thể, nguồn suối và tột đỉnh của đời sống và sứ mệnh của Giáo Hội.

V

THÁNH THỂ VÀ CÁC BÍ TÍCH 

      Thánh Thể là  một bí tích nhưng là bí tích như điểm quy tụ của các bí tích khác như Tông Huấn  “Bí Tích Tình Yêu” đã nói khi lấy lại lời của Công đồng chung Vaticanô II: “Công đồng chung Vaticanô II đã nhắc lại rằng, ‘còn về các bí tích khác và tất cả các thừa tác vụ trong Giáo Hội và các việc tông đồ, tất cả đều liên kết chặt chẽ với Thánh Thể và quy hướng về đó. Quả vậy Phép Thánh Thể cực thánh chứa đựng toàn thể những ơn huệ thiêng liêng của Giáo Hội, vì Thánh Thể là chính Chúa Kitô, là sự Vượt qua của chúng ta, là Bánh Hằng Sống, vì nhờ Thịt của Ngài, được làm cho sống động và có sức ban sự sống nhờ Thánh Thần, đem lại sự sống cho con người, mời gọi và hướng dẫn họ cũng hãy tự hiến dâng chính mình, hiến dâng các công việc của họ và mọi sự vật được tạo dựng nên trong sự hợp nhất với Ngài. Mối liên hệ mật thiết giữa Thánh Thể và các bí tích khác cũng như với sự hiện hữu của Kitô hữu được hiểu từ căn gốc khi chúng ta chiêm ngắm chính mầu nhiệm Giáo Hội như một bí tích”(Hiến chế về Giáo Hội, s. 16).

      Số 16 này trình bày tổng quát về mối liên hệ giữa Thánh Thể  và các bí tích qua những điểm sau đây:

       Thánh Thể và các bí tích có liên hệ mật thiết với nhau.

       Mối liên hệ này có nguồn gốc từ sự việc Giáo Hội chính là bí tích phổ quát của ơn cứu rỗi.

      Thánh Thể chứa đựng tất cả  mọi ơn huệ thiêng liêng, vì Thánh Thể là chính Chúa Kitô.

       Nơi Thánh Thể và các bí tích có sức thiêng biến đổi con người toàn diện và làm cho đời sống con người trở nên việc phụng tự xứng đáng dâng lên Thiên Chúa và được Ngài đoái thương chấp nhận.

       Từ những xác quyết này, Tông Huấn trình bày mối liên hệ của Thánh Thể với 6 bí  tích kia. Trong việc trình bày này, Tông Huấn đã theo thứ tự xếp đặt các bí tích như  trong Sách Giáo lý của Hội Thánh Công giáo, đó là:

       Ba bí tích khai tâm Kitô giáo: Rửa tội, Thêm sức và Thánh Thể.

       Hai bí tích chữa lành: Giao hòa và Xức dầu bệnh nhân.

       Hai bí tích mang tính xã hội: Truyền chức thánh và Hôn phối.

      Đây là mẫu để các giáo lý viên tìm hiểu cách xếp đặt các bí tích như trong Sách Giáo lý của Hội Thánh Công giáo và trình bày theo đó, thay vì trình bày theo các thứ tự thời xưa, theo từng bí tích mà không có liên hệ gì với nhau. Cách xếp đặt này đã dựa theo thần học về các bí tích.

      Trong Tông Huấn “Bí Tích Tình Yêu”, Thánh Thể được đặt ở nguồn gốc và tột đỉnh của đời sống và sứ mệnh của Giáo Hội, là nguồn mạch các ơn trong Giáo Hội và trong các bí tích (s. 16 và 84). Trong Sắc lệnh về đời sống linh mục và thừa tác vụ linh mục, Thánh Thể được coi là tột đỉnh các bí tích và các bí tích phải quy về đó (Presbyterorum ordinis, s. 7). Hiến Chế Giáo Hội “Ánh sáng muôn dân” (s. 11) thì coi Thánh Lễ là nguồn mạch và chóp đỉnh của tất cả đời sống Kitô hữu. Còn Hiến Chế Về Phụng Vụ (s. 7) thì nói cách tổng quát hơn coi phụng vụ như là tột đỉnh và nguồn suối của mọi hoạt động của Giáo Hội cũng như là tột đỉnh mà mọi hoạt động của Giáo Hội phải nhắm tới. Như vậy, Giáo Hội luôn đánh giá đúng mức Thánh Thể và việc tham dự Thánh Lễ. Từ đó, chúng ta sẽ hiểu dễ dàng hơn liên hệ giữa Thánh Thể và các bí tích khác. Trong mỗi trường hợp Tông Huấn đã nói tới mối liên hệ, sau đó cho thấy những điểm liên hệ này cách cụ thể, rồi đem ra một vài điểm cụ thể cần được lưu ý đặc biệt trong hoạt động mục vụ về bí tích.

       Nhưng mối liên hệ này cũng có cấp bậc khác nhau:

     Liên hệ nội tại (lien intrinsèque) như  Thánh Thể và bí tích Rửa Tội và Thêm Sức, vì cùng là cửa ngõ và khởi đầu đời sống Kitô hữu (s. 17); như Thánh Thể và bí tích Thống Hối và Hòa Giải (s. 20); như Thánh Thể và bí tích Truyền Chức Thánh (s. 23).

      Liên hệ đặc biệt : như Thánh Thể  và bí tích Hôn Phối có liên hệ đặc biệt (s. 27).

      Liên hệ bình thường: như Thánh Thể với bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân (s. 22).

      Bây giờ chúng ta nói một số điểm về liên hệ giữa Thánh Thể và từng bí tích.  

1) Thánh Thể và các bí tích Khai tâm Kitô giáo (s. 17-19).

      Mối liên hệ này mang tính cách nội tại nghĩa là Thánh Thể cùng với hai bí tích Rửa Tội và Thêm Sức làm nên nền tảng cho đời sống Kitô hữu, nhưng chính Thánh Thể hoàn tất công việc khai tâm này và trở nên trung tâm và cùng đích của đời sống bí tích (s. 17).

      Trong phần này Tông Huấn đã nói tới thứ tự của ba bí tích này (s. 18) và thói quen mục vụ của Giáo Hội Tây phương (Rửa Tội, Rước Lễ lần đầu và sau đó mới là Thêm Sức) và Đông phương (Rửa Tội, Thêm Sức và Thánh Thể, cả cho trẻ con). Trong vấn đề này, Tông Huấn đưa ra hai vấn đề: xem thứ tự nào giúp đỡ tín hữu nhận ra rõ ràng hơn tính cách trung tâm của Thánh Thể; và xin các Hội Đồng Giám Mục xem tiến trình cử hành các bí tích khai tâm để cho thấy tính cách hữu hiệu giáo dục tín hữu nhận ra Thánh Thể là trung điểm của đời sống và cùng với các bí tích khác giúp tín hữu sống chân thực trong thế giới ngày nay (s. 18).

     Tông Huấn nhắc nhở tín hữu lưu tâm làm cho việc khai tâm Kitô giáo đi vào môi trường gia đình thực sự, chứ không chỉ là việc làm cho em bé hay cho người dự tòng. Đàng khác, Đức Thánh Cha (dùng đại danh từ “TÔI”) lưu tâm đặc biệt tới việc Rước Lễ lần đầu như một tác động tôn giáo đầu tiên cho em bé nhận ra sự hiện diện của Chúa Giêsu trong suốt đời sống của em (s. 19). Lưu ý Đức Thánh Cha đã chuyển từ giáo huấn chung tới lời nhắn nhủ riêng của Ngài, khi Ngài dùng chữ “TÔI”: Tôi muốn nhấn mạnh tới tầm quan trọng của dịp Rước Lễ lần đầu. Đối với rất nhiều người tín hữu, ngày  nay ghi lại trong ký ức của họ như là thời điểm, cho dù chỉ rất đơn sơ, họ nhận ra tầm quan trọng của việc gặp gỡ Chúa Giêsu. Mục vụ giáo xứ bằng cách thế thích hợp phải làm nổi bật cơ hội thật ý nghĩa này” (s. 19).

2) Thánh Thể và bí tích Hoà Giải (số 20-21).  

      Bí tích Hòa Giải cũng có một liên hệ nội tại với Thánh Thể. Vì Thánh Thể giúp tín hữu đánh giá nhiều hơn bí tích Thống Hối và Hòa giải. Vì nhờ Thánh Thể, các tín hữu nhận ra cách sâu xa tình yêu của Thiên Chúa và nhờ ý thức về tình yêu này họ sẽ nhận ra ý nghĩa của tội để xa tránh. Khi sạch tội họ sẽ được trở về với sự hiệp thông với Hội Thánh và hiệp thông với Chúa Thánh Thể. Vì thế bí tích này được các Giáo Phụ gọi là bí tích Rửa Tội được thực hiện cách sâu xa hơn (s. 20: laboriosus quidam baptismus: Thánh Gioan Damasceno, Thánh Gregorio de Nazianze, Công đồng Trento) như một cuộc thanh tẩy trọn vẹn lương tâm tín hữu, như một Phép Rửa mới.

      Về phương diện mục vụ, Tông Huấn đề cập đến các điểm sau đây:

      Hãy lo xưng tội thường xuyên hơn. Cần lấy lại tập quán đạo đức này. Vì thế, các tòa giải tội cần được mở ra và có cha giải tội ngồi tòa để tín hữu đến xưng tội cách dễ dàng.

      Việc giải tội tập thể  chỉ được cử hành trong những trường hợp rất khác thường như luật Giáo Hội đã quy định. Ở đây, Đức Thánh Cha cũng dùng thuật ngữ “TÔI” để cho thấy mối lo lắng của Ngài về những lạm dụng khi cử hành việc giải tội tập thể quá dễ dàng.

      Đức Thánh Cha nhân dịp này nhắc lại việc lãnh nhận Ơn xá mà lâu nay vì một số quan niệm thần học sai lầm đã không còn nhắc tới nữa và cho là những điều thuộc về Thời Trung Cổ xa xưa. Việc lãnh nhận Ơn xá cho thấy sự hiệp thông trong Hội Thánh qua các công nghiệp và ơn phúc. Và khi lãnh nhận Ơn xá cũng phải lo xưng tội và xa tránh tội cũng như những hướng chiều về tội.

3) Thánh thể và bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân (s. 22). 

      Chúa Giêsu đã thiết lập trong Giáo Hội bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân. Điều này đã được các tín hữu đầu tiên nhận ra và hưởng dùng như chúng ta thấy trong thư của Thánh Giacôbê Tông Đồ. Trong Thánh Thể, sự đau khổ và sự chết của Chúa Kitô đã được biến đổi thành hy tế cứu đời. Từ đây bí tích Xức Dầu cũng đã làm cho tín hữu đang phải đau khổ vì bệnh tật biến các đau khổ của mình để nên phương thế cứu rỗi cho mình và cho thế giới. Điều này càng có giá trị và hiệu nghiệm khi họ lãnh nhận Mình Thánh Chúa, nhất là khi lãnh nhận như Của Ăn Đàng. Mình Thánh Chúa Kitô đem lại ơn chữa lành thể xác và nhất là sự sống đời đời. Vì thế cộng đoàn giáo xứ hay các cộng đoàn khác cần lưu tâm lo lắng mục vụ cho các bệnh nhân.

4) Thánh Thể và bí tích Truyền Chức Thánh (số 23-26). 

      Bây giờ Tông Huấn bàn về hai bí  tích có tính cách xã hội, vì liên hệ  tới việc điều hành cộng đoàn và thăng tiến cộng đoàn bằng tình yêu hôn nhân. Phần này được Tông Huấn bàn cách sâu rộng hơn. Thánh Thể có  liên hệ nội tại với bí tích Truyền Chức Thánh vì trong Bữa Tiệc Ly Chúa Giêsu đã lập Phép Thánh Thể và chức linh mục tư tế để làm lại việc Ngài đã làm trong bữa tiệc này. Qua Thánh Thể, Chúa Giêsu thiết lập một giao ước mới hoàn toàn và đời đời. Ngài muốn việc này được làm lại. Nhưng không ai khác có thể làm được ngoài linh mục. Chỉ có linh mục khi đọc lời này nhân danh Chúa Kitô,  “Này là Mình Thầy” và “Này là chén Máu Thầy”, thì mới có thể làm cho bánh nên Thịt Chúa và rượu nên Máu Chúa. Trong Tông Huấn này, các giám mục đã đề cập tới chính mối liên hệ giữa linh mục và Thánh Thể (s. 23).

      Từ đây, Đức Thánh Cha, khi dùng thuật ngữ “TÔI” đã lưu ý mấy điểm sau đây (s. 23):

      Chỉ có linh mục được truyền chức cách hợp pháp mới có thể làm nên Thánh Thể và cử hành Thánh Lễ.

      Linh mục cử hành Thánh Thể trong tư thế là  hiện thân của chính Chúa Kitô (in persona Christi), nên Thánh Thể không là của riêng Ngài mà của Chúa Kitô và Giáo Hội. Vì thế các linh mục không đặt mình là chủ của hành động thánh thiện này, nhưng là đầy tớ. Do đó, linh mục cần tuân thủ Lễ nghi cử hành Thánh Lễ, không thêm bớt những lễ nghi văn bản mà Giáo Hội đã định liệu.

     Để được như thế Đức Thánh Cha (dùng đại danh từ “TÔI”) khuyên các linh mục hãy học hỏi về phận vụ này và đào sâu nó như một “phận vụ yêu thương” (amoris officium, Thánh Augustinô) và tôn kính đối với Chúa Kitô, với Giáo Hội và với sự lo lắng của vị mục tử (s. 23).

      Một yếu tố khác trong đời sống linh mục được suy tư thêm trong liên hệ với Thánh Thể: đó là việc giữ  luật độc thân linh mục (s. 24). Đây là việc thuộc phạm vi kỷ luật của Giáo Hội Latinh – với sự  tôn trọng truyền thống của Giáo hội Đông phương – và Tông Huấn nhắc lại kỷ luật này với sự xác tín dựa vào truyền thống cao cả và các giáo huấn của các vị Giáo Hoàng. Ý nghĩa của luật độc thân không nằm trong khía cạnh thi hành chức vụ, nhưng phải được nhìn cách sâu rộng hơn trong chính việc nên đồng hình, đồng dạng với Chúa Kitô Thánh Thể để trao ban trọn vẹn chính mình cho Thiên Chúa và Giáo Hội. Vì thế, Đức Thánh Cha (TÔI”) xác định lại tính cách bắt buộc của luật độc thân trong Giáo Hội Latinh. Ở đây, thuật ngữ “TÔI” có tính cách trang trọng và gần như lúc Đức Giáo Hoàng công bố một điều quan trọng.

       Từ đây, Tông Huấn đã nói tới một số vấn đề thời sự trong Giáo Hội liên hệ tới thừa tác vụ linh mục:

      Trước tiên là vấn  đề thiếu linh mục và thiếu ơn gọi linh mục tại một số nơi. (s. 25). Việc này cần được giải quyết do sự phân phối đồng đều và hợp lý các linh mục. Các nghị phụ cũng xin các Dòng tu dấn thân trong việc phục vụ tại các nơi này, cũng xin các giáo sĩ sẵn sàng giúp đỡ khi cần tới tại các nơi này. Các gia đình cũng được khuyến khích hơn trong việc mục vụ ơn gọi và sẵn sàng quảng đại dâng con cho Chúa. Đàng khác, cũng cần thẳng thắn nói với người trẻ về tiếng Chúa gọi trong thiên chức linh mục và tính cách tận căn của đời sống linh mục. Tuy nhiên không nên vì thiếu linh mục mà truyền chức cho các ứng viên không đủ các điều kiện đầy đủ (s. 25).

      Nhân dịp này, Đức Thánh Cha (dùng đại danh từ “TÔI”) cũng nhân danh Giáo Hội ca ngợi và cám ơn các linh mục đã quảng đại phục vụ trong chức vụ của mình, như các linh mục “fidei donum” (được sai đi phục vụ một thời gian tại các nơi thiếu linh mục). Ngài cũng cám ơn các linh mục đã hy sinh tất cả, ngay mạng sống để sống và phục vụ tín hữu. Đức Thánh Cha nhắc nhủ, cho dù thiếu linh mục, nhưng hãy tin rằng Chúa thửa ruộng sẽ lo sai các thợ gặt tới làm việc trong ruộng của mình (s. 26).

5) Thánh Thể và bí tích Hôn Phối (s. 27- 29).

      Đây là phần cuối cùng bàn về liên hệ giữa Thánh Thể và các bí tích. Thánh Thể và bí tích Hôn Phối có một liên hệ đặc biệt (s. 27). Trong Thánh Thể, Chúa Kitô trao ban chính mình cho Giáo Hội, như hình ảnh vợ chồng yêu thương nhau và trao ban chính mình cho nhau cách vĩnh viễn. Thánh Thể là bí tích của Hôn Phu Thánh là Chúa Kitô, và của Hôn Thê Thánh là Giáo Hội. Chính khi sự hợp nhất giữa vợ với chồng đem vào trong sự hiệp nhất của Thánh Thể, thì nhờ đó mà trở nên bền chặt vững vàng. Giáo Hội lưu tâm và quý trọng các đôi hôn phối được cử hành trong bí tích này. Giáo Hội quý trọng và lo cho gia đình. Ở đây, Thượng Hội Đồng Giám Mục lưu tâm tới sứ mệnh của người phụ nữ trong gia đình và trong xã hội. Vậy, cần bảo vệ, nâng đỡ để họ thi hành sứ mệnh này cách trọn vẹn và đem nhiều lợi ích cho gia đình (s. 27).

      Từ đây, Tông Huấn bàn tới một vài vấn đề cụ thể liên hệ tới hôn nhân Công Giáo, như Thánh Thể và tính cách một vợ một chồng (s. 28). Mối liên hệ không thể hủy bỏ và duy nhất nối kết giữa Chúa Kitô và Giáo Hội soi sáng cho việc người đàn ông chỉ cưới một người đàn bà và đối lại, người đàn bà chỉ cưới một người đàn ông.  Những nơi nào có vấn đề đa thê, thì cần rao giảng Tin Mừng để có thể đem lại ánh sáng Chúa Kitô cho những vùng này.

     Rồi vấn đề bất khả hủy khế ước hôn nhân cũng là một lo lắng mục vụ trong Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới. Các giám mục đã lưu ý tới những hoàn cảnh đau thương như những cặp vợ  chồng cưới hỏi trong nhà thờ, nhưng sau đó ly dị và lại lập hôn phối với một người khác (s. 29). Một điều xảy ra thường xuyên trong xã hội ngày nay. Trong hoàn cảnh này tuy rất lo lắng cho họ, nhưng vì tôn trọng chân lý, Giáo Hội không thể cho phép những người này lên Rước Lễ. Việc ly dị vì hoàn cảnh này đã làm sai lạc ý nghĩa của sự hiệp thông giữa vợ và chồng, theo gương Chúa Kitô hiệp nhất với Giáo Hội. Tuy nhiên, Giáo Hội vẫn khuyến khích họ sinh hoạt trong cộng đoàn, đi tham dự Thánh Lễ, giáo dục con cái trong đức tin, nhưng không lên Rước Lễ.

      Khi có những nghi ngờ về mối dây hôn phối trước, thì các Tòa Án Hôn Phối tại các cấp bậc khác nhau tìm hiểu xem sự thật thế nào và giúp cho những người trong hoàn cảnh này được thanh thản lương tâm nếu có lý do xác thực về cuộc hôn phối trước đây không thành. Giáo hội cũng khuyến khích các người trong hoàn cảnh này, nếu không bỏ nhau được vì những lý do đặc biệt thì sống như anh chị em hoặc như bạn hữu (s. 29). Đây là công tác mục vụ rất khó khăn.

      Vì thế, cần huấn luyện kỹ lưỡng các đôi trẻ đính hôn trước khi cưới nhau để họ trưởng thành trong sự chọn lựa và dấn thân sống cho nhau và bên nhau suốt đời (s. 29).

      Cho tới đây, chúng ta biết được rõ ràng hơn những mối liên hệ giữa Thánh Thể và các bí tích. Vì thế, các buổi cử hành bí tích trong Thánh Lễ mang ý nghĩa sâu xa này. Chúng ta cũng nhận ra các người lãnh nhận các bí tích khác được soi sáng bởi chân lý về Thánh Thể để tránh những gì làm sai lạc việc lãnh nhận bí tích và việc tham dự Thánh Lễ. 

 

VI 

THÁNH THỂ  VÀ CÁNH CHUNG 

      Thánh Thể và cánh chung là điều hiển nhiên trong giáo lý của Giáo Hội. Hiến Chế Về Phụng Vụ nói như sau: “Trong bữa Tiệc Ly, vào đêm bị trao nộp, Đấng Cứu Chuộc chúng ta đã thiết lập Hy Tế Tạ Ơn bằng Mình Máu Người, để nhờ đó Hy Tế Khổ Giá kéo dài qua các thời đại cho tới khi Người lại đến...” (Hiến Chế Phụng Vụ số 47). Còn trong Thánh Lễ, chúng ta vẫn tuyên xưng: “Lạy Chúa, chúng con loan truyền Chúa chịu chết, và tuyên xưng Chúa sống lại, cho tới khi Chúa đến”. Về mối liên hệ giữa Thánh Thể và cánh chung, hay nói kiểu khác, tính cách cánh chung của Thánh Thể, được Tông Huấn “Bí Tích Tình Yêu” bàn tới trong các số 30-32. Vậy, đây là một đề tài cổ điển trong thần học. Các hình ảnh trong Cựu Ước tiên báo thời cánh chung được dùng tới và bây giờ đã thực hiện trong việc Chúa Kitô đến trong trần gian, khai mào thời cánh chung này.

      Xét về chỗ đứng của mục bàn về cánh chung, chúng ta thấy có sự  giống nhau giữa bố cục của Hiến Chế Về Giáo Hội “Ánh Sáng Muôn Dân” và Tông Huấn này. Đó là đi từ bản tính của Giáo Hội, rồi tới bí tích, sau đó tới ơn gọi phổ quát nên thánh, tính cách cánh chung, và Đức Mẹ Maria (Hiến chế Ánh sáng muôn dân, số 1-69). Tông Huấn “Bí Tích Tình Yêu”, cũng đi từ Giáo lý về Thánh Thể, các bí tích, cánh chung và Đức Mẹ Maria (BTTY, số 6-33). Cách bố cục này cũng giúp chúng ta hiểu thêm phần nào ý nghĩa của từng vấn đề.

      Vậy, vấn đề cánh chung và Thánh Thể được bàn thế nào trong Tông Huấn này? (s. 30-32). Phần này cũng có một trình bày giáo lý (s. 30-31) và một áp dụng mục vụ (s. 33).

      Trong phần giáo lý, Tông Huấn đã nói tới:

      Con người đang sống trong cuộc lữ hành tiến về trời để đạt tới vinh quang sau cùng trong Nước Thiên Chúa (s. 30).

      Nhưng vì tự do của con người bị  tổn thương và làm điều tội lỗi nên con người không thể tự mình tiến trên con đường lữ  hành này và đạt tới hạnh phúc muôn đời (s. 30).

      Chính trong hoàn cảnh này, Thánh Thể của Chúa Kitô được ban cho tín hữu để họ được mạnh sức trên hành trình tiến về quê trời, nhưng cũng được nếm thử hạnh phúc vinh quang ngay từ đời này. Vì trong Thánh Thể là chính Chúa Kitô đã chiến thắng sự dữ và sự chết, cũng như Ngài là vinh quang đời đời. Thân xác Ngài đã sống lại và hưởng vinh quang bất diệt của Thiên Chúa. Vì thế, ai lãnh nhận Mình Máu Thánh Chúa thị được hưởng vinh quang này của Chúa Kitô và được hy vọng hưởng nếm trọn vẹn vinh quang này trong ngày sau hết (s. 30).

      Một khía cạnh khác cũng được lưu  ý tới, đó là bàn tiệc cánh chung (s. 31). Tiệc cánh chung được nói tới nhiều trong Cựu Ước. Trong Phúc Âm, nhiều dụ ngôn cũng được mô tả trong bối cảnh bàn tiệc cánh chung. Trong phụng vụ Thánh Lễ thì Lời Nguyện Hiệp Lễ xin cho các tín hữu khi tham dự bàn tiệc Thánh Thể cũng được tham dự bàn tiệc thiên quốc đời đời. Như vậy, Chúa Thánh Thể cho chúng ta tham dự bàn tiệc của Ngài khi lãnh nhận Mình và Máu Thánh Chúa. Ngài gợi ra cho chúng ta sự mong chờ được tham dự bàn tiệc cánh chung. Đàng khác, ngày nay, khi tham dự bàn tiệc Thánh Thể chúng ta cũng được Chúa ban cho nếm thử trước niềm hoan lạc của bàn tiệc cánh chung. Vậy, việc Chúa Kitô đến trong trần gian và việc Ngài ban Thánh Thể đã mở màn cho thời đại cánh chung. Tất cả chúng ta và mọi thụ tạo đều ngong ngóng đón chờ ngày tỏ hiện của Chúa Kitô trong vinh quang của thời cánh chung. Ngài thiết lập cộng đoàn các tông đồ như những ngôn sứ thu tập Dân Chúa thời cánh chung. Ngày nay, mỗi lần tín hữu đến tham dự Thánh Thể, họ đang cùng nhau sống trong tình hiệp nhất của đoàn dân mới và đón chờ thời cánh chung sẽ đến, với niềm hy vọng cánh chung. Bàn tiệc Thánh Thể là việc chúng ta nếm thử trước bàn tiệc cánh chung (s. 31).

      Đi vào trong phạm vi mục vụ, Tông Huấn đã muốn lưu tâm chúng ta về việc cử hành Thánh Thể cầu cho các người đã qua đời và cầu nguyện cho họ được vào hưởng tôn nhan Chúa (s. 32). Những người này đã chết nhưng chưa được tham dự hoàn toàn vào bàn tiệc cánh chung. Họ cần lời cầu nguyện của chúng ta và nhất là qua việc cử hành Thánh Thể để cầu cho họ. Với chúng ta, khi làm việc đạo đức này, chúng ta cũng tăng cường niềm hy vọng của chúng ta là mong chờ Ngày Chúa lại đến, để rồi trong ngày đó, chúng ta sẽ được gặp lại những người đã ra đi trước chúng ta. Ngoài ra, như trên đây (s. 21), Tông Huấn cũng nhắc tới việc hưởng các Ơn xá để chỉ cho các linh hồn nơi luyện ngục.

      Vậy, Thánh Thể đưa chúng ta vào sự hiệp thông với Chúa Ba Ngôi, với các thánh và các đẳng linh hồn. Chúng ta ca tụng những thánh nhân là gương mẫu cho chúng ta và là các vị quan thày của chúng ta. Chúng ta trợ giúp các anh chị em còn đang phải thanh luyện trước khi được nhận vào trong việc chiêm ngắm hồng phúc Chúa Ba Ngôi. Chúng ta tăng cường niềm hy vọng vào nơi chúng ta sẽ được hiệp cùng các Ngài trong ngày sau hết, ngày của trời mới đất mới.

       Lm. Phanxicô Borgia Trần Văn Khả

© 2016 Dongthanhthe.net. All rights reserved.