Giới Thiệu Tổng Quát Về Bí Tích Tình Yêu

Đọc và tìm hiểu

Tông Huấn Hậu Thượng Hội  Đồng Giám Mục Thế Giới Kỳ XI

Về  Bí Tích Thánh Thể

của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI gửi các Giám mục, Linh mục, Phó tế,

những người Thánh hiến và các tín hữu Giáo dân

 
Rôma 2007

BÍ TÍCH TÌNH YÊU

Thánh Thể, nguồn suối và tột đỉnh của  đời sống và sứ mệnh của Giáo Hội.


LỜI DẪN NHẬP 

      Trong phần mở đầu của Tông Huấn “Bí Tích Tình Yêu” Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI nói : “Theo ý các Nghị phụ của Thượng Hội Đồng Giám Mục trong văn kiện này tôi muốn nhắc nhở để các tín hữu Kitô giáo hãy đào sâu mối liên hệ giữa mầu nhiệm Thánh Thể, hành động phụng vụ và việc phụng tự thiêng liêng mới phát sinh từ Thánh Thể là Bí tích tình yêu” (s. 5). Theo lời kêu gọi trên đây, tôi muốn đóng góp các bài viết trong tập nhỏ này để giúp những ai muốn học hỏi và cần tới có thể đào sâu và rồi tự tìm hiểu thêm Tông Huấn này. Hãy cố gắng đọc lại và tìm hiểu điều Tông Huấn muốn nói với mọi thành phần của Giáo Hội. Việc đọc chính bản văn vẫn là điều cần và đáng khuyến khích.

      Hy vọng các bài viết này giúp ích cho tín hữu một phần nào để hiểu Tông Huấn về Bí tích Thánh Thể, để hiểu mầu nhiệm Thánh Thể, để cử hành Thánh Thể cách sốt sắng tích cực và tạo ra một nền tu đức đặt nặng trên nền tảng Thánh Thể, như các Giám mục và Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI mong muốn.  


I.

GIỚI THIỆU TỔNG QUÁT


      Ngày 13 tháng 3 năm 2007, tại phòng báo chí Tòa Thánh, Vatican, Đức Hồng Y Angelo Scola, Thượng phụ Venezia (Italia) đã giới thiệu với báo chí và mọi người Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới Kỳ XI mang tựa đề “Bí Tích Tình Yêu” (Sacramentum Caritatis = BTTY). Tông Huấn này đã được Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI ký và ban hành ngày 22-02-2007, Lễ kính Tòa Thánh Phêrô tông đồ. Đức Thánh Cha đã soạn ra Tông Huấn này dựa theo các Đề nghị (Propositiones) của Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới Kỳ XI trình lên Ngài.

      Để hiểu thêm phần nào Tông Huấn này, chúng ta lần lượt trình bày một số điểm, và từ đó mỗi người sẽ đọc chính bản văn của Tông Huấn và tìm hiểu thêm.

1. Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới

      Khi nói tới Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới, chúng ta hiểu là một cơ cấu mới trong Giáo Hội, được thiết lập do Đức Thánh Cha Phaolô VI vào năm 1967. Cơ cấu này nhằm mục đích thể hiện tính cách giám mục đoàn của Giáo Hội, như đã được Công Đồng Chung Vaticanô II mong ước trong Hiến Chế về Giáo Hội. Đây không phải là Công Đồng, nhưng là một cơ cấu gồm đại biểu các Hội Đồng Giám Mục đề nghị để cùng Đức Thánh Cha suy tư về một vấn đề. Các giám mục Việt Nam được cử hai giám mục là thành viên chính thức và một giám mục là dự khuyết. Năm 2005, hai vị giám mục Việt Nam tham dự Thượng Hội Đồng Giám Mục này là Đức Cha Phêrô Trần Đình Tứ, Giám mục Phú Cường, Chủ tịch Ủy Ban Phụng Tự, và Đức Cha Phaolô Nguyễn Văn Đọc, Giám mục Mỹ Tho, Chủ tịch Ủy Ban Tín Lý.

      Cho tới nay đã có 11 Thượng Hội  đồng Giám Mục Thế Giới (Khóa I, năm 1967: Bảo toàn và tăng cường đức tin Kitô giáo, sự vẹn toàn của đức tin này, sức mạnh và sự phát triển cũng như sự đồng nhất đức tin và lịch sử); Khóa II, năm 1971: Chức linh mục thừa tác và công bình trên thế giới; Khóa III, năm 1974: Việc rao giảng Tin Mừng trong thế giới ngày nay; Khoá IV, năm 1977: Việc dạy giáo lý trong thời đại chúng ta;  Khoá V, năm 1980: Gia đình Kitô giáo; Khóa VI, năm 1983: Sự hoà giải và thống hối trong sứ mệnh của Giáo Hội; Khóa VII, năm 1987: Ơn gọi và sứ mệnh của giáo dân trong Giáo Hội và thế giới; Khoá VIII, năm 1990: Việc huấn luyện linh mục trong hoàn cảnh hiện đại; Khoá IX, năm 1994: Đời sống thánh hiến và sứ mệnh của bậc sống này trong Giáo Hội và trong thế giới; Khóa X, năm 2001: Giám mục, người tôi tớ của Tin Mừng Chúa Kitô đem lại hy vọng cho thế giới; Khóa XI, năm 2005: Thánh Thể, nguồn suối và tột đỉnh của đời sống và sứ mệnh của Giáo Hội). Ngoài ra còn có các Thượng Hội Đồng Giám Mục đặc biệt theo nhu cầu của Giáo Hội hay cho từng Châu, hay từng nước, như Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế giới khóa đặc biệt I (năm 1969: Sự hợp tác giữa Tòa Thánh và các Hội Đồng Giám Mục); Khoá đặc biệt II (năm 1985: 20 năm kết thúc Công Đồng Chung Vaticanô II); Khoá đặc biệt cho Hòa Lan, năm 1980: Tình trạng mục vụ tại Hòa Lan); Khóa đặc biệt cho Âu Châu I (năm 1991: Chứng nhân cho Chúa Kitô); Khóa đặc biệt cho Phi Châu (năm 1994: Giáo Hội tại Phi Châu và sứ mệnh rao giảng tin Mừng vào năm 2000); cho Liban (năm 1995: Chúa Kitô là hy vọng của chúng ta); cho Mỹ Châu (năm 1997: Gặp gỡ Chúa Kitô sống động, con đường canh tân hoán cải, hiệp thông và liên đới); cho Á Châu (năm 1998: Chúa Kitô, Đấng Cứu Chuộc, sứ mệnh tình yêu và phục vụ của Ngài tại Á Châu); Châu Đại Dương (năm 1998: Chúa Giêsu Kitô: Dõi theo con đường của Ngài, loan báo sự thật của Ngài, sống sự sống của Ngài: Một lời mời gọi gửi tới Dân Chúa tại Châu Đại Dương), và Âu Châu II (năm 1999: Chúa Giêsu hằng sống trong Giáo Hội, nguồn suối và hy vọng cho Âu Châu); cũng như cho Liban và cho Hòa Lan. Tại Vatican có một Văn Phòng Tổng Thư Ký, do một Vị Tổng Giám Mục hay Hồng Y đứng đầu, lo các việc như tham khảo, triệu tập, đệ trình các đề nghị lên Đức Thánh Cha, và sau khi ban bố Tông Huấn Thượng Hội Đồng Giám Mục, lo kiểm điểm việc thực thi các giáo huấn trong Tông Huấn.

      Trước khi họp Thượng Hội Đồng, thường có cuộc tham khảo về chủ đề bàn tới. Sau đó chính Đức Thánh Cha sẽ quyết định chủ đề sẽ được bàn tới trong Thượng Hội Đồng. Văn Phòng Tổng Thư Ký cũng soạn thảo bản văn mang những nét đại cương (Lineamenta, x. BTTY, s. 5) gửi đi các Cơ Quan Trung Ương của Tòa Thánh và các Hội Đồng Giám Mục Thế Giới để suy tư và đào sâu thêm. Sau khi các nơi tham khảo đã gửi các ý kiến về, thì Văn Phòng Tổng Thư Ký sẽ soạn lại thành một bản văn các điểm chính (Instrumentum laboris, x. BTTY, s. 5) để dựa  vào đó mà suy tư và đào sâu thêm trong chính Thượng Hội Đồng. Các ý kiến này cũng giúp cho Vị Thuyết trình viên của Thượng Hội Đồng Giám Mục soạn bài trình bày tổng quát (x. BTTY, s. 5) trước toàn thể các đại biểu của các Hội Đồng Giám Mục. Sau khi bàn cãi đề tài trong Thượng Hội Đồng Giám Mục, thì các ý kiến cũng được góp lại thành một bản trình bày sau các cuộc bàn cãi (x. BTTY, s. 5). Từ đây Thượng Hội Đồng sẽ biểu quyết một số những Đề nghị (Propositiones, x. BTTY, s. 5) để Đức Thánh Cha có thể dựa vào đó mà soạn thảo Tông Huấn cho toàn thể Giáo Hội.

      Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế  Giới khóa XI, họp từ ngày 2 đến ngày 23 tháng 10 năm 2005, tại Vaticanô, đã chọn đề tài về Thánh Thể để suy tư và đưa ra những đường hướng mục vụ liên hệ tới việc tôn sùng Thánh Thể. Đề tài đó được ghi ra như sau: “Thánh Thể, nguồn suối và tột đỉnh đời sống và sứ mệnh của Giáo Hội” (x. BTTY, s. 3). Đề tài này cũng được ghi lại, như là phụ đề của tựa đề chính “Sacramentum Caritatis” = “Bí Tích Tình Yêu” của Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới công bố ban hành ngày 13 tháng 3 năm 2007.

      Khóa họp Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới này cũng nằm trong mối ưu tư lo lắng của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, khi Ngài công bố Năm Thánh Thể. Để hướng dẫn Năm Thánh Thể, Tôi Tớ Chúa, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã công bố thông điệp của Ngài về giáo lý Thánh Thể mang tựa đề “Giáo Hội từ Thánh Thể” (Ecclesia de Eucharistia,17-04-2003, Thứ Năm Tuần Thánh). Ngoài ra, chúng ta cũng phải kể tới Đại Hội Thánh Thể Thế Giới vào tháng 10 năm 2004 tại Guadlajara, Mễ Tây Cơ. Rồi Năm Thánh 2000 cũng mang đậm nét Thánh Thể và chắc chắn đã in sâu vào tâm trí mọi người một lòng mộ mến Thánh Thể từ Năm Thánh này (x. s. 4). Tất cả đều ăn khớp với nhau và người ta nhận ra như một chuỗi mắc xích các yếu tố làm cho tâm thức Thánh Thể được làm cho sống động lại trong mỗi người tín hữu và trong mỗi cộng đoàn tín hữu. Từ đây chúng ta hiểu được việc chọn lựa một đề tài để suy tư cho Khóa XI của Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới liên hệ tới Thánh Thể. Như vậy tín hữu nhận ra một tâm thức nội tại của Giáo Hội và một sức hoạt động cụ thể và không ngừng của Chúa Thánh Thần trong Giáo Hội.  

      Khi nói về Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới khóa XI và Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, chúng ta nhận ra ba điểm đặc biệt của khóa họp này là:

1. Đức Thánh Cha Beneđicto XVI đã cho phát biểu tự do ngay trong chính khóa họp vào ban chiều mà không cần phải ghi tên trước và theo đề tài đã được đưa ra.

2. Đức Thánh Cha đã cho phép dịch 50 đề nghị (Propositiones) của Thượng Hội  đồng ra tiếng Ý và cho phép phổ biến cho đại chúng. Đây là lần đầu tiên. Vì từ  trước đến giờ, các đề nghị này được soạn bằng tiếng Latinh và chỉ để trình lên  Đức Thánh Cha và xin Đức Thánh Cha ban bố một văn kiện về giáo huấn đã được bàn cãi trong khóa họp.

3. Khóa họp cũng được thu ngắn lại chỉ còn trong 3 tuần lễ mà thôi.  

2. Mục  đích

Về mục đich của Tông Huấn, Đức Thánh Cha đã nói rõ trong số  5 như sau: Tất cả các văn kiện chuẩn bị cũng như việc bàn thảo trong Khóa họp đều nhằm “mục đích là phát triển một số đường nét căn bản để dấn thân, để làm sống lại trong Giáo Hội một đà tiến mới và một lòng hăng say mới đối với Chúa Thánh Thể”.

3. Bố cục và cấu trúc của Tông Huấn “Bí Tích Tình Yêu”  

      Tông Huấn gồm 97 số. Như chúng ta nhận ra, ngoài phần mở đầu (s. 1-5) và phần kết (s. 95-97), Tông Huấn được chia ra làm ba phần, hầu như cân đối với nhau, xét theo các số trong mỗi phần. Ba phần này được ghi nhận như sau :

Phần I : Mầu nhiệm để tin (s. 6-33)

Phần II : Mầu nhiệm để cử hành (s. 34-69)

Phần III : Mầu nhiệm để sống (s. 70-94).

      Ba phần này đã  được Đức Thánh Cha (dùng đại danh từ “TÔI”) nói tới trong số 5 như sau : « Trong Tông Huấn này, tôi nhắn nhủ dân Kitô giáo hãy đào sâu mối liên hệ giữa Mầu nhiệm Thánh Thể (Phần I), hành động phụng vụ (Phần II) và việc thờ phượng thiêng liêng mới phát xuất từ Thánh Thể  (Phần III».

      Nhận xét về bố  cục này, chúng ta thấy như cách bố cục của sách Giáo lý của Giáo Hội công giáo. Phần I : Tôi tin ; Phần II : Tôi cử hành ; và Phần III : Tôi sống. Sách Giáo lý còn thêm Phần IV : Tôi cầu nguyện. Ở đây tuy không nói trực tiếp về việc cầu nguyện, nhưng Tông Huấn đã nói nhiều về viêc cử hành Thánh Lễ và việc thờ lạy Thánh Thể, như là hành động cầu nguyện cao trọng và việc thờ lạy Thánh Thể như là việc cầu nguyện chiêm niệm đích thực và có nội dung uy linh nhất. Chúng ta có một tam giác ba cạnh bằng nhau với ba điểm ở đầu mỗi cạnh là : Mầu nhiệm – cử hành – đời sống.

      Nếu so sánh cách bố  cục của Tông Huấn « Bí Tích Tình Yêu» và các bố cục của Thông Điệp « Thiên Chúa Là Tình Yêu », chúng ta cũng nhận ra có phần giống nhau. Trong cả hai văn kiện, Đức Thánh Cha đã dành phần thứ nhất để trình bày về giáo huấn liên hệ tới Bí tích Thánh Thể (Tông Huấn) và ý nghĩa của tình yêu Kitô giáo (Thông Điệp). Sau đó trong phần sau, Đức Thánh Cha đã đem áp dụng giáo huấn vừa trình bày ở phần trên vào các thực tại của con người : Phần III của Tông Huấn ; và phần II của Thông Điệp. Riêng Tông Huấn « Bí Tích Tình Yêu » có phần thứ II nói về hành động phụng vụ cử hành Thánh Thể, thì đây là áp dụng cách rất đặc biệt giáo huấn ở phần I về Mầu nhiệm Thánh Thể, vào việc cử hành Thánh Thể, làm thế nào để thực sự nói lên sự cao cả, uy nghiêm và đòi hỏi lớn lao của Bí Tích Cực Trọng này. Nên chúng ta cũng thấy Phần thứ II của Tông Huấn nằm trong phần áp dụng.


II

Tương quan giữa Thông Điệp “Thiên Chúa Là Tình Yêu”  

và  Tông Huấn “Bí Tích Tình Yêu”

      Thông Điệp “Thiên Chúa Là Tình Yêu” (Deus Caritas Est) và Tông Huấn “Bí Tích Tình Yêu” (Sacramentum Caritatis) là hai văn kiện quan trọng đầu tiên của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, ngoài các bài diễn văn và các bài huấn từ khác của Ngài, từ khi Ngài lên làm Giáo Hoàng. Hai văn kiện này tương quan mật thiết với nhau, như chính Đức Thánh Cha (dùng đại danh từ “TÔI”) đã nói trong Tông Huấn: “Trong viễn tượng này, Tôi muốn đặt Tông Huấn này trong tương quan với Thông Điệp đầu tiên của tôi “Thiên Chúa là Tình Yêu” vì trong Thông Điệp này tôi đã nói nhiều lần về bí tích Thánh Thể để nhấn mạnh tới mối liên hệ của Bí tích này với tình yêu Kitô giáo khi hướng tình yêu này về  Thiên Chúa hay tới nhân loại: “Thiên Chúa nhập thể lôi kéo chúng ta lại với Ngài. Từ đây, bây giờ thì người ta hiểu tại sao agape lại trở nên tên gọi của bí tích Thánh Thể: trong bí tích này, agape của Thiên Chúa đến với chúng ta một cách theo thân xác để có thể tiếp tục công việc của mình nơi chúng ta và qua chúng ta” (s. 5)[1].

        Trong việc nghiên cứu cụ thể chúng ta đưa ra một vài yếu tố cho thấy mối liên hệ này.

      Trước tiên chúng ta nhận ra các trích dẫn hay được nhắc tới từ Thông Điệp “Thiên Chúa Là Tình Yêu” đến Tông Huấn “Bí Tích Tình Yêu” như sau:

Một số  trích dẫn

Tông Huấn “Bí Tích Tình Yêu” trích dẫn Thông Điệp “Thiên Chúa Là Tình Yêu”.

      - BTTY số 9 trích nguyên văn TCLTY số 12 như sau: “Trong cái chết thập tự  của Người, việc ‘Thiên Chúa quay lại chống đối chính mình’ đạt đến mức độ tuyệt đỉnh, khi Người tự hiến chính mình, để nâng con người lên và cứu độ họ – đó là tình yêu trong hình thức triệt để nhất”.

      - BTTY số 11 trích dẫn lại bản văn của Thông điệp TCLTY số 13  như sau: “Bí tích Thánh Thể lôi kéo chúng ta vào hành động tận hiến của Đức Giêsu. Chúng ta không chỉ đón nhận Logos nhập thể, nhưng còn được lôi kéo vào sức năng động của sự tận hiến của Người”.

      - BTTY số 82 cũng đã trình dẫn TCLTY số 14 như sau: “Ở đây, việc đối kháng thông thường giữa phụng tự và đạo đức tan biến: sự kiện “được Yêu” và lại yêu thương những người khác nằm ngay trong chính “phượng tự”, trong cộng đoàn Thánh  Thể. Bí tích Thánh Thể, nếu như không đưa đến hành động thực tiễn của tình yêu, sẽ tự nó trở nên vụn vặt”.

      - BTTY số 88 trích dẫn bản văn của TCLTY số  18: “Tình yêu cốt yếu tại chính điều này là trong Thiên Chúa và cùng với Thiên Chúa, tôi yêu người thân cận, cả khi tôi không thích hoặc không biết người đó, điều này chỉ trở nên khả thể từ cuộc gặp gỡ thâm sâu với Thiên Chúa, một sự gặp gỡ trở thành hiệp thông ý muốn và thâm nhập vào trong tình cảm. Bấy giờ tôi học cách nhìn người khác không phải chỉ bằng con mắt và tình cảm của riêng tôi, nhưng từ nhãn giới của Đức Giêsu Kitô”.

      - BTTY số 89 trích số 28 của TCLTY: “Việc kết hợp với Đức Kitô  cũng đồng thời là một sự kết hợp với những kẻ khác, với những người mà Chúa tự hiến cho. Tôi không thể dành riêng Đức Kitô cho một mình tôi, tôi chỉ có thể thuộc về Người trong cộng đoàn cùng với những ai đã thuộc về Người hay sẽ thuộc về Người”.

Nội dung

      Mối tương quan này còn được nhận ra trong chính nội dung của hai văn kiện : Trong khi Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI nói về tình yêu của Thiên Chúa trong thông điệp với những xác quyết, lý luận, chứng minh và áp dụng vào nhiều khía cạnh của đời sống kitô hữu, thì với Tông Huấn “Bí Tích Tình Yêu”, ngài đã cho thấy chính tình yêu của Thiên Chúa được thể hiện qua việc trao ban Mình và Máu Thánh Chúa Kitô cho con người. Như vậy hai văn kiện như xoắn lại nhau và làm cho chủ đề tình yêu Thiên Chúa mỗi ngày mỗi sáng tỏ hơn, xác tín hơn, mời gọi tha thiết hơn. Con người không còn có lý do gì từ chối tình yêu Thiên Chúa, khi họ nói, tình yêu Thiên Chúa nào chúng tôi thấy được. Ngày nay tình yêu đó thể hiện rõ rệt, liên tục trong mầu nhiệm Thánh Thể. Do đó ai không chấp nhận Chúa Kitô trong Thánh Thể, là không chấp nhận Chúa Cha và tình yêu của Ngài đối với họ.

Bố cục và cấu trúc

      Mối liên hệ này còn được nhận ra qua việc xếp đặt bố cục và cấu trúc của Tông Huấn “Bí Tích Tình Yêu”  và Thông Điệp “Thiên Chúa Là Tình Yêu”.

      Như chúng ta nhận ra, ngoài phần mở  đầu (ss. 1-5) và phần kết (ss. 95-97), Tông huấn được chia ra làm ba phần, hầu như cân đối với nhau, xét theo các số trong mỗi phần. Tông Huấn gồm 97 số. Ba phần này được ghi nhận như sau :

Phần I : Mầu nhiệm để tin (ss. 6-33)

Phần II : Mầu nhiệm để cử hành (ss. 34-69)

Phần III : Mầu nhiệm để sống (ss. 70-94).

       Ba phần này đã được Đức Thánh Cha (dùng đại danh từ “TÔI”) nói tới trong số 5 như sau : “Trong Tông Huấn này, tôi nhắn nhủ dân Kitô giáo hãy đào sâu mối liên hệ giữa Mầu nhiệm Thánh Thể (Phần I), hành động phụng vụ (Phần II) và việc thờ phụng thiêng liêng mới mẻ phát xuất từ Thánh Thể  (Phần III”.

      Với các điểm trên đây chúng ta nhận ra sự liên tục trong giáo huấn của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI qua hai văn kiện quan trọng đầu tiên của Ngài: Thiên Chúa là tình yêu và bây giờ tình yêu đó đã được thể hiện cách hiện thực và bí tích qua Thánh Thể. Điều này giúp chúng ta đọc và hiểu Tông Huấn hơn.

Rôma, ngày 08-04-2007, Lễ Phục Sinh.

           Lm. Phanxicô Borgia Trần Văn Khả            

© 2016 Dongthanhthe.net. All rights reserved.