Bài 5
Đọc và tìm hiểu
Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới Kỳ XI
của Đức Giáo Hoàng Beneđicto XVI gửi các Giám mục, Linh mục, Phó tế những người Thánh hiến và các tín hữu Giáo dân
Về Bí Tích Thánh Thể
Rôma 2007
BÍ TÍCH TÌNH YÊU
Thánh Thể, nguồn suối và tột đỉnh của đời sống và sứ mệnh của Giáo Hội.
IX
CÁCH THỨC CỬ HÀNH THÁNH THỂ (s. 38tt)
Sau khi đã đưa ra mấy suy tư thần học về buổi cử hành Thánh Thể, bây giờ Tông Huấn đi vào cụ thể về việc cử hành này. Chúng ta sẽ lần lượt giải thích qua để có thể dễ dàng đọc chính Tông Huấn “Bí Tích Tình Yêu”.
1) Nghệ thuật cử hành (ars celebrandi) (s. 38).
Ngày nay người ta nói nhiều về thuật ngữ “ars celebrandi”, chúng ta tạm dịch là “nghệ thuật cử hành”. Tuy nhiên, chúng ta cần hiểu cho đúng thuật ngữ này. Đây không phải là một việc học cho biết cách cử hành Thánh Thể, như các nghệ sĩ học nghề múa, diễn kịch, luyện giọng hát, hay điều khiển ca đoàn. Nhưng nghệ thuật cử hành đây là một cố gắng để cử hành Thánh Thể cho nghiêm trang xứng đáng có ý thức đây là hành động của Thiên Chúa (s. 37), là cuộc tưởng niệm Chúa Kitô phục sinh (s. 36) và là biểu lộ vẻ đẹp của Thiên Chúa (s. 35). Từ ý thức này, các thừa tác viên, nhất là linh mục, sẽ lo lắng thi hành những gì thuộc phận vụ của mình một cách sốt sắng, ý thức và trong sự tuân thủ khiêm nhường các luật lệ phụng vụ. Tông Huấn nói cách đơn giản như sau (s. 38): “Ars celebrandi, nghệ thuật cử hành là nghệ thuật cử hành cho tốt đẹp, là tham dự vào phụng vụ cách trọn vẹn, tích cực và hữu hiệu của mọi tín hữu”. Trong câu định nghĩa này, chúng ta nhận ra hai yếu tố: nghệ thuật cử hành liên hệ tới mọi tín hữu và đó là cách thế để giúp tín hữu tham dự tích cực vào buổi cử hành phụng vụ. Nghệ thuật cử hành này chỉ có được khi có được sự tuân theo cách trung thành các luật phụng vụ cách trọn vẹn, vì phụng vụ đã có một truyền thống lâu đời trong Giáo Hội từ 2000 năm nay (s. 38).
Từ đây các giám mục đã gián tiếp gạt đi quan niệm là để có thể tham dự tích cực vào phụng vụ, cần có những sáng kiến để đem vào đó các yếu tố khác thay thế cho những gì đã được ấn định trong cơ cấu buổi cử hành, như các bài hát mới, các loại nhạc mới, các lối chia sẻ lời Chúa trong Thánh Lễ, những cách cho rước lễ và chịu lễ khác,... Chính ngay đầu Tông Huấn, các Nghị phụ đã đánh tan sự hiểu lầm này trong số 3, như sau: “Các nghị phụ của Thượng Hội Đồng Giám Mục đặc biệt ghi nhận và nhắc lại ảnh hưởng ích lợi mà công cuộc canh tân phụng vụ đã thực hiện từ Công Đồng chung Vaticanô II đem lại cho đời sống Giáo Hội. Thượng Hội Đồng Giám Mục đã có cơ hội đánh giá việc tiếp nhận công cuộc canh tân này từ sau các khóa họp Công Đồng. Có nhiều điểm được đánh giá cao. Cho dù các khó khăn và một số lạm dụng được nhận ra mà không thể che giấu được, thì cuộc canh tân phụng vụ, vẫn còn nhiều điều phong phú mà chưa khám phá ra hết, vẫn còn là điều tốt đẹp và có giá trị. Cụ thể là việc đọc lại những thay đổi mà Công Đồng mong muốn, ngay từ bên trong, sự duy nhất là điều làm cho thấy tính cách đặc biệt của việc phát triển trong lịch sử của chính nghi lễ, mà không được đưa vào những gì làm sứt mẻ có tính cách giả tạo”. Về việc giải thích và áp dụng Công Đồng chung Vaticanô II, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã trình bày cách rõ ràng trong bài diễn văn đọc trước Giáo triều Rôma đến chúc mừng lễ Giáng Sinh năm 2005 cho Ngài (ngày 22-12-2005). Cách giải thích đúng là nhìn các cải cách do Công Đồng đưa ra trong sự trung thành liên tục với truyền thống của Giáo Hội.
2) Vai trò của Giám Mục trong việc cử hành Thánh Thể (s. 39)
Những người đã lãnh nhận chức thánh, như giám mục, linh mục và phó tế có bổn phận lo cho việc cử hành phụng vụ cách đúng đắn. Nhưng giám mục là vị cử hành phụng vụ cách cao trọng và chân thực trong giáo phận (Leiturgos). Vì thế ngài phải lưu tâm tới việc cử hành phụng vụ và kỷ luật về phụng vụ trong giáo phận của mình cho đúng đắn, vì giám mục là vị đầu tiên ban phát mầu nhiệm thánh cho Dân của ngài; là người cổ võ và gìn giữ cho buổi cử hành phụng vụ được cử hành đúng đắn. Linh mục và phó tế đều tùy thuộc nơi giám mục. Các giám mục có nhiệm vụ sau đây:
1) Ngài phải làm sao để các linh mục, phó tế và tín hữu càng ngày càng hiểu thấu ý nghĩa đích thực của các lễ nghi và bản văn phụng vụ (s. 39).
Giám mục phải giúp cộng đoàn tín hữu của mình tham dự tích cực và hữu hiệu vào việc cử hành phụng vụ (s. 39).
2) Ở đây Đức Thánh Cha (dùng đại danh từ “TÔI”) để khuyên giám mục làm sao cho buổi cử hành phụng vụ do giám mục chủ sự tại nhà thờ chính tòa được diễn ra cách đúng đắn và nghiêm trang, như là gương mẫu cho toàn thể giáo phận (s. 39; x. s. 15).
3) Hội Đồng Giám Mục cùng nhau tìm hiểu tiến trình khai tâm Kitô giáo, làm thế nào để việc cử hành các bí tích này mang lại công hiệu đích thực cho các người lãnh nhận (s. 18).
4) Đức Thánh Cha cũng xin (dùng đại danh từ “TÔI”) các giám mục hãy lưu ý để việc giải tội tập thể được cử hành theo luật lệ hiện hành của Giáo Hội, nghĩa là chỉ trong những trường hợp ngoại lệ thật cần thiết và theo các điều kiện đã ấn định trong luật của Giáo Hội (s. 21).
5) Các giám mục cũng nên xin các Dòng tu và các đoàn thể mới cung ứng các linh mục cộng tác trong việc mục vụ khi thiếu linh mục trong giáo phận (s. 25).
6) Tông Huấn cũng lưu ý các giám mục cẩn trọng trong việc truyền chức cho các ứng sinh lên chức linh mục, khi nhận thấy thiếu những đức tính và đều kiện cần thiết, cho dù có việc thiếu linh mục trong giáo phận (s. 25).
7) Các giám mục buộc thu xếp các hình thức mục vụ thích hợp để giúp các vợ chồng ly dị và đi lập gia đình với người khác. Và vì tôn trọng sự thật phải nói rõ luật Giáo Hội cho những người này trong vấn đề cho rước lễ và chịu lễ (s. 29).
8) Các giám mục phải lo cho có sự hiệp nhất trong việc cử hành phụng vụ trong giáo phận của mình, cũng phải lo để các buổi cử hành Thánh Lễ được cử hành cách hợp pháp (s. 37).
9) Trong việc thích nghi lễ nghi cử hành Thánh Lễ, Đức Thánh Cha nhắc nhở (dùng đại danh từ “TÔI”) các giám mục hãy chú ý tới các luật lệ hiện hành cho hoà hợp với các thích nghi mới và phải cộng tác với Tòa Thánh trong vấn đề này (s. 54).
10) Đức Thánh Cha xin (dùng đại danh từ “TÔI”) các giám mục hãy đón nhận các anh em từ lễ nghi khác tới và lo để linh mục có thể thi hành công tác mục vụ cho các tín hữu từ lễ nghi này di dân tới (s. 60).
11) Việc xếp đặt nhà tạm Mình Thánh trong nhà thờ thuộc thẩm quyền của giám mục giáo phận định liệu (s. 69).
12) Các Hội Đồng Giám Mục hãy lo soạn thảo một nghi thức dùng trong buổi cử hành ngày Chúa Nhật không có linh mục chủ sự và chấp thuận nghi thức này để dùng trong vùng của mình (s. 75).
13) Việc thẩm định có nên cho rước lễ trong các buổi cử hành ngày Chúa Nhật khi không có giám mục chủ sự là do các vị Bản quyền giáo phận quyết định (s. 75).
14) Các giám mục cũng không được quên khuyến khích các tín hữu giáo dân đáp lại ơn gọi nên thánh trong bậc sống của mình (s. 70).
15) Đức Thánh Cha mời gọi các giám mục hãy lưu tâm đặc biệt để cổ võ một linh đạo Thánh Thể thật chính trực (s. 94).
Trong bài này chúng ta đã hiểu được ý nghĩa của nghệ thuật cử hành và vai trò của giám mục trong giáo phận trong việc cổ võ nghệ thuật cử hành Thánh Thể thật đúng đắn và chu toàn các phận vụ khác với tư cách là “leiturgos” = người cử hành phụng vụ chính yếu và trên hết (s. 39).
X
HUẤN LUYỆN VÀ GIÁO DỤC
VỀ PHỤNG VỤ THÁNH THỂ
(s. 64
Tông Huấn đã nói về nhiệm vụ giám mục là “các ngài phải làm thế nào để các linh mục, phó tế và tín hữu luôn hiểu biết thêm mỗi ngày ý nghĩa đích thực những lễ nghi và bản văn phụng vụ và như thế họ được dẫn tới việc cử hành Thánh Thể cách tích cực và kết quả” (s. 39). Sau này, Tông Huấn, trong số 64, cũng nói tới việc giáo dục đức tin về Thánh Thể. Tông Huấn (s. 64) nói như sau: “Chính vì thế cần phải cổ võ việc giáo dục đức tin về Phép Thánh Thể để làm cho tín hữu có thể sống trong tư thế cá nhân điều họ cử hành. Đứng trước tầm quan trọng chính yếu của việc tham dự cá nhân và ý thức, thì đâu là những dụng cụ để huấn luyện thích hợp? Với sự đồng nhất các Nghị Phụ của Thượng Hội Đồng Giám Mục đã chỉ dẫn về vấn đề này một con đường là việc dạy giáo lý có tính cách huấn giáo, để thúc đẩy các tín hữu đi vào mầu nhiệm mà họ cử hành cách sâu xa hơn. Đặc biệt trong mối liên hệ giữa nghệ thuật cử hành (ars celebrandi) và việc tham dự tích cực (actuosa participatio) trước tiên người ta phải xác nhận rằng việc dạy giáo lý quan trọng nhất về Thánh Thể là chính Thánh Thể được cử hành cách xứng đáng. Bởi vì, tự bản tính phụng vụ có tính cách hữu hiệu, khả năng giáo dục sư phạm riêng của mình về mầu nhiệm cử hành. Cũng về điểm này, trong truyền thống lâu đời nhất của Giáo Hội, con đường huấn luyện Kitô hữu, không kể tới việc hiểu biết cách hệ thống nội dung của đức tin, luôn bao gồm một hình thức khai tâm, trong đó có cuộc gặp gỡ sống động và xác tín với Chúa Kitô, được loan báo do những chứng tá đích thực, trở nên một cách thế quyết định” (s. 64). Vai trò của người lãnh nhận việc giáo dục phụng vụ rất quan trọng (s. 64).
Tông Huấn cũng đã nói tới những điều kiện phải có để làm công việc giáo dục phụng vụ, nghĩa là giải thích các lễ nghi và bản văn phụng vụ (s. 64). Có ba điều kiện để thực hiện việc giáo dục này:
1) Trước tiên phải giải thích các lễ nghi dưới ánh sáng của các biến cố cứu rỗi theo đúng với truyền thống sống động của Giáo Hội (s. 64).
2) Ngoài ra việc huấn giáo phụng vụ phải lưu tâm tới việc đưa tín hữu đi vào sự hiểu biết ý nghĩa của các biểu hiệu chứa đựng trong chính các lễ nghi này (s. 64). Điều này rất cần thiết, nhất là vào thời đại kỹ thuật ngày nay, vì con người không lưu tâm tới các biểu hiệu và dấu hiệu (s. 64).
3) Sau cùng, việc huấn giáo phụng vụ này phải lo chỉ dẫn cho tín hữu biết ý nghĩa các biểu hiệu trong mối liên hệ với đời sống Kitô hữu trong hết mọi chiều kích, công việc làm ăn, các dấn thân, trong phạm vi suy tư và tình cảm, hoạt động và nghỉ ngơi (s. 64).
Rồi để thực hành công việc giáo dục phụng vụ này, các giám mục phải lo cho có nhân sự được chuẩn bị kỹ lưỡng và thích hợp (s. 64). Toàn thể dân Chúa cũng phải dấn thân vào công việc giáo dục phụng vụ này (s. 64), đặc biệt các dòng tu, các phong trào có đặc sủng riêng biệt (s. 64). Hiến chế về phụng vụ đã bàn tới điều này một cách rất rõ ràng (Hiến chế phụng Vụ, s. 14-20). Hiến chế đã nói tới việc huấn luyện các giáo sư dạy phụng vụ tại các đại chủng viện, các học viện của các Dòng tu, cho tín hữu, các trường đại học Công Giáo. Việc dạy phụng vụ phải được đặt vào số các môn chính của chương trình huấn luyện tại chủng viện, học viện và các trường đại học Công Giáo.
Như vậy, từ Công Đồng, rồi Thượng Hội Đồng Giám Mục kỳ XI, vấn đề huấn luyện phụng vụ đã được bàn tới cách đặc biệt, vì thế, các người có trách nhiệm, từ giám mục trong giáo phận, các linh mục cần lưu tâm nhiều trong vấn đề này.
Lm. Phanxicô Borgia Trần Văn Khả