Các Cử Hành Tôn Thờ Thánh Thể

CÁC CỬ HÀNH TÔN THỜ THÁNH THỂ

CHẦU THÁNH THỂ – CHO RƯỚC LỄ NGOÀI THÁNH LỄ

 

Những lưu ý mục vụ cần biết trước:

1. Việc chầu Thánh Thể nhằm hai mục đích căn bản sau đây : biểu lộ đức tin công khai của Hội Thánh vào sự hiện diện đích thực của Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể ; và mời gọi chúng ta sống hiệp thông với Ngài trong Bí tích nầy.

2. Để biểu lộ ý nghĩa đích thực của việc chầu Thánh Thể, Giáo Hội đưa ra một số qui định cụ thể như sau (Tôma 82-96) :

- Không được phép vừa cử hành thánh lễ vừa chầu Thánh Thể vào cùng một lúc trong cùng một nhà thờ.

- Có hai loại chầu Thánh Thể : lâu giờ và ngắn giờ. Loại lâu giờ kéo dài nhiều thời gian, một hoặc nhiều ngày, ví dụ : phiên chầu lượt của các xứ đạo. Loại ngắn giờ thương kéo dài chung quanh khoảng 1 giờ.

- Thừa tác viên thông thường để đặt và ban phép lành Mình Thánh Chúa là linh mục và phó tế. Thầy giúp lễ, thừa tác viên ngoại thường cho rước lễ và những người được uỷ quyền cách hợp pháp chỉ được phép đặt và cất Mình Thánh Chúa chứ không được cầm Mình Thánh Chúa để ban phép lành như linh mục và phó tế.

- Không được phép đặt Mình Thánh Chúa chỉ nhằm mục đích ban phép lành mà thôi.

- Đối tượng chính của việc chầu Thánh Thể là Chúa Giêsu. Không được biến giờ chầu thành loại đạo đức pha tạp, chẳng hạn suy niệm về Đức Mẹ, Thánh Giuse, Thánh Bổn mạng…

I. NGHI THỨC CHẦU PHÉP LÀNH

- ĐẶT MÌNH THÁNH CHÚA

· Giáo dân tập trung, thừa tác viên tiến ra bàn thờ.

· Thừa tác viên mở cửa nhà tạm, lấy và đặt Mình Thánh Chúa trên kệ cao đặt nơi bàn thờ. Đang khi đó cộng đoàn hát bài thờ lạy Thánh Thể.

· Nếu đặt Mình Thánh Chúa với Hào Quang, thừa tác viên sẽ xông hương. Kế đó mọi người thinh lặng đôi chút để thờ lạy, thừa tác viên trở về phòng thánh. 

- TÔN THỜ THÁNH THỂ

Mỗi khi chầu Mình Thánh Chúa nên có một chủ đề để suy niệm và cầu nguyện. Khi đặt Mình Thánh Chúa để tôn thờ, cần chuẩn bị trước các yếu tố sau đây :

§ Các lời nguyện được soạn trước theo chủ đề, hoặc một số kinh thông dụng về Thánh Thể.

§ Các bài đọc Kinh Thánh.

§ Các bài suy niệm hoặc bài diễn giảng Lời Chúa.

§ Lời nguyện chung.

§ Các Thánh ca xen kẽ.

§ Sự thinh lặng cần thiết.

§ Một giờ kinh Phụng vụ nào đó.

§ Lần hạt Mân côi suy gẫm các mầu nhiệm Chúa Kitô.

- PHÉP LÀNH MÌNH THÁNH CHÚA

Vào khoảng cuối giờ chầu Thánh Thể, thừa tác viên tiến ra lại bàn thờ quì thờ lạy đôi chút. Cộng đoàn có thể hát và cầu nguyện cho Đức Thánh Cha như sau :

§ Chủ sự :

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã dùng sự khôn ngoan Chúa mà bảo vệ vũ trụ, xin thương nghe lời chúng con cầu nguyện và rộng lòng nhân từ gìn giữ Đức Giáo Hoàng…………………………..Chúa đã chọn, để dân Kitô giáo nhận nơi Chúa sự dẫn dắt của người, được nhờ công phúc đức tin của người mà phát triển dưới triều đại giáo hoàng của người. Nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen

Đọc lời cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng xong, cộng đoàn hát một bài ca thờ lạy Thánh Thể. Nếu chầu Mình Thánh Chúa với Hào Quang, thừa tác viên sẽ xông hương Mình Thánh Chúa, khi bài ca Thánh Thể kết thúc, chủ sự đọc lời nguyện Thánh Thể sau đây :

§ Chủ sự :

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã trối lại cho chúng con bí tích Mình và Máu Thánh Chúa, để chúng con đời đời tưởng nhớ Chúa đã chịu khổ hình và sống lại vinh quang. Xin cho chúng con biết một niềm sùng kính mến yêu bí tích kỳ diệu này, để luôn được nghiệm thấy ơn Chúa cứu chuộc chúng con. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời. Amen.

Đọc lời nguyện Thánh Thể xong, nếu là thừa tác viên ngoại lệ đặt Mình Thánh Chúa thì người này tiến lên cất Mình Thánh Chúa vào nhà chầu, còn nếu linh mục hay phó tế, ngài sẽ ban phép lành với Mình Thánh Chúa. Sau đó cộng đoàn hát bài ca kết thúc về Đức Mẹ hoặc một bài ca về ngày lễ mừng hoặc theo mùa phụng vụ.

II. NGHI THỨC CHO RƯỚC LỄ NGOÀI THÁNH LỄ

Những lưu ý mục vụ cần biết trước:

Để việc rước lễ ngoài Thánh Lễ mang lại hoa trái thật sự, Luật Phụng vụ đưa ra một số qui định sau đây (Tôma 16-25) :

1. Nên tổ chức rước lễ ngoài Thánh Lễ trong khung cảnh buổi cử hành Lời Chúa.

2. Có thể tổ chức rước lễ vào bất cứ giờ hay ngày nào khi có nhu cầu cần thiết. Tuy nhiên vào Tam Nhật Thánh thì chỉ có thể rước lễ trong Thánh Lễ Tiệc Ly và trong cử hành tưởng niệm cuộc thương khó của Chúa, còn ngày thứ Bảy Tuần Thánh chỉ  đưa Của Ăn Đàng cho người hấp hối mà thôi.

3. Thừa tác viên thông thường để cử hành Lời Chúa và cho rước lễ là linh mục và phó tế. Khi những người trên vắng mặt, các thừa tác viên ngoại lệ cho rước lễ có thể thay thế các ngài chủ sự nghi thức cho rước lễ. Trong số những thừa tác ngoại lệ cho rước lễ, thầy có tác vụ giúp lễ đứng hàng đầu. Hơn nữa, những nơi linh mục hay phó tế thường xuyên không thể đến cử hành phụng vụ cho giáo dân, thì Bản Quyền giáo phận sẽ chỉ thị cho phép một hay vài thừa tác viên ngoại lệ xứng đáng thay phiên nhau chủ toạ các buổi cử hành Lời Chúa và cho giáo dân rước lễ.

4. Nơi cử hành Lời Chúa và cho rước lễ thông thường được tổ chức ở nhà thờ hoặc nhà nguyện có cất giữ Mình Thánh Chúa. Tuy nhiên, khi có lý do chính đáng vẫn có thể tổ chức ở một nơi khác như phòng họp, nhà ở, hay những nơi tập trung nhiều người.

5. Để việc cử hành Lời Chúa và cho rước lễ được diễn ra trang trọng, người ta cần dọn một bàn có phủ khăn, trên bàn sẽ trải thêm khăn thánh (corporal) và thắp nến sáng. Trong những ngày lễ đặc biệt, nên trang hoàng không gian nơi cử hành phụng vụ sao cho đẹp mắt, tươi vui, hân hoan và trang nhã ; cũng cần tránh cách trang trí rườm rà hay cẩu thả, nhất là cách trang trí làm cản trở việc cử hành phụng vụ hoặc làm phân tâm những người tham dự.

6. Nghi thức cho rước lễ 

§ Nghi thức mở đầu

Chủ sự : Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần

Mọi người : Amen

Nếu linh mục hay phó tế chủ sự, ngài sẽ cử hành như đầu Thánh Lễ (với nghi thức sám hối). Nếu thừa tác viên ngoại lệ trao MTC chủ sự, thì sau khi làm Dấu Thánh Giá sẽ chào như sau :

Anh chị em thân mến, chúng ta hãy chúc tụng Thiên Chúa, Đấng do lòng nhân hậu mời gọi chúng ta đến tham dự bàn tiệc của Người.

Mọi người đáp : Chúc tụng Thiên Chúa đến muôn đời.

Kế đó nghi thức sám hối (như đầu lễ), với lời nguyện mở đầu lấy theo ngày lễ trong lịch phụng vụ.

§ Phụng vụ Lời Chúa

Giốg như khi cử hành Thánh Lễ. Lấy các bài đọc, đáp ca, Alleluia và Tin Mừng theo ngày lễ ghi trong lịch phụng vụ chung. Nếu Phụng vụ Lời Chúa được cử hành vào ngày Chúa Nhật hay các lễ trọng, sẽ đọc kinh Tin Kính. Nên soạn các lời nguyện chung cho các buổi cử hành có đông giáo dân tham dự.

§ Rước lễ

Đọc lời nguyện chung xong, vị chủ sự đặt MTC trên khăn thánh của bàn thờ, cúi đầu sâu thờ lạy. Kế đó cộng đoàn có thể hát một Thánh Vịnh hoặc đọc một kinh tôn thờ Thánh Thể (CN 45/2), rồi vị chủ sự mời gọi như sau :

Vâng lệnh Chúa Cứu Thế và theo thể thức Người dạy, chúng ta dám nguyện rằng :

Mọi người : Lạy Cha……

Chủ sự : Anh chị em hãy chúc bình an cho nhau.

Mọi người trao bình an bằng cách cúi đầu. Chủ sự cầm MTC và mời gọi :

Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá tội trần gian, phúc cho ai được mời đến dự tiệc Chiên Thiên Chúa .

Mọi người : Lạy Chúa, con chẳng đáng……

Rước lễ xong vị chủ sự cất MTC còn lại và tráng chén nếu cần. Sau đó hát một Thánh Vịnh tạ ơn và vị chủ sự sẽ kết thúc bằng lời nguyện hiệp lễ theo ngày phụng vụ. Nếu cần thông báo gì sẽ nói sau lời nguyện này.

§ Nghi thức kết thúc

Nếu chủ sự là linh mục hay phó tế, ngài sẽ chào, ban phép lành và kết thúc như trong Thánh Lễ. Nếu chủ sự là thừa tác viên ngoại thường, vị này sẽ nói như sau :

Xin Thiên Chúa toàn năng ban phúc lành cho tất cả chúng ta. Xin Người che chở chúng ta khỏi mọi sự dữ và dẫn đưa chúng ta tới sự sống muôn đời.

Mọi người : Amen.

Chủ sự kết thúc : Chúc anh chị em ra về bình an.

Mọi người : Tạ ơn Chúa.

Có thể hát một bài ca tạ  ơn để kết thúc.

© 2016 Dongthanhthe.net. All rights reserved.