Lễ Đức Mẹ Thánh Thể Và Ngày 13 Tháng 5

LỄ ĐỨC MẸ THÁNH THỂ VÀ NGÀY 13 THÁNG 5

Vào ngày 13 tháng 5, chúng ta cử hành lễ và tước hiệu gần nhất được dâng tặng cho Đức Ma-ri-a, đó là “Đức Mẹ Thánh Thể”. Một số người tin rằng danh hiệu này có tính chất tiên tri, đặc biệt đối với thời đại chúng ta, và có lẽ là vinh dự lớn nhất mà Giáo hội có thể dâng tặng cho Mẹ. Chúng ta hãy suy ngẫm về một số lý do vì sao đó lại là điều đúng đắn.

Thánh Phê-rô Giu-li-a-nô Ê-ma, được mệnh danh là “Linh mục của Bí tích Cực Thánh” và “Tông đồ Thánh Thể” đã thành lập “Dòng Thánh Thể” tại Paris vào ngày 13 tháng 5 năm 1856. Trước đó, ngài phục vụ với tư cách là linh mục Dòng Đức Mẹ trong mười sáu năm. Tình yêu đặc biệt đối với Bí tích Thánh Thể được triển nở nơi ngài từ khi còn rất nhỏ, được truyền cảm hứng từ lòng sùng kính Thánh Thể của mẹ ngài. Ngài cũng có một tình yêu mãnh liệt dành cho Đức Trinh Nữ Ma-ri-a. Trong những năm cầu nguyện hàng ngày và tôn thờ Chúa Thánh Thể, Thánh Phê-rô Giu-li-a-nô Ê-ma đã được Đức Mẹ ban cho ý thức rằng “Tất cả các mầu nhiệm của Con Mẹ đều có một dòng tu tôn kính. Chỉ riêng Bí tích Thánh Thể thì lại chưa có... " Với sự khuyến khích của Đức Piô XI, Thánh Phê-rô Giu-li-a-nô Ê-ma đã thành lập Dòng tu mới để trước hết, và trên hết, vĩnh viễn tôn thờ Chúa Giê-su trong Bí Tích Cực Thánh và truyền bá việc Chầu Thánh Thể thường xuyên trên toàn thế giới; thứ hai, tôn vinh Đức Ma-ri-a, Mẹ Chúa Giê-su trong Bí Tích Cực Thánh.

“Đức Mẹ Thánh Thể” là danh hiệu mà Thánh Phê-rô Giu-li-a-nô Ê-ma đã dâng tặng cho Đức Mẹ là Mẹ và là mẫu mực cho Hội Dòng mới, gia đình Thánh Thể mới của ngài. Như ngài thường xuyên tuyên bố: Đức Mẹ là người tôn thờ đầu tiên và hoàn hảo nhất của Chúa Giê-su, Ngôi Lời Nhập Thể. Đức Mẹ đã tôn thờ Chúa Giê-su ngay từ giây phút đầu tiên được thụ thai trong cung lòng của Mẹ. Mẹ tiếp tục việc tôn thờ này xuyên qua cuộc đời trần thế của thánh nhân. Sau khi Chúa Giê-su thăng thiên, theo các giáo phụ và các nhà thần học thời Giáo hội sơ khai, Đức Mẹ tiếp tục tôn thờ và lãnh nhận Chúa Giê-su trong Bí tích Thánh Thể. Thánh Gio-an Tông đồ yêu dấu đã trao ban Bí tích Thánh Thể cho Đức Mẹ, khi ngài chăm sóc và phục vụ những nhu cầu của Mẹ. Các sử gia thời Giáo hội sơ khai viết rằng Đức Mẹ đã dành phần lớn thời gian ngày đêm để thờ lạy Chúa Giê-su trong Bí tích Thánh Thể. Vào thời Giáo hội sơ khai, Bí tích Thánh Thể thường được lưu giữ tại nhà của các Ki-tô hữu. Việc rước lễ và tôn thờ hàng ngày của Đức Mẹ đã kết hợp Mẹ với Chúa Giê-su thậm chí còn chặt chẽ hơn cả ba mươi năm Ngài ở với Mẹ tại Na-gia-rét.

Thánh Gio-an Đa-mát-cô đã chỉ ra, trong các tác phẩm ở thế kỷ thứ 6 của mình: “Thân xác của Chúa Ki-tô trong Bí tích Thánh Thể cũng chính là thân xác được sinh ra bởi Đức Trinh Nữ Ma-ri-a”. Khi chúng ta đón nhận Chúa Giê-su trong Bí tích Thánh Thể, chúng ta đón nhận Người Con của Đức Ma-ri-a. Nơi nào chúng ta tìm thấy Con tức là chúng ta tìm thấy Mẹ, trong sự tôn thờ.

Chúng ta hãy xem xét một sự kiện khác xảy ra vào ngày 13 tháng 5 có tầm quan trọng lớn lao. Năm 1916, trước khi Đức Mẹ hiện ra tại Fatima, một Thiên thần đã hiện ra ba lần. Lần hiện ra đầu tiên của Thiên thần với ba trẻ Gia-xin-ta, Lu-xi-a và Phan-xi-cô đã khiến các em sợ hãi. Thiên thần đã nói: "Đừng sợ, ta là Thiên thần Hòa bình, hãy cùng cầu nguyện với ta: Lạy Chúa, con tin nhận, con thờ lạy, con trông cậy và con yêu mến Ngài. Con nài xin Chúa tha thứ cho những ai không tin nhận, không tôn thờ, không trông cậy và không yêu mến Ngài.”

Khi Thiên Thần hiện ra lần thứ hai, sứ điệp gửi đến cho các em một phần là "Hãy cầu nguyện, hãy cầu nguyện thật nhiều! Trái Tim Chúa Giê-su và Mẹ Ma-ri-a có những kế hoạch thương xót dành cho các em." Ở lần hiện ra thứ ba, Thiên Thần cầm trên tay một chén thánh có Mình Thánh trên đó những giọt Máu rơi vào chén thánh, sau đó, thiên thần để chén thánh và Mình Thánh lơ lửng trên không, rồi phủ phục xuống đất và lặp lại ba lần lời cầu nguyện này:

“Lạy Thiên Chúa của con, con tin tưởng, con tôn thờ, con cậy trông và con yêu mến Ngài. Con nài xin Chúa tha thứ cho những ai không tin, không tôn thờ, không trông cậy và không yêu mến Ngài. Lạy Chúa Ba Ngôi Cực Thánh là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, con tôn thờ Chúa cách sâu xa. Con dâng lên Chúa - Mình, Máu, Linh hồn và Thiên tính cực trọng của Chúa Giê-su Ki-tô, Đấng hiện diện trong mọi Nhà Tạm trên thế giới, để đền bù vì sự xúc phạm, báng bổ và thờ ơ mà từ đó Ngài đã bị xúc phạm, và bởi công đức vô hạn của Thánh Tâm Chúa Giê-su và Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Ma-ri-a, con nài xin sự hoán cải cho những tội nhân khốn cùng.”

Sau ba lần thiên thần hiện ra trao ban những thông điệp thì sau đó là việc Đức Mẹ hiện ra với ba trẻ vào ngày 13 tháng 5 năm 1917. Mẹ yêu cầu các em cầu nguyện với Mẹ lời cầu nguyện sau đây: “Lạy Chúa Ba Ngôi Chí Thánh, con thờ lạy Chúa! Lạy Chúa, lạy Thiên Chúa của con, con yêu mến Chúa trong Bí Tích Cực Thánh!" Đức Mẹ đã hiện ra sáu lần trong sáu tháng tiếp theo, đỉnh điểm là Phép lạ Mặt trời quay vào ngày 13 tháng 10 năm 1917, trước sự chứng kiến ​​của bảy mươi ngàn người. Phép lạ này báo trước vinh quang sắp đến của Chúa Giê-su trong Bí Tích Thánh Thể!

Rồi cuối cùng, vào năm 1929, Sơ Lu-xi-a đã được ban cho khải tượng vĩ đại nổi tiếng về Chúa Ba Ngôi Chí Thánh. Thiên Chúa, Cha chúng ta và Chúa Thánh Thần đã hiện diện với Chúa Giê-su, Đấng bị treo trên Thập Giá. Một Chén Thánh có Mình Thánh bên trên nằm lơ lửng bên cạnh Chúa Giê-su. Máu chảy từ đầu Chúa Giê-su và cạnh sườn bị thương của Ngài lên Mình Thánh và chảy vào Chén thánh. Từ tay trái Chúa Giê-su nước chảy xuống Bàn thờ tạo thành dòng chữ “Ân sủng và Lòng thương xót”. Đức Mẹ ngự bên hữu Chúa Giê-su, tay trái cầm Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ và tay phải cầm Chuỗi Mân Côi.

Rõ ràng, thiên đàng đang truyền đạt những thông điệp quan trọng cho chúng ta! Theo nhiều học giả về Thánh Mẫu học, những thông điệp và chỉ thị quan trọng nhất của Fatima có thể được tóm tắt thành hai thông điệp chính:

Thứ nhất, chúng ta được mời gọi thường xuyên đón nhận và tôn thờ Thánh Tâm Chúa Giê-su, ngôi thứ hai trong Chúa Ba Ngôi, Đấng thực sự hiện diện với chúng ta trên trái đất này: Mình, Máu, Linh hồn và Thiên tính của Ngài đang hiện diện nơi Bí tích Thánh Thể! Chúa Giê-su muốn thiết lập lòng sùng kính Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Ma-ri-a. Việc sùng kính chính yếu được yêu cầu là Kinh Mân Côi.

Thứ hai, thực hiện trong năm ngày Thứ Bảy đầu tháng với việc xưng tội, rước Chúa Giê-su và lần hạt Mân Côi trước sự hiện diện của Chúa Giê-su trong Bí tích Cực Thánh.

Theo các thông điệp Fatima, nếu những yêu cầu và chỉ thị này được thực hiện thì sẽ có những ân sủng và lòng thương xót lớn lao đổ xuống thế giới của chúng ta, dẫn đến một kỷ nguyên hòa bình mới. Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Ma-ri-a sẽ chiến thắng, và những lời hứa này sẽ được thực hiện, khi Trái Tim Thánh Thể Chúa Giê-su Con Mẹ ngự trị khắp thế giới qua việc tôn thờ Bí Tích Cực Thánh!

“Đức Mẹ Thánh Thể” là phương tiện qua đó Chúa Giê-su đến với chúng ta! Mẹ cũng là phương tiện để chúng ta đến với Chúa Giê-su, thiên đàng đã định sẵn như vậy. Mẹ Thiên Đàng của chúng ta là người chuyển cầu mạnh mẽ nhất cho chúng ta cùng với Chúa Giê-su Con của Mẹ, Đấng bào chữa thuyết phục nhất cho chúng ta. Khi chúng ta cầu nguyện bằng Kinh Mân Côi, chúng ta xin Mẹ chuyển cầu cho chúng ta và Mẹ cầu thay nguyện giúp cho chúng ta. Nhiều nhà Thánh Mẫu học đã lưu ý rằng việc sùng kính Đức Ma-ri-a dẫn chúng ta đến với Chúa Giê-su trong Bí tích Thánh Thể. Bất cứ nơi nào có đền thờ dành riêng cho Đức Ma-ri-a đều có Con của Mẹ ngự trị trong Bí tích Thánh Thể, nơi Người được đón nhận, thờ phượng và tôn thờ. Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II đã viết trong thông điệp về Đức Mẹ năm 1988: “Lòng đạo đức của dân Ki-tô giáo luôn cảm nhận một cách đúng đắn mối liên hệ sâu sắc giữa lòng sùng kính Đức Trinh Nữ Ma-ri-a và việc tôn thờ Bí tích Thánh Thể”. Sau đó, trong một bài diễn văn công khai ở Rô-ma vào tháng 6 năm 1994, ngài nói về Bí tích Thánh Thể như sau: “Tôi cũng muốn lặp lại lời mời gọi của tôi với các bạn rằng hãy biến việc tôn thờ Thánh Thể thành một thói quen trong tất cả các cộng đoàn Ki-tô hữu”.

Chúa Thánh Thể của chúng ta là trung tâm của mọi việc sùng kính trong Giáo hội và là nguồn ân sủng và lòng thương xót chính yếu. Chỉ có trời mới biết chắc chắn rằng liệu việc Thánh Phê-rô Giu-li-a-nô Ê-ma thành lập "Dòng Thánh Thể" vào ngày 13 tháng 5 năm 1856 và việc phó thác Dòng cho Đức Mẹ dưới tước hiệu "Đức Mẹ Thánh Thể" có phải là một lời tiên tri hay điềm báo về cuộc hiện ra ở Fatima ngày 13 tháng 5 năm 1917 của Mẹ hay không mà thôi. Điều quan trọng là chúng ta đón nhận và tôn thờ Chúa Giê-su trong Thánh Thể. Chúng ta hãy cầu nguyện để con cái của Mẹ hiểu đúng vai trò và tước hiệu “Đức Mẹ Thánh Thể” để chúng ta có thể tôn vinh Mẹ theo cách mà Mẹ mong muốn nhất, bằng cách tôn thờ và tôn vinh Con của Mẹ trong Bí Tích Cực Thánh.

                               Linda Bracy

            Chuyển ngữ: Phê-rô Nguyễn Tiến, SSS

Nguồn: http://www.acfp2000.com/Our-Lady-of-the-MBS.html

© 2016 Dongthanhthe.net. All rights reserved.