Đức Maria – Người Cưu Mang, Cử Hành Và Tôn Thờ Thánh Thể - (Lễ Đức Mẹ Thánh Thể 13/5)

ĐỨC MARIA – NGƯỜI CƯU MANG, CỬ HÀNH VÀ TÔN THỜ THÁNH THỂ

(LỄ ĐỨC MẸ THÁNH THỂ 13/5)

-----|sss|-----

Tháng năm, hay còn gọi là tháng hoa, tháng dành riêng để tôn vinh Đức Trinh Nữ Maria. Quả thật, Mẹ chính là mẫu gương tuyệt hảo nhất cho các kitô hữu trong việc lắng nghe và thực thi thánh ý Thiên Chúa. Cả cuộc đời Mẹ, không có giây phút nào sống cho chính mình, nhưng đã hoàn toàn hiến dâng hồn xác cho Thiên Chúa và tự do để Thiên Chúa thực hiện bao kỳ công trên cuộc đời Mẹ.

Trong tháng năm có ngày rất đặc biệt đối với tu sĩ Thánh Thể trên toàn thế giới. Ngày 13/5 là ngày lễ kính Đức Mẹ Thánh Thể - Bổn mạng Dòng Thánh Thể. Đức Giáo hoàng Pio IX đã nói: "Tước hiệu Đức Mẹ Thánh Thể có lẽ là tước hiệu nhiều ý nghĩa nhất trong các tước hiệu."[1] Thật vậy, Cha thánh Phêrô Julianô Eymard – Đấng sáng lập Dòng Thánh Thể đã có lòng yêu mến Đức Maria cách đặc biệt. Sau khi thân mẫu ngài qua đời, ngài đã nhận Đức Maria là mẹ của mình và sau đó ngài đã dâng hội dòng do chính ngài sáng lập cho Đức Maria với tước hiệu Đức Mẹ Thánh Thể. Cha cũng dạy các tu sĩ Thánh Thể sùng kính ảnh Đức Mẹ Thánh Thể với mô thức như sau: “Đức Trinh Nữ Maria ẵm Chúa Hài Đồng trên tay, Chúa Hài Đồng một tay cầm chén thánh và tay còn lại cầm Bánh thánh." Kèm theo lòng sùng kính đó là lời cầu nguyện: "Lạy Đức Mẹ Thánh Thể, xin cầu cho chúng con là kẻ nương cậy Đức Mẹ." Năm 1921, dưới thời Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XV, Thánh Bộ Nghi Lễ (tiền thân của Thánh Bộ Phụng Tự) đã truyền cho Dòng Thánh Thể hằng năm cử hành "lễ nhớ trọng Đức Trinh Nữ Maria với tước hiệu Đức Mẹ Thánh Thể" vào ngày 13/5. Sắc lệnh tước hiệu Đức Mẹ Thánh Thể được đức thánh cha Phaolô VI ký vào ngày 9/12/1963. Từ đó đến nay, ngày 13/5 hằng năm toàn thể giáo hội, và cách riêng là Dòng Thánh Thể mừng trọng thể lễ Đức Mẹ Thánh Thể.

Gợi lên đôi điều về ngày lễ như thế, và xuất phát từ lòng yêu mến Đức Nữ Trinh với tước hiệu Đức Mẹ Thánh Thể; và như một hy sinh nhỏ để thể hiện lòng yêu mến của mình, tôi muốn chia sẻ vài suy tư với đề tài: ĐỨC MARIA – NGƯỜI CƯU MANG, CỬ HÀNH VÀ TÔN THỜ THÁNH  THỂ

1. ĐỨC MARIA NGƯỜI LUÔN CƯU MANG THÁNH THỂ

Đức Maria luôn cưu mang Thánh Thể có nghĩa là xuyên suốt đời sống dương thế của Mẹ, từ khi sinh ra đến lúc chết đi và được rước lên trời cả hồn lẫn xác thì không một giây phút nào Mẹ tách rời với Thánh Thể. Điều này được thể hiện qua ba giai đoạn trước – trong – sau khi nói lời Xin vâng.

Trước hết, Đức Maria đã cưu mang Ngôi Lời của Thiên Chúa, hay nói cách khác là thai nghén Thánh Thể ngay khi chưa nói tiếng xin vâng. Theo ngụy thư của thánh Giacôbê, được viết giữa thế kỷ II, đã cho thấy Đức Maria đã dâng mình cho Thiên Chúa trong đền thờ. Tác phẩm này cũng có tên là Lịch sử của thánh Giacôbê về việc Đức Maria sinh ra, và kể rằng Đức Mẹ, hồi thơ ấu, đã được dâng vào Đền thờ và sống ở Đền thờ cho tới năm 12 tuổi: “Vị tư tế đón nhận ngài, chúc phúc và nói: Đức Chúa đã tôn vinh danh ngài qua mọi thế hệ… Đức Chúa đã ban tràn ơn phúc cho ngài, và ngài nhảy mừng, và toàn thể nhà Ítraen yêu mến ngài. . .” (Ngụy thư Giacôbê).[2]

Đức Gioan Phaolô II đã xem thái độ dâng hiến của Mẹ Maria như một thái độ cơ bản của đức tin Thánh Thể ( foi eucharistique ), và đã nối kết sự dâng hiến của Mẹ với hy tế Thánh Thể của Chúa Giêsu. Đức thánh cha viết: “ Theo một nghĩa nào đó, Đức Maria đã ứng dụng đức tin Thánh Thể của mình trước khi bí tích Thánh Thể được thiết lập, vì Mẹ đã hiến dâng cung lòng trinh khiết của Mẹ để Ngôi Lời Thiên Chúa nhập thể” ( Ecclesia de Eucharistia, số 55 )[3]. Dâng mình cho Thiên Chúa chính là cách nói khác của lời thưa xin vâng trước thánh ý Thiên Chúa. Dâng mình cho Thiên Chúa nghĩa là từ bỏ chính bản thân mình và chỉ khao khát toàn thể thân xác và linh hồn thuộc trọn về Thiên Chúa. Dâng mình cho Thiên Chúa chính là để cho Thiên Chúa thánh hóa, tràn ngập và chiếm trọn chính bản thân mình. Để rồi từ đây, mọi suy nghĩ, lời nói, hành động đều làm vinh danh Chúa và theo thánh ý Thiên Chúa. Bài giảng của thánh Augustin trong Giờ Kinh Sách nói rõ: “Đức Maria đã nghe lời Thiên Chúa và đã ôm ấp Lời ấy… Tâm hồn ngài đã giữ gìn chân lý hơn là lòng dạ ngài giữ gìn xác thể. Chân lý, đó là Đức Kitô trong tâm hồn Đức Maria; xác thể, đó là Đức Kitô trong lòng dạ Đức Maria. Điều ở trong tâm hồn thì lớn hơn điều ở trong lòng dạ.”

Do đó, chúng ta có thể khẳng định rằng Mẹ đã cưu mang Thánh Thể ngay khi chưa thụ thai theo mặt thể lý Đức Giêsu trong cung lòng. Đây là cưu mang Thánh Thể cách thiêng liêng. Mẹ đã sống trọn vẹn thời thơ ấu trong sự trong sáng thuần khiết được gìn giữ bởi Thánh Thể trong tâm trí và xác hồn Mẹ, để rồi sau đó, trước lời mời gọi của sứ thần Gabrien, với sự tự do và ước muốn hoàn toàn thuộc trọn về Thiên Chúa, Mẹ đã trả lời cách dứt khoát và rõ ràng: “Vâng! Tôi đây là nữ tỳ của Thiên Chúa, xin hãy làm cho tôi như lời sứ thần nói.” (Lc 1, 38).

Lời thưa xin vâng là đỉnh cao của cuộc đời Mẹ Maria. Từ giây phút này, Ngôi Lời đã hóa thành nhục thể và hiện diện cách đích thân đích thực, đầy đủ nhân tính là xác hồn và thiên tính là Ngôi Hai Thiên Chúa trong cung lòng của Mẹ, nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần. Thánh Thể đang hiện diện trong cung lòng của Mẹ không còn là một ý tưởng thiêng liêng, nhưng đã mặc lấy một thân xác như một con người bình thường. Cũng từ giây phút này, Mẹ sẽ không cần cảm nhận nhận Thánh Thể cách thiêng liêng nữa, nhưng Mẹ có thể đụng chạm, nghe thấy, ôm ấp… bằng chính những giác quan của mình. Chính sự đụng chạm trọn vẹn bằng cả xác hồn này mà hơn bất kỳ thụ tạo nào, Mẹ Maria có kinh nghiệm được nên một với Thánh Thể cách trọn vẹn nhất. Một Thiên Chúa quyền năng vô song lại trở nên bé nhỏ và mỏng manh yếu đuối trong chính lòng dạ của một trinh nữ thấp hèn.

Sau khi sinh hạ Đức Giêsu, không có nghĩa là Đức Maria không cưu mang Thánh Thể nữa. Giai đoạn này là giai đoạn rõ nhất cho thấy Đức Maria vẫn tiếp tục cưu mang Thánh Thể. Điều này được thể hiện qua việc hiệp thông trọn vẹn giữa Mẹ và Con yêu dấu. Dù là hai thân xác khác nhau nhưng chỉ một tâm hồn. Mẹ đã luôn đồng hành với Con trong mọi hành trình dương thế. Mẹ là người hiểu Thánh Thể nhất, đó là sẻ chia và trao ban. Những câu nói đầy xác tín của Mẹ với những người hầu tại tiệc cưới Cana chứng minh điều đó: “Người bảo gì các ngươi cứ làm theo.” (Ga 2, 5) Nghĩa là Mẹ hiểu được Con của Mẹ chắc chắc sẽ sẻ chia niềm vui và sự sống cho mọi người. Nước hóa thành rượu tại tiệc cưới Cana đã kéo dài niềm vui của khách dự tiệc. Rượu đó là hình ảnh của Máu Đức Kitô sẽ đổ ra, và bất cứ ai uống Máu này, Máu của giao ước mới, thì chính Máu đó sẽ chảy tràn trong thân xác và linh hồn, làm cho họ trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô và nhờ thế họ sẽ được sống mãi và niềm vui của họ sẽ nên trọn vẹn.

Không dừng lại ở đó, trước những biến cố trong hành trình của Con mình, Mẹ Maria luôn ghi nhớ và suy đi nghĩ lại trong lòng. (x. Lc 2, 19). Điều này chứng tỏ rằng, dù xét về mặt thể lý, Mẹ không cưu mang Thánh Thể nữa, nhưng tâm hồn Mẹ lúc nào cũng tràn ngập Thánh Thể và vì thế mọi hành động của Mẹ đều được gợi hứng từ Thánh Thể.

2. NGƯỜI NỮ CỬ HÀNH THÁNH THỂ

Không dừng lại ở việc cưu mang Thánh Thể, Mẹ Maria còn cử hành Thánh Thể cùng với Đức Giêsu. Việc cử hành Thánh Thể của Mẹ được thể hiện ở ba khía cạnh:

LẮNG NGHE LỜI CHÚA

Trước hết, Mẹ đã luôn hiện diện và hiệp thông với Đức Giêsu trong những lời rao giảng. Chắc chắn Mẹ Maria cũng là môn đệ trung thành của Đức Giêsu. Mẹ đã không ngừng lắng nghe và thực hành Lời Chúa qua chính môi miệng của Con mình. Điều này được chính Đức Giêsu xác nhận và tôn vinh Mẹ giữa đám đông dân chúng khi Mẹ và các anh em đi tìm Người: “Ai là mẹ Ta, ai là anh em Ta?”Rồi Người giơ tay chỉ các môn đệ mà nói: “Đây là mẹ Ta và là anh em Ta, vì hễ ai làm theo ý Cha Ta trên trời, thì người ấy là anh em, chị em và là mẹ Ta vậy”. (x. Mt 12, 46 -50). Khi nói điều này không những Chúa Giêsu nêu bật tầm quan trọng của việc lắng nghe và thực hành Lời Chúa, mà Người còn tuyên dương Đức Maria như là mẫu gương sống động cho chúng ta; và nếu chúng ta làm được như Mẹ thì chúng ta có cơ hội trở thành thành viên trong gia đình của Thiên Chúa.

PHỤNG VỤ THÁNH THỂ

Như chúng ta đã biết, chính Đức Giêsu đã ra lệnh cho các tông đồ nói riêng và toàn thể nhân loại nói chung cử hành Thánh Thể: “Anh em hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” (Lc 22,19). Vâng lệnh truyền đó mà ngay sau khi Chúa về trời, các tông đồ đã tụ họp nhau để cử hành Thánh Thể mỗi ngày. Thật vậy, bí tích Thánh Thể mà Chúa Giêsu thiếp lập trong Bữa Tiệc Ly chính là cử hành cuộc tử nạn và phục sinh của Đức Giêsu. Dù theo khía cạnh thời gian cuộc vượt qua của Chúa Giêsu trùng với Lễ Vượt Qua của người Do thái, trải dài trong khoảng ba ngày, nhưng toàn bộ cuộc đời của Đức Giêsu không ngừng hiến tế cho Thiên Chúa, và nhờ thế Người đã hòa giải giữa Thiên Chúa và nhân loại.

Đức Maria cũng đã cử hành Thánh Thể cùng với Đức Giêsu qua việc cùng với Con hiến dâng chính mình cho Thiên Chúa. Mẹ đã đồng hành với Chúa Giêsu trong toàn bộ hành trình dương thế, từ khi sinh ra, sống ẩn dật, rao giảng Tin mừng, chịu chết và hiện diện dưới chân thập giá. Những lời tiên tri của ông Simêon: “một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn Bà.” (Lc 2,5) chứng minh Mẹ đã hiệp thông trọn vẹn với Đức Giêsu và cùng với Hy tế Thập giá Mẹ cũng đã hiến dâng chính mình. Trái tim mẹ cũng bị đâm thâu và rỉ máu như cạnh sườn của Con Mẹ bị lưỡi đòng đâm, máu và nước đã chảy ra mang lại sự sống cho nhân loại. Mẹ đã hiệp thông trọn vẹn bản thân mình với Hy tế của Đức Giêsu trên thập giá. Dù là Mẹ Thiên Chúa, nhưng Mẹ Maria vẫn cần đến ơn cứu độ của Đức Giêsu và như là một môn đệ, một kitô hữu, Mẹ cũng được kêu gọi cử hành Thánh Thể để hiến dâng chính mình.

HIỆP LỄ

Điều này được thể hiện sau Phục Sinh, Mẹ Maria được tham dự vào việc cử hành Thánh Thể mà các Thánh Tông đồ chủ sự để tưởng niệm cuộc Khổ nạn của Chúa như lời Chúa đã dạy. Thông qua việc cử hành Thánh Thể mỗi ngày, Mẹ đã tái hiện lại chính đời sống và hy tế của Con mình một lần nữa. Tuy vậy, Thánh Thể mà Mẹ và các tông đồ cử hành mỗi ngày giờ không phải là thân xác thể lý của Đức Giêsu mà Mẹ đã cưu mang, cho bú mớn và ôm ấp. Thánh Thể được hiến tế trong thánh lễ được biểu thị bằng dấu chỉ bí tích Bánh và Rượu cũng chính là Thánh Thể mà Mẹ đã cưu mang trong cung lòng cách hữu hình. Khi hiệp lễ, Mẹ nhận lấy bánh Thánh Thể, đối với Mẹ, là đón nhận một lần nữa vào trong cung lòng trái tim đã đồng nhịp với trái tim của Mẹ, và Mẹ như sống lại những gì Mẹ đã đích thân cảm nghiệm dưới chân Thập Giá. ( Ecclesia de Eucharistia, xem số 56 ).

Như vậy, Mẹ  Maria đã cử hành Thánh Thể được thể hiện ở ba điểm: Lắng nghe Lời Chúa – hiến dâng chính mình – rước Thánh Thể Chúa.

3. ĐỨC MARIA, NGƯỜI TÔN THỜ THÁNH THỂ

Dưới chân thập giá, Đức Giêsu đã trao Đức Maria cho thánh Gioan, là đại diện cho toàn thể hội thánh. Mẹ không đứng ngoài nhưng là là một thành viên của hội thánh. Đức Maria cùng với các tông đồ chờ đợi Chúa Thánh Thần hiện xuống. Trong thời gian này, như đã đề cập ở trên, chắc chắc Mẹ Maria cùng cử hành Thánh Thể với các tông đồ. Sau khi cử hành thánh lễ, Thánh Thể được lưu trữ trong các tủ nhỏ dành cho các bệnh nhân. Thánh Giustino cho chúng ta biết điều này vào khoảng giữa thế kỷ thứ hai.[4] Cũng vì lý do đó mà giáo hội sơ khai đã hình thành thói quen tôn thờ Thánh Thể ngoài thánh lễ. Chắc chắc Mẹ Maria như là một thành viên của hội thánh, Mẹ cũng tôn thờ Thánh Thể theo cách như thế. Thánh Augustinô đã nói: “Không ai rước Mình Thánh của Chúa Giêsu mà không trước tiên thờ phượng, việc chúng ta phạm tội trong việc thờ phượng Thánh Thể là không thể, không thờ phượng Thánh Thể Chúa mới là phạm tội.[5]

Thật vật, việc tôn thờ Thánh Thể sau thánh lễ được hình thành cách tiệm tiến trong hành trình lịch sử của giáo hội. Trong khi còn tại thế, Mẹ đã luôn ở đó, bên Thánh Thể, để dạy cho các tông đồ cách tôn thờ Thánh Thể. Trong thông điệp Ecclesia De Eucharistia, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã dành chương cuối cho Mẹ Maria và dạy chúng ta học yêu mến Thánh Thể nơi trường học của Đức Mẹ. Ngài đã gọi Đức Maria là người Nữ Thánh Thể ( femme eucharistique ); nhận ra nơi con người và cuộc đời của Mẹ một tương quan rất sâu sắc và mật thiết với Chúa Kitô Thánh Thể. Ngài đã nói rõ: “Trong Tông Thư Rosarium Virginis Mariae, khi đặt Đức Trinh Nữ rất thánh làm Thầy dạy trong việc chiêm ngắm khuôn mặt Chúa Kitô, tôi đã ghi việc thiết lập Bí Tích Thánh Thể vào số các mầu nhiệm ánh sáng (102). Thực vậy, Đức Maria có thể hướng dẫn chúng ta đến Bí Tích cực thánh nầy, vì giữa Mẹ và bí tích này có một mối liên hệ sâu xa.” (Ecclesia De Eucharistia số 53).

Thật vậy, trong tất cả các trình thuật Tin mừng về việc thiết lập bí tích Thánh Thể, không có nhắc đến tên Mẹ Maria. Các sách Tin mừng nhất lãm chỉ nói về các tông đồ dọn lễ Vượt Qua và cùng ăn lễ Vượt Qua với Chúa; bí tích Thánh Thể được thiết lập trong bối cảnh và bầu khí lễ Vượt Qua, mặc dù ngày lễ Vượt Qua chính thức chưa đến. Trái lại , sau Phục Sinh, sách công vụ các tông đồ nói rất rõ là có Mẹ Maria hiện diện với các tông đồ trong nhà tiệc ly, cùng với các tông đồ cầu nguyện chờ đợi Chúa Thánh Thần hiện xuống ( Cv 1, 14 ). Mẹ giữ một vai trò rất quan trọng trong giáo hội sơ khai và chắc chắc Mẹ đã dạy các tông đồ và các tín hữu sơ khai cách thức tôn thờ Thánh Thể hoàn hảo nhất.[6]

TẠM KẾT

Đền Thánh Thể  có tên là Thánh Tâm Chúa Giêsu tại Bolzano, Ý được các linh mục Thánh Thể xây dựng từ năm 1897 đến 1899 theo phong cách kiến trúc Tân La mã và được xây dựng hoàn toàn bằng đá. Trong đền thánh có rất nhiều tranh ảnh về cuộc đời của Cha Thánh Eymard – Đấng sáng lập Dòng Thánh Thể và linh đạo Thánh Thể. Trong số những tranh ảnh đó, có một bức tranh rất đặc biệt, được vẽ trên tường bên cạnh bàn thờ chính của đền thánh. Bức tranh miêu tả Đức Maria cùng với các tông đồ trong phòng tiệc ly đang cử hành Thánh Thể thì Chúa Thánh Thần hiện xuống. Điểm nhấn của bức tranh là Đức Maria trong vai trò như là “PHÔNG NỀN CỦA THÁNH THỂ”, gợi lên hình ảnh của Thánh Thể đang trong cung lòng của Mẹ. Mẹ ở vị trí trung tâm, nhưng trước mặt Mẹ là Chén Thánh, trên đầu Mẹ có hình chim bồ câu là biểu tượng của Chúa Thánh Thần – Đấng đã làm cho Mẹ Thụ Thai Thánh Thể thì cũng là Đấng đã làm cho bánh và rượu trở thành Thánh Thể. Điều này quả thật rất mới mẻ đối với thần học về Thánh Thể và Thánh Mẫu Học lúc bấy giờ. Bức tranh này diễn tả tầm quan trọng của Đức Maria đối với Bí tích Thánh Thể trong linh đạo của Dòng Thánh Thể xuất phát từ đặc sủng mà cha thánh Eymard đã nhận được. Thật vậy, cha thánh Eymard đã có những suy tư sâu sắc về Thánh Thể và Thánh Mẫu Học. Ta có thể gọi đó là những suy tư đi trước thời đại. Trong các tác giả tu đức của thế kỷ XIX, chính thánh Eymard là người đã có được sự thấu hiểu lớn lao nhất trong việc nhìn nhận vai trò làm mẹ của Đức Maria trong Giáo Hội dưới chiều kích Thánh Thể.[7]

Cha thánh đã nhiều lần nhắc nhở các tu sĩ Thánh Thể phải yêu mến Đức Maria cách đặc biệt và phải học nơi Đức Maria cách tôn thờ sao cho hoàn hảo nhất. Cha Eymard nối kết hình ảnh Đức Maria cầu nguyện trong Nhà Tiệc Ly với hình ảnh Đức Maria, người tôn thờ đầu tiên của Ngôi Lời Nhập Thể. Cha ước muốn tôn thờ Chúa Giêsu trong sự hiệp thông với Đức Maria: là người tôn thờ và Nữ hoàng của Nhà Tiệc Ly. Hiệp thông trong tình yêu, trong tán dương, chúc tụng về lòng nhân hậu của Thiên Chúa cho con người; là của lễ và hoàn toàn sẵn sàng cho ý muốn của Thiên Chúa; cuối cùng, lòng thương cảm từ bi đối với người tội lỗi cũng như lời chuyển cầu đón nhận sự tha thứ và hoán cải trở về với Thiên Chúa. ( NR 44, 130).[8]

Ước mong sao các tín hữu trên toàn thế giới, cách riêng là các tu sĩ Thánh Thể có thể noi gương bắt chước Đức Maria, qua những chỉ dẫn và gợi hứng của cha thánh Eymard tổ phụ. Đức Maria đã dành toàn bộ đời sống của mình để CƯU MANG – CỬ HÀNH – và TÔN THỜ THÁNH THỂ, thì các tu sĩ Thánh Thể cũng phải họa lại đời sống của mình như thế. Để ngang qua việc cưu mang, cử hành và tôn thờ, các tu sĩ Thánh Thể có thể sống sung mãn mầu nhiệm Thánh Thể và trình bày ý nghĩa của mầu nhiệm ấy, để Đức Ki-tô được hiển trị và vinh quang Thiên Chúa được rạng tỏ trên trần gian.[9]

                               ---------

    Lm. Mar – Aug Bùi Văn Hồng Phúc, SSS

Bolzano, Ý – Lễ Đức Mẹ Thánh Thể 13/5/2024


 

[1] Lễ Đức Mẹ Thánh Thể, Gioakim Nguyễn, https://giaophanvinhlong.net/le-duc-me-thanh-the-135.html.

[2] Hạnh các Thánh, Đức Mẹ Dâng Mình Trong Đền Thờ, Enzo Lodi, https://www.tonggiaophanhanoi.org/ngay-21-11-duc-me-dang-minh-trong-den-tho/.

[3] Mẹ Maria Và Bí Tích Thánh Thể, Bùi Văn Đọc, https://www.simonhoadalat.com/hochoi/giaohoi/ThuongHuan/ThuongHuan2004/MariaNguoiNuThanhThe.htm.

[4] L’Adorazione Eucaristica – Un dono prezioso da conoscere e svilupare, Giovanni Moretti, Centro Eucaristico, 27.

[5] L’Adorazione Eucaristica – Un dono prezioso da conoscere e svilupare, Giovanni Moretti, Centro Eucaristico, 28.

[6] Mẹ Maria Và Bí Tích Thánh Thể, Bùi Văn Đọc, https://www.simonhoadalat.com/hochoi/giaohoi/ThuongHuan/ThuongHuan2004/MariaNguoiNuThanhThe.htm.

[7] Đức Maria Trong Cuộc Đời Thánh Eymard, Bernard Camiré, https://dongthanhthe.net/bai-9-duc-maria-trong-cuoc-doi-thanh-eymard.html.

[8] Vị trí đặc biệt của Đức Maria trong cuộc đời cha Eymard, https://www.dongnutythanhthe.net/vi-tri-dac-biet-cua-duc-maria-trong-cuoc-doi-cha-eymard.html.

[9] Luật sống Dòng Thánh Thể, số 1.

 

© 2016 Dongthanhthe.net. All rights reserved.