Đức Mẹ Thánh Thể Theo Thánh PHÊ-RÔ GIU-LI-A-NÔ Ê-MA

ĐỨC MẸ THÁNH THỂ THEO THÁNH PHÊ-RÔ GIU-LI-A-NÔ Ê-MA (PETER JULIAN EYMARD)

Tháng Đức Maria là tháng của phước lành và ân sủng, vì theo Thánh Bênađô và hầu như tất cả các Thánh, đều bảo đảm với chúng ta rằng mọi ân sủng đến với chúng ta qua Đức Maria. Tháng Đức Maria là một lễ hội liên tục để tôn vinh Mẹ Thiên Chúa, tiếp đến, chuẩn bị cho chúng ta một tháng tốt lành để đón nhận Bí tích Thánh Thể.

I. Ơn gọi của chúng ta mời gọi chúng ta dành sự tôn thờ đặc biệt cho Bí tích Thánh Thể, nhưng không vì thế mà chúng ta giảm bớt lòng tôn sùng Đức Trinh Nữ. Nói cách khác, ai nói rằng: “Bí tích Cực Thánh là đủ cho tôi rồi; tôi không cần Đức Maria” người ấy sẽ phạm tội báng bổ. Trên trái đất này, chúng ta sẽ tìm thấy Chúa Giêsu ở chốn nào nếu không phải là ở trong vòng tay của Mẹ Maria sao? Chẳng phải Mẹ đã ban Bí tích Thánh Thể cho chúng ta đó sao? Chính sự ưng thuận của Mẹ, Ngôi Lời đã Nhập Thể trong cung lòng Mẹ, và đã khai mở một mầu nhiệm cao cả, mầu nhiệm đó là việc đền tạ Thiên Chúa và kết hợp với nhân loại chúng ta mà Chúa Giêsu đã thực hiện trong cuộc đời trần thế của Người, và Người còn tiếp tục trong Bí Tích Thánh Thể.

Không có Mẹ Maria, chúng ta sẽ không bao giờ tìm thấy Chúa Giêsu, vì Mẹ Maria đã chiếm hữu Ngài trong trái tim Mẹ. Chúa Giê-su vui thích ở trong trái tim Mẹ, và những ai muốn biết các nhân đức thâm sâu nhất của Chúa Giê-su, muốn trải nghiệm đặc ân tình yêu thân mật của Ngài, phải tìm kiếm những điều này nơi Đức Maria. Những ai yêu mến Người Mẹ nhân lành đó sẽ tìm thấy Chúa Giêsu trong trái tim thanh khiết của Mẹ.

Không bao giờ chúng ta có thể tách rời Chúa Giêsu khỏi Mẹ Maria được, vì chúng ta chỉ có thể đến với Chúa Giêsu qua Mẹ của Ngài. Hơn nữa, tôi càng xác tín rằng khi chúng ta càng yêu mến Bí tích Thánh Thể thì chúng ta càng phải yêu mến Đức Maria. Chúng ta yêu tất cả những gì bạn chúng ta (là Chúa Giê-su) yêu; cho đến bây giờ, chưa từng có thụ tạo nào được Thiên Chúa yêu thương hơn, chưa từng có một người mẹ nào được con mình yêu thương dịu dàng hơn là Chúa Giêsu yêu thương Mẹ Ngài là Đức Maria.

Ồ vâng, Chúa chúng ta sẽ rất đau lòng nếu chúng ta, những tôi tớ của Bí tích Thánh Thể, không hết lòng tôn kính Đức Maria, bởi vì Mẹ là Mẹ của Người! Chúa chúng ta mắc nợ Mẹ của Người mọi sự ngay từ lúc Nhập Thể, trong nhân tính của Ngài. Mẹ đã ban cho Ngài thân xác mà Ngài đã tôn vinh Chúa Cha bằng chính thân xác đó. Ngài đã cứu độ chúng ta cũng bằng chính thân xác đó, và Ngài tiếp tục nuôi dưỡng và cứu độ thế giới bằng Bí tích Thánh Thể, cũng chính là thân xác đó.

Chúa mong muốn chúng ta tôn vinh Mẹ nhiều hơn nữa, vì trong suốt cuộc đời trần thế của Ngài, dường như Ngài đã xao lãng việc làm đó. Chắc chắn Chúa đã dành mọi vinh dự cho Mẹ Người trong đời sống riêng tư của Người; nhưng ở nơi công cộng, Ngài đã bỏ Mẹ ở lại phía sau, vì luôn luôn và trước hết Ngài phải khẳng định và duy trì phẩm giá của Ngài là Thiên Chúa. Nhưng bây giờ, Chúa muốn chúng ta, theo một cách nào đó, đền bù cho Đức Trinh Nữ Rất Thánh tất cả những gì Ngài đã không làm cho Mẹ Ngài ở bề ngoài và chúng ta buộc (vì phần rỗi đời đời của chúng ta đang bị đe dọa) phải tôn vinh Mẹ là Mẹ Thiên Chúa và là mẹ của chúng ta.

II. Nhưng với tư cách là những người tôn thờ, chúng ta đặc biệt được thánh hiến để phụng sự Bí tích Thánh Thể, nhờ ơn gọi này mà chúng ta có lòng sùng kính đặc biệt đối với Đức Maria. Là những Tu sĩ Thánh Thể, Nữ Tỳ Thánh Thể, Nữ Tỳ Chúa Ki-tô, Hội viên của Hiệp Hội Thánh Thể, chúng ta tôn thờ Bí tích Thánh Thể theo lời khấn của mình. Đây là tước hiệu đẹp đẽ của chúng ta, được Đức Piô IX chúc phúc. Những người tôn thờ - điều này có nghĩa là gì? Điều đó có nghĩa là chúng ta gắn bó với Con Người đáng tôn thờ của Chúa chúng ta đang sống trong Bí tích Thánh Thể.

Nhưng nếu chúng ta thuộc về Con, thì chúng ta cũng thuộc về Mẹ; nếu chúng ta tôn thờ Chúa Con, chúng ta phải tôn vinh Người Mẹ. Vì vậy, để tiếp tục sống trong ân sủng ơn gọi của mình và tham gia trọn vẹn vào ơn gọi đó, chúng ta buộc phải dành một sự tôn vinh rất đặc biệt cho Đức Trinh Nữ Maria dưới danh hiệu Đức Mẹ của (Chúa Giêsu) Bí Tích Cực Thánh, hay Đức Mẹ Thánh Thể.

Việc sùng kính này vẫn chưa được biết đến nhiều và cũng chưa được định nghĩa rõ ràng trong Giáo hội. Nhưng vì việc sùng kính Đức Maria đi theo việc tôn thờ Chúa Giêsu nên cũng sẽ đi theo những giai đoạn và sự phát triển khác nhau.

Khi chúng ta tôn vinh Chúa trên Thánh Giá, chúng ta cầu nguyện với Đức Mẹ Bảy Sự thương khó. Khi chúng ta tôn kính đời sống vâng phục khiêm tốn, ẩn dật của Chúa tại Nazareth, chúng ta có thể coi Đức Mẹ Đời Sống Ẩn Dật là Gương Mẫu của mình. Đức Trinh Nữ chia sẻ tất cả những kinh nghiệm của Con Mẹ.

Chúng ta vẫn chưa cầu khẩn Đức Mẹ dưới danh hiệu đẹp đẽ này, Đức Mẹ Thánh Thể; nhưng lòng sùng kính Thánh Thể hiện đang lan rộng; chưa bao giờ thấy được lòng sùng kính Thánh Thể lại mạnh mẽ và phổ biến hơn như thời đại chúng ta ngày nay. Lòng sùng mộ đang phát triển khắp nơi, ngày cũng như đêm. Bí tích Thánh Thể sẽ trở thành phương thế cứu rỗi cho thời đại này. Việc tôn thờ Thánh Thể là vinh quang, là sức mạnh của thế kỷ này, và lòng sùng kính Đức Mẹ Thánh Thể cũng sẽ phát triển cùng với việc tôn thờ Bí tích Thánh Thể.

Tôi chưa thấy sự sùng kính này được đề cập đến (được luận giải) trong bất kỳ tác phẩm nào; tôi cũng chưa bao giờ nghe nói đến điều đó, ngoại trừ trong những Mặc khải về Mẹ Maria về Chúa Giêsu, trong đó tôi đọc được đôi điều về việc Đức Maria Rước lễ; và một lần nữa, trong Sách Công vụ Tông đồ, cho chúng ta thấy Đức Mẹ trong Nhà Tiệc Ly.

III. Đức Trinh Nữ đã làm gì trong Nhà Tiệc Ly? Đức Trinh Nữ đã yêu mến. Mẹ là Mẹ và là Nữ Vương của những người tôn thờ. Nói một cách ngắn gọn, Mẹ là Đức Mẹ Thánh Thể. Công việc của chúng ta trong tháng này sẽ là tôn vinh Mẹ dưới tước hiệu đẹp đẽ này, suy ngẫm về những gì Mẹ đã làm và xem Chúa đã đón nhận Mẹ như thế nào. Chúng ta sẽ khám phá ra sự kết hợp hoàn hảo của hai trái tim này – trái tim của Chúa Giêsu và trái tim của Đức Maria – hòa quyện đến mức dường như là một trái tim, một sự sống. Chính nhờ lòng đạo đức mà chúng ta có thể thâm nhập vào bức màn huyền nhiệm bao quanh đời sống tôn thờ của Đức Mẹ.

Điều đáng ngạc nhiên là Sách Công vụ Tông đồ chẳng nói gì về điều này, nhưng điều làm chúng ta hài lòng với việc (Sách Công vụ Tông đồ) nêu ra sự kiện Đức Maria cư ngụ trong Nhà Tiệc Ly. À! đó là bởi vì suốt cuộc đời của Đức Trinh Nữ chỉ có một hành động yêu thương và tôn thờ liên tục.

Nhưng làm thế nào để mô tả tình yêu và sự tôn thờ này? Làm sao diễn tả được sự ngự trị của Thiên Chúa trong tâm hồn và sự sống của linh hồn trong Thiên Chúa?

Không thể miêu tả được. Trong ngôn ngữ, không có ngôn từ nào có thể diễn tả được niềm vui của thiên đàng, và cuộc đời của Đức Maria trong Nhà Tiệc Ly cũng được hưởng niềm vui như vậy. Thánh Luca chỉ nói với chúng ta rằng Mẹ đã sống và cầu nguyện ở đó.

Chúng ta hãy học theo đời sống nội tâm của Mẹ khi cầu nguyện, khi thờ phượng. Chúng ta có thể hình dung ra tất cả những gì mãnh liệt nhất trong tình yêu, tất cả những gì thánh thiện nhất và tốt nhất về nhân đức, rồi quy tất cả cho Đức Maria.

Và vì Đức Maria đã sống trong Nhà Tiệc Ly và đã kết hợp với Bí tích Thánh Thể khoảng hai mươi năm, nên mọi nhân đức của Mẹ đều mang dấu ấn Thánh Thể. Các nhân đức được Mẹ nuôi dưỡng bằng việc rước lễ, tôn thờ và bằng sự kết hợp liên tục với Chúa Giêsu Thánh Thể. Các nhân đức của Đức Maria trong thời gian lưu trú tại Nhà Tiệc Ly đã đạt đến mức hoàn hảo cao nhất – một sự hoàn hảo gần như vô hạn – và chỉ có Con Thiên Chúa của Mẹ mới vượt qua được.

Chúng ta hãy cầu xin Chúa mặc khải cho chúng ta điều gì đã xảy ra giữa Ngài và Đức Mẹ trong những năm tháng ở Nhà Tiệc Ly. Ngài sẽ tỏ cho chúng ta biết một số điều kỳ diệu đó—nhưng không phải tất cả, vì chúng ta không thể đủ sức để lĩnh hội tất cả, ngoại trừ một số ít điều thôi—và sự nhận biết này sẽ khiến chúng ta tràn ngập niềm vui và sự ngưỡng mộ.

Ồ! Tôi sẽ hạnh phúc biết bao nếu có thể viết vài bài suy niệm về Tháng Đức Maria, người Nữ Tôn Thờ (Adoratrix)! Cần phải nghiên cứu nhiều, và cầu nguyện nhiều nữa. Hơn nữa, ta cần phải hiểu tâm tình tạ ơn trong tình yêu của Đức Maria. Tôi rất mong muốn điều này, nhưng với một công việc như vậy thì cần phải chuẩn bị kỹ lưỡng hơn.

IV. Tất cả những mầu nhiệm về cuộc đời của Đức Maria đều được tái hiện trong Nhà Tiệc Ly. Nếu chúng ta suy niệm về sự giáng sinh của Con Mẹ tại Bê-lem, chúng ta hãy tiếp tục trình thuật Tin Mừng, và chẳng bao lâu nữa chúng ta sẽ chứng kiến Thánh Thể cũng của chính Người Con đó được sinh ra trên bàn thờ. Hoặc nếu chúng ta thực hiện chuyến bay sang Ai Cập: Há chúng ta không thấy rằng Chúa của chúng ta thậm chí hiện đang ở giữa những người xa lạ và những kẻ man rợ, trong những thành phố và những quốc gia mà các nhà thờ bị đóng cửa và không ai đến thăm Ngài sao? Và nói đến cuộc sống ẩn dật của Ngài ở Na-gia-rét: chẳng phải chúng ta thấy Ngài còn ẩn dật hơn ở đây sao? Bằng cách này, chúng ta hãy xem xét tất cả các mầu nhiệm khác dưới ánh sáng Thánh Thể và suy ngẫm về nhiệm vụ mà Đức Maria đã đảm nhận.

Điều cần nhất là chúng ta cố gắng thực hành theo một vài nhân đức được ban tặng của Đức Trinh Nữ. Hãy bắt đầu thực hành ngay với nhân đức bé nhỏ nhất trong số những nhân đức này. Khi bạn đã biến những nhân đức ấy thành của riêng mình, bạn sẽ tiến dần từng chút một cho đến khi bạn đạt đến những nhân đức nội tâm của Mẹ, thậm chí cả nhân đức tình yêu của Mẹ.

Vậy thì mỗi ngày chúng ta hãy dâng một ít của lễ. Chúng ta hãy thấy trước điều gì đó mình sẽ phải trả giá. Có một số hy sinh mà chúng ta có thể lên kế hoạch trước: sẽ đi gặp một người như vậy, sẽ thực hiện một hành động như vậy… Hãy dâng của lễ này; Đức Trinh Nữ sẽ rất hài lòng với điều đó. Việc làm đó nhân danh chúng ta, sẽ là một bông hoa được thêm vào vương miện mà Mẹ muốn dâng lên Con của Mẹ vào ngày lễ của Ngài – lễ kính Mình Máu Thánh Chúa Kitô tuyệt vời.

Nếu chúng ta không thấy trước sự hy sinh cụ thể nào, chúng ta hãy giữ mình trong tâm thế quảng đại để đón nhận tất cả những gì Thiên Chúa sẽ gửi đến cho chúng ta. Chúng ta hãy cảnh giác, đừng bỏ lỡ bất kỳ cơ hội từ bỏ mình nào trôi qua. Những việc làm này ví như là những sứ giả đến từ thiên đường, mỗi sứ giả đều mang theo một ân sủng và một vương miện gai.

Chúng ta phải chào đón cả hai. Một sự hy sinh mà được biết trước, hay khiến chúng ta vịn lý trí, và lý luận cân nhắc, thì làm giảm bớt giá trị của việc hy sinh; nhưng những thứ mà chúng ta quảng đại chấp nhận mà không cần cân nhắc hay cân nhắc trước thì có giá trị hơn. Chúa muốn làm chúng ta ngạc nhiên. Ngài nói với chúng ta: “Hãy luôn sẵn sàng!” và tâm hồn trung thành sẵn sàng chấp nhận mọi điều Chúa muốn. Tình yêu đem đến những niềm vui bất ngờ. Chúng ta đừng bao giờ đánh mất những cơ hội hy sinh này; tất cả những gì cần thiết là phải quảng đại.

Một tâm hồn rộng lượng! Thật là một điều đẹp đẽ trước mắt Chúa! Thiên Chúa được tôn vinh bởi một người như vậy, và Ngài nói về bà (Đức Trinh Nữ) như Ngài đã nói về Gióp, với niềm vui và sự ngưỡng mộ “Ngươi có thấy Gióp, tôi tớ Ta không?” Tâm hồn yêu thương không để cho những hy sinh hằng ngày trôi qua. Cô (Trinh Nữ) ấy luôn cảnh giác, mắt hướng lên trời. Cô (Trinh Nữ) ấy cảm nhận thánh giá đang đến và cô chuẩn bị đón nhận nó.

Vậy chúng ta hãy tôn vinh Đức Trinh Nữ bằng Hy tế hàng ngày. Chúng ta hãy đến với Chúa qua Mẹ; nương náu phía sau Mẹ, trú ẩn dưới tấm áo choàng bảo vệ của Mẹ; hãy mặc lấy nhân đức của Mẹ. Tóm lại, chúng ta hãy núp dưới bóng của Đức Maria. Chúng ta hãy dâng mọi hành động, mọi công nghiệp, mọi nhân đức của Mẹ cho Chúa chúng ta. Chúng ta chỉ cần chạy đến với Mẹ Maria và thưa với Chúa Giêsu: “Con xin dâng lên Ngài sự giàu có mà Mẹ nhân lành của con đã giành được cho con” - và Chúa sẽ rất hài lòng với chúng ta.

                  20/04/2024

Chuyển ngữ: Tu sĩ Phê-rô Trịnh Như Cung, sss

© 2016 Dongthanhthe.net. All rights reserved.