Khiêm Tốn, Một Đặc Nét Của Đức Maria

          Cuộc đời ẩn dật của Đức Maria có một đặc nét phân biệt hẳn với cuộc đời của Chúa Giêsu. Chúng ta không tìm thấy nơi Đức Maria sự khiêm nhượng quá lạ lùng kinh ngạc, sự khiêm nhường pha trộn vừa mạnh mẽ vừa yếu đuối, vừa quyền chức vừa thuần phục, sự khiêm nhường rất đáng thán phục trong cuộc đời Chúa Giêsu. Đời sống của Mẹ Maria luôn luôn bình bình, đơn sơ và khuất lấp, khiêm tốn và nhu hạ sâu xa. Sự khiêm tốn là đặc nét của lòng đạo đức, nhân đức và mọi hành động của Mẹ. 

1. Đức Maria khiêm nhu trong sinh hoạt bên ngoài. Mẹ không sống lập dị bởi nếp sống khổ hạnh cũng không bởi lối sống buông thả. Từ tốn và ngọt ngào, giống như người Con thần linh của Mẹ, toàn thể sinh hoạt bên ngoài của Mẹ nói lên địa vị thấp kém của Mẹ làm cho Mẹ nên giống như bao người phụ nữ trong dân chúng. Chúng ta cũng nên cố gắng cư xử khiêm tốn để tránh kéo chú ý về mình, nếu chúng ta muốn nên giống Mẹ Thánh chúng ta trong cuộc đời Mẹ. 

2. Đức Maria khiêm hạ trước mặt người đời, Mẹ đã hăng hái hy sinh đời sống tư và những ngọt ngào của sự chiêm niệm thiên đường để đi viếng bà chị họ Elizabeth, chúc mừng bà và giúp đỡ bà. Suốt ba tháng, Mẹ đã là người bạn đồng hành kiên trì của bà, khiêm tốn hầu hạ bà; và Mẹ đã lấy làm vui thú về mái gia đình đặc tuyển này. Khi vinh quang Con Mẹ đòi hỏi, Mẹ đã xuất hiện trước công chúng. Mẹ đã có mặt tại đám cưới Cana. Mẹ không hề nói một lời nhằm tán dương mình, cũng không đem danh hiệu Mẹ Thiên Chúa, hay quyền lực và vinh quang Con mình ra để cho người ta quí chuộng mình. Mẹ luôn luôn lưu tâm đến tiếng gọi của đức bác ái, và rút lui ngay khi không còn nhu cầu đến Mẹ.

3. Đức Maria khiêm nhường trong các bổn phận. Mẹ chu toàn mọi bổn phận cách êm ái, không sôi nổi háo hức, luôn luôn mãn nguyện, luôn luôn sẵn sàng đón nhận những bổn phận mới. Mẹ chu toàn bổn phận với tư chất điềm tĩnh, không tỏ ra khó khăn gì và cũng không bao giờ xin an ủi, không bao giờ gây chú ý, vì mọi sự được thi hành như là việc tất nhiên phải thế. Do đó, Mẹ là mẫu gương tuyệt vời cho tất cả những ai muốn sống đời sống của Chúa Giêsu Thánh Thể. Đời sống của người tôn thờ, được thánh hiến để phục vụ Vua Thánh Thể, gồm có một ít hy sinh mà duy mình Thiên Chúa nhìn thấy và ban thưởng. Những công việc phục vụ thấp kém của họ tạo nên tất cả vinh dự, tất cả niềm vui của lòng sùng hiếu, và tham vọng độc nhất của họ là làm vui lòng Thầy chí thánh bằng việc bền bỉ hy sinh thân mình. 

4. Đức Maria khiêm tốn trong việc đạo đức. Đức Maria, đã được nâng lên tới tột độ của đời sống cầu nguyện mà một thụ tạo có thể đạt tới, đã sống thường xuyên trong sự rèn luyện tình yêu trọn hảo, đã được tôn lên trên tất cả các thiên thần, và nhờ phẩm chức Mẹ Thiên Chúa, làm nên một trật tự tách biệt trong những kỳ quan của Thiên Chúa. Tuy nhiên, Mẹ phục vụ Chúa của Mẹ trong đường lối đạo đức thông thường bình dị. Mẹ đi theo những huấn chỉ của lề luật, tham dự các ngày lễ theo luật, cầu nguyện với dân chúng. Không có gì để phân biệt Mẹ, không cả đức khiêm tốn mà Mẹ đã dấu kín. Không gì, kể cả lòng sốt sắng phi thường, tỏ ra nơi nếp sống bề ngoài lòng đạo đức trọn hảo của Mẹ. 

          Lòng đạo đức của chúng ta cũng nên như thế; không gì được gây chú ý trong những việc thực hành của chúng ta, đơn sơ và khiêm tốn trong hành động, cẩn thận loại bỏ hết mọi lập dị (hoa quả tinh vi của lòng tự ái) và mọi cái bất thường, khi chúng có thể đưa đến sự phù phiếm và ảo tưởng.

5. Đức Maria khiêm tốn trong các nhân đức. Đức Maria có tất cả các nhân đức ở mức độ tối cao, và thực hành tất cả các nhân đức ấy một cách trọn hảo thần hiệu, nhưng không phải trong cách lạ thường. Sự khiêm nhường của Mẹ đã chỉ nhìn thấy lòng nhân lành Thiên Chúa, và đối với tất cả những ân huệ Mẹ đã lãnh nhận, Mẹ chỉ tỏ ra một lòng biết ơn khiêm tốn, lòng biết ơn của người nghèo – lặng lẽ và kín đáo, không bị người đời chú ý. “Nazareth nào có cái gì hay chứ?” Kết quả là chẳng ai để ý đến Mẹ Maria. Hãy xem cái bí mật vĩ đại của sự trọn lành: để biết thế nào là tìm kiếm nó trong cái đơn sơ nhất; thế nào là dưỡng nuôi nó trong những cái thông thường nhất; thế nào là bảo quản nó giữa sự bị coi thường và quên lãng. Nhân đức mà được phô trương nơi công cộng thì nguy mất; nhân đức mà được ca tụng khen lao thì sắp gãy đổ. Đoá hoa mà mọi người ngắm nghía thì rất mau tàn. 

          Do đó, chúng ta hãy yêu quí những nhân đức nhỏ bé của Nazareth, những nhân đức kín ẩn được phát sinh dưới chân thánh giá, dưới bóng Chúa Giêsu và Mẹ Maria; để rồi chúng ta khỏi phải sợ bão táp quật ngã cây tuyết tùng, cũng không sợ sấm sét đánh trên đỉnh núi cao.

6. Đức Maria khiêm tốn trong những hy sinh. Đức Maria chấp nhận cuộc lưu đầy cách lặng lẽ và dịu dàng mà không thốt ra một lời phàn nàn. Mẹ đã không cho mình là hơn vì thấy mình được tiền định chịu những hy sinh lớn lao, cũng không phàn nàn hoặc xin giảm bớt tính chất gay gắt của những hy sinh ấy. 

          Mẹ đã nhu hạ trong suốt thời gian người bạn đời thánh thiện của Mẹ phải chịu bối rối cay cực. Thay vì nói với người về mầu nhiệm vĩ đại đã được thực hiện trong Mẹ, điều đó sẽ làm Mẹ được đề cao dưới mắt người, thì Mẹ lại đã chịu đựng sự hoài nghi của người trong thinh lặng và chờ đợi trời cao biện minh cho nhân đức của mình, Mẹ lặng lẽ phó mình cho sự quan phòng Thiên Chúa. 

          Với con tim bị sầu thương đâm thâu, Mẹ Maria đi theo Con Mẹ đang vác thánh giá; nhưng trên quãng đường Giêrusalem ấy, Mẹ không hề kêu than khóc lóc. Trên đồi Canvê, bị chìm đắm trong nỗi sầu thương khôn lường, một nỗi đau thương sâu thẳm như tình yêu của Mẹ, Mẹ Maria đã chịu đau khổ trong im lặng; và sau khi đã im lặng từ biệt Con Mẹ, Mẹ đã rút lui – tâm hồn tan vỡ, nhưng vẫn nhẫn nại.

7. Sau hết, Đức Maria nhu hạ trong những vinh quang của Mẹ, và đây là cuộc khải thắng tuyệt vời nhất của đức khiêm nhường của Mẹ Maria. Đức Maria vì phẩm chức độc đáo Mẹ Thiên Chúa nên có quyền được cả vũ trụ tôn kính; tuy nhiên, Mẹ chỉ giữ lại những đau khổ và hy sinh của thiên chức làm Mẹ. Khi Con Mẹ được tôn vinh ca tụng, thì không bao giờ công chúng thấy Mẹ xuất hiện. Trái lại, khi nào có những đau đớn nhục nhã cần phải chia sẻ với Ngài thì Mẹ luôn luôn có mặt bên cạnh Ngài. 

          Do đó, nếu chúng ta muốn là những người con đích thực của người Mẹ đáng yêu này, chúng ta phải mặc lấy đức khiêm nhường của Mẹ. Chúng ta hãy năng lấy nhân đức này làm đề tài nguyện ngắm, vì đó là gia sản Mẹ Maria để lại cho chúng ta. Hãy để đức khiêm nhường của Mẹ trở nên mực thước cho cách xử sự của chúng ta. Hãy để cho sự đơn sơ, quên mình chỉ nhìn lên Chúa, luôn lo đến bổn phận hơn là tìm dễ chịu, lo tìm Chúa hơn là tìm những an ủi của Chúa, lo yêu vì tình yêu – sau cùng hãy để niềm vui thích độc nhất này trở nên phần chén, nên mục đích của tất cả mọi nỗ lực và đặc nét của đời sống chúng ta. 

          Đức khiêm nhường là nhân đức tối thượng của người tôn thờ, vì đó là nhân đức của các tôi tớ Đức Vua, và là nhân đức của các thiên thần trước sự hiện diện của chúa tể thần linh. 

          Do đó, đức khiêm nhường điều chỉnh cách ăn ở của chúng ta trước mặt Chúa, khi chúng ta tỏ bày cho Ngài niềm kính tôn của các giác quan và tài năng của chúng ta. Đó là lễ nghi phục vụ hoàng triều. Chúng ta phải nhu hạ y như Mẹ Maria trong việc phục vụ Chúa Giêsu! 



 

© 2016 Dongthanhthe.net. All rights reserved.