THẦN HỌC VỀ BÍ TÍCH THÁNH THỂ TRẢI QUA CÁC THỜI ĐẠI
Vào những thế kỷ gần đây, thần học tín lý thường nhấn mạnh hai khía cạnh của bí tích Thánh Thể đối lại với những thách đố của nhóm Tin Lành: a) sự hiện diện thực sự của Chúa Giêsu trong bí tích dưới hình bánh rượu (kể cả sau khi kết thúc nghi lễ); b) Thánh lễ là một hy tế.
Khi đọc lại lịch sử Giáo hội, người ta thấy rằng đã có nhiều lối tiếp cận bí tích, vừa tuỳ thuộc khung cảnh văn hóa không gian và thời gian, vừa tuỳ thuộc những mối quan tâm mục vụ, trong đó bao gồm cả việc bảo vệ chân lý đức tin chống lại các lạc thuyết.
Chúng ta hãy ôn lại vài nét chính về lịch sử thần học qua ba giai đoạn chính: thời các Giáo phụ, thời Trung đại, thời Cận đại, dẫn đến những văn kiện của Huấn quyền ở thế kỷ XX3.
I. Thời các giáo phụ
Thần học của bí tích Thánh Thể vào thời các thánh tông đồ sẽ được bàn đến khi phân tích các bản văn Tân ước trong chương Một.
1/ Ba thế kỷ đầu tiên
Trong những bản văn cổ điển nhất vào cuối thế kỷ I và đầu thế kỷ II nhắc đến Thánh thể, chúng ta có thể đến sách Điđakhê (tựa đề tiếng Hy-lạp có nghĩa là: “Đạo lý mười hai thánh tông đồ”) và các thư của thánh Inhaxiô giám mục Antiôkia.
Sách Điđakhê (khoảng cuối thế kỷ I) ghi lại một số những kinh chúc tụng đọc trên bánh và rượu (chương 9-10; 14), cho phép suy diễn về buổi cử hành Thánh Lễ vào “ngày của Chúa”. Nội dung của lời chúc tụng là hồng ân tạo dựng (bánh và rượu), hồng ân ban cho con người (óc khôn ngoan, sự hiểu biết), hồng ân cứu độ (đức Giêsu tôi tớ Chúa). Sau cùng là lời cầu xin cho Hội thánh được ơn hợp nhất trong khắp cả hoàn cầu.
Trong các thư của thánh Inhaxiô tử đạo (viết vào đầu thế kỷ II), thuật ngữ Eucharistia được dùng để ám chỉ hành vi tạ ơn cũng như việc tưởng niệm điều Chúa Giêsu đã làm trong bữa Tiệc Ly. Tác giả cũng nhấn mạnh đến sự hợp nhất giữa những người cùng chia sẻ một tấm bánh và một chén rượu: “một lời tạ ơn, một thân xác của Chúa Giêsu Kitô, một chén máu liên kết chúng ta, một bàn thờ, một giám mục cùng với linh mục đoàn và các phó tế” (Philadelphia, c.4). Đồng thời, người ta nhận thấy thánh Inhaxiô bận tâm bảo vệ sự thật về thân xác của Chúa Giêsu chống lại nhóm “ảo nhân” (docetismus) theo đó Chúa Giêsu chỉ có hình dáng như con người chứ không phải là người thật. Vì thế tác giả nhấn mạnh đến sự đồng nhất giữa thân xác lịch sử của Chúa Giêsu và thân xác trong Thánh thể; chính nhờ thân xác của Người đã chịu chết và sống lại mà thân xác của chúng ta được cứu thoát khỏi sự chết (Philadelphia, c.7; Ephesô, c.20).
Thánh Giustinô (+ k.165) coi Thánh Thể như là kéo dài mầu nhiệm Nhập thể: cũng như Lời Chúa đã làm cho đức Giêsu nhập thể và cứu chuộc chúng ta, thì lời cầu “Tạ ơn” cũng biến đổi bánh và rượu trở thành xác và máu của Chúa Giêsu (Dialogus cum Triphone, c.70).
Thánh Irênêô (sinh khoảng năm 140-150) phải bênh vực đạo lý chống lại nhóm ngộ giáo nhị nguyên, theo đó vật chất và thân xác là do Ác thần làm ra. Thánh nhân khẳng định rằng vũ trụ này là do Thiên Chúa dựng nên. Bánh và rượu đã được Chúa Kitô chấp nhận làm bí tích cứu độ. Thân xác chúng ta được cứu chuộc nhờ thân xác của Chúa Kitô. Nhờ lời chúc tụng tạ ơn, bánh và rượu trở thành thân mình và máu của Chúa Kitô (Adversus haereses IV, 18, 4-5)4.
2/ Từ thế kỷ IV
Văn chương Kitô giáo trở nên phong phú hơn kể từ thế kỷ IV. Trong cách thức cử hành bí tích cũng như trong các bài huấn giáo, người ta nhận thấy có sự đa dạng, không những giữa Đông phương và Tây phương nhưng ngay giữa các trường phái của Đông phương nữa.
a) Nói chung, các giáo phụ bên Đông phương chịu ảnh hưởng của triết học Platon, theo đó những thực tại trần thế là phản ảnh của thực tại thiên giới: trần thế là biểu tượng (symbolon) của thiên giới, họa lại nguyên bản căn gốc của thiên giới. Ap dụng vào bí tích Thánh Thể, các giáo phụ Hy-lạp cho rằng bí tích là biểu tượng của Chúa Phục sinh: Chúa Kitô, hình ảnh nguyên bản, đã trở nên gần gũi với chúng ta nhờ hình ảnh của bí tích. Mối liên hệ giữa nguyên bản và bản sao (hình ảnh) được hình thành Thánh Linh. Tuy nhiên, quan điểm chung này được phát biểu với nhiều nét riêng biệt giữa trường phái Alêxanđria và Antiôkia.
- Trường phái Alêxanđria (Clêmentê, Origène, Eusêbiô Cêsarêa, Athanasiô, Cyrillô) đặt bí tích Thánh Thể trong toàn bộ tiến trình “thiên hóa”: Thiên Chúa đã trở nên con người ngõ hầu con người trở nên Thiên Chúa. Bí tích này là phương tiện tuyệt vời nhất để con người kết hiệp với Lời hằng hữu của Thiên Chúa. Tuy nhiên, trường phái Alêxanđria nhấn mạnh đến sự kết hiệp “tinh thần” của sự thông tuệ, hơn là việc “ăn bánh Thánh thể”.
- Đối lại, trường phái Antiôkia (Thêôđôrô Mopsuestia, Gioan Kim khẩu, Cyrillô Giêrusalem) nhấn mạnh đến Đức Giêsu lịch sử: Thánh Thể được coi như bí tích của nhân tính Đức Giêsu, tưởng niệm hy lễ cứu độ của Người.
b) Khác với các giáo phụ Đông phương nhấn mạnh đến “huyền nhiệm” (mysterium), các giáo phụ bên Tây phương chú ý đến khía cạnh “hồng ân” (donum). Giáo lý của các ngài nặng về đạo đức và thực hành, như ta thấy nơi Tertullianô và Cyprianô (thế kỷ III), Ambrôsiô và Augustinô (thế kỷ IV). Các bài huấn giáo của họ nhấn mạnh đến sự kết hợp với Chúa Giêsu, thông dự vào các hồng ân cứu độ. Một điểm được thánh Augustinô nhấn mạnh là chiều kích Hội thánh: bí tích này đưa chúng ta đến sự kết hiệp với Chúa Kitô, Chúa Kitô “toàn thể” gồm cả Đầu và Thân mình (totus Christus, caput et corpus). Bánh Thánh Thể là bí tích của Chúa Giêsu và của Hội thánh là thân thể của Người. Thánh Augustinô đã để lại vài thuật ngữ ảnh hưởng đến suy tư thần học tương lai: “sacramentum unitatis et caritatis”, “sacramentum pietatis, signum unitatis, vinculum caritatis (In Ioannis evangelium, tractatus 26, cap. 6).
II. Thời trung đại
Một khúc quặt đáng kể của thời Trung đại là sự xuất hiện của các “trường học” (schola, từ đó có danh từ scholastica, quen được dịch là “Kinh viện”). Trước đây các giáo phụ giải thích đạo lý cho các tín hữu qua các bài giảng và các bài huấn giáo trong các thánh đường; bây giờ thần học của Kinh viện diễn ra tại các trường học với những cuộc tranh cãi bàn luận (quaestio, disputatio). Các suy tư thần học không bắt đầu từ các buổi cử hành mầu nhiệm với Dân Chúa, nhưng là các bản văn Kinh thánh: các nhà thần học phân tích các bản văn, đi tìm hiểu bản tính của bí tích, các nguyên nhân cấu tạo nên sự biến đổi bánh và rượu thành Mình và Máu Chúa Giêsu. Một cách cụ thể hơn, người ta sử dụng “lý trí” để tìm hiểu “đạo lý đức tin”, và nhiều khi bỏ qua khung cảnh cử hành huyền nhiệm. Sự tiến triển của thần học kinh viện có thể nhận thấy qua ba chặng: sơ khởi (thế kỷ IX-XI), hoàng kim (thế kỷ XII-XIII), suy tàn (thế kỷ XIV-XV).
1/ Sơ khởi
Những thắc mắc được nêu lên lần đầu tiên vào giữa thế kỷ IX do các đan sĩ Pascasius Radbertus (+ khoảng 851) và Ratramus (+868) trong hai tác phẩm mang cùng một tựa đề là Liber de corpore et sanguine Domini: làm thế nào mà bánh và rượu lại là mình và máu của Chúa Giêsu? Chúa Giêsu hiện diện “cách nhiệm mầu” (in mysterio), hay “thực sự” (realiter) như là thân thể của đức Giêsu sinh ra bởi Đức Mẹ và chịu chết trên thập giá? Radbertus khẳng định rằng thân thể Chúa Giêsu trong bí tích cũng là một với thân thể của Chúa Giêsu lịch sử. Đối lại, Ratramus nói rằng thân thể thực của Chúa Giêsu hiện nay đang ở trên trời (corporaliter), vì thế chỉ có thể hiện diện trong bí tích này một cách thiêng liêng (spiritualiter) mà thôi, nghĩa là “cách huyền nhiệm”, trong dấu chỉ (in signo).
Cuộc tranh luận trở nên sôi nổi hơn khi bước sang thế kỷ XI giữa Berengarius và Lanfrancus, với hai lập trường tạm gọi là cực đoan chung quanh sự hiện diện của Chúa Giêsu: một bên là “biểu tượng” và một bên là “thực sự”. Berengarius de Tours (+1088, tác phẩm De coena Domini liber posterior) cho rằng thân thể được hiểu như là một thực thể thuộc không gian và thời gian; vì thế không thể nào tấm bánh lại là thân thể của Chúa Giêsu được; bí tích chỉ là hình ảnh (figura), biểu tượng (symbolum) mà thôi. Đối lại, Lanfrancus de Bec (k.1005-1089) chủ trương rằng sự hiện diện thực sự và vật lý của Chúa Giêsu trong bí tích. Ý kiến của ông Berengarius bị phi bác hai lần bởi công nghị Latêranô năm 1059 và 1079. Tuy nhiên, người ta vẫn chưa giải thích được cách thức hiện diện của Chúa Giêsu trong bí tích này.
Với sự du nhập triết học Aristote, kinh viện bắt đầu phân biệt giữa “bản thể” (substantia) và “phụ thể” (accidens). Phụ thể là cái gì thuộc về không gian và thời gian, có thể thấy được; bản thể là cái gì chống đỡ các phụ thể, tạo nên căn tính của một vật. Nhờ sự phân biệt này mà thuật ngữ “chuyển bản thể” (transubstantiatio) được tạo ra để giải thích sự biến đổi nơi bí tích này: các phụ thể của bánh rượu vẫn không thay đổi, nhưng bản thể (nghĩa là bản tính: essentia) đã được biến đổi thành Mình và Máu thánh Chúa Giêsu. Thuật ngữ transubstantiatio xuất hiện nơi tác phẩm của Rolando Bandinelli (Sententiae, năm 1140-1142, về sau là giáo hoàng Alêxanđrô III) và được công đồng Latêranô IV năm 1215 sử dụng trong công thức đức tin chống lại lạc giáo Albigeois.
Nhưng phải hiểu thế nào về “bản thể” (substantia) của Chúa Giêsu trong bí tích này? Thần học kinh viện giải thích rằng một đàng không nên hiểu như là thân thể vật lý (corporaliter) của Chúa Giêsu, nhưng đàng khác cần phải hiểu về toàn thân Chúa Giêsu (totus Christus), nghĩa là cả thân xác và linh hồn, nhân tính và thiên tính của ngài. Sự chuyển biến diễn ra như thế nào? Các nhà thần học đưa ra bốn ý kiến: a) bánh trở về với chất thể nguyên thuỷ; b) bản thể của bánh cùng tồn tại với Mình Chúa (vì thế đúng ra nên gọi là consubstantiatio hay impanatio); c) bản thể của bánh bị huỷ diệt; d) bản thể của bánh được biến đổi, cũng tương tự như lương thực được biến đổi thành lương thực nuôi dưỡng thân thể chúng ta.
Đào sâu hơn bản chất của bí tích, ông Petrus Lombardus (Summa Sententiarum viết năm 1141) phân biệt ba khía cạnh: sacramentum tantum (dấu hiệu bên ngoài, đó là bánh và rượu); sacramentum et res (dấu hiệu bề ngoài và ý nghĩa của nó: bánh và rượu là dấu chỉ của Mình và Máu của Chúa Giêsu); res tantum (mục tiêu tối hậu: sự kết hợp của thân thể Hội thánh với Thủ lãnh của mình).
2/ Phát triển (thế kỷ XIII)
Thế kỷ XIII được coi như là thời hoàng kim của thần học kinh viện, với những khuôn mặt nổi bật như thánh Albertô Cả (1200-1280), Bonaventura (1218-1274), Tôma Aquinô (1225-1274). Cách riêng thánh Tôma Aquinô đã cung cấp cho Giáo hội một nền thần học quy mô nhất về bí tích này trong các tác phẩm thần học5 cũng như trong các kinh nguyện phụng vụ lễ Mình Thánh Chúa. Những tư tưởng của thánh Tôma vẫn còn được trưng dẫn trong các văn kiện gần đây của Huấn quyền và sách Giáo lý Hội thánh Công giáo. Những điểm nổi bật có thể tóm lại như sau:
a) Thánh Thể là dấu chỉ của ơn cứu độ và là phương thế cho đời sống tâm linh. Bí tích này là “signum commemorativum” (tưởng nhớ) cuộc tử nạn của Chúa Kitô, thâu tóm tất cả các hy lễ của Cựu ước và toàn thể nhân loại (III, q.73, a.4 et 6); “signum communionis” tạo ra sự hiệp nhất với Chúa Kitô và với chúng ta với nhau (III, q.74, a.6; q.82, a.2, ad 2m); “signum praefigurativum”, bảo chứng cho sự hiệp thông vĩnh viễn với Thiên Chúa (III, q.74, 1-6; q.80, 4-5).
b) Thánh thể là biểu tượng thực sự của Mình và Máu thánh Chúa. Bí tích này được cấu thành bởi “chất thể” là bánh và rượu và “mô hình” là lời thánh hiến, biến đổi bản thể (transubstantiatio) bánh rượu trở nên Mình và Máu của Chúa (III, q.75)
c) Công hiệu của bí tích này là ân sủng mà Chúa ban cho ta nhờ sự hiện diện của Người: năng lực để sống đời Kitô hữu, ơn tha thứ tội lỗi và phòng ngừa sự xấu, ơn cảm nhận niềm vui của đức tin, sức mạnh để làm chứng cho Chúa. Những công hiệu này được tóm lại qua các động từ “sustentat, auget, reparat, delectat” (III, q.79).
d) Thánh thể cũng là hy tế, bởi vì làm hiện thực cuộc Tử nạn của Chúa Kitô. Ý tưởng “bí tích” nói lên hồng ân được lãnh nhận, còn ý tưởng “hy tế” nói lên sự hiến dâng (quod quidem et offertur ut sacrificium, et consecratur ut sacramentum: III, q.83, a.4, c). Thánh lễ biểu hiệu hy tế qua việc tách rời Mình và Máu của Chúa Giêsu. Chính Chúa Giêsu là chủ tế của Thánh lễ, còn tư tế giữ vai trò “công cụ” của Chúa.
3/ Suy tàn (thế kỷ XIV-XV)
Thánh Tôma đã trình bày đạo lý Thánh Thể đặt trong bối cảnh của lịch sử cứu độ, liên kết với toàn thể mầu nhiệm Chúa Kitô. Các nhà thần học kinh viện trong thế kỷ XIV-XV chỉ giới hạn cuộc tranh luận vào những ý niệm triết học (bản thể và phụ thể) trở nên rỗng tuếch do ảnh hưởng của thuyết duy danh (nominalismus). Ong William Ockham chấp nhận thuật ngữ “transubstantiatio” do Huấn quyền áp đặt, nhưng ông thích dùng thuật ngữ “consubstantiatio” hoặc “impanatio”: Chúa Giêsu hiện diện cùng với bản thể của bánh. Ong John Wyclif (+1384) phủ nhận tính cách hy tế của Thánh lễ, và nhấn mạnh đến sự hiệp thông “tinh thần” (spiritualis) với Chúa Giêsu. Ong cũng chủ trương rằng chỉ các bí tích nào được cử hành bởi linh mục đạo đức thì mới có giá trị. Tư tưởng của ông Wyclif bị công đồng Constance (năm 1415) phi bác.
III. Thời cận đại
Thần học cận đại chú trọng vào việc bảo vệ đạo lý công giáo chống lại nhóm Tin Lành. Thực ra nên đặt các biến cố trong khung cảnh lịch sử của nó. Những nhà tiên phong của phong trào Cải cách như các ông John Wyclif và Jan Huss (+1415) không nhằm công kích thần học kinh viện cho bằng cổ vũ một cuộc cải cách kỷ luật trong Hội thánh, bài trừ những lạm dụng trong việc cử hành Thánh lễ (chẳng hạn như bổng lễ, những hình thức tôn kính lệch lạc). Họ không phải là những phần tử cực đoan hoặc bướng bỉnh, bởi vì vào thời ấy nhiều nhân vật đạo đức (Gerson, Nicolas Cusano, Erasmus, vv) cũng lên tiếng đả kích những lệch lạc về đạo lý hoặc thực hành. Ngay cả công đồng Trentô cũng nhìn nhận nhiều khuyết điểm trong đời sống Giáo hội và ban hành nhiều quyết nghị cải cách.
Tiếc rằng trong một bầu khí sôi bỏng của cuộc tranh cãi, người ta khó nhìn nhận lý lẽ của đối phương, vì thế mỗi bên khăng khăng bảo vệ lập trường của mình và tẩy chay lập trường của bên kia.
1/ Chủ trương của nhóm Cải cách
Chúng tôi chỉ giới hạn vào lãnh vực thần học, chứ không đụng đến khía cạnh kỷ luật và phụng vụ. Nói chung, nhóm Cải cách chỉ trích thần học kinh viện là dựa theo lý luận triết học hơn là dựa vào Kinh thánh. Vì thế nhóm Cải cách chủ trương “trở về nguồn”, tìm về chân lý của Kinh thánh chứ không phải căn cứ vào các tín điều của Giáo hội. Mặc khác, tuy họ bác bỏ triết học kinh viện thiên về bản tính, nhưng họ cũng mặc nhiên du nhập một thứ triết học riêng biệt (tạm đặt tên là “hiện sinh”) đề cao mối tương quan giữa con người với Thiên Chúa (thái độ tín thác) hơn là dựa trên các thực thể bền vững và tĩnh.
Trong bối cảnh ấy, ông Lutêrô nói đến sự hiện diện của Chúa Kitô ở giữa cộng đoàn khi họp nhau để cử hành bữa tiệc của Chúa (ăn mình Chúa và uống chén của Chúa), chứ không phải là sự hiện diện trong hình bánh rượu nữa. Ong tẩy chay thuật ngữ “transubstantiatio”. Ong không chấp nhận Thánh lễ như là hy tế, bởi vì hy lễ của Chúa Kitô chỉ được dâng hiến một lần và không thể nào lặp lại nữa (xc. Dt 9,12.25-28; 10,10-14). Ong cũng đòi hỏi cho tất cả các tín hữu được tham dự vào bữa tiệc của Chúa: không những họ được quyền lãnh nhận Mình và Máu Chúa, nhưng họ còn là những nhân vật chính, xét vì Tân ước chỉ nói đến chức tư tế phổ quát của các tín hữu chứ không nói tới một chức vụ tư tế nào khác nữa.
Mặc dù giữa các nhà lãnh đạo của nhóm Cải cách (Lutêrô, Zwingli, Calvin) có sự khác biệt trong cách giải thích sự hiện diện của Chúa Giêsu trong bí tích này, nhưng nói chung họ nhất trí trong việc phủ nhận tính cách hy tế của Thánh Thể và sự phân biệt giữa chức tư tế thừa tác và chức tư tế phổ quát.
2/ Công đồng Trentô
Công đồng không trình bày một văn kiện quy mô về bí tích Thánh Thể, nhưng chỉ nhắc lại đạo lý cổ truyền để chống lại những điểm sai lạc của nhóm Cải cách, cụ thể ở ba điểm: sự hiện diện thực sự của Chúa Giêsu trong bí tích; tính cách hy tế của Thánh lễ; việc rước lễ. Các quyết nghị của công đồng được ban hành trong các sắc lệnh biểu quyết vào những khoá họp khác nhau, cách nhau hơn kém 10 năm. Dĩ nhiên, công đồng không muốn đụng đến những vấn đề còn tranh cãi giữa các nhà thần học kinh viện.
a) Sự hiện diện thực sự của Chúa Giêsu trong bí tích
Đạo lý được trình bày trong sắc lệnh về Thánh Thể (Decretum de ss. Eucharistia, khóa XIII, ngày 11/10/1551), gồm 8 chương (capitula) bàn về đạo lý và được đúc kết lại trong 11 luận đề (canones). Công đồng khẳng định sự hiện diện đích thực, thực sự và bản thể (vere, realiter, substantialiter) của Mình và Máu cũng như linh hồn và thiên tính của Chúa Giêsu. Nên lưu ý rằng tuy công đồng phi bác chủ trương cho rằng bí tích chỉ là biểu tượng (symbolum) hoặc hình bóng (figura) của Chúa Giêsu, nhưng công đồng cũng phân biệt giữa sự hiện diện “bản nhiên” (naturalis) của Chúa Giêsu hiện ở trên trời, và sự hiện diện “bí tích” (sacramentalis) trong bí tích, mặc dù nhìn nhận sự hiện diện bí tích là “thực sự” (realis).
b) Việc rước lễ dưới hai hình
Sắc lệnh về việc rước lễ (Decretum de communione sub utraque specie et parvulorum) được ban hành ở khoá XXI, ngày 16/7/1562, gồm bốn chương và bốn luận đề. Trước đây Jan Hus đã đòi cho các tín hữu được rước lễ dưới hai hình bánh rượu, và phái Cải cách lặp lại yêu sách đó. Công đồng trả lời rằng không có mệnh lệnh nào của Chúa truyền buộc phải rước lễ dưới hai hình; cách thức rước lễ tuỳ theo sự thẩm định của Giáo hội. Dù sao đi nữa, khi rước lễ dưới hình bánh, thì chúng ta lãnh nhận toàn thể Chúa Giêsu rồi (totum atque integrum Christum verumque sacramentum sumi) cũng như tất cả ân sủng cần thiết cho phần rỗi.
c) Thánh lễ là hy tế
Sắc lệnh về hy tế Thánh lễ (De ss. Missae sacrificio) được ban hành ở khóa XXII, ngày 17/9/1562 sau nhiều năm bàn cãi, gồm 9 chương và 9 luận đề. Công đồng nhìn nhận sự đồng nhất giữa hy tế thập giá và hy tế Thánh lễ, dựa trên khái niệm “tưởng nhớ” (memoria): thánh lễ làm cho hy tế thập giá trở nên hiện tại (representatio) và áp dụng những công hiệu: tạ ơn và ngợi khen, xá tội, chuyển cầu. Việc tưởng nhớ mang tính cách khách quan, chứ không phải hành vi chủ quan như là hồi tưởng. Trong hy tế Thánh lễ, Chúa Giêsu vẫn là tế phẩm và tư tế, dâng lên hy tế xá tội; chỉ khác một điều là hy tế thập giá thì “đẫm máu” (cruente), còn hy tế Thánh lễ diễn ra “không đẫm máu” (incruente).
3/ Thần học sau công đồng Trentô (thế kỷ XVI-XX)
Thần học Công giáo tiếp tục đường hướng của kinh viện, trình bày đạo lý về bí tích Thánh thể dưới ba chủ đề chính: sự hiện diện thực sự, hy tế, và sự chuyển bản thể.
Thần học Tin lành giải thích “bữa tiệc của Chúa” theo chiều hướng biểu tượng. Điều quan trọng không phải là dấu chỉ bí tích nhưng là đức tin vào Lời Chúa.
Phía công giáo thì nhấn mạnh đến giá trị khách thể (ex opere operato) của bí tích: bí tích phát sinh công hiệu tự bản chất chứ không tuỳ vào điều kiện của người nhận lãnh. Trên thực tế, các tín hữu tham dự Thánh lễ cách thụ động (bởi vì họ không hiểu gì) và ít khi rước lễ. Đối lại người ta thấy gia tăng những hình đức đạo đức bình dân: chầu Mình thánh Chúa, rước kiệu.
Phải chờ đến thế kỷ XX mới có những chuyển hướng đáng kể về thần học, nhờ những phong trào canh tân từ đầu thế kỷ XX.
- Phong trào Kinh Thánh làm sáng tỏ hơn ý nghĩa của những đoạn văn Tân ước bàn về việc thiết lập bí tích: cần phân tích những đoạn văn này không những chỉ theo ý nghĩa của từ ngữ, nhưng còn phải được lồng trong bối cảnh lịch sử của bữa tiệc Vượt qua và tín ngưỡng của người Do thái (với những tư tưởng then chốt như là : giao ước, tưởng niệm) cũng như của các cộng đoàn Hội thánh tiên khởi.
- Phong trào phụng vụ nêu bật rằng thần học về Thánh Thể gắn liền với việc cử hành: đây không chỉ là một tín điều lý thuyết nhưng là một huyền nhiệm (mysterium) được diễn tả qua các nghi thức cử hành của các truyền thống phụng vụ bên Đông và bên Tây từ thời các giáo phụ cho đến ngày nay.
- Phong trào đối thoại đại kết cố gắng vượt qua những giới hạn của các cuộc tranh luận vào những thế kỷ gần đây, bằng cách trở về nguồn, tìm hiểu đức tin chung của toàn thể Giáo hội kể từ thời các giáo phụ. Hơn nữa mầu nhiệm Thánh thể được nhìn trong toàn thể lịch sử cứu độ.
Ngoài ra, cần kể thêm những đóng góp không nhỏ của các khoa học nhân văn, chẳng hạn như sử học và triết học. Phương pháp sử học theo dõi sự tiến triển của các vấn đề trong khung cảnh không gian và thời gian, nhờ thế có thể nhận ra đâu là những nhân tố tương đối và đâu là những nhân tố hằng cửu. Triết học hiện đại nghiêng về chiều hướng hiện sinh hơn là chiều hướng siêu hình của kinh viện: thần học kinh viện chú trọng đến việc định nghĩa bản thể của các thực tại; còn triết học hiện sinh quan tâm đến ý nghĩa đến cuộc sống thực tế. Thánh thể không chỉ là bí tích của sự hiện diện của Chúa Giêsu nhưng còn là bữa tiệc của tình huynh đệ, của việc chia sẻ phục vụ.
Nhờ những đóng góp vừa nói, thần học về Bí tích Thánh Thể trở nên phong phú vào lúc diễn ra công đồng Vaticanô II, và được tiếp nối sau đó. Trong lãnh vực thần học, bí tích này được đặt trong viễn ảnh của một trung tâm được móc nối với nhiều đề tài khác của đạo lý Kitô giáo: Chúa Ba ngôi, Đức Kitô, Thánh Linh, Hội thánh, các bí tích, cánh chung.
1/ Mầu nhiệm Chúa Ba ngôi. Thánh Thể là tặng phẩm của Chúa Cha, sự hiện diện của Ngôi Lời làm người, chịu chết và sống lại, sự tuôn đổ Thánh Linh. Trong kinh nguyện Tạ ơn, phụng vụ tuyên xưng công trình tuyệt diệu của Thiên Chúa Ba ngôi đã thực hiện trong lịch sử và khẩn nài Thiên Chúa quy tụ Hội thánh và nhân loại trong sự hợp nhất hoạ theo khuôn mẫu của ba ngôi.
2/ Mầu nhiệm Đức Kitô. Bí tích Thánh Thể được nối kết với toàn thể mầu nhiệm của Đức Kitô, từ cuộc nhập thể cho đến sứ vụ rao giảng Tin mừng, cuộc tử nạn và phục sinh, và loan báo cuộc quang lâm của Người. Điều đáng lưu ý là trước đây, thần học thường chỉ chú trọng đến mầu nhiệm Thập giá để làm nêu bật tính cách hy lễ của bí tích; ngày nay người ta lưu ý đến một khía cạnh khác không kém quan trọng là mầu nhiệm Phục sinh. Thực vậy, hiện thời Chúa Giêsu hiện diện ở giữa chúng ta trong tư thế của Đấng Phục sinh.
3/ Mầu nhiệm Thánh Linh. Thánh Linh được cử đến Hội thánh để nhắc nhớ những lời nói của Đức Kitô. Như vừa nói, đức Kitô hiện diện ngày hôm nay như là Đấng đã phục sinh do quyền năng của Thánh Linh tác tạo. Chính Thánh Linh Đấng tác tạo vạn vật từ hư vô cũng là Đấng biến đổi bánh và rượu trở thành Mình và Máu của Chúa Kitô, khởi điểm của cuộc tái tạo toàn thể vũ trụ vào thời cánh chung. Trong hiện tại, Thánh Linh ban cho chúng ta sức sống mới, sức sống của tình yêu và ân sủng, để cho chúng ta có khả năng nên thánh, nghĩa là kết hợp với Chúa.
4/ Mầu nhiệm Hội thánh. Hội thánh không những đã nhận được mệnh lệnh của Chúa Kitô phải cử hành bí tích để tôn vinh Thiên Chúa và ban ân sủng cho nhân loại, nhưng chính Hội thánh được kiến thiết nhờ bí tích Thánh Thể. Hội thánh gồm bởi những con người khác biệt nhau về phái tính, tuổi tác, ngôn ngữ, tính tình, lại còn ưa thích chia rẽ do hậu quả của tội lỗi. Duy chỉ có sức mạnh của Thánh Thể mới có khả năng liên kết các phần tử nên một thân thể nhờ việc thông hiệp vào Thân Thể của Chúa Kitô. Sự hiệp nhất của Hội thánh không chỉ giới hạn vào các phần tử của cộng đoàn đang cử hành tại một địa phương, nhưng mở rộng đến toàn thể Hội thánh Chúa Kitô, bao gồm cả các phúc nhân trên trời và các linh hồn đang còn được thanh luyện.
5/ Thánh thể và các bí tích. Hết mọi bí tích đều liên kết với nhau, bởi vì bắt nguồn từ mầu nhiệm Tử nạn và Phục sinh của Chúa Kitô. Các bí tích ví như những máng chuyển ơn thánh từ một nguồn mạch duy nhất. Bí tích Thánh Thể được coi là trung tâm, bởi vì nó chứa đựng chính Chúa Giêsu là nguyên uỷ của các bí tích. Mặt khác, các bí tích khác đều dẫn về bí tích Thánh Thể: bí tích Rửa tội và Thêm sức hướng đến bí tích Thánh Thể để kiện toàn chặng đường khai tâm. Mỗi lần thông dự vào bí tích Thánh Thể, các tín hữu làm sống lại ơn thánh đã được lãnh vào lúc nhập đạo. Hai bí tích chữa trị (Thống hối và Xức dầu) cũng có những mối liên hệ đặc biệt với bí tích Thánh Thể. Bí tích Truyền chức nhằm cung ứng những tác viên cử hành Thánh Lễ. Bí tích Hôn nhân tìm thấy nơi bí tích Thánh Thể khuôn mẫu của giao ước thánh được thiết lập giữa Chúa Kitô và Hội thánh, tiêu chuẩn của việc trao ban hỗ tương giữa vợ chồng.
6/ Sau cùng, bí tích Thánh Thể liên hệ với các chân lý cánh chung: nó loan báo thực tại mai hậu khi mà tất cả mọi người được mời gọi tham dự bữa tiệc Thiên quốc, nó là bảo chứng của sự phục sinh dành cho những ai ăn bánh bởi trời (Ga 6,54). Nó cũng loan báo công trình tái tạo trời mới đất mới, đã được nhắc đến trên đây 2
Lm Giuse Phan Tấn Thành OP
-----------------------------------------------------------------
3 Xc. D. Barobio, Eucaristia, BAC Madrid 2000, (Cap. II. Explicación dogmatica de la Eucaristia a lo largo de la historia, p.51-95). J. Betz, La Eucaristia, mistero central, in: “Mysterium salutis” (J. Feiner - M. Lohrer), Vol. IV, tomo II, Cristiandad, Madrid 1975, p.208-259.
4 Nên biết là “eucharistia” vừa ám chỉ kinh Tạ ơn vừa ám chỉ bánh và rượu đã được biến đổi nhờ việc Tạ ơn: sau lời kinh Tạ ơn thì bánh và rượu trở nên Mình và Máu Chúa, tiếp nối mầu nhiệm Nhập Thể của Ngôi Lời.
5 Bí tích Thánh Thể được bàn trong các tác phẩm: Super Primam Epistolam ad Corinthios Lectura; In Sententiarum, lib. II; Summa contra gentiles, IV, c.61, Summa Theologica, III, q.73-88.
2 J. Castellano Cervera, El mistero de la Eucaristia, Edicep Valencia 2004. (Introducción).