Bài 9 : Tu Đức Thánh Thể

Đọc và tìm hiểu

Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới Kỳ XI

của Đức Giáo Hoàng Beneđicto XVI gửi các Giám mục, Linh mục, Phó tế những người Thánh hiến và các tín hữu Giáo dân

Về Bí Tích Thánh Thể

Rôma 2007

BÍ TÍCH TÌNH YÊU

Thánh Thể, nguồn suối và tột đỉnh của đời sống và sứ mệnh của Giáo Hội.

XVII

TU ĐỨC THÁNH THỂ (s. 77) 

 

Trên đây Tông Huấn đã nói tới hình thức Thánh Thể của đời sống người tín hữu (forme eucharistique de l’existence chrétienne, s. 76). Điều này đưa tới vấn đề tạo ra một nền tu đức Thánh Thể (la spiritualité eucharistique). Các giám mục nói: “Các tín hữu kitô giáo cần có sự hiểu biết sâu xa hơn về những mối liên hệ  giữa Thánh Thể và đời sống hằng ngày của họ. Tu đức Thánh Thể không chỉ là việc tham dự Thánh Lễ và lòng sùng mộ Thánh Thể. Tu đức Thánh Thể bao gồm trọn vẹn đời sống” (s. 70).

1. Nhận xét tổng quát.

Đọc Tông Huấn, chúng ta nhận ra các kiểu nói sau đây, có ý nghĩa giống nhau, tương tựa với nhau, như:

Tu đức Kitô giáo chính thực Thánh Thể (spiritualité chrétienne authentiquement eucharistique: s. 94).

Lòng đạo Thánh Thể (piété eucharistique: (s. 4. 66- 94).

Đời sống Thánh Thể (vie eucharistique: s. 95).

Đời sống đạo đức (s. 13).

Văn hóa Thánh Thể (culture eucharistique: s. 77).

Sự đồng nhất Thánh Thể (cohérence eucharistique, s. 83).

Lương tâm Thánh Thể (conscience eucharistique : s. 85).

Giáo Hội Thánh Thể (Église eucharistique : s. 84).

Con người Thánh Thể (personne eucharistique : s. 96).

Nét vẻ mạnh mẽ Thánh Thể (tonalité fortement eucharistique : s. 4).

Lòng sốt sắng Thánh Thể (ferveur eucharistique : s. 5).

Lòng sùng mộ Thánh Thể (dévotion eucharistique : s. 69).

Bản tính nội tại Thánh Thể của đời sống Kitô hữu (nature intrinsèquement eucharistique de la vie chrétienne : s. 71).

Chúng ta có thể nói rằng các kiểu này được dùng trong Tông Huấn, nhất là trong phần thứ III nói tới ảnh hưởng chính yếu của Thánh Thể vào đời sống tín hữu trong mọi mặt, làm nên một cuộc sống hoàn toàn mới mẻ và mang tính cách Thánh Thể. Và như vậy, các nền tu đức khác, các linh đạo khác phải rập khuôn vào tu đức Thánh Thể.

3. Tu đức Thánh Thể (s. 77).

Nói về nền tu đức Thánh Thể, Tông Huấn đã đưa ra những lý do thần học để nhấn mạnh vào nền tu đức này. Đây là một phân tích có tính cách rất mục vụ của các giám mục trong Thượng Hội đồng giám mục thế giới kỳ XI về Thánh Thể. Tu đức Thánh Thể là khởi nguồn các nền tu đức khác, vì trong Thánh Thể có chính Chúa Kitô hiện diện đích thực, là sự sống ban tính năng động và  sức mạnh để biến đổi con người toàn diện. Vì Thánh Thể là nguồn suối và chóp đỉnh của đời sống và sứ mệnh của Giáo Hội (s. 77). Thánh Thể đem lại tính cách mới mẻ cho tín hữu và Giáo Hội (s. 9.10. 11.29. 71.72. 85.95).

Tuy nhiên còn một điều nữa mà Tông Huấn muốn nói ra để nhấn mạnh vào tu đức Thánh Thể, đó là ngày nay người ta muốn gạt bỏ đức tin Kitô giáo ra khỏi sinh hoạt cá nhân, xã hội, và ngay cả trong một số môi trường tu trì (s. 77). Họ muốn sống như không có Thiên Chúa hiện hữu (s. 77). Vì thế, cần nhắc nhở tín hữu ý thức rằng Thiên Chúa đang hiện diện giữa họ trong Thánh Thể (s. 77) và Thánh Thể là tình yêu, nên ai thấy tình yêu là thấy Chúa Ba Ngôi (Thánh Augustinô, s. 8). Điều này đòi buộc tín hữu Thánh Thể, con người Thánh Thể (s. 96) phải làm cho đời của mình trong mọi khía cạnh nên « thiêng liêng », nên « hy tế thiêng liêng » (s. 77 ; Rm 8, 4). « Người Thánh Thể » không học theo cách thế người đời mà hành động, mà suy tư theo như lời Thánh Phaolô nhắn nhủ tín hữu (Rm 12, 2, Ep 4,14 ; Tông Huấn, s. 77).

Vì thế phải cổ võ nền tu đức Thánh Thể trong Giáo Hội, nhất là trong thời đại chúng ta. Đức Thánh Cha nói Giáo Hội luôn lấy lại niềm tin và lòng sùng mộ Thánh Thể mỗi khi có cuộc canh tân quan trọng phải thực hiện (s. 6). Các Dòng tu, các cộng đoàn nếu muốn đứng vững và lướt thắng thử thách, khủng hoảng, cũng phải tăng cường nền tu đức Thánh Thể.

4. Áp dụng nền tu đức Thánh Thể cho các thành phần trong Giáo Hội (s. 79-83).

Sau khi nói tới ý nghĩa nền tu đức, linh đạo Thánh Thể và sự cần thiết của nền tu đức này. Tông Huấn đã trình bày việc áp dụng cho từng giới trong Giáo Hội. Phương pháp trình bày vẫn là : cho thấy lý do thần học và phụng vụ, rồi đưa ra một số điểm thực hành.

a) Thánh Thể và Giáo dân (s. 79).

Tông Huấn đã bắt đầu áp dụng vào trường hợp các giáo dân. Giáo dân đã được tham dự vào chức tư tế cộng đồng qua bí tích Rửa tội, và được nuôi dưỡng bằng Thánh Thể để mỗi ngày đời sống của họ nên trọn vẹn hơn (s. 79). Vì vậy hằng ngày họ phải trở nên hy tế đẹp lòng Chúa, phải nên thánh vì Chúa kêu gọi họ nên thánh, phải sống cái mới tận căn mà Thánh Thể đem đến cho họ (s, 79).

Tông Huấn đã nói tới hình thức của Thánh Thể (s. 70), bây giờ Tông Huấn nói tới việc sống ơn gọi nên Thánh trong cuộc sống giữa đời của giáo dân, tức là tạo ra cho họ một nền tu đức Thánh Thể thực sự.

Trong số 79 này, Tông Huấn trình bày “cái đời” này qua mấy kiểu nói khác nhau:

Tình trạng hiện thực của họ (situation exsistentielle: s. 79).

Bậc sống  (états de vie: s. 79).

Đời sống hằng ngày (situation dans laquelle on vit quotidiennement, s. 79).

Đời sống của mình (sa vie : s. 79).

Thực tại hằng ngày (réalité de la vie, s. 79).

Thế giới (le monde : s. 79).

Các điều kiện bình thường của sự hiện hữu (les conditions communes de l’existence : s, 79).

Đức Thánh Cha (dùng đại danh từ « TÔI » đặc biệt nhắc nhở các gia đình là nơi phát huy tình yêu chân thành và là nơi thể hiện cách rất thuận lợi tu đức Thánh Thể (s. 79).

Riêng các giám mục phải nhắc nhở giáo dân sống thánh thiện ngay giữa dòng đời (s. 79).

b) Thánh Thể và tu đức linh mục  (s. 80).

Tới phần bàn về các linh mục, Tông Huấn như muốn dừng lại, vì thấy rằng Thánh Thể có liên hệ nội tại với linh mục, vì lý do chức thánh, lý do vì linh mục là người ban pháp mầu nhiệm thánh cùng với giám mục (s. 80). Tuy nhiên, Tông Huấn đã muốn nhấn mạnh mấy điểm sau đây :

Các linh mục cần nhớ lại lời giám mục đọc khi trao ban đĩa thánh và chén thánh cho linh mục ngày chịu chức linh mục : « Con hãy nhận lễ vật của dân thánh mà dâng lên Thiên Chúa. Con hãy ý thức việc con làm, noi theo điều con thực hiện, và rập đời sống con theo khuôn mẫu mầu nhiệm Thánh Giá Chúa » (Nghi thức truyền chức linh mục ; Tông Huấn s. 80).

Trong thời gian chuẩn bị lên chức linh mục, các chủng sinh phải lưu tâm rất nhiều tới đời sống thiêng liêng (s. 80). Tông Huấn nhắc lại lời của Tông Huấn Pastores dabo vobis : « các linh mục phải là những người liên tục tìm Chúa » (s. 80).

Nhưng họ cũng phải gần gũi với các nhu cầu của con người (s. 80).

Đức Thánh Cha nhắn nhủ (dùng đại danh từ «TÔI ») hãy dâng Thánh Lễ hằng ngày dù không có giáo dân tham dự (s. 80), vì việc cử hành Thánh Thể sẽ đem lại cho linh mục sức siêu nhiên và làm cho các linh mục nên một với Chúa Kitô hơn, đồng hình đồng dạng với Ngài hơn (s. 80).

c) Thánh Thể và đời sống thánh hiến (s. 81).

Tông Huấn « Bí Tích Tình Yêu » đã nói tới đời sống thánh hiến trong các dịp sau đây : khi nhắc nhở các giám mục hãy thâu dụng các thành phần giáo sĩ trong các dòng tu tham dự vào công tác mục vụ của giáo phận, nhất là ở những nơi thiếu linh mục (s. 25); khi nói tới các tu sĩ có phận vụ nào đó trong buổi cử hành để giúp linh mục và họ cũng phải là những người được huấn luyện kỹ càng để thi hành phận vụ này (s. 53) ; khi nói về đặc sủng Thánh Thể của một số Hội dòng Thánh Thể và khuyên các Dòng hãy để cho các thành phần của mình có giờ Chầu Thánh Thể (67).

Trong phần bàn về linh đạo Thánh Thể, Tông Huấn muốn nói về liên hệ và ảnh hưởng của Thánh Thể trong đời sống những con người thánh hiến. Trước tiên họ phải là những chứng tá về sức thánh hóa của Thánh Thể cho tu sĩ khi họ tham dự Thánh Lễ và chầu Thánh Thể (s. 81). Điều này giúp họ theo Chúa Kitô cách tận căn, Đấng vâng lời, khó nghèo và trong sạch (s. 81). Giáo Hội mong chờ ở họ cái chính yếu của đời sống tu trì hơn là những hoạt động họ làm (s. 81 : điều họ là hơn là điều họ làm). Và đời sống chiêm niệm và Thánh Thể sẽ cho tu sĩ cái chính thực này (s. 81).

Ở đây Đức Thánh Cha (dùng đại danh từ ngôi thứ I «TÔI ») đã muốn nhấn mạnh tới liên hệ nội tại đặc biệt giữa Thánh Thể và việc sống đồng trinh, sống đức khiết tịnh (s. 81), như trong trường hợp giữ độc thân của linh mục (s. 24).  Việc giữ đức khiết tịnh được hiểu như là một sự dâng hiến chính mình cách trọn vẹn cho Thiên Chúa và không lấy lại  cho mình nữa (s. 81). Chính từ Thánh Thể mà tu sĩ rút ra được, kín múc được sự sống và của ăn, sự an ủi khích lệ và để dấn thấn cho việc hiến dâng này (s. 81). Qua việc sống khiết tịnh, tu sĩ cho nhân loại thấy tình yêu bao la và vô vị lợi của Thiên Chúa dành cho nhân loại (s. 81). Họ cũng cho thấy lời mời gọi của Thiên Chúa gửi tới nhân loại để tham dự vào bữa tiệc cưới đời đời của Chiên Thiên Chúa (s. 81).

d) Các vị thánh và chân phước yêu mến Thánh Thể cách đặc biệt (s. 94. 4).

Để giúp các tín hữu thêm xác tín về tu đức Thánh Thể và thêm lòng yêu mến Thánh Thể, cách đặc biệt, vì Thánh Thể là trung tâm, là nguồn suối và tột đỉnh đời sống của mình, Tông Huấn đã nói tới gương một số vị thánh và chân phước có lòng yêu mến Thánh Thể cách đặc biệt. Đây cũng là nét vẻ riêng biệt của Đức Thánh Cha Beneđicto XVI. Ngay từ khi làm Giáo Hoàng, Ngài đã bắt đầu các bài huấn dụ của Ngài ngày thứ tư hằng tuần bằng việc trình bày đời sống các thánh tông đồ, các thánh tiếp theo đó. Tông Huấn kết  thúc với các lời sau đây : «Anh chị em thân mến, Thánh Thể là nguồn mạch của mọi hình thức thánh thiện và mỗi người chúng ta được mời gọi để trở nên toàn thiện trong sức sống của Chúa Thánh Thần. Biết bao vị thánh đã làm cho đời sống của họ trở thành chính thực nhờ lòng đạo đức Thánh Thể của mình...  ở đây chỉ kể một số vị trong số rất đông các danh sách, đối với các ngài sự thánh thiện luôn tìm được trung tâm điểm trong bí tích Thánh Thể» (s. 94).

Vậy Tông Huấn đã nói tới các vị Thánh và chân phước Thánh Thể nào ?

5 vị Chân phước được phong hiển thánh trong buổi lễ bế mạc Năm Thánh Thể (s. 4).

        Giám mục Josef Bilczewski : qua đời năm 1923, lễ nhớ 23-3[6].
        Linh mục Gaetano Catanoso : qua đời năm 1953, lễ nhớ 44-4 .
        Linh mục Zygmunt Gorazdowski : qua đời năm 1920, lễ nhớ : 1-1.
        Linh mục Alberto Hutardo Cruchaga : qua đời 1952, lễ nhớ : 18-8.
        Tu sĩ Felice da Nicosia, O.F.M.: qua đời năm 1787, lễ nhớ: 31-5.
        Các thánh và các chân phước khác được kể trong số 94:
        Thánh Giám mục Inhaxiô thành Antiochia: qua đời khoảng năm 107, lễ nhớ (m): 17-10.
        Thánh Giám mục Augustino; qua đời năm 430, lễ nhớ (m): 28-8.
        Thánh Antôn, viện phụ, qua đời khoảng năm 430, lễ nhớ (m) 14-2.
        Thánh Beneđicto, viện phụ, qua đời năm 821, lễ nhớ (m): 12-2.
        Thánh Phanxicô thành Assisi, qua đời năm 1126, lễ nhớ (m), 4-10.
        Thánh Tôma tiến sĩ, qua đời năm 1274, lễ nhớ (m), 28-1.
        Thánh nữ Clara thành Assisi, qua đời năm 1253, lễ nhớ (m): 11-8.
        Thánh nữ tiến sĩ Catarina thành Siena, qua đời năm 1380, lễ nhớ (m), 29-4.
        Thánh Pascal Baylon, qua đời năm 1592, lễ nhớ (m) 17-5.
        Thánh Pierre-Julien Eymard, qua đời năm 1868, lễ nhớ (m), 2-8.
        Thánh Alphonsô de Liguori, qua đời năm 1787, lễ nhớ (m), 1-8.
        Thánh Gioan Vianney, qua đời năm 1859, lễ nhớ, 4-8.
        Thánh nữ tiến sĩ Têrêsa Hài đồng Giêsu qua đời năm 1897, lễ nhớ (m) 1-10.
        Thánh Pio de Pietralcina, linh mục, qua đời năm 1968, lễ nhớ (m) 23-9.
        Chân phước Charles de Foucauld, lễ nhớ : 1-10.
        Chân phước Piergiorgio Frassati, qua đời năm 1925, lễ nhớ, 4-7.
        Chân phước Têrêsa Calcutta, (Teresa (Agnès) Ghonhxa Bojaxhiu) qua đời năm 1997, lễ nhớ 5-9.
        Chân phước Ivan Mertz, qua đời năm 1928, lễ nhớ 10-5.

Vậy Thánh  Thể là nguồn mạch của mọi nền tu đức Kitô giáo và là sức sống dưỡng nuôi và tăng cường các nền tu đức này.


XVIII

THÁNH THỂ VÀ MỘT SỐ HOÀN CẢNH XÃ HỘI


Khi bàn về tu đức Thánh Thể, Tông Huấn “Bí Tích Tình Yêu” đã đề cập tới ý nghĩa của nền tu đức này (s. 77); nền tu đức Thánh Thể áp dụng vào giáo dân (s. 79); vào linh mục (s. 80), và trong đời sống của người thánh hiến (s. 81). Ngoài ra Tông Huấn còn nói tới sức ảnh hưởng linh động và phong phú làm biến đổi các thực tại trần gian có liên hệ bên ngoài đời sống con người, như luân lý, văn hóa, giáo dục, xã hội, chính trị, kinh tế, lao động, môi sinh. Vì thế, bài này đề cập và tìm hiểu vấn đề này theo giáo huấn của Tông Huấn.

1. Cái nhìn tổng quát.

Chúng ta cần nhắc lại điều Tông Huấn nhấn mạnh nhiều lần, đó là Thánh Thể có sức sống phong phú dồi dào vì Thánh Thể là chính Chúa Kitô; rồi sức mạnh từ Thánh Thể có khả năng biến đổi toàn diện con người và các điều gì thuộc về con người, như số 71 nói :  “Việc thờ phượng mới của Kitô hữu bao gồm mọi khía cạnh của sự hiện hữu của họ, cũng như biến đổi tất cả: tất cả những gì anh em làm: ăn uống, hay bất cứ điều gì khác, hãy làm vì danh Thiên Chúa (1Cr 10, 31)...  Không có gì đích thực là của con người – suy tư và tình cảm, lời nói và hành động – mà không tìm thấy nơi Thánh Thể nét vẻ trọn vẹn của mình”.

Tuy nhiên Tông Huấn cũng nói tới một thái độ đồng nhất trong đời sống người Thánh Thể: nghĩa là không thể nào vừa sống Thánh Thể, vừa rước lễ mà lại có đời sống bên ngoài không phù hợp với đức tin của mình vào Thánh Thể (s. 83). Tông Huấn nói rất mạnh về thái độ sống đồng nhất này: “Thánh Thể mà không diễn tả thành việc thực hành cụ thể tình yêu mến, thì đó là Thánh Thể què quặt” (s. 82).

Từ các suy tư này, “người Thánh Thể”, sau khi đã khám phá ra “hình thức Thánh Thể” của đời sống mình (s. 82), phải trở nên chứng nhân của Thánh Thể trong mọi hoàn cảnh (s. 85). Chúng ta là chứng nhân khi qua hành động, lời nói và cung cách hành xử của ta, “Vị Khác” hiện ra và thông ban mình cho chúng ta (s. 85). Chứng tá là phương thế, nhờ đó chân lý của tình yêu Thiên Chúa tìm gặp con người trong lịch sử, mời gọi con người tự do đón nhận tính cách mới mẻ tận căn. Qua chứng tá của ta, Thiên Chúa xuất hiện trong thế gian và chấp nhận nguy cơ do việc con người sử dụng tự do của họ để sống (s. 85). Vì thế, việc làm chứng tá cũng là một nguy cơ lớn lao về phía con người (s. 85). Đức Thánh Cha (dùng đại danh từ ngôi thứ I: « TÔI ») đã trình bày ý nghĩa của việc làm chứng tá (martyre) theo cái nhìn của các tín hữu đầu tiên, tức là các tín hữu này muốn trở thành những vị tử đạo và trở nên hạt lúa mì bị nghiền nát ra để  trở thành lễ vật dâng tiến Thiên Chúa và làm đẹp lòng Thiên Chúa (s. 85). Nhưng chứng tá này phải phát xuất từ một xác tín của đức tin, để rồi thể hiện trong vui tươi và đầy tin tưởng (s. 85). Họ làm chứng tá để loan truyền Chúa Kitô cho thế giới, Đấng Cứu thế duy nhất của trần gian, là trung tâm điểm của thế giới (s. 86). Thiếu xác tín này, chứng tá của họ sẽ trống rỗng và sai lệch (s. 86).

2. Thánh Thể và đời sống luân lý (s. 82).

Các giám mục đã nói tới ảnh hướng lớn lao của Thánh Thể trong đời sống luân lý của người tín hữu (s. 2). Đức Thánh Cha Beneđicto XVI cũng đã nhấn mạnh về điểm này (dùng đại danh từ « TÔI », s. 82). Điều này được hiểu như thế nào ? Thánh Thể làm cho đời sống của tín hữu trở thành việc thờ phượng mới đẹp lòng Thiên Chúa. Việc biến đổi này trước tiên là làm cho họ trở thành người con chan chứa tình yêu và tràn đầy tự do của con cái Chúa (s. 82), nhất là tự do tôn giáo, tự do thờ phượng Thiên Chúa (s. 87). Chỗ nào thiếu tự do tôn giáo, thì thiếu hẳn sự tự do đích thực và đầy ý nghĩa của con người (s. 87). Tông Huấn đã xin mọi người cầu nguyện để nhà cầm quyền tôn trọng quyền tự do tôn giáo trong các quốc gia của họ (s. 87). Tông Huấn lên tiếng ca ngợi các giám mục, linh mục, giáo dân đã sống trọn vẹn đức tin của mình trong những hoàn cảnh thật khó khăn ở những nơi không được tự do hành đạo (s. 87).

Trong điều kiện này, tín hữu có khả năng để hành động cách tự do, để yêu thương mọi người như Chúa đã yêu thương con người và cũng muốn họ yêu thương người khác như vậy (s. 82). Gương của ông Giakêu trong Phúc âm cho chúng ta nhận ra điều này. Ông đã gặp Chúa, nhìn thấy Chúa và sau cùng được phúc trọng đại là đón nhận Chúa Kitô vào trong nhà của mình. Ông có diễm phúc được “gần” Chúa và điều này làm cho ông biến đổi hoàn toàn hạnh kiểm, đời sống luân lý của ông (s. 83).

3. Thánh Thể và đời sống chính trị (s. 83).

Tông Huấn nói tới một sự  đồng nhất đời sống từ Thánh thể (s. 83 : cohérence eucharistique). Vì tín hữu phải là chứng tá cho niềm tin vào Thánh Thể, không chỉ trong đời sống riêng tư nhưng còn phải là chứng tá trong đời sống công cộng, trong các chức vụ mà tín hữu đảm nhiệm trong xã hội, trong đoàn thể, trong chính phủ, trong việc giáo dục.

Trong phần này Tông Huấn đã nói tới mấy giá trị căn bản của con người và của xã hội, mà người ta không thể nhân nhượng, dung hòa hay bỏ qua: đó là sự sống của con người từ khi mới thụ thai cho đến chết, giá trị gia đình dựa trên hôn nhân, việc giáo dục con cái; việc thăng tiến công ích của xã hội. Các giá trị căn bản này có nguồn từ bản tính con người (s. 83). Vì thế, những ai giữ địa vị nào trong xã hội, các nhà luật pháp Kitô giáo không được bỏ qua và làm các luật chống lại các giá trị căn bản này (s. 83).

4. Thánh Thể và các đòi hỏi xã hội (s. 88-89).

Một góc cạnh khác của đời sống “người Thánh Thể” đó là sinh hoạt xã hội của họ, tức là sống trong tình liên đới và lo thăng tiến con người. Tông Huấn cũng đã đề cập tới.

Như trong các phần khác, Tông Huấn đã cho biết những lý do thần học và phụng vụ làm căn bản cho các hoạt động xã hội của tín hữu (s. 88). Lý do thần học này là ơn huệ Thánh Thể Chúa Kitô ban cho chúng ta (s. 88). Đó là bánh bẻ ra cho cả thế giới, cho hết mọi người. Đó là tình yêu tận cùng của Thiên Chúa ban cho con người và tình yêu này đã biểu lộ ra cho nhân loại qua ánh mắt xót thương của Chúa Kitô tới mọi người (s. 88). Phúc âm đã nhiêu lần cho thấy cử chỉ yêu thương, cảm thông và thương xót của Chúa Kitô cho những người đồng thời với Ngài nhất là những người nghèo khổ, ốm đau bệnh tật (s. 88). Các tín hữu “người Thánh Thể”, cũng phải sống trọn vẹn những tâm tình yêu thương, cảm thông và thương xót của Chúa trong cuộc đời của mình bằng những hành động bác ái xã hội.

Từ đây Tông Huấn nói tới những đòi hỏi xã hội nằm trong tu đức Thánh Thể, trong linh đạo Thánh Thể (s. 89). Những hoạt động xã hội này là lo thăng tiến sự hòa giải (s. 89), sự tha thứ (s. 89), việc tôn trọng phẩm giá con người (s. 89), thăng tiến công bằng xã hội, hòa bình thế giới (s. 89), việc phát triển xã hội (s. 89), việc lo giải phóng con người khỏi cảnh nô lệ (s. 89), việc chống tham nhũng, hối lộ (s. 89), chống lạm dụng sắc dục trẻ em và phụ nữ ; giải giới vũ khí (s. 89), chống bạo động và bạo lực (s. 89). Tông Huấn nói rõ ràng: “Chính từ Mầu nhiệm chúng ta cử hành mà chúng ta phải tố cáo những tình trạng ngược lại với nhân phẩm của con người, mà Chúa Kitô đã  đổ máu của mình ra để cứu chuộc và xác nhận giá trị của mỗi người” (s. 89).

Nhưng phải nhớ điều này: các sinh hoạt xã hội được thể hiện là do xác tín Thánh Thể, chứ không phải vì là hành động phải làm theo cách thế tự nhiên như bao người khác đang làm và có khi làm hơn tín hữu (s. 89). Đàng khác, Đức Thánh Cha (dùng đại danh từ ngôi thứ I “TÔI”) nhắc lại cho tín hữu biết rằng Giáo Hội không tranh đấu chính trị (s. 89), nhưng soi sáng các nhà làm chính trị qua các nguyên tắc do lý trí và do mặc khải, do sự đói khát chân lý và đói khát Thánh Thể như của ăn chân lý (s. 89) để tín hữu và mọi người thành tâm thiện chí theo đó mà được xác tín thêm và hành động theo khả năng và hoàn cảnh của mình (s. 89). Từ đây Tông Huấn nhắc tới giáo huấn xã hội của Giáo Hội từ xưa đến nay, nhất là các văn kiện gần đây (s. 91), như “Cuốn cẩm nang giáo thuyết xã hội của Giáo Hội” (s. 91 = Compendium de la doctrine sociale de l’Eglise). Vì thế, phải học hỏi giáo huấn của Giáo hội về các vấn đề xã hội (s. 90). Học thuyết này đã có từ 2000 năm nay, có tính cách thực tế và quân bình và giúp tránh những ảo tưởng hay sai lầm (s. 91).

Công việc từ thiện trong Giáo Hội đã được thực hiện ngay từ đầu (s. 90, x. Rm 15, 26; Cv 4, 32), trong phụng vụ đã có việc quyên góp giúp người nghèo trong cộng đoàn (s. 90). Các dòng tu đã và đang thực hiện một cách hữu hiệu trong xã hội, như lo giáo dục nhân bản, chăm sóc bệnh nhân, dạy học,... (s. 81). Tông Huấn khuyến khích các cơ quan từ thiện chính thức của Giáo Hội, như Caritas. Các cơ quan này tiếp tục được cổ võ, chấp thuận và trợ giúp (s. 90).

5. Thánh Thể và vấn đề môi sinh (s. 92).

Một trong những vấn đề thời sự sôi bỏng của xã hội ngày nay, đó là vấn đề môi sinh. Tông Huấn cũng đã bàn tới trong số 92. Tông Huấn đã nói tới việc các tín hữu Thánh Thể phải nhân danh toàn thể vũ trụ mà thánh hóa và bảo tồn môi sinh (s. 92).  Lý do vì Thánh Thể cho biết rõ ràng  lịch sử con người và vũ trụ, như là nơi Thiên Chúa tỏ bày chính mình ra cho chúng ta. Vì thế, nhờ Thánh Thể, tín hữu mỗi ngày biết đọc và thẩm định cách chân thực ý nghĩa các biến cố của đời sống mình và của môi trường xã hội chung quanh (s. 92). Nghi thức dâng lễ vật giúp chúng ta hiểu chân lý trên. Bánh và rượu là hoa màu ruộng đất và lao công của con người (Nghi thức Thánh Lễ). Hai vật này cũng như tất cả vũ trụ có ý nghĩa cao cả của nó. Chúng không đứng ngoài kế đồ yêu thương của Thiên Chúa và tự mình phát  xuất ra hay tự mình tiến hóa. Nhưng chúng luôn theo định luật đã được Thiên Chúa xác định cho chúng để giúp chúng ta thực hiện  trọn chức làm con Thiên Chúa (s. 92; Ep 1,3-12). Hơn nữa, tạo vật hiện thời còn giúp chúng ta hướng về việc tạo dựng mới mà chúng ta được hướng tới qua bí tích Rửa tội và trong niềm hy vọng cánh chung (s. 92). Như vậy, với cái nhìn duy nhất và tổng hợp chương trình và kế đồ của Thiên Chúa, chúng ta biết tôn trọng môi sinh và dùng chúng theo đúng ý muốn của Thiên Chúa (s. 92).

Vậy, Thánh Thể là của ăn nuôi dưỡng chân lý (s. 2 và 90), và nhờ chân lý chúng ta khám ra những gì sai trệch trong đời sống của mình và trong những hoàn cảnh chung quanh, để rồi múc lấy từ Thánh Thể sức sống và sức mạnh để biến đổi và làm tăng trưởng thêm những giá trị xã hội chân chính theo chương trình Thiên Chúa hoạch định.


KẾT LUẬN

Sau khi đã tìm hiểu một số khía cạnh của Tông Huấn hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế giới kỳ XI “Bí Tích Tình Yêu”, bây giờ tôi nói qua về phần kết luận của Tông Huấn.

Đức Thánh Cha nói: “Anh Chị em thân mến, Thánh Thể là nguồn gốc của mọi sự thánh thiện và mỗi người chúng ta được kêu gọi để đạt tới sự toàn thiện trong Chúa Thánh Thần... Vậy cần phải làm sao để trong Hội Thánh, mầu nhiệm cực trọng này là đích điểm của đức tin, được cử hành với lòng sốt sắng và được sống một cách thật sâu xa” (s. 94). Với lời xác quyết và tái khẳng định này, Đức Thánh Cha (dùng đại danh từ “TÔI”) đã khuyên nhủ các thành phần Dân Chúa như sau:

“TÔI” kêu mời các vị chủ chăn hãy lo lắng hết sức để cổ võ nền tu đức Thánh Thể Kitô giáo đích thực mang tính cách Thánh Thể.

“TÔI” kêu mời các linh mục, phó tế và hết mọi người có phận vụ nào đó trong buổi cử hành phụng vụ Thánh Thể, hãy cử hành cách cẩn thận và hãy chuẩn bị cách kỹ càng (s. 94).

“TÔI” kêu mời các thừa tác viên trên đây hãy kín múc lấy từ Thánh Thể mà họ cử hành sức mạnh và sự thúc đẩy họ trên con đường thánh hóa cá nhân và cộng đoàn (s. 94).

“TÔI” mời giáo dân, đặc biệt các gia đình, tìm được từ Thánh Thể năng lực để biến đổi đời sống của họ thành dấu chỉ thực sự về sự hiện diện của Chúa Kitô sống lại (s. 94).

“TÔI” xin mọi người thánh hiến, qua đời sống Thánh Thể, cho thấy sự sáng ngời và vẻ đẹp của việc họ hoàn toàn thuộc về Chúa Kitô (s. 94).

“Tôi” xin mọi người hãy sống luật Ngày Chúa Nhật (s. 95).

“TÔI” xin Mẹ Maria, người Nữ Thánh Thể giúp chúng ta mỗi ngày trở nên “con người Thánh Thể” hơn nữa (s. 96).

“TÔI” xin Chúa Thánh Thần đốt nóng nơi ta lòng sốt mến hăng say như xưa nơi hai môn đệ đi làng Emmaus, để làm sống lại nơi chúng ta sự ngỡ ngàng trước Thánh Thể và vẻ đẹp thể hiện trong phụng vụ (s. 94).

CHÚNG TA cầu chúc cho nhau đi đến với Chúa Thánh Thể trong niềm hân hoan tràn đầy và với sự ngỡ ngàng trước Thánh Thể để có thể cảm nghiệm được cách đích thực lời Chúa Kitô nói: “Ta ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28, 20).


[6] Khi không ghi (M) thì lễ của vị thánh không có trong Lịch chung của Giáo hội, mà chỉ có trong lịch riêng.

Lm. Phanxicô Borgia Trần Văn Khả                                             

© 2016 Dongthanhthe.net. All rights reserved.