CUỘC TĨNH TÂM
Ở XANH-MÔ-RIS
(Saint-Maurice)
Từ 27 tháng 4 đến ngày 2 tháng 5 năm 1868
1. ĐỊA HÌNH VÀ LỊCH SỬ NHÀ XANH-MÔ-RIS
(Saint-Maurice)
Biệt thự nhỏ Xanh-Mo-ris (Saint-Maurice) là một kiến trúc thanh nhã tọa lạc ở giữa một công viên sinh đẹp, nhìn xuống thung lũng Rê-nac-đơ (Rénarde) và những ngọn đồi Xanh Sê-rông (Saint Chéron) đen xậm, do ông Đờ Xoa (de Soye) xây cất. Ông qua đời năm 1845. Ít lâu sau (1866), Dòng Thánh Thể mua lại biệt thự này và làm tập viện ở đó. Tên chính thức của địa điểm này là Xã Xanh-Mô-ris-xú-Mông-cu-ron (Saint Maurice-sous-Montcouronne).
Mô tả về ngôi biệt thự và lịch sử việc thành lập nhà ở đây được đề cập tới trong những cuốn tiểu sử về Đấng Sáng Lập của chúng ta[1].
Năm 1909, cha Tes-ni-e (Tesnière) viết: “Vào cuối năm 1866, cha E-ma cảm thấy được an ủi vì thực hiện được 2 dự án mà ngài đã cưu mang trong đầu óc từ lâu, đó là: rời Tập Viện từ Pa-ri ra miền quê, xa lánh những tiếng ồn ào, nhộn nhịp và những cảnh phồn hoa của đô thị; và dự án khác là thành lập một Nhà Tĩnh Biệt (House of Solitude) cho các tu sỹ cảm thấy được ơn kêu gọi đặc biệt sống đời sống ẩn dật tôn thờ Chúa và không dấn thân vào các hoạt động sứ vụ”[2].
Chính cha E-ma cũng viết cho cha Đờ Qui-es vào ngày 28 tháng 6 năm 1866: “Tôi viết thơ này để báo tin cha cũng như các cha và các anh em của cha hay, đó là tôi đã mua căn nhà với khu vườn lớn, cách Pa-ri khoảng 2 tiếng . . . Đó là do ơn Quan Phòng của Chúa, vì ở đó chúng ta sẽ thỏa mãn được nhu cầu Tập Viện và Nhà Tĩnh Biệt”[3].
Ngôi nhà được khánh thành vào ngày 25 tháng 12 năm 1866 với việc Đặt Mình Thánh vào lúc nửa đêm. Cha Mi-sen Sa-nuy-ê (Michel Chanuet) là tập sư, được bổ nhiệm làm bề trên tiên khởi của nhà này vào ngày 22 tháng 12 năm 1866.
Trong cuốn Grăng Vi (Grande Vie), cha Tes-ni-e (Tesnière) thêm: “Cái chết sớm của cha E-ma đã không cho phép ngài biến Xanh-Mô-ris (Saint-Maurice) thành Nhà Tĩnh Biệt theo đúng nghĩa, tức là gồm các tu sỹ đã khấn, hoàn toàn hiến thân để sống cuộc đời chầu Chúa và tuân giữ luật khắt khe hơn các nhà khác về một số phương diện”[4].
An nghỉ tại Nghĩa Trang Xanh Mô-ris gồm có:
- Cha Đờ Qui-es, tạ thế ngày 21 tháng 6 năm 1871.
- Cha Lơ-roay-ê (Leroyer), tạ thế ngày 3 tháng 3 năm 1879.
- Thầy tập sinh An-toan Ra-văng-na (Antoine Ravannat), tạ thế ngày 28 tháng 5 năm 1867.
Cha Tes-ni-e (Tesnière) cho biết[5] vào năm 1866, khu vực chính của Xã Xanh-Mô-ris có khoảng 100 gia đình. Vào năm 1967, dân số ở đây cũng chỉ vào khoảng đó không hơn không kém.
2- ĐẤNG SÁNG LẬP VÀ XANH-MÔ-RIS
Cha Tes-ni-e (Tesnière) viết: “Dù là Tập Viện hay Nhà Tĩnh Biệt, Xanh Mô-ris là một nơi trú ngụ tĩnh mịch và được phong phú thêm nhờ sự hiện diện của Thánh Thể, và trong suốt 18 tháng khi còn sống, cha E-ma đã coi đây là địa điểm ưa thích nhất của ngài”[6].
Chính nơi lặng lẽ cô tịch này, Đấng Sáng Lập của chúng ta đã ẩn mình từ ngày 27 tháng 4 đến ngày 2 tháng 5 năm 1868 để tĩnh tâm riêng[7].
Khoảng thời gian đầu năm 1868, cha E-ma đã hoạt động mạnh mẽ đến kiệt lực, thêm vào đó là đau yếu thể xác và đau khổ tinh thần. Cha Sa-nuy-ê (Chanuet), tập sư và bề trên nhà Xanh Mô-ris đã ghi lại những nhận xét sau: “Chính vì cảm thấy cần phải nghỉ ngơi hoàn toàn dưới chân Chúa, ngài đã tới Xanh Mô-ris để tĩnh tâm, nhờ đó tâm hồn ngài đã tìm được nguồn ủi an nâng đỡ, và ngay cả thể chất, ngài cũng được phục hồi đôi chút”[8].
Và cha Tes-ni-e: “Ba tháng trước khi tính sổ về cuộc đời mình trước toà án Thiên Chúa, mặc dầu tình trạng sức khỏe yếu kém và những công việc tông đồ cứ mỗi ngày một chồng chất thêm dường muốn dành lấy những giờ phút cuối cùng của cuộc sống lao nhọc ở trần gian này, ngài cũng dành thời giờ để tĩnh tâm thường niên mà ngài đã không thể thực hiện được trong 2 năm qua. Ngài lui về Xanh-Mô-ris trong yên tĩnh và thanh bình của chốn tịch mịch, trong bầu khí ấm áp và vui tươi của nhà thờ phượng đầy nhiệt tình. Ngài ngụ ở căn phòng với một mặt hướng về Thánh Thể được đặt ra để chầu và lập tức ngài cảm thấy chìm ngập trong ơn tĩnh tâm và ngài đã chúc tụng Thiên Chúa về ơn đó với bài ca tri ân đầy cảm động”[9].
Sau đây là chính lời của cha E-ma: “Tôi tới đây hôm nay để tĩnh tâm 7 ngày và để nghỉ ngơi đôi chút ở dưới chân Chúa. Điều này sẽ đem lại lợi ích cho tôi cả thể xác lẫn tinh thần”[10].
Cha E-ma bắt đầu tĩnh tâm vào lúc “3 giờ chiều”[11], ngày 27 tháng 4 năm 1868, và chấm dứt vào Thứ Bẩy ngày 2 tháng 5 năm 1868[12].
Trong thời gian tĩnh tâm, nhiều lần ngài đã huấn đức cho các tập sinh. Theo những ghi chú của cha Tơ-nay-ông (E. Tenaillon) thì sau đây là những đề tài ngài đề cập tới:
- Ngày 27 tháng 4: Hội thảo do cha E-ma: “Mục đích của Hội Dòng. Đến với Chúa Ki-tô qua Chúa Ki-tô”
- Ngày 29 tháng 4: Hội họp, do cha E-ma, về Chầu Chúa: “Ơn kêu gọi của chúng ta. Lý do hiện hữu của chúng ta”.
- Ngày 30 tháng 4: Những ghi chú về cuộc hội thảo về “Tháng 5” do cha E-ma.
- Ngày 1 tháng 5: Tĩnh Tâm, do cha E-ma: Hai buổi huấn đức về khiêm nhường.
- Ngày 2 tháng 5: Hội thảo, do cha E-ma: “Chiêm niệm”. Bài giảng của cha E-ma về “chiêm niệm”.
3- CUỘC TĨNH TÂM CỦA ĐẤNG SÁNG LẬP
Ngoại trừ một vài hàng được cha Tes-ni-e ghi lại và thỉnh thoảng một vài trích dẫn từ những trang nhận xét của cha Trô-suy (Trochu), thì cuộc tĩnh tâm ở Xanh Mô-ris không phải là một cuộc khảo sát đời sống nghiêm chỉnh. Trong lần xuất bản đầu tiên về cuộc đời Thánh Phê-rô Giu-li-a-nô, cha Tru-xi-ê (Troussier) đã dành 14 trang cho Cuộc Đại Tĩnh Tâm ở Rô-ma[13], nhưng chỉ diễn tả cuộc tĩnh tâm ở Xanh-Mô-ris bằng vài hàng, và trong lần xuất bản mới nhất, vẫn không có gì thêm. Lý do chính của sự sao lãng đó, có lẽ là do thiếu bản chính đáng tin cậy.
Những gì chúng ta thực hiện ở đây chỉ là cố gắng đưa ra một số nguyên tắc và chỉ dẫn để hỗ trợ cho việc nghiên cứu tài liệu quan trọng này cách khách quan và để áp dụng vào đời sống chúng ta mà thôi.
Trước hết, cuộc tĩnh tâm ở Xanh-Mô-ris là một cuộc tĩnh tâm được tổ chức và có chương trình được ấn định. Về phương diện này, cuộc tĩnh tâm ở Xanh-Mô-ris hoàn toàn khác với Cuộc Đại Tĩnh Tâm ở Rô-ma. Như chúng ta đã đề cập tới Cuộc Đại Tĩnh Tâm ở Rô-ma, đó là cuộc tĩnh tâm “theo hoàn cảnh”. Còn cuộc tĩnh tâm ở Xanh-Mô-ris thì khác. Quả thực, trong 2 năm cha E-ma đã không có dịp tĩnh tâm thường niên, vì thế chúng ta có thể suy đoán mà không sợ sai lầm rằng, ngài đã ấn định trước về bản chất của cuộc tĩnh tâm và chọn lựa đề tài sẽ phải khảo sát như đôi khi ngài thực hiện trong cuộc sống thiêng liêng của ngài.
Có lẽ đặc điểm nổi bật nhất của cuộc tĩnh tâm ở Xanh-Mô-ris là cuộc tĩnh tâm mà cha E-ma thực hiện chỉ 3 tháng trước khi ngài qua đời. Khi ấy ngài đã đạt tới mức độ trưởng thành thiêng liên, tới trình độ thánh thiện mà cuộc sống kết hiệp sâu xa và mật thiết với Chúa đã trở thành thực tại thông thường, một cảm nghiệm bình thường của cuộc sống. Ngài đã sống trọn vẹn Ơn Phép Rửa Tội và các nhân đức đối thần (Tin, Cậy, Mến) và tâm hồn ngài đã luôn đáp lại những thúc đẩy của các Ơn Chúa Thánh Thần.
Đó là lý do tại sao cuộc tĩnh tâm ở Xanh-Mô-ris có đặc điểm thần bí theo đúng nghĩa. Cuộc tĩnh tâm này được nổi bật là nhờ sự phong phú của đặc điểm thần bí.
Một số tài liệu trong các cuốn tiểu sử về cha E-ma có khuynh hướng coi cuộc tĩnh tâm này là cuộc tĩnh tâm của “Đêm Tối Tâm Thần”, trong đó Đấng Sáng Lập của chúng ta đã không làm gì hết mà chịu đau khổ tinh thần do tình trạng khô khan và buồn sầu thiêng liêng thôi. Chắc chắn có một số trang trình bày tình trạng đó, nhưng nếu chỉ dừng lại ở điểm này, tức là chỉ khảo sát cuộc tĩnh tâm ở một phương diện duy nhất này, thì cuộc khảo sát ấy sẽ không đầy đủ và thiếu khách quan.
Theo các nhà bình luận thì Đấng Sáng Lập của chúng ta đã được ơn cảm nghiệm rất sống động về tình yêu Thiên Chúa và về sự đáp lại tình yêu này qua công cuộc phục vụ Thánh Thể như một ơn kêu gọi.
- Ngay lúc khởi đầu cuộc tĩnh tâm, ngài viết: “Người muốn đối xử với tôi như một người bạn tâm phúc”.
- Trong suy niệm 1 của ngày thứ hai, ngài viết: “Cho tới nay, Chúa đã ban cho tôi biết bao ơn cao quí. Người đã yêu thương tôi biết bao! Tới mức quá độ”.
- Trong suy niệm 2 của cùng ngày, ngài viết: “Phải, tâm hồn tôi đã luôn yêu mến Chúa Giê-su Thánh Thể. Không ai có được tâm hồn như vậy”.
- Trong suy niệm 2 của ngày thứ ba: “Tôi chưa bao giờ thấu hiểu được như lúc này về hiến lễ trí tuệ dâng cho Chúa Giê-su hệ tại yếu tố nào . . . Chúa nhân lành đã tỏ cho tôi biết điều đó”.
Chúng ta còn có thể trưng nhiều trích dẫn khác tương tự như vậy nữa.
Nhưng đàng khác, ơn cảm nghiệm sống động về tình yêu Thiên Chúa đối với cha E-ma quá mãnh liệt, quá rõ rệt đến nỗi tâm hồn ngài phải hết sức đau khổ khi nhận thấy sự vô ơn của ngài, thái độ đáp ứng thiếu cân xứng của ngài. Ánh sáng thần linh đã làm cho những bất toàn của ngài nổi bật lên, và đó là lý do khiến cho Đấng Thánh của chúng ta phải đau khổ, nỗi đau khổ mãnh liệt và sâu xa đến nỗi ngài phải khóc lên như ngài đã ghi lại. Bị xúc động mạnh bởi ơn Chúa và sự nhậy cảm thần bí, cha E-ma đã dùng những mầu sắc thật đen tối để vẽ nên tình trạng thiếu tình yêu của ngài đối với Chúa, sự vô ơn bội bạc, lạm dụng ơn thánh và “mặc cảm tội lỗi” theo kiểu nói của chúng ta ngày nay.
Khi vẽ nên bức họa đen tối, với dáng vẻ bi quan, điều đó không có nghĩa là cha E-ma đã biểu lộ một tâm trạng buồn phiền chán nản. Sự thực là tâm hồn ngài được ủi an nâng đỡ nhiều, nhưng dưới ánh sáng huy hoàng của tình yêu Chúa hiện diện nơi Thánh Thể, ngài đã thành thực và chủ quan tin rằng, ngài quả thực như ngài diễn tả theo sự phân tích tâm lý và thiêng liêng.
Nếu theo ý kiến của cha Trô-suy (Trochu) thì cha E-ma trong cuộc tĩnh tâm này “đã rơi vào tình trạng đêm tối tâm thần” và ngài cảm thấy “ngài tệ hơn trước”. Cha Trô-suy đã bênh vực cho khẳng định này bằng những trích dẫn từ thánh Gio-an Thánh Giá. Tuy nhiên, cha Sa-nuy-ê (Chanuet), bề trên nhà Xanh-mô-ris lúc bấy giờ và đã sống kề bên cha E-ma trong cuộc tĩnh tâm ấy, ngài chứng thực về tình trạng tâm hồn của cha E-ma khác với chủ trương của cha Trô-suy, cha Sa-nuy-ê viết cách đơn sơ: “Cha E-ma đến Xanh-Mô-ris để tĩnh tâm nhờ đó tâm hồn ngài đã tìm được nguồn ủi an rất nhiều”. Đề cập đến cuộc tĩnh tâm này, cha Tes-ni-e tuyên bố: “Thời kỳ nghỉ ngơi bên Chúa đã làm cho tâm hồn ngài (cha E-ma) sảng khoái biết bao”[14].
Vì thế nếu chúng ta khảo sát toàn bộ cuộc tĩnh tâm ở Xanh-Mô-ris, chúng ta có thể quả quyết rằng, Đấng Sáng Lập của chúng ta đã được phúc cảm nghiệm về tình yêu Thiên Chúa và về sự cao cả của công cuộc phục vụ Thánh Thể, chắc chắn đó là ơn chính và căn bản của cuộc tĩnh tâm Xanh-Mô-ris. Cảm nghiệm này được sáng tỏ nhờ ơn thánh và sự kết hiệp mật thiết với Chúa đã khiến cha E-ma phóng đại những khuyết điểm của tâm hồn ngài cách quá đáng và gia diết.
4- THỂ HIỆN LẠI CUỘC TĨNH TÂM XANH-MÔ-RIS
Trong dịp cử hành Lễ Giỗ 100 năm của Đấng Sáng Lập và kỷ niệm 100 năm Cuộc Tĩnh Tâm Xanh-Mô-ris (1868-1968), Đức Giáo Hoàng Phao-lô VI viết:
“Chúng Tôi có bổn phận phải nhấn mạnh đến cuộc kỷ niệm 100 năm mà hiện giờ là một thói quen phổ quát, đó là tưởng nhớ lại những nhân vật và biến cố xưa đã để lại dấu vết sâu đậm trong lịch sử. Khi nhìn lại những biến cố ấy sau những năm dài qua đi và với những ký ức còn gắn bó chặt chẽ với chúng, việc tưởng nhớ này đem lại những bài học rất quí giá và bổ ích cho những ai suy gẫm và phục hồi chúng lại theo một mức độ nào đó.”.
“Ý nghĩa của những bài học này thường sáng tỏ đối với hậu thế là những người đánh giá cao các biến cố ấy hơn là những người sống đồng thời với các biến cố này mà không hiểu đầy đủ ý nghĩa của chúng. Sự nhấn mạnh đến “ý nghĩa lịch sử” giúp chúng ta sẵn sàng chấp nhận những suy đoán về các biến cố quá khứ hơn. Đồng thời sự tôn trọng những truyền thống thánh, một trong những yếu tố chính của linh đạo công giáo, có thể làm gia tăng sức mạnh của ký ức, đem lại tràn đầy nhiệt tình cho trí tuệ và thúc đẩy đi tới những quyết tâm, nhờ đó cuộc kỷ niệm trở thành cuộc cử hành trọn vẹn với niềm vui và lòng sùng kính. Kết quả là chúng ta được thêm khát vọng thực hiện lại những biến cố đáng kính xưa và nhãn giới của chúng ta được trải rộng ra chân trời quá khứ lẫn tương lai, và được tổng hợp lại trong một chương trình hàm ẩn nơi các biến cố đó, nhờ vậy nhãn giới của chúng ta nhận ra được ý nghĩa căn bản của mầu nhiệm Các Thánh Thông Công”[15].
Suy niệm và thể hiện lại cuộc tĩnh tâm này trong đời sống sẽ giúp chúng ta cử hành Lễ Giỗ 100 năm của Đấng Sáng Lập cách đầy ý nghĩa hơn.
Cũng như thời Hậu Công Đồng Va-ti-ca-nô II phải là thời gian khảo sát tích cực và chân thành, cũng vậy Cuộc Tĩnh Tâm Xanh-Mô-ris, nhờ những khảo sát, những quyết tâm chân thành, những dự án hành động có thể là một ân huệ lớn lao cho chúng ta. Vì tất cả chúng ta đều được đầy ơn trợ giúp để sống những giá trị chân thực theo ơn kêu gọi của chúng ta trong Hội Thánh, đó là: Tôn thờ Thánh Thể trong chiêm niệm, hoạt động tông đồ Thánh Thể nhờ Thánh Thể.
Nguyện cho việc khảo sát Cuộc Tĩnh Tâm ở Xanh-Mô-ris của Đấng Sáng Lập góp phần vào công cuộc canh tân mà Giáo Hội tha thiết kêu gọi chúng ta bằng cuộc sống rập theo khuôn mẫi của Cuộc Tĩnh Tâm này.
Đông Quang ngày 24 tháng 6 năm 2008
Ngày Lễ Sinh Nhật Thánh Gioan Tẩy Giả
LM Dominic Nguyễn Phúc Thuần, SSS
[1] Coi: Troussier, Cuốn II, tr. 458-463. Trochu, tr. 370-375.
[2] Grande Vie du P. Eymard, tr. 1003
[3] Thơ, Tập I, tr. 191.
[4] Tr. 1014
[5] Grande Vie, tr. 1008
126 Trang 1014
[7] Thơ, Tập III, tr. 146.
[8] Những ghi chú của cha Chanuet về đời sống cha Eymard.
[9] Cha Tesnière đã ghi kèm vào đây bản sao bài suy niệm 1 của cuộc Tĩnh Tâm. Grande Vie, tr. 1070
[10] Thơ, Tập III, tr.146
[11] Troussier: Curriculum Vitae của cha Eymard
[12] Thơ, Tập III, tr. 185. Thơ, Tập II, r. 396. Thơ tập IV, tr. 79.
[13] Tr. 529-542, Chương 12 và Những tột đỉnh của cuộc kết hiệp thần linh.
[14] Trang 1081
[15] Doc. Cath. Ngày 19 tháng 3 năm 1967, cột 483.