Cuộc Tĩnh Tâm Thứ Hai Ở Rô-ma (P.4)

6- NHỮNG Ý TƯỞNG CĂN BẢN

          Khi đề cập đến hướng tổng quát của Cuộc Đại Tĩnh Tâm ở Rô-ma, chúng tôi đã khẳng định rằng, không có sự duy nhất theo hệ thống nào trong việc khai triển các đề tài. Tuy dù thiếu cơ cấu theo phương pháp, nhưng chúng ta cũng thấy có một số chủ đề quan trọng được đề cập tới cách tuần tự trong những suy niệm liên tiếp nhau, hay theo những ý tưởng căn bản được đan kết lại thành toàn bộ tư tưởng của cha E-ma, những ý tưởng căn bản ấy có thể tạo thành một hệ thống nào đó nếu chúng được liên kết lại với nhau cách thỏa đáng. Điều cốt yếu là chúng ta phải luôn lưu tâm đến điều đó nếu chúng ta muốn phán đoán cách chính xác về đặc điểm chung của Cuộc Đại Tĩnh Tâm ở Rô-ma.

A- Trước hết, một số suy niệm và phân tích thiêng liêng hoàn toàn do hoàn cảnh hay cơ hội phát sinh ra. Chúng cho biết những phản ứng tự nhiên và siêu nhiên của cha E-ma trước những biến cố mới và bất ngờ: những biến cố liên quan đến vấn đề Nhà Tiệc Ly, đến những thơ của cha Đờ Qui-es, đến tâm tình hay trạng thái của tâm hồn. Để diễn tả trạng thái đặc biệt ấy của tâm hồn, đôi khi cần đến cả một suy niệm, nhưng cũng có lúc chỉ cần một câu hoặc một lời than thở cũng đủ.

          Cũng có những suy niệm có thể gọi là thuộc loại bán cơ hội, như những suy niệm được gợi ý bởi một ngày đặc biệt, một lễ phụng vụ hay những hoàn cảnh đặc biệt, chẳng hạn:

          - Ngày thứ nhất của cuộc tĩnh tâm, 25 tháng Giêng: Suy niệm về cuộc trở lại của thánh Phao-lô.

- Ngày 1 tháng 3, thứ Tư Lễ Tro: Suy niệm về sám hối.

- Ngày 11 tháng 3, Thứ Bẩy: Suy niệm về Đức Trinh Nữ.

- Ngày 19 và 20 tháng 3, Lễ kính Thánh Giu-se: Suy niệm về Thánh Giu-se.

- Ngày 25 tháng 3, Lễ Đức Mẹ Truyền Tin: Suy niệm về Nhập Thể.

- Ngày 26-28 tháng 3, Chầu Lượt tại nhà thờ của các cha Dòng Chúa Cứu Thế.

          Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng, những suy niệm thuộc loại bán cơ hội này cũng thường hướng về chủ đề chính của Cuộc Tĩnh Tâm.

B- Như đã đề cập trước đây, cha E-ma đã dành một phần lớn của cuộc tĩnh tâm cho công cuộc thuộc lãnh vực tu đức, nghĩa là cho việc khảo sát và nghiên cứu các nhân đức và cho việc chuyên cần hoàn thiện các nhân đức ấy. Sau đây là những nhân đức được ngài đặc biệt lưu tâm hơn cả:

a- Đức Khiêm Nhường

         “Nhân đức chủ yếu của kẻ tôn thờ[1], nhân đức của hiến lễ bản vị, một nhân đức phù hợp với tính tình của cha E-ma hơn, vì ngài thường ân hận về tánh tự phụ của mình. Ngài nghiên cứu nhân đức này trong các Phúc Âm, nhất là trong Thánh Thể, để đem ra thực hành trong đời sống cá nhân: khiêm nhường trong lòng, khiêm nhường khi thành công, và khiêm nhường trong những lúc bị hạ nhục.

b- Đức khó nghèo

          Cha E-ma coi đức khó nghèo là nhân đức chị em với đức khiêm nhường, đã được Chúa Giê-su thực hành và là điều kiện thiết yếu của đời sống tu trì. Ngài dùng thứ ngôn ngữ cương quyết trong quyết tâm thực hành nhân đức này ở cả hai lãnh vực bề trong cũng như bề ngoài. Khi nói đến đức khó nghèo tinh thần, ngài dùng những thành ngữ nhắc lại quan niệm về hư vo của thánh Gio-an Thánh Giá.

c- Tuân giữ kỷ luật

          Ngài đã dành 3 buổi để suy niệm về tuân giữ qui luật mà ngài gọi là ân sủng và gương mẫu cho mọi tu sỹ.

d- Đức khiêm nhu (Modesty)

         Khiêm nhu là một nhân đức đã đòi hỏi cha E-ma phải hao tốn biết bao nỗ lực. Trong Cuộc Đại Tĩnh Tâm, ngài đề cập nhiều đến đức tính này và ngài đề ra việc thực hành đức tính này theo những đòi hỏi nơi nội tâm cũng như những biểu lộ bề ngoài về tư cách, âm thầm và hồi tâm.

e- Đức hiền hòa (Meekness)

          Cũng như đức khiêm nhu, đức hiền hòa đã đòi hỏi cha E-ma phải trả một giá khá cao, và đã bị thử thách lớn lao trong thời gian Đại Tĩnh Tâm, đặc biệt là do những thơ của cha Đờ Qui-es[2]. Để thể hiện đức hiền từ, trước hết ngài chiêm ngưỡng nhân đức này nơi Chúa Giê-su, nơi Chúa Giê-su Thánh Thể, nơi Đức Ma-ri-a, để đạt tới kết quả trong việc thực hành đức tính này nơi nội tâm cũng như ở hành vi cử chỉ bên ngoài.

f- Khổ chế (Mortification)

          Trong thời gian tĩnh tâm, ngài đã có nhiều cơ hội để thực hành khổ chế và phải đau khổ nhiều: Vấn đề Nhà Tiệc Ly, sự cứng cỏi và thiếu tế nhị của cha Đờ Qui-es, sức khỏe yếu kém v.v. Trong những suy niệm của ngài về khổ chế, về Thánh Giá của Chúa, về những thánh giá của các thánh, chúng ta có thể thoáng nhận ra tâm trạng của ngài khi phải đau khổ; chúng ta cũng gặp được ở đó bằng chứng quí giá về thái độ chấp nhận ý Chúa của ngài.

g- Các nhân đức khác

          Cùng với những nhân đức trên là đề tài của những suy niệm đặc biệt trong Cuộc Đại Tĩnh Tâm, chúng ta còn cần phải thêm nhiều nhân đức khác nữa, tuy ít được nhấn mạnh tới, nhưng cũng được ngài quan tâm, nghiên cứu và đề ra những quyết tâm thực hành. Đó là dấu chỉ về sự chân thành và sâu xa của công cuộc được cha E-ma thực hiện trong Cuộc Đại Tĩnh Tâm này.

C- Trong Cuộc Đại Tĩnh Tâm, ngài cũng đề cập tới, suy niệm và nghiên cứu một vài đề tài lớn của thần học tu đức, như:

a- Về tội: Trong một số suy niệm, ngài đã tập trung vào bản chất của tội, những hậu quả của tội nơi tâm hồn, tội cá nhân của ngài, và tội xét là nguyên nhân gây ra cuộc Thương Khó của Chúa Giê-su.

b- Về tín lý: Đó đây, ngài đề cập đến những thực tại tín lý về Sáng Tạo, Quan Phòng, về công cuộc nâng con người lên lãnh vực siêu nhiên, về sự sa ngã của con người, về công cuộc cứu chuộc của ân sủng.

c- Về đời sống nội tâm: Ngài đã dành nhiều thời giờ cho đời sống nội tâm và đặc biệt ngài nhắm vào đời sống ấy dưới hình thức sự hiện diện của Thiên Chúa, sự hiệp nhất của Chúa Thánh Thần, nhất là sự kết hiệp với Chúa Ki-tô hiện diện nơi tâm hồn.

d- Về tình yêu Thiên Chúa: Ngài viết những trang hết sức đặc biệt về tình yêu Thiên Chúa; tình yêu của Chúa trong công cuộc Sáng Tạo, Quan Phòng, Nhập Thể, trong ơn gọi thánh thể, trong công cuộc thiết lập Dòng Thánh Thể; tình yêu của Ngôi Lời Nhập Thể trong nhiều biểu lộ khác nhau, đặc biệt nhất là trong Bí Tích Tình Yêu, tình yêu ấy là đề tài được thường xuyên được đề cập tới trong nhiều thơ từ; tình yêu Thiên Chúa là động lực chính, là bầu khí và là nhân đức của hiến lễ bản vị.

D- Ngôi Vị của Chúa Ki-tô là nhân tố chủ yếu trong Cuộc Đại Tĩnh Tâm mà chúng ta có thể gọi là “qui tâm ki-tô” (Christo-centric).

a- Trước hết Chúa Ki-tô là mẫu mực về ân sủng của mọi nhân đức, là Thầy dạy sự thánh thiện. Trong thực hành và thao luyện các nhân đức, gương mẫu và tinh thần của Chúa Ki-tô có ảnh hưởng hữu hiệu và tích cực nơi tâm hồn cha E-ma hơn những phân tích tâm lý và triết học, hơn cả những nghiên cứu và tư tưởng cao đẹp về một nhân đức nào đó.

b- Sự Thương Khó của Chúa Giê-su, Ơn Cứu Độ, cũng như sự hiện diện của Chúa Giê-su nơi tâm hồn - Chúa Giê-su nội tâm - cũng thường diễn ra trong các suy niệm của ngài.

c- Trong các mầu nhiệm về Chúa Giê-su, cha E-ma coi Mầu Nhiệm Nhập Thể là công cuộc đặc biệt của tình yêu vô biên của Thiên Chúa và nhất là ngài coi đó là tình trạng đặc biệt của nhân tính Chúa Giê-su hiện hữu trong Ngôi Vị của Lời Thiên Chúa mà không còn là một cá vị riêng. Cha E-ma rất thường hay khảo sát lại tình trạng này của nhân tính Chúa Giê-su. Ngài đề cập đến tình trạng này trong suy niệm 3, ngày 21 tháng 2, khi nhắc đến ơn đặc biệt ngài nhận được. Quả thực, ngài đã rập khuôn hiến lễ bản vị của ngài theo khuôn mẫu ấy ở nơi Chúa Giê-su.

d- Vị Sáng Lập Dòng Thánh Thể đã đặc biệt ngắm nhìn Chúa Giê-su được bí tích hóa, là thực tại ki-tô học lớn lao của Cuộc Đại Tĩnh Tâm ở Rô-ma. Nhiều trang rất sâu sắc đề cập đến việc Thiết Lập Thánh Thể, tình yêu thánh thể, các nhân đức thánh thể, vương quyền của Chúa Giê-su trong Bí Tích Thánh Thể, quyền lợi của Người đòi hỏi ta phải yêu mến, phụng thờ và tỏ lòng tri ân cách cụ thể, vai trò của Người là trung tâm của tâm hồn v.v.

e- Một điểm khác được cha E-ma làm nổi bật và ngài đã dành mọi năng lực thiêng liêng để đạt tới, đó là đời sống nội tâm kết hiệp với Chúa Giê-su. Nhờ sống ơn Phép Rửa Tội và tìm được trung tâm nơi Thánh Thể, trong thực hành thì đời sống nội tâm của ngài đã trở thành đời sống của lời khấn hiến dâng bản vị. Nhiều suy niệm, khảo sát và quyết tâm đối với hiệu quả đó: “Để sống trong Chúa, tôi phải nhìn lên Người là Thầy, là Mẫu Mực và là Thiên Chúa của tâm hồn tôi”[3].

f- Ngài đặt Đức Mẹ ngay bên cạnh Chúa Giê-su, không nguyên bằng những suy niệm dài và thường xuyên về Mẹ, nhưng nhất là ngài nói đến sự hiện của Mẹ trong suốt Cuộc Tĩnh Tâm. Kề bên Mẹ Ma-ri-a, chúng ta thấy Thánh Giu-se là người đầu tiên tôn thờ Ngôi Lời Nhập Thể. Ngài đã dành một vài suy niệm về Vị Dưỡng Phụ của Chúa Giê-su.

E- Ơn kêu gọi Thánh The với những đặc điểm tuyệt hảo đã là đối tượng của nhiều suy niệm và khảo sát của cha E-ma trong Cuộc Đại Tĩnh Tâm này.

a- Tri ân là một tâm tình luôn tràn ngập tâm hồn ngài mỗi khi ngài nhìn đến ơn kêu gọi siêu nhiên, ơn gọi Thánh Thể. Ngài đặc biệt tri ân về sứ mạng là Vị Sáng Lập Dòng; ngài coi đó là dấu chỉ của tình yêu, của vinh dự và tín nhiệm xét về phía Thiên Chúa và Giáo Hội, nhưng đó cũng là nguồn phát sinh ra những trách nhiệm và biết bao mối quan tâm khác; ngài đã biến nguồn gốc này thành đối tượng cho những cuộc khảo sát chân thành của ngài.

b- Ngài đã suy tưởng rất cặn kẽ về công cuộc phục vụ thánh thể của ngài, về bản chất, sự cao cả, phạm vi bao quát và những trách nhiệm của công cuộc này: “Đầy tớ của Thánh Thể, đó là tước hiệu cao cả và tuyệt vời của tôi”[4]. Ngài phân tích ý niệm về phục vụ và coi đó là một đòi hỏi đặc biệt thuộc ơn kêu gọi của ngài, đó là “qui luật tối cao của đời sống tôi”[5], và ngài tìm được nguồn cảm hứng nhờ chiêm ngưỡng việc “phục vụ” của nhân tính Chúa Giê-su đối với Thiên Chúa: “Tôi phải thuộc về Chúa như Người thuộc về Đức Chúa Cha . . . Nhưng tôi thấy Cha Trên Trời đã ban cho Chúa chúng ta tước hiệu ‘Đầy Tớ Ta’ . . . Chúa Cứu Thế đã nhận tước hiệu Người Tôi Tớ”[6].

          Trong khi đề cập đến phục vụ Thánh Thể cách tổng quát, mối quan tâm đặc biệt của cha E-ma trong Cuộc Đại Tĩnh Tâm là công cuộc phục vụ nội vi. Phục vụ nội vi trước hết là công cuộc phục vụ của các phần tử trong gia đình, phục vụ gia đình, “một gia đình gắn bó chặt chẽ với nhau[7]. Nhưng đặc biệt, phục vụ nội vi là phục vụ “Nước nội tâm, đó là vinh quang tối cao mà Chúa mong muốn . . . đặc biệt là ở nơi kẻ tôn thờ”[8]. Sau khi khảo sát mọi hoàn thiện và mọi chiều kích của công cuộc phục vụ này, ngài đã đi tới việc hiến dâng trọn bản vị cho Chúa:

- “Tôi phải dâng hiến chính bản thân tôi cho Chúa Ki-tô, phụng sự Người bằng hiến lễ bản vị: ‘Ta không muốn bất cứ gì của con, mà là chính con”[9].

- “Sự hoàn thiện hệ tại: phục vụ tốt của cá nhân, trở thành điêu luyện trong sự phục vụ ấy và đáng được Thiên Chúa chấp nhận. Đó quả là sự hoàn thiện cá nhân. Tôn thờ trong tinh thần và chân lý là ơn kêu gọi của chúng ta. Những kẻ tôn thờ như vậy thì chẳng có bao nhiêu. Bởi thế, ít người mãn nguyện với một mình Chúa, hiến thân trọn vẹn và tuyệt đối cho Người ‘Ta không muốn bất cứ gì của con, mà là chính con”[10].

- “Tôi phải hiến dâng chính mình tôi, bản vị tôi, hữu thể sâu xa nhất của tôi cho Bí Tích Cực Thánh để tôn vinh Bí Tích này bằng cuộc sát tế mà mai táng bản vị tôi”[11].

c- Chầu Thánh Thể là hành vi chính của việc phục vụ thánh thể. Thánh Phê-rô Giu-li-a-nô E-ma đã dành nhiều trang tuyệt vời và những khảo sát chân thành cho vấn đề này. Những ghi chú của ngài cho biết những khó khăn ngài phải lướt thắng và những cố gắng ngài đã thực hiện để biến Chầu Thánh Thể thành “việc tôn kính và yêu mến Chúa Giê-su nơi Bí Tích Bàn Thờ được long trọng trưng bày cho tôi. Chầu Chúa là bổn phận cốt yếu của tôi. ‘Điều Ta tìm kiếm không phải là những gì thuộc về ngươi, mà là chính ngươi”[12]. Từ những ghi chú này, chúng ta có thể nhận ra vẻ đẹp, sự sâu xa thiêng liêng trong việc chầu Chúa của cha E-ma và có thể nhận biết những động tác chính mà ngài thực hiện khi chầu Thánh Thể: Thờ phượng, yêu mến, chiêm niệm, dâng hiến bản vị, v.v.

d- Ngài nói rất ít về công cuộc tông đồ thánh thể. Hơn nữa, ngài cũng khảo sát những nguy hiểm của công cuộc ấy đối với ngài, đặc biệt là nguy hiểm tìm kiếm vinh danh cho cá nhân ngài và bị thu hút quá mức vào sứ vụ bề ngoài gây tổn hại cho đời sống nội tâm và đời sống tôn thờ một mình Chúa của ngài.

F- Hiến lễ bản vị. Cuộc Đại Tĩnh Tâm ở Rô-ma được mệnh danh cách chính xác là cuộc tĩnh tâm về hiến lễ bản vị của cha E-ma. Chúng ta cũng cần thêm rằng, đó là cuộc tĩnh tâm về lời khấn vĩnh viễn hiến dâng bản vị cho Chúa.

          Như chúng ta đã đề cập tới trước đây, hướng chính của cuộc tĩnh tâm là thanh tẩy, từ bỏ, quên mình, hủy diệt bản vị mà tột đỉnh là Hiến Lễ Bản Vị được đóng ấn bằng lời khấn vĩnh viễn. Ân sủng đã hướng tâm hồn cha E-ma đi theo hướng đó và ngài đã đáp lại bằng cách hiến thân cho công cuộc của ân sủng cách chân thành, khiêm tốn và dứt khoát.

          Đấng Sáng Lập của chúng ta trước hết đã ghi lại rằng, bản vị con người biểu lộ tánh ích kỷ dưới nhiều hình thức tế nhị, như: khoe khoang, tự phụ, tìm vinh danh bề ngoài, tìm tư lợi, v.v. Những nhận xét về hiệu quả ấy cùng với những phân tích về tâm lý thuộc nhân loại và thiêng liêng rải rác trong khắp những ghi chú của cuộc tĩnh tâm.

          Cha E-ma thấy nơi bản vị tự nhiên, nơi bản ngã của A-đam[13], trở ngại sâu xa nhất, căn bản nhất và nội tại nhất để đạt tới sự thánh thiện. Bởi thế, chiến lược thiêng liêng duy nhất mà ngài áp dụng là lướt thắng, vô hiệu hóa và từ bỏ bản vị ấy tận căn, và truy nã nó đến cùng, hay nói theo thành ngữ quen thuộc của ngày nay là thực hành công cuộc từ bỏ mình cách triệt để.

          Tuy nhiên, từ bỏ mình có tính cách tiêu cực. Cha E-ma đã biến công cuộc này thành tích cực hơn bằng cách gồm tóm công cuộc ấy trong Hiến Lễ Bản Vị để dâng hiến Chúa Giê-su Thánh Thể.

          Chúng ta có thể nói cách chính xác rằng, Hiến Lễ Bản Vị là thái độ thiêng liêng chủ yếu và thường xuyên nhất được diễn tả trong Cuộc Đại Tĩnh Tâm, tuy dầu đó không phải đặc tính duy nhất, nhưng hiến lễ ấy cũng rất quan trọng, nên đã được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong suốt cuộc tĩnh tâm này[14].

         Chắc chắn Hiến Lễ Bản Vị này được thực hiện, một phần nào được thúc đẩy do bản chất tâm lý của cha E-ma, nhưng đặc biệt và chính yếu nhất là: (a)- do đòi hỏi của ơn kêu gọi thánh thể, ơn kêu gọi để phụng sự, yêu mến và tự hiến cho Chúa trong Thánh Thể; (b)- do đời sống ân sủng thúc đẩy sự phát triển đời sống Chúa Ki-tô trong tâm hồn; (c)- và do những đòi hỏi của sự hiệp thông bí tích. Như chúng ta đã đề cập trước đây, ngài đã mô phỏng Hiến Lễ Bản Vị theo tình trạng nhân tính của Chúa Giê-su ở nơi Ngôi Vị Thần Linh của Người.

         Nhưng đặc điểm đáng kể nhất của Cuộc Đại Tĩnh Tâm là Hiến Lễ Bản Vị này đã trở thành đối tượng của Lời Khấn Vĩnh Viễn, và chúng ta có thể thêm, đó là Lời Khấn hoàn toàn và triệt để. Trong buổi Cám Ơn Rước Lễ ngày 21 tháng 3 năm 1865, ngài đã ghi lại giây phút cực kỳ quyết liệt:

          “Vào cuối buổi Cám Ơn, tôi đã khấn lời khấn vĩnh viễn hiến dâng trọn bản vị của tôi cho Chúa Giê-su trong tay Đức Trinh Nữ và Thánh Giu-se, dưới sự bảo trợ của Thánh Bê-nê-đic-tô (ngày lễ của ngài): không gì còn là của tôi xét là một nhân vị - với lời nguyện xin ơn cần thiết cho hiến lễ này - không có gì là do tôi. Mẫu mực cho hiến lễ này là: Công cuộc Nhập Thể của Ngôi Lời”[15].

         Trong sự phân tích và nghiên cứu về Hiến Lễ Bản Vị ở những Ghi Chú của Cuộc Đại Tĩnh Tâm tại Rô-ma, cha Tes-ni-e (Tesnière) đã bình luận cách chính xác như sau:

          “Đời sống nội tâm của cha E-ma hệ tại không nguyên chỉ tránh được mọi tội và kiềm chế được mọi đam mê; cũng không nguyên chỉ hết sức trung thành noi gương Chúa Ki-tô; không nguyên chỉ sống dưới sự hiện diện của Thiên Chúa nhờ trầm tư; không nguyên chỉ sống kết hiệp với Chúa nhờ ý thức của trí khôn và sự nghỉ an của tâm hồn trong sự nhân lành và tình yêu của Thiên Chúa; cũng không nguyên chỉ hệ tại sự gắn bó hoàn toàn và liên lỉ của ý chí ngài với thánh ý Thiên Chúa”.

         “Ngài muốn đẩy mạnh hơn nữa và thánh hiến đời sống nội tâm này bằng một lời khấn và biến đời sống ấy thành tình trạng hiệp nhất với Chúa Giê-su, một tình trạng lệ thuộc vào Chúa, rập khuôn theo tình trạng của Mầu Nhiệm Nhập thể, trong đó tình trạng của nhân tính Đấng Cứu Thế đối với Ngôi Vị của Lời Thiên Chúa, tương đương với hiệu quả cốt yếu của Hiệp Lễ, sự hiệp nhất siêu nhiên hoàn hảo nhất giữa con người với Chúa Giê-su và với Thiên Chúa”.

          “Chính cuộc hiệp nhất này không phải là điều mới mẻ, vì Chúa Ki-tô đã chính thức dạy khi Người tiên báo và lập Thánh Thể: ‘Ai ăn Ta thì ở lại trong Ta và Ta ở trong người ấy . . . Cũng như Ta sống nhờ Cha thế nào thì kẻ ăn Ta cũng sẽ sống nhờ Ta như vậy’ (Ga.6:57,58). Thánh Phao-lô Tông Đồ cũng đã dạy và thực hành điều đó: ‘Không còn phải tôi sống, nhưng là Chúa Ki-tô sống trong tôi’ (Gl.2,20). Chính giới luật của sự hoàn thiện Phúc Âm cũng đưa ra lời khuyên thực hành: ‘Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình’ (Mt.16, 24). Tất cả các tác giả về đời sống thiêng liêng, đặc biệt là tác giả sách Gương Chúa Ki-tô, tất cả đều chủ trương như vậy khi họ dạy, đời sống thiêng liêng không nguyên chỉ là tránh tội và siêu thoát khỏi những gắn bó với thế gian, nhưng còn là hiến dâng bản vị cho Thiên Chúa, là hủy diệt mình đi dưới tác động của Thiên Chúa.

          Điều mới mẻ trong giáo thuyết của cha E-ma là:

- ngài đã chuyển những gương mẫu và giáo thuyết này thành một tiến trình, hay hệ thống, để nên thánh cho ngài và cho những người khác;

- ngài cũng nhấn mạnh đến tình trạng nhập thể của Con Thiên Chúa như lý tưởng cho đời sống của Thiên Chúa ở trong con người và đời sống con người ở trong Thiên Chúa;

- ngài dâng cho Chúa Giê-su hiến lễ bản vị để đáp lại Hiến Lễ Bản Vị mà Chúa Ki-tô đã ban cho con người qua Hiệp Lễ;

- ngài gọi hiến lễ này là lễ tự hiến bản vị của con người cho Chúa để làm phát sinh ra tình trạng xóa bỏ ngôi vị nhân loại - trong tình trạng đó, nhân tính của Chúa Giê-su ngay từ giây phút hiện hữu đầu tiên đã được Ngôi Lời chiếm hữu và điều khiển mà không hề có sự phản kháng nào;

- sau cùng, ngài biến lễ vật của ngôi vị nhân loại của ngài thành đối tượng của lời khấn vĩnh viễn mà ngài gọi là lời khấn trọn hảo nhất trong các lời khấn, vì ‘trong các lời khấn khác, chúng ta chỉ dâng hiến những vật sở hữu của ta, còn trong lời khấn này, chúng ta dâng hiến chính bản vị của ta, như vậy là chúng ta đã dâng hiến nhiều tất cả”.

          Sau đó cha Tes-ni-e (Tesnière) giải thích công thức của lời khấn hiến lễ bản vị như sau:

        “Công thức của lời khấn vô nhân vị (Impersonality) có thể rút gọn lại như sau: Không có gì là cho tôi, không có gì là do tôi, tôi không là ai . . . Tuy nhiên, điều chúng ta hiểu rõ rệt nhất về lời khấn này là sự hủy diệt thiêng liêng của bản vị bằng cách khước từ quyền là gì, làm gì hay nhận lãnh gì dựa theo lý thuyết hay cùng đích. Do tự nguyện khước từ những quyền lợi như một ngôi vị, cha E-ma muốn làm phát sinh ra nơi đời sống thiêng liêng của ngài tình trạng giống như tình trạng mà công cuộc Nhập Thể đã thực hiện nơi nhân tính của Chúa Giê-su, và ngài muốn như vậy là để hoàn toàn thuộc về Chúa Giê-su, chỉ hành động cho Người và do Người, cũng như nhân tính thánh thiện của Chúa Giê-su đã do Ngôi Lời chiếm hữu, chi phối và điều khiển, nên nhân tính ấy chỉ muốn và hành động nhờ Ngôi Lời và cho Ngôi Lời, do đó cho một mình Thiên Chúa mà thôi. Trong mọi trường hợp và với bất cứ lý do thực tiễn nào, lời khấn này phải duy trì mối hiệp nhất mật thiết nhất với Chúa Giê-su, sự lệ thuộc hoàn toàn vào Người trong mọi sự ngài thực hiện, trong tinh thần tôn thờ liên tục, trong tình yêu vị tha nhất và trung thành nhất”.

         Trong thơ gởi cho cô Giê-ranh (Gérin), bà Na-ta-li Gioóc-đăng (Natalie Jordan) đã đề cập tới Cuộc Đại Tĩnh Tâm của cha E-ma với một chi tiết rất đặc biệt như sau:

          “Li-ông (Lyons) ngày 11 tháng 4 năm 1865 . . . Cha E-ma vừa ở với chúng tôi 3 ngày . . . Ngài vừa từ Rô-ma về . . . vào Chúa Nhật (ngày 6 tháng 4), vào lúc 6 giờ sáng. Chúng tôi đàm đạo với ngài suốt 2 tiếng rưỡi đồng hồ. Ngài đã nói về cuộc tĩnh tâm 2 tháng của ngài ở gần Đền Thờ Đức Bà Cả, và cho chúng tôi hay về những gì Thiên Chúa đã tỏ ra cho ngài, những gì là tốt lành thiện hảo cho tâm hồn ngài, trong số đó, điều quan trọng chúng ta phải dâng cho Chúa là tâm trí chúng ta; Chúng ta dâng cho Chúa tâm hồn, vì Người đòi hỏi như vậy. Người không đòi hỏi tâm trí của ta và đó là lễ vật đẹp lòng Người hơn hết. Cha E-ma thấu suốt phải làm thế nào để Chúa Giê-su lớn lên trong ta thành con người thành toàn (Ep.4,12). Nhờ từ bỏ mình mà chúng ta đạt được thành công”.

7- GIÁ TRỊ CỦA NHỮNG GHI CHÚ TĨNH TÂM

A- Những Ghi Chú của Cuộc Đại Tĩnh Tâm dẫn chúng ta vào cung thánh nội tại của tâm hồn Đấng Sáng Lập của chúng ta. Chúng cho ta thấy rõ được con người thực của ngài, cùng với sự thánh thiện, các ân sủng và nhân đức, bản chất nhân loại, cá tính và những thiếu sót khuyết điểm của ngài. Không có những ghi chú này, chúng ta sẽ chẳng bao giờ biết được nhiều khía cạnh của tâm hồn ngài, và chúng ta cũng sẽ không thể có được những ý niệm rõ rệt về các ân huệ thiêng liêng của ngài thuộc lãnh vực tự nhiên cũng như siêu nhiên, về cố gắng lớn lao trong công cuộc nên thánh của ngài, và về những khó khăn ngài gặp phải trên cương vị là một Đấng Sáng Lập Dòng.

B- Những Ghi Chú của Cuộc Đại Tĩnh Tâm cũng để lại một khuôn mẫu về linh đạo cho chúng ta. Những Ghi Chú này cho biết, cha E-ma đã chu toàn bổn phận của một Vị Sáng Lập Dòng, một Bề Trên và một tu sỹ Dòng Thánh Thể. Những Ghi Chú này cũng cho chúng ta tiếp xúc trực tiếp với con người mà từ ngày này qua ngày khác, đã sống cách cụ thể đời sống nội tâm, đời sống kết hiệp với Chúa, đời sống tôn thờ, thực hành các nhân đức và đặc biệt là sống linh đạo tự hủy, phục vụ, yêu mến, hiến lễ bản vị, và cố gắng liên lỉ để sống đời sống ấy cách hoàn hảo hơn. Đặc biệt nhất, Ghi Chú Tĩnh Tâm này giải thích cách tổng quát về giáo huấn và thực hành hiến lễ bản vị mà Đấng Sáng Lập của chúng ta hiểu và sống. Vì thế Những Ghi Chúa Tĩnh Tâm này có giá trị hơn bất cứ công cuộc khảo cứu nào về linh đạo, đã trực tiếp và một cách hữu hiệu dạy cho chúng ta biết phải làm thế nào để đạt được và sống hình thức thánh thiện theo ơn kêu gọi thánh thể của chúng ta.

C- Cuộc Đại Tĩnh Tâm ở Rô-ma đặc biệt thúc đẩy chúng ta cương quyết và can đảm trong nỗ lực nên thánh. Quả vậy, chúng ta nhận thấy rằng, sự thánh thiện ở trần gian này không hệ tại được hưởng niềm vui và bình an của Chúa, cũng không hệ tại tình trạng được gìn giữ khỏi những bất toàn hay ơn giúp ta sống vượt khỏi những yếu đuối của bản tính con người, nhưng trái lại, sự thánh thiện hệ tại sống bản tính nhân loại với sự cố gắng không ngừng để vươn lên mãi - kể cả đôi khi phải chịu những thất bại nhục nhã - cùng với những thánh giá và đau khổ. Nói tóm lại, sự thánh thiện ở trần gian này hệ tại sống thực tại của đời sống con người với sự cố gắng không ngừng hướng tới hoàn thiện.

D- Theo thiển ý, Những Ghi Chú Tĩnh Tâm cũng là một tài liệu rất đặc biệt thuộc loại văn chương tu đức, tương tự như cuốn “Tự Thú” của thánh Au-gus-ti-nô, hay cuốn “Truyện Một Tâm Hồn” của thánh Tê-rê-xa Hài Đồng Giê-su, cuốn “Nhật Ký Một Tâm Hồn” của Đức Giáo Hoàng Gio-an 23, và những cuốn tự thuật khác. Nhiều tài liệu thuộc loại này đã được xuất bản và trong số tất cả các tài liệu thuộc loại văn chương này, không một tài liệu nào có thể vượt qua được Những Ghi Chú Tĩnh Tâm của cha E-ma xét về phương diện phạm vi được đề cập tới, về sự phân tích sâu xa, về sự phong phú của những kinh nghiệm thực tế, về tính cách cụ thể của tác động ơn thánh và tâm hồn, và về biết bao yếu tố khác.

8- THỦ BẢN CỦA CUỘC ĐẠI TĨNH TÂM

          Những Ghi Chú của Cuộc Đại Tĩnh Tâm ở Rô-ma là một tập sách bìa bằng da, mầu đen, được bọc vải. Tựa đề những suy niệm được đóng dấu mạ vàng ở mặt sau; phải chăng những tựa đề đó do chính cha E-ma đóng vào hay do người khác, điều đó không ai biết chắc chắn. Tập tài liệu đó gồm tất cả 412 trang, trong số đó có 404 trang được viết, còn lại 8 trang bỏ trống. 

         Chữ viết tay linh hoạt, sinh động, không được rõ lắm, nhưng nói chung, có thể đọc được. Tuy nhiên, thỉnh thoảng có những chỗ không thể hiểu được.

          Về số đánh vào các trang, có những thiếu sót, rất có thể là do cha E-ma đãng trí.

          Bản văn, xét tổng quát thì chính xác. Nhưng cũng có một số lỗi, đứt quãng và không đủ từ. Cách chấm câu thường hay sai lỗi và cũng nhiều lỗi chính tả.

          Những trích dẫn Kinh Thánh thường không chính xác vì cha E-ma trích dẫn thuộc lòng, hoặc chỉ sao chép những từ có liên hệ trực tiếp hơn với chủ đề của ngài; hoặc cũng có thể ngài đãng trí hay viết vội.

         Những trích dẫn từ sách Gương Chúa Ki-tô cũng gặp những lỗi lầm tương tự như những trích dẫn Kinh Thánh.

        Chúng ta không thể xác định được trong Cuộc Đại Tĩnh Tâm cha E-ma đã sử dụng ấn bản nào của sách Gương Chúa Ki-tô; dầu sao đó cũng là ấn bản tốt. Dường như đó không phải là ấn bản Va-le (Valleyre) mà theo chứng từ của cha Stap-pho (Stafford), ngài “luôn mang theo với ngài”. Đó là ấn bản hiện lưu trữ tại Trụ Sở Tổng Quyền của Dòng Thánh Thể ở Rô-ma.

        Cha E-ma rất họa hiếm cho biết nguồn gốc các Giáo Phụ mà ngài trích dẫn. Cuộc khảo cứu của cha An-đrê Gô-đrô, sss (André Gaudreau) thuộc Tỉnh Dòng Thánh Gio-an Tẩy Giả năm 1956, đã giúp chúng ta nhận ra tác giả của những trích dẫn này. Tuy nhiên, vẫn còn 15 trích dẫn bằng tiếng La-tinh không thể xác định tác giả. Những trích dẫn này có vẻ do cha E-ma soạn ra.

9- BÌNH LUẬN VỀ CÁC BẢN DỊCH

        Khi đọc các bản dịch của Những Ghi Chú Tĩnh Tâm, chắc chắn chúng ta sẽ mất dịp thưởng thức sắc thái của bản gốc bằng tiếng Pháp: thi vị và tính chất bộc phát của bản chính. Câu viết vội và vấp váp, nhưng đầy ý nghĩa và gây ấn tượng mạnh; đó là hình thức ghi vội không nhằm mục đích để người khác đọc; những từ tối nghĩa chứa đựng một sứ điệp rõ rệt đối với người viết, nhưng lại không thể hiểu được đối với những người khác; tư tưởng đầy sức sống và ý nghĩa phong phú. Chúng ta sẽ mất dịp thưởng thức những đặc tính ấy. Sự mơ hồ và tối tăm đó không thể chuyển ngữ được, phải cố gắng lắm mới có thể giải thích rõ ý nghĩa của những chi tiết trên.

        Để thưởng thức và để hiểu thấu đáo những gì cha E-ma ghi lại trong Những Ghi Chú Tĩnh Tâm, cần phải đọc nguyên văn bằng tiếng Pháp. Với hết sức cố gắng, các bản dịch cũng chỉ giải thích ý nghĩa của những tư tưởng được ghi lại thôi, còn những đặc điểm và sắc thái của nguyên bản thì không thể chuyển ngữ được. Tuy nhiên, đa số chúng ta không có điều kiện thuận tiện để đọc nguyên văn bằng tiếng Pháp. Vì thế, mục đích chính của các bản dịch chỉ là để cung cấp những tư tưởng để chúng ta có thể hiểu được cha E-ma mà thôi.

 

LM Dominic Nguyễn Phúc Thuần, SSS


 [1] Ngày 1 tháng. Suy niệm 2

[2] Coi: Ngày 9 tháng 3 và những ngày kế tiếp

[3] Ngày 11 tháng 3.uy niệm 3

[4] Ngày 21 tháng 2. Suy niệm 1

[5] Ngày 21 tháng 2. Suy niệm 3

[6] Ngày 22 tháng 2. Suy niệm 1

[7] Ngày 11 tháng 2. Suy niệm 1.

[8] Ngày 11 tháng 2. Suy niệm 1.

[9] Ngày 11 tháng 2. Suy niệm 1.

[10] Ngày 11 tháng 2. Suy niệm 1

[11] Ngày 25 tháng 2. Suy niệm 1

[12] - 2Cr.12,14:

Thánh Phao-lô nói với tín hữu Cô-rin-tô: “Điều tôi tìm kiếm không phải là những của cải của anh em, mà là chính anh em”. Cha E-ma dùng câu này để nói lên mong muốn của Chúa không phải là những gì thuộc về chúng ta, mà là chính bản vị của chúng ta.

      - Ngày 26 tháng 2. Suy niệm 1

[13] Ngày 23 tháng 3. Suy niệm 2

[14] Bằng chứng về “Hiến Lễ Bản Vị là thái độ thiêng liêng chủ yếu và thường xuyên nhất mà chúng ta gặp thấy trong Cuộc Đại Tĩnh Tâm”, xin tra Thư Mục Mẫu Tự dưới chủ đề của các từ Gif, Self, và Personality.

[15] Suy niệm 1


  


 

© 2016 Dongthanhthe.net. All rights reserved.