CUỘC ĐẠI TĨNH TÂM Ở RÔ-MA
(Cuộc Tĩnh Tâm Thứ Hai ở Rô-ma)
Từ 25 tháng Giêng đến 30 tháng 3 năm 1865
I- MỞ ĐẦU
Theo truyền thống, Cuộc Tĩnh Tâm này được gọi là “La Grande Retraite de Rome”. Các dịch giả tiếng Anh đã cố gắng tìm từ ngữ thích hợp để dịch tựa đề này. Lúc đầu họ không thành công lắm, nhưng đó mới chỉ là cố gắng đầu tiên, chứ chưa phải là cố gắng lớn lao nhất. Họ còn phải đương đầu với biết bao thách đố khác trong câu chuyện phi thường về hành động của Thiên Chúa nơi tâm hồn Thánh Phê-rô Giu-li-a-nô E-ma (Saint Peter Julian Eymard) kéo dài suốt 2 tháng trời.
Trong tiếng Pháp, từ “Grande” rất giầu ý nghĩa. Các nhà biên tập của ấn bản Pháp văn cho biết, Cuộc Tĩnh Tâm này được gọi là “Grande” để phân biệt với Cuộc Tĩnh Tâm trước đây ở Rô-ma của cha E-ma từ ngày 17 đến 25 tháng 5 năm 1863. Từ này cũng nhấn mạnh đến thời gian dài của Cuộc Tĩnh Tâm này là 65 ngày, đồng thời cũng ám chỉ số lượng lớn của thủ bản gồm 412 trang.
Tựa đề tài liệu quả thực là một thử thách lớn lao đối với các dịch giả. Chắc chắn chúng ta không thể dịch tựa đề của tài liệu này sang tiếng Anh là “Grand Retreat of Rome” (Cuộc Tĩnh Tâm quan trọng ở Rô-ma), mặc dù Cuộc Tĩnh Tâm ấy quả thực là quan trọng. Dịch là “Long Retreat of Rome” (Cuộc Tĩnh Tâm Dài) cũng không đúng hẳn; còn dịch là “Second Retreat of Rome” (Cuộc Tĩnh Tâm Thứ Hai) thì tuy chính xác, nhưng lại nhấn mạnh quá đáng vào tính cách thống kê.
Sau nhiều đắn đo, các dịch giả tiếng Anh đã dùng “Great Retreat of Rome” (Cuộc Đại Tĩnh Tâm ở Rô-ma) với cùng ý nghĩa khi chúng ta gọi cuốn “Thú Tội” của thánh Au-gus-ti-nô là cuốn thuộc loại Đại cổ điển.
Theo ý kiến của cha An-be Tes-ni-e (Albert Tesnière), một người con yêu quí của cha E-ma thì tài liệu về Cuộc Đại Tĩnh Tâm này là một “tài liệu quan trọng nhất mà chúng ta có được về đời sống nội tâm của Đấng Sáng Lập chúng ta . . . không những vì tài liệu ấy dài, nhưng nhất là sự sâu sắc và phong phú của về những đặc điểm được ghi lại”. Chúng ta còn có thể thêm, đó là tài liệu vô cùng quí giá đối với những nhà viết hạnh các thánh.
Để lượng giá sự phong phú và tính cách khách quan về nội dung của Những Ghi Chú Tĩnh Tâm, chúng ta còn cần phải có một căn bản về những thông tin mà trang giới thiệu sau đây sẽ cố gắng cung cấp. Những trang sau đây không có tham vong giải quyết hết mọi vấn đề do Những Ghi Chú dài và sâu sắc của Cuộc Tĩnh Tâm này nêu lên. Ở đây cũng không mong phân tích và khảo sát đầy đủ những giáo thuyết, cảm nghiệm, thú nhận, khảo sát, quyết định v.v. Khảo cứu này chỉ cố gắng dựng lên một tấm phông để dựa vào đó người ta có thể đọc những ghi chú ngắn gọn và bộc trực của cha thánh Phê-rô Giu-li-a-nô E-ma theo phối cảnh và hình ảnh trung thực mà ngài tiết lộ ra khi “ngài đã dành suốt 65 ngày ở dưới chân Chúa”[1].
II- BỐI CẢNH LỊCH SỬ
1- MUA LẠI NHÀ TIỆC LY
Mua lại Nhà Tiệc Ly, đó là cơ hội dẫn đến Cuộc Đại Tĩnh Tâm ở Rô-ma. Từ công cuộc nghiên cứu tổng quát và toàn bộ về nỗ lực mua lại Nhà Tiệc Ly, lúc ấy đang ở trong tay người Hồi Giáo Thổ Nhĩ Kỳ, chúng ta được dẫn tới những nét tiểu sử đặc biệt của Thánh Phê-rô Giu-li-a-nơ E-ma. Nỗ lực này là một dịch vụ phi thường nhưng vô vọng, gồm nhiều giai đoạn khác nhau mà chúng ta sẽ lược qua sau đây. Ngày 6 tháng Giêng năm 1864, Hội Đồng Tổng Quyền Dòng Thánh Thể “quyết định đi Giê-ru-sa-lem tìm kiếm một nhà để Chầu Chúa và cố gắng mua lại Nhà Tiệc Ly, nhà thờ đầu tiên của kit-tô giáo”[2].
Để thi hành quyết định này, cha Đờ Qui-es (de Cuers) đã qua Giê-ru-sa-lem 2 lần và qua Rô-ma 1 lần vào năm 1864, nhưng không đạt được kết quả nào, lý do một phần do những khó khăn của vấn đề, đàng khác cũng do cách xử sự thiếu khôn khéo của cha Đờ Qui-es nữa.
Ngày 2 tháng 2 năm 1864, cha Đờ Qui-es đệ trình thỉnh nguyện thơ của cha E-ma lên Đức Thánh Cha Pi-ô IX [3].
Các Cha Thánh Thể nhận thấy, trong hiện tại, việc mua lại Nhà Tiệc Ly là bất khả thi. Vì thế, các ngài tìm cách “lập một nhà ở Giê-ru-sa-lem trong khi vẫn giữ ý định mua lại Nhà Tiệc Ly”. Những khó trong việc này thật lớn lao “khó khăn đáng kể nhất là đặc quyền dành cho Dòng Phan-xi-cô và theo đặc quyền ấy thì không một cộng đoàn dòng tu nào được phép thành lập nhà ở Đất Thánh”[4].
Vì vậy, để có thể thiết lập nhà ở Giê-ru-sa-lem, phương án duy nhất là được phép miễn trừ khỏi đặc quyền của Dòng Phan-xi-cô. Bởi thế cha E-ma quyết định đi Rô-ma ngay để xúc tiến “công cuộc quan trọng và lớn lao . . . mà tầm mức và những hậu quả của công cuộc này sẽ gây kinh hoàng cho nhiều người”[5]. Cha E-ma viết cho cha Đờ Qui-es: “Tất cả vấn đề là ở chỗ đó, đây là vấn đề lớn lao và cũng là vấn đề duy nhất”[6].
Sau đây là toát lược những giai đoạn khác nhau của dự án trên. Toát lược này nhằm mục đích để sử dụng vào khuôn khổ của Cuộc Đại Tĩnh Tâm, đồng thời cũng giúp chúng ta hiểu biết lý do của một số đề tài suy niệm của cha E-ma trong dịp này.
- Ngày 14 tháng 11 năm 1864: Cha E-ma tới Rô-ma. Vào buổi chiều, ngài viếng thăm Đức Hồng Y A-lec-xan-đê Bac-na-bô (Alexander Barnabo), Tổng Trưởng Thánh Bộ Truyền Giáo, “ngài khích lệ tôi đôi chút”[7].
- Ngày 16 tháng 11 năm 1864: Triều yết Đức Pi-ô IX. Đức Thánh Cha “đã chăm chú lắng nghe thỉnh nguyện của tôi. . . Ngài không phản đối bất cứ điều gì tôi trình bày. . . Đức Giáo Hoàng bảo tôi, ngài sẽ chuyển vấn đề đến Tổng Công Nghị Hồng Y thuộc Thánh Bộ Truyền Giáo. Đó là thủ tục duy nhất mà Công Nghị này có quyền ban hành một Sắc Lệnh chống đối”[8].
- Ngày 24 tháng 11 năm 1864: Cha E-ma đệ trình Đức Hồng Y Bac-na-bô bản báo cáo, trong đó ngài trình bày dự án và trả lời những phản đối chính được nêu lên liên quan đến việc thiết lập nhà ở Giê-ru-sa-lem[9].
Chính trong những ngày bận rộn này, vào đúng ngày 8 tháng 12, cha E-ma đã thảo những Qui Luật cho Nhà Tập và gởi cho cha Sa-nuy-ê (Chanuet)[10].
- Ngày 12 tháng 12 năm 1864: Cuộc gặp gỡ với Đức Hồng Y Bac-na-bô. Ngài đề nghị với cha E-ma “thảo một báo cáo ngắn về vấn đề thiết lập cộng đoàn tu sỹ ở Giê-ru-sa-lem”[11].
- Ngày 23 tháng 12 năm 1864: Triều yết Đức Pi-ô IX. Đức Giáo Hoàng nói với cha E-ma “Những công cuộc của Thiên Chúa luôn gặp nhiều thử thách. . . . Thử thách lớn lao nhất lại là do chính các thừa tác viên của Thiên Chúa gây ra”[12]. Rất có thể Đức Giáo Hoàng ám chỉ những khó khăn mà dự án này phải đương đầu.
Chính trong Mùa Giáng Sinh này, cha E-ma đã giảng 2 bài giảng được xuất bản trong “Fêtes et Mystère”[13].
- Ngày 6 tháng Giêng năm 1865: Thơ gởi Đức Ông Capan-ti (Capalti): “Thánh Bộ sẽ họp vào một trong những ngày đó để quyết định vấn đề liên quan đến sự hiện diện của các dòng tu tại Đất Thánh. Tôi hi vọng vinh quang của Chúa trong Thánh Thể sẽ toàn thắng. . . Thưa Đức Ông, tôi xin cáo lỗi vì đã đường đột viết cho Đức Ông. Đó chỉ là vì muốn xin Đức Ông đặc biệt quan tâm đến vụ việc của chúng tôi mà thôi”[14].
- Ngày 16 tháng Giêng năm 1865: Liên quan đến Tổng Công Nghị Hồng Y của Thánh Bộ Truyền Giáo: “Vấn đề của chúng ta phải hoãn lại 15 ngày, và có thể 3 tuần”[15].
- Ngày 25 tháng Giêng năm 1865: Nhận thấy, hoặc cho rằng, vấn đề liên quan đến Nhà Tiệc Ly sẽ kéo dài một thời gian vô hạn định, cha E-ma bắt đầu Cuộc Đại Tĩnh Tâm tại Tu Viện Dòng Chúa Cứu Thế, để khỏi uổng phí thời gian trong khi chờ đợi.
- Ngày 30 tháng Giêng năm 1865: Vấn đề Nhà Tiệc Ly lại bị hoãn lại. Trong suy niệm thứ nhất của Cuộc Đại Tĩnh Tâm, ngày 3 tháng 2, cha E-ma đã ghi lại phản ứng của ngài trước trở lực này như sau: “Chúa đã để cho Đức Hồng Y Tổng Trưởng bị đau. Cuộc thảo luận dài về vấn đề tài chánh. Đức Ông chú tâm vào những việc khác hơn. . . Chúa tụng danh Chúa (Tv.113, 2)”.
- Ngày 3 tháng 3 năm 1865: Viếng thăm Đức Hồng Y Bac-na-bô. Vấn đề sẽ không được đề cập tới vào ngày mồng 6: “Tôi toan quyết định ra về tức khắc. . . Tôi đã phải trải qua một ngày buồn thảm biết bao. . . Tôi được biết, qua Đức Hồng Y Tổng Trưởng Thánh Bộ, những việc không thể tin được về vấn đề Giê-ru-sa-lem”[16].
- Ngày 6 tháng 3 năm 1865: Tổng Công Nghị đã không họp. “Vì tôi đã chờ đợi quá lâu, tôi sẽ chờ đợi thêm chút nữa”[17].
- Ngày 28 tháng 3 năm 1865: Tổng Công Nghị các Hồng Y đã quyết định như sau: “Chấp thuận yêu sách của cha E-ma, Bề Trên Dòng Thánh Thể ở Pa-ri để thành lập cộng đoàn của Dòng tại Giê-ru-sa-lem, đó là điều bất lợi”[18].
- “Thánh Bộ quyết định giữ nguyên tình trạng của vấn đề. Không thay đổi gì . . . Chúng ta hãy tôn thờ ý định của Thiên Chúa, hãy chúc tụng thánh ý ngài . . . Tất cả những gì tôi có thể nói được là ‘Xin cho ý Cha được thể hiện”[19].
Cha E-ma được thông báo về quyết định này ngày 29 tháng 3 năm 1865. Các Hồng Y hiện diện trong cuộc họp gồm có: Pa-tri-xi (Patrizi), Đi Pê-trô (di Petro), Rây-xắc (Reisach), Bac-na-bô (Barnabo), Xac-cô-ni (Sacconi), Pa-nêbi-an-cô (Panebianco), Pi-tra (Pitra), Rô-bec-tô (Roberto) và Mec-ten (Mertel). Đức Pi-ô IX đã phê chuẩn quyết định này ngày 9 tháng 4 năm 1865.
- Ngày 30 tháng 3 năm 1865: Cha E-ma rời Rô-ma. Chấm dứt Cuộc Đại Tĩnh Tâm ở Rô-ma.
2- TU VIỆN CỦA CÁC CHA DÒNG CHÚA CỨU THẾ
Nơi cha E-ma Tĩnh Tâm lần thứ hai ở Rô-ma từ 25 tháng Giêng đến 30 tháng 3 năm 1865 là Vi-la Ca-xec-ta (Villa Cacerta), Tu Viện của các cha Dòng Chúa Cứu Thế. Ngài ở trên lầu 2. Tu Viện này cách Đền Thờ Đức Bà Cả chừng 2 trăm mét, nằm giữa Đền Thờ này và Đền Thờ Thánh Gio-an La-tê-ra-nô.
Khu vực dành riêng cho các cha Dòng Chúa Cứu Thế thuộc tòa nhà chính của vi-la Ca-xec-ta. Khu đất này chiếm khoảng 3 ngàn rưỡi mét vuông vào năm 1865, khu này được coi là khu ngoại ô. Dinh thự được xây cất vào thế kỷ 16 và thuộc quyền sở hữu của các hoàng tử Chê-ta-ni (Caetani) và các công tước Ca-xec-ta (Cacerta) từ năm 1725. Từ năm 1300 đến 1751, các Hoàng Thân Chê-ta-ni là những Huân Tước của lãnh địa Ca-xec-ta. Vào năm 1751, lãnh địa này được chuyển sang vua Sạc-lơ (Charles) thuộc gia đình Buốc-bông (Bourbon), và Van-vi-tê-li (Vanvitelli) đã xây cất ở đó một cung điện nổi tiếng. Tuy nhiên, gia đình Chê-ta-ni vẫn giữ lại tước hiệu Công Tước Ca-xec-ta và gọi vi-la ở Rô-ma của họ là “Vi-la Ca-xec-ta” để lưu giữ mãi tước hiệu của gia đình họ.
Năm 1855, các cha Dòng Chúa Cứu Thế mua lại vi-la này, rồi sau khi sửa chữa lại đôi chút, các ngài đã biến tòa dinh thự của Vi-la thành một tu viện và làm Trụ Sở Tổng Quyền của Dòng. Vào năm 1865, có khoảng từ 30 đến 40 tu sỹ sống ở đó. Năm 1873, chính phủ trưng dụng 5 phần 6 đất đai này để mở đường và cho các mục đích khác theo đồ án mở rộng thành phố. Năm 1930, người ta đã phá hủy tu viện này và thay thế bằng một kiến trúc tân thời hơn. Trong dịp đó, các cha Dòng Chúa Cứu Thế đã tặng cho các cha Dòng Thánh Thể một cánh cửa và 2 khung cửa sổ của căn phòng nơi Thánh Phê-rô Giu-li-a-nô E-ma đã tạm trú trong Cuộc Đại Tĩnh Tâm. Những bảo vật này hiện được lưu giữ ở Nhà Nguyện nhỏ của Đấng Sáng Lập tại Trụ Sở Tổng Quyền ở Rô-ma.
Ít lâu sau khi mua lại tài sản này, các cha Dòng Chúa Cứu Thế đã xây cất một Thánh Đường bên cạnh nơi cư ngụ và dâng kính thánh An-phông-xô Li-go-ri (Alphonsus de Liguori). Thánh Đường này được cung hiến vào ngày 3 tháng 5 năm 1859. Bức ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp nổi tiếng được tôn kính ở đây kể từ ngày 26 tháng 4 năm 1868.
Qua những thơ từ liên lạc của cha E-ma, chúng ta được biết những lý do thúc đẩy ngài chọn địa điểm này để tĩnh tâm:
- “Tại nơi đó, tôi sẽ xa lánh được thành phố”[20].
- “Cũng gần đồng quê”[21].
- “Xa lánh thành phố và các khách viếng thăm”[22].
- “Cảm thấy thoải mái ở ngoài thành Rô-ma. Tôi sống như một ẩn sỹ”[23].
Năm 1865, dân số Rô-ma có khoảng 2 trăm ngàn người. Cuốn Giáo Hoàng Niên Giám năm 1865 và 1866 cho biết, vào Lễ Phục Sinh năm 1864, dân chúng Rô-ma là 207,338. Thành phố lúc ấy không rộng lắm. Khu vực phía đông bao gồm khu tam giác với Đài Phun nước Qua-trô (Quatro Fontane), Đền Thờ Đức Bà Cả và Hí Viện tương ứng với ba đỉnh tam giác. Vi-la Ca-xec-ta là một trong những kiến trúc ở phía ngoài cùng của khu vực phía đông, bên cạnh những vườn nho và vườn cảnh thuộc khu vực giữa Đền Thờ Đức Bà Cả và Đền Thờ La-tê-ra-nô. Như vậy Vi-la Ca-xec-ta quả thực “ở ngoài đồng quê . . . xa thành phố . . . và ngoài Rô-ma”, nhưng vẫn còn nằm trong những bức tường Au-rê-li-ô và một phần của bức tường Xec-vi-a-nô (Serviano).
Có thể một người bạn của cha E-ma là cha Phrét (Freid), Giám Đốc Chủng Viện Pháp đã giới thiệu ngài tới Vi-la đó, vì chính cha Phret cũng đã từng tĩnh tâm tại đây vào năm 1864. Qua lời giới thiệu của cha Phret, cha E-ma đã xin đến trọ ở Vi-la này[24].
Bức thơ đề ngày 21 tháng 2 năm 1865 cho biết cảm tưởng của cha E-ma trước sự đón tiếp nồng nhiệt và hiếu khách của cộng đoàn tại đây: “Tôi vẫn còn đang tĩnh tâm ở nơi các cha Dòng Chúa Cứu Thế là những người thật tốt”[25]; và ngày 30 tháng 3 năm 1865, ngài viết: “Cha Bề Trên Dòng Chúa Cứu Thế thật tốt với chúng ta và với công cuộc của chúng ta. Ngài đã chẳng quản ngài giúp đỡ chúng ta, ngài thật đáng chúng ta mang ơn nhiều” [26].
Chúng ta cũng có thể suy đoán rằng, cha E-ma đã thường xuyên thảo luận với cha Mô-rông (Mauron), Bề Trên Tổng Quyền của các cha Dòng Chúa Cứu Thế lúc bấy giờ. Về phần cha Mô-rông, ngài viết vào ngày 1 tháng Giêng năm 1886: “Cha E-ma đã là vị thượng khách của chúng tôi ở Vi-la Ca-xec-ta vào năm 1865 . . . trong cuộc tĩnh tâm dài đó. Ngài nêu gương sáng rất nhiều cho cộng đoàn chúng tôi về lòng đạo đức sốt sáng và hồi tâm của ngài. Cảm tưởng tổng quát ngài để lại cho chúng tôi là ngài quả thực là người tôi tớ của Thiên Chúa, một con người có lòng sùng kính phi thường đối với Thánh Thể”[27].
3- CHƯƠNG TRÌNH CỦA CUỘC ĐẠI TĨNH TÂM
Chúng ta không được rõ cha E-ma đã theo hình thức tĩnh tâm nào từ ngày 25 tháng Giêng đến ngày 5 tháng 2, mặc dầu những suy niệm được ghi lại trong những ngày này cũng rất quan trọng. Cho tới ngày 5 tháng 2, ngài có vẻ không theo sát chương trình tĩnh tâm lắm, vì có lúc ngài đã qua chủng viện Pháp và lo những việc bên ngoài cách tự do hơn. Chúng ta có thể kết luận được như vậy, vì 2 bức thơ đề ngày 3 tháng 2 năm 1865: một cho cha Đờ Qui-es[28], và một cho Mẹ Mac-gơ-rít[29]; với một thơ khác gởi bà Lơ-pa-giơ (Lepage)[30].
Nhưng từ ngày 5 tháng 2 trở đi, cha E-ma đã theo rất kỹ chương trình tĩnh tâm của ngài, và theo những ghi chú của ngài, cũng như theo các tài liệu khác, chương trình ấy như sau:
a- Suy niệm thứ nhất được thực hiện sau khi thức dậy ban sáng. Mỗi suy niệm kéo dài khoảng một tiếng. Rất có thể ngài đã ghi lại ngay những ghi chú của ngài sau khi suy niệm, vì thế cuộc suy niệm đã kéo dài hơn. Đôi khi những ghi chú có vẻ như bình luận về những suy niệm hơn là ghi lại nội dung tư tưởng của cuộc suy niệm.
b- Thánh Lễ, tiếp theo Thánh Lễ là cám ơn Rước Lễ khá dài, nhưng ngài chỉ đề cập tới vài lần mà thôi: ngày 12 và 27 tháng 2; ngày 3 tháng 3 và đặc biệt là ngày 26 tháng 3.
c- Đọc Sách Gương Chúa Giê-su vào bữa điểm tâm sáng.
d- Suy niệm thứ hai vào khoảng 11 giờ sáng. Ngài nói đến: một lần ngài suy niệm vào lúc 10 giờ sáng (Ngày thứ IV, Suy Niệm 3), lần khác vào lúc 11 giờ (Ngày 17 tháng 2, suy niệm 3).
e- Suy niệm thứ ba vào buổi chiều và tham dự Phép Lành Mình Thánh. Từ 25 tháng Giêng đến 30 tháng 3, Phép Lành Mình Thánh được cử hành vào giữa khoảng 5 giờ và 6 giờ 15 chiều. Chúng ta không rõ Suy Niệm Thứ Ba này được thực hiện trước hay sau Phép Lành.
Có thể chúng ta cần thêm vào chương trình đó: Chầu Thánh Thể và đi Chặng Đàng Thánh Giá, nếu không hằng ngày thì ít nhất cũng được thực hiện thường xuyên.
Rất có thể cha E-ma đã lơi dụng triệt để khu vườn rộng rãi và yên tĩnh của Vi-la Ca-xec-ta vừa để giải lao, vừa để suy tư. Tất nhiên vấn đề về Nhà Tiệc Ly khiến ngài thường phải rời tu viện để đến Thánh Bộ Truyền Giáo hay gọi điện thoại cho những nhân vật có liên quan đến vấn đề này.
Ngài cũng thường xuyên đi viếng các nhà thờ có đặt Mình Thánh Chầu 40 Giờ và lợi dụng những dịp ấy để Chầu Mình Thánh Chúa. Chắc chắn ngài phải đặc biệt viếng Nhà Nguyện của các Nữ Tu Chầu Mình Thánh Liên Tục ở Ki-ri-nan (Quirinal). Người ta đã phá hủy Nhà Nguyện này vào năm 1887-1888 và khu vực nơi Nhà Nguyện này tọa lạc xưa, bây giờ là công viên trong đó có đài kỷ niệm Sạc-lơ An-be (Charles Albert). Liên quan đến việc viếng các nhà thờ nơi có Chầu 40 Giờ, xin coi: Thơ, tập II trang 228; Tập IV, trang 106 và Tập V, trang 37 và 140.
Đọc sách thiêng liêng trong thời gian tĩnh tâm, chúng ta sẽ đề cập tới sau.
Dường như ngài đã tự tĩnh tâm riêng chứ không nhờ đến sự giúp đỡ của một vị giám đốc nào.
4- HỘI DÒNG VÀO NĂM 1865
Trước hết là bản tóm lược những niên biểu chính của Hội Dòng:
- Thành lập Dòng: Ngày 13 tháng 5 năm 1856.
- Khánh thành Nhà Pa-ri: Ngày 1 tháng 6 năm 1856.
- Đặt Mình Thánh lần đầu tiên: Ngày 6 tháng Giêng năm 1857.
- Thành lập Nhà Mạc-xây (Marseilles): Ngày 9 tháng 11 năm 1859.
- Thành lập Nhà Ăng-gie (Angers): Ngày 29 tháng 12 năm 1862.
- Được Sắc Lệnh Thử Nghiệm: Ngày 8 tháng 5 năm 1863.
- Khấn dòng theo Giáo Luật lần đầu tiên: Ngày 23 tháng 8 năm 1863.
- Phân phối ấn bản Luật Dòng cho các tu sỹ: Tháng 5 năm 1864.
Không còn bản danh sách chính thức nào về nhân sự vào năm 1864 và 1865. Nhưng căn cứ vào những hồ sơ thì vào đầu năm 1865, toàn thể Hội Dòng gồm 26 tu sỹ:
- 9 linh mục, trong số đó 3 người đã bỏ Dòng.
- 7 sinh viên học viện, 3 người đã bỏ Dòng.
- 10 tu huynh, 5 người trong số đó đã không bền đỗ.
Vì nhiều lý do, đối với cha E-ma, khởi đầu thành lập một nhà bao giờ cũng là một việc khó khăn, nhiều hi sinh, nhưng cũng đầy can trường. Vì thế không có gì đáng ngạc nhiên khi những ghi chú tĩnh tâm của ngài luôn phản ảnh những băn khoăn, lo lắng mà ngài cảm thấy liên quan đến Hội Dòng về tinh thần, công cuộc tông đồ, cơ cấu tổ chức, lãnh vực siêu nhiên và sự trưởng thành của các tu sỹ v.v.
Trong các phần tử của Dòng, “một người anh em đáng mến đã không thể có được cái nhìn vượt quá những tư tưởng cũ của mình” [31], trong một thời gian dài đã gây biết bao đau khổ lớn lao cho ngài, và điều này đã được biểu lộ ra qua nhiều nơi trong ghi chú tĩnh tâm và cũng là đề tài cho nhiều buổi suy niệm của ngài. Không cần khó khăn lắm cũng có thể nhận diện được “sứ giả . . . gây phiền nhiễu cho tôi” [32], “người ấy hành động vì lòng ngay và cho rằng mình làm trúng . . . gắn bó với những gì mà người ấy cho là tốt nhất và sợ bị thua vô điều kiện” [33]. Trong cuốn tiểu sử Thánh Phê-rô Giu-li-a-nô, cha Tes-ni-e (Tesnière) viết: “Đấng Ban Phát thần linh mọi ân huệ đã biến thời gian tĩnh tâm, cũng là thời gian thương lượng với Thánh Bộ Truyền Giáo để mua lại Nhà Tiệc Ly, thành cuộc công kích dài về sự bất mãn và những lạm dụng do cha Đờ Qui-es phát động để chống lại vị bề trên đáng thương là người đã phải đau khổ quá nhiều về những đình trệ trong việc quyết định và về thất bại cuối cùng”.
[1] Cf. Hiến Pháp #91.
[2] Thơ ngày 6 tháng Giêng năm 1865 gởi Đức Ông Ca-pan-ti (Capalti) - Bản chính lưu tai Văn Khố của Thánh Bộ Truyền Giáo.
[3] Bản chính lưu tại Văn Khố của Thánh Bộ Truyền Giáo
[4] Báo cáo gởi Đức Hồng Y Bac-na-bô (Barnabo), Tổng Trưởng Thánh Bộ Truyền Giáo, đề ngày 24 tháng 11. Bản chính được lưu trữ tại Văn Khố Thánh Bộ Truyền Giáo.
[5] Thơ, tập I, tr. 238, 168.
[6] Thơ, tập I, tr. 166.
[7] - Thơ, tập I, tr. 166. - Cho tới năm 1917, khi Thánh Bộ Đông Phương được thiết lập, thì các quốc gia thuộc Đông Phương thuộc quyền Thánh Bộ Truyền Giáo.
[8] Thơ, tập I, tr. 167. Bản chính được lưu trữ tại Văn Khố của Thánh Bộ Truyền Giáo.
[9] Bản chính được lưu trữ tại Văn Khố Thánh Bộ Truyền Giáo.
[10] Thơ, tập I, tr.293, 297.
[11] Thơ gởi Đức Ông Ca-pan-ti (Capalti). Bản chính được lưu trữ tại Thánh Bộ Truyền Giáo.
[12] Thơ, tập IV, tr. 107.
[13] Thơ, tập I, tr. 93 và 95.
[14] Bản chính lưu trữ tại Văn Khố của Thánh Bộ Truyền Giáo.
[15] Thơ, tập I, tr. 171; Tập II, tr. 299
[16] Thơ, tập I, tr. 174.
[17] Thơ, tập I, tr. 241.
[18] Sắc Lệnh của Thánh Bộ Truyền Giáo 1865. Tập 229, tr. 196, 198.
[19] Thơ, tập I, tr. 176.
[20] Thơ, tập I, tr.173
[21] Thơ, tập II, tr. 300.
[22] Thơ, tập IV, tr. 275.
[23] Thơ, tập I, tr. 176.
[24] Thơ, Tập I, tr. 159-160.
[25] Thơ, tập I, tr. 241
[26] Thơ, tập I, 176-177.
[27] Summarium I, 887-888
[28] Thơ, tập I tr. 173
[29] Thơ, tập II, tr. 300
[30] Thơ, tập IV, tr,.201.
[31] Ngày 9 tháng 3. Suy niệm 3
[32] 2Cr. 12,7. Ngày thứ 7. Suy niệm 1.
[33] Ngày 10 tháng 3. Suy niệm 2