Cha de Cuers
III- CHÍNH CUỘC TĨNH TÂM
1- NHỮNG ĐẶC ĐIỂM CỦA CUỘC TĨNH TÂM
a- Cuộc tĩnh tâm bất thường
Chúng ta phải luôn nhớ, Cuộc Đại Tĩnh Tâm ở Rô-ma là do cơ hội bất thường thúc đẩy. Cha E-ma phải nấn ná ở Rô-ma một thời gian quá lâu để lo vụ Nhà Tiệc Ly, và trong thời gian tĩnh tâm, vấn đề quan trọng này đã chi phối tâm trí ngài nhiều, đôi khi còn gây ra tình trạng băn khoăn lo lắng mà chúng ta có thể nhận ra dễ dàng qua những ghi chú tĩnh tâm của ngài. Chẳng hạn:
- Ngày 21 tháng Giêng, ngài viết: “Vấn đề của chúng ta . . . lại bị đình hoãn . . . Bởi thế tôi sẽ phải lưu lại thêm 15 ngày nữa. Sau đó nếu tôi thấy công việc cứ bị hoãn đi hoãn lại như vậy, tôi sẽ trở về Pa-ri” [1].
- Ngày 3 tháng 2: “Nội vụ của chúng ta đúng ra đã được đề cập tới hôm thứ hai (Ngày 30 tháng Giêng), nhưng một sự việc đáng tiếc đã xẩy ra khiến cho vấn đề phải gác lại . . . Nếu chỉ nghe theo sự thất vọng của tôi, thì tôi đã rời khỏi nơi đây ngay lập tức, nhưng tất cả đều bảo tôi, làm như vậy là sai lầm, vì tôi đã hoàn tất được rất nhiều, tôi phải nán lại thêm một tháng nữa . . . Bởi thế, tôi quyết định chờ đợi” [2].
- Ngày 18 tháng 2: “Tôi vẫn còn ở Rô-ma cho tới ngày 11 tháng 3 . . . vì vậy tôi chỉ có thể ở Li-ông (Lyons) vào khoảng 18 tháng 3” [3].
- Ngày 4 tháng 3: “Tôi hầu như quyết định rời đi ngay sau khi được biết nội vụ của chúng ta sẽ không được đề cập tới vào ngày mồng 6” [4].
- Ngày 7 tháng 3, ngài thêm: “Tuy nhiên, vì tôi đã chờ đợi quá lâu, nên tôi sẽ nán lại thêm chút nữa” [5].
- Ngày 11 tháng 3: “Tôi sẽ nán lại thêm ít ngày nữa để xem kết cuộc Thánh Bộ Truyền Giáo có trả lời chúng ta hay không. Nếu không, tôi sẽ rời khỏi nơi đây mà không cần gì hết” [6].
Đặc điểm bất thường hay nhân cơ hội, cũng giải thích lý do tại sao cuộc tĩnh tâm này đã không, và thực sự đã không thể, diễn ra theo phương pháp được và tại sao cuộc tĩnh tâm này thường bị hoàn cảnh và các biến cố hoặc tâm trạng hiện hữu của tâm hồn chi phối. Như vậy, tuy cuộc tĩnh tâm này bao hàm nhiều yếu tố quí giá về linh đạo của cha E-ma, nhưng nếu tìm kiếm một chủ thuyết về linh đạo của ngài ở đây thì không thực tế và người ta sẽ chỉ đi tới những kết luận võ đoán và một hệ thống gượng ép mà thôi.
b- Những đặc điểm cá nhân
Ngay ở trang đầu tiên của Ghi Chúa Tĩnh Tâm, cha E-ma đã ghi lại “những quyết định lớn lao”, và quyết định thứ hai trong các quyết định ấy là “Tôi sẽ chỉ nỗ lực để nên thánh, tuyệt đối loại bỏ mọi người và mọi sự vật khác. Tại sao tôi phải quan tâm đến các sự khác?”. Như vậy, Cuộc Đại Tĩnh Tâm chính là cuộc tĩnh tâm cho cá nhân về Thánh Phê-rô Giu-li-a-nô E-ma, về tất cả con người của ngài, mọi ân sủng, trách nhiệm, đặc điểm, tính tình v.v. Dưới sự soi sáng của ơn Chúa, Thánh Phê-rô Giu-li-a-nô đã đặt trọng tâm vào những cuộc khảo sát tỉ mỉ, chân thực và sâu xa về tất cả những gì thuộc đời sống riêng của ngài.
Ngoài ra, vì là Đấng Sáng Lập Dòng, là Bề Trên và tu sỹ Dòng Thánh Thể, tất nhiên ngài cũng thường chú tâm và khảo sát những nhiệm vụ của 3 chức vị đó, nhờ vậy ngài đã để lại những trang tuyệt vời về Đấng Sáng Lập, bề trên và một tu sỹ trọn hảo.
Vì thế, để giải thích, hiểu biết và nhất là để có thể lợi dụng được Những Ghi Chú Tĩnh Tâm này, chúng ta phải luôn ghi nhớ hai khía cạnh: trước hết là khảo sát về cá nhân, và thứ đến là khảo sát về vai trò của Đấng Sáng Lập, bề trên và tu sỹ thánh thể.
Trong số những ghi chú này, nhiều điểm hoàn toàn có tính cách cá nhân, nghĩa là chúng chỉ áp dụng riêng cho cha E-ma mà thôi. Như vậy cố gắng áp dụng từng nét của những ghi chú ấy cho một người có đặc điểm và trạng thái tâm thể lý khác, đó là điều sai lầm. Ngoài ra, cũng có nhiều ghi chú được áp dụng cho cha E-ma xét là Vị Sáng Lập, bề trên và một tu sỹ, cũng có giá trị lớn lao đối với mọi con cái thiêng liêng của ngài.
Để phân biệt và xác định những gì hoàn toàn liên quan đến cha E-ma xét là một cá nhân, và những gì liên quan đến ngài xét là Vị Sáng Lập, điều đó không phải lúc nào cũng dễ dàng. Tuy nhiên, điều quan trọng cần ghi nhớ là 2 lãnh vực này khác biệt nhau để tránh những giải thích và áp dụng thiếu chính xác.
Chúng ta cũng cần phải thêm, Cuộc Đại Tĩnh Tâm này là do Chúa an bài. Chúng ta có thể tin chắc rằng, Chúa đã sắp đặt vụ Nhà Tiệc Ly ở Giê-ru-sa-lem để tô điểm cho phòng tiệc ly tâm hồn của cha E-ma bằng sự thánh thiện trọn hảo hơn, để làm cho ta thấu hiểu ngài hơn và cống hiến ngài cơ hội để dạy chúng ta về đường trọn lành theo Thánh Thể. Chính cha E-ma dường như cũng có cùng cảm tưởng như vậy. Ngài viết:
- “Tôi khâm phục Thầy nhân lành, vì Người đã biết phải làm gì để cưỡng bách tôi rút lui vào nơi cô tịch. Hôm nay tôi rất sung sướng về điều đó”[7] .
- “Tôi cảm tạ Chúa vì đã làm đình trệ vấn đề Nhà Tiệc Ly như vậy, nếu không, tôi đã ra về với một mớ lộn xộn của cuộc tĩnh tâm, thiếu chiều sâu, thiếu việc thực hành các nhân đức. Ở đây, những vấn đề đó quá dễ dàng”[8]
- “Điều lợi ích cho tôi là hiểu biết rằng hành vi tự khinh chê mình sẽ làm vinh danh Thiên Chúa hơn là thành công của Hội Dòng nhờ hoạt động của tôi, và hơn cả thành công trong vấn đề Nhà Tiệc Ly, vì chính nhờ hành động như vậy, tôi chuộc lại được phòng tiệc ly ở tâm hồn tôi và đem lại vinh quang cho Chúa”[9].
2- BẢN CHẤT CỦA CUỘC ĐẠI TĨNH TÂM
A- Thời kỳ tác động mãnh liệt của ơn thánh
Cuộc Đại Tĩnh Tâm là một thời kỳ mà ơn thánh tác động mãnh liệt nơi tâm hồn Cha Thánh Phê-rô Giu-li-a-nô E-ma. Trong suốt cuộc tĩnh tâm, chúng ta có thể khám phá ra ơn siêu nhiên tác động dưới hình thức ơn soi sáng, canh tân, tiến bộ, nhận thức sâu sắc hơn về chân lý, hiểu biết đầy đủ hơn về các bổn phận của mình, kết hiệp mật thiết hơn với Chúa v.v. Chúng ta có thể quả quyết, một số tác động khác của ơn thánh nơi cha E-ma, nhưng ngài không đề cập tới trong Những Ghi Chú Tĩnh Tâm của ngài. Chúng ta sẽ cố gắng khảo sát những ơn này khi đề cập tới tâm hồn cha E-ma.
B- Cuộc tĩnh tâm kéo dài 65 ngày.
Cuộc tĩnh tâm này được coi là kéo dài 65 ngày, vì từ ngày 25 tháng Giêng đến ngày 30 tháng 3 (kể cả 2 ngày: đầu và cuối) gồm có 65 ngày theo năm không nhuận.
Trong số 65 ngày này, chúng ta bao gồm luôn cả ngày 27 tháng 2, vì tuy hôm đó cha E-ma nghỉ, nhưng ngài cũng thực hiện một suy niệm quan trọng.
Chúng ta cũng bao gồm ngày 8 và 28 tháng 2, trong 2 ngày đó không có suy niệm nào được ghi lại.
Vì thế nếu muốn, chúng ta có thể gọi đó là cuộc tĩnh tâm gồm 61, hay 62, hoặc 64 ngày. Dầu sao cuộc tĩnh tâm này cũng là một khoảng thời gian dài trong nỗ lực thiêng liêng, mãnh liệt và chân thực dưới nhiều hình thức khác nhau mà chúng ta biết được qua những ghi chú của ngài để lại.
a- Cầu nguyện
Ngày 11 tháng 3, cha E-ma viết: “Tôi hết lòng tạ ơn Chúa nhân lành vì đã ban cho tôi tháng tĩnh tâm nơi tĩnh mịch này, gần Đền Thờ Đức Bà Cả, xa thành phố và những khách thăm viếng. Nếu sau khi ra phòng mà tôi không đạt được tiến bộ gì, thì ít nhất tôi cũng học biết được nhiều về cánh cửa tuyệt hảo, đó là cánh cửa cầu nguyện, được mở ra theo sở thích của ta”[10].
Về khổ chế, thì theo những tài liệu chúng ta có, chúng ta khó có thể đoán biết được bản chất phi thường của những việc hãm mình ngài đã thực hiện trong thời gian này như thế nào. Chúng ta chỉ biết rằng, theo những ghi chú tĩnh tâm thì ngài phải cực khổ rất nhiều vì tình trạng sức khỏe yếu kém, vui lòng chịu đựng tình trạng đó cũng là một việc hãm mình đáng kể. Thêm vào đó là sự khiếm nhã và cứng cỏi của cha Đờ Qui-es, cùng với những khó khăn do vấn đề Nhà Tiệc Ly gây ra nữa.
b- Suy niệm và Hồi tâm
Những đề tài suy niệm trong cuộc tĩnh tâm này gồm: những chân lý nền tảng, các Mầu Nhiệm về Thiên Chúa, về Ngôi Vị của Chúa Ki-tô, về Thánh Thể, ơn gọi thánh thể, những bổn phận cá nhân, các nhân đức, ý thức về các ơn nhận được v.v.
c- Cầu nguyện chiêm niệm
Ngài chiêm ngắm và ngưỡng mộ sự trọn hảo của mỗi nhân đức nơi Chúa Ki-tô, trung tâm và cùng đích sự trọn hảo của ngài, tình yêu của Chúa đối với ngài v.v.
d- Những khảo sát
Khảo sát về đời sống được thực hiện cách chân thành, triệt để, cùng với sự cương quyết sửa chữa lại lối sống hoặc tìm cách trở nên hoàn thiện hơn. Ngài đã khảo sát kỹ lưỡng đời sống nội tâm cũng như hoạt động, những ý hướng và hành động, đời sống linh mục và thánh thể, các nhân đức, nhiệm vụ, những thái độ đối với ơn Chúa v.v. Ngài không ngừng tìm tòi lục xét tình trạng của tâm hồn ngài.
e- Những phân tích sâu xa
Ngài đã phân tích sâu xa về tâm lý cá nhân của ngài, nhờ đó ngài đã để lại cho chúng ta những kiến thức quí giá về các yếu tố nhân loại và thần linh nơi tâm hồn của một vị thánh và đã diễn tả ra cách cụ thể bản chất tâm linh của ngài: Những khuynh hướng, phản ứng, thảm kịch diễn ra nơi tâm hồn nhỏ bé của ngài, những ân sủng, nhân đức, khuyết điểm . . . nói tóm lại, tất cả những gì thuộc con người và một vị thánh mà ngài cảm nghiệm được ở trong ngài, ngài đều phân tích sâu xa và bộc lộ ra cách chân thực.
f- Thú tội
Trong việc thú nhận những yếu đuối, khuyết điểm và tội lỗi, ngài trực tiếp bộc lộ chính mình cho Chúa, giãi bày tâm hồn ngài cho Người, bộc lộ những tình cảm, đặc biệt là lòng biết ơn; và dưới ảnh hưởng của ơn thánh, ngài đã nói với mình bằng một kiểu nói chân thành và đầy khiêm tốn.
g- Những quyết tâm
Ngài đã thực hiện những quyết tâm với một tinh thần chân thành và cương quyết, bằng một kiểu nói đặc biệt và với những bảo đảm cụ thể để đạt tới những kết quả tích cực, hữu hiệu và bền lâu.
h- Đọc sách thiêng liêng
Chúng ta có thể quả quyết rằng, cha E-ma đã đọc nhiều trong thời gian tĩnh tâm. Một vài bằng chứng sau đây chứng tỏ điều đó:
- “Hôm qua, con rắn đã lừa dối tôi bằng một buổi sáng vô ích và bằng việc đọc sách lâu giờ, cả đêm tôi không ngủ được”[11].
- “Về ấn tượng được ghi lại ở nơi tôi khi đọc về những nguy hiểm của thế gian”[12].
- “Hãy đến, hỡi hồn tôi, chúng ta hãy hút lấy chút mật ngọt, rồi như con ong, hãy học cách gia tăng mỗi ngày bằng cách tích trữ chút mật ấy . . . Như vậy, 3 giờ mà tôi dành ra hôm qua để nghiên cứu thay vì tham dự lễ nghi là sự mất mát hoàn toàn”[13].
Ngoài sách Tân Ước, cuốn sách chính mà ngài đọc trong Cuộc Đại Tĩnh Tâm là cuốn Gương Chúa Ki-tô. Ngài đọc sách này cách đều đặn vào bữa điểm tâm, và thường ghi những trích dẫn dài của sách này trong các ghi chú suy niệm của ngài.
89 câu trích dẫn được ghi lại trong Ghi Chú Tĩnh Tâm chứng tỏ rằng giáo thuyết của sách Gương Chúa Ki-tô, đối với cha E-ma, là một nguồn bồi dưỡng thiêng liêng quan trọng trong thời gian tĩnh tâm. Sách Gương Chúa Ki-tô đã trình bày một đường lối tu đức cổ truyền mà những suy tư của cha E-ma đã xác định, làm sáng tỏ và hoàn tất. Nhưng đặc biệt hơn hết là cuốn sách quí giá này đã giúp cho Đấng Sáng Lập của chúng ta hiểu biết cách rõ rệt hơn về bản chất của hiến lễ bản vị, cũng như đã giúp ngài dứt khoát dâng hiến lễ ấy với một thái độ cương quyết hơn, bằng cách cung cấp cho ngài một nền tảng tu đức về hình thức linh đạo hiến lễ bản vị này, và ngài sẽ hoàn thiện linh đạo ấy qua tình yêu thánh thể và phục vụ[14].
Một vài tác giả khác cũng được cha E-ma trích dẫn như: Pla-ti (Plati) và Lan-chi-xi-ô (Lancicius):
- Ngày 14 tháng 2: Suy niệm 3.
- Ngày 15 tháng 2: Suy niệm 3.
- Ngày 24 tháng 2: Suy niệm 2.
- Ngày 7 tháng 3: Suy niệm 2.
Từ Những Ghi Chú Tĩnh Tâm trên, chúng ta có thể kết luận rằng tài liệu này thuộc cùng thể loại văn chương như cuốn “Tự Thú” (Confessions) của thánh Au-gus-ti-nô, và cuốn “Truyện một tâm hồn” của thánh nữ Tê-rê-xa Hài Đồng Giê-su. Đó là điều chúng ta cần đặc biệt lưu ý khi giải thích Những Ghi Chúa của Cuộc Đại Tĩnh Tâm này.
3- ĐỊNH HƯỚNG VÀ CHƯƠNG TRÌNH TỔNG QUÁT
Đặc điểm “nhân cơ hội” (occasional) của Cuộc Đại Tĩnh Tâm là lý do khiến cho cuộc tĩnh tâm này không có một thời biểu rõ rệt và một hướng đi nhất định. Thực tế là cuộc tĩnh tâm này không có một chương trình hay hướng đi tổng quát trong nỗ lực thiêng liêng cho 65 ngày. Chắc chắn cha E-ma đã hết sức chăm chú trong suy niệm và những thao tác của ngài, nhưng đề tài suy gẫm và khảo sát thì lệ thuộc vào hoàn cảnh, chu kỳ phụng vụ, những diễn tiến của vấn đề Nhà Tiệc Ly, những thơ của cha Đờ Qui-es, trạng thái của tâm hồn, những hoạt động và định hướng của ơn Chúa v.v.
Vì thế, chúng ta thấy, cuộc tĩnh tâm này bao gồm nhiều đề tài khác nhau và chúng không được liên kết lại theo một hệ thống hợp lý nào. Những dẫn chứng sau đây chứng tỏ điều đó:
- Trong ngày thứ 2, ngài đã khám phá ra “chân lý nền tảng và minh bạch, đó là chìa khóa cho đời tôi . . . tôi đã yêu mến Chúa và phụng sự Người . . . với một tình yêu do tự phụ hão huyền kích thích”.
- Ngày thứ 4, ngài viết về hiến lễ bản vị: “Đó là suy niệm của tôi - một suy niệm cơ bản. Đó là cơ sở tôi phải xây dựng”[15].
- Ngày thứ 6, về tinh thần khổ chế, ngài viết: “Cuối cùng, cuối cùng, tôi đã thấy được đường lối của tôi”[16].
- Ngày 1 tháng 2, sau khi suy niệm về đức khiêm nhường, ngài viết: đó là “nhân đức đặc biệt của kẻ tôn thờ, tôi xác tín rằng, đối với tôi, đây là suy niệm hệ trọng nhất”[17] .
- Cũng trong tháng đó, ngày mồng 6, ngài gọi suy niệm về “đặc điểm khổ chế của đời sống Chúa Giê-su” là suy niệm “nền tảng” [18].
- Ngày 7 tháng 2: “Mầu Nhiệm Nhập Thể. Cuối cùng tôi đang đi sâu vào các Mầu Nhiệm của Chúa, tôi sẽ phải tìm sự sống ở trong đó”[19].
- Ngày 14 tháng 2, suy niệm về đức khiêm tốn, “nhân đức tối cao”, ngài khởi đầu bằng những lời này: “Đây là một trong những ơn quan trọng nhất của cuộc tĩnh tâm. Cuối cùng Chúa đã cho tôi biết và hiểu rằng, nhân đức tối cao của kẻ tôn thờ là khiêm tốn”[20].
- Ngày 16 tháng 2, khởi đầu cuộc suy niệm, ngài ghi: “Tôi càng xác tín rằng, tất cả những gì tôi thực hiện, nói và quyết tâm, đều không phải là việc thực sự”[21]. Suy niệm căn bản này được đề cập tỉ mỉ ở hiến lễ bản vị, trong suy niệm 2 cùng ngày, ngài viết: “Suy niệm sáng nay là căn bản: Tôi là người tôi tớ của Chúa Giê-su Ki-tô”.
- Ngày 20 cùng tháng, ngài khởi đầu suy niệm thứ 3 về “ơn gọi thánh thể” bằng lời than thở: “Cuối cùng, tôi đã đạt được ơn của tôi! Tôi đã phải vượt qua một sa mạc dường như vô tận”.
- Ngày 21 tháng 2, ngài viết: “Vào cuối suy niệm, một ý tưởng cao đẹp đã đến với tôi, chắc chắn là từ nơi lòng thương xót của Chúa . . . Như Ta thế nào đối với Cha Ta trong Nhập Thể và trong đời sống hay chết của Ta, hãy trở nên như vậy đối với Ta trong Thánh Thể . . . Tôi phải xin ơn để hiểu biết chân lý này”[22].
- Ngày 23 tháng 2: “Chúa đã thay đổi đường lối của tôi, ân sủng của tôi, bằng cách giữ tôi lại ở kề bên Ngôi Vị thần linh của Người”[23].
- Ngày 25 tháng 2: “Tôi đã không nhận thức được điều hết sức quan trọng đối với tôi, đó là phải hiến thân, phải hiến chính bản thân tôi, hữu thể sâu xa nhất của tôi, cho Bí Tích cực thánh, để tôn vinh Bí Tích ấy nhờ cuộc sát tế và mai táng bản ngã của tôi. Cuối cùng, hôm nay, sau một tháng tĩnh tâm, tôi đã nhận thức được cách mơ hồ chân lý ấy”[24].
- Ngày 5 tháng 3, ngài nhận thấy: “tốt hơn là nên có một đề tài và sự duy nhất trong đề tài ấy”[25].
- Ngày 7 tháng 3, ngài viết: “Phải chăng ơn này, tức ơn mà Chúa lôi kéo tôi đến với Người nhờ đời sống nội tâm”, phải chăng ơn ấy cho biết sự thay đổi về ơn đặc biệt của tôi”[26].
- Ngày 11 tháng 3, ngài tuyên bố: “Như vậy con đường tôi đã đi chính xác là con đường tôi phải theo. Tôi đang đứng trước cửa, tôi phải từ bỏ con người tôi, dâng hiến bản thân tôi và ở lại trong Chúa Giê-su”[27].
- Cùng ngày ấy, trong một bức thơ, ngài viết: “Không phải tôi muốn hơn, mà là tôi phải hiểu biết hơn”[28].
- Ngày 12 tháng 3: “Hỡi hồn tôi, hãy đặt hi vọng nơi Chúa! Giờ đây ngươi đang thực hiện những nhân đức nền tảng”[29].
- Ngày 14 tháng 3, ngài mở đầu suy niệm 1 về “Thiên Chúa là tình yêu” bằng những lời sau: “Cuối cùng, sau khi băng qua sa mạc, tôi đã tới đỉnh tình yêu. Cuộc hành trình gian khổ biết bao! Cuộc du hành khó nhọc biết chừng nào! Giờ đây tôi đang hiện diện trước ngai tình yêu. Chúc tụng Thiên Chúa!”.
Để hiểu cách khách quan về nhiều phát biểu được ghi lại ở những ghi chú tĩnh tâm này, cần phải nhớ những hoàn cảnh khác nhau, sự trổi vượt của một số nhân đức hay thái độ thiêng liêng được diễn ra trong những hoàn cảnh nhất thời như những bản văn chúng ta vừa trích dẫn trên đây. Đó chỉ là một mẫu điển hình mà thôi, chẳng hạn khi suy niệm về Đức Khiêm Nhường, “một nhân đức đặc thù của kẻ tôn thờ”, vào ngày 1 tháng 2, cha E-ma viết: “Tôi xác tín rằng, đối với tôi, đây là một suy niệm quan trọng nhất, vì suy niệm này đòi phải xác định hình thức, bản chất và qui luật cho sự thánh thiện của tôi là một tu sỹ”[30]. Phát biểu này có thể đặc biệt chính xác cho ngày thứ 7 (hoặc thứ 8) của cuộc tĩnh tâm, nhưng phải được đọc dưới sự soi sáng của những phát biểu và giải thích của 57 ngày tiếp theo.
Đàng khác, tuy thiếu hướng đi tổng quát, cố định, chi tiết và hệ thống, nhưng chúng ta cũng nhận thấy một thứ tự nào đó được qui định bằng 2 yếu tố: một nhóm những chủ đề cùng loại, và một hướng đi chung mà lúc đầu còn mơ hồ không rõ rệt, nhưng dần dần đã hiện ra rõ rệt hơn theo một đường hướng nhất định và cuối cùng đã trở thành sáng tỏ hơn.
Trước hết chúng ta thấy có những nhóm chủ đề được đề cập tới cách hệ thống và mạch lạc, chẳng hạn: Khiêm nhường, các nhân đức của tu sỹ, khó nghèo, khiết tịnh và vâng lời, khiêm tốn, hiền từ, nhẫn nại, những khuyết điểm về tính nết, Đức Trinh Nữ Ma-ri-a, Thánh Giu-se, Phép Rửa, tội lỗi, các thánh giá, tình yêu Thiên Chúa, Ngôi Vị Chúa Ki-tô v.v. Những chủ đề trên sẽ được đề cập tới sau ở mục “Những ý tưởng chính của Cuộc Đại Tĩnh Tâm”.
Chúng ta cần đặc biệt lưu ý, hướng chính của Cuộc Đại Tĩnh Tâm đã được tỏ hiện rõ rệt ngay từ những ngày đầu[31], và cũng thường được biểu hiện trong suốt thời gian 65 ngày, mặc dầu đôi khi không được rõ rệt lắm, và đặc biệt hơn hết là vào thời gian cuối, ý hướng ấy được cụ thể hóa theo một khuôn mẫu khá rõ ràng, mạch lạc và có hệ thống qua những đề tài như:
- Thánh tẩy “bản vị”, đặc biệt là tánh khoe khoang tự phụ, bằng đức khiêm nhường, hiến lễ bản vị;
- Hiến lễ bản vị là cốt yếu của tình yêu và phụng sự thánh thể;
- Sự sống của Chúa trong tâm hồn;
- Đời sống của Chúa Ki-tô, Người là trung tâm của tâm hồn và Người sống trong Cá Vị của Ngôi Lời chứ không phải trong ngôi vị nhân loại.
Đó là lý do tại sao tánh tự phụ, đức khiêm nhường, hiến lễ bản vị, tình yêu, phục vụ thánh thể, Bí Tích Thánh Thể, cá vị Chúa Ki-tô và các nhân đức của Người, Chúa Giê-su Ki-tô là trung tâm và là mẫu mực của các nhân đức, đặc biệt là trong công cuộc Nhập Thể, những vấn đề trên đã làm thành chủ đề lớn, hay nói đúng hơn đã làm thành một chủ đề lớn bao gồm nhiều khía cạnh khác nhau, đó là chủ đề chính và cốt yếu của Cuộc Đại Tĩnh Tâm.
Công cuộc cá nhân của cha E-ma, dưới sự soi sáng và hướng dẫn của ơn Chúa, đã dần dần đạt tới một định hương rõ rết và một biểu thức đặc biệt được cô đọng lại trong một động tác đáng kể nhất của Cuộc Đại Tĩnh Tâm - có thể nói đó là giờ cao điểm nhất của Cuộc Tĩnh Tâm này - LỜI KHẤN BẢN VỊ, tức lời khấn riêng hiến dâng bản vị - cho Chúa[32].
4- CÁCH HÀNH VĂN
Cha E-ma đã ghi lại Cuộc Đại Tĩnh Tâm chỉ để cho riêng ngài, với mục đích nhằm kéo dài hiệu quả của những suy niệm để lưu lại những nhận thức sâu sắc, những ấn tượng và tình cảm nhất thời trong khi suy niệm, và để sau này ngài có thể đọc lại khi cần gợi lại lòng nhiệt thành và ơn sủng mà ngài lãnh nhận trong những ngày cô tịch này.
Điều cần nhấn mạnh là cha E-ma chỉ viết cho riêng ngài, nghĩa là chỉ để ngài hiểu, để dễ gợi lại ký ức. Vì thế, ngài không quan tâm lắm về hình thức văn chương. Nói cách cụ thể, trong Ghi Chú Tĩnh Tâm này, chúng ta gặp những từ ngữ và những chỗ bỏ khuyết, những biểu thức và mệnh đề không thể hiểu được, những khoảng trống và những tĩnh lược mà dù cố gắng hết sức cũng không thể nối kết lại cách hợp lý được, những ký hiệu vô nghĩa chẳng hạn ngài thường ghi dấu chữ thập cách vô nghĩa. Cũng vậy về phương diện học thuyết, trong Các Ghi Chú Tĩnh Tâm cha E-ma không nhằm chỉ dạy cho ta, hay diễn tả một học thuyết nào, mà chỉ nhằm trình bày và ghi lại cho mình những gì ngài suy nghĩ và cảm nghiệm. Vì thế trong suốt cuộc Tĩnh Tâm, nhiều chỗ đã không được liên kết chính xác và hợp lý xét về phương diện học thuyết.
Một điểm khác cũng cần lưu ý là ở nơi cha E-ma, đặc điểm của một nhà giảng thuyết nổi bật hơn đặc điểm của một văn gia. Vì thế, để diễn tả những cảm nghĩ và ấn tượng, ngài thường chuyển sang giọng giảng thuyết, một thể văn có phong cách riêng và những đặc lợi riêng.
Cuối cùng, ta cũng nên nhớ rằng, tài hùng biện tự nhiên cùng với biệt tài gây xúc động của cha E-ma, đôi khi đã khiến ngài sử dụng kiểu nói ngoa ngữ dưới hình thức những phát biểu và thành ngữ quá gia diết và quyết đoán, trong khi những phát biểu ấy phải hiểu cách tương đối mà thôi. Cha Tes-ni-e (Tesnière) đã lưu ý điều này - và điều đó có thể áp dụng cho nhiều trường hợp khác nữa - khi đề cập đến những khẳng định của cha E-ma về đức khiêm tốn:
“Cha E-ma đã quá đáng khi gọi đức khiêm tốn là ‘nhân đức vương giả, nhân đức đứng đầu của các nhân đức khác’. Điều đó chỉ đúng theo nghĩa tương đối mà thôi. Lòng sốt sáng nhiệt tình đối với nhân đức mà ngài suy niệm khiến ngài cảm nghiệm ở nơi nhân đức ấy nét độc đáo đặc biệt và cao cả. Dầu sao, ngôn ngữ do lòng thái quá ấy cũng nói lên phần nào tầm quan trọng của nhân đức mà ngài muốn đắc thủ. Do sự cảm kích lớn lao về vẻ đẹp luân lý của đức khiêm tốn, ngài đã kêu lên: ‘Đó phải là nhân đức của tôi, nhân đức vương giả, cao siêu và nổi bật nhất của tôi. Đối với tôi, đó phải là nhân đức tóm lược mọi nhân, vì nhân đức này bao gồm và hoàn thiện mọi nhân đức khác”[33].
[1] Thơ, tập I, tr. 240.
[2] Thơ, tập I, tr. 172.
[3] Thơ, tập IV, tr. 54. Tập V, tr. 200.
[4] Thơ, tập I, tr. 174.
[5] Thơ, tập Itr. 241.
[6] Thơ, tập V, tr. 209.
[7] Thơ, tập V, tr. 209.
[8] Ngày 12 tháng 2, Suy niệm thứ ba.
[9] Ngày 5 tháng 2. Suy niệm thứ ba
[10] Thơ, tập IV, tr. 275.
[11] Ngày 12 tháng 2. Nhận xét trước suy niệm thứ nhất
[12] Ngày 26 tháng 2. Suy niệm thứ ba.
[13] Ngày 27 tháng 3. Suy niệm 1.
[14] Coi: Gương Chúa Ki-tô và Cuộc Đại Tĩnh Tâm ở Rôma trong tài liệu Linh Đạo, tr. 47-54.
[15] Suy niệm 1
[16] Suy niệm 3
[17] Suy niệm 2
[18] Suy niệm 1
[19] Suy niệm 1
[20] Suy niệm 1
[21] Suy niệm 1
[22] Suy niệm 3
[23] Suy niệm 3
[24] Suy niệm 1.
[25] Suy niệm 2
[26] Suy niệm 3
[27] Suy niệm 2.
[28] Thơ, tập V, rr. 209
[29] Suy niệm 1
[30] Suy niệm 2
[31] Coi Suy niệm 1, ngày thứ 4
[32] Coi: Linh Đạo, tr. 47-53
[33] Ngày 14 tháng 2, Suy niệm 1.