Cuộc Tĩnh Tâm Thứ Nhất Ở Rô-ma

CUỘC TĨNH TÂM
THỨ NHẤT Ở RÔ-MA

Từ ngày 17 đến 25 tháng 5 năm 1863

 

DẪN NHẬP

1-BỐI CẢNH LỊCH SỬ

          Năm 1863 là năm được đánh dấu bằng nhiều dự án và biến cố quan trọng trong đời sống Thánh Phê-rô Giu-li-a-nô E-ma (Saint Peter Julian Eymard). Biến cố lịch sử đáng ghi nhớ nhất chắc chắn phải là biến cố Dòng được Tòa Thánh châu phê vào ngày 8 tháng 5. Biến cố ấy tạo cơ hội và ban cho Thánh Phê-rô Giu-li-a-nô ơn Tĩnh Tâm Lần Thứ Nhất ở Rô-ma. Sau đây là bối cảnh lịch sử về lịch trình của cuộc Tĩnh Tâm này;

- Ngày 9 tháng 3: Cha E-ma (Eymard) đáp tàu từ Mạc-xây (Marseilles) đi Rô-ma, cùng với cha Đờ Qui-es (de Cuers) và giáo sỹ Đờ Lơ-đờ-vi (de Leudeville).

- Ngày 12 tháng 3: Ngài cập bến Xi-vi-ta-vê-chi-a (Civitavechia), rồi tới Rô-ma (có lẽ ngày 13 tháng 3). Sau đó ngài đến trọ nhà các cha Dòng Thánh Giá lúc ấy đang coi sóc ngôi nhà thờ nhỏ Thánh Brít-giét (Bridget) ở Công Trường Phác-ne-giơ (Farnese).

- Ngày 18 tháng 3: Cuộc triều yết thứ nhất với Đức Giáo Hoàng Pi-ô IX: “Ngài vẫn nhân từ như thường lệ. Vì có ba người (cha Đờ Qui-es, giáo sỹ Đờ Lơ-đờ-vi và tôi), nên tôi đã không thể trình bày những gì có tính cách bảo mật được . . . Đức Thánh Cha đã chuyển vấn đề châu phê Dòng cho Thánh Bộ Dòng Tu; đó là vấn đề chính mà tôi muốn thỉnh cầu Đức Thánh Cha. Tôi được biết, mọi sự đều thuận lợi”[1].

- Ngày 31 tháng 3: Trong báo cáo cho Thánh Bộ Giám Mục và Dòng Tu, cha E-ma viết: “Điều mà Hội Dòng giờ đây khiêm tốn và tin tưởng thỉnh xin là được Sắc Lệnh chính thức để được trở nên ái nữ tuân phục và tận hiến của Hội Thánh Rô-ma, được trở nên tông đồ của phụng vụ, nhất là của đức tin và tình yêu đối với Bí Tích Bàn Thánh đáng tôn thờ”.

- Ngày 8 tháng 4: Cuộc triều yết thứ hai đề cập đến một vài chi tiết mà cha E-ma bỏ sót. Ngài chỉ đề cập đến việc xin các ân xá[2].

- Ngày 11 tháng 4: Cha E-ma viết:

- “Chúng tôi vẫn chưa chắc chắn về dự án và việc lưu lại ở đây”[3]

- “Có thể chúng ta sẽ chỉ được Sắc Lệnh Tán Dương, tạ ơn Chúa! Và cũng có thể chúng ta sẽ chẳng được gì, càng tạ ơn Chúa hơn” [4]

- Ngày 8 tháng 5: Trong buổi triều yết dành riêng cho Đức Ông Sta-nis-las Svê-gli-a-ti (Stanislas Svegliati), Thứ Trưởng Thánh Bộ Giám Mục và Dòng Tu, Đức Pi-ô IX công nhận và châu phê Dòng.

- Ngày 16 tháng 5: Cha E-ma viết:

- “Công cuộc của chúng ta đã được đệ trình lên Đức Giáo Hoàng và ngài đã châu phê dự án báo cáo, và Sắc Lệnh đang được soạn thảo. . . Chúng tôi được biết, mọi sự sẽ hoàn tất vào Lễ Mình Máu Thánh Chúa Ki-tô. Thiên Chúa đã an bài như vậy! Đức Thánh Cha sẽ vắng mặt cho tới ngày 20[5].

          Lời tuyên bố trong thơ này và những gì chúng ta đọc được trong các Ghi Chú Tĩnh Tâm cho phép chúng ta tin rằng cha E-ma đã nhận được tin bán chính thức về việc phê chuẩn.

          Trong khi chờ đợi Sắc Lệnh chính thức, ngài tạm biệt cha Đờ Qui-es (de Cuers) và giáo sỹ Đờ Lơ-đờ-vi và đi tĩnh tâm. Đây là cuộc tĩnh tâm đầu tiên của Hội Dòng sau khi chính thức được trở thành một Hội Dòng thuộc quyền Giáo Hoàng. Cuộc tĩnh tâm được diễn ra từ ngày 17 đến 25 tháng 5 năm 1863.

- Ngày 3 tháng 6: Sắc lệnh được ký theo đúng kỳ hạn.

- Ngày 10 tháng 6: Cha E-ma nhận được Sắc Lệnh châu phê Dòng mà ngài gọi là “ki-tô hóa các tu sỹ của chúng ta”[6]:

- “Chúng ta đã được ki-tô hóa rồi, nhưng sự trung thành và hoàn thiện của bậc sống thì chúng ta chưa đạt được. . . Bởi vậy, chính Chúa đã muốn khích lệ sự yếu đuối của chúng ta. Kẻ được sinh ra trong bậc cao trọng thì phải sống cách cao thượng[7].

- “Chúng ta đã được phê chuẩn, nhưng chưa được thánh thiện[8].

- “Giờ đây chúng ta đã là những tu sỹ chính thức của Hội Thánh nhờ việc châu phê phi thường này[9].

- Ngày 17-18 tháng 6: Rời Rô-ma. Sau khi tạ ơn Đức Mẹ ở Laus (Laus) và La-xa-lét (La Salette), ngài về thăm các chị ở La Muya (La Mure), rồi trở lại Pa-ri ngày 12 tháng 7.

2- ĐỊA ĐIỂM TĨNH TÂM

          Vào ngày 30 tháng 5[10], cha E-ma viết: “Tôi vào ẩn mình trong một tu viện trước Lễ Hiện Xuống để tĩnh tâm và đã chấm dứt vào thứ hai (tức ngày 25 tháng 5)”. Đó là tu viện của các cha Dòng Thương Khó lúc bấy giờ. Tu viện ấy tọa lạc trên Đồi Xê-li-ân (Caelian), bên cạnh Vương Cung Thánh Đường các thánh Gio-an và Phao-lô, tước hiệu cổ của thánh đường này được nhắc tới vào thế kỷ thứ 5 là thánh đường Bi-giang-xi-ô (Byzantius) và Păm-ma-ki-ô (Pammachius) là những người đã xây cất thánh đường này vào năm 398. Đây là nơi cư ngụ của thánh Gio-an và Phao-lô là hai vị quan chức thuộc triều đình Cons-tan-ti-nô.

          Trong những công trình khảo cứu và trùng tu mới đây (1949-1951), các nhà khảo cổ đã khám phá ra những di tích của tu viện thuộc thế kỷ thứ 5. Tu viện này đã vị rợ xâm lăng tàn phá vào năm 410, sau đó lại bị động đất hủy diệt vào năm 442. Cuối thế kỷ 12, tu viện được tái thiết và trở thành nơi cư ngụ liên tiếp của nhiều Dòng tu như: Các Đan sỹ Dòng thánh Păm-ma-ki-ô (Pammachius) cho tới cuối thế kỷ 13; các Canons Regular? cho tới năm 1454. Jesuats? của Chân Phước Gio-an Cô-lôm-bi-ni (John Colombini); Các nữ tu Dòng thánh Phi-lip-phê Nê-ri (Philip Neri) cho tới năm 1671; Các tu sỹ Đa-minh người Anh cho tới năm 1687; các linh mục truyền giáo La-gia-ris (Lazarist) cho tới năm 1773.

          Ngày 9 tháng 12 năm 1773, thánh Phao-lô Thánh Giá đã chiếm hữu tu viện này và 2 năm sau, ngày 18 tháng 10 năm 1775, ngài qua đời tại đây. Hiện thời, đây là chủng viện quốc tế và là trụ sở Tổng Quyền của Các Cha Dòng Thương Khó. Vương Cung Thánh Đường này là hiệu tòa của Đức Hồng Y Spen-mân (Spellman)[11], trước đó Vương Cung Thánh Đường này là hiệu tòa của Đức Hồng Y Pa-xê-li (Pacelli), sau trở thành Giáo Hoàng Pi-ô XII. Công cuộc khảo cứu và trùng tu được đề cập trên đây được Đ.H.Y Spen-mân (Spellman) tài trợ về tài chánh.

          Tọa lạc giữa trung tâm Đế Quốc Rô-ma, nhưng Đồi Xê-li-ân (Coelian) đã bị các dân man rợ và động đất biến thành nơi hoang vu cô tịch cho tới ngày nay. Tu viện trên đồi này đã trở thành trung tâm cho các cuộc linh thao cá nhân cũng như tập thể dưới sự hướng dẫn của các Cha Dòng Thương Khó. Cốt yếu của những hướng dẫn cho tới ngày nay vẫn theo Qui Luật được đề ra từ năm 1805. Nhập đề của những điều luật này dài dòng, nhưng đầy đủ: “Theo lệnh của Bề Trên Tổng Quyền, thì những chỉ dẫn và qui luật phải được tuân giữ trong suốt những cuộc linh thao thông thường thức hay đặc biệt được diễn ra trong năm do các giáo sỹ hoặc giáo dân đến nơi Tĩnh Tâm của thánh Gio-an và Phao-lô thành Rô-ma. 1805”.

          Sổ đăng ký của những người đến tĩnh tâm được trữ lại từ năm 1914. Trong “Sổ đăng ký đón tiếp những người đến tĩnh tâm tại Nhà Tĩnh Tâm của các Thánh Gio-an và Phao-lô từ năm 1854 đến năm 1876”, nơi trang 148 và 149, dưới đề mục “chữ E”, có ghi như sau: “-Năm: 1863. -Ngày nhập: ngày 17. -Tháng: tháng 5. -Tên họ và tên gọi: E-ma D. Phê-rô. -Xứ sơ: Pa-ri. -Tình trạng hiện tại: Vị Sáng Lập Dòng Thánh Thể. -Bậc sống: Linh Mục. -Nơi cư ngụ: Thánh Brít-giét (Bridget). -Tự ý tới hay ai gởi tới: Tự ý đến. -Ngày rời: ngày 25. -Tháng: tháng 5. - Ghi chú: Cử hành Thánh Lễ hằng ngày”.

          Từ ngày 17 đến 25 tháng 5 năm 1863, không có nhóm tĩnh tâm nào tại Nhà Tĩnh Tâm này. Chỉ có 3 người khác cùng đến tĩnh tâm riêng, tất cả đều tự ý đến và không tương hợp nhau:

- Một cậu bé 13 tuổi tên là Giu-sê-pê Mi-kê-lê-ti (Giusepe Micheletti), công nhân của hãng xà-bông. Cậu đến tĩnh tâm từ ngày 20 đến 24 để chuẩn bị Rước Lễ Lần Đầu.

- Một luật sư 37 tuổi, tên là Các-lô Scôt-ti (Carlo Scotti). Tĩnh tâm từ 18 đến 24.

- Một nhân viên quan thuế ở Phe-ra-ra (Ferrara) tên là Stê-pha-nô Ven-pi-a-nô (Stefano Velpiano), 52 tuổi. Đến tĩnh tâm từ ngày 17 đến 27.

          Như vậy, chúng ta có thể kết luật chắc chắn rằng, cha E-ma đã tĩnh tâm riêng. Vị Giám Đốc Tĩnh Tâm, người giám sát việc tuân giữ qui luật tĩnh tâm là cha Gas-pa (Gaspar: 1814-1872). Tuy nhiên chúng ta có thể tin chắc rằng, nếu cha E-ma cần đến sự giúp đỡ hoặc hướng dẫn của bất cứ linh mục nào trong tu viện, ngài sẽ được thỏa mãn. Ngài đã đến với cha Ba-gin (Bazil: 1826-1900), một người bạn của ngài, nói được tiếng Pháp và Anh, và đặc trách những người tĩnh tâm nước ngoài[12]. Phải chăng cha E-ma đã xưng tội với cha Ba-gin vào thứ bẩy ngày 23? Chúng ta chỉ có thể phỏng đoán như vậy thôi.

          Theo Qui Luật, cha E-ma phải dự các giờ kinh của các tu sỹ và lần hột. Ngài ăn cùng lúc và tại phòng ăn của các tu sỹ. Vào năm 1863, sỹ số của tu viện Các Thánh Gio-an và Phao-lô là 32 linh mục và khoảng 15 tu huynh.

          Theo chương trình riêng của cha E-ma, những Ghi Chú cho biết, ngài suy gẫm vào buổi sáng và buổi chiều. Mặc dầu Qui Luật chỉ thị cho vị Giám Đốc Tĩnh Tâm như sau: “Hãy thận trọng đề nghị với các linh mục, tục lệ đáng ca tụng và hiện vẫn còn phổ biến ở các Nhà Tĩnh Tâm, theo đó thì các linh mục nên tạm ngưng dâng Lễ trong 3 ngày đầu tiên để tâm hồn được sốt sáng hơn hầu cử hành Hi Lễ cực kỳ cao trọng như vậy”[13]. Tuy nhiên, Sổ Đăng Ký lại ghi, cha E-ma “đã cử hành Thánh Lễ mỗi ngày”.

          Chúng ta không thấy đề cập đến ngài đã Chầu Thánh Thể hoặc Viếng Chặng Đàng Thánh Giá. Viếng Chặng Đàng Thánh Giá là việc thường lệ của những người tĩnh tâm tại đây.

          Cũng không có bằng chứng nào cho biết ngài đã viết bất cứ thư từ nào trong khoảng thời gian từ 17 đến 25 tháng 5 năm 1863. Bảng liệt kê theo thứ tự thời gian về các thơ của ngài được xuất bản hay không được xuất bản, chỉ đề cập tới các thờ ngài đã viết vào các ngày 6, 16 và 30 tháng 5 năm 1863. Ngoài ra, luật cũng cấm viết thơ trong thời gian tĩnh tâm. Cũng không có bằng chứng nào cho biết ngài đã ra ngoài để kính viếng bất cứ Thánh Đường nào.Chúng ta không có những chi tiết về các sáng ngài sử dụng trong thời gian tĩnh tâm này. Nhà Tĩnh Tâm có “một danh sách các sách giúp suy gẫm hoặc để đọc dành cho mọi giới và mọi bậc tại Nhà Tĩnh Tâm này[14]. Danh sách đó bao gồm một phần “dành cho các giáo sỹ tu dòng, những suy niệm và bài đọc thiêng liêng”. Cha E-ma có sử dụng những sách này hay không, không ai được biết.

3- CUỘC TĨNH TÂM

a- Cơ hội

          Cơ hội dẫn tới cuộc tĩnh tâm này là biến cố ban hành Sắc Lệnh Tán Thưởng Dòng của Đức Giáo Hoàng. Nhưng có lẽ yếu tố thúc đẩy mạnh mẽ hơn cả là ngài muốn suy tư trước Thiên Chúa về tất cả những trách nhiệm, nhất là những trách nhiệm thuộc lãnh vực thiêng liêng, hậu quả của Sắc Lệnh Thử Nghiệm Dòng do Tòa Thánh ban hành.

b- Tính cách duy nhất

          Tính cách duy nhất của cuộc tĩnh tâm này là cuộc khảo sát các khía cạnh khác nhau của công cuộc thiết lập Dòng mà Đức Giáo Hoàng vừa chính thức ban hành Sắc Lệnh Thử Nghiệm, đặc biệt là sự khảo sát về sự thánh thiện mà Vị Sáng Lập phải có theo như kết quả của Sắc Lệnh Thử Nghiệm đòi hỏi. Như vậy, chúng ta có thể gọi Cuộc Tĩnh Tâm Thứ Nhất ở Rô-ma này là Cuộc Tĩnh Tâm của Đấng Sáng Lập.

c- Nhìn Hội Dòng trong Chúa

          Khi nhìn Hội Dòng trong Chúa, cha E-ma nhận thấy một ơn, một sự trợ giúp gần như một phép lạ, đó là một nguồn ơn thiêng tuôn chẩy không ngừng xuống trên Hội Dòng. Suy niệm ngày thứ hai là một bài ca tạ ơn lòng nhân hậu của Chúa.

d- Khảo sát Hội Dòng qua các phần tử                                      

          Khảo sát về Hội Dòng qua các phần tử, ngài đã đối diện với một bức họa không nguyên chỉ đen tối mà thôi, nhưng còn là một cuộc hành quyết nữa. Dự kiến về đau khổ chi phối suốt 2 trang đầu của Ghi Chú: “Theo bản chất, cái chết này làm tôi kinh hoàng! Thật đáng sợ! Tôi cảm thấy thời của cái chết ấy đã tới”. Những phát biểu thật ý nghĩa.

e- Vai trò của Vị Sáng Lập

          Cha E-ma đã đặc biệt nhìn Hội Dòng qua vai trò của ngài là Đấng Sáng Lập: ý thức về những trách nhiệm của mình trước Thiên Chúa, trước Hội Dòng, trước các tu sỹ của ngài, nghĩa là một cuộc khảo sát về tất cả những gì mà sự thánh thiện đích thực đòi hỏi ở một Vị Sáng Lập, cùng với những hậu quả tất yếu do đòi hỏi ấy phát sinh ra. Đó là ghi chú chủ yếu và tổng hợp của cuộc tĩnh tâm này. Bằng chứng là những lời mở đầu sau: “Tôi đi tĩnh tâm là để trở thành vị thánh. Để thể hiện được như vậy, tôi cảm thấy phải chết cho mọi sự”.

4- NHỮNG YẾU TỐ CHÍNH CỦA CUỘC TĨNH TÂM

a- Nhìn nhận những bất toàn

          Ánh sáng thần linh đã thấu tận thâm sâu của tâm hồn cha E-ma và tỏ cho ngài thấy rõ những bất toàn mà ngài đã nhìn nhận với lòng khiêm tốn và đã diễn tả bằng những nét đặc sắc. Tuy nhiên, cũng như trong Cuộc Đại Tĩnh Tâm ở Rô-ma, chúng ta không nên hiểu những diễn tả ấy theo nghĩa đen của từ ngữ, và phải luôn nhớ rằng, do khiêm tốn hoặc do sự kích thích đặc biệt của Thiên Chúa mà ngài đã phóng đại, hoặc đã dùng thể văn ngoa ngữ để diễn tả những bất toàn ấy. Sự thánh thiện hệ tại chiến thắng liên tục đối với di sản mà chúng ta lãnh nhận được từ nơi A-đam và thường thì sự chiến thắng ấy chỉ trong chốc lát. Chúng ta phải hiểu như vậy khi cha E-ma kết án mình về tánh kiêu căng tự phụ, ích kỷ, lười biếng việc thiêng liêng, thiếu đời sống nội tâm, quá bận tâm đối với những việc bề ngoài, thiếu tin tưởng nơi Thiên Chúa, thiếu hãm mình, nhẹ dạ v.v.

b- Thanh tẩy tâm hồn

          Công cuộc thanh tẩy tâm hồn của cha E-ma nhờ đau khổ, đó là một phần quan trọng đáng kể trong cuôc tĩnh tâm này. Với hình thức tổng hợp, bằng những mệnh đề phụ và những thành ngữ hiểu ngậm, cuộc Tĩnh Tâm Thứ Nhất ở Rô-ma cho biết Vị Thánh của chúng ta đã chia sẻ thánh giá với Chúa Ki-tô: “Tôi sẽ phải đau khổ do mọi người gây ra và không được tỏ dấu gì. Tôi sẽ phải niềm nở, tử tế và sẵn sàng làm một số việc và sẽ không để ai biết những nỗi khổ tâm của tôi. . . Cái nhìn đó làm tôi kinh hoàng”. Ngài đã cảm tạ Chúa về những thánh giá riêng của ngài và đã cầu nguyện để được “vui trong đau khổ”.

c- Chết cho chính mình

          Ngay từ trang đầu của Ghi Chú Tĩnh Tâm, ngài đã nói về chết cho chính mình bằng những từ ngữ rõ rệt “Tôi cảm thấy để được như vậy (tức để trở thành một vị thánh), tôi sẽ phải chết cho mọi sự . . . Cái chết này cho tôi thấy những hi sinh. . . Tôi nhận thấy, thời của cái chết này đã tới”.

d- Cuộc hoán cải

          Cùng với cái chết, chỉ 5 năm sau đó, cha E-ma đã đề cập tới cuộc hoán cải, tới việc “đặt mình . . . dưới tác động của ơn Chúa”. Chắc chắn ngài muốn ám chỉ cuộc hoán cải theo ý nghĩa cao cả nhất của từ ngữ, đó là cuộc hoán cải đòi hỏi cuộc chiến thắng cụ thể của sự thánh thiện đối với toàn thể cuộc đời ngài.

e- Vị kỷ và khổ chế

          Ngài dành 2 buổi suy niệm để khảo sát về vị kỷ (self-love) và khổ chế, đó là hai vấn đề tương quan mật thiết với nhau và ngài đã đưa ra những phương dược cụ thể, tích cực và hữu hiệu để thực hành khổ chế các nghiêm chỉnh và thiết thực.

f- Hồi tâm trong Chúa

          Về những yếu tố tích cực của công cuộc thánh hoá là các nhân đức, cha E-ma chỉ đề cập thoáng qua mà thôi, như: tin tưởng nơi Chúa, ý thức về Chúa, khiêm nhường, thành thực, khát vọng nên hoàn thiện v.v. Ngài chủ ý tập trung mọi nỗ lực vào sự hồi tâm, nhìn sự vật trong Chúa, phó thác mình cho Thiên Chúa, tham kiến Thầy chí thánh về mọi sự “Hồi tâm trong Chúa sẽ là nguồn an ủi cho tâm hồn tôi. . . Tôi phải tuyệt đối cố gắng sau khi đã hồi tâm trong Chúa, nhờ đó Người sẽ trở thành sự thật và luật sống cho cuộc đời tôi”.

g- Cốt yếu của linh đạo

Cha E-ma nhấn mạnh đến điểm linh đạo chính yếu của ngài, đó là công cuộc nội tâm hóa trong Chúa Giê-su Thánh Thể: “Lời khuyên nhủ, sức mạnh và các nhân đức của tôi chỉ ở nơi một mình Chúa Giê-su mà thôi. . . . Tôi sẽ gắn bó và khóa chặt tôi lại với Nhà Tạm thần linh này. . . Chính tôi, phải là đầy tớ trước tiên của Ngôi Vị đáng tôn thờ của Người. . . Rốt cuộc, tôi hiểu rằng, Thiên Chúa ưa thích những tác động của tâm hồn, hiến lễ bản vị của tôi, hơn những hoạt động bề ngoài, rằng tác động nội tâm làm vinh danh và đẹp lòng Chúa hơn tất cả mọi công cuộc tông đồ trên thế gian này”.

h- Những đòi hỏi nơi Vị Sáng Lập

          Cha E-ma đã khảo sát tất cả những đòi hỏi về sự thánh thiện cá nhân trong tương quan với vai trò của ngài là Đấng Sáng Lập Dòng Thánh Thể. Sự kiện Hội Thánh chính thức công nhận công cuộc của ngài, chắc chắn là một trong những biến cố lịch sử cảm động và quan trọng nhất trong cuộc đời ngài, và lẽ tất nhiên, là Vị Sáng Lập, ngài phải quan tâm lo lắng về sự thánh thiện của Hội Dòng, về công cuộc đào tạo tinh thần thánh thể cho các tu sỹ của Dòng, về việc thực hành đời sống nội tâm ở trong Dòng v.v. Những Ghi Chú Tĩnh Tâm chứng tỏ điều đó. Đôi khi ngài chỉ đề xuất vấn đề đó mà thôi: “Tôi phải nên giống một người mẹ hơn. . . Phần tốt hơn của công cuộc  bề ngoài của Hội Dòng đã hoàn tất. Phần nội tâm còn lại phải được chăm lo và đây sẽ là công cuộc gai góc hơn. Tôi sẽ phải gánh lấy công cuộc này. Tôi sẽ phải trả cho mỗi ơn kêu gọi một giá bằng chính cái chết và tôi sẽ không để ai nhận ra điều đó. Tôi phải phục vụ Hội Dòng bằng chính đau khổ. . . Tôi sẽ phải vừa là trung tâm, vừa là luật pháp. . . Nguyên tắc đầu tiên của phục vụ là: luật pháp phải ưu tiên hơn các cá nhân. . . Nước Thánh Thể của Chúa Giê-su Ki-tô, vinh quang của Người, đó là lương thực nuôi dưỡng tình yêu của tôi ‘Chúa Giê-su phải lớn lên, còn tôi thì phải nhỏ đi’ (Ga.3:30)”.

Có thể nói, trong khi tĩnh tâm, ngài đã có được cái nhìn bao quát về viễn tượng thiêng liêng, ngài viết: “Tự do và sức mạnh nhờ khổ chế; ánh sáng nhờ hồi tâm; năng lực nhờ tình yêu”.

5- BẢN VĂN

          Thủ bản ghi chú cuộc tĩnh tâm này gồm 22 trang. Các trang không được đánh số. Ngày nay tài liệu này được đánh số trang từ 1 đến 22, đó là do công lao công lao của cha Tơ-nay-ông (Tenaillon). Trong Tập IV, Loạt O, thuộc Sưu Tập E-ma, cuộc Tĩnh Tâm Thứ Nhất ở Rô-ma chạy dài từ trang 403 đến 424.

          Chữ viết tay dễ đọc và khá đẹp, ngoại trừ 4 chỗ ý nghĩa không được rõ.

          Trong những ghi chú của cuộc tĩnh tâm này, chúng ta gặp những đoạn và những cụm từ tối nghĩa, đó là khuyết điểm chung của những ghi chú riêng thuộc loại này. Những ghi chép vắn tắt chỉ nhằm để tác giả sử dụng, vì thế chỉ có tác giả mới có đủ thẩm quyền xác định ý nghĩa về những gì mập mờ, và nối kết những quãng bỏ trống.

Nếu đọc những ghi chú này theo bản gốc bằng tiếng Pháp, chúng ta có thể tự do chấp nhận mọi ý nghĩa của bài suy niệm và cứ để nguyên như vậy. Nhưng để dịch thuật thì không thể như vậy được. Nếu muốn dịch gì, người ta phải cố gắng xác định ý nghĩa mập mờ trước để tìm ra ý nghĩa xác thực, rồi mới có thể dịch trúng ý được. Nói cách khác, người dịch phải lấp đầy những chỗ bỏ trống bằng cách thêm vào đó những nối kết. Thường thì người ta chỉ phỏng đoán mà thôi.

LM Dominic Nguyễn Phúc Thuần, SSS


 

[1] Thơ, tập V, tr. 139, ngày 28 tháng 3 - Thơ, tập I, tr. 220, ngày 11 tháng 4.

[2] Thơ, tập I, tr. 220, 267. Tập V, tr. 206.

[3] Thơ, tập V, tr. 140.

[4] Thơ, tập V, tr. 206.

[5] Thơ, tập I, tr. 268.

[6] Thơ, tập V, tr. 350

[7] Thơ, tập V, tr. 297.

[8] Thơ, tập V, tr. 308.

[9] Coi thơ gởi cha Chanuet ngày 10 tháng 6 năm 1863. Thơ tập I, tr. 223

[10] Thơ, tập II, tr. 253

[11] Đ.H.Y Spellman là Giám Mục New York, người đỡ đầu và ủng hộ công cuộc của Tổng Thống Ngô Đình Diệm

[12]Nuớc ngoài” ở đây ám chỉ không phải là người Ý

[13] Qui Luật, 1805, tr. 8

[14] Qui Luật 1805


  


 

© 2016 Dongthanhthe.net. All rights reserved.