5- TÂM HỒN CHA E-MA
Cuộc Đại Tĩnh Tâm ở Rô-ma đã biểu lộ cách đặc biệt tâm hồn của cha E-ma “hoàn toàn cởi mở trước Thiên Chúa”[1]. Cuộc Đại Tĩnh Tâm đã biểu lộ tâm hồn Đấng Sáng Lập của chúng ta các rõ rệt và khách quan, biểu lộ bản chất nhân loại cách rõ ràng cùng với đặc điểm siêu nhiên và những ân sủng của một vị thánh.
A- NHỮNG YẾU TỐ NHÂN LOẠI
Những yếu tố nhân loại, đó là những yếu tố bất toàn: Với tất cả sự thẳng thắn và đau khổ, cha E-ma đã kết án những bất toàn của ngài. Có thể nói, ngài đã cho chúng ta thấy rõ cảm nghiệm về đặc điểm nhân loại của ngài, cảm nghiệm ấy thực sự và đặc biệt là nền tảng nhân loại mà trên đó sự thánh thiện của ngài được xây dựng. Sự kết án này làm cho Đấng Sáng Lập của chúng ta trở nên rất gần gũi với tình trạng thấp kém của chúng ta, nhưng đồng thời cũng khích lệ chúng ta nỗ lực đạt tới tình độ thánh thiện mà Chúa mong muốn ở nơi chúng ta.
Những bất toàn chính mà cha E-ma kết án ngài là: khoe khoang, trí khôn luôn hiếu động, đam mê nghiên cứu học hỏi, thiếu nghiêm túc, tâm hồn cứng cỏi, gắn bó với thụ tạo, hoạt động quá mức, thiếu dè dặt, thiếu suy niệm khi chầu, thất thường; thiếu thinh lặng, khiêm tốn, hiền từ, tông trọng v.v.
a- Trước hết, chúng ta cần ghi nhớ rằng, từ một vị thế và trạng thái cao, với sự bén nhậy trước những thực tại thiêng liêng và dưới ảnh hưởng của những ơn đặc biệt, chính trong tình trạng đó mà cha E-ma đã khảo sát tâm hồn ngài, những thái độ bề trong và bên ngoài của ngài. Dưới ánh sáng rạng rỡ, với tầm nhìn trong sáng và với cái nhìn sắc sảo, chúng ta cũng như cha E-ma sẽ thấy nhiều sự vật hơn và rõ rệt hơn. Vì thế khi ca tụng những “Thú Nhận” của cha E-ma theo tiêu chuẩn và trạng thái thiêng liêng của ta là một điều sai lầm, thiếu thận trọng và quá tự phụ.
b- Hơn nữa, mọi tâm hồn thánh thiện đều cảm thấy cần phải hạ mình xuống, phải phơi bày ra trước lương tâm và trước Thiên Chúa những bất toàn, những cùng cực và yếu đuối của mình để có thể tự hạ và tự khinh. Mặc dầu khiêm nhường phải dựa trên sự thật, nhưng sự thật về con người của ta là yếu đuối, cùng cực và hư vô, còn về Thiên Chúa thì Người là Đấng cao sang và quyền năng tuyệt đối.
c- Ngoài ra cũng cần lưu ý rằng, không có ân sủng hoặc sự thánh thiện nào có thể tẩy xóa được những hậu quả của tội nguyên tổ hay những khuyết điểm của bản chất con người về phương diện thể lý cũng như tâm lý. Cha E-ma đã cảm nghiệm rằng ngài là một trong những con cháu của A-đam: “Đó là điều tôi tìm kiếm nhưng không thấy, linh hồn gian ác ở trong tôi. Đời sống tôi là một mầu nhiệm đối với tôi. Dường như tôi không muốn sự gì khác ngoài một mình Thiên Chúa, nhưng lúc nào tôi cũng cảm thấy, tôi chẳng yêu một ai khác ngoài chính mình tôi”[2]. Chúng ta có thể nhận thấy sự gia diết trong những phát biểu ấy.
Cha E-ma cũng phân tích những những đặc tính về con người của ngài, đó là con người:
- “nhút nhát, hăng say và không thích bị gò bó”[3];
- “bép xép, thiếu dè dặt”[4];
- “thiếu dè dặt quá mức”[5];
- “dễ bị kích động”[6];
- “quá dễ khi bị ảnh hưởng”[7]
Rồi ngài viết: “đặc tính lơ là … là điều tự nhiên đối với tôi, đó là hậu quả của bệnh nhức đầu từ hồi niên thiếu của tôi”[8].
d- Sau cùng, chúng ta cũng phải luôn nhớ rằng, lối văn của cha E-ma, dưới ảnh hưởng của khiêm nhường, đã phóng đại những khuyết điểm của ngài. Bởi thế, chúng ta không được hiểu theo sát nghĩa những phát biểu như:
- “Tôi đang ở trong tình trạng lạnh nhạt bất trung”[9]
- “Tôi chỉ mới thi hành được một ít điều tốt, còn lại toàn là điều xấu, và trong ít điều tốt ấy, tôi đã thi hành cách tội tệ và bất toàn”[10].
- “Chính tôi là người đáng phải loại ra khỏi Dòng vì bất xứng, và phải hạ bệ vì bất tài”[11].
- “Tất cả những ân cần ấy đã không đạt được kết quả trong quá trình biến tôi thành người ki-tô hữu tốt”[12].
- “Tôi chưa là kẻ tôn thờ đích thực, tôi chưa có được trình độ thánh thiện sơ đẳng của bậc sống tôi, chưa có được nhân đức thô sơ thuộc ơn kêu gọi tu sỹ của tôi”[13].
- “Tất cả đều tồi tệ và ghê tởm biết bao! Tôi luôn cho rằng, tôi đã dâng lên Chúa chút gì là tốt lành, tâm hồn tôi. Nhưng tôi nhận thấy sự thực không phải vậy, điều tuyệt hảo nhất tôi tưởng ở trong tôi, thì lại là điều tồi tệ hơn hết, thể xác của tôi”[14].
- “Tôi chính là người trực tiếp chịu trách nhiệm về việc phụng sự tồi tệ đối với Chúa. Người mới chỉ nhận được một chút vinh quang từ nơi Hội Dòng, một Hội Dòng tốt đẹp biết bao và đầy hứa hẹn biết chừng nào!”[15].
Đề cập đến sự tự kết án mình của cha E-ma, cha Tes-ti-e (Tesnière) viết:
“Không gì cao đẹp hơn là tâm hồn khiêm nhường của một vị thánh; những kết án ngài chồng chất lên mình ngài là bằng chứng những cố gắng lớn lao ngài thực hiện để đạt tới trình độ hoàn hảo hơn. Mặc đầu thành thật trong những thú nhận dài, thấu đáo và chi tiết, nhưng những tự thú ấy sự thực không phải những lầm lỗi nặng nề hay những tập quán xấu xa tội lỗi. Trái lại, trong nhiều trường hợp đó quả thực là nhân đức anh hùng của ngài, nhưng do khiêm tốn, ngài đã gia diết những thiếu sót của ngài . . . Cho tới khi cha E-ma thực hiện cuộc tĩnh tâm này, ngài chưa hề phạm một tội trọng nào và đã thành công trong việc siêu thoát khỏi những gắn bó với tội nhẹ, có thể nói ngài không phải chiến đấu với những cám dỗ phạm tội cho bằng một số thiếu sót bẩm sinh của ngài, như: hoạt động của trí năng cản trở tâm hồn ngài kết hiệp mật thiết với Chúa, hay những khó khăn mà đời sống nội của ngài phải đương đầu do lòng sốt sáng thái quá hay do những trách nhiệm chồng chất lên ngài”.
Trong báo cáo về những tài liệu do cha E-ma viết, chính vị kiểm duyệt của Thánh Bộ Lễ Nghi, trong Tập R2-17, bao gồm cả Cuộc Đại Tĩnh Tâm ở Rô-ma (256-606) cũng nói: “Lòng đạo đức phi thường và khát vọng nên thánh của linh mục này thật lớn lao, sau này ngài trở thành tu sỹ Dòng Đức Mẹ (Marist) và Vị Sáng Lập Dòng Thánh Thể. Nhưng theo ngài mô tả tâm hồn mình thì có lẽ vì quá khiêm tốn, ngài đã nêu lên một số khuyết điểm, điều đó chỉ chứng tỏ ngài đã cố gắng biết bao để đạt tới sự thánh thiện, đó quả là một khích lệ lớn lao cho những ai muốn đạt tới sự hoàn thiện ki-tô giáo”.
B- YẾU TỐ CỦA SỰ THÁNH THIỆN
Yếu tố của sự thánh thiện tức là Các nhân đức. Cha E-ma đã ghi lại những bất toàn và lầm lỗi của ngài, đã khảo sát và phân tích chúng cách kỹ lưỡng, và tuy phóng đại chúng theo sự khiêm tốn của ngài, nhưng cũng luôn tôn trọng sự thật, luôn chân thành và nhìn nhận những ơn của Chúa. Chính vì thế, đôi khi ngài cũng ghi lại những nhân đức của ngài. Nhưng ngài thường dừng lại ở những khuyết điểm nhiều hơn. Thực ra nói về các nhân đức của ngài thì phù hợp với thực tế hơn. Dầu vậy, đôi khi do bộc phát và chân thành, ngài cũng phát biểu về tình trạng tâm hồn thánh thiện của ngài, về các nhân đức, về những cảm nghiệm hiệp nhất với Chúa và tình yêu nồng nàn đối với Người, về các ơn ngài nhận được, về những cố gắng lớn lao trong việc theo đuổi con đường thánh thiện, về những tài năng thiêng liêng và trình độ thánh thiện của ngài.
Trước hết, những thú nhận đẹp đẽ biết bao đã phản ảnh tâm hồn thánh thiện của ngài, những thú nhận ấy diễn ra rất thường:
- “Chúa . . . yêu thương tôi hơn, Người ban cho tôi biết bao ơn . . . Người đã chẳng hề từ chối tôi ơn gì”[16].
- “Chúa đã lôi kéo tôi bằng cách hoạt động nơi tâm hồn tôi . . . Ôi, lạy Chúa Trời con, khi nào Chúa mới chiếm ngụ tâm hồn này, tâm hồn được dựng nên cho Chúa, rất cần đến Chúa và chỉ khao khát một mình Chúa mà thôi”[17].
- “Chúa nhân lành đã yêu thương tôi quá chừng! Thánh Thể đã luôn thống trị đời sống tôi”[18].
- “Tình yêu Chúa đã không tỏ ra âu yếm dịu dàng với tôi trong lúc này, đó là một ân huệ, chẳng vậy tôi đã ngừng lại ở đây rồi”[19].
- Vào ngày 12 tháng 2, trong khi Chầu và cám ơn rước lễ khi cầm sách và đọc một số kinh, ngài coi đó là “một cám dỗ”[20].
- “Tôi cảm tạ Chúa vì Người đã gìn giữ tôi trong đức khiết tịnh của người đời, trong đức trong sạch của bậc linh mục và của đời sống khấn dòng, tôi nhìn nhận ơn Chúa đối với tôi thực lớn lao biết bao!”[21].
- “Chỉ cần thoáng nhìn về quá khứ, tôi cũng nhận thấy chính Chúa đã hướng dẫn và chỉ dạy cho tôi là kẻ chỉ muốn Người là Thầy duy nhất trong mọi sự”[22].
- “Nỗi buồn thường bám sát tôi khi tôi ra ngoài thế gian, tôi cảm thấy nguy hiểm, lạ lẫm, ở ngoài trung tâm, và tôi sợ hãi. Tôi phải vội vã trở lại căn phòng tâm hồn tôi”[23].
- “Tôi quá gắn bó với bình an của tâm hồn, với sự ngọt ngào của hồi tâm, với niềm vui về Chúa”[24].
- Ngày 1 tháng 3, ngài kinh ngạc vì “Chiều nay, 2 lần tôi đã quên không nghĩ đến Chúa, và có lần suốt cả tiếng đồng hồ”[25].
- Ngày 14 tháng 3, ngài tuyên bố với sự xúc động sâu xa: “Con xin thề là con sẽ yêu mến Chúa khi sống cũng như lúc chết”[26].
- “Tôi sẽ lãnh được nhiều ơn hơn từ hoàn cảnh đó. Có lẽ tôi sẽ yêu mến Chúa nhân lành hơn”[27].
- “Lạy Chúa Trời con, này con đây, con đang ở trong Vườn Cây Dầu với Chúa Giê-su. Phải chăng thánh ý Chúa muốn con phải chịu mọi phản bội? Phải bị mọi người chối bỏ? Không một ai nhìn nhận con? Con trở thành gánh nặng, nguồn gây bực bội và điều ôn nhục? ‘Lạy Chúa này con đây, hãy thiêu hủy, bằm nát, lột trần, và hạ nhục con đi, nhưng xin ban cho con tình yêu và ân sủng của Chúa hôm nay, cùng với thánh giá và sự nghèo khó của ngày mai, miễn là cho con trở thành bệ chân cho Bánh Cực Thánh”[28].
- “Tôi chết hay ít nhất cũng hấp hối khi phải xa Trái Tim thần linh này . . . Tôi thực sự cảm thấy sức khỏe và trí tuệ tôi chỉ tồn tại được nhờ Chúa và trong Chúa mà thôi”[29].
Nhìn vào toàn thể Cuộc Đại Tĩnh Tâm, chúng ta cũng phải ngưỡng mộ các nhân đức mà cha E-ma đã sống và tiết lộ ra trong những Ghi Chú Tĩnh Tâm của ngài: Tình yêu đối với Chúa và Đức Mẹ, đời sống nội tâm, đời sống mật thiết và kết hiệp với Chúa Giê-su và Chúa Giê-su trong Thánh Thể, tấm lòng quảng đại và tận tụy, những nhân đức đối thần, các nhân đức trông cậy, khiêm nhường, các nhân đức thuộc đời sống tu dòng như khiết tịnh, khó nghèo, bác ái, lòng yêu mến thánh giá, đức khiêm tốn, nhẫn nại, thành thực, những trách nhiệm của Vị Sáng Lập, đời sống cầu nguyện, nhiệt tâm đối với việc tôn thờ v.v.
Những gì được ghi lại về các nhân đức này không bao nhiêu, nhưng đáng kể hơn cả và quan trọng hơn hết là cố gắng bền bỉ, tích cực và thành thực của cha E-ma để đạt tới những nhân đức ấy, hay nói đúng hơn, để nên hoàn thiện trong việc thực hành các nhân đức ấy.
Công cuộc đạt tới các nhân đức phải trải qua nhiều giai đoạn hay khía cạnh khác nhau. Công cuộc ấy gồm có: phân tích về bản chất và những lợi ích của nhân đức; nghiên cứu nhân đức ấy nơi tâm hồn ngài, và quyết định cụ thể về nhân đức ấy; khảo sát nhân đức ấy nơi đời sống Chúa Giê-su và Người đã thực hành nhân đức ấy thế nào. Đối với cha E-ma, cốt yếu của các nhân đức là yếu tố ki-tô (Christian element), nghĩa là Chúa Ki-tô đã sống nhân đức ấy thế nào.
Có thể nói, đó là phương pháp mà cha E-ma đã noi theo khi thực hành đức khiêm nhường, khó nghèo, sự trung thành với Qui Luật, đức khiêm tốn, hiền từ, kiên nhẫn, chấp nhận thánh giá v.v. Tuy nhiên, nhân đức cao cả nhất đòi hỏi nỗ lực lớn lao hơn hết và cha E-ma đã đặc biệt chú tâm hơn cả trong các buổi linh thao của Cuộc Đại Tĩnh Tâm là dâng lên Chúa Hiến Lễ Bản Vị để được kết hiệp với Người theo gương mẫu của cuộc hiệp nhất giữa bản tính nhân loại với Ngôi Lời. Vấn đề này sẽ được đề cập tới sau cách sâu rộng hơn.
C- NHỮNG YẾU TỐ THẦN LINH
Những yếu tố thần linh gồm: các ân sủng và yếu tố thần bí: Công cuộc sửa chữa những khuyết điểm, đắc thủ và hoàn thiện các nhân đức, đó là công cuộc tích cực và cá nhân thuộc lãnh vực tu đức, công cuộc ấy là yếu tố chủ yếu trong Cuộc Đại Tĩnh Tâm.
Tất nhiên, cha E-ma đã thực hiện tất cả những công cuộc thiêng liêng này với sự trợ giúp của ân sủng, cùng với những sức mạnh siêu nhiên của ân sủng trong trạng thái của tâm hồn mà theo ý kiến của nhiều người thì đó có thể là trạng thái thần bí, nhưng thực ra yếu tố tu đức có vẻ trổi vượt hơn.
Sự trổi vượt của yếu tố tu đức không nhất thiết phải loại trừ yếu tố thần bí. Tuy nhiên, để kiểm chứng chắc chắn về sự hiện diện của yếu tố thần bí, đặc biệt là để xác định và giải thích những tác động của yếu tố này, đó không phải là vấn đề dễ dàng. Trong thực tế, rất khó có thể xác định rõ rệt được vấn đề này.
Khó khăn thứ nhất là những định nghĩa hay quan niệm do các tác giả thần học tu đức và thần bí đề ra. Hiện tượng thần bí hệ tại yếu tố nào? Cần phải có yếu tố nào thì một thực tại mới được coi là thần bí?
Khó khăn thứ hai là việc nhận dạng những thực tại của đời sống thần bí. Đó là một tiến trình phức tạp, rất dễ đi tới sai lầm: “Để nhận biết và đánh giá chính xác mọi nguyên nhân, nội cũng như ngoại tại, có ảnh hưởng đến tâm hồn, và tác động vào tình trạng của tâm hồn vào lúc được sự can thiệp siêu nhiên, điều đó vượt mọi khả năng của trí tuệ con người. Quả thực, đôi khi người ta có thể ý thức được đôi chút về ảnh hưởng của một sức mạnh hay sự can thiệp từ bên ngoài tác động vào bản ngã của mình, và người ta chỉ có thể kết luận, nếu không chắc chắn thì cũng một phần nào đó, đây là sự can thiệp có nguồn gốc siêu nhiên. Nhưng thường thì không thể phân biệt được tác động đặc biệt của ơn thánh với tác động của những yếu tố tự nhiên, và trong những trường hợp họa hiếm mà người ta có thể nghi đó là tác động đặc biệt của ơn thánh, ngay cả trong trường hợp ấy thì theo kinh nghiệm của các nhà tu đức, đó cũng chỉ là phỏng đoán thôi”[30].
Chúng ta cũng không nên quên những yếu tố quan trọng khác, đó là cá tính của cha E-ma: Sự nhậy cảm, dễ xúc động, khuynh hướng nội quan (introspectiveness) của ngài. Ba nét cá tính đặc biệt ấy được ngài kiềm chế chặt chẽ và cẩn thận, cùng với cách hành văn riêng của ngài như đã đề cập tới trước đây.
Theo những đặc điểm ấy, chúng ta có lý khi chủ trương những ý kiến sau đây liên quan đến Cuộc Đại Tĩnh Tâm.
a- Một số ơn phi thường là do tác động đặc biệt của Chúa. Điều đó không nghĩa, mỗi lần cha E-ma nói: “Chúa đã phán với tôi . . . Chúa đã khiến tôi . . .” là chúng ta có thể kết luận ngài đã nhận được ơn phi thường. Nhưng trong nhiều trường hợp, bản văn và mạch văn có thể hiểu được cách dễ dàng và đơn giản, nếu chúng ta thừa nhận sự can thiệp siêu nhiên trên bình diện trí tuệ, ý chí hay cảm xúc. Mô tả tỉ mỉ những ơn này, đó là cuộc phiêu lưu táo bạo và thiếu khách quan.
Có nhiều thí dụ liên quan đến vấn đề này. Chẳng hạn cha E-ma viết cho bà Na-ta-li Gioóc-đăng (Natalie Jordan) về “éclatante lumière” (= cái nhìn hay sự hiểu biết rõ rệt)[31], cụm từ này không rõ nghĩa lắm[32]. “Những nước mắt”, đôi khi được đề cập tới, cũng có thể là một ơn đặc biệt, nhưng cũng có thể chỉ do xúc động mạnh của cha E-ma mà thôi.
b- Một số những mô tả và thú nhận mà chúng ta gặp thấy trong Cuộc Đại Tĩnh Tâm dường như chỉ ám chỉ tình trạng thanh luyện thụ động, đó là “đêm tối tâm thần” theo thánh Gio-an Thánh Giá.
c- Liên quan đến mức độ của đời sống thần bí, hay nói cách khác, “tuổi thiêng liêng” của cha E-ma trong thời gian tĩnh tâm, thì theo thiển ý, cuộc tĩnh tâm đã để lại rất ít dấu chỉ để có thể đưa ra những kết luận chắc chắn và rõ rệt về vấn đề này.
Cũng cùng một lý do đó, tất cả mọi cố gắng để khám phá và nhất là để phác họa ra “lộ trình thần bí - tu đức” của Cuộc Đại Tĩnh Tâm đều không thể được. Vì thiếu những bằng chứng về tư liệu, nên những cố gắng như vậy chỉ dẫn đến những công cuộc nghiên cứu từ sai lạc vì định kiến đến xuyên tạc các bản văn và sự kiện.
Những ơn ở Xanh-Rô-măng (Saint-Romans), ở giáo xứ thánh Phao-lô tại Li-ông (Lyons: 1845), tại Phuốc-vi-e (Fourvière: 1851), tại La Xen-xuyệc-Me (La Seyne-sur-Mer: 1853), được ban trước Cuộc Đại Tĩnh Tâm ở Rô-ma, chắc chắn phải để lại những ấn tượng thiêng liêng sâu đậm nơi tâm hồn cha E-ma.
Cuộc tĩnh tâm ở Xanh-Mô-ris (Saint-Maurice) từ 27 tháng 4 đến ngày 2 tháng 5 năm 1868, cho biết những trường hợp về “cuộc thanh luyện” của đêm tối tâm thần. Ngài cũng nói rõ về những ơn ở Phuốc-vi-e (Fourvière), ở La Xen-xuyệc-Me (La Seyne-sur-Mer), và có thể ở cả giáo xứ thánh Phao-lô tại Li-ông (Lyons) nữa, nhưng ngài không hề đả động đến Cuộc Tĩnh Tâm thứ I ở Rô-ma vào 3 năm trước đó, ngoại trừ khi chúng ta phải truy nguyên lại Cuộc Tĩnh Tâm thứ I ở Rô-ma khi cuộc tĩnh tâm này đề cập đến khởi đầu của tình trạng đau khổ và sầu muộn thiêng liêng được ám chỉ trong cuộc tĩnh tâm ở Xanh-Mô-ris, trong đó hai lần ngài nói đến đau khổ vì sầu muộn thiêng liêng này trong hai năm rưỡi, và trong một suy niệm khác, trong ba năm.
Chính lời khấn hiến dâng bản vị với lời khấn tư vĩnh viễn, động tác mà chúng ta coi là tột đỉnh hay bước ngoặt của cuộc tĩnh tâm, kể cả tác động ấy cũng có vẻ không phải là kết quả của ơn đặc biệt, ít nhất chúng ta không có đủ bằng chứng để quả quyết đó là ơn phi thường.
Bởi vậy chúng ta có thể chấp nhận ý kiến cho rằng khó có thể xác định và xếp loại rõ rệt trình độ cao nhất của đời sống thiêng liêng nơi tâm hồn cha E-ma trong Cuộc Đại Tĩnh Tâm mà tột đỉnh là lễ hiến dâng bản vị với lời khấn tư vĩnh viễn.
Tuy nhiên, điều chắc chắn và hiển nhiên là đối với cha E-ma, Cuộc Đại Tĩnh Tâm ở Rô-ma, như Đức Ông Trô-su (Trochou) viết: là “điểm phát xuất quí giá, trong đó ngài đã tiến được một bước vượt mức bình thường trên đường thánh thiện; ngài đã được dẫn vào hiệp lộ (Unitive way) tiếp giáp với đỉnh cao siêu mà một tâm hồn quảng đại tột bậc đã dứt khoát không từ chối Chúa bất cứ điều gì có thể đạt tới được nhờ ơn đặc biệt nâng lên”[33].
Cha Tes-ni-e (Tesnière), trong thiên khảo cứu gồm 170 trang về Cuộc Đại Tĩnh Tâm ở Rô-ma, đã không đặc biệt nhấn mạnh đến yếu tố thần bí, nhưng đề cập đến những hiệu quả của Cuộc Đại Tĩnh Tâm này đối với đời sống cha E-ma bằng những lời sau đây:
“Sau khi quan sát ngài cách cẩn thận trong 3 năm cuối cùng của đời ngài tiếp theo cuộc canh tân thiêng liêng rất nghiêm chỉnh này, với tất cả tâm hồn và lương tâm, chúng tôi quả quyết rằng người tôi tớ của Chúa đã trung thành thực hiện tất cả những quyết định của các cuộc linh thao thánh thiện này, và không phải đó chỉ là ước muốn suông, nhưng trong thực tế, với một phong cách tuyệt vời, ngài đã khiêm nhường, hiền hòa, nhún nhường, trong sạch, hãm mình, kiên nhẫn trong đau khổ và cam chịu vì Chúa trong những khó khăn lớn lao nhất; đầy lòng tin tưởng, cậy trông và bác ái; tử tế và tận tình với hết mọi người; nhiệt tâm và hoạt động đến độ kiệt lực; nhất là trầm tư, hiệp nhất với Chúa, sống nội tâm, chăm chỉ cầu nguyện hơn, một con người hoàn toàn siêu nhiên nhờ thăng tiến liên tục, ngài tới gần cuộc sống trên trời hơn, cuộc sống mà không bao lâu sau ngài được vui hưởng mãi mãi. Chúng tôi không tin rằng, những công cuộc của sự thánh thiện đã có thể duy trì được những khát vọng tốt lành và những quyết định thánh thiện cách hiệu quả như vậy, nhưng là tâm hồn nóng nẩy rực cháy của ngài, với tình bác ái mãnh liệt như vậy, nên ngài đã yêu mến Chúa không nguyên chỉ ‘trong lời nói . . . nhưng còn trong hành động và chân lý’ theo sự giới thiệu của thánh Gio-an” (1Ga.3,18).
[1] Cha Tesnière
[2] Ngày 15 tháng 2, Suy niệm 3
[3] Ngày 13 tháng 2. Suy niệm 3
[4] Ngày 14 tháng 2. Suy niệm 3
[5] Ngày 8 tháng 3. Suy niẹm 1
[6] Ngày 9 tháng 3. Suy niệm 3
[7] Ngày 23 tháng 3. Suy niệm 2
[8] Ngày thú 4. Suy niệm 3
[9] Ngày 9 tháng 2. Suy niệm 3
[10] Ngày 20 tháng 2. Suy niệm 1
[11] Ngày 24 tháng 2. Suy niệm 2
[12] Ngày 27 tháng 2. Suy niệm 1
[13] Ngày 3 tháng 3. Suy niệm 3
[14] Ngày 6 tháng 3. Suy niệm 2
[15] Ngày 18 tháng 3. Suy niệm 1
[16] Ngày thứ ba. Suy niệm 3
[17] Ngày thứ bốn, Suy niệm 3
[18] Ngày 1 tháng 2. Suy niệm 1
[19] Ngày 9 tháng 2. Suy niệm 2
[20] Suy niệm 1
[21] Ngày 15 tháng 2. Suy niệm 1
[22] Ngày 17 tháng 2. Suy niệm 1
[23] Ngày 25 tháng 2. Suy niệm 3
[24] Ngày 26 tháng 2. Suy niệm 1
[25] Suy niệm 3
[26] Suy niệm 1
[27] Ngày 20 tháng 3. Suy niệm 3
[28] Ngày 21 tháng 3. Suy niệm 1
[29] Ngày 23 tháng 3. Suy niệm 1
[30] De Guibert, Lecon de Theologie Spirituelle, I, tr. 259.
Qui Luật của chúng ta - Chú giải, Tập I, tr. 112.
[31] Ngày 9 tháng 4 năm 1865
[32] Coi: Thơ gởi Bà Natalie Jordan ở cuối từ muc F về những tư tưởng chính của cuộc tĩnh tâm; từ mục F đề cập đến hiến lễ bản vị
[33] French Biography, tr.361