Giải Thích Yếu Tố Tổng Quát Trong Buổi Cử Hành Thánh Thể

Bài 6

Đọc và tìm hiểu

Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới Kỳ XI

Về Bí Tích Thánh Thể

của Đức Giáo Hoàng Beneđicto XVI gửi các Giám mục, Linh mục, Phó tế những người Thánh hiến và các tín hữu Giáo dân

Rôma 2007

              

BÍ TÍCH TÌNH YÊU

Thánh Thể, nguồn suối và tột đỉnh của đời sống và sứ mệnh của Giáo Hội.

XI

GIẢI THÍCH YẾU TỐ TỔNG QUÁT

TRONG BUỔI CỬ HÀNH THÁNH THỂ

Sau khi nói về việc huấn luyện phụng vụ và huấn giáo vào các cử chỉ và biểu hiệu, cũng như các bản văn, lễ nghi cử hành phụng vụ Thánh Thể, và sau khi nói về nghệ thuật cử hành Thánh Thể. Tông Huấn “Bí Tích Tình Yêu” đã giải thích ý nghĩa một số lễ nghi và yếu tố khác có tính cách tổng quát khi cử hành phụng vụ và khi cử hành Thánh Thể. Tôi muốn nói qua ở đây để giúp đọc chính bản văn của Tông Huấn.

1. Thái độ tôn trọng các sách phụng vụ và sự phong phú của các biểu hiệu (s. 41)

Nghệ thuật cử hành nhắm tới các hình thức bên ngoài để cử hành như sự hòa hợp giữa các lễ nghi, các biểu hiệu như bàn thờ, toà công bố Lời Chúa, nhà tạm Thánh Thể, Thánh Giá, ghế chủ sự (s. 41); các y phục phụng vụ; các đồ đạc, các bình thánh, dùng trong buổi cử hành Thánh Thể; màu sắc chỉ định cho từng thời gian phụng vụ, cho từng buổi lễ, ngôn ngữ dùng trong phụng vụ, cử điệu thân xác như đứng quỳ, ngồi, cúi đầu, cúi mình, hôn kính, nằm phủ phục, hôn chúc, thinh lặng phải giữ (s. 40). Như vậy Tông Huấn đã đi vào cụ thể và thực hành (s. 40).

Tuy nhiên các linh mục và các người có trách nhiệm cử hành Thánh Thể cần lưu ý tới các sách phụng vụ, tức là Sách Lễ Rôma, Sách Các Bài đọc, Sách Phúc Âm để phó tế công bố trong Thánh Lễ, Sách các lời nguyện tín hữu, Sách các bài thánh vịnh đáp ca để hát, Sách các bài hát trong Thánh Lễ cho ca đoàn và cho cộng đoàn khi cử hành Thánh Thể. Ngoài ra còn có sách để cử hành các giờ kinh phụng vụ, cử hành các bí tích và phụ tích, Sách nghi thức chỉ dẫn các lễ nghi cho Giám Mục khi cử hành phụng vụ. Các sách này do Hội Đồng Giám Mục soạn thảo, dịch ra và chấp thuận, và xin Tòa Thánh chuẩn y cho phép dùng. Các Sách này chứa đựng nội dung thần học và kho tàng lâu đời của Giáo Hội. Đó không phải là những sách soạn thảo theo hứng, nhưng  theo truyền thống phụng vụ lâu đời và được khởi hứng bởi Kinh Thánh, các giáo phụ. Vì thế, có nội dung thần học, phụng vụ sâu xa đáng kính. Các sách này có phần nhập đề tổng quát (Institutio generalis Missalis Romani, Praenotanda) nói tới một số điểm thần học liên hệ tới lễ nghi, trình bày bố cục các lễ nghi, phận vụ các thừa tác viên, các điều cần giữ, cần phải có khi cử hành, quyền hạn của giám mục giáo phận, quyền hạn của các Hội Đồng Giám Mục, việc thích nghi lễ nghi cho các vùng văn hóa và truyền thống khác nhau.

Riêng về các sách cử hành Thánh Lễ, chúng ta có Văn Kiện ở đầu Sách Lễ Rôma, gọi là “Quy Luật Tổng Quát” (Institutio generalis Missalis Romani) và “Phần nhập đề tổng quát sách các bài đọc trong Thánh Lễ” (Praenotanda Ordinis Lectionum Missae). Tông Huấn đã lưu ý đặc biệt tới hai Văn Kiện này, vì chứa đựng kho tàng lớn lao về thần học, phụng vụ, nghi lễ và luật pháp (s. 40). Chúng ta thường bỏ qua không đọc các văn kiện này. Có nhiều  điều nghi ngờ và câu trả lời cho các nghi ngờ này có thể tìm được trong Văn Kiện này mà không phải đi tìm câu hỏi ở đâu xa. Tông Huấn nói: “Sự chú ý và tuân phục cơ cấu riêng của từng lễ  nghi, tất cả để diễn tả việc nhận biết hồng ân Thánh Thể, các thái độ này biểu lộ ý muốn của thừa tác viên đón nhận hồng ân khôn tả này, với lòng biết ơn dễ bảo” (s. 40).

2. Nghệ thuật thánh (s. 41)

Vì vẻ đẹp và phụng vụ có mối liên hệ sâu đậm, nên nghệ thuật phải đem hết mọi khả năng của mình để phục vụ buổi cử hành phụng vụ (s. 41). Các điểm cần lưu ý trong vấn đề này:

Hãy tạo cho tín hữu nếm được hương vị vẻ đẹp trong những gì liên hệ tới Thánh Thể. Vì thế, nghệ thuật thánh có tác dụng huấn giáo làm cho nhận ra ý nghĩa thánh thiêng của các yếu tố mỹ thuật như những dấu chỉ.

Tất cả các yếu tố về mỹ thuật phải nhắm tới mục đích là bảo toàn sự kính trọng mầu nhiệm của Thiên Chúa, tính cách duy nhất của đức tin và tăng cường lòng sùng mộ.

Cần cho thấy tính cách duy nhất giữa các yếu tố mỹ thuật của nơi  thờ phượng, như gian cung thánh, làm sao cho có sự hòa hợp, có tổ chức.

Tại gian cung thánh, cần làm sao cho có chỗ di dịch thuận tiện cho các thừa tác viên khi cử hành phụng vụ, vì đây là cử hành các mầu nhiệm thánh.

Trường hợp đặc biệt liên hệ tới chỗ đặt Nhà Chầu (Nhà Tạm) Mình Thánh Chúa, Tông Huấn nói tới khá tỉ mỉ, vì Nhà Tạm là chỗ lưu giữ và đặt Mình Thánh Chúa để tín hữu thờ lạy (s. 69). Về cách xếp đặt phải làm sao giúp tín hữu nhận ra sự hiện diện đích thực của Chúa Giêsu Thánh Thể. Điều này liên hệ tới lối kiến trúc của nhà thờ và gian cung thánh. Vì thế, đèn chầu phải được dùng để cho thấy sự hiện diện đích thực của Chúa Giêsu Thánh Thể; dùng đèn dầu hơn là những cách thế khác; việc đặt ghế của chủ sự không che khuất Nhà Tạm. Trong các nhà thờ mới xây cất, nếu được, thì đặt nhà tạm Mình Thánh Chúa ở gần gian cung thánh, hay nếu không thể được thì đặt Nhà Tạm trong gian cung thánh, ở vị thế cao hơn, ở giữa phần cuối cuối nhà thờ dễ nhận ra được, với các đồ  trang hoàng nghệ thuật sao cho xứng đáng. Nhưng trong vấn đề này, hãy theo các chỉ dẫn của Văn Kiện “Các quy luật tổng quát Sách Lễ Rôma” (Institutio generealis Missalis Romani) và theo quyết định của Giám Mục (s. 69).

Các tiêu chuẩn này, cũng như các lời nhắn nhủ khác cũng phải đem áp dụng cho việc vẽ tranh ảnh đạo, hội họa và điêu khắc.

Do đó, phải huấn luyện các chuyên viên về vấn đề nghệ thuật thánh, nhất là các linh mục ngay từ thời họ còn là chủng sinh.

3. Âm Nhạc phụng vụ (s. 42)

Tông Huấn đã bàn riêng về âm nhạc dùng trong phụng vụ và cho nó một tầm mức quan trọng đặc biệt(s. 42).

Tông Huấn đưa ra những lý do thần học và lý do từ suy luận của lý trí, trưng dẫn lời của thánh Augustinô; âm nhạc là thành phần của buổi cử hành phụng vụ. Vậy phải cho dân Chúa, khi tham dự phụng vụ, họ hát những bài hát ca tụng Thiên Chúa. Như Giáo Hội từ 20 thế kỷ nay, đã luôn tìm ra những hình thức âm nhạc xứng hợp và thánh thiêng dùng trong phụng vụ. Tất cả những tác phẩm âm nhạc này không chỉ là những sáng tác trong phạm vi nghệ thuật, nhưng là kho tàng đức tin của Giáo Hội. Các bài hát trong buổi cử hành phụng vụ không thể cho rằng tất cả giống nhau, mà có tiêu chuẩn sáng tác, chọn lựa chân chính, như phải coi các bài hát là những cách thế diễn tả đức tin, tạo ra lòng tôn kính, tạo ra lòng yêu mến đối với Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể ; (s. 42; x. Đề nghị số 25); thích hợp với mầu nhiệm được cử hành, với lúc cử hành và theo năm phụng vụ (s. 42, x. Đề nghị 29). Điều này phải được lưu ý trong ba phạm vi sau đây: sáng tác, âm điệu và trình diễn và hát lên (s. 42).

Vậy phải tránh các sáng tác tại chỗ nhất thời không cho thấy ý nghĩa của phụng vụ.

Riêng Đức Thánh Cha Beneđicto XVI, theo ý kiến của các Giám mục trong Thượng Hội đồng giám mục thế giới, đã muốn (dùng đại danh từ “TÔI”) rằng thánh nhạc Grêgôriô phải được đánh giá thích hợp vì đó là loại âm nhạc riêng của phụng vụ Rôma (s. 42). Về sau Đức Thánh Cha (cũng dùng đại danh từ “TÔI”) còn nhắc lại điều này cách cụ thể hơn: đó là làm sao cho các linh mục hiểu tiếng Latinh để cử hành Thánh lễ bằng tiếng Latinh, cũng như có thể xử dụng được âm nhạc bình ca; đồng thời cũng phải giáo dục tín hữu giáo dân về điểm này để họ có thể hát một số bài thánh ca bằng tiếng Latinh và theo điệu bình ca nhất là trong các buổi Lễ quốc tế (s. 62)[5].

4. Việc thích nghi phụng vụ vào các nền văn hóa khác nhau (s. 54).

Đây là vấn đề có tầm mức đặc biệt trong việc canh tân phụng vụ trong hai nhãn giới: thần học, với nền tảng là mầu nhiệm nhập thể (s. 54) và theo nhu cầu giúp tín hữu tham dự vào các buổi cử hành phụng vụ cách tích cực và hữu hiệu theo như các yếu tố văn hóa và truyền thống của mình. Việc thích nghi này được nói tới ngay ở đây, vì ngoài việc dịch bản văn phụng vụ từ tiếng Latinh ra các ngôn ngữ địa phương, việc thích nghi trong nghệ thuật và âm nhạc được nhận ra một cách rõ ràng hơn và có một nhạy cảm khá rõ rệt, như chúng ta thấy trong việc sáng tác nhạc phụng vụ theo điệu nhạc cổ truyền Việt Nam và xây dựng nhà thờ, làm các đồ dùng thánh trong phụng vụ theo lối kiến trúc và sản xuất đồ dùng theo kiểu Việt Nam. Về việc thích nghi phụng vụ, Tông Huấn khẳng định lại vai trò của nó và chỗ đứng của nó và nó vẫn còn hữu ích, thiết thực, cho dù có những lạm dụng đi quá đà (s. 54). Nhưng trong phạm vi cử hành Thánh Thể, cần theo các chỉ dẫn của văn kiện “Các quy luật tổng quát Sách Lễ Rôma” (Institutio generealis Missalis Romani) và các chỉ dẫn do Huấn thị IV về Phụng vụ Rôma và các nền văn hóa Varietates legitimae (25-1-1994), cũng như các Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới, khóa đặc biệt cho Phi Châu, Mỹ Châu, Á Châu, Châu Đại Dương, Âu Châu. Về điểm này, riêng Đức Thánh Cha Beneđicto XVI cũng đã nhắn nhủ (dùng đại danh từ “TÔI”) các Hội đồng giám mục thu xếp các thích nghi một cách quân bình theo các chỉ thị và cùng làm việc chung với Tòa Thánh (s. 59). Điều này cũng áp dụng cho phạm vi nghệ thuật thánh và âm nhạc phụng vụ.

Tông Huấn bàn tới hai yếu tố quan trọng trong buổi cử hành Thánh Thể: nghệ thuật thánh và âm nhạc phụng vụ. Việc thực hiện các công trình trong hai phạm vi này cũng phải được nhìn dưới các chỉ dẫn của việc thích nghi phụng vụ.

 

XII

GIẢI THÍCH MỘT SỐ YẾU TỐ TRONG CƠ CẤU CỬ HÀNH THÁNH THỂ

Tiếp tục bài huấn giáo bí tích Thánh Thể (la mystagogie sacramentelle), Tông Huấn “Bí Tích Tình Yêu” giải thích một số yếu tố trong Nghi thức cử hành Thánh Lễ. Chúng ta nói là một số, vì Đức Thánh Cha Beneđicto XVI chỉ muốn đưa ra một phương pháp để các người có trách nhiệm lo công việc này, như giám mục (s. 37), linh mục, phó tế, giáo sư phụng vụ, giáo lý viên, theo đó mà thi hành giải thích các yếu tố. Chính Ngài (dùng đại danh từ “TÔI”) nói như sau: “Sau khi đã nhắc lại những yếu tố chính yếu về nghệ thuật cử hành (ars celebrandi) như đã thấy nêu lên trong các buổi làm việc của Thượng Hội Đồng Giám Mục thế  giới kỳ XI, Tôi muốn lôi kéo chú ý một cách đặc biệt tới một số phần của bố cục của việc cử hành Thánh Thể, là những phần, vào thời đại chúng ta, cần phải lo lắng đặc biệt để có thể trung thành với ý muốn sâu xa mà Công đồng Vaticanô II muốn, trong khi tiếp theo truyền thống lớn lao của Hội Thánh” (s. 43). Theo Đức Thánh Cha các phần của lễ nghi cần được giải thích thêm sau đây, vì đã chịu những cách thế áp dụng không được đúng như ý muốn của Công Đồng Chung Vaticanô II và phần nào đó đã đi ngược truyền thống của Hội Thánh đã có từ hai ngàn năm nay. Vì thế cần lưu tâm và lôi kéo sự chú ý của mọi người vào vấn đề này.

1. Tính cách duy nhất nội tại trong hành động phụng vụ Thánh Lễ (s. 44).

Sự duy nhất giữa phụng vụ Lời Chúa và phụng vụ Thánh Thể có tính cách nội tại (s. 44), nghĩa là theo chính bản tính của chúng, mà không phải là hai phần riêng biệt nhau, biệt lập nhau, rồi nghi lễ đem gán ghép lại với nhau ở bên ngoài, hoặc đặt chúng gần gũi nhau theo sự thuận tiện.

Sự duy nhất này có tính cách nội tại, vì Lời Chúa phát sinh đức tin, tăng cường đức tin bằng của ăn Thánh Thể (s. 44). Lời Chúa được công bố và sẽ hoàn tất với việc cử hành Thánh Thể (s. 44). Đó là hai bàn tiệc nuôi dưỡng tín hữu, bàn tiệc Lời Chúa và bàn tiệc Thánh Thể. Lời Chúa còn đem lại cho các cử chỉ, biểu hiệu ý nghĩa thánh thiêng, để chúng không phải chỉ là những thực tại tầm thường trong đời sống hằng ngày. Từ cái nhìn thần học này, việc xếp đặt gian cung thánh cũng cần được lưu ý: bàn thờ là để cử hành Thánh Thể, bục công bố Lời Chúa là bàn tiệc Lời Chúa, do đó hai nơi thánh thiêng, cần được tôn kính, không để những gì khác ngoài những vật dụng để cử hành; không dùng chúng vào những công việc khác, như đọc lời rao và các chỉ thị tại bục công bố Lời Chúa. Người đọc các lời hướng dẫn phải đứng ở chỗ khác, các ca trưởng cũng không đứng tại đó...

2. Phụng vụ Lời Chúa (s. 45).

Trước khi đưa ra những chỉ dẫn cụ thể, Đức Thánh Cha (2 lần dùng đại danh từ “TÔI”) đã cho thấy lý do phải chú ý đặc biệt vào phụng vụ Lời Chúa với những lý do thần học: vì khi đọc Lời Chúa, Hội Thánh ý thức chính Chúa Kitô hiện diện giữa cộng đoàn phụng vụ theo cách thế bí tích, nghĩa là theo các dấu hiệu hữu hình mà Ngài chọn lựa và ấn định (s. 45), Ngài nói với Dân Chúa; vì Lời Chúa liên hệ nội tại với chính con người Chúa Kitô (s. 45). Việc học hỏi này giúp quý trọng Lời Chúa, cử hành xứng đáng và sống đích thực Lời Chúa nói với chúng ta (s. 45). Phần nhập đề tổng quát sách các Bài đọc trong Thánh Lễ (Praenotanda, Ordo Lectionum Missae, editito typica II, 1981) ấn bản mẫu lần thứ II năm 1981, giúp ích rất nhiều cho việc học hỏi này.

Ngoài việc học hỏi trên đây, cũng cần cầu nguyện bằng Lời Chúa qua các hình thức chính thức của Giáo Hội (s. 45), như cử hành phụng vụ giờ kinh, nhất là giờ Kinh sáng và Kinh chiều, Giờ Kinh tối, Giờ Kinh vọng các lễ trọng (s. 45). Hình thức Lectio divina (Đọc Lời Chúa bằng chiêm niệm và cầu nguyện cũng giúp ích rất nhiều và ngày nay đang thịnh hành trong các nhóm, các cộng đoàn tu sĩ, giáo dân.

Để có được điều mong muốn này, chúng ta cần lưu ý tới các điểm thực hành sau đây: thừa  tác viên đọc sách thánh cần được chỉ định trước và chuẩn bị kỹ càng qua sự hiểu biết Lời Chúa, sách thánh (s. 45), kỹ thuật đọc trước công chúng, thái độ của thân xác trước công chúng, y phục khi ra trước công chúng. Không nên chỉ định người đọc sách thánh vài phút trước khi tới giờ đọc. Điều này càng phải áp dụng cách triệt để hơn với các linh mục và phó tế. Cũng cần tôn trọng bục công bố Lời Chúa trong gian cung thánh, các sách bài đọc sách thánh trong Thánh Lễ. Sách cũ và đã rách tan nát, cần loại bỏ và thay bằng sách bài đọc mới. Sau Thánh Lễ cũng cần đặt Sách bài đọc tại những nơi xứng đáng. Có thể nói vài lời dẫn nhập với mục đích gây chú ý cho cộng đoàn (s. 45), nhưng phải lưu ý đừng trở thành một bài giảng trước, làm cho bài giảng chính thức mất ý nghĩa, cũng như làm cho chính Bài sách thánh hết hiệu lực.

3. Bài giảng (s. 46)

Bài giảng được coi là yếu tố chính của Phụng vụ Lời Chúa nhằm giúp cộng đoàn hiểu sâu rộng Lời Chúa vừa được công bố (s. 46). Vì thế Đức Thánh Cha nhắn nhủ (dùng đại danh từ “Tôi”) để nhắn nhủ các thừa tác viên có chức thánh là những vị có quyền giảng trong Thánh Lễ theo giáo luật và theo luật phụng vụ, phải lưu tâm đặc biệt về những khía cạnh sau đây: làm cho hoàn hảo các bài giảng, dọn bài giảng kỹ lưỡng, nội dung bài giảng phải trình bày các điểm chính rút từ các bài sách thánh vừa được công bố và các bản văn phụng vụ, lưu ý tới mục đích khuyên nhủ và giáo huấn của bài giảng, không chỉ nói tổng quát trên bình diện lý thuyết trừu tượng, mà phải đi vào thực tế của đời sống (s. 46). Nên chuẩn bị một tài liệu (homélies thématiques) đề nghị các đề tài đầy đủ theo như 4 phần trong Sách Giáo lý của Hội Thánh Công giáo, cũng như bản tóm lược của sách Giáo Lý này: các chân lý đức tin, phụng vụ, luân lý và việc cầu nguyện dựa theo chu kỳ sách thánh 3 năm của Sách các Bài đọc.

4. Lễ nghi dâng lễ vật (s. 47)

Lý do được đưa ra để giải thích ý nghĩa thật đáng nói tới của việc dâng lễ vật là: về khía cạnh thần học, đây là một lễ nghi đơn sơ, nhưng cho thấy giá trị các tạo vật trước nhan Thiên Chúa (s. 47). Con người mang dâng lên Thiên Chúa, cùng với sức làm việc, khổ đau của nhân loại để đặt tin tưởng vào Ngài và khẩn khoản Ngài chúc phúc. Trong khía cạnh phụng vụ, đây là mối dây nối kết giữa phần phụng vụ Lời Chúa và phụng vụ Thánh Thể. Do hai lý do này, việc dâng lễ vật tuy đơn sơ, nhưng thật quan trọng, tự nó đã có ý nghĩa đầy đủ. Vì thế không cần đem vào đó những điều gì không thích hợp và làm mất ý nghĩa trong sáng của nó (s. 47).

5. Kinh nguyện Thánh Thể (s. 48)

Đây là kinh nguyện quan trọng trong khi cử hành Thánh Thể. Phụng vụ gọi là lời nguyện đại thể (l’euchologie majeure), khi so sánh với các lời nguyện khác trong Thánh Lễ, như lời nguyện nhập lễ, lời nguyện tiến lễ, lời nguyện hiệp lễ và lời nguyện trên dân chúng.

Ý nghĩa thần học phụng vụ của Kinh nguyện thánh thể là: đây là trung tâm và tột đỉnh của tất cả buổi cử hành Thánh Thể (s. 48). Các Kinh nguyện thánh thể được ghi trong Sách Lễ Rôma, có một truyền thống sống động lâu đời trong Giáo Hội, vì thế chúng mang theo một kho tàng phong phú từ thần học tới tu đức (s. 48).

Tông Huấn nhắn nhủ phải làm rõ ý nghĩa sâu xa của các Kinh nguyện thánh thể này trong các điểm sau đây: giải thích cho giáo dân hiểu rõ sự phong phú này, hiểu rõ các phần, các hành động thánh gói ghém trong lời kinh quan trọng này, như việc tạ ơn, tung hô, cầu khẩn Chúa Thánh Thần, bài tường thuật việc Chúa Kitô lập phép Thánh Thể, việc truyền phép, việc dâng tiến hy tế, lời khẩn cầu cho kẻ sống và kẻ chết và sau cùng là lời tung hô đại thể “AMEN” dâng lên Chúa Ba Ngôi. Văn kiện “Các quy tắc tổng quát Sách Lễ Rôma” (Institutio generalis Missalis Romani) giúp hiểu ý nghĩa các phần và các hành động này (s. 48). Trong Sách Lễ Rôma, có 4 Kinh nguyện thánh thể chính, 2 Kinh nguyện thánh thể “giao hòa”, 4 Kinh nguyện thánh thể dùng cho các nhu cầu khác nhau, 3 Kinh nguyện thánh thể trong Thánh lễ dành cho trẻ em. Vì thế các linh mục nên thay đổi việc chọn đọc các Kinh nguyện thánh thể này, đừng chỉ đọc một Kinh nguyện thánh thể thứ II mà thôi.

6. Cử chỉ ban bình an (s. 49).

Cử chỉ ban bình an trong Thánh Lễ được Tông Huấn bàn tới vì những lý do thần học và thời sự của thế giới ngày nay. Cử chỉ này có ý nghĩa thật đặc biệt vì Thánh Thể tự mình là bí tích của bình an và hiệp nhất, nằm sâu trong tâm khảm của con người và trong Giáo Hội. Và ngày nay hòa bình đang bị đe dọa khắp nơi. Vì thế Giáo Hội khẩn khoản xin ơn bình an cho toàn thể thế giới và gia đình và cá nhân. Không lúc nào hơn trong Thánh Lễ, lời cầu khẩn này có ý nghĩa và được nhận lời cách hữu hiệu vì Chúa Kitô là Chúa của sự bình an đang hiện diện trong Thánh Thể bằng chính Thịt Máu của Ngài (s. 49).

Việc trao ban bình an cho nhau trong Thánh Thể mang ý nghĩa lớn lao, tuy nhiên cần thể hiện cách điều độ và làm cho thấy rõ ý nghĩa đích thực của nó, hơn là một hành động, cử chỉ bên ngoài trống rỗng và cản trở thái độ hồi tâm và việc rước lễ tiếp theo sau (s. 49). Chỉ nên trao ban bình an với những người bên cạnh gần mình mà thôi (s. 49). Trong Đề nghị 23, các giám mục cũng bàn hỏi xem các Cơ quan của Tòa Thánh có thể dời cử chỉ ban bình an này vào lúc dâng lễ vật không (s. 49, chú thích 150).

7. Việc trao Mình Thánh và rước lễ (s. 50)

Lúc rước lễ tín hữu gặp gỡ Chúa Kitô hiện diện đích thực bằng Mình và Máu của Ngài. Vì thế, việc rước lễ thật quan trọng và cần lưu ý để được thể hiện làm sao cho thấy ý nghĩa này.

Từ lý do thần học trên đây, Đức Thánh Cha Beneđicto XVI (dùng đại danh từ “TÔI”) đã xin mọi thừa tác viên có chức thánh và những người khác lưu tâm tới những điểm sau đây:

Chỉ để cho các thừa tác viên ngoại lệ cho rước lễ khi có lý do thật cần thiết và họ đã được chuẩn bị kỹ càng (s. 50). Khi có linh mục, phó tế, thì chính các ngài phải cho rước lễ, thay vì ngồi không và để cho một số giáo dân cho rước lễ.

Hãy theo kỷ luật về vấn đề này được ghi nhận trong các văn kiện của Tòa Thánh và trung thành tuân thủ với tinh thần đức tin và lòng mộ mến Chúa Giêsu Thánh Thể (s. 50).

Sau đó Đức Thánh Cha (cũng dùng dại danh từ “TÔI”) để lưu tâm tới việc cho rước lễ trong một số trường hợp đặc biệt (s. 50): tín hữu bỏ lâu năm không đi nhà thờ và bây giờ đi dự các lễ như lễ cưới, lễ an táng. Các người thuộc các Giáo hội ngoài Công giáo tham dự các Thánh Lễ do Công giáo cử hành (s. 50). Vì thế nếu thấy bất tiện thì thay thế Thánh Lễ bằng Phụng vụ Lời Chúa (s. 50). Điều này chúng ta đã bàn tới trên đây, khi nói về Thánh Thể và Bí tích Thống hối và Hòa giải.

8. Lời chào cuối lễ “Ite Missa est” (s. 51).

Lễ nghi cuối cùng trong Thánh Lễ là việc giải tán dân chúng với lời chào chúc mọi người ra về “Ite Missa est”: “Lễ xong chúc anh chị em đi bằng an”. Trong truyền thống phụng vụ, lời chúc này có ý nghĩa là “gửi đi”, giải tán, rồi nó mang thêm ý nghĩa là được sai đi. Từ đây, lễ nghi này có ý nghĩa nối kết Thánh Thể với đời sống. Vì thế, cần giúp tín hữu hiểu rõ ý nghĩa của đòi hỏi chính yếu của đức tin là làm chứng trong đời sống của mình, bắt nguồn từ chính Thánh Lễ. Do đó, các giám mục đã đề nghị để bản văn dùng trong lúc này có thể làm sao cho sáng tỏ ý nghĩa thần học và truyền giáo trên dây.


[5] Chú ý: Tông huấn đã  không bàn tới những vấn đề  phiên dịch các bản văn phụng vụ, mà chỉ nói chung về bản văn dùng trong phụng vụ. Việc dịch bản văn phụng vụ là bước quan trọng đầu tiên để giúp tín hữu tham dự phụng vụ cách tích cực và để hội nhập văn hoá.

            Lm. Phanxicô Borgia Trần Văn Khả

© 2016 Dongthanhthe.net. All rights reserved.