Thánh Thể, Đức Kitô Tự Hủy Để Ban Ơn Cứu Độ

Đức Kitô tự huỷ để hiện diện giữa loài người qua việc nhập thể. Người cử hành hy tế thập giá trên bàn thờ, để thông ban ơn cứu độ. Do đó, hy tế Thánh Thể biểu lộ sự tự huỷ thẳm sâu nhất của Đức Kitô; Người dâng mình cho Chúa Cha để được đi sâu vào thế giới loài người, trao ban chính mình cho họ, để họ được sống và sống dồi dào sự sống của Người.

Khi lập Bí Tích Thánh Thể, Đức Kitô đã xác định sự hiện diện của Người trong Bí Tích Thánh Thể là sự hiện diện với tư cách là Đấng dâng mình làm lễ vật hy tế. Vì thế, trong hy tế Thánh Thể, Người tự huỷ trong chính sự hiện diện của Người và tự huỷ trong việc Người dâng hiến chính mình. Nói đúng hơn, để hiện tại hóa hy tế cứu độ, Ngôi Lời Nhập thể đã tự huỷ để hiện diện, để dâng hiến chính mình trong hy tế Thánh Thể.

Con Thiên Chúa làm người đã chọn con đường tự huỷ  để loại trừ quyền lực của tội lỗi. Đó là đường lối theo lẽ khôn ngoan của Thiên Chúa để cứu độ loài người vì"Thiên Chúa sai Con mình đến mang thân xác giống thân xác tội lỗi chúng ta để đền tội chúng ta, Thiên Chúa đã lên án tội trong thân xác Con mình" (Rm 8, 3). Chính trong đường lối tự huỷ đó, Đức Kitô biểu lộ Người là sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa (1Cr 2, 24). Người đã tái tạo lại thế giới qua việc nhập thể, Người đã lấy chính Mình và Máu Người để nuôi dưỡng con cái mình.

Mặt khác, trong lệnh truyền “hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”, từ “nhớ” ở đây là từ liên kết tưởng nhớ việc làm và lời của Chúa Giêsu trong bữa tiệc ly, đồng thời hiện tại hóa giao ước mà Chúa đã thiết lập bằng chính Máu Người.

Khi gọi Máu Người là Máu Giao Ước, Đức Kitô cho thấy chỉ có một giao ước duy nhất, giao ước đã thể hiện trong chính Người và đã thể hiện qua giao ước núi Sọ để cứu chuộc nhân loại. Như thế, Thánh Thể vừa là giao ước vừa là hy tế. Giao Ước này tuy kế thừa truyền thống Cựu Ước nhưng hoàn toàn mới mẻ, đặc thù cho Tân Ước.

Sự kế thừa truyền thống Cựu Ước này cũng mang tính tưởng niệm, vì Chúa Giêsu đọc lời truyền phép: “Này là máu Thầy, máu giao ước”. Đức Giêsu nhắc đến giao ước Sinai, được ký giữa Thiên Chúa và con người qua trung gian là Môsê. Chúa Giêsu muốn loài người, khi cử hành Thánh Thể thì tưởng nhớ đến giao ước mà Người đã thiết lập.

Hơn nữa, máu chiên bò là lễ hy tế trong Cựu Ước đã  được thay thế bằng cái chết thập giá của Đức Giêsu, một cái chết do tình yêu và sự vâng phục trọn vẹn. Điều này rất quan trọng, đến nỗi Thánh Phaolô đã nhắc đến trong trình thuật về việc thiết lập Bí Tích Thánh Thể: “Mỗi khi anh em ăn bánh và uống chén này, anh em loan truyền sự chết của Chúa” (1Cr 11,26). Lời loan báo này cho thấy, không những chúng ta tưởng niệm một sự kiện qúa khứ, nhưng còn tham dự vào hành động cứu độ của Thiên Chúa.

Chính nhờ Đức Kitô và trong Đức Kitô mà thế giới này được cứu độ, cho nên khi cử hành thánh lễ, Hội Thánh sống lại cuộc Vượt Qua của Đức Kitô như sự kiện giải phóng dứt khoát của nhân loại. Cần hiểu rằng thánh lễ hiện tại hóa hy tế thập giá có nghĩa là thánh lễ hiện tại hóa hy tế đó cách mầu nhiệm trong nghi lễ, đúng hơn, là hiện tại hóa hy tế thập giá cách bí tích. Thư gửi tín hữu Do Thái nói rằng Đức Kitô đã cử hành hy tế một lần là đủ đem lại cho chúng ta ơn tha tội và ơn cứu độ (Dt 9, 12.26.28; 10,10).

Về phương diện lịch sử, không thể lặp lại hy tế của Đức Kitô; hy tế ấy đã hoàn toàn tuyệt đối đầy đủ và hữu hiệu. Do đó, thánh lễ tái diễn hy tế thập giá của Đức Kitô trên bình diện bí tích. Thật vậy, trong thánh lễ, hy tế thập giá hiện diện như một nguồn mạch vô tận của ơn cứu độ. Mỗi thánh lễ được cử hành là bằng chứng cho thấy ơn cứu độ đầy tràn cho loài người mọi thời và mọi nơi.

Như thế, cuộc nhập thể của Đức Kitô đã là biến cố cứu độ, và đã hướng đến đỉnh cao của biến cố cứu độ là hy tế thập giá được thực hiện nhờ sự tự huỷ của Người. Do đó, Bí Tích Thánh Thể được Đức Kitô thiết lập để hiện tại hóa mầu nhiệm cứu độ của Người, dù cử hành hy tế thập giá thì cũng bao gồm cả mầu nhiệm Nhập Thể, vì trong Bí Tích Thánh Thể, Đức Kitô là Thiên Chúa thật và là người thật đang hiện diện để ban ơn cứu độ.

Vậy, trong hy tế Thánh Thể, Đức Kitô cũng không ngừng biểu lộ sự tự huỷ của Người: Người tự huỷ  để tái diễn công cuộc cứu độ và để trao ban ơn cứu độ cho mỗi người và cho toàn nhân loại.

Kết:

Ngôi Lời Thiên Chúa, đã tự hủy để nhập thể làm người. Trong cuộc đời trần thế, Người luôn tự hủy để sống hoàn toàn vâng phục thánh ý Chúa Cha. Vì công cuộc cứu độ loài người, Người đã tự hủy sống vâng phục cho đến nỗi bằng lòng chịu chết và chết trên thập giá. Đó là sự tự hủy để dâng hiến chính mình vì yêu mến Chúa Cha và vì yêu thương loài người. Cho nên, khi tham dự thánh lễ, chúng ta cử hành một nghi lễ nối kết giữa hiện tại với tương lai, giữa cá nhân với mọi người trong việc cử hành, giữa những người còn sống với những người đã chết. Chính vì thế, khi cử hành thánh lễ, cần hiểu ý nghĩa và ân sủng mà thánh lễ mang lại, để có thể kín múc một cách trọn vẹn những ân sủng, những hiệu quả đó hầu mang lại ích lợi cho chính mình và những người xung quanh.

Quả thật, khi thật sự sống mầu nhiệm tự hủy, người tín hữu sẽ hiệp thông với nhau để xây dựng Hội Thánh; vì chính khi đó, họ thực sự thông phần vào Mình và Máu Đức Kitô, họ loan truyền Người đã nhập thể, chịu chết và tuyên xưng Người đã sống lại cho tới ngày Người lại đến trong vinh quang.

 Trần Huy

 

© 2016 Dongthanhthe.net. All rights reserved.