Giáng Sinh – Hiển Linh – Năm Mới

GIÁNG SINH – HIỂN LINH – NĂM MỚI

       Trong mùa Giáng Sinh và Năm mới 2025, chúng ta được mời gọi tiếp tục suy tư mầu nhiệm Con Chúa Giáng trần và mầu nhiệm Chúa Hiển linh. Ngài chính là “Emmanuel” (Thiên Chúa Ở Cùng chúng ta), là “Ánh Sao Lạ”, và là “Hoàng Tử Bình an”. Theo Ánh Sao Giê-su để tìm đến, yêu mến và tôn thờ Ngài, trong mùa Giáng Sinh và Năm mới này, chúng ta sẽ đón nhận được chính Ngài là nguồn mạch Bình An, và được Ngài yêu thương, dẫn dắt…, bước đi trên đường chân lý, đường dẫn tới ơn cứu độ.

       Chúng ta từng bước suy tư các đề tài của các tác giả:

  1. Hành Trình Thánh Thể: Lễ Hiển Linh – Từ Ngoài Vào Trong (Tác giả: Aaron K. Kern);
  2. “Chúc Bạn Hưởng Bình An Sâu Thẳm, Nguồn Bình An Của Chúa Ki-tô” (Tác Giả: Owen F. Cummings);
  3. Sống theo sự dẫn dắt của Chúa:

(A) Phân Định Sự Hướng Dẫn Của Thiên Chúa (Tác giả: Victor M. Parachin),

(B) “…Hãy Để Ý Muốn Dịu Dàng Và Thánh Thiện Của Chúa Dẫn Dắt Chúng Con…” (Tác giả: Thánh Phê-rô Giu-li-a-nô E-ma).                            

                           (Sống và Loan báo Thánh Thể)                     

  1. HÀNH TRÌNH THÁNH THỂ:

LỄ HIỂN LINH – TỪ NGOÀI VÀO TRONG

(Tác giả: Aaron K. Kern)

                     (Trích Báo Emmanuel:  Tháng 1 – Tháng 2, 2018. Trang 4-9)

       Lễ Hiển linh nhắc chúng ta rằng đã có một cuộc hành trình; hành trình đó là một trong những mầu nhiệm, là sự gặp gỡ và biến đổi. 

       Lễ Giáng Sinh có khuynh hướng là một lễ hội hướng về nhau: gia đình, bạn bè và những người thân có những buổi họp mặt thân mật, kết nối lại với nhau. Chúng ta có thể giải tỏa nỗi nhung nhớ  của mình và tập sống lại những phong tục quen thuộc. Và ngay trước lễ Hiển Linh, chúng ta cử hành lễ kính Thánh Gia thất và tôn vinh vai trò của cha mẹ và sự thánh thiện mà gia đình trau dồi nhằm giúp mọi người sống tốt hơn. Những mối thân tình này giúp củng cố căn tính của chúng ta và duy trì nơi chúng ta một sự thật xác thực, cụ thể là Chúa Giêsu luôn ở cùng chúng ta trong những giai đoạn đáng trân quý nhất của cuộc sống.

       Tuy nhiên, sự hướng về nhau và nỗ lực tìm lại những mối thân tình trong quá khứ có thể khiến chúng ta thất vọng.

       Thời gian không thể ngừng trôi; cũng vậy, tâm hồn chúng ta không thể bị đóng kín lại. Để tăng trưởng, chúng ta  cần phải tìm kiếm sự dưỡng nuôi từ bên ngoài.

       Ngày hôm nay, điều mà nhiều người gọi là “văn hóa trị liệu” tước đi khỏi chúng ta ước muốn dấn thân vào các yếu tố bên ngoài, bởi vì chúng ta quá tập trung vào một số ý niệm về bản ngã đến mức chúng ta giới hạn trải nghiệm của mình, và do đó làm suy yếu ước muốn khám phá chân lý vượt ra ngoài bản thân mình. Chắc hẳn, Thánh Thể chính là loại thuốc, hay là phương dược chữa trị cho khuynh hướng này. Và tôi xác tín rằng Tin Mừng theo thánh Mat-thêu là một lời chứng cho sự thật rằng sự hoán cải tác động chúng ta từ bên ngoài chứ không phải từ bên trong ra ngoài. Câu chuyện về các nhà Chiêm tinh minh họa cho thấy điều này.

       Lễ Hiển Linh diễn tả rằng Ngôi Lời nhập thể đang di chuyển và toàn thể thế giới chuyển động nhờ tình yêu tự hiến của Ngài. Thánh sử Mat-thêu thấu hiểu được một nỗi lo sợ khi ông mô tả những nhà chiêm tinh thông thái [dám] rời khỏi sự quen thuộc, sự chắc chắn, và địa vị của họ như những nhân vật đáng kính nể để tìm kiếm Đấng phá đổ [sự ngăn cách]. Lễ Hiển Linh thách thức chúng ta đặt câu hỏi về những gì chúng ta nghĩ là chắc chắn, hướng đến những người khác biệt với chúng ta để có được sự khôn ngoan, và tin tưởng vào cuộc hành trình khi chúng ta không có manh mối nào về những gì đang ở phía trước. Sự mơ hồ đó thể hiện đức tin của chúng ta, và với con mắt đức tin, chúng ta nhìn thấy sự thật của cuộc sống mới.

         Bên ngoài: Người ngoài cuộc, nói cách khác,  Thiên nhiên

       “Khi Chúa Giêsu ra đời tại Bê-lem, miền Giu-đê, thời vua Hê-rô-đê trị vì, có mấy nhà chiêm tinh từ phương Đông đến Giê-ru-sa-lem, và hỏi: “Đức vua dân Do Thái mới sinh, hiện ở đâu? Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người” ” (Mt 2, 1-2).

       “Các nhà chiêm tinh từ phương Đông...” Điều này có nghĩa là người lạ, người ngoài cuộc, người vô danh. Chúng ta biết hạn từ “Magi” ở số nhiều có nghĩa là có nhiều hơn một người, nhưng chúng ta không biết nhiều về những hiểu biết chuyên ngành mà họ tin tưởng hoặc theo đuổi. Chúng ta có thể suy đoán rằng họ đã nghiên cứu bầu trời, các vì sao, và chính từ cuộc khám phá bầu trời này mà họ đã nhận ra ngôi sao đã dẫn họ đến Giê-ru-sa-lem. Chúng ta có thể đánh giá cao rằng việc sống và học hỏi với và từ những người khác sẽ mang lại cho chúng ta những hiểu biết sâu sắc hơn và những nhận thức chung.

       Những người sống bên ngoài nền văn hóa và xã hội của chúng ta thường bị nhìn bằng đôi mắt mang đầy dấu vết hận thù hoặc, tệ hơn nữa, là thành kiến. Có sự khôn ngoan không phải của Ki-tô giáo, không phải của phương Tây và không phải của Mỹ. Không cần phải sợ hãi những gì mà chúng ta coi là “lạ” hoặc “khác”. Và đứng trước “sự lạ” chúng ta được mời gọi đừng vội phán đoán, nhưng hãy xem xét lại.

       Đối tượng mà thánh sử Mat-thêu hướng đến là người Do Thái, nhưng ông trình bày cho thấy rằng họ không phải là những người đầu tiên tôn thờ Chúa Ki-tô. Bản thân Bí tích Thánh Thể là “kỳ lạ”. Chúng ta đã quên rồi sao? Đối với nhiều người bạn Tin Lành và những người đương thời của thế giới tục hóa đứng ngoài phụng vụ của Giáo hội, thì Bí tích Thánh Thể là một điều gây vấp phạm và “ở bên ngoài kia”. Lễ Hiển Linh nhắc nhở chúng ta rằng tất cả chúng ta đều tiếp cận mầu nhiệm nhập thể từ bên ngoài. Một mầu nhiệm nằm ngoài tầm hiểu biết của chúng ta.

       Lưu ý rằng những nhà chiêm tinh là các nhà khoa học, những người theo chủ nghĩa kinh nghiệm nghiên cứu về bên ngoài. Tính bí tích có nghĩa là Chúa không chỉ nói trong Kinh thánh, lời mặc khải của Người, mà thiên nhiên cũng là một “quyển sách” có thể khơi lên các phong trào khám phá. Các nhà khoa học không bao giờ ngừng thắc mắc. Thật là vô trách nhiệm khi đưa ra những tuyên bố khoa học như thể đã chắc chắn tuyệt đối không cần nghiên cứu thêm, bởi vì khám phá là một quá trình liên tục của chuyển động trí tuệ và cảm xúc. Như những người xa lạ, những người ngoài cuộc, cùng nhau chia sẻ và tiến bước trên hành trình, những nhà chiêm tinh minh họa cho việc mở ra với vạn vật, qua đó, không gian rộng lớn của mọi thực tại bên ngoài khơi lên một gợi ý, một gợi ý mà họ sẵn sàng dồn sức dấn thân vào cuộc hành trình của mình.

       Một Cảnh Tượng Cảm Động: Mở Ra Với Một Thế Giới Khác

       “Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người” (Mt 2, 2)

       Câu hỏi đầu tiên mà các nhà chiêm tinh đặt ra là “Ở đâu?” Chúng ta thường trực giác biết rằng chúng ta cần phải thoát ra khỏi bản thân mình để đi đến những chân lý và sự hiểu biết sâu sắc hơn. Sự biểu lộ của Chúa Ki-tô không nằm ở nơi quen thuộc mà phải được tìm kiếm ở nơi khác. Để cảm nghiệm được sự biểu lộ chân lý của Chúa, chúng ta phải “di chuyển”. Khi chúng ta bị cuốn hút vào điều kỳ diệu mà chúng ta chiêm ngắm — chẳng hạn như: bế một đứa trẻ, xem một vở kịch, nghe nhạc sôi động, nhìn mặt trời mọc hay lặn — thì tinh thần của chúng ta chuyển biến nhịp nhàng theo niềm vui thích và sự hiếu kỳ. Đây là điều kỳ diệu và sự kinh ngạc thánh thiện.

       Ngay cả trong những ngày đẹp nhất của chúng ta, chúng ta cũng thường tránh xa những điều gây ngạc nhiên. Sở dĩ như thế là vì khi chúng ta sống trong sự ngạc nhiên, thì những suy nghĩ thông thường và sự hài lòng của chúng ta đối với những gì quen thuộc bị gây bất ngờ, phiền toái. Chính sự ngạc nhiên đã thúc đẩy những nhà chiêm tinh đi ra ngoài; đầu tiên, họ đi đến ranh giới của thế giới và sự trải nghiệm quen thuộc của họ, sau đó họ đã vượt ra ngoài chúng để đi vào bóng tối của những con đường mà họ chưa từng đặt chân đến. Họ thoáng thấy một điều gì đó mạnh mẽ đến độ họ không thể đặt nó vào quỹ đạo của trải nghiệm hàng ngày của họ. Họ đã phải tự mình đi xem, "để tỏ lòng tôn kính".

       Ngôi sao của Chúa Ki-tô đến từ một thế giới khác. Ngôi sao của Ngài mở ra cho chúng ta thế giới đó. Nó là một thế giới vô danh và thoạt đầu như một điềm báo trước và có vẻ đáng sợ. Nó vừa là một dấu hiệu từ Thiên Chúa, “vị khác”, vừa là lời mời gọi khám phá tận mắt vương quốc của lòng thương xót vô biên. Chúng ta luôn được mời gọi khám phá, nhìn ngắm, đánh giá cao, chuyển biến, cân nhắc và nhìn lại.

       Tin Mừng theo thánh sử Mat-thêu là lời chứng cho sự thật rằng sự hoán cải tác động từ bên ngoài vào bên trong, chứ không phải từ bên trong ra ngoài.

       Thánh Thể không bao giờ ở trạng thái tĩnh, và không bao giờ được hiểu hoàn toàn. Đó là một thực hành, luyện tập chứ không phải là một thói quen. Một thực hành đòi hỏi sự tập trung và năng lượng; một thói quen là điều chúng ta làm mà không cần suy nghĩ, giống như đánh răng. Một nhà vật lý giỏi không bao giờ nhìn vào kính viễn vọng một cách hồn nhiên hoặc theo thói quen. Ngôi sao đã dẫn dắt các nhà chiêm tinh như người dẫn dắt một điệu nhảy dẫn dắt chuyển động của chúng ta. Với một sức mạnh vượt quá khả năng của họ, điều gây cho họ ngạc nhiên đã giữ nhịp dẫn dắt họ tiến bước. Họ đã đến hỏi vua Hê-rô-đê, một con người đầy quyền hành. Trong tầm tay của mình, ông ta đã có được tất cả các "câu trả lời", nhưng không thể tạo ra mối liên hệ mà các nhà chiêm tinh đầy ngạc nhiên chắc chắn đã tạo ra.

       Tâm trí chuyển động: Nhận được sự thật

       “Nghe tin ấy, vua Hê-rô-đê bối rối, và cả thành Giê-ru-sa-lem cũng xôn xao. Nhà vua liền triệu tập tất cả các thượng tế và kinh sư trong dân lại, rồi hỏi cho biết Đấng Kitô phải sinh ra ở đâu. Họ trả lời: “Tại Bê-lem, miền Giu-đê, vì trong sách ngôn sứ, có chép rằng: “Phần ngươi, hỡi Bê-lem, miền đất Giu-đa, ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của Giu-đa, vì ngươi là nơi vị lãnh tụ chăn dắt Is-ra-en dân Ta sẽ ra đời.” Bấy giờ Hê-rô-đê bí mật triệu tập các nhà chiêm tinh đến, hỏi cặn kẽ về ngày giờ ngôi sao đã xuất hiện. Rồi vua phái  các vị ấy đi Bêlem và dặn rằng: “Xin quý ngài đi dò hỏi tường tận về Hài Nhi, và Khi đã tìm thấy, xin báo lại cho tôi, để tôi cùng đến bái lạy Người.” Nghe ​​nhà vua nói thế, họ ra đi. Bấy giờ ngôi sao họ thấy ở phương đông, lại dẫn đường cho họ đến tận nơi Hài nhi ở, mới dừng lại” (Mt 2:3-9).

       Khi chúng ta bị cuốn hút vào điều kỳ diệu mà chúng ta chiêm ngắm, thì tinh thần của chúng ta chuyển biến nhịp nhàng theo niềm vui thích và sự hiếu kỳ. Đây là điều kỳ diệu và sự kinh ngạc thánh thiện.

       Có hai điều khiến cho tôi rối trí, khó hiểu về các nhà chiêm tinh và cuộc gặp gỡ của họ với vua Hê-rô. Thứ nhất, các thượng tế và các kinh sư trong dân chúng, tức là các “chuyên gia”, có kiến ​​thức về nguồn gốc của Chúa Ki-tô. Họ nghiên cứu và cầu nguyện trong Kinh thánh mỗi ngày! Nhưng chính những người mới học hỏi Kinh Thánh, mới vào nghề, chứ không phải các chuyên gia, mới là những người ghi nhớ kiến ​​thức đó.

       Nắm thông tin là một chuyện, hiểu biết là một chuyện khác, và hành động chân thực lại là một chuyện khác nữa. Đánh giá cao tầm quan trọng của một lời ngôn sứ là một chuyện và biết được ý nghĩa thực tế của nó đối với cuộc sống của chúng ta là một chuyện khác. Nhưng hành động của chúng ta — chúng có phù hợp với những gì chúng ta biết là đúng không? Điều gì đã “giữ chân” các chuyên gia? Đó có phải là cuộc sống tiện nghi và lòng tự mãn của họ không? Có điều gì đó đã giữ lòng họ gắn chặt với thói quen, những điều quen thuộc và với cả cảm nhận về nơi chốn thân quen của họ. Ngược lại, các nhà chiêm tinh đã siêng năng tìm kiếm, cởi mở lắng nghe và tin tưởng vào lời của các nhà chức trách, háo hức hành động theo lời đó.

       Hoạt động cứu độ của Thiên Chúa nơi các bí tích, đặc biệt là bí tích Hòa Giải và bí tích Thánh Thể, là một quà tặng không bao giờ để chúng ta đi lang thang vô định trong sự tầm thường và cô lập vô nghĩa. Chẳng phải vì sự nổi tiếng hay đặc quyền của ai đó mà các bí tích làm phát sinh hiệu quả; tự nội tại các bí tích làm phát sinh hiệu quả, bất chấp sự nổi tiếng hay đặc quyền đó. Các bí tích là những mỏ neo cho phép chúng ta tiến về phía trước vào vùng đất mới.

       Thứ hai, sự tin tưởng của những nhà chiêm tinh vào những người có kiến ​​thức chuyên môn đã cắt đứt ngang sự tự tin của tôi. Chúng ta đang sống trong thời đại của chủ nghĩa hoài nghi. Tôi đã được dạy phải nghi ngờ mọi nhân vật có thẩm quyền, đặc biệt là những nhân vật tôn giáo và chính trị đủ mọi thành phần. Tôi thiết nghĩ rằng mình biết điều gì thúc đẩy họ; đó là động cơ thầm kín và ý định bí mật của họ. Thánh sử Mat-thêu nói rõ rằng vua Hê-rô-đê đã giấu nỗi sợ hãi của mình, và ngay cả các chuyên gia của ông cũng có những động cơ thầm kín. Nhưng điều đó không thể ngăn cản các nhà Chiêm Tinh tiến lên, vì họ đã được giải thích và hiểu ý nghĩa [Kinh Thánh].

       Bí tích Thánh Thể là một minh chứng sống động cho ý định của Chúa là ở cùng chúng ta và trong chúng ta. Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta, như các nhà chiêm tinh, tiếp nhận chân lý của Chúa, bất kể chúng ta nghi ngờ thể nào về động cơ bề ngoài của người khác? Các nhà chiêm tinh không phán xét cấu trúc quyền lực, bộ máy thể chế; họ đang lắng nghe chân lý, và đó là tất cả những gì họ cần biết.

       Sự tác động nơi thể xác: Điểm tiến vào

       “Trông thấy ngôi sao, họ mừng rỡ vô cùng. Họ vào nhà, thấy Hài nhi với thân mẫu là bà Maria, liền sấp mình thờ lạy Người. Rồi họ mở bảo tráp, lấy vàng, nhũ hương, mộc dược mà dâng tiến.” (Mt 2, 10-11)

       Ngôi sao xuất hiện trên ngôi nhà. Dấu hiệu bên ngoài này đã dẫn những nhà chiêm tinh đến nơi riêng tư nhất, ngôi nhà của Đức Ma-ri-a, thánh Giu-se và Hài nhi Giê-su. Trong tiếng Do Thái, từ ‘Beth-el’ có nghĩa là “nhà Chúa” và ‘Beth-le-hem’ là “nhà bánh”. Thật là phù hợp. Tại ngôi nhà, hành trình Thánh Thể đạt đến sự thể hiện trọn vẹn nhất khi những nhận thức cao cả nhường chỗ cho những viễn cảnh thân thiết nhất của con người, một người mẹ với đứa con của mình. Tất cả chúng ta ở đây đều là những kẻ tò mò, cùng với các nhà chiêm tinh nhìn thấy tình yêu giản dị và sâu sắc nhất của các Ngài.

       Khi các nhà chiêm tinh đến đích, họ đáp lại những gì họ thấy bằng tấm lòng tôn thờ; họ thờ lạy Hài nhi. Đây là “cớ vấp phạm” của mầu nhiệm nhập thể: đó là, sự biểu lộ tình yêu của Thiên Chúa trong Chúa Ki-tô phải được nhận biết và tôn thờ. Đây là khoảnh khắc Thánh Thể rõ ràng nhất trong cuộc hành trình: khi tìm thấy Chúa Giê-su trong ngôi nhà bánh, các nhà chiêm tinh đã cúi đầu thờ lạy Ngài, và dâng lễ vật cho Ngài để đáp lại tình yêu của Ngài.

       Thánh sử Mat-thêu đang sử dụng một thành ngữ tuyệt vời ở đây, dạy chúng ta về mục đích của sự hiện hữu; mục đích đó là: tôn thờ Chúa và dâng hiến thân xác, của cải của chúng ta nhằm đáp lại tình yêu bao la của Chúa Giê-su và Mẹ Ma-ri-a. Phụng vụ là khoảnh khắc khởi đầu nơi ngưỡng cửa và Thánh Thể là cánh cửa dẫn vào Chúa Kitô: đi từ bên ngoài vào trong.

       Trước hết, chúng ta nhận được ơn, và chúng ta tiếp nhận ơn đó vào mình; sau đó, từ tất cả những gì chúng ta có, chúng ta đáp lại bằng cách chúng ta cho lại. Đây là nhịp điệu tiến bước của các nhà chiêm tinh từ trước đến nay: từ việc nghiên cứu của họ, đến những bước chân tiến vào cõi vô định để tìm kiếm, rồi đến sự tin tưởng của họ vào lời chỉ dẫn của người khác, rồi sau đó việc họ tiến đến nhà bánh mì, và tôn thờ yêu mến Chúa Giê-su. Như những người Do Thái cổ xưa đã rời khỏi Ai Cập để thờ phượng Thiên Chúa, thì những công việc gian khổ và hành trình của cuộc sống chúng ta cũng được thấm đẫm niềm ước mong là dâng hiến bản thân mình để ngợi khen Thiên Chúa. Đây là Bí tích Thánh Thể, một sự tỏ lộ đích đến vĩnh cửu của  đời sống chúng ta.

       Khi các nhà chiêm tinh đến đích, họ đáp lại những gì họ nhìn thấy bằng tấm lòng tôn thờ; họ thờ lạy Hài nhi.

       Gặp gỡ Thánh Thể: Lật ngược lại, Từ Bên trong ra

       “Sau đó, họ được báo mộng là đừng trở lại gặp vua Hê-rô-đê nữa, nên đã đi lối khác mà về xứ mình” (Mt 2, 12).

       Cuộc gặp gỡ với Chúa Ki-tô đã biến đổi các nhà chiêm tinh; ngay cả trong cơn buồn ngủ họ cũng được thông truyền sự khôn ngoan. Giờ đây, họ có thể tin tưởng vào đời sống nội tâm; đời sống nội tâm đó đã được phục hồi nhờ họ được gặp gỡ và tôn thờ Chúa. Trong giấc mơ, các thực tại bên ngoài được giải thích cách sâu sắc hơn. Giấc mơ là một hình thức thân mật, là sự hiểu biết  sâu thẳm nhất. Giấc mơ dẫn dắt các nhà chiêm tinh về nhà an toàn. Họ không còn tin tưởng vua Hê-rô-đê và các chuyên gia nữa. Lưu ý rằng họ đã vào nhà của Chúa Giê-su nhưng vẫn phải trở về nhà của họ! Họ có một mục đích ở phương Đông mà chỉ họ mới có thể hiện thực hóa. Họ có một ngôi nhà để xây dựng, [tức là đời sống] cần được đổi mới nhờ vào cuộc hành trình.

       Lễ Hiển Linh mời gọi chúng ta về nhà mình theo cách khác; [tức là] để bắt đầu lại, để đi theo một hướng khác, để khám phá một cách khác... về nhà. Mùa Vọng chuẩn bị cho chúng ta đón mừng Lễ Chúa Giáng sinh. Giáng sinh là câu hỏi của Chúa dành cho chúng ta, rằng: Con có đến với Ta không? Lễ Hiển Linh là cuộc gặp gỡ sâu sắc Chúa Kitô dưới nhiều hình thức mà Ngài biểu lộ. Cuộc sống của chúng ta sẽ bị đảo lộn, và sống trong sự thân mật của Bí tích Thánh Thể, từ trong ra ngoài. chắc hẳn, đây có phải là những điều đáng sợ không? Nhưng đó chính là những điều mà Chúa Kitô đang kêu gọi chúng ta hướng tới, để về nhà bằng một con đường khác.

       Chuyển ngữ: Lm. Giu-se Đinh Đức Huỳnh, SSS.

 

 

© 2016 Dongthanhthe.net. All rights reserved.