Bàn Tiệc Nào Của Chúa Giê-su? Suy Tư Về Những Điểm Khởi Đầu Của Bí Tích Thánh Thể

 “BÀN TIỆC NÀO CỦA CHÚA GIÊ-SU? SUY TƯ VỀ NHỮNG ĐIỂM KHỞI ĐẦU CỦA BÍ TÍCH THÁNH THỂ”

(Tác Giả: Edward Foley)

(Trích Báo Emmanuel – Tháng 3/ Tháng 4, 2009. Trang 128 – 140)

      Đâu là những đoạn Kinh Thánh quan trọng nhất trong Tân Ước nói về Bí tích Thánh Thể? Theo Cha La-Ver-di-ère, nền tảng Thánh Kinh để hiểu về Thánh Thể là những bữa tiệc trong hoạt động sứ vụ của Chúa Giê-su.

      Trong mấy thập niên qua, tôi đã có được vinh dự, nhưng cũng là một thách đố cho tôi, khi giảng dạy các khóa học về Bí tích Thánh Thể cho các ứng viên lãnh thừa tác vụ, giáo dân và giáo sỹ. Đây là một chủ đề vừa phấn khởi vừa đáng sợ. Chủ đề này vừa tạo cho tôi hứng khởi, vừa khiến tôi lo lắng, trước hết, vì nó quan trọng đối với đức tin và thần học của Giáo Hội. Các tài liệu huấn quyền được biết đến nhiều - chẳng hạn như Thông điệp cuối cùng về Thánh Thể của thánh Giáo hoàng Gio-an Phao-lô II, Ecclesia de Eucharistia (1) (Giáo Hội Từ Thánh Thể) – nói đến tầm quan trọng của Thánh Thể đối với đức tin và đời sống Giáo Hội. Căn tính của ‘Bí tích Thánh Thể’ được xác định thật gần giống với trọng tâm và bản chất cốt lõi của giáo huấn Giáo Hội về phụng vụ và các bí tích đến nỗi mọi người thường nhầm lẫn hai điều này và coi "Thánh Thể" và "phụng vụ" là những từ đồng nghĩa. Mặc dù đã xảy ra điều vừa không may vừa không phù hợp này, nhưng nó nhấn mạnh đến tầm quan trọng của hành động Thánh Thể đối với đức tin và niềm xác tín của các Giáo Hội Ki-tô giáo.

      Vì có một vị trí quan trọng trong Giáo Hội và đối với thần học, nên việc giảng dạy về Thánh Thể là một nhiệm vụ khó khăn. Đây không chỉ là một lãnh vực rộng lớn, mà còn là một lĩnh vực đòi hỏi phương pháp luận, được xem xét thông qua hầu như mọi phương pháp mà các nhà thần học đương đại có thể sử dụng, từ thần học hệ thống, qua lịch sửký hiệu học đến nhiều phương pháp khoa học xã hội. Với tầm quan trọng của quan điểm Kinh thánh đối với toàn bộ công trình thần học, và đặc biệt là tầm quan trọng của lăng kính Kinh thánh đối với thần học Công giáo Rô-ma sau Công đồng Va-ti-can II (2), không thể giảng dạy về Bí tích Thánh Thể mà không có quan điểm Kinh thánh được chú giải đầy đủ. Tuy nhiên, vì hầu hết chúng tôi, những người giảng dạy Bí tích Thánh Thể, đều không phải là những học giả được đào tạo chuyên sâu Kinh thánh, nên chúng tôi rất tin tưởng vào những đồng nghiệp được đào tạo như vậy, và đặc biệt là những người đưa học thuật Kinh thánh của mình một cách rõ ràng vào các chủ đề phụng vụ và Thánh Thể.

      Đối với tôi, cha Eu-gene La-Ver-di-ère thực sự là một nguồn sáng uyên bác, và tôi đã dựa rất nhiều vào những suy tư phong phú và đa dạng của ngài về Bí tích Thánh Thể trong Tân Ước và Giáo Hội sơ khai. Một trong những đóng góp của ngài thúc đẩy sự suy tư này là sự đánh giá cao rộng mà ngài dành cho toàn bộ hoạt động sứ vụ nơi bàn tiệc của Chúa Giê-su như là nền tảng cho sự hiểu biết của chúng ta về Bí tích Thánh Thể. Trong khi dành sự chú ý thích đáng đến tầm quan trọng của những câu chuyện về Bữa Tiệc Ly, ngài luôn đặt những câu chuyện đó vào bối cảnh bữa ăn rộng hơn, và nhận ra bản chất tổng hợp của Bữa Ăn Cuối Cùng của Chúa Giê-su trước khi Người chết và phục sinh (3).

      Cha La-Ver-di-ère đã có một tầm nhìn thật rộng lớn và đáng trân trọng. Sự trân trọng đối với tầm nhìn của ngài đã thúc đẩy tôi suy tư đào sâu hơn về các điểm khởi đầu khác nhau có thể có trong Tân Ước để định hình thần học Thánh Thể. Đặc biệt, [tôi tìm hiểu xem] trong việc định hình thần học về Thánh Thể, việc bắt đầu với sứ vụ bàn tiệc rộng hơn của Chúa Giê-su thay vì với các câu chuyện về Bữa Tiệc Ly có thể dẫn đến những hậu quả nào? Đây là một chủ đề mà tôi thỉnh thoảng suy ngẫm, đặc biệt là khi có nhiều sinh viên trong nhiều năm đã bày tỏ sự ngạc nhiên của họ rằng các phần Tân ước trong các khóa học Thánh Thể của tôi chú ý nhiều hơn đến sứ vụ bàn tiệc của Chúa Giê-su, các câu chuyện về phép lạ hóa bánh ra nhiều, các câu chuyện về bữa ăn sau khi phục sinh và các ám chỉ về thực phẩm khác trong Tin Mừng hơn là các câu chuyện về Bữa Tiệc Ly.

      Tôi cho rằng, có ít nhất ba đóng góp riêng biệt đạt được khi diễn từ về bí tích Thánh Thể trước hết dựa trên các truyền thống bữa ăn rộng lớn hơn trong Tân Ước thay vì bắt đầu xem xét các câu chuyện về Bữa Tiệc Ly. Đầu tiên, những câu chuyện về nhiều bàn tiệc giới thiệu một góc nhìn rộng hơn nhiều về sự bao dung/[đón nhận tất cả mọi loại người] so với các câu chuyện về Bữa Tiệc Ly. Thứ hai, hình ảnh trung tâm về sự hòa giải những người tội lỗi được phát triển hơn trong diễn từ bàn tiệc rộng lớn hơn của các sách Tin Mừng. Cuối cùng, động lực truyền giáo từ Bí tích Thánh Thể dường như rõ ràng hơn trong sứ vụ bàn tiệc của Chúa Giê-su so với các đoạn văn về Bữa Tiệc Ly. Chúng ta sẽ lần lượt xem xét từng phần này và đưa ra một vài nhận xét kết luận.

      Mục đích ở đây không phải là đặt một nhóm đoạn văn Tân Ước đối lập với một nhóm khác, mà là xét xem nhóm nào đóng vai trò là bối cảnh thần học phù hợp hơn để xem xét nhóm kia. Một giả định cơ bản ở đây là những sự khởi đầu tạo nên sự khác biệt, và cụ thể là, các văn bản Tân Ước mà người ta chọn làm điểm khởi đầu cho các suy tư về Thánh Thể chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến bản chất và hướng đi của sự suy tư đó.

Bàn Tiệc, Sự Hiếu Khách, và Sự Bao Dung

      Lòng hiếu khách và bàn tiệc gắn bó chặt chẽ với nhau trong tư tưởng của người Do Thái (4). ‘Điều răn’ (tiếng Do Thái là ‘Mitzvah’) về lòng hiếu khách (tiếng Do Thái là ‘hakhnasat orekhim’, nghĩa đen là "mời khách vào") đã có từ lâu đời như ký ức của ông Ab-ra-ham và bà Sha-rah. Câu chuyện thổ dân của họ có lòng tốt với những người lạ (Sáng thế ký 18, 1-8) chứng tỏ  họ có truyền thống hiếu khách.  Đối với dân được tuyển chọn, một hình thức hiếu khách cơ bản của họ là dâng thức ăn và đồ uống cho khách lạ. Lòng hiếu khách nơi bàn ăn thật đáng khen này cũng là nền tảng cho cả lời hứa về một đứa con duy nhất (Sáng thế ký 18, 10-14) và lời hứa ban phúc lành sau này cho con cháu của ông Ab-ra-ham và bà Sha-rah (Sáng thế ký 18, 18). Chúa đã được chúc tụng khi [ông Ab-ra-ham] dâng thức ăn và đồ uống cho người khách lạ và ngược lại, phúc lành của Chúa dành cho Is-ra-el cũng được mô tả một cách hỗ tương theo nghĩa lòng hiếu khách nơi bàn ăn. Do đó những thánh vịnh ghi nhận cách Thiên Chúa chuẩn bị bàn tiệc cho dân được tuyển chọn (ví dụ: Tv 23,5 và Tv 78, 19a-25) và lời mời gọi của Đức Khôn Ngoan để đi theo con đường của Thiên Chúa được sắp xếp hài hòa trong sự xa hoa mang tính biểu tượng của một bàn tiệc thiêng liêng (Châm ngôn 9, 1-5).

      Sự hỗ tương của lòng hiếu khách và phúc lành này cũng là sự hỗ tương của lòng hiếu khách và giao ước. Việc đề nghị một giao ước với Is-ra-el là một hành động hiếu khách thật cao cả của Thiên Chúa, và có một truyền thống Kinh thánh thậm chí dường như trình bày cho thấy rằng Giao ước Si-nai đã được đóng ấn bằng một bữa tiệc (Xuất Hành 24, 9-11) (5). Cho đến ngày nay, trong nghi lễ quan trọng kỷ niệm giao ước đó của người Do Thái vào dịp Lễ Vượt Qua, phúc lành của Chúa và từ Chúa đã được gắn kết với điều răn (mitxvah) của lòng hiếu khách. Do đó, khởi đầu của Lễ Vượt Qua,  bản văn ‘Thuật Truyện Xuất Hành’ (Haggadah) được đọc trên bánh ‘mat-zoth’ gợi nhớ đến bánh đau khổ được ăn ở Ai Cập, bao gồm lời mời mà ông Rab Hu-na (mất năm 297 sau Công nguyên), ngay từ đầu, đã tuyên bố trước mỗi bữa ăn: “Hãy để tất cả những ai đói đến và ăn. Hãy để tất cả những ai đang có nhu cầu đến và ăn Lễ Vượt Qua” (6).

      Tâm hồn người Do Thái không chỉ gắn kết với bàn ăn và lòng hiếu khách, mà còn làm như thế với một tinh thần mở rộng đón tiếp tất cả mọi người rất đặc biệt, [không loại trừ ai]. Kinh thánh của người Do Thái đã có một sự so sánh và nhận ra rằng những góa phụ, trẻ mồ côi và cả người khách lạ đã được Chúa chăm sóc bằng cách cung cấp cho họ thức ăn và quần áo, thì tất cả những người dân Is-ra-el có nhu cầu cũng phải được [chúng ta] quan tâm đáp ứng như vậy (Dt 10, 17-19). Ngay từ khi bắt đầu, lễ hội Pu-rim, một lễ hội kỷ niệm sự giải thoát của người Do Thái Ba Tư khỏi quan Ha-man, kêu gọi tặng quà tốt cho nhau và tặng quà cho người nghèo (Sách Es-te 9, 22). Chủ trương Mở Rộng (Avot) trong ‘Tài liệu Chú Giải Truyền Thống Truyền Miệng’ (Mishnah) [là phần đầu của bộ Luật Dân Sự và Nghi Lễ Do Thái] lưu ý rằng nhà của một người (và do đó, bàn của một người) nên mở cửa cho người nghèo (1. 5). Kể từ thời có ‘Bộ Luật Dân Sự Và Nghi Lễ Do Thái’, một loại thuế cộng đồng bắt buộc (tiếng Do Thái là Maoh Hittim, nghĩa đen là "tiền lúa mì") đã được thu hàng năm trước Lễ Vượt qua để người nghèo có bánh ‘mat-zoth’ [‘bánh khổ cực’] và rượu cho lễ hội (7).

      Trong bối cảnh Do Thái rộng lớn hơn này, người ta nhận ra cả tính liên tục và tính gián đoạn của hoạt động sứ vụ của Chúa Giê-su nơi bàn tiệc. Thông thạo luật pháp và truyền thống, Chúa Giê-su được mời đến cùng một bàn tiệc hiếu khách như tổ tiên của Người, và được ca ngợi vì có những người bạn đồng bàn đa dạng khác nhau. Người dự tiệc với các nhà lãnh đạo tôn giáo (Lc 14, 1-24) và những người bạn cũ của gia đình (Lc 10, 38-42). Người dùng bữa với những người giàu có (Lc 5, 27-39) và trong nhà của những người nghèo (Mc 1, 31). Người chia sẻ những bữa ăn thân mật (Lc 10, 38-42) và bẻ bánh với nhiều người (Mt 14, 13-21). Có phụ nữ (Ga 4, 4-42) và đàn ông (Lc 19, 1-10); những cặp vợ chồng mới cưới (Ga 2, 1-10) và trẻ em (Ga 6, 9); Người Do Thái (Lc 11, 37-54), Dân Ngoại (Mc 8, 1-9) và Người Sa-ma-ri (Ga 4, 4-42); những người được kính trọng (Lc 7, 36-50) và những người bị chửi rủa (Lc 19, 1-10).

      Tuy nhiên, từ tinh thần rộng mở trong cách ăn uống của Chúa Giê-su, chúng ta nhận thấy một điều rõ ràng là Chúa Giê-su không chỉ chấp nhận tính cách rộng mở đón tiếp tất cả nơi  bàn ăn của người Do Thái, mà đôi khi Người còn làm như vậy trong sự mâu thuẫn rõ ràng với luật Do Thái, và thường xuyên hơn nữa là chống lại sự nhạy cảm của những người Do Thái khác. Người ăn uống với đám đông Dân Ngoại mặc dù có lệnh truyền trong Kinh thánh rằng thức ăn từ người Dân Ngoại bị coi là ô uế (ví dụ, Ez 4, 13, Hos 9, 3, Dan 1, 8). Người ở lại hai ngày với người Sa-ma-ri-tan (Ga 4, 40) có lẽ là ăn uống với họ, mặc dù “người Do Thái không liên quan gì đến người Sa-ma-ri-tan” (Ga 4, 8). Hơn nữa, sự giao lưu tại bàn ăn của Người với những người tội lỗi - được khám phá thêm bên dưới – rất là nổi tiếng.

      Na-than Mit-chell mô tả chính xác bàn tiệc của Chúa Giê-su theo khía cạnh ngẫu nhiên và lập luận rằng chính sự ngẫu nhiên trong thói quen ăn uống của Chúa Giê-su đã thách thức hệ thống các mối quan hệ xã hội được mô phỏng theo các bữa ăn và nghi thức xã giao. Mit-chell giải thích:

      Đơn giản là Chúa Giê-su không chỉ ăn với những người đáng ghét – mà Người còn ăn với bất cứ ai, không phân biệt. … Việc  Chúa Giê-su thực hành đồng bàn tiệc đã tái tạo thế giới, vẽ lại tất cả các bản đồ và biểu đồ dòng chảy của xã hội. Thay vì tượng trưng cho thứ hạng và trật tự xã hội, nó làm mờ đi sự khác biệt giữa chủ nhà và khách, giữa nhu cầu và sự sung túc. Thay vì củng cố các quy tắc nghi thức, nó phá vỡ chúng, biến người cuối cùng thành người đầu tiên và người đầu tiên thành người cuối cùng (8).

      Ngược lại, các tường thuật về Bữa Tiệc Ly mô tả một khoảng cách tương đối hẹp giữa những người tham gia bữa tiệc. Cả thánh sử Mat-thêu (26, 20) và thánh sử Mac-cô (14, 17) đều ghi nhận sự hiện diện của “mười hai người”. Thánh sử Mac-cô cũng ghi nhận sự hiện diện của “các môn đệ” được sai đến để chuẩn bị phòng (14, 13-16) mà có lẽ đã cùng mười hai người tham gia bữa ăn. Thánh sử Lu-ca (22, 14) nói về “các tông đồ”, và thánh sử Gio-an nói chung hơn về “các môn đệ” (ví dụ, 13, 5). Đúng là trong số những người này có người nghèo, kẻ phản bội, kẻ tội lỗi và kẻ bị ruồng bỏ, nhưng không có gì trong văn bản gợi ý rằng có bất kỳ ai ngoài những người đàn ông Do Thái trưởng thành trong Bữa Ăn Cuối Cùng này trong sứ vụ của Chúa Giê-su.

      Các học giả như Jo-a-chim Je-re-mi-as cho rằng phụ nữ có thể đã tham dự Bữa Tối Cuối Cùng (9), và nếu Bữa Tối Cuối Cùng là Bữa Tiệc Vượt qua, thì nghi lễ thế kỷ thứ nhất sẽ cho phép phụ nữ và trẻ em trên Mười hai tuổi có mặt (10). Tuy nhiên, văn bản không cung cấp cho chúng ta manh mối rõ ràng nào về phạm vi rộng hơn của các bữa tối. Như Jan Mi-cheal Jon-cas tóm tắt: “Bữa Tối Cuối Cùng trái ngược với các tập tục ăn uống của các thời kỳ trước trong cuộc đời của Chúa Giê-su vì nó hạn chế sự tương xứng đối với những người được xếp hạng đặc biệt trong số các môn đệ của Ngài” (11). Do đó, các câu chuyện về Bữa Tối Cuối Cùng chắc chắn có vẻ đơn điệu khi so sánh với sự đa dạng phong phú của những người bạn đồng bàn xuất hiện trong các sách Tin Mừng.

      Về vấn đề này, thật thú vị khi lưu ý đến gợi ý của Bru-ce Chil-ton rằng việc sử dụng lăng kính Lễ Vượt Qua để diễn giải Bữa Tiệc Ly có lý do thần học và, xét cho cùng, là một cử chỉ nhằm hạn chế sự tham gia vào các cuộc cử hành Thánh Thể trong thời kỳ đầu Ki-tô giáo. Chil-ton tin rằng lăng kính Lễ Vượt Qua là công trình của nhóm Ja-co-bean ở Giê-ru-sa-lem - phản ứng với cách tiếp cận cởi mở hơn mà ông đồng nhất với các bữa ăn của Chúa và của thánh Phê-rô có thể được lặp lại ở mọi nơi và thường xuyên (12) - muốn giới hạn thực hành và thần học về Bí tích Thánh Thể vào lịch [phụng vụ] và người dân Is-ra-el đã cắt bì. Do đó, [việc thiết lập] bí tích Thánh Thể sẽ 1) chỉ diễn ra vào Lễ Vượt Qua, 2) chỉ diễn ra ở Giê-ru-sa-lem và 3) những người tham gia đều là người Do Thái (13).

      Trong khi tính hợp lệ của luận đề của Chil-ton vẫn chưa được kiểm chứng đầy đủ, thì đánh giá của ông liên quan đến các câu chuyện về Bữa Tối Cuối Cùng trong Tin Mừng Nhất lãm, như là góp phần duy trì mối quan hệ thân mật độc quyền trong các bữa ăn, đã hỗ trợ cho nhận định theo khuynh hướng tự nhiên của chúng ta rằng phạm vi các câu chuyện trên bàn ăn trong các sách Tin Mừng cung cấp một tầm nhìn phong phú hơn về tính bao hàm rộng mở [đón tiếp] và do đó là một phương pháp giải thích phù hợp hơn để diễn giải các câu chuyện về Bữa Tối Cuối Cùng, chứ không phải ngược lại.

Ngài Ăn Uống Với Những Người Tội Lỗi

      Biểu tượng của hoạt động sứ vụ bàn tiệc của Chúa Giê-su là việc Người công khai và kiên trì ăn uống với những người có tội. Chính hành động hiếu khách bất thường và nguy hiểm này, hơn bất kỳ hành động nào khác, thể hiện sự gián đoạn/ đứt khúc trong lòng hiếu khách của Chúa Giê-su với lòng hiếu khách của những người cùng tôn giáo với Người và cuối cùng dẫn đến cái chết của Người.

      Trong tác phẩm mang tính đột phá ‘Đức Giê-su’, Cha Ed-ward Schil-le-beecks coi Đức Giê-su là “sứ giả sau cùng của lòng bao dung rộng mở  của Thiên Chúa đối với tội nhân”, (14) và tin rằng sự cởi mở của Đức Giê-su đối với tội nhân có thể nhận thấy ở nhiều tầng lớp khác nhau của tất cả các truyền thống Tin Mừng (15). Câu chuyện về Đức Giê-su với ông Lê-vi trong Mc 2, 15-17 (có sự tương đồng trong Mt 9, 10-11 và Lc 5, 29-32), được xác định vào đầu Tin Mừng giữa “những câu chuyện xung đột” (Mc 2, 1 - 3, 6). Khi làm như vậy, thánh sử Mac-cô lưu ý người đọc rằng sự giao tiếp trên bàn tiệc như vậy có liên quan mật thiết với cái chết của Đức Giê-su, một cái chết trở thành “dấu ấn được đóng trên đời sống một con người, cùng với tiếng gọi đầy ý thức mời gọi các tội nhân bước vào mối tương giao huynh đệ” (16).

      Truyền thống đặc biệt theo Tin Mừng thánh sử Lu-ca được thể hiện trong hai câu chuyện về bữa ăn. Đầu tiên là câu chuyện người phụ nữ khóc lóc phục vụ Đức Giê-su tại nhà của người Pha-ri-siêu (7, 36-47), một câu chuyện đáng chú ý trong đó Đức Giê-su không chỉ gặp một tội nhân được công khai thừa nhận (17), mà dường như còn khuyến khích sự thân mật mà cô ấy thể hiện đối với Người (18). Thánh sử Lu-ca cũng là người kể chuyện duy nhất về đoạn Tin Mừng trong đó Đức Giê-su tự mời mình đến nhà của người thu thuế trưởng Gia-Kêu (19, 1-10), không chỉ để dùng bữa mà còn là khách của nhà ông, do đó thể hiện mức độ liên đới bình thường (19) với một tội nhân khét tiếng khác. Đây là một kết luận phù hợp cho phần đó của Tin Mừng theo thánh sử Lu-ca, mà đôi khi nó được gọi là “Tin Mừng của những người bị ruồng bỏ” (20).

      Một bình luận song song của Chil-ton làm sáng tỏ đoạn văn này hơn nữa. Chil-ton lưu ý rằng Đức Giê-su giao cho nhóm Mười Hai Môn đệ rao giảng và chữa lành, ở lại bất kỳ ngôi nhà nào họ được tiếp đón cho đến khi họ rời đi (Mt 10, 11-14; Mc 6, 10; Lc 9, 4; 10, 5-7) và lệnh truyền này giả định rằng những gì các môn đệ ăn, trong bất kỳ ngôi nhà nào có thể tiếp đón họ, là “sạch” mặc dù nó có thể trái ngược với luật Lê-vi (21).

      Thánh sử Lu-ca, một trong những người kể chuyện tài năng nhất của Tân ước, cũng là tác giả duy nhất của dụ ngôn về “đứa con hoang đàng” (15, 11-32), một câu chuyện gây sốc cho những người ngoan đạo thời đó, trong đó tội nhân quay về với Chúa trở nên vĩ đại hơn người tuân giữ lề luật trong triều đại mà Chúa Giê-su khai mạc. Đối với Ar-thor Just, dụ ngôn này phản ánh ý nghĩa của sự ăn năn để được chấp nhận vào Vương quốc trong sự thông công bàn tiệc theo [truyền thống] Tin Mừng thánh sử Lu-ca (22).

      Trong khi thánh sử Mat-thêu nhắc lại những câu chuyện mà trước đó được tìm thấy trong Tin Mừng thánh sử Mac-cô, thì truyền thống đặc biệt theo Tin mừng thánh sử Mat-thêu, một truyền thống Tin Mừng xác định Đức Giê-su là sứ giả của sự rộng mở của Thiên Chúa đối với tội nhân, cũng là ẩn dụ, tức là dụ ngôn về người làm công trong vườn nho (20, 1-15). Mặc dù dụ ngôn về giờ thứ mười một này không chứa bất kỳ bảng tham chiếu cụ thể nào, cha Schil-le-beeks tin rằng nó mang một thông điệp tương tự như thông điệp được tìm thấy trong các câu chuyện và dụ ngôn của Tin Mừng theo thánh Lu-ca đã lưu ý ở trên, đặc biệt là sự đảo ngược của người tuân giữ luật và tội nhân trong triều đại của Thiên Chúa.

      Tương tự như vậy, có vẻ như có một truyền thống Q đặc biệt xác nhận quỹ đạo cởi mở này đối với những người tội lỗi. Cụ thể, có sự đồng thuận của nhiều người rằng dụ ngôn về con chiên lạc được tìm thấy trong Tin mừng theo thánh Lu-ca 15, 1-7 là từ truyền thống Q (23). Ở đây, một dụ ngôn ngắn được đưa ra để đáp lại lời lẩm bẩm của các kinh sư và người Pha-ri-siêu rằng Chúa Giê-su “đón tiếp những người tội lỗi và ăn uống với họ" (15, 2b). Dòng cuối cùng của đoạn văn mà nó loan báo niềm vui lớn hơn đối với một tội nhân sám hối ăn năn, được vang vọng lên với sự đảo ngược ơn cứu rỗi của tội nhân và người tuân giữ luật lệ đã thấy trước đó.

      Sau cùng, Tin Mừng theo thánh sử Gio-an là nguồn duy nhất của câu chuyện về Chúa Giê-su với người phụ nữ Sa-ma-ri-tan (4, 4 - 42). Trong khi câu chuyện bắt đầu bằng lời yêu cầu [của Đức Giê-su] xin nước uống (4, 7b), sự vắng mặt của các tông đồ được giải thích bằng hành trình của họ đi vào thành phố để mua thức ăn (tqovas), và có một bài diễn thuyết ẩn dụ [giữa Đức Giê-su và người phụ nữ] (4, 31-34) về thức ăn (bqzrim). Giống như câu chuyện về Đức Giê-su với ông Gia-kêu, không có đề cập cụ thể nào về bữa ăn. Mặt khác, giống như câu chuyện về ông Gia-kêu, Đức Giê-su đã trở thành khách, ở lại với người Sa-ma-ri-tan trong hai ngày và có thể nói là đã ăn uống với họ trong thời gian đó.

      Đúng là những lời tường thuật về Bữa Tiệc Ly của Tân Ước cũng trình bày Đức Giê-su ăn uống với những người tội lỗi. Ông Phê-rô sắp phản bội Đức Giê-su, và sự phản bội đó đã được báo trước trong Tin Mừng theo thánh Lu-ca (22, 21-23). ​​Ông Giu-đa đã tham gia vào những hành động phản bội (Mc 14, 10-11; Mt 26, 14-16; Lc 22, 3-6) và hành động đen tối của hắn cũng được báo trước vào đầu bữa ăn (Mc 14, 18; Mt 16, 20b; Lc 22, 21). Hơn nữa, toàn bộ khuôn khổ mà thánh sử Mac-cô sử dụng để tường thuật Bữa Tiệc Ly được thực hiện theo cách thế mà các môn đệ dường như, bằng nhiều cách, “gây ra” cái chết (của Đức Giêsu) thông qua sự thiếu hiểu biết và thất bại của họ” (24). Đồng thời, những nhân vật thậm chí bi thảm và có khiếm khuyết - ngoại trừ ông Lê-vi - không phải là những tội nhân khét tiếng, những nguồn gốc gây tai tiếng công khai, cũng không phải là đối tượng của nhiều lời phàn nàn về Đức Giê-su. Ăn tối với những môn đệ này không phải là sự phá vỡ các quy tắc về sự trong sạch hay vi phạm nghi thức ăn uống của người Do Thái.

      Những câu chuyện Bữa Tiệc Ly chắc chắn trình bày Chúa Giê-su hiến mình cho một cộng đồng bị tan vỡ (25 ) và tái khẳng định giáo lý căn bản rằng Đức Giê-su đã đến để hòa giải những người tội lỗi (x. Mt 26, 28). Mặt khác, chỉ thông qua lăng kính của hoạt động sứ vụ bàn tiệc rộng lớn hơn của Đức Giê-su thì bản chất cốt lõi và lan tỏa của lời mời này mới được hiểu, và cho phép một học giả Kinh thánh là Ro-bert Kar-ris kết luận rằng - ít nhất là trong Tin Mừng theo thánh Lu-ca – “Đức Giê-su đã tự đóng đinh mình bằng cách thế Người đã ăn” (26). Do đó, bản tóm tắt bốn mươi năm của Nor-man Per-rin về thực hành bàn tiệc của Chúa Giêsu dường như vẫn chưa đúng.

      “Đức Giê-su đã đón tiếp… những người bị ruồng bỏ vào đồng bàn tiệc với chính mình nhân danh vương quốc của Thiên Chúa, nhân danh niềm hy vọng tối hậu của người Do Thái, và vì thế cả hai đều làm mất niềm hy vọng đó và phá vỡ hàng ngũ chặt chẽ của cộng đồng chống lại kẻ thù của họ. Thật khó để tưởng tượng ra điều gì xúc phạm hơn đến sự nhạy cảm của người Do Thái” (27).

Nơi Bàn Tiệc Sai đi Sứ Vụ

      Mặc dù không phải lúc nào cũng rõ ràng đối với những tín hữu đương thời, Tân ước nêu rõ mối liên hệ quan trọng giữa Bí tích Thánh Thể và sứ vụ truyền giáo. Mối liên hệ này thật rõ ràng trong những câu chuyện về Bữa Tiệc Ly. Tuy nhiên, tôi cho rằng việc phát sinh sứ vụ truyền giáo từ Bữa Ăn Cuối Cùng của Đức Giê-su trên trái đất này được hiểu rõ nhất nếu được đặt trong bối cảnh thực tế rộng lớn hơn của bàn tiệc Đức Giê-su. Những câu chuyện về phép lạ hóa bánh ra nhiều đặc biệt quan trọng ở đây, và mối liên hệ này đặc biệt rõ ràng trong Tin Mừng theo thánh Mac-cô.

      Thánh sử Mac-cô kể hai câu chuyện về phép lạ hóa bánh ra nhiều (6, 34-44) và 8, 1-9) (28). Những câu chuyện này rất quan trọng đối với cách diễn đạt của thánh Mac-cô về sứ mệnh phổ quát của Giáo Hội (29). Câu chuyện đầu tiên trong hai câu chuyện phép lạ hóa bánh cho người ta ăn trong Tin Mừng theo thánh Mac-cô rõ ràng diễn ra trong bối cảnh Do Thái. Tác giả Tin Mừng nhấn mạnh đến bối cảnh Do Thái này theo nhiều cách khác nhau. Đầu tiên là bối cảnh địa lý ở Ga-li-lê (30), một nơi có ý nghĩa đặc biệt vì đây là nơi Chúa Giê-su lần đầu tiên công bố Tin Mừng của Ngài (1, 4). Thánh sử Mac-cô dường như cũng có chủ ý về ngôn ngữ mà ngài sử dụng trong câu chuyện này (31). Ví dụ, thuật ngữ tiếng Hy Lạp chỉ giỏ (kophinon) dường như ám chỉ những chiếc giỏ thường thấy trong bối cảnh Do Thái (32). Ngoài ra, động từ tiếng Hy Lạp chỉ phước lành (eulogein) cũng như công thức chúc lành cũng gắn liền chặt chẽ hơn với bối cảnh Do Thái. Cuối cùng, số học trong câu chuyện có vẻ là của người Do Thái, với năm chiếc bánh gợi nhớ đến năm cuốn sách đầu tiên của Luật pháp, và Mười hai tượng trưng cho mười hai chi tộc Is-ra-el (33).

      Tuy nhiên, câu chuyện thứ hai trong Tin Mừng theo thánh Mac-cô lại tập trung rõ ràng vào Dân Ngoại. Trong chương 7, Đức Giê-su băng qua Tyre và Si-don, rõ ràng là đang tiến vào lãnh thổ Dân Ngoại. Trước khi trình bày câu chuyện phép lạ hóa bánh ra nhiều cho dân chúng ăn, thánh sử Mac-cô đã xen vào câu chuyện về người phụ nữ Sy-ro-phoe-ni-ci-an xin những mẩu bánh vụn từ bàn ăn của trẻ em (7, 28), tiếp theo là câu chuyện về việc mở tai người đàn ông bị điếc ở vùng De-ca-po-lis. Cả hai đều là những câu chuyện chuyển tiếp, dự đoán việc chia sẻ bàn ăn của người Do Thái với phần còn lại của thế giới - một ý tưởng “quá mới lạ đến nỗi nó sẽ đòi hỏi những đôi tai mở ra với khả năng như vậy” (34).

      Trong chính câu chuyện phép lạ hóa bánh ra nhiều cho đám đông dân chúng ăn, thánh sử Mac-cô chuyển sang ngôn ngữ phù hợp hơn với bối cảnh của Dân ngoại, ví dụ, thuật ngữ chỉ giỏ trong 8,8 (spuridas) cũng như động từ (eucharistein) và công thức chỉ lời chúc phúc trên bánh trong 8, 6. Lời chúc phúc trên con cá trong 8,7 cũng nhấn mạnh bối cảnh của Dân ngoại, vì trong bối cảnh truyền thống của người Do Thái, chỉ có con người, bao gồm cả Chúa, được chúc phúc" (35). Cuối cùng, số học ở đây có vẻ là của Dân ngoại, bởi vì thay vì số mười hai và số năm, trong câu chuyện này, thánh sử Mac-cô sử dụng số bảy và số bốn, có thể được hiểu là những con số phổ quát áp dụng cho toàn thế giới” (36).

      Một chủ đề xuyên suốt Tin Mừng theo thánh Mac-cô là sự thiếu hiểu biết của các môn đệ. Những câu chuyện về phép lạ hóa bánh ra nhiều song song này, theo một cách khác thường, phác họa cho thấy chiều rộng của sứ vụ được gắn kết vào hoạt động Thánh Thể, và trình bày một giáo lý rất sâu sắc nhưng dễ hiểu (37) của Đức Giê-su về sứ vụ phát xuất từ ​​bàn tiệc của Người. Như Cha La-Ver-di-ère tóm tắt:

      Tin Mừng kể về cách Chúa Giê-su đã khiến các môn đệ lên đường đến bờ biển Dân ngoại và cách họ chống cự lại một cơn cuồng phong nổi lên ngăn cản họ đến bờ bên kia... Họ đã không hiểu rằng việc bẻ bánh, Bí tích Thánh Thể, dành cho cả Dân ngoại cũng như Người Do Thái, và cho cả phụ nữ cũng như đàn ông (38).

      Một phần của giáo lý bắt nguồn từ vai trò của các môn đệ trong cả hai câu chuyện, vì chính các môn đệ - chứ không phải Đức Giê-su - là người phân phát bánh (6,41 - 8,6) và có thể đã tham gia vào việc thu thập các mảnh vụn bánh (6, 42 - 8,8). Đây chắc chắn là giáo lý về và vì sứ vụ.

      Chắc chắn rằng những câu chuyện về Bữa tối cuối cùng cũng chứa đựng nhiều thông tin bổ ích về công cuộc truyền giáo.

      Việc Đức Giê-su kêu gọi các môn đệ trở nên thân thể của Người trên thế gian trong cái chết sắp xảy ra của Người là sứ vụ sâu sắc nhất. Đặc biệt, sứ vụ hòa giải được ghi dấu ấn trong việc uống chén, trong đó các môn đệ gắn kết với cái chết của Chúa Ki-tô trong một cam kết giao ước là sẽ tự hạ mình xuống cho đến chết (39). Và cũng giống như cái chết của chính Chúa Giê-su không chỉ dành cho các môn đệ mà còn vì lợi ích của nhiều người (x. Mc 14, 24b; Mt 26,28b), thì việc họ được giao nhiệm vụ cũng theo cùng một quỹ đạo như vậy. Lời chỉ dẫn về việc phục vụ sau trình thuật Chúa Giê-su lập bí tích Thánh Thể (Mc 10, 42-5, Mt 20,25-8) cũng là một sứ mệnh truyền giáo tiềm năng.

      Tuy nhiên, phạm vi của tầm nhìn tông đồ trong những câu chuyện về Bữa Tiệc Ly phụ thuộc vào sự thúc đẩy mạnh về truyền giáo ở trọng tâm của những câu chuyện về phép lạ hóa bánh ra nhiều trong Tin mừng theo thánh Mac-cô cũng như vô số những câu chuyện về bàn tiệc đã được thuật lại trước đó, đánh dấu những gì Mi-chell gọi là “sự ngẫu nhiên” của hoạt động sứ vụ bàn tiệc của Đức Giê-su. Cha La-Ver-di-ère đã nhấn mạnh tầm quan trọng của những câu chuyện về phép lạ hóa bánh ra nhiều đối với truyền thống Thánh Thể bằng cách lưu ý rằng chúng có trước những câu chuyện phụng vụ về Bữa Tiệc Ly” (40).

Kết Luận

      Các văn bản Tân Ước tràn ngập những hình ảnh, giáo lý, dụ ngôn và thực hành về Thánh Thể. Trong cuốn sách của mình về nguồn gốc Thánh Thể trong Tin Mừng thánh thánh Lu-ca, Cha La-Ver-di-ère phân biệt giữa các bữa ăn: những bữa ăn với Chúa Giê-su vị Ngôn sứ (ở Ga-li-lê và trên đường đến Giê-ru-sa-lem), bữa ăn với Chúa Giê-su là Đấng Ki-tô/Được Xức Dầu (Bữa Tiệc Ly) và các bữa ăn với Chúa Giê-su Đấng là Chúa (sau khi Phục sinh) (41). Trong khi Bữa Tiệc Ly rõ ràng là Bữa ăn quan trọng nhất trong tất cả các bữa ăn mà thánh sử Lu-ca thuật lại, thì nó không tách biệt khỏi những bữa ăn trước đó và là Bữa Ăn cao trào tóm tắt bảy câu chuyện về bữa ăn trước đó trong Tin Mừng theo thánh Lu-ca, và dự đoán hai câu chuyện sắp tới (42). Tuy nhiên, việc tóm tắt các bữa ăn trước đó trong Tin Mừng theo thánh Lu-ca là một công trình cô đọng, thậm chí là bí ẩn và đòi hỏi chìa khóa giải thích do phạm vi hoạt động sứ vụ bàn tiệc của Chúa Giê-su cung cấp. Do đó, Cha La-Ver-di-ère kết luận rằng tốt nhất là nên nhận ra rằng nguồn gốc của Bí tích Thánh Thể nằm trong một chuỗi dài và phức tạp các sự kiện mà chúng đạt đến đỉnh điểm tại Bữa Tiệc Ly và Bữa Tiệc Của Chúa (43). Tương tự như vậy, tôi cho rằng chính hành trình sống của Chúa Giê-su ngang qua hoạt động sứ vụ bàn tiệc phong phú và ngẫu nhiên của Người, hơn bất kỳ lăng kính Kinh thánh nào khác, cung cấp phương pháp giải thích thích hợp để khám phá sự phong phú của Bữa Tiệc Ly đó và vang lên lời mời gọi rõ ràng cho thần học và lối sống Thánh Thể đương đại, đó là: rộng mở đón nhận tất cả  [không loại trừ], hòa giải và không ngừng hướng đến mục tiêu.

(Chuyển ngữ: Lm. Giuse Đinh Đức Huỳnh, SSS)

------------------

      Lưu ý: Ý nghĩa của những hạn từ:

      Haggadah: văn bản được đọc tại Tiệc Vượt Qua vào hai đêm đầu tiên của Lễ Vượt Qua của người Do Thái, bao gồm một câu chuyện về Cuộc Xuất hành.

      Lễ hội ‘Purim’ : một lễ hội nhỏ của người Do Thái được tổ chức vào mùa xuân (vào ngày 14 hoặc 15 tháng Adar) để kỷ niệm sự thất bại của quan Ha-man khi ông âm mưu thảm sát người Do Thái, như được ghi lại trong sách Es-te.

      Tháng Adar: (trong lịch Do Thái) là tháng thứ sáu của năm dân sự và thứ mười hai của năm tôn giáo, thường trùng với một phần của tháng Hai và tháng Ba. Vào những năm nhuận, nó được gọi là Adar thứ hai.

      Mishnah: Một bộ sưu tập các tài liệu chú giải thể hiện truyền thống truyền miệng của luật Do Thái và hình thành nên phần đầu tiên của bộ luật Talmud (Talmud: bộ luật dân sự và nghi lễ Do Thái, bao gồm Mishnah và Gemara. Có hai phiên bản Talmud: Talmud Babylon [có niên đại từ thế kỷ thứ 5 sau Công nguyên nhưng bao gồm các tài liệu trước đó] và Talmud Palestine hoặc Giê-ru-sa-lem trước đó.)

Chú Thích:

(1)     http//www.vatican.va/holy_father/special_feafures/encyclicals/documents/hf_ipii_enc_20030417_ecclesia_eucharistia_en_html (15.vizi.05).

(2) See, for example, the article co-authored with my colleague Dianne Bergant on the important of biblical methods in the teaching of Vatican II, “The Beginning or the End of a Theological Agenda: Tracing the Methodological Flows through Vatican II,” Gregorianum 84 (2003) 315-345.

(3) Speaking of the Last Supper in the Gospel of Luke, for example, he notes “The Last Supper brings Luke’s story of meals to a great climax, recapitulating the basic themes of the seven previous meals, holding them to the light of the passion – resurrection and presenting them ina new Chrstian synthesis.” Dinning in the Kingdom of God (Chicago: Liturgy Training Publications, 1994). P. 121.

(4) My colleague, Prof. Barbara Bowe, remind me that the connection between hospitality and table is alive today all over Middle Eastern cultures. She believes that “the cultural context of Christian’s birth “hot wiried” us to know this connection.” I am greateful for her insight and the helpful review she offered of an earlier draft of this article.

(5) On the importance of the meal from the perspective of Eucharistic theology, see Geoffrey Wainwright, Eucharist and Eschatology (Leedon: Epworth Press, 1971, p. 19).

(6) See the Babylonian Talmud, Ta’anith 20b.

(7) Philip Birnbaum, Encyclopedia of Jewish Concepts (New York: Sanherin Press, 1979), s.v. Maoth Hittim.

(8) Nathan Michell, Eucharist as a Sacrament of Initiation, Forum Essay 2 (Chicago: Liturgy Training Publications, 1994), p. 90.

(9) Joachim Jeremias, The Eucharistic Words of Jesus, 3rd ed., trans. Norman Perrin (Philadelphia: Fortress Press, 1966), p. 46.

(10) J. Micheal Joncas, “Tasting the King of God: The Meal Ministry of Jesus and its implications for Contemporary Worship and Life.” Worship 74:4 (2000) p. 351.

(11) Ibid.

(12) Bruce Chilton, A Feast of Meanings: Eucharistic Theologies from Jesus through Johannine Circles, Supplements to Novum Testamentum, v. 72 (Leiden Brill, 1994), p. 99.

(13) Chilton, especially pp. 98-100.

(14) Edward Chillebeeckx, Jesus: An Experiment in Christology, trans. Hubert Hoskins (New York: Vintage Books, 1981), pp. 206.

(15) Schillebeeckx, pp. 206-213.

(16) Schillebeeckx, p. 212.

(17) Although Elisabeth Schussler Fiorenza disputes the inperpretation that “she was a woman of the city” or protitute in In Memory of Her: A feminist Theological Reconstruction of Christian Origins (New York: Crossroad, 1983), p. 129; more recently on this point, see Barbara Reid, Chosing the Better Part? Women in the Gospel of Luke (Collegeville, MN: The Liturgical Press, 1996) 107-123.

(18) Francis Monoley, A Body Broken of the Broken People (Melbourn: Collins Dove, 1990), p. 59.

(19) LaVerdière, Dinning in the Kingdom, p. 114.

(20) T.W.Manson, Saying of Jesus as recorded in the Gospel of St. Matthew and St. Luke (London: SCM Press, 1975), p. 282 as cited in Joseph Fitzmyer, The Gospel according Luke X.XXIV: Introduction, translation and notes, Anchor Bible 28A (New York: Doubleday, 1985), p. 1072 and 1218.

(21) Chilton, p. 37.

(22) Just, The Ongoing Feast, p. 182.

(23) Besides the above noted reference in Schillebeeckx, see, for example, John S. Kloppenborg Verbin, Excavating Q: The History and Setting of the Sayings Gospel (Minneapolis, MN: Fortress Press 2000), pp. 96-8.

(24) Moloney, p. 30.

(25) Moloney, p. 52.

(26) Robert Karris, Luke: Artist and Theologian (New York: Paulist Press, 1985), p. 47; this perspective is reiterated by many other authors, e.g., Arthur A. Just, The Ongoing Feast: Table Fellowhip and Eschatology at Emmaus (Collegville: Liturgical Press, 1993), p. 193.

(27) Norman Perris, Rediscovering the Teaching of Jesus (New York: Harper and Row, 1967), p. 103; a similar conclusion is drawn by his mentor Joachim Jeremias, pp. 204-205.

(28) Matthew will also tell two multiplication stories, but shape them in different ways (Mt 14: 14-21 and 15: 32-39)

(29) Eugene LaVerdière , The Eucharist in the New Testament and the Early Church (Collegeville: Liturgical Press, 1996), p. 52.

(30) See Donald Senior, “The Struggle to Be Universal: Mission as Vantage Point for New Testament Investigation,” Catholic Biblical Quarterly 46 (1984), pp. 76-78.

(31) On the analysis of Markan vocabulary, See Sanae Masuda, “The Good News of the Miracle of the Bread: The Tradition and Its Markan Redaction,” New Testament Studies 28 (1982) 192-198.

(32) LaVerdière , The Eucharist in the News Testament, p. 57; more completely, Masuda, p. 204.

(33) Joseph Grassi, Loves and Fishes: The Gospel Feeding Narratives (Collegevill: Liturgical Press, 1991), p. 33; more completely, Masuda, pp. 203-5.

(34) Ibid.

(35) LaVerdière , The Eucharist in the News Testament, p. 57.

(36) Grassi, p. 28.

(37) Masuda concludes that the primary purpose of these stories is not the recording of a miraculous feeding but cetechesis, including catechesis for missiology. “The Miracle of the Bread.” P. 214.

(38) LaVerdière, The Eucharist in the News Testament, p. 57.

(39) Xavier Léon-Dufour, Sharing in the Eucharist Bread, trans. Matthew O’Connell (New York: Paulist Press, 1982), pp. 155-156.

(40) Eugene LaVerdière , “Feed my Sheep: Eucharistic Traditon in Mark 6, 34-46, “in Bread from Heaven, ed. Paul Bernier (New York: Paulist Press, 1997), p. 51.

(41) LaVerdière , Dinning in the Kingdom of God, pp. 25-28.

(42) Ibid., p. 22.

(43) Ibid., p. 23.

 

 

 

© 2016 Dongthanhthe.net. All rights reserved.