Chào Đón Với Tấm Lòng Của Đức Ki-tô
(Welcoming with the Heart of Christ)
(Tác Giả: James W. Brown)
[Trích Báo Emmanuel - Eucharistic Spirituality
- Tháng 1/ Tháng 2, Năm 2014 – (Trang 12-15)]
Đức Giáo hoàng Phan-xi-cô đã thu hút sự chú ý [của nhiều người] theo nhiều cách kể từ khi Người được bầu chọn vào ngày 13 tháng 3 năm ngoái (2013). Một thói quen mà đã khiến cho Người được hàng triệu người trên toàn cầu yêu mến, đó là Người đã có những bài giảng ngắn ngẫu hứng tại Nhà Nguyện Thánh Mat-ta (Domus Sanctae Marthae), nhà khách Va-ti-can nơi ngài đang sống. Mỗi buổi sáng, Người đều có một bài giảng ngẫu hứng, không theo kịch bản trước, cho nhóm khoảng 50 người.
Mùa hè năm ngoái, Đức Giáo hoàng Phan-xi-cô đã đề cập đến “bí tích thứ tám”, một bí tích mà - theo suy nghĩ của tôi – Người đã đề nghị mọi người phải thực hành sống đức tin đều đặn và trở nên hoàn hảo, thậm chí không có chút tội lỗi gì (như thể chẳng có ai thực sự có tội). Đây là những gì ngài đã nói: “Nhiều lần chúng ta là những người kiểm soát đức tin thay vì trở thành những người hướng dẫn... Và luôn có một cám dỗ là cố gắng chiếm hữu Chúa. Và vì vậy, khi đi trên con đường này, có thái độ kiểm soát, chiếm hữu như thế, thì chúng ta chẳng làm điều gì tốt đẹp cho mọi người, cho dân Chúa.”
Hơn nữa, ngài nói: “Chúa Giê-su đã thiết lập bảy bí tích với thái độ mở rộng lòng [đón tiếp], và chúng ta đang thiết lập bí tích thứ tám: bí tích của thói quen chăm sóc [tha nhân]! ... Chúa Giê-su phẫn nộ khi thấy có những thái độ [kiểm soát và chiếm hữu] này bởi vì những người đau khổ là những người trung thành của Ngài, những người mà Ngài rất yêu thương.”
Tại Bàn Tiệc
Những lời này rất khích lệ đối với nhiều người trong chúng ta, những người đã bắt đầu tự hỏi đâu là những ưu tiên thực sự mà chúng ta cần quan tâm với tư cách là một cộng đồng Công giáo, đặc biệt là khi nói đến việc cử hành Bí tích Thánh Thể.
Có vẻ như đôi khi chúng ta lo lắng quan tâm nhiều hơn về những lời được đọc trong Kinh nguyện Thánh Thể, và tự hỏi: ai đụng chạm vào điều gì, bài hát nào được phép hát, Thánh giá được đặt ở đâu, v.v., và khi đến với Bàn tiệc của Chúa/và mang theo lễ vật, chúng ta ít quan tâm đến những tấm lòng nặng trĩu lo âu của nhiều người trong giáo đoàn, những tội lỗi sâu kín và thói nghiện ngập của họ, hoặc những mối quan tâm mà chúng ta cần phải dành cho rất nhiều người không có mặt tại bàn tiệc của chúng ta: những người vô gia cư, “những người đã bỏ cuộc hoặc trở nên thờ ơ”, “những người tội lỗi”, “những người không thường xuyên [tham dự Lễ]” và bất kỳ ai cảm thấy “không xứng đáng” đến nhà thờ.
Nhưng thật trớ trêu là, trong khi sống trong bối cảnh thiếu quan tâm đến nhau như thế, thì hành động đầu tiên tại mỗi Thánh lễ là mỗi người chúng ta cùng nhau khiêm nhường thú nhận với Thiên Chúa nhân từ những khiếm khuyết, tính cách lập dị và vết thương của riêng mình; và rất nhiều ví dụ về việc chúng ta đã không sống đúng với phẩm giá cao quý của con người mình.
Theo truyền thống lâu đời này, Thánh Lễ bắt đầu bằng sự tha thứ và lời Chào mừng nồng nhiệt tất cả mọi người! Chúa Giê-su chào đón chúng ta đến với phụng vụ: để được chữa lành, để được hòa giải, để được thương xót. Trên thực tế, Chúa Giê-su đã có những lời khá gay gắt đối với người giàu có đầy lòng tự mãn khoe khoang; và có những lời tử tế đối với người thu thuế khiêm tốn phủ phục, chỉ cầu xin sự tha thứ và lòng thương xót của Chúa.
Vì vậy, cử chỉ đầu tiên của chúng ta trong cử hành Thánh Thể là tinh thần “Chào mừng”. Hãy đến và tham gia cùng tôi (một chủ tế tội lỗi) và chúng tôi (một cộng đồng tội nhân và những người bị tổn thương). Chúng ta hãy ngợi khen và cảm tạ Thiên Chúa vì tất cả những món quà mà chúng ta đã được ban tặng, cho dù về mặt nghi lễ chúng ta trong sạch hay có khiếm khuyết, tội lỗi. Việc cử hành Bữa Tiệc Ly này phải là một trải nghiệm về lòng bao dung đón nhận tất cả.
Sự việc trên về Đức Giáo hoàng Phan-xi-cô khiến tôi nhớ đến một câu chuyện trong cuốn sách của Cha An-rê Git-ton, thuộc dòng Thánh Thể. Tựa đề cuốn sách là: Peter Julian Eymard: Apostle of the Eucharist (Thánh Phê-rô Giu-li-a-nô E-ma: Tông đồ Thánh Thể). Độc giả của tạp chí này sẽ nhớ lại trong bài viết của tôi vào tháng 1/tháng 2 năm 2013 và các bài viết khác những câu chuyện về Thánh Phê-rô Giu-li-a-nô E-ma tiếp cận trẻ em đường phố (“những đứa trẻ nhặt rác”), những công nhân nhà máy và những thanh niên thiếu nữ nghèo chưa bao giờ đặt chân đến nhà thờ để chuẩn bị cho họ Rước lễ lần đầu. (Ngài đến những nơi ở Pa-ri mà “cả cảnh sát lẫn giáo sĩ đều không dám đặt chân đến.”)
Câu chuyện này kể rằng: các nữ tu Dòng Nữ Tỳ Thánh Thể mà Thánh Phê-rô Giu-li-a-nô mới thành lập đã hỗ trợ ngài chuẩn bị cho các bé gái khoảng 17 tuổi Rước lễ lần đầu và Thêm sức. Các tu sĩ nam đang chuẩn bị cho những chàng trai trẻ. Đây là những đứa trẻ đường phố nghèo khó với rất ít hoặc không có tài sản riêng.
Người đứng đầu các chị em, Mẹ Ma-gơ-rit Gi-lot, kể lại (một phần) câu chuyện như sau:
Tất cả trẻ em đều được giáo dục. Các cô gái ở lại tĩnh tâm ba ngày tại nhà chúng tôi. Các em mặc đồng phục, một chiếc váy đẹp mà chúng tôi đã may… Tất cả các em đều đội khăn voan dài màu trắng ... và đeo huy chương Rước lễ lần đầu quanh cổ.
Những đứa con thân yêu của chúng tôi thực sự đã mang lại cho chúng tôi một chút sức sống và sự say mê. Chúng tôi đã cho chúng ăn vào ngày Rước lễ lần đầu tuyệt đẹp của chúng. Chúng là những nữ hoàng của bữa tiệc, và chúng tôi đã phục vụ chúng tại bàn. Các Cha cũng làm như vậy. Để làm được một chút điều tốt, hẳn là chúng tôi cũng phải sẵn sàng có những hy sinh!
Thật dễ dàng - có thể là có, có thể là không - khi nghĩ rằng chúng ta có thể tiếp cận để mời những người nghèo không có nhà thờ, những thanh thiếu niên xăm mình, hoặc những người trẻ nghiện điện thoại di động trong số chúng ta vào và đối xử như những “nữ hoàng” và “vị vua” nhỏ. Có thể không dễ dàng - có thể là có, có thể là không - khi nghĩ rằng chúng ta có thể chào đón những người có cuộc hôn nhân không bình thường, một cặp đôi đã phá thai, một người hoặc một cặp đôi đồng tính, một người không hoàn toàn tin như chúng ta vào sự hiện diện thực sự của Chúa Giê-su trong Bí tích Thánh Thể hoặc sự bất khả ngộ của Đức Giáo hoàng.
Thế giới Công giáo đang kỷ niệm 50 năm Công đồng Va-ti-can II được tổ chức từ năm 1962 đến năm 1965. Trên thực tế, Đức thánh Giáo hoàng Gio-an XXIII muốn có một Công đồng đại kết cho toàn thế giới, một Công đồng bao gồm cả các nhà lãnh đạo tôn giáo Tin lành và Chính thống giáo. Ngài có tầm nhìn về sự hiệp nhất của Giáo Hội, một sự hiệp nhất sẽ phá đổ các chia rẽ và “những cảm giác khó chịu dai dẳng giữa các Giáo hội. Một trong số các tài liệu chính được đưa ra tại cuộc họp lịch sử này của các nhà lãnh đạo Giáo hội Công giáo là Sắc lệnh về Đại kết (Unitatis Redintegratio/ Phục Hồi Sự Hợp Nhất), được phê chuẩn vào tháng 11 năm 1964.
Đối với chúng ta, những người đã được chỉ dẫn, học hỏi, để nghĩ rằng đức tin Công giáo là đức tin chân chính duy nhất, và hiểu rằng tham dự một buổi lễ của Tin lành là có tội, cũng như xác tín rằng người Do Thái, người Hồi giáo và người vô thần không thể được cứu rỗi trừ khi họ bày tỏ đức tin vào Chúa Ki-tô, thì đây [tầm nhìn về đại kết] thực sự là một sự thay đổi mang tính cách mạng trong giáo lý của Giáo Hội Công giáo. Đối với chúng tôi, cùng với những người bạn và thành viên gia đình theo đạo Tin lành và / hoặc Do Thái, tinh thần đại kết này là một sự thay đổi đáng hoan nghênh trong cách chúng ta hiểu về Giáo hội của mình.
Sắc Lệnh về Đại Kết là và vẫn là một văn kiện và khái niệm khích lệ rằng mọi người thuộc mọi tín ngưỡng và truyền thống có thể cùng nhau làm việc vì lợi ích chung, để biến thế giới trở thành một nơi tốt đẹp hơn, để phục vụ người nghèo, để chống lại sự bất công trong chính trị, doanh nghiệp, và hệ thống tôn giáo, cũng như những thực tế phũ phàng của chiến tranh, bạo lực và nạn đói. Mặc dù chúng ta không thể chia sẻ Bữa Tiệc Thánh, nhưng thật là một ân sủng khi có thể cử hành lễ cưới, lễ tang, lễ tưởng niệm và các sự kiện khác tại nhà thờ, giáo đường Do Thái, nhà thờ và đền thờ của nhau, đặc biệt là khi tất cả mọi người đều cảm thấy được chào đón.
Có một bài hát mà thỉnh thoảng chúng tôi hát ở giáo xứ mình. Tôi chắc rằng bài hát này cũng được hát thường xuyên trên khắp đất nước chúng tôi và trên thế giới. Tên và chủ đề của nó giống nhau, “Tất cả đều được chào đón”. Lời bài hát như sau:
Chúng ta hãy xây dựng một ngôi nhà nơi tình yêu có thể ngự trị và mọi người có thể sống an toàn, một nơi mà các vị thánh và trẻ em kể lại cho biết làm thế nào những trái tim học cách tha thứ.
[Ngôi nhà đó] được xây dựng bằng hy vọng, ước mơ và tầm nhìn, là nền tảng của đức tin và là kho báu của ân sủng. Ở đây tình yêu của Chúa Ki-tô sẽ chấm dứt sự chia rẽ; Tất cả đều được chào đón, tất cả đều được chào đón, tất cả đều được chào đón tại nơi này.
Hành động đầu tiên trong mỗi Thánh Lễ là cùng nhau khiêm nhường xưng thú với Thiên Chúa nhân từ những thiếu sót, tính cách riêng và vết thương của mỗi người.
Trong Phụng vụ Thánh Thể, trước tiên chúng ta cùng nhau quy tụ như những tội nhân và được chào đón đến Bàn tiệc của Chúa. Chúng ta dự phần vào Mình và Máu Chúa Giê-su để chúng ta có thể trở thành những gì chúng ta ăn. Hành động cuối cùng trong phụng vụ là một sứ mệnh bằng tiếng Latin —“Ite, missa est”; nghĩa là “Hãy đi, Thánh Lễ đã hoàn tất” (chưa kết thúc).
Nói cách khác, Thánh Lễ vẫn tiếp tục khi chúng ta ra đi để yêu thương và phục vụ Chúa, để mang tinh thần xót thương và tha thứ, bao dung và hiếu khách, lòng trắc ẩn và tình yêu của Chúa Ki-tô đến nơi làm việc, gia đình và nơi chợ búa. Chúng ta có sứ mệnh mang trong mình tinh thần mà Đức Giáo hoàng Phan-xi-cô gọi là “tấm lòng của Chúa Giê-su dành cho những người bị thương tích và khổ đau”. Tấm lòng đó, trên thực tế, hầu như mỗi người chúng ta đều có, theo một cách nào đó, dù chúng ta là người Công giáo hay không Công giáo, không phải là Ki-tô hữu, hoặc bất kể quan điểm nào của chúng ta đối với Chúa và thế giới.
Tất cả đều được chào đón.
(Chuyển ngữ: Lm. Giuse Đinh Đức Huỳnh, SSS)