PHERO YULIANO EYMARD
VỊ THÁNH CỦA HÔM NAY
(Phần 1)
Khi một con người được tuyên thánh, thì không phải là được Giáo Hội phong chức hay thăng chức cho. Ai có thể thăng chức cho một vị Thánh, ngoại trừ chính Thiên Chúa? Giáo Hội chỉ làm công việc chính thức công nhận một ngọn đèn hướng dẫn đường trọn lành cho con cái. Vậy thì người được hưởng lợi trong một cuộc tuyên Thánh không phải là Thánh nhân, nhưng là chính những con người lữ hành trên trần thế.
Phero Yuliano Eymard của chúng ta được tuyên dương hiển Thánh vào một thập niên gần đây của hậu bán thế kỉ này. Cái bí nhiệm đầy thực tế sinh động của Thánh Thần là vào đúng lúc thứ nhất trong dòng trôi lịch sử, Người dựng lên sừng sững trước nhân loại những vị Thánh. Nhưng con người khổng lồ dưới một góc nhìn nào đó. Cuộc sống và giáo thuyết của các ngài là một đáp ứng chính xác và quý báu nhất cho những yêu cầu cấp thiết của Giáo Hội. May mắn thay cho con cái, là Mẹ Giáo Hội lại được ban cho cái cảm quan diệu kỳ để nhận ra và công bố- cũng thật đúng lúc- sự thánh thiện của những tôi tớ Thiên Chúa mà sứ điệp các ngài loan báo có sức lấp đầy vực thẳm khát vọng của những người tin.
Thế giới hôm nay, cả ở nhiều nơi đang vỗ ngực vinh vang là hữu thần nhất, tôn trọng tín ngưỡng nhất, có khi còn có những hình thức thực hành tôn giáo rậm rịch nhất nữa, đang đổ dốc theo vật chất, đang xuôi dòng thác đổ theo tự nhiên thuyết. Con người thế chỗ Thượng Đế trong các điện thờ. Mọi tin tưởng thần thiêng bị coi là mê tín. Mọi cầu khẩn là vong thân. Không thể có một quyền lực giải phóng nào ngoài con người. Công trình cứu thế của đức Giesu Kitô bị phủ nhận. Ngài không thể là cứu tinh duy nhất. Có người muốn bôi xóa danh tánh Ngài ra khỏi lịch sử. Khoa học kĩ thuật và những tiến bộ vật chất sẽ cùng với thời gian, đảm bảo được hạnh phúc toàn diện cho hết mọi người ngày mai.
Giữa những chủ thuyết khác biệt với Giáo Hội một cách đáng tiếc ấy, con cái Giáo Hội cần hưởng ứng công việc của Mẹ thánh mình, phá đổ mọi tường ngăn cách chắn cho phát tỏa tới mọi nơi dung mạo đã bừng sáng của một vị Thánh, dung mạo của một con người mà cả đời làm thành một lời chứng mãnh liệt hùng biện về Đức Kitô chết- sống lại, Đức Kitô đang hiện diện giữa chúng ta hôm nay, trong nhiệm tích Thánh Thể, Đức Kitô sống luôn mãi để chuyển cầu cho chúng ta (x. Hr 7,25)
Mặt khác, nơi các Kitô hữu trong Giáo Hội toàn cầu, từ nhiều năm nay đã thấy bừng dậy và khởi sắc một trào lưu lớn: trào lưu đào sâu thần học Thánh Kinh và Phụng Vụ. Riêng ở Việt Nam chúng ta, từ sau Vatican II, và nhất là từ sau ngày Miền Nam được giải phóng, phong trào giáo lý Thánh Kinh đã được thổi mạnh. Càng đi sâu vào những thâm cứu sử học và chú giải, người ta càng nhìn thấy rõ hơn rằng: Đức Kitô có chỗ tại chính điểm trung tâm của lịch sử vũ trụ này.
Được các ngôn sứ loan báo, được Dân Thiên Chúa chuẩn bị, dọn đường, ngôi lời Thiên Chúa đã đến,mang theo sứ điệp sự sống. Ngài đã chết-sống lại để thực hiện việc giải cứu trần gian, thiết lập Vương Quốc Thiên Chúa, Vương Quốc đang hình thành và rộng mở nơi Giáo Hội và qua Giáo Hội.
Công trình cứu độ đã được Ngài thực hiện một lần thay cho tất cả và còn đang được nối dài nhờ Thánh Thể. Nhờ Thánh Thể, Ngài hiện diện trong giáo hội. Nhờ Thánh Thể, lễ tế Tiệc Ly và Hy tế Canve được tái tục. Qua nhiệm tích Thánh Thể, ân sủng tràn đổ trên những ai đã trở nên nghĩa tử của Thiên Chúa sau Thánh Tẩy. Toàn thể phụng vụ của Dân Tư Tế đều quy chiếu về Thánh Thể, xoay quanh Thánh Thể để phát sinh hiệu năng, giống như mọi đồng tử đều muốn đi thoe một quỹ đạo vòng tròn đều phải xoay quanh mãi tâm điểm của vòng tròn ấy và giữ nguyên một khoảng cách cố định. Phụng vụ Thánh Thể là nguồn phát sinh đồng thời lại cũng chính là đích điểm-của phụng vụ mọi nhiệm tích khác. Chỉ nơi Thánh Thể, cộng đoàn phụng vụ trần gian mới có thể xưng tụng vinh quang tình yêu Thiên Chúa một cách toàn hảo nhất, và do đó mới có thể kín múc được cho mình và cho anh em ơn thánh trợ giúp dồi dào nhất.
Vào thời buổi mà các Kitô hữu thực danh đã hiểu biết hơn về địa vị ưu việt của Thánh Thể trong giáo thuyết và trong thực hành của Giáo Hội như thế, tán dương mầu nhiệm Thánh Thể lớn lao dưới bao nhiêu chiều kích cao ca không bao giờ diễn tả hết ấy, cụ thể hóa cách nào đó sự tán dương này nơi con người thịt xương của một vị thánh đã trọn đời làm chứng nhân và tông đồ cho mầu nhiệm, do đó không phải là một cố gắng đúng lúc và hữu ích lắm sao?
1. Tông đồ Thánh Thể
PHERO YULIANO (Pierre-Julien) EYMARD là vị thánh đó. Danh tước xứng hợp với Ngài hơn cả là : TÔNG ĐỒ THÁNH THỂ. Tất cả linh đạo của Ngài là Thánh Thể. Sứ vụ riêng Ngài trao cho hội dòng Ngài sáng lập là Thánh Thể. Mấy dòng của Ngài sau đây sẽ định nghĩa và định tính cho sứ vụ đó: “Trước hết, đào tạo những người thờ Thánh Thể đích thực và chính danh, rồi đào tạo những tông đồ nhiệt thành trong tình yêu Ngài, để đâu đâu trên thế giới, Ngài cũng được tôn vinh” ( Ký yếu 100 năm Dòng Thánh Thể, Rome,1956, trang 11)
Rảo qua các thư từ và bút lục của Thánh Nhân, chúng ta nhận thấy ngay là Ngài sẽ không ngần ngại trở đi trở lại một ý tưởng đó, và tâm can ngài cũng hằng nóng cháy một tâm tình đó. Qua các giai đoạn của cuộc đời ngài, chúng ta có thể dần dần đi sâu hơn vào học thuyết của ngài, nhưng chúng ta cũng có thể nói ngay rằng: Chính lòng gắn bó tận tình với Thánh Thể đã làm nên cái nhất quán cho suốt cả cuộc đời và trọn vẹn tâm hồn ngài. Ân ban ngài nhận được là đã biết đặt tình yêu Thánh Thể vào trọng tâm linh đạo của mình và lấy tình yêu ấy làm nền tảng xây dựng Dòng Linh Mục Thánh Thể và Dòng Nữ Tỳ Thánh Thể.
Một người con thiêng liêng của Ngài đã viết: “Đối với chân phước Phero Yuliano Eymard, Thánh Thể luôn là nguyên lý, là phương thế và là mục đích, là cứu cánh cho cuộc sống linh thiêng của Ngài. Buổi thơ ấu, tuổi thiếu niên, khi làm linh mục, làm tu sĩ dòng Đức Mẹ, khi sáng lập 2 dòng mới, bao giờ thì Thánh Thể cũng là trọng tâm, là sinh điểm của Ngài” (Linh đạo của chân phước Phero yuliano Eymard, rome, 1956, trang 55)
Người con đó nói không sai. Ngày 1/5/1841 chính thánh nhân viết: “Từ lâu lắm, Chúa Giêsu săn đuổi tôi… Ôi, Lạy Thiên Chúa con, con quỵ ngã dưới chân Ngài…Giêsu của tôi trong Thánh Thể ! Tình yêu của tôi, tôi sẽ dành trọn cho Giêsu của tôi. ”
Ít lâu sau đó, năm 1845, nhật kí của cha Thánh đã ghi dấu ảnh hưởng quyết liệt của Hồng Ân Thánh Thể trên tâm hồn ngài: “Từ đầu tháng này tôi thấy tâm hồn mình bị lôi cuốn về Chúa một cách thật mạnh mẽ, Chưa bao giờ tôi thấy nó mạnh mẽ đến thế. Chính sức lôi cuốn này đã khởi hứng cho mọi lời giảng của tôi. Tôi muốn đưa mọi người đến chỗ nhận biết và yêu mến Thiên Chúa. Tôi chỉ còn muốn rao giảng Chúa Giêsu Kitô, và là Giêsu Kitô Thánh Thể” (sách đã dẫn, trang57)
Giêsu Kitô-Bánh đã là động lực chính yếu cho cuộc sống thiêng liêng của Thánh nhân. Không ai ngạc nhiên khi thấy đây cũng là đặc tính riêng biệt của hai Hội dòng ngài sáng lập. Ngài nói: “Hầu hết các dòng mới đều bắt chước theo luật của Dòng Tên, dòng Đức Mẹ, Dòng các hiến sĩ, và nhiều dòng khác. Tu sĩ những dòng này cũng có những tác vụ, cũng học hành huấn luyện, cũng được sai đi như những anh em Dòng Tên. Chúng ta thì không thể. Chúng ta không sao chép của ai hết. Phải làm luật mới. Mà luật mới lấy ở đâu? Trong Thánh Thể, hoàn toàn trong đó…”(Sđd ,trang 59). Nghiên cứu Hiến pháp Dòng, chúng ta sẽ thấy Ngài giữ mãi y hướng ban đầu này: mọi chuyện tập trung quanh một việc duy nhất là phụng vụ Thánh Thể.
Chính trong ý nghĩa này mà Phero Yuliano Eymard trở thành một nhân vật thời sự cho chúng ta hôm nay: Ngài vừa là một trả lời cho những nhu cầu của một thế giới đang thi nhau đổ xô theo vật chất và tách mình xa lìa Thánh Thể, vừa là một đáp ứng cho những khát vọng của những Kitô hữu người đang được lôi kéo tới Thánh Thể như tới trung tâm của phụng vụ.
Nhưng, mỗi vị thánh là người của thời đại mình. Lòng tôn sùng Thánh Thể theo kiểu Phero Yuliano Eymard mang dấu vết thần học và linh đạo của thể kỉ XIX. Hồi đó, người ta bị thu hút nhiều nhất bởi mầu nhiệm hiện diện của Thánh Thể, bởi việc chầu Thánh Thể và bởi việc hiệp lễ, nguồn mạch ân sủng những ơn riêng.
Hôm nay, thần học của chúng ta lại chú tâm đặc biệt vào cộng đồng tính của phượng tự phụng vụ vào khía cạnh hiệp nhất của nhiệm tích Thánh Thể, vào chiêu kích hy tế của cộng đồng Kitô hữu trong thánh lễ. Do đó, không những phương pháp cầu nguyện, phương pháp dự lễ đã khác với xưa mà hướng nhìn Thánh Thể cũng không còn giống hệt như ngày trước nữa. Cho nên, chúng ta có thể cảm tưởng như rằng một số kiểu nói của thánh nhân không còn phù hợp với tâm lý tôn giáo thời nay nữa. Mặt khác, chúng ta lại cũng có thể cảm tưởng như ngài đã bỏ chìm vào bóng tối một số những diễn tả được hôm nay xem là chủ yếu.
Nhưng dù thế nào đi nữa, tư tưởng của P. Y. Eymard vẫn hàm chứa những phong phú luôn luôn hiện tại và hiện đại tính của nó càng nổi bật hơn nữa khi thời đại chúng ta ngày càng như muốn lãng phí nó. Chúng ta sẽ cố gắng nêu lên-ít ra là một vài những điểm phong phú này.
Viết theo Louis- Marie de BAZELAIRE,
Tổng Giám Mục Chambeùry