PHERO YULIANO EYMARD
VỊ THÁNH CỦA HÔM NAY
(Phần 3)
4. Phụng sự Thánh Thể
Phụng sự Thánh Thể phải là thể hiện tình yêu, phải là hành động sống tình yêu trong đời sống hằng ngày. Năm 1856, Thánh PY,Eymard viết: “Ai muốn vào Dòng cũng cần phải được biết rằng người đó chỉ được nhận với điều kiện tuyệt đối là tận hiến vô thường mọi việc làm, sức học hành, tài năng, nhân đức, sức khỏe và sự thông minh để phụng sự và tôn vinh Chúa Giêsu Kitô trong Thánh Thể theo các mục đích dòng đã chọn và dưới sự dẫn dắt của các đấng vâng phục thánh” (Linh Đạo của chân phúc Phero Yuliano Eymard, Roma, 1956, trang 337)
Như thế có nghĩa là không gì ra ngoài việc phụng sự Thánh Thể. Mọi hoạt động của chúng ta đều phải bẻ hướng theo chiều Thánh Thể. Chiêm niệm hay hoạt động, cả hai cuộc sống cùng bao hàm việc phụng sự này, và đều phải lấy tình yêu Thánh Thể làm nguồn hứng.
Chúng ta chưa có thể đi sâu vào hết mọi chi tiết mà thánh PY. Eymard đã nghiền ngẫm, tìm tòi trong nỗ lực phụng sự Thánh Thể của Ngài. Chỉ xin trình bày việc phụng sự này dưới hai diện bổ sung nhau mà thánh nhân coi là hai diện chủ yếu.
Phụng sự Thánh Thể bao gồm trước hết là việc chầu Thánh Thể.
“Tôi lấy giờ chầu là trụ xoáy nòng cốt cho đời tôi”. Khi viết như thế, PY Eymard đã bộc lộ rõ tư tưởng của Ngài tự đáy sâu tâm hồn. Nhiều người dám quả quyết như rằng: thế hệ tân thời của chúng ta đây, không ai bao giờ đã nhấn mạnh bằng ngài về sự cần thiết và giá trị của việc tôn thờ này. Ngài đã phân tích việc tôn thờ đó dưới mọi khía cạnh, bởi nó được xem như điều cốt yếu trong linh đạo của Ngài. Cuối cùng, Ngài đã đi tới một khẳng định : “Chầu Chúa, đó là tất cả đời tôi” (L’a- doration est toute mavie).
Chầu, trước hết là thờ kính. Phải coi việc chầu- kính như một hành vi thực hành và thực tiễn chứng tỏ nhận thức về Thiên Chúa siêu việt. Về quyền tối thượng của Người trên chúng ta và về sự lệ thuộc trọn vẹn của chúng ta vào Người. Nhận thức đó mang nội dung rằng: Thiên Chúa là Thượng Đế, là Tạo Hóa, là HỮu Thế Vô Biên, là Tất Cả, và chúng ta là thọ tạo của Người, là những hữu thế, hữu hạn, là Hư Vô. Tôn thờ vẫn là một hành vi nội tâm, nhưng thể xác phải biểu lộ nó ra ngoài. Toàn thể con người phải dâng lên Chúa Giêsu Kitô Thánh Thể một phượng tự tình yêu.
Chầu, chủ yếu là cầu nguyện. Giờ hầu cận dâng kính sự Hiện Diện Thánh Thể sẽ là giờ cầu nguyện. Thánh nhân đã không dự trữ cho các tu sĩ nam nữ của Ngài những thực hành cầu nguyện nào khác ngoài những giờ tại bàn quỳ. Phương pháp cầu nguyện tốt nhất là phương pháp do Thánh Thần và tình yêu linh hứng, phù hợp với tình trạng ân sủng và sức lôi kéo Thiên Chúa dành cho từng người. Nhưng để giúp các linh hồn trong trường hợp những đánh động ấy không đủ. Thánh PY. Emard đã chỉ vạch nhiều, phương pháp lạ nhất là phương pháp bốn mục đích của hiến tế: thờ lạy, cảm ơn,tạ lỗi và cầu xin. Thánh nhân trở lại với phương pháp này nhiều lần trong các hướng dẫn của Ngài.
Nhưng chầu còn là trong cuộc sống nữa. Thánh nhân nói: “Trong đời trong chúng ta tất cả phải là tôn thờ. Giờ chầu - cầu nguyện phải kéo dài trong giờ chầu - cuộc sống. Ngài viết: “Lúc nào tôi cũng có thể thờ lạy Chúa Giêsu Thánh Thể. Lúc nào tôi cũng có thể ở trong tương quan tình yêu và hầu hạ Ông Chủ Thần Linh của tôi. Mọi hành động của tôi đều có thể là tôn thờ. Không ai có thể tách tôi ra khỏi Giêsu Kitô. Không ai có thể lấy mất Giêsu Kitô của tôi. ” (Sđd. Tr380)
Chỉ có thể tôn thờ thường xuyên, liên tục như thế nếu biết giữ tâm hồn trong sạch, yêu thích hồi tâm và quảng đại chấp nhận mọi hy sinh. Điều đó có nghĩa là mọi nỗi lực trong đời đều phải đưa dẫn linh hồn về một trạng thái sống duy nhất: tôn thờ.
- Làm tông đồ cho Thánh Thể
Chúng ta vừa nói: Theo tinh thần Eymard thì trạng thái sống duy nhất của linh hồn là tôn thờ. Điều đó không có nghĩa là linh hồn có thể yêu mến Chúa Giêsu. Thánh thể mà cứ bất động trong một thế tĩnh hưởng thụ vị kỉ nào đó. Không. Tình yêu luôn hướng tới dâng hiến, hiệp thông. Yêu mến Thánh Thể thì tự khắc phải dẫn tới hy sinh, phải làm tông đồ cho Thánh Thể. Người của Thánh Thể phải thấy mình bị thúc bách chia sẻ hương vị tình yêu Thánh Thể cho anh chị em mình, và chia sẻ như thế cũng chính là một cách gia tăng nồng độ tình yêu của mình với Thánh Thể.
Biệt tính đặc thù của các tu sĩ Thánh Thể nằm ở điềm này. “Đời hoạt động của dòng nhằm mục đích là làm cho Chúa chúng ta trong Thánh Thể được phụng sự hết mức và vương quyền của Người được mở rộng cùng khắp : Mọi người phải nhận biết,yêu mến và phục vụ Người. Bất cứ phương thế nào mà lòng nhiệt thành thuần túy và vô vị lợi của chúng ta có thể sáng nghĩ ra, chúng ta cũng phải vận dụng tới”. (Sđd. Tr390)
Đó là nguyên tắc. Mọi áp dụng thực hành phải được dẫn khởi từ đó. Thánh PY Eymard sẽ không ngừng trở lại những ý tưởng này mãi. Theo ngài, mọi tác vụ của Tu sĩ Thánh Thể luôn luôn phải hướng về Thánh Thể, hoặc là phổ biến hoặc hun đúc lòng tin Thánh Thể, hoặc quảng bá việc tôn vinh Thánh Thể. “Mục đích tông đồ của tu hội là tận tình tận sức dùng mọi phương thế có thể mà xây dựng, mở rộng và nuôi dưỡng việc phụng tự và lòng sùng mộ đối với nhiệm tích Thánh Thể đáng tôn thờ” (Sđd. Tr393)
Ở đây, chúng ta chưa đề cập vấn đề các tu sĩ Thánh Thể phải thi hành tác vụ Thánh Thể của mình qua các hoạt động thực hành nào. Chuyện đó để sau. Điều chúng ta đang muốn nhấn mạnh ở đây là tinh thần nào, phải sinh động mọi công tác tông đồ của họ, mục đích nào phải được theo đuổi xuyên qua tất cả các sáng kiến nhiều loại của họ. Vai trò của họ trong Giáo Hội là phụng sự Thánh Thể theo ý nghĩa rộng rãi nhất của từ “phụng sự”. Càng đi sâu vào mầu nhiệm Thánh Thể nhờ thâm cứu qua các môn thần học, kinh thánh và phụng vụ, họ càng thấy vai trò của họ là quan trọng. Họ, các tu sĩ Thánh Thể, có một chỗ đứng riêng biệt trong giáo hội, một vị trí bất khả thế, một vị trí danh dự.
KẾT LUẬN:
Không thể đọc Phero Yuliano Eymard mà không xúc động vì lòng tin cháy nóng, vì giáo huấn vững chắc và vì định hướng thiêng liêng thẳng tắp của ngài.
Chúng ta đang sống trong một thế gian nguội ngắt. Ngài đã cố công kéo nó ra khỏi những lầm lạc của nó. Ngài đem đến cho nó một luồng sáng, một vầng lửa. Luồng sáng tư tưởng. Vầng lửa cuộc sống. Không ai lại có thể dửng dưng lãnh đạm khi được ngài thông chia cho một tình yêu hừng hực cháy bừng như thế.
Kết luận tốt nhất là chính kết luận mà đức Pio XII đã rút ra nhân dịp Bách Chu Niên Dòng Thánh Thể: “Thời đại chúng ta thù nghịch nhân đức quên lãng lòng tin và niềm cậy trông đối thần, ngày càng ham hố của cái trần tục. Thời đại nay, chắc chắn phải cần tới gương mẫu và giáo huấn của Phero Yuliano Eymard mà trị liệu những thương đau tai ác đang lan rộng và bước vào con đường dẫn tới một thế giới tốt đẹp hơn. ”
Viết theo Louis- Marie de BAZELAIRE,
Tổng Giám Mục Chambeùry