Tuần Cửu Nhật Kính Thánh Eymard (Ngày thứ 5: Thánh Eymard - Một Tấm Gương Về Môn Đệ, Tông Đồ Thánh Thể)

 

CHA EYMARD

VỚI TƯ CÁCH LÀ MỘT TẤM GƯƠNG VỀ

MÔN ĐỆ-TÔNG ĐỒ THÁNH THỂ

 

Trong việc chuẩn bị cho Chương Tổng quát kế tiếp, chúng ta được Tổng Hội Mở rộng đưa ra một chủ đề tuyệt vời và mang tính thách thức. Tôi đã được yêu cầu trình bày một số suy nghĩ về chủ đề này. Những suy nghĩ của tôi sẽ nhìn vào chủ đề này dưới khía cạnh cuộc đời và những giáo huấn của Cha Eymard, đặc biệt dưới khái niệm về việc trở thành những “môn đệ và tông đồ của Thánh Thể”, và qua việc làm nổi bật cách sử dụng ngôn ngữ bốc lửa của Cha Eymard, để diễn tả niềm đam mê này đối với sứ mạng tu sĩ và đối với Hội Dòng mới của Ngài.

Ý tưởng này về việc trở thành những môn đệ và tông đồ của Thánh Thể phát xuất từ ngòi bút của Cha Eymard, qua giáo huấn và thư từ ban đầu của ngài. Trong một bài suy niệm không đề ngày tháng (có lẽ gửi cho những thỉnh sinh đang được đào tạo),  ngài liên kết sứ mạng của “Hội Dòng Thánh Thể” với sứ mạng của từng tu sĩ, trong bối cảnh của việc trở thành những môn đệ và tông đồ, những người sẽ giống như sự cháy bùng của ngọn lửa Thánh Thể. Những dòng chữ này từ Cha Eymard quá sâu sắc và phù hợp với chủ đề của chúng ta, đến nỗi chúng đáng được trích dẫn đầy đủ:

Hội Dòng Thánh Thể không thỏa mãn với việc thờ phượng, yêu mến và phục vụ Thiên Chúa trong phép Thánh Thể; lòng nhiệt thành của Hội Dòng đối với vinh quang của Người còn mong ước để làm cho Người được tất cả mọi người thờ phượng, yêu mến và phục vụ, và để xây dựng cho Người những ngai tòa của tình yêu và quy tụ những người thờ phượng đầy lòng tin đối với Người. Đức Giêsu nói: “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi ngọn lửa ấy bùng lên!” (Lc 12:49).

Và ngọn lửa tôn sùng này chính là những lời mà Thánh John Chrysostom diễn đạt về phép Thánh Thể: Carbo est Eucharistia quae nos inflammet (Thánh Thể chính là than củi đốt cháy chúng ta). Tất cả những người mang cây đuốc chứa ngọn lửa này của phép Thánh Thể đều là những người yêu mến Đức Giêsu Kitô, bởi vì tình yêu đích thực đều mong ước vinh quang và vương quyền cho người được yêu. Phép Thánh Thể là vương quyền của Đức Giêsu Kitô trong thế giới, và đặc biệt trong tâm hồn con cái của Người: chính nơi đó, anh em có được sứ mạng tốt đẹp và hấp dẫn của từng tu sĩ về phép Bí tích rất Thánh; môn đệ và tông đồ của tình yêu đối với phép Thánh Thể: đó là danh xưng đích thực, ân sủng và cuộc đời của người tu sĩ (1) .

Rõ ràng từ bản văn này, đối với Cha Eymard, các tu sĩ của ngài phải trở thành những môn đệ và tông đồ của tình yêu Thánh Thể. Nhưng đó là một tình yêu rực cháy, bùng lên và lan truyền. Tình yêu này không nhút nhát, nhưng dũng cảm và lan xa. Ngay từ rất sớm, ngài đã biết mình mong muốn gì cho Hội Dòng mới của ngài. Trong một lá thư gửi cho hiệu trưởng (Cha Bramerel) của một ngôi trường ở Lyon, Cha Eymard viết: “xin cha hãy tìm cho con một số người trong trường của cha bừng bừng đối với Hội Dòng mới này ...” (2). Tháng 6 năm 1856, trong một lá thư gửi Đức cha de la Bouillerie, ngài phát biểu: “Hiện nay, chúng con đang sẵn sàng với hai mục tiêu lớn của Hội Dòng, đời sống chiêm niệm ... và đời sống hoạt động với lòng nhiệt thành Thánh Thể... nói tóm lại, để lan truyền ngọn lửa Thánh Thể đến từng tâm hồn” (3). Cha Eymard không bao giờ nao núng trong quyết tâm này của ngài. Mãi sau này trong cuộc đời ngài, chúng ta nhận thấy ngài vẫn còn theo đuổi với cùng cảm xúc mãnh liệt. Trong một bản văn vào tháng 1 năm 1865, ngài mô tả Hội Dòng và đặc biệt chiều kích chiêm niệm trong cuộc sống của chúng ta: “Ý nghĩ được nhìn thấy các linh mục thờ phượng, những người rao giảng truyền bá tin mừng, phải là một sự khích lệ mạnh mẽ đối với nhiều người. Các tu sĩ Thánh Thể không tự giới hạn mình vào việc tôn sùng thờ phượng; lò lửa cần có một ngọn lửa, nếu không, nó bị tàn lụi” (4). Chủ đề về sự cháy bùng và ngọn lửa là một điệp khúc liên tục trong nhiều ý tưởng của Cha Eymard về hội Dòng, mục đích của Hội Dòng và các thành viên của Hội Dòng. Ở chỗ khác, ngài còn kêu lên: “Thật là một ngọn lửa mà không có sự cháy bùng!”, và khi nói về các tu sĩ của mình, ngài tuyên bố rằng một khi họ được nhen nhóm lên từ dưới chân Thiên Chúa của tình yêu, thì họ sẽ ra đi và truyền bá vinh quang và vương quyền của Người, với tư cách là những người mang ngọn đuốc tôn sùng, gieo rắc ngọn lửa này của nước trời ở khắp mọi nơi” (5).

Với tư cách là cha linh hướng sáng suốt, Cha Eymard nhận ra rằng ngọn lửa nào không được chăm sóc, thì chẳng bao lâu sau sẽ tắt ngúm. Thật là không đủ khi thắp lên ngọn lửa một lần cho mãi mãi, và nghĩ rằng nó sẽ kéo dài suốt cả cuộc đời. Đây là cách ngài làm thế nào để diễn đạt điều này: “Nếu ngọn lửa không được nuôi dưỡng, thì sự cháy bùng sẽ bị tàn lụi” (6). Thật thú vị, trong một hội nghị với những người Cùng Phục vụ, ngài còn khẳng định một cách táo bạo: “Các bạn luôn luôn có những ân sủng mới ... các bạn không được mắc kẹt trong quá khứ, không được sống theo kiểu cũ giống như những người nào đó, bởi vì chúng ta có được thực phẩm luôn luôn mới. Hãy biết ơn vì những ân sủng trong quá khứ, nhưng các bạn còn những ân sủng mới nữa ... hãy sống trong hiện tại [...], bởi vì chúng ta không nuôi dưỡng ngọn lửa bằng bất cứ điều gì mới mẻ, đó là lý do khiến chúng ta không hoàn tất được nhiều điều trong số bất cứ điều gì. Đừng làm như vậy” (7). Sau khi nói về ngọn lửa cần bùng cháy trong tâm hồn các tu sĩ của ngài vì Nước Trời, Cha Eymard trở lại với nguồn gốc của tất cả ngọn lửa, ngài hỏi: “Thánh Thể là gì? Đó là ngọn lửa, có bao giờ ngọn lửa nằm yên không? Nó luôn luôn hoạt động. Khi ngọn lửa bị dập tắt, thì không còn sự sống nữa. Hãy đặt ngọn lửa nhỏ trong tâm hồn anh em vào trong ngọn lửa lớn là chính phép Thánh Thể” (8). Chẳng phải là Cha Eymard đang nói với chúng ta rằng ngọn lửa lớn là chính Thánh Thể sẽ giữ vững sự cháy bùng nhỏ, nhưng không phải là không quan trọng của ngọn lửa phép Thánh Thể nơi chúng ta, giá mà chúng ta can đảm nuôi dưỡng ­bằng “thực phẩm luôn luôn mới” sao?

Trong một bản nháp ban đầu về Hiến pháp, Cha Eymard đã tuyên bố một cách chắc chắn: “Vì thế, mỗi tu sĩ sẽ thể hiện tình yêu của Đức Giêsu Kitô trong phép Thánh Thể, trung tâm đối với những ân sủng của họ, nếu tu sĩ đó mong ước trở nên  một môn đệ đích thực và một tông đồ xứng đáng đối với tình yêu của Đức Giêsu Kitô” (9). Trong cuốn Hướng dẫn cho các giáo dân thành viên của Hội Chầu Thánh Thể, ngài nói: “Hãy trở nên các môn đệ và tông đồ của Thiên Chúa trong phép Thánh Thể” (10), (11). Vốn là bạn đồng hành với các linh hồn, Cha Eymard hiểu khá rõ rằng chúng ta hoạt động với tư cách là những con người ra sao. Chúng ta thường mong muốn gia tăng tốc độ tiến triển trong cuộc hành trình của mình. Ngài nói: “Thật là linh hồn đáng thương, họ mong muốn trở thành tông đồ trước khi trở thành người môn đệ trung tín” (12). Ngài giải thích: “Trước khi trở thành tông đồ, chúng ta cần biết cách làm thế nào để trở thành người môn đệ tốt. Để thánh hóa những người khác, chúng ta cần thánh hóa chính bản thân mình. Đó là điều mà Đức Giêsu Kitô đã làm đối với các tông đồ của Người; Người bắt đầu bằng cách làm cho họ trở nên thánh thiện” (13).

Không để cho chúng ta thoái chí trong sự phấn đấu để trở thành các môn đệ thánh thiện và tông đồ của Thiên Chúa, Cha Eymard đưa ra cho chúng ta những gương mẫu từ truyền thống Kitô giáo để chúng ta tranh đua. Trước hết, ngài đặt Đức Maria trước mặt chúng ta, như là người có tâm hồn đích thực của một môn đệ và tông đồ, và vừa là người phục vụ, vừa là mẹ (14). Trong các bản nháp về Hiến pháp, chúng ta được giới thiệu: “Thánh Gioan, môn đệ và tông đồ của tình yêu thánh thiện”, người mà các tu sĩ phải tôn kính như là quan thầy của họ, sau Đức Trinh Nữ Maria (15). Nhưng chúng ta không được quên “Thánh Giuse, tông đồ, ngôn sứ, người phục vụ, thờ phượng, môn đệ và tấm gương...” (16).

Trong một suy tư thật tốt đẹp gần như thần bí, sau khi tuyên bố rằng chính Đức Giêsu là phần thưởng được hứa ban cho những ai từ bỏ mọi sự để đi theo Người, Cha Eymard đặt ra câu hỏi: “Đức Giêsu đã làm gì đối với các môn đệ của Người? Người bắt đầu bằng cách yêu thương, Ngôi Lời trở thành xác phàm không là gì khác ngoài tình yêu trở nên hữu hình; nói một cách đúng đắn, đó là tình yêu nhập thể. [...]. Người làm gì đối với 12 môn đệ mà Người đã mời gọi để trở nên thiết thân? [...]. Khi Người muốn các ông trở thành tông đồ, những con người của hành động, thì tất cả mọi sự đều thay đổi. Sau khi bày tỏ cho các ông tình yêu, Người còn ban cho các ông tình yêu: phép Thánh Thể, đó là ngọn lửa, chúng ta cần ăn chính ngọn lửa thần thánh này, ngọn lửa nuôi dưỡng và sưởi ấm chúng ta; khi chúng ta ăn vào ngọn lửa này, thì nó trở thành một giao ước tình yêu. Trước đó, Người không nói với các ông về tình yêu, tâm hồn của các tông đồ quá buồn bã, các ông chỉ thu thập mọi sự để tạo thành những vương miện cho chính mình” (17). Hơn nữa, trong cùng cuộc hội nghị này, Cha Eymard còn kết hợp toàn bộ điều này, khi ngài ám chỉ thánh sử Gioan 15:14 và kết luận: “Trong đó, anh em có ngôn ngữ của tình yêu: Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy... Anh em có thấy được sự hoàn hảo của tình yêu không? Tình yêu chuyển động hướng tới sự hiệp nhất, các tông đồ bắt đầu hiểu. [...]. Chúa chúng ta bắt đầu bằng cách nói: Hãy yêu mến Thầy. Anh em hãy xem cách Người luôn luôn bắt đầu bằng tình yêu như thế nào. [...]. Tình yêu nói: Tôi yêu bạn, hãy yêu tôi” (18).

Đối với chúng ta, điều quan trọng là đi tới nguồn gốc thần hứng Kinh Thánh của Cha Eymard qua giáo huấn của ngài. Chúng ta tìm thấy điều này trong câu chuyện trên đường Emmau. Đây là cách ngài giải thích như thế nào về câu chuyện này: “Đối với các môn đệ trên đường Emmau, Chúa chúng ta nói với các ông rằng Người đã chết, Người đã chịu đau khổ. Các tâm hồn tốt lành này không hiểu gì cả. Nhưng khi các ông chia sẻ việc bẻ bánh, thì các ông đều thốt lên: Quả thật, chúng ta đã cảm nghiệm như thể một ngọn lửa trong lòng mình” (19). Giáo huấn của cha sáng lập thách thức chúng ta tìm kiếm trong trái tim và linh hồn chúng ta, để tái khám phá ngọn lửa đã từng bùng cháy trong đó. Có phải chúng ta đã ra đi khỏi Giêrusalem và ra đi trong bao lâu? Liệu chúng ta có thể trở thành người xa lạ công khai truyền đạt tin mừng cho các bạn đồng hành (các tông đồ), nếu chính chúng ta không bắt gặp, hoặc phản kháng, nhóm của người xa lạ? Chúng ta đáp ứng ra sao với lời mời gọi về sự thân thiện lúc bẻ bánh (môn đệ trung tín)? Chẳng phải ngày xưa, tâm hồn chúng ta đã từng bùng cháy sao? Điều gì sẽ làm cho chúng ta trở lại Giêrusalem cùng với tin mừng (sứ mạng)?

Chúng ta trông đợi ở Cha Eymard, người mà Giáo hội đã gọi một cách táo bạo là “một tông đồ nổi tiếng của phép Thánh Thể”, qua Sắc lệnh về việc mừng lễ ngài trong lịch phụng vụ của Giáo hội, như là một gương mẫu của chúng ta về một môn đệ và tông đồ đích thực bừng cháy với tình yêu của Thiên Chúa. Chúng ta nhớ lại những chứng từ bằng chứng về cuộc sống của ngài. Từ những người đương thời với Cha Eymard về cách ngài đã được nhận biết như là một người hăng say rao giảng Tin mừng của tình yêu Thánh Thể, một ví dụ sẽ đủ để đáp ứng. Cha Alfred Leclerc, cựu Bề trên Tổng quyền Dòng Thánh Vinh Sơn, làm chứng tại cuộc điều tra phong chân phước rằng ngài đã từng gặp Cha Eymard: “Tôi được nghe ngài rao giảng trong tuần tam nhật tại nhà nguyện Đức Bà An sủng của chúng tôi [...]. Ngài có một cái nhìn rực lửa [...]. Tôi đã được nghe một số nhân vật quan trọng nói về phép Thánh Thể, như Đức cha de Ségur, một trong các tông đồ Thánh Thể; nhưng phong cách và sức mạnh của Cha Eymard lại hoàn toàn khác hẳn. Ngài nói một cách đơn giản, không có bất cứ điệu bộ màu mè nào; ngài tự thích nghi với các thính giả. Những lời nói của ngài trôi chảy giống như những dòng suối của ánh sáng và ngọn lửa” (20).

Cha Eymard truyền cảm hứng cho chúng ta bằng chính cuộc sống và những giáo huấn của ngài. Ngài say mê tình yêu Thiên Chúa qua ân huệ nơi chính bản thân ngài trong phép Thánh Thể. Ngài thực sự rực lửa đối với phép Thánh Thể và mong muốn cho các tu sĩ của ngài trở thành những môn đệ và tông đồ đối với mầu nhiệm này của tình yêu. Ngài khám phá bằng tình yêu, và chính tình yêu đã giữ vững ngài, bởi vì ngài nuôi dưỡng ngọn lửa của tình yêu này trong lời cầu nguyện thờ phượng và cuộc đời nhiệt thành tông đồ.

Trong bài báo này, tôi đã cố gắng diễn tả cách bản thân Cha Eymard là một môn đệ và tông đồ Thánh Thể, và những người biết ngài đều nhận ra ngài như vậy ra sao. Tôi cũng mong muốn chứng tỏ là ngôn ngữ của Cha Eymard để lại ít hoài nghi rằng các tu sĩ của ngài cũng phải bừng cháy tình yêu Thánh Thể như thế nào, điều này sẽ dẫn dắt các tu sĩ gieo rắc ngọn lửa này tới tận cùng trái đất. Trong một cuộc tĩnh tâm mà ngài đã trình bày với các tu sĩ tại Paris, chỉ một năm trước khi ngài qua đời, Cha Eymard đã tuyên bố: “Anh em được mời gọi để gieo rắc ngọn lửa này đến bốn phương trời của địa cầu” (21). Chúng ta hãy cầu nguyện sốt sắng và hàng ngày với Thánh Peter Julian, để nhận được ân huệ này cho chính mình và cho toàn thể Hội Dòng.

Cleveland, ngày 1 tháng 12 năm 2008
Linh mục Norman PELLETIER
Tỉnh Dòng Thánh Thể Mỹ

 

Ghi chú:  

(1): Tĩnh tâm về ơn kêu gọi Thánh Thể PR 149, 11 (XIV, 463).
(2): Thư gửi viện phụ Bramerel, ngày 17 tháng 11 năm 1854 CO 473 (II, 537).
(3): Thư gửi Đức cha de la Bouillerie, đầu tháng 6 năm 1856 CO 593 (III, 36).
(4): Chú thích về Hội Dòng Thánh Thể RR 113 (VII, 760).
(5): Chú thích về một bài thuyết trình đêm Canh thức Chầu, ngày 28 tháng 12 năm 1856 RR 20,6 (VII, 113).
(6): Tĩnh tâm hàng tháng, Suy niệm, ngày 5 tháng 11 năm 1860 PS 274, 3 (XV, 689).
(7): Tránh sự sáo rỗng, chung chung. Chuẩn bị trước khi chầu, ngày 23 tháng 8 năm 1860, PS 252, 2 (XV, 621).
(8): Phải bắt đầu tốt giờ chầu, ngày 21 tháng 6 năm 1861, PS 330, 2 (XVI, 106).
(9): Kế hoạch đối với bản Hiến pháp (kế hoạch “Daniel”), năm 1856, RR 5, 5 (VII, 53).
(10): Nghi thức Thánh Thể RA 20, 13 (VIII, 496).
(11): Thư gửi Marie de Fégely de Vivy, ngày 26 tháng 7 năm 1863, CO 1273 (III, 672).
(12): Ba loại chước cám dỗ, PG 104,5 (IX, 469).
(13): Thánh hóa những hoạt động PA 52, 1 (III, 359).
(14): Những tuyệt vời của phép Thánh Thể PG 284 (XII, 190).
(15): Hiến pháp Hội Dòng Thánh Thể, trước năm 1863 RR 28t, 17 (VII, 194).
(16): Thánh Giuse, tông đồ, ngôn sứ, người phục vụ, thờ phượng, môn đệ và tấm gương của chúng ta. Nghi lễ, ngày 19 tháng 5 năm 1868 PS 635, 1 (XVIII, 537).
(17): Phải ra đi từ tình yêu, ngày 7 tháng 5 năm 1861 PS 321, 1 (XVI, 84-85).
(18): Phải ra đi từ tình yêu, ngày 7 tháng 5 năm 1861 PS 321, 1 (XVI, 85).
(19): Sự suy tư hiếm hoi trong thời đại chúng ta, nhân đức và ân sủng của Thiên Chúa nơi chúng ta, ngày 12 tháng 8 năm 1859 PS 170, 4 (XV, 347).
(20): A. GUITTON. P. –J Eymard, Tông đồ Thánh Thể, Mediaspaul, Paris, 1992, trang 329-330.

 

© 2016 Dongthanhthe.net. All rights reserved.