BA “HOẠT CẢNH” TRONG CUỘC ĐỜI CHA THÁNH EYMARD
Chúng ta là những môn đệ và tông đồ của Thánh Thể, bởi vì chúng ta đã nhận được lời mời gọi mà chính Thần Khí Thiên Chúa đã ghi khắc trong tâm hồn chúng ta, nhờ phương tiện là kinh nghiệm về đặc sủng của Thánh Peter-Julian Eymard.
Xin đề ra ba “hoạt cảnh” từ cuộc sống của Cha Eymard.
1. “Tôi lắng nghe Người”
Trong Nhà nguyện Eymard (tại La Mure), cánh cửa sổ đổi màu mô tả cảnh tượng cậu bé Peter-Julian ngồi trên một cái ghế đẩu phía sau bàn thờ. Cửa sổ còn có cụm từ: “Tôi đang nghĩ đến Người; đây là nơi tôi lắng nghe Người và nghe thấy Người rõ nhất”.
a. Cha Eymard đã sống một cuộc đời lắng nghe Thiên Chúa, Ngôi Lời và Thần Khí của Người.
Với tư cách là một linh mục giáo phận, ngài đã dành cho Kinh Thánh một vị trí quan trọng. “Linh mục nào để cho một ngày sống qua đi mà không đọc Kinh Thánh thì đã đánh mất ngày sống của mình” (1).
Tại Lyon (ngày 25 tháng 5 năm 1845), trong cuộc rước kiệu kính Mình Thánh Đức Kitô, ngài đã cầu xin Chúa chúng ta ban cho ngài tinh thần của những lá thư thánh Phaolô, và ngài còn tự cam kết đọc mỗi ngày ít nhất hai chương (2).
Ngài hiểu rằng phải để cho lời Chúa cư ngụ trong tâm hồn mình, để rồi bản thân mình trở thành lời của Đức Kitô đối với những người khác: “Bây giờ, đây là điều mà tôi phải trở nên đối với anh em và người lân cận của tôi: lời của Đức Kitô” (Cl 3:16) (3).
b. Cha Eymard lắng nghe Thiên Chúa trình bày trong việc tạo dựng: “Như vậy, bà đang sống tại Calet, trong miền đồng quê xinh đẹp này, nơi có tảng đá bí ẩn của tôi. Tại đó, tôi ngắm nhìn bầu trời trong sáng và xanh thẳm biết bao! Tôi sẽ không bao giờ quên được những đêm đó. Bà hãy lợi dụng sự thinh lặng nhẹ nhàng của cảnh cô tịch, để tiến đến gần Thiên Chúa, cảm nếm Thiên Chúa, tự đánh mất mình đôi chút trong sự hòa hợp với tâm hồn của Người” (4).
c. Ngài bị kiệt sức vì nỗi đau khổ tinh thần về thời đại của mình, ngài lắng nghe thế giới chung quanh mình.
Tại Fourvrière, ngài bị đánh động mạnh bởi “nỗi buồn phiền tinh thần về các linh mục triều trong môi trường thừa tác vụ và những giáo dân đạo đức; lời yêu cầu khẩn thiết mà một số linh mục đã bộc lộ với tôi về việc dường như bị cô độc, cách biệt khỏi toàn bộ sự giúp đỡ đặc biệt (..); sự thiếu hướng dẫn thiêng liêng đối với phần lớn trong số những người đạo đức, nhất là về đời sống nội tâm” (5).
Ngài đã tự hỏi và tìm kiếm: “Tôi thường suy nghĩ về những biện pháp đối với sự lãnh đạm phổ biến này, vốn ràng buộc rất nhiều người Công giáo một cách khủng khiếp” (6).
d. Khi còn nhỏ, Peter-Julian đã nói: “Tôi ... nghe thấy Người rõ nhất”. Đối với ngài, “rõ nhất” trở thành phép Thánh Thể, bí tích tình yêu, nơi mà tình yêu của Thiên Chúa mặc khải qua Đức Kitô được biểu lộ.
Ngài có thói quen nói với các tu sĩ của mình: “Đức Giêsu Kitô là ánh sáng, mặt trời chân lý, và Người còn là một ngọn lửa thần thánh ... Người là ngọn lửa của đức ái làm cho chúng ta hoạt động, và khi làm cho chúng ta hoạt động, thì Người linh ứng cho chúng ta. Chính tại đó mà khi đương đầu với khó khăn, chúng ta không thể nào, ngoại trừ được linh ứng bằng cách chạy đến chân Đức Giêsu Kitô, không phải học hỏi về Người bằng lời nói, qua những hành động bên ngoài, chúng ta còn phải được linh ứng bằng tư tưởng của Người. Chúa chúng ta suy nghĩ gì về một sự việc như vậy, thái độ của Người là gì? Anh em hãy mở sách Tin mừng, xin Đức Giêsu Kitô trong Bí tích rất Thánh linh ứng cho anh em về tất cả mọi sự; tại đó, chúng ta tự đặt mình dưới chân Người và chúng ta có được câu trả lời về sự thật; hãy xin ý kiến của Thiên Chúa. Đây là lý do tại sao tất cả mọi linh hồn nào mong ước được sống bởi Đức Giêsu Kitô đều nhất thiết phải là một người thờ phượng suy tư, chiêm niệm” (7).
2. Giữa Những Đợt Sóng Của Đại Dương Paris
Nhân dịp lễ Thăng Thiên năm 1864, Cha Eymard đã viết cho Bà Jordan, người sống tại Calet : “miền đồng quê xinh đẹp, nơi có tảng đá bí ẩn của tôi… Tôi ghen tị với bà trong sự yên tĩnh nhẹ nhàng này, trong khi tôi đang ở giữa những đợt sóng của đại dương Paris; tại đây, tôi tìm thấy Thiên Chúa khi chạy ngược chạy xuôi và nghỉ ngơi đôi chút khi thờ phượng Người” (8).
Chúng ta có một hình ảnh thật ấn tượng về Cha Eymard và về ngọn lửa đã làm cho ngài hoạt động. Đây là một hình ảnh mô tả rất phù hợp về tình hình của chúng ta ngày nay. Thế giới giống như một đại dương rối loạn, phức tạp và xáo trộn bởi rất nhiều kiểu khủng hoảng, bởi những niềm hy vọng và khao khát hòa bình, công lý và sự sống.
a. Trước sự lãnh đạm, trước sự mất đức tin, ngài tìm thấy một giải pháp duy nhất :
“Thánh Thể, tình yêu của Đức Giêsu trong phép Thánh Thể. Trước hết, tình trạng mất đức tin phát xuất từ sự mất tình yêu; cảnh tối tăm phát xuất từ sự mất ánh sáng; tình trạng lạnh lẽo băng giá của cái chết phát xuất từ sự thiếu vắng ngọn lửa” (9).
Bây giờ, chúng ta phải bắt đầu hành động, để cứu rỗi các linh hồn bằng phép Thánh Thể thần thánh, và đánh thức nước Pháp và châu Âu đang bị nhận chìm trong giấc ngủ của tình trạng lãnh đạm, bởi vì họ không nhận ra ân huệ của Thiên Chúa, Đức Giêsu Thánh Thể, Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (10).
b. Ngày 10 tháng 5 năm 1856, ngài đã hăng hái nói với đức Tổng Giám mục Paris:
“Nhưng thưa đức tổng, ngài hiểu sai về mục đích của chúng con. Đây không phải là một Hội Dòng thuần túy chiêm niệm. Chắc chắn chúng con chầu Thánh Thể, nhưng chúng con cũng muốn hướng dẫn những người khác chầu Thánh Thể. Chúng con mong muốn gieo rắc ngọn lửa này đến bốn phương trời của nước Pháp, bắt đầu bằng bốn phương trời của Paris, vốn cần đến ngọn lửa này rất nhiều” (11).
c. Vốn là một môn đệ lúc nào cũng ân cần, Cha Eymard cũng là một tông đồ của tình yêu Thiên Chúa, được mặc khải trong phép Thánh Thể.
Ngài được thuyết phục bởi tính cách trung tâm, sức mạnh và động cơ của mầu nhiệm này. “Một đời sống thuần túy chiêm niệm không thể hoàn toàn mang tính cách Thánh Thể: lò lửa vốn cháy bùng” (12). Ngài đề xuất một đời sống thiêng liêng được nuôi dưỡng bằng việc cử hành và chiêm niệm Thánh Thể, trong khi vẫn cam kết phục vụ Tin mừng, đặc biệt giúp đỡ những người nghèo khổ nhất. Có sự căng thẳng mang lại kết quả giữa hai cực. Ngài ghi lại vào cuối kỳ tĩnh tâm Lớn tại Roma: “Một tông đồ thờ phượng phải luôn luôn thờ phượng và rao giảng về Mình Thánh Đức Giêsu” (13).
Chúng ta có thể nhớ lại những nỗ lực đa dạng mà Cha Eymard đã đảm nhận trong suốt cuộc đời của ngài, với tư cách là vị Sáng lập: bẩy cộng đoàn tu sĩ (hai cộng đoàn tại Brussels) và Hội đoàn những người Phục vụ, rao giảng (trong Mùa Chay, tuần chín ngày, tuần tam nhật, các bài giảng, những kỳ tĩnh tâm và hội nghị dành cho các Tu hội, đặc biệt các nhóm, linh mục, nam nữ tu sĩ); tổ chức việc Rước Lễ Lần đầu cho các công nhân trẻ và Hội Chầu Thánh Thể ; khởi đầu một tạp chí tựa đề là: Le Très Saint Sacrement, Bulletin de tout ce qui se rapporte à la divine Eucharistie [Bí tích Rất Thánh, Bản tin về tất cả những gì liên quan đến phép Thánh Thể]. Ngài cổ vũ tạp chí này trong hai năm tồn tại của nó (tháng 6 năm 1864 – và tháng 9 năm 1866), và ngài còn viết tám bài báo cho tạp chí này.
d. Cha Eymard liên tục mời gọi chúng ta trở nên quan tâm đến động lực mà phép Thánh Thể dâng hiến cho tất cả mọi người, trong việc cổ vũ khả năng mở rộng tình yêu của bí tích này:
“Cần phải tìm kiếm tình yêu của con người (...) – Sự tìm kiếm này giống như làn gió cần đến ngọn lửa, giống như hành động làm gia tăng gấp đôi sự hăng hái của nó”. Thượng Đế, vốn là đối tượng của sự tìm kiếm này, không là gì khác ngoài chính Đức Giêsu Kitô và Đức Giêsu Kitô trong phép Thánh Thể. “Tình yêu bao trùm những đám mây, như ông Mosê nhìn thấy trên ngọn núi Sinai” [Xh 24: 12-16]; tình yêu càng lúc càng phát triển trong những mầu nhiệm của ân sủng và tình yêu Người, và khi tình yêu tin tưởng rằng nó hoàn toàn có được Đức Giêsu của tình yêu, thì nó khám phá ra những sự chói ngời mới – “từ vinh quang đến vinh quang” (de claritate in claritatem) [2 Cr 3: 18] – lúc nào cũng hoàn toàn thỏa mãn, mặc dù vẫn luôn luôn khao khát – một hình ảnh của nước trời, một đại dương vô tận mà không có những ranh giới” (14).
3. Con Người Của Sự Viên Mãn
Nhân dịp lễ phong thánh của Cha Eymard, Đức Giám Mục Fougerat thành Grenoble đã viết : “Tính cách độc đáo của Cha Phêrô Giulianô Eymard, một tông đồ của Tấm Bánh sự Sống Thánh Thể, trước hết hệ tại ở việc không lấy đi điều gì khỏi lòng tôn kính của người thờ phượng, ý thức siêu việt về mầu nhiệm, chiều sâu của Tình yêu (...). Người ta cứ cố gắng ép buộc ngài phải chọn lựa giữa Thánh Thể của những người chiêm niệm và những người thờ phượng, và Thánh Thể của các tông đồ và các nhà truyền giáo (...). Toàn thể tinh thần hội Dòng của ngài và toàn bộ việc truyền giáo của hội Dòng đều được xây dựng dựa trên sự kết hợp không thể chia cắt của việc chiêm niệm và tông đồ. Người ta có thói quen nói rằng ngài không biết mình mong muốn gì, bởi vì ngài là một con người của sự viên mãn, và ngài mong muốn đồng thời tất cả mọi sự”.
a. Một con người của sự viên mãn qua những lời của Cha Eymard :
“Chúng tôi muốn thực hiện toàn bộ ý tưởng về phép Thánh Thể” (15). “Chúng tôi thực hiện toàn bộ Bí tích rất Thánh” (16). “Chúng tôi chỉ có một suy nghĩ, chỉ có một mục tiêu, chỉ có một trung tâm: phép Thánh Thể! Chúng tôi được chúc phúc, nếu chúng tôi có thể trở nên chuyên môn trong việc hướng dẫn đức tin và tình yêu đối với phép Thánh Thể, cho những kẻ lãnh đạm và ích kỷ trong xã hội đáng thương của chúng ta” (17).
Quy luật tối thượng của Tu hội hoàn toàn hệ tại ở việc dâng hiến và dành hết (...) những người thờ phượng đích thực và thường xuyên, cho Chúa Giêsu Kitô đang hiện diện đêm ngày trong phép Thánh Thể vì tình yêu đối với nhân loại, và ở việc đào tạo cho Người các tông đồ quảng đại đối với vinh quang của Người, và những người rao giảng nhiệt thành về tình yêu của Người, sao cho Chúa Giêsu có thể luôn luôn được tôn thờ trong Phép Bí tích của Người, và được tôn vinh về mặt xã hội trên toàn thế giới” (18).
“Hội Dòng Thánh Thể không tự giới hạn vào việc thờ phượng, yêu mến và phục vụ Thiên Chúa trong phép Thánh Thể, lòng nhiệt thành của hội Dòng đối với vinh quang của Người còn thúc đẩy hội Dòng hướng dẫn tất cả mọi người, để thờ phượng, yêu mến và phục vụ Thiên Chúa, để xây dựng cho Người một ngai tòa của tình yêu ở khắp mọi nơi, và tìm được cho Người những người thờ phượng trung tín. Đức Giêsu nói: ‘Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên!’ [Lc 12: 49]. Hiện nay, ngọn lửa thần thánh này chính là phép Thánh Thể, như lời Thánh Chrysostom nói. (...). Thánh Thể là vương quốc của Đức Giêsu Kitô trong thế giới, và trên hết, trong tâm hồn các con cái của Người” (19).
“Chúng ta phải trở thành các tông đồ, thừa tác viên và khí cụ của phép Thánh Thể; (...). Đây là trung tâm của cuộc sống chúng ta, nguồn gốc của hành động và việc tông đồ sống động của chúng ta. (...). Chúng ta phải rao giảng về phép Thánh Thể bằng những việc làm, bài viết, và lời nói; sẽ không ai nói về phép Thánh Thể tốt hơn chúng ta: chúng ta là các tu sĩ của phép Thánh Thể” (20).
b. Đỉnh cao của cuộc đời ngài: lời khấn đối với ân huệ về nhân cách.
“Điều gì đòi hỏi nơi tôi? Dâng hiến chính mình cho Đức Giêsu Kitô, và phục vụ Người bằng ân huệ, của lễ toàn thiêu là bản thân mình. (...) Chúa chúng ta đã làm cho tôi hiểu rằng Người ưa thích ân huệ là tâm hồn tôi, hơn tất cả những ân huệ bên ngoài mà tôi có thể làm cho Người, ngay cho dù tôi phải dâng lên Người tâm hồn của tất cả mọi người, mà lại không từ bỏ chính mình cho Người” (21).
Trong khi ngài tạ ơn sau Thánh lễ ngày 21 tháng 3 năm 1865, lúc ám chỉ mầu nhiệm Nhập thể của Ngôi Lời và mối quan hệ của mầu nhiệm này với việc Rước Lễ: “Và do đó, chính vì để ở lại trong tôi, mà Người dâng hiến chính mình Người trong phép Mình Thánh. Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai Tôi, và Tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn Tôi cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy [Ga 6:57]...: Do đó, thông qua việc Rước Lễ, anh chị em sẽ sống cho Tôi, bởi vì Tôi sẽ sống trong anh chị em ... Và vì thế, anh chị em sẽ hoàn toàn được mặc lấy Tôi. Anh chị em sẽ là cơ thể của tâm hồn Tôi; linh hồn anh chị em sẽ là những khả năng sống động của linh hồn Tôi; tâm hồn anh chị em sẽ là nơi chứa đựng, là nhịp đập của trái tim Tôi. Tôi sẽ là con người của nhân cách anh chị em, và nhân cách của anh chị em sẽ là chính cuộc sống của Tôi trong anh chị em. Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi [Gl 2: 20].
Cha Eymard nhận được một ân huệ biến đổi đã làm đổi mới ngài từ bên trong: ngài trở nên rất quan tâm đến đời sống nội tâm hơn là bên ngoài. Ngài cố gắng cổ vũ sự phát triển của phẩm chất bên trong nơi con người, để đảm bảo tiến tới mức phát triển đầy đủ của con người.
La Mure, ngày 26 tháng 11 năm 2008
Linh mục Manuel BARBIERO, Tỉnh Dòng Thánh Thể Pháp
Ghi chú:
(1): Tĩnh tâm tại Notre Dame du Laus, ngày 31, tháng 6 năm 1837 NR 9, 7 (V, 67).
(2): Ghi chú cá nhân, ngày 25 tháng 5 năm 1845, NR 27, 3 (V, 165).
(3): Kỳ tĩnh tâm lớn tại Roma, năm 1865, NR 44, 63 (V, 310).
(4): Thư gửi Bà Jordan, ngày 5 tháng 5 năm 1864, CO 1380, 1 (IV, 53).
(5): Thư gửi Cha Colin, ngày 3 tháng 2 năm 1851, CO 243, 1 (II, 278, 279).
(6): Thư gửi Bà Tholin-Bost, ngày 22 tháng 10 năm 1851, CO 286, 1 (II, 328).
(7): Tĩnh tâm hàng tháng, ngày 1 tháng 12 năm 1860, PR 8, 3 (XIV, 47).
(8): Thư gửi Bà Jordan, ngày 5 tháng 5 năm 1864, CO 1380, 1 (IV, 53).
(9): Thư gửi Bà Tholin-Bost, ngày 22 tháng 10 năm 1851, CO 286, 1 (II, 328).
(10): Thư gửi Bà Tholin-Bost, ngày 11 tháng 2 năm 1852, CO 325, 1 (II, 378).
(11): G. TROUSSIER, Á Thánh Pierre-Julien Eymard, t. 1, trang 552-553.
(12): Thư gửi Cha de Cuers, ngày 1 tháng 5 năm 1861, CO 1030, 1 (III, 470).
(13): Kỳ tĩnh tâm lớn tại Roma 1865, NR 44, 136 (V, 338).
(14): Tình yêu của Đức Giêsu trong phép Thánh Thể PG 281 (XII, 185).
(15): Thư gửi Cha de Cuers, ngày 31 tháng 5 năm 1856, CO 553, 1 (II, 612).
(16): Thư gửi Virginie Danion, ngày 25 tháng 8 năm 1857, CO 690, 1 (III, 139).
(17): Thư gửi Clappier, ngày 8 tháng 7 năm 1856, CO 609, 1 (III, 56).
(18): Ghi chú về Hiến pháp RR 82t, 4 (VII, 686).
(19): Tĩnh tâm về ơn gọi Thánh Thể PR 149, 11 (XIV, 463).
(20): Tĩnh tâm tại Paris, ngày 10 tháng 8 năm 1867 PR 107, 3 (XIV, 362-363).
(21): Kỳ Tĩnh tâm Lớn tại Roma năm 1865, NR 44, 8 (V, 256).
(22): Kỳ Tĩnh tâm Lớn tại Roma năm 1865, NR 44, 119 (V, 370).