Tuần Cửu Nhật Kính Thánh Eymard (Ngày thứ 3: Eymard - Vị Thánh Của Hôm Nay (Phần 2))

PHERO  YULIANO  EYMARD

VỊ THÁNH CỦA HÔM NAY

(Phần 2)

 

2. Lòng tin Thánh Thể

Cơ sở của lòng sùng kính nơi Phero Yuliano Eymard là một lòng tin mạnh mẽ, nguồn mạch xuất phát mọi biểu lộ của Ngài, đối với Giêsu Thánh Thể.  Ngài thường hay nhấn mạnh đến lòng tin này, nơi Ngài không chỉ là chấp nhận, là tán đồng sự thật về Thánh Thể. Nhưng tin còn là một chiều hướng, một khuynh nặng tâm linh, từ đó khởi sự cả một con đường sống thiêng liêng. “Ơn lớn nhất đời tôi là lòng tin sống động vào nhiệm tích Thánh Thể ngay từ tấm bé” (Sđd, tr 258). Ngài đã rất kĩ lưỡng phân tích bản chất của hành vi đức tin này. Tin “ là tin rằng Chúa Giêsu thực sự hiện diện nơi Bánh Thánh”. Khởi đi từ ý tưởng đó, ngài đã khảo sát nền tảng của lòng tin và mô tả ra các đặc tính của hành vi đức tin, nguyên úy của tri thức và tình yêu.

Dựa trên mạc khải của Thiên Chúa về chính mình Người, tin không những là “Quy phục một mầu nhiệm ngoài tầm giác quan và vượt qua trí năng”, nhưng tin còn là thấy, là trực giác, là “ trực kiến Thánh Thể” ( la vue eucharistique), thứ “trực kiến” dẫn tới một hình thái chiêm ngưỡng giới hạn nào đó (giới hạn, bởi đây cũng mới chỉ là “trực kiến” và “chiêm ngưỡng” của các lữ khách trần thế chứ chưa phải là phúc nhân thiên quốc). “Tin Thánh Thể là thấy Chúa Giêsu Kitô. Đức tin này thực hiện nơi chúng ta một thứ thị kiến: chúng ta phải nhìn thấu Người dưới những hình sắc giám dịu, che phủ, ẩn giấu. Linh hồn hữu tín thực sự trông thấy đức Giêsu Kitô qua cái nhìn nội tâm, nhờ ơn Thánh, và trực kiến tâm linh này không bị giới hạn vào một sự vật bên ngoài, vào những hình thái cố định nhất định và hạn chế.  Nó ôm trọn lấy một đức Giêsu Kitô trọn vẹn: thần tính, nhân tính, mọi vẻ hoàn thiện đáng bái lạy, mọi chiều mỹ hảo, trọn hết tình yêu…Như thế, đức Giêsu nơi Thánh Thể luôn luôn mới, lúc nào cũng đáng quý hơn, trìu mến hơn và dễ thương hơn với một linh hồn thấm nhuần Thánh Thể. Chính vì thế mà Giêsu Thánh Thể trở thành một đối tượng chiêm ngưỡng không bao giờ cùng cạn, một chiêm ngưỡng mới mãi, sáng thêm mãi, thánh đức nối tiếp thánh đức, hoàn thiện kéo thêm hoàn thiện” (Sđd, tr. 261)

Ai có thứ lòng tin sống động và bản thân này sẽ hiểu rằng đức tin dẫn khởi ra tình yêu, có một tình yêu 2 chiều: tình yêu Chúa Giêsu dành cho loài người và tình yêu của loài người đối với Giêsu. “Tình yêu lấy những gì mình tin làm sự thật. Tin vào tình yêu là tin vào những tặng hiến của tình yêu. Tin vào nhiệm tích Thánh Thể là tin vào ân trao tôi hảo mà tình yêu của Chúa Giêsu Kitô - Chúa chúng ta đã dành cho loài người”…”Lòng tin Thánh Thể không chỉ là một hiểu biết, một tri thức về đức Giêsu Kitô. Lòng tin ấy còn sản sinh tình mến. Không thể thấy Giêsu Kitô mà không yêu mến. Đúng hơn, phảo gọi lòng tin Thánh Thể là đức tin của tình yêu, hay nên gọi lòng tin này là chính dự sống,chính sự hoàn thiện của Người - Đức Giêsu Kitô” (Sđd,Tr. 213)

Vì thế, ân huệ đức tin quý báu này phải được bảo vệ. Trong những phạm vi nào mà lòng tin ấy phụ thuộc vào chúng ta. Chúng ta phải vun xới, phát triển nó. Nhưng phương thế bồi dưỡng, tăng cường cho lòng tin ấy thánh nhân đã chỉ vạch cho chúng ta. Và những phương thế ấy luôn là hiện tại, lúc nào cũng hữu hiệu như nhau. Ngày nay, những phương thế ấy nói được là còn hiện tại và hữu hiệu hơn bao giờ, vì nhiều người đang coi thường nó, hay ít nhất không sử dụng nó cho đúng cách. Những phương thế đó là:

Trước hết, lòng tôn kính. Eymard coi đây là phương thế hàng đầu. “Tôi lỗi đức tin lớn nhất của chúng ta là thiếu tôn kính. Ai không giữ thái độ tôn kính thì hoặc người đó là vô tín, hoặc rất bạo ngược…”

Sau đó là Thần Học Thánh Thể. Đây là môn học cần thiết và phải thâm cứu sâu thêm để biết Giáo Hội dạy những gì về Thánh Thể.

Gắn liền với thần học Thánh Thể sẽ là suy niệm, thờ lạy, cầu nguyện.  Đó là những thực hành thao luyện nhân đức tin.

Nhưng làm gì thì làm, trong mọi chuyện, vẫn phải thường xuyên liên kết thân mật với Thánh Thể: Liên kết bí tích khi hiệp lễ, liên kết thiêng liêng khi viếng Mình Chúa, hay liên kết nội tâm bằng những nâng lòng lên giữa những công việc bận bịu hằng ngày.

3. Tình yêu Thánh Thể

Như chúng ta mới thấy trên đây: không thể nói tới lòng tin Thánh Thể mà lại không muốn nói tới tình yêu Thánh Thể. Nhưng phải nhấn mạnh thêm nữa về tình yêu này, bởi nó như đỉnh cao, đã không ngừng cuốn hút trọn thần trí và trái tim Eymard mỗi khi Ngài nói tới Thánh Thể.

Ngay từ 1855, Ngài đã viết: “…tu sĩ Thánh Thể chỉ được sống bằng tình yêu Chúa Giêsu. Tình yêu này phải được khuôn đúc nên một hình thái thánh thiện riêng biệt, cũng như một màu sắc, tác vụ đặc thù của tu sĩ Thánh Thể. Tình yêu này phải làm hồn sống cho lòng đạo, cho các nhân đức, các hy sinh hiến tế của người tu sĩ, và tình yêu ấy phải trở nên như một khởi hứng thường hằng trong cuộc sống tu sĩ” (Sđd,Tr. 271).  Và ngài còn lặp lại nữa: “Lòng mến đối với Chúa Giêsu Kitô phải như một nhân đức trội vượt nơi một tu sĩ Thánh Thể, phải làm nên cái cốt cách đặc loại phân biệt sự hoàn thiện và tác vụ về Thánh Thể của một tu sĩ Thánh Thể cho khác với tu sĩ dòng khác. Nếu các tu sĩ dòng khác có thể hơn họ vể sự hãm mình đền tội, về đức khó nghèo, về học hành trí thức, thì để đáp lại ơn gọi cao quý dành cho mình, họ phải trội hơn mọi tu sĩ khác về mức độ hoàn thiện của tình yêu nơi họ” (Sđd,Tr. 272)

Tình yêu ấy phải được quan niệm như thế nào? Theo Phero Yuliano Eymard thì cốt yếu đây là lòng mến dành cho một đức Giêsu Kitô hiện diện trong Nhiệm Tích Thánh. Đây không phải là thứ tình yêu trìu tượng, chung chung, nhưng là một tình yêu cá vị, tình yêu đến với ngôi vị thần linh của của lời nhập thể đang thực sự hiện diện trong Thánh Thể.  “ Ở trong tình yêu Chúa Giêsu có nghĩa là tình yêu ấy là trung tân cuộc sống của mình.  Mà trung tâm nay phải là Thánh Thể :Giêsu ở đó, trung tâm độc nhất” (Sđd,tr. 277)

Có thể phân biệt 5 đặc tính nơi tình yêu này:

1. Tinh ròng: Đây là một thứ tình yêu chủ yếu, nhằm phục vụ Chúa mình, phục vụ Người vì chính Người, vì vinh quang riêng Người và để làm vui lòng Người” (Sđd, Tr. 278)

2. Biết ơn: Chúng ta yêu mến Chúa vì Người tốt lành mà tốt lành với chúng ta.

3. Chiêm ngưỡng: “Muốn yêu mến Thiên Chúa một cách tích cực, phải yêu mến Người từ bên trong…. Tình yêu Thiên Chúa, tự bản chất là thinh lặng, quan chiêm. Tình yêu lắng nghe. Tình yêu đón nhận. Tắt một lời : đó là Maria dưới chân Giêsu, đứa trẻ trong lòng mẹ, thiên thần trước tôn nhan Thiên Chúa. Tình yêu này tự yếu tính đã là một tình yêu chiêm ngưỡng” (Sd9d, tr 282)

4. Hoạt động: Đây là thứ tình yêu- nguyên lý sống, tình yêu- động lực của đời thiêng liêng. Ab amore ad virtutes : Từ tình yêu đến các nhân đức. Đó là một trong những văn thức phương châm của vị thánh.  “ Yêu mến Thiên Chúa, chúng ta sẽ chỉ còn muốn sống, suy nghĩ hành động cho Người. Đó là cứu cánh vượt xa tất cả…Đức ái là dấu báo mọi nhân đức. Nhờ đức ái, bao nhiêu hành vi nhân đức sẽ biến thái thành bấy nhiêu công việc của tình yêu” (Sđd, Tr. 290).  “Người môn đệ yêu mến đích thực chỉ có một nhân đức vương giả và phổ quát duy nhất, đó là nhân đức kính mến.  Đối với môn đệ đó, các nhân đức khác chỉ còn là những thực hành tình yêu Thiên Chúa trời dưới những dạng biến thiên của nó, chỉ là những áp dụng cùng một nguyên lý tình yêu vào những trường hợp khác nhau : trường hợp này cần một hành vi khiêm nhượng, trường hợp khác lại đòi một cử chỉ kiên nhẫn, dịu hiền. ” (Sđd, Tr. 291)

5. Đi xa hơn thập giá: Một cách sâu xa, tình yêu Thánh Thể biến đổi thái độ của chúng ta đối với đau khổ. Linh hồn càng có tình yêu THÁNH THỂ ngự trị thì càng sẵn sàng đón nhận hy sinh, vì biết nhìn đến góc cạnh vinh quang của nó. Trong một lá thư linh hướng đề ngày 10-10-1867 (chỉ 10 tháng trước khi qua đời) thánh Phero Yuliano Eymard đã viết những dòng đáng thán phục này : “ Được lắm, con có thể suy niệm sự Thương khó đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta, nhưng đừng chiêm ngắm như chiêm ngắm một mẫu mực, xám hối đền tội, hy sinh đền tội, mà đúng hơn, hãy chiêm niệm ở đây một bằng chứng của tình yêu Người dành cho con và cho chúng ta tất cả.  Thập giá không thể tách rời cuộc sống này. Để cho cây Thập giá mất đi vẻ xù xì ghê sợ của nó, đức Giêsu đã gắn hoa trang điểm cho nó, những đóa hoa Thiên Đàng” (Thư, Tập IV, Trang 212)

Viết theo Louis- Marie de BAZELAIRE,
Tổng Giám Mục Chambeùry

 

© 2016 Dongthanhthe.net. All rights reserved.