Môn Đệ Và Tông Đồ Thánh Thể, Theo Gương Cha Eymard
Khi nói về đặc sủng của các vị sáng lập, tài liệu Mutuae Relationes (số 11) nói rằng kinh nghiệm của các vị sáng lập về Chúa Thánh Thần được truyền lại cho các môn đệ của các vị ấy : “để được sống, bảo vệ, đào sâu và phát triển không ngừng nhờ các vị ấy, hài hòa với Mình Thánh Đức Kitô vẫn liên tục trong quá trình phát triển”. Chúng ta phải sống, bảo vệ, đào sâu và phát triển điều gì ?
1. Một sự thu hút đặc biệt và đặc trưng đối với phép Thánh Thể.
“Không có trung tâm gì khác ngoài Đức Giêsu, và đối với tôi, đó là Đức Giêsu ngự trong phép Thánh Thể (...). Người không ngừng thu hút chúng ta hướng tới Người, giống như một người yêu. Đây là một sự thu hút liên tục, và đây là sự sống của tình yêu” (1).
Thánh Thể phải tiêu biểu cho mối quan tâm chính yếu gần như độc nhất, lối suy nghĩ thường xuyên và theo thói quen, tiêu điểm của tu sĩ Thánh Thể. Phương pháp đối với Thánh Thể nên hiện hữu tới mức độ chúng ta cần có một kinh nghiệm sống động về những điều hàm ý và động lực phát xuất từ mầu nhiệm Thánh Thể.
Đối với Cha Eymard, Thánh Thể chính là Bí Tích về sự hiện diện của Đức Kitô, mầu nhiệm về toàn bộ con người Đức Kitô, bản tóm tắt về cuộc đời chết đi và vinh quang của Người: “Thánh Thể cực thánh nghĩa là quá khứ, hiện tại và tương lai của Đức Giêsu” (2). Thánh Thể là : bí tích, lời cầu nguyện, thờ phượng, hy sinh, cuộc sống, sự hiệp thông; tấm Bánh Sự Sống của mỗi cá nhân và mọi người, một sức mạnh đổi mới và biến đổi của xã hội.
Chúng ta cần có một niềm đam mê Thánh Thể : “Bao lâu chúng ta không có một tình yêu đam mê đối với Thánh Thể, thì chúng ta không làm được bất cứ điều gì cho Thiên Chúa (...). Hãy có một niềm đam mê Thánh Thể. Hãy yêu giống như một người đang yêu người nào đó bằng niềm đam mê (...). Ai nhìn nhận Chúa chúng ta trong Bí tích rất Thánh thì đều trông thấy Người, và vui mừng được tập trung tư tưởng của mình vào Chúa chúng ta. Những tư tưởng của kẻ đó sẽ đi theo: kẻ đó sẽ nhận biết Người, chiêm ngắm Người; kẻ đó sẽ nhìn thấy tình yêu mà Người đã ban tặng, và kinh ngạc khi đi vào chiều sâu của tình yêu (...). Ai được yêu thì đều phải yêu. (...). Tình yêu liên quan đến sự cường điệu. Cường điệu là vượt ra khỏi luật lệ. Ồ! Tình yêu phải được cường điệu. Hãy biết rằng người ta không hề nghĩ đến cả sự cường điệu lẫn tình yêu, ngoại trừ một cách đam mê. Khi điều đó trở thành lối suy nghĩ quen thuộc, niềm hạnh phúc, mong ước liên tục của anh em, thì anh em sẽ có niềm đam mê này. Hãy tiến tới! Hãy đi vào bên trong Chúa chúng ta. Dành cho Người, chứ không phải là dành cho bản thân anh em” (3).
2. Biểu tượng của nhà Tiệc ly:
Đối với Cha Eymard, nhà Tiệc ly tiêu biểu cho nơi Đức Giêsu thiết lập phép Thánh Thể, và biểu lộ những sự phong phú riêng của Người về tình yêu; đây là nơi các môn đệ quy tụ với Đức Maria để cầu nguyện, trong khi chờ đợi Chúa Thánh Thần, Đấng đã tuôn đổ sức mạnh của Người xuống trên các môn đệ đầu tiên. Đây là cũng là nơi mà sau ngày Hiện Xuống, các tín hữu tiên khởi quy tụ “chuyên cần nghe các tông đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng” (Cv 2: 42).
Nhà Tiệc ly cũng tiêu biểu cho nguồn gốc của việc tông đồ trong những thời điểm khởi đầu của Giáo hội. Chính từ nhà Tiệc ly, mà các tông đồ nhút nhát đã được trở nên mạnh mẽ, với lòng can đảm mới để làm biến đổi thế giới.
Nhà Tiệc ly là biểu tượng của sự kết hiệp cá nhân với Thiên Chúa và tình đoàn kết huynh đệ với mọi người, vốn là những hoa quả của phép Thánh Thể. Các cộng đoàn tu sĩ phải trở nên những nhà tiệc ly, cởi mở và đón tiếp trước hết đối với các linh mục. Điểm khởi đầu của Hội Chầu Thánh Thể chính là việc hình thành các nhà tiệc ly trên thế giới.
Đối với chúng ta, tầm nhìn này đối với nhà Tiệc ly có nghĩa là diễn tả sự liên kết giữa bí tích Thánh Thể và Lời Chúa, việc thờ phượng và rước lễ, cầu nguyện và phục vụ, cam kết cá nhân và cuộc sống trong giáo hội; cộng tác với tất cả những thành viên của Giáo hội (các linh mục và giáo dân); sự liên kết giữa Thánh Thể và chiều kích xã hội: cởi mở đối với thế giới, xã hội, những nhu cầu của mọi người trong thời đại chúng ta; sự liên kết giữa Thánh Thể và công việc xây dựng sự hiệp nhất trong Giáo hội và xã hội.
- Đức ái: nhân đức chính yếu.
Thánh Thể chính là bí tích tình yêu, “đức ái là hoa quả thần thánh của phép Thánh Thể”. Đức ái, vốn là ý nghĩa về động tác của Chúa, được đề xuất như là một quy luật, chủ đề của việc tông đồ và đặc điểm để phân biệt của sự thánh thiện.
“Tinh thần của anh em là gì? Đó là tinh thần yêu thương. Chúng ta không thể có bất cứ tinh thần nào khác, tinh thần này được rút ra từ mục đích tối hậu, mục đích đó là phép Thánh Thể, vốn là tình yêu siêu việt và liên lỉ, bởi vì anh em phát xuất từ tình yêu, nên anh em phải có tinh thần yêu thương này” (4).
“Chúng ta cần thực sự cảm nghiệm được tình yêu Thiên Chúa, để tin tưởng vào tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta. ‘Còn chúng ta, chúng ta đã biết tình yêu của Thiên Chúa nơi chúng ta, và đã tin vào tình yêu đó’ (1 Ga 4: 16). Hỡi các anh em của tôi, đây thật là những lời lẽ sâu sắc. Chúng ta đều tin tưởng vào tình yêu (...). Phúc cho những ai tin tưởng vào tình yêu, tin tưởng vào Thánh Thể” (5).
Chúng ta cần học hỏi để trung thành trong tình yêu, để có được tình yêu như là trung tâm của chúng ta. “Tình yêu không phải là một hành động của lòng nhiệt thành, một hành động của nhân đức biệt lập, tình yêu là một cuộc sống, giống như cuộc sống của con người và thần thánh, được sống bởi Đức Giêsu Kitô” (6).
Tình yêu tiêu biểu cho ba chiều kích: tình yêu hỗ tương, huynh đệ, phổ quát v.v... “Ở điểm này, mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy: là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13:35). Đây là đặc điểm nơi các môn đệ của Chúa. Và đây còn là toàn bộ lề luật. Ai thực hành đức ái, thì đều là tu sĩ tốt lành, bởi vì một mình đức ái là đủ, đây là giáo huấn của Chúa. Ai yêu thương anh em mình, thì yêu Thiên Chúa; Thiên Chúa đã truyền lại cho người lân cận những quyền lợi mà người đó có được đối với tình yêu của chúng ta (...). Bởi vì Chúa chúng ta đã tự biến mình thành người anh của chúng ta, nên chúng ta phải yêu thương nhau như là những anh chị em” (7).
- Lời khấn đối với nhân cách, ân huệ về bản thân mình.
Trong cuốn sách An Eymardian Spirituality (Linh đạo của Cha Eymard) của ngài, Cha Cave mô tả ý nghĩa của ân huệ về bản thân mình, hoặc ân huệ về nhân cách. Qua việc khảo sát tỉ mỉ và chiêm ngắm toàn bộ mầu nhiệm Thánh Thể, người ta trở nên liên kết với Đức Kitô, đến mức độ người đó có thể nói rằng mình sống cùng cuộc sống của Đức Kitô. Sự kết hiệp này với cuộc sống của Con Thiên Chúa Nhập Thể được diễn tả bằng biểu tượng và được truyền đạt một cách bí tích trong phép Thánh Thể. An huệ về bản thân mình đòi hỏi rằng mỗi người phải để cho Chúa Thánh Thần thực hiện nơi bản thân mình tới mức độ có thể được, và mang ý nghĩa thực sự, chứ không đơn giản là mang tính cách ẩn dụ, về việc tự trút bỏ chính mình của Đức Giêsu. Sự kết hiệp như vậy được hoàn tất thông qua ân sủng, lời cầu nguyện, và một cách siêu việt qua Thánh Thể. Con người phải trở nên rất ngoan ngoãn đối với sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần, hoàn toàn giữ cho ý chí của mình tự do, đến nỗi có thể nói rằng Đức Kitô “hành động” nơi người đó, đưa đến sự mở rộng của việc Nhập Thể. Ai sống ân huệ này về bản thân thì là một người thờ phượng đích thực. “Linh hồn” của một người như vậy chính là nhà Tiệc ly thực sự, và cuộc sống của người đó trở thành sự “thờ phượng” hoàn hảo, được dâng hiến lên Chúa Cha (cf.pp. 45-46).
Chiều kích nội tâm rất quan trọng; đây là phẩm chất của đời sống nội tâm mang lại giá trị cho hoạt động bên ngoài.
Điều này đòi hỏi chúng ta một khuynh hướng liên tục hoán cải, một hoa quả của ân huệ nơi phép thánh tẩy, nơi sự tiến triển trong ân huệ về bản thân, nơi sự lớn lên của Đức Kitô và vương quốc của Người trong chúng ta.
Chúng ta phải trau dồi mong ước cụ thể về việc tiến tới đồng nhất với Đức Kitô Thánh Thể: về việc trở thành một Thánh Thể khác, một Thánh Thể tạo nên cuộc sống trong sự tạ ơn.
Chúng ta phải trở nên ngoan ngoãn đối với Chúa Thánh Thần: nghĩa là duy trì thái độ cởi mở tâm hồn, sẵn sàng vui tươi đối với mọi sự, tìm kiếm thánh ý Thiên Chúa, luôn luôn tự đặt mình lại trong bàn tay của Người, và cùng đồng hành với Giáo hội và mọi người trong thời đại chúng ta, trong khi được Lời Chúa hướng dẫn. Việc “Gia-cóp luôn luôn di chuyển” phải tiêu biểu bằng cách nào đó cho mỗi chúng ta, như là một dấu hiệu của lòng trung thành sáng tạo đối với “Thiên Chúa của phép Thánh Thể”.
La Mure, ngày 26 tháng 11 năm 2008
Linh mục Manuel BARBIERO, Tỉnh Dòng Thánh Thể Pháp
Ghi chú
(1): Kỳ Tĩnh tâm Lớn tại Roma năm 1865, NR 44, 83 (V, 329-330).
(2): Suy niệm PG 356, 1 (XII, 344).
(3): Tĩnh tâm hàng tháng, Tình yêu của phép Thánh Thể, ngày 31 tháng 10 năm 1867, PR 124, 1 (XIV, 408-409).
(4): Quy luật năm 1864, PS 516, 4 (XVII, 166).
(5): 40 Giờ tại dòng Biển Đức của phép Thánh Thể, ngày 6 tháng 5 năm 1868, PO 37, 1 (XII, 593-594).
(6): Kỳ Tĩnh tâm Lớn tại Roma năm 1865, NR 44, 129 (V, 380).
(7): Kỳ Tĩnh tâm tại Paris, tình bác ái huynh đệ,ngày 13 tháng 8 năm 1867, PR 115, 1 (XIV, 384).