PHÒNG TIỆC LY:
NƠI TỤ HỌP
A- CÁC BIẾN CỐ PHÚC ÂM
1- BÍ TÍCH THÁNH THỂ
“Khi giờ đã đến, Đức Giê-su vào bàn cùng với các Tông Đồ. Người nói với các ông: ‘Thầy những khát khao mong mỏi ăn lễ Vượt Qua này với anh em trước khi chịu khổ hình. Bởi vì, Thầy nói cho anh em hay, Thầy sẽ không bao giờ ăn lễ Vượt Qua này nữa, cho đến khi lễ này được nên trọn trong Nước Thiên Chúa’. Rồi Người nhận lấy chén, dâng lời tạ ơn và nói: ‘Anh em hãy cầm lấy mà chia nhau. Bởi vì, Thầy bảo cho anh em biết, từ nay, Thầy không còn uống sản phẩm của cây nho nữa, cho đến khi Triều Đại Thiên Chúa đến’. Rồi Người cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, bẻ ra, trao cho các ông và nói: ‘Đây là mình Thầy, hiến tế vì anh em. Anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy’. Và tới tuần rượu cuối bữa ăn, Người cũng làm như vậy và nói: ‘Chén này là giao ước mới, lập bằng máu Thầy, máu đổ ra vì anh em” (Lc.22: 14-20).
2- KẺ PHẢN BỘI
“Nhưng này bàn tay kẻ nộp Thầy đang cùng đặt trên bàn với Thầy. Đã hẳn Con Người ra đi như đã ấn định, nhưng khốn cho kẻ nào nộp Con Người’. Các Tông Đồ bắt đầu bàn tán với nhau xem ai trong Nhóm lại là kẻ toan làm chuyện ấy” (Lc.22: 21-23).
3- AI LÀ NGƯỜI LỚN NHẤT
“Các ông còn cãi nhau sôi nổi xem ai trong Nhóm được coi là người lớn nhất. Đức Giê-su bảo các ông: ‘Vua các dân thì dùng uy mà thống trị dân, và những ai cầm quyền thì tự xưng là ân nhân. Nhưng anh em thì không phải như thế, trái lại, ai lớn nhất trong anh em, thì phải trở nên như người nhỏ tuổi nhất, và kẻ làm đầu thì phải nên như người phục vụ. Bởi lẽ, giữa người ngồi ăn với kẻ phục vụ, ai lớn hơn ai? Hẳn là người ngồi ăn chứ? Thế mà, Thầy đây, Thầy sống giữa anh em như một người phục vụ. Còn anh em, anh em vẫn một lòng gắn bó với Thầy, giữa những lúc Thầy gặp thử thách gian nan. Vì thế, Thầy sẽ trao Vương Quốc cho anh em, như Cha Thầy đã trao cho Thầy, để anh em được đồng bàn ăn uống với Thầy trong Vương Quốc của Thầy, và ngự tòa xét xử mười hai chi tộc Is-ra-en” (Lc.22: 24-30).
4- TIÊN BÁO PHÊ-RÔ CHỐI THẦY
“Rồi Chúa nói: ‘Si-mon, Si-mon ơi, kìa Xa-tan đã xin được sàng anh em như người ta sàng gạo. Nhưng Thầy đã cầu nguyện cho anh, để anh khỏi mất lòng tin. Phần anh, một khi đã trở lại, hãy làm cho anh em của anh nên vững mạnh’. Ông Phê-rô thưa với Người: ‘Lạy Chúa, dầu có phải vào tù hay phải chết với Chúa đi nữa, con cũng sẵn sàng’. Đức Giê-su lại nói: ‘Này anh Phê-rô, Thầy bảo cho anh biết, hôm nay gà chưa kịp gáy, thì đã ba lần anh chối là không biết Thầy”. Rồi Người nói với các ông: ‘Khi Thầy sai anh em ra đi, không túi tiền, không bao bị, không giày dép, anh em có thiếu thốn gì không?’. Các ông đáp: ‘Thưa không’. Người bảo các ông: ‘Nhưng bây giờ, ai có túi tiền thì hãy mang theo, ai có bao bị cũng vậy; còn ai chưa có gươm thì bán áo đi mà mua. Vì Thầy bảo cho anh em hay: cần phải ứng nghiệm nơi bản thân Thầy lời Kinh Thánh đã chép: Người bị liệt vào hàng phạm pháp. Thật vậy, những gì đã chép về Thầy sắp được hoàn tất’. Các ông nói: ‘Lạy Chúa, đã có hai thanh gươm đây’. Người bảo họ: ‘Đủ rồi” (Lc.22: 31-38).
B- PHÒNG TIỆC LY: NƠI TỤ HỌP
1- NHẬP ĐỀ
Những đoạn Tin Mừng trích dẫn trên đều liên quan đến chủ đề mà chúng ta sẽ thảo luận sau đây. Chủ đề đó là: Phòng Tiệc Ly, nơi cộng đoàn chung sống. Các bạn có thể sử dụng những đoạn Kinh Thánh sau đây để suy niệm trong giờ suy niệm riêng.
- Lc.22:14-39: Đoạn này nói về biến cố thiết lập Thánh Thể, về cuộc tranh luận tiếp theo giữa các môn đệ xem ai là người lớn nhất. Rồi Chúa tiên báo việc Phê-rô sẽ chối Người và những khủng hoảng sau đó.
- Lc. 24: 9-11: Đoạn này nói về sự kiện các Tông Đồ từ chối tin theo chứng cớ của các phụ nữ về biến cố Chúa sống lại.
- Lc. 24: 13-49: Đoạn này tường thuật câu chuyện các môn đệ đi E-mau, rồi trở lại Giê-ru-sa-lem, đến Phòng Tiệc Ly để nói cho Nhóm Mười Một biết về kinh nghiệm của họ.
- Ga. 20: 19-31: Đoạn này tường thuật câu chuyện Chúa Giê-su phục sinh hiện ra với vác môn đệ “tại nơi ở của các môn đệ”, tức “ở Phòng Tiệc Ly”.
2- KINH NGHIỆM VỀ CỘNG ĐOÀN
Đọc kỹ những đoạn Tin Mừng trên đây, chúng ta sẽ có một cái nhìn tổng quát về những kinh nghiệm đối với con người và cộng đoàn các môn đệ ở Phòng Tiệc Ly. Đó là giai đoạn chót của thời kỳ “Tập Viện” trước khi được sai đi để thi hành sứ vụ.
Họ đã kinh nghiệm về giây phút Thánh Thể với Chúa Giê-su và đã trải qua cuộc thử thách khủng khiếp của cuộc Thương Khó và Tử Nạn của Người. Phòng Tiệc Ly là nơi tụ họp để tìm sự nâng đỡ lẫn nhau qua việc chia sẻ cảm nghiệm về đức tin. Trong chính Bữa Tiệc Ly, các môn đệ đã cảm thấy mối lo sợ, nghi nan, thiếu tin tưởng, mối tương quan giữa họ bị tan vỡ khi Chúa tuyên bố sự phản bội của Giu-đa và Phê-rô. Họ tranh chấp nhau về địa vị danh dự. Tất cả các bài học về khiêm nhường dường như bị lãng quên hết. Vì thế, họ cần phục vụ lẫn nhau như Chúa Giê-su đã rửa chân cho họ.
Nỗi buồn sầu của họ về cuộc Thương Khó và Tử Nạn của Chúa Giê-su, về cái chết của Giu-đa, về việc chối Chúa của Phê-rô, về sự bỏ rơi Chúa khi Người thụ nạn, tất cả những biến cố ấy phải là đề tài của những cuộc chuyện vãn ở giữa họ. Đó là giây phút tuyệt vọng khi tưởng nghĩ đến ý nghĩa của những năm theo Chúa và sống với Người. Thái độ của những môn đệ đi E-mau là một thí dụ điển hình chứng tỏ điều đó khi họ nói với Người Khách Lạ: “Chúng tôi tin rằng Người là Đấng Thiên Sai”.
Rồi bỗng nhiên Chúa Phục Sinh hiện đến, sự hiện diện của Người đã biến đổi cảm nghiệm Phòng Tiệc Ly của họ: Giờ đây họ đã học lại để hiểu biết Thầy mình. Chính nhờ sự hiện diện ấy mà nơi phiền muộn này đã biến thành nơi hoan lạc: “Bình an cho các con”, … “Lạy Chúa tôi, lạy Thiên Chúa của tôi”… Nghi nan được thay thế bằng sự tôn thờ và niềm tin.
Trong khi chờ đợi Chúa Thánh Thần, Phòng Tiệc Ly trở thành nơi cầu nguyện; và sau khi Chúa Thánh Thần hiện xuống, thì nơi này trở thành nơi các Tông Đồ được sai đi để thi hành sứ vụ. Qua tất cả những sự kiện trên, chúng ta rút ra được gì cho đời sống tu trì?
Đời sống tu trì, đời sống cộng đoàn thường là chướng ngại vật. Có thể vì lý tưởng chủ nghĩa, nên chúng ta quên rằng, Thánh Thể được ban cho ta trong bối cảnh của con người, trong tình trạng gần gũi nhất với những yếu đuối của con người, với những gì là tồi tệ nhất ở nơi chúng ta. Bánh này đã đem lại sự sống cho chính nơi mà trước đó sự chết đã thắng thế, vì Chúa Giê-su đã đến và nói với ta: “Bình an cho các con”.
3- ĐỜI SỐNG TU TRÌ
Giáo huấn của cha thánh Phê-rô Giu-li-a-nô về đời sống tu trì phát nguồn từ mối tương quan với đời sống thánh thể mà ngài gọi là “Đời sống Phòng Tiệc Ly”. Như chúng ta đã đề cập tới trước đây, ngài coi mục tiêu chính của đời sống tu trì không phải là để tìm kiếm hoàn thiện cá nhân như quan niệm thông thường ở thời đại của ngài, nhưng là để phụng sự Chúa Giê-su và là Chúa Giê-su Phục Sinh, còn tìm kiếm sự hoàn thiện của các nhân đức thì chỉ là thứ yếu, nhưng đó lại luôn là phương tiện để phụng sự Chúa cách hữu hiệu hơn cả. Đối với ngài, đời sống tu trì chỉ là phương tiện, chứ không phải là cùng đích. Và như vậy, các lời khấn chỉ là những đường lối để phụng sự Chúa cách hoàn hảo hơn, để biểu lộ tình yêu cách nồng nàn hơn, và là những đường lối để Chúa Phục Sinh, hoặc Chúa đau thương, sống trong ta mà thôi.
Đối với ngài, nhờ chiêm niệm về đời sống Chúa Giê-su mà ta khám phá ra ý nghĩa thực của các lời khấn. Chính trong đời sống ấy, chúng ta học sống các lời khấn của ta mỗi ngày một chu đáo hơn, mỗi ngày một sâu xa hơn. Chúng ta sẽ không so sánh mình với những người khác, với cộng đoàn khác, với các nền văn hóa khác. Chúng ta chỉ ngắm nhìn vào Chúa Giê-su, Đấng đã sống những năm ở trần gian trong sự đơn sơ, và chúng ta cầu xin Người để có thể sống đời sống khó nghèo như Người đã từng sống, và có thể sử dụng những của cải vật chất để phục vụ Vương Quốc và vinh quang Người, cũng như để phục vụ dân Người.
Chúng ta ngắm nhìn vào Chúa Giê-su, Đấng luôn lắng nghe tiếng nói và thánh ý Cha Người, rồi cố gắng lắng nghe tiếng Người trong sự tuân phục để được nên giống như Người, luôn lắng nghe thánh ý và sự quan phòng của Thiên Chúa.
Chúng ta nhìn vào trái tim Chúa Giê-su, trái tim luôn hướng về thánh ý Cha Người với một tình yêu trọn hảo, luôn mở rộng để đón nhận Chúa Thánh Thần, trái tim đã bị vỡ tan trên thập giá để tuôn trào tình yêu xuống trên chúng ta, để chúng ta học sống trong sạch. Đối với thánh Phê-rô Giu-li-a-nô, sống trong sạch có nghĩa là sống trong tình yêu, là qui hướng về Chúa Giê-su và luôn ý thức sự hiện diện của Thiên Chúa. Sống tinh tuyền là yêu mến Thiên Chúa hết sức, hết trí khôn, hết tinh thần, hết ý chí, hết thân xác.
Bởi thế, lời mời gọi sống trong Phòng Tiệc Ly chính là lời mời gọi đến dự Tiệc Cưới, Tiệc Cưới Con Chiên. Đó là lời mời gọi tham dự hôn lễ. Phòng tiệc là nơi hân hoan. Khi viết cho Mẹ Mác-gơ-rít, và thúc bách Mẹ tới Pa-ri để khởi đầu cuộc sống tu trì, ngài viết:
“Con sẽ thấy tình yêu lớn lao của Thiên Chúa đối với con như thế nào khi Ngài kêu gọi con theo ơn kêu gọi cao đẹp ấy… Chúa Quan Phòng đã sắp xếp mọi sự để con được thoát ly và đến Phòng Tiệc Ly thánh của Người”.
Khi viết cho một trong các chị Nữ Tỳ Thánh Thể tiên khởi là bà Sa-nuy-ê (Chanuet), thân mẫu của cha Mi-sen Sa-nuy-ê (Michel Chanuet), ngài xin bà đến Phòng Tiệc Ly và ơn kêu gọi thánh thể này phải chứa chất niềm vui của ngày hôn lễ:
“Tư tưởng gây ấn tượng mạnh mẽ cho tôi khi thời gian tới là: hi sinh trong việc từ bỏ mọi sự được thực hiện một lần cho suốt cả đời. Hi sinh này phải được thực hiện cách trọn vẹn. Hi sinh ấy giống như một cuộc tử đạo. Đó chính là phép rửa tình yêu. Ôi hạnh phúc thay tâm hồn tận hiến cho Chúa để chỉ thuộc về một mình Người! Điều hợp lý duy nhất là: Nữ Tỳ Thánh Thể thì phải hiến thân phục vụ, hiền thê thì phải hiến thân cho phu quân, kẻ tôn thờ thì phải hiến thân cho Thiên Chúa của Thánh Thể, là Thầy nhân lành, là Đại Vương và là Phu Quân thần linh” (Doc. III, ngày 2 tháng 4, 1862).
Trong một bài thuyết trình, ngài nói:
“Tưởng nghĩ đến kho tàng lớn lao trên trời mà chúng ta sẽ được hưởng, đó là điều tốt. Nhưng cũng còn một điều tốt hơn nữa là ơn kêu gọi thánh thể. Chúa không nói: Các ngươi sẽ co một kho tàng lớn lao ở trên trời. Vì trong trường hợp về ơn kêu gọi thánh thể, Người đã từ trời xuống. Vấn đề hoàn toàn khác. (Chúng ta có kho tàng với mình). Khi đề cập tới ơn kêu gọi thánh thể, Chúa đã nói với ta cùng những điều Người đã nói với các Tông Đồ ở Phòng Tiệc Ly: ‘Hãy ở lại trong tình yêu Thầy, cũng như Thầy ở lại trong tình yêu của Cha Thầy’, những lời này có nghĩa là gì? Những lời ấy có nghĩa là: ơn kêu gọi thánh thể chính là ơn kêu gọi của tình yêu. Người yêu thì sống với người bạn tình, đó là điều thường tình ở trần gian: hiền thê đến với phu quân, trở thành người bạn lòng của chàng. Phải, một tâm hồn phụng sự Chúa Giê-su phải đến sống với Người, phải phụng sự Bản Vị đáng tôn thờ của Người. Cũng như các Tông Đồ xưa, ngày đêm đã ở với Chúa Giê-su và họ trở thành gia đình của Người thế nào, thì các con cũng phải như vậy, vì ơn kêu gọi của các con đòi hỏi đời sống tu trì. Nếu không như vậy thì các con đã chẳng được đặc ân đặt Mình Thánh ra ngoài, thực ra các con đã được qui tụ lại thành một gia đình” (Thuyết Trình ngày 28 tháng 5, 1864).
- “Mọi phương tiện trong đời sống tu trì đều nhắm vào đời sống tôn thờ của các con. Chúng có mục đích giúp các con trở thành những kẻ tôn thờ hoàn hảo hơn. Chúng đào tạo cho việc tôn thờ… Nhưng kẻ tôn thờ là gì? Đó là một ngọn lửa tình yêu, một cây nến cháy, một ngọn lửa mỗi ngày một cháy sáng hơn, lan rộng hơn để làm thành một đám cháy lớn. Ước chi ngọn lửa nhỏ bé của các con khi gặp được Ngọn Lửa Thần Linh là Chúa Giê-su sẽ trở thành đám cháy tình yêu, đám cháy lớn. Các con sẽ là nhóm tu sỹ mà Chúa Giê-su là Đầu và chúng ta là những chi thể của Người”.
“Hãy biến tâm hồn, trí khôn, ý chí của các con thành ngai tòa cho Người, dù khi các con ở trong nhà nguyện, hoặc khi chú tâm đến Người trong khi thi hành những nhiệm vụ khác, hãy luôn tập trung vào Người… Đó là tất cả những gì cha xin các con” (Diễn giải Bài Thuyết Trình về Luật Sống).
Hi vọng rằng những tư tưởng trên đây sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn lời nói sau của thánh Phê-rô Giu-li-a-nô: “Cuộc sống vĩ đại của tình yêu là ở Phòng Tiệc Ly” chính là tình yêu mà mỗi người, cũng như tất cả chúng ta được kêu gọi để tham dự vào.
Ơn kêu gọi như thế chính là ơn kêu gọi đến hưởng niềm vui. Đấng Sáng Lập của chúng ta luôn nhấn mạnh đến niềm hân hoan này. Ngài nói, buồn phiền là một cám dỗ lớn lao nhất cần phải loại bỏ đi, ngay cả đối với những người mà bẩm chất vẫn có khuynh hướng ủ rũ buồn sầu. Buồn phiền, nếu tiếp tục trong một thời gian dài, thì đó là dấu hiệu không có ơn kêu gọi. Tại sao? Tại vì đó là dấu hiệu chứng tỏ người ấy không nhìn nhận sự hiện diện của Chúa Phục Sinh đang hiện diện ở giữa ta. Chúa Giê-su hiện diện ở giữa ta cũng như Người đã từng hiện diện ở giữa các Tông Đồ. Người nói: “Bình an cho các con”, và Người mời gọi ta rờ vào cạnh sườn Người, để rồi như thánh Tô-ma, kẻ tôn thờ đích thực sẽ phải kêu lên: “Lạy Chúa tôi, lạy Thiên Chúa của tôi”.
Từ tình trạng nghèo nàn cùng cực, chúng ta được kêu gọi đến hưởng niềm vui là được phụng sự Người, được luôn “ở với Người”, được hoàn toàn “thuộc về Người”, thuộc về gia đình của Người, như vậy làm sao chúng ta có thể ưu phiền được. Thánh Phê-rô Giu-li-a-nô nói: “Các con có Thánh Thể, các con còn mong muốn gì hơn nữa?”.
C- CÁC BẢN VĂN VỀ BÁC ÁI
1- THÁNH VỊNH 16
Lạy Chúa Trời, xin giữ gìn con
vì bên Ngài, con đang ẩn náu.
Con thưa cùng Chúa: “Ngài là Chúa con thờ,
ngoài Chúa ra, đâu là hạnh phúc?”.
Còn thần ngoại xứ này, những thần linh xưa con sùng mộ,
vẫn gia tăng tàn phá, và thiên hạ tới tấp chạy theo.
Máu tế thần, con quyết chẳng dâng,
tên của thần, môi con không tụng niệm!
Lạy Chúa, Chúa là phần sản nghiệp con được hưởng,
là chén phúc lộc dành cho con;
số mạng con, chính Ngài nắm giữ.
Phần tuyệt hảo may mắn đã về con,
vâng, gia nghiệp ấy làm con thỏa mãn.
Con chúc tụng Chúa hằng thương chỉ dạy,
ngay cả đêm trường, lòng dạ nhắn nhủ con.
Con luôn nhớ có Ngài trước mặt,
được ngài ở bên, chẳng nao núng bao giờ.
Vì thế, tâm hồn con mừng rỡ, và lòng dạ hân hoan,
thân xác con cũng nghỉ ngơi an toàn.
Vì Chúa chẳng đành bỏ mặc con trong cõi âm ty,
không để kẻ hiếu trung này hư nát trong phần mộ.
Chúa sẽ dạy con biết đường về cõi sống:
trước Thánh Nhan, ôi vui sướng tràn trề,
ở bên Ngài, hoan lạc chẳng hề vơi!
2- THƠ GỞI MẸ MÁC-GƠ-RÍT GHI-Ô
Rô-ma ngày 27 tháng Mười Hai, 1864
Gởi con và toàn thể các con rất đáng mến, Cha viết thơ này để Chúc Mừng Năm Mới các con, những người con thân yêu của cha trong Chúa, những kẻ luôn hiện diện ở bên cha trong tình yêu và vinh quang thần linh của Chúa.
Từ Rô-ma, kinh thành của Chúa Giê-su, nơi cư ngụ của Vị Đại Diện Người, trung tâm hiệp nhất công giáo, cha gởi lời Cầu Chúc Năm Mới đến tất cả các con.
Các con thân mến, từ Rô-ma cha đã gởi đến các con những ơn cao cả. Khi được vào triều yết Đức Giáo Hoàng ngày 17 tháng 11, cha đã không quên các con. Chắc các con đã nhận được thỉnh nguyện của cha dâng lên Đức Thánh Cha để xin những ân xá cho các con, và ngài đã ban cho các con những ân xá cao quí ấy, nhất là trong ngày khấn trọng đại của các con.
Mặc dù không ai được phép trình lên ngài bất cứ gì để xin ngài ký, dù chỉ một tấm giấy nhỏ, nhưng Đức Thánh Cha cũng đã ban ân xá ấy sau khi cân nhắc cẩn thận. Các con thấy không, Thiên Chúa đã yêu thương các con biết bao!
Các con thân mến, cha còn có thể cầu chúc gì hơn cho các con được nữa, thêm vào những ơn mà các con đã nhận lãnh được trong ngày Lễ Mình Thánh Chúa Ki-tô, đó là: đời sống tu trì, được phép đặt Mình Thánh liên tục, nói tóm lại, Phòng Tiệc Ly của các con. Ôi, các con rất thân mến, nếu các con hiểu được như cha, các con sẽ nhận ra việc qui tụ các con lại thành một cộng đoàn thật là cao cả biết bao, chỉ với khát vọng chân thành của các con và sự hư vô của cha để thiết lập nên một gia đình tu sỹ mới, quả thực là khó khăn biết bao! Các con phải luôn cảm tạ Chúa về ơn ấy.
Cha chưa thể hát bài “Lạy Chúa, giờ đây xin cho tôi tớ Chúa ra đi bình an” (Nunc Dimitis) được, ngoại trừ đó là thánh ý Chúa, nhưng sẽ tiếp tục vun tưới cho cây nhỏ mà Thiên Chúa đã chúc phúc và được trồng ở một vị trí đẹp đẽ trong vườn Hội Thánh.
Cha mong được thấy các con tăng trưởng, không phải về nhân số, nhưng nhất là về các nhân đức, sự thánh thiện, đời sống tu trì thực sự. Chắc chắn các con đang hết sức nỗ lực để trở thành những tu sỹ tốt, những kẻ tôn thờ hoàn hảo. Nhưng, các con thân mến, đường còn dài trước khi các con đạt tới bàn quì của sự hoàn thiện thánh thể.
Ước chi đức bác ái ki-tô ngự trị giữa các con. Đó là nhân đức ưu tiên của Chúa và là linh hồn của đời sống tu trì. Mỗi người hãy coi các chị em khác hơn mình, và như lời thánh Phao-lô nói: hãy coi các chị em khác đạo đức hơn mình, xứng đáng hơn mình. Mỗi người hãy chỉ nhìn ở nơi các chị em khác những ân sủng, nhân đức, tình yêu và lòng nhân hậu của Chúa đối với họ, còn ở nơi mình thì hãy nhìn vào những yếu đuối, tội lỗi, như vậy người ấy sẽ luôn có lòng bác ái.
Cha không bảo “hãy chịu đựng lẫn nhau” mà thôi, nhưng cha còn bảo phải thương yêu nhau nữa, vì các con được qui tụ lại thành gia đình thân yêu của Chúa. Vì thế, hãy sung sướng khi thấy các chị em khác phục vụ tốt và thánh thiện, cũng như trong một thân thể, một chi thể sung sướng về sự phục vụ tốt của chi thể khác. Các con được qui tụ lại thành triều đình của Vua cao cả. Hãy luôn giữ phong độ tốt đẹp giữa các chị em với nhau. Ước chi những phong độ tốt đẹp, cốt cách đàng hoàng tử tế luôn là đặc điểm nơi đời sống cộng đoàn của các con.
Các con ở trong nhà của Chúa. Hãy coi đó là một hạnh phúc được ở trong nhà thánh của Người, được âu yếm phụng sự Người, được làm mọi sự cho Người. Tình yêu sẽ thực hiện điều đó, một tình yêu phát xuất từ nơi trái tim, một tình yêu cao đẹp sẽ trở thành dịu dàng và nhậy cảm như sáp ong ở gần lửa.
Phải, các con thân mến, hãy trở nên những môn đệ đích thực cho tình yêu thần linh của Chúa. Đó là ơn của các con, là luật pháp và sức sống của các con: Tình yêu thánh thể!
Thiên Chúa đã ban cho các con trái tim tuyệt vời, hãy hiến dâng lại trái tim ấy cho Người. Người muốn trái tim ấy nơi Trái Tim Người. Hãy đặt trái tim ấy vào lò lửa bừng cháy. Đôi khi bản tính tự nhiên kêu than khóc lóc, và người ta làm chúng ta phải đau khổ. Điều đó không đáng quan tâm, vì như vậy trái tim ta sẽ mau mắn hướng về Chúa là Thầy nhân lành. Điều đại bất hạnh là khi chúng ta đi tìm kiếm hoan lạc ở ngoài ơn kêu gọi của ta và ngoài Chúa chúng ta.
Các con thân mến, cha chúc lành cho các con với tất cả tấm lòng của cha. Nguyện xin Chúa gìn giữ các con, giúp các con lớn lên trong sự thông hiểu và nhân đức của tình yêu thánh thiện. Được như vậy là cha quá mãn nguyện rồi.
Tất cả trong Chúa,
Eymard
(Gởi Marguerite Guillot. Doc. 1508 Đời Sống và Các Thơ)