16. Nơi Biến Đổi Nhờ Thánh Thần – III

PHÒNG TIỆC LY:

NƠI BIẾN ĐỔI

NHỜ CHÚA THÁNH THẦN- III

 

 

HIẾN LỄ BẢN VỊ - B

NHỮNG NGUỒN THIÊNG LIÊNG

1- NHẬP ĐỀ

Chúng ta đã mô tả:

- Đường khôn ngoan trong linh đạo của Thánh Phê-rô Giu-li-a-nô là con đường tình yêu và hi sinh phát xuất từ Thánh Thể và qui hướng về Thánh Thể.

- Đường phục vụ thì được thực hiện qua tình yêu khiêm tốn trong cầu nguyện, tôn thờ và chúc tụng.

Mục đích mà linh đạo này nhắm tới là cuộc sống cho Thiên Chúa trong Đức Giê-su Ki-tô. Mục tiêu này có nghĩa là “ở với Chúa Giê-su Ki-tô” để sống cho Người, nhờ Người với Người và trong Người, và mục tiêu biến đổi này là gồm hai phương diện: - Chết cho bản thân, - và qui hướng về Chúa Giê-su. Khía cạnh “chết cho bản thân” đã được trình bày trong bài suy niệm trước đây dưới những đề mục: Mầu Nhiệm Vượt Qua, hi lễ bản thân, những hi sinh hằng ngày được đón nhận trong tình yêu, lắng nghe tiếng nói của Chúa Thánh Thần. Trong bài này, chúng ta sẽ đề cập tới: - “Hiến lễ bản vị”, - và “những nguồn phát sinh ra hiến lễ này”. Những nguồn ấy được chứa đựng trong linh đạo của thánh Gio-an, thánh Phao-lô và những ảnh hưởng khác.

Sự kiên trì chiêm nhiệm Mầu Nhiệm Thánh Thể của Thánh Phê-rô Giu-li-a-nô đã dẫn ngài tới kết luận: Chính nhờ hiến lễ bản vị sâu xa nhất của ta mà Chúa Giê-su thực sự trở nên trung tâm đời sống ta, và ta mới thực sự đáp lại Hiến Lễ Bí Tích của Chúa Ki-tô. Tôn thờ Thánh Thể phải đưa ta tới cuộc hiến thân trọn vẹn, đó là điều mà các tác giả của Trường Phái Linh Đạo Pháp gọi là “sự hủy diệt” (Anneantissement), và thánh Phao-lô gọi là “tự hủy” (Kenosis).

2- BIẾN ĐỔI THÁNH THỂ

(Eucharistic Transformation).

Hiệp thông bí tích đích thực sẽ phải sinh công hiệu, đó là cuộc cách mạng thiêng liêng thực, trong đó Chúa Giê-su thực sự trở nên Thầy và Chúa của bản ngã sâu xa nhất ở nơi ta, bằng cách chiếm đoạt trọn vẹn con người ta. Linh hồn nào để Chúa Giê-su sống trong mình thì sẽ luôn tham vấn Người và sẽ chỉ sống cho Người mà thôi. Như vậy, Hiệp Lễ sẽ thực sự trở nên Mầu Nhiệm Nhập Thể nối dài nhờ loại bỏ mọi ích kỷ, phù phiếm và tìm kiếm tư lợi. Đời sống Ba Ngôi, nơi cư ngụ của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, được hoàn toàn tự do để thực hiện sự hòa hợp nơi con người cách toàn vẹn và sâu xa: Thể xác, trí tuệ, tâm hồn và ý chí.

Nhờ chiêm niệm về Chúa Giê-su trong hiến lễ Thánh Thể mà chúng ta biết được tình yêu huyền nhiệm chính là tình yêu mà chúng ta được kêu gọi tới để thụ hưởng. Tình yêu của ta đối với Chúa Giê-su là lời đáp lại tình yêu của Người được biểu lộ ra cho ta nơi hiến lễ Thánh Thể. Là những kẻ sống sau Chúa Giê-su bao thế kỷ, nhưng tình yêu nơi tâm hồn Người quá lớn lao đến nỗi Người đã tìm cách để ở lại với chúng ta, và để hấp thụ chúng ta vào trong Người. Chỉ có Thánh Thần mới có thể giúp ta hiểu mỗi ngày một hơn về ý nghĩa của Nhiệm Tích Thánh Thể, và biến đổi ta thành Thân Mình bị bẻ nát, và thành Máu được đổ ra cho Thiên Chúa và cho mọi người. Cũng như tấm bánh trên bàn thờ, chúng ta được mời gọi để biến đổi nên Chúa Ki-tô. Cũng như tấm bánh trên bàn thờ, chúng ta được kêu gọi để trở nên dấu chỉ cho sự hiện diện của Chúa Giê-su, để Người có thể thực sự sống trong ta, tôn thờ Cha Người và sống cuộc sống tình yêu giữa dân Người. Nhưng sự biến đổi này chỉ có thể thực hiện được nhờ lời thưa “xin vâng” như Đức Ma-ri-a, nhờ sự từ bỏ mình cho tình yêu Chúa, được thực hiện từ ngày này qua ngày khác, trong mọi biến cố lớn cũng như nhỏ. Sự đồng hóa với Chúa Giê-su được diễn ra dần dần ngoài nhận thức của ta. Cuộc biến đổi ấy đòi hỏi sự chiêm niệm liên tục về các Mầu Nhiệm của Người, về trực giác những cảm xúc của Người, về những thái độ và cách thức Người thực hiện sự việc. Cuộc biến đổi ấy cũng đòi hỏi sự lượng giá chân thành về mình, và ý thức về những động cơ nội tâm khiến ta xa lìa những chân lý Phúc Âm.

Phải chăng tôi được đời sống của Chúa Giê-su ở trong tôi hướng dẫn mỗi ngày? Hay phải chăng những hành động của tôi chỉ nhằm tìm kiếm chính mình? Phải chăng các hành động tôi thực hiện chỉ nhằm phô trương để người khác thấy? để được nổi danh? để được người ta quí mến? Hay như thánh Gio-an Tẩy Giả, mọi công cuộc của đời sống tôi đều qui về Chúa Giê-su và hướng dẫn mọi con tìm đến với Người, đều hi sinh bản thân vì Nước Chúa và vì Vinh Quang Người? Đó chính là lễ hiến thân và một tác giả tu đức mô tả lễ hiến thân như sau:

“Lễ hiến thân là thay thế, cách ý thức, tinh thần cá nhân của ta bằng Thần Trí của Chúa Giê-su, tinh thần cá nhân của ta là tinh thần luôn có khuynh hướng tìm kiếm tư lợi, ích kỷ và đặt mình làm trung tâm . Chỉ có sự thay thế này mới đưa ta từ độ thoái giảm (tức tình  trạng rời rạc, đa dạng, phức tạp) tới sự tiến hóa và lớn mạnh dần tới mức độ trưởng thành (đơn thuần) của Chúa Giê-su Ki-tô trong lễ hiến thân” (Cha Francis Kelly Nemick, OMI).

Quá trình ấy quả thực khó khăn, đó chính là bước đường tiến tới tình trạng toàn vẹn và hòa hợp nội tâm, tức sự hòa hợp nên một giữa thể xác, trí tuệ, tâm hồn và ý chí. Tất cả những quan năng ấy đều phải qui về cùng một hướng và được chiếm đoạt bởi cùng một sự sống mới, đó là: Chúa Giê-su sống động trong ta. Cuộc từ bỏ này phải được thể hiện trong suốt cả cuộc đời và khi thực hiện như vậy, chúng ta mới cảm thấy mình yếu đuối, giới hạn và thiếu sót. Nhưng không sao. Cha thánh Phê-rô Giu-li-a-nô dạy, chúng ta phải lặp đi lặp lại lễ hiến thân này cho Chúa mỗi khi ý thức mình đã rút lại.  Tình trạng canh tân liên tục lễ hiến thân này sẽ làm cho trí khôn và tâm hồn ta luôn có thái độ hợp lý đối với Chúa.

Tháng 11, 1862, Thánh Phê-rô Giu-li-a-nô viết cho một người bạn xin ngài chỉ dẫn một vài điều cho cuộc tĩnh tâm của bà, ngài đề cập đến một chương trình tĩnh tâm, trong đó có đoạn như sau: “Lưu lại trong Chúa là quên mình đi, là tước bỏ bản thân mình, là hiến thân mình như người ta bỏ củi vào lửa, hiến tâm hồn cho tình yêu cao cả, đời sống cho Đời Sống. Như một hiền thê phải từ bỏ mọi sự để được ở với lang quân, sống với chàng, nhờ chàng và cho chàng. Vì thế, hiền thê ấy phải suy nghĩ như Chúa Giê-su suy nghĩ, nói những lời của Chúa Giê-su, thực hiện những động tác của Chúa Giê-su, cầu nguyện những lời nguyện của Chúa Giê-su, chịu những đau khổ của Chúa Giê-su, chỉ mơ tưởng những gì đẹp lòng Người, chỉ yêu mến những gì Chúa Giê-su yêu mến, chỉ ước muốn những gì đẹp lòng Người, được hấp thụ vào trong Chúa Giê-su”.

      (Xin coi bản văn đầy đủ ở trong “Đời Sống và Các Thơ”, Doc. #1186)

3- HÀNH TRÌNH THIÊNG LIÊNG

Sống ở một xứ chịu ảnh hưởng sâu rộng của Phật Giáo, chắc hẳn các bạn cũng biết rõ triết lý và đường khôn ngoan của họ, con đường dẫn tới sự toàn vẹn. Tôi đã trình bày với các bạn rằng, lễ hiến thân theo thánh Phê-rô Giu-li-a-nô hiểu và sống cũng là một triết lý, một con đường khôn ngoan của ki-tô giáo và sự hoàn thiện mà tất cả các thánh đã từng sống. Chúa Thánh Thần đã hướng dẫn cha thánh Phê-rô Giu-li-a-nô để ngài diễn tả con đường ấy thành một giáo huấn, không những cho riêng ngài, mà còn cho cả toàn Dòng của ngài nữa. Chính nhờ “quên mình đi” mà chúng ta có thể đánh giá được tính cách xác thực về sự phát triển thiêng liêng, cũng như những lựa chọn chính xác của ta.

Cha E-ma đã phải tìm kiếm con đường này suốt cả đời ngài. Chúng ta có thể nhận thấy điều đó qua các thuyết trình của ngài. Điều đó cũng được diễn tả bằng chính những lời mà sau này ngài đã ghi lại qua cuộc Đại Tĩnh Tâm ở Rô-ma. Bản văn này các bạn đã biết rồi (Coi: Đại Tĩnh Tâm ở Rô-ma, ngày 21 tháng 3, 1865).

Người ta có thể thấy công thức này trong cuốn “Giáo Lý về Đời Sống Nội Tâm” (Cathechism of the Interior Life) do cha M. Ô-li-ê (M. Olier), vị sáng lập tu hội Xuân Bích viết vào hai thế kỷ trước đó. Mỗi lần thánh Phê-rô Giu-li-a-nô đề cập đến vấn đề này, ngài đều cảm thấy dường như đó là lần đầu tiên ngài khám phá ra điều ấy. Tại sao vậy? Lý do là vì Chúa Thánh Thần luôn lôi kéo ngài tiến xa hơn nữa và dẫn đưa ngài đi tới mức độ sâu xa hơn. Đôi khi đời sống thiêng liêng được mô tả như một hành trình theo đường thẳng, nhưng đời sống ấy cũng có thể mô tả như một đường xoắn trôn ốc. Vì thế chúng ta có thể có cảm tưởng như mình luôn học lại cùng một vấn đề, hay luôn ở trong cùng một lãnh vực. Thực ra Chúa luôn lôi cuốn ta tiến sâu hơn vào cuộc hiệp nhất với Ngài.

4- THÁNH PHAO-LÔ

Chắc chắn các bạn đã nhận ra ảnh hưởng của thánh Phao-lô trong lễ hiến thân này, đó là hiến lễ mà thánh Phê-rô Giu-li-a-nô đã dâng lên Chúa qua một lời khấn. Trong một số tài liệu của ngài, thánh E-ma cho biết, ý niệm về hiến lễ này dựa trên ki-tô học của thánh Tô-ma A-ki-nô (Aquino), tức giáo thuyết về Ngôi Hiệp (Hypostatic Union). Ngày nay triết học A-ris-tô-tê-lê không còn thịnh hành nữa, còn những triết thuyết mới và tâm lý học cũng chưa đưa ra được những ngữ vựng chính xác và rõ rệt khả dĩ diễn tả được khái niệm về lễ hiến thân. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể hiểu được ý nghĩa của hiến lễ này nhờ một cửa ngõ khác. Trước hết là qua những tác phẩm của thánh Phaolô.

Trong các tác phẩm của thánh Phao-lô, có hai đoạn quan trọng nhất liên quan đến khái niệm về lễ hiến thân: Một đoạn ở thơ gởi tín hữu Phi-líp-phê và một đoạn khác ở trong thơ gởi tín hữu Ga-la-ta.

a- Pl.2:6-12

“Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. Chính vì thế Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu. Như vậy, khi vừa nghe danh thánh Giê-su, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ; và tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng: ‘Đức Giê-su Ki-tô là Chúa”.

b- Gl.2:20

“Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi. Hiện nay tôi sống kiếp phàm nhân trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi”.

Những đọan văn trên đây được thánh Phê-rô Giu-li-a-nô trích dẫn thường xuyên. Quả thực, cả hai tư tưởng này đều liên quan mật thiết với nhau. Đoạn trích thơ gởi tín hữu Phi-líp-phê chiêm ngưỡng hành vi tự hạ, vâng phục và tự hủy của Chúa Giê-su trong Mầu Nhiệm Nhập Thể. Còn đoạn trích thơ gởi tín hữu Ga-la-ta thì mời gọi ta thể hiện cùng một hành vi của Chúa Giê-su bằng cách để cho Chúa Giê-su sống trong ta: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi” (Gl.2:20).

Như vậy, chúng ta hãy chiêm ngưỡng sự “hủy bỏ mình đi” (Kenosis) như trong thơ gởi tín hữu Phi-líp-phê mời gọi. Hàng tuần khi cầu nguyện theo bản văn nổi tiếng này ở trong Phụng Vụ Giờ Kinh, chúng ta hãy chiêm ngưỡng Mầu Nhiệm Nhập Thể 

Đây là lời mời gọi ta đi tới sự đồng hóa mình với Chúa Ki-tô.

5- THÁNH GIO-AN

Sự hủy bỏ mình đi được thánh Phao-lô diễn tả chính là khởi điểm cho cuộc sống hiệp nhất với Chúa được chứa đựng trong Tin Mừng Thánh Gio-an:

“Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy. Thầy là cây nho, anh em là cành nho. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga.15:4-5).

Chúa Giê-su mời gọi ta hãy để cho sự sống của Người tuôn trào vào trong ta. Người mời gọi ta đi tới cuộc sống hiệp thông thực sự, sự hiệp nhất mà không bao giờ ta dám mơ tưởng. Chính trong lãnh vực hiệp thông này mà cha thánh E-ma đã khấn lời khấn tư, đó là lời khấn hiến dâng bản vị cho Chúa.

Như các bạn biết, cha E-ma thường mang trong mình sách Tin Mừng theo Thánh Gio-an và đoạn văn ngài ưa thích và thường hay trích dẫn hơn hết là: “Hãy ở trong Thầy và Thầy ở lại trong anh em”. Đó là trọng tâm của đời sống thiêng liêng. Đó là lời mời gọi đi theo con đường thiêng liêng chân thực, con đường ấy đòi hỏi người ta phải: Hủy diệt mình đi hoàn toàn.

6- CÁC GIÁO PHỤ

Đối với thánh Phê-rô Giu-li-a-nô, Hiệp Lễ là Mầu Nhiệm Nhập Thể nối dài, nghĩa là khi ta rước lấy Chúa nơi Thánh Thể, thì sự sống thần linh sẽ hoạt động ở trong ta. Thân xác thể lý của ta trở thành bình chứa Thịt Máu thật của Chúa Ki-tô, và sự sống thần linh ở trong linh hồn ta được gia tăng sinh lực và được củng cố. Trạng thái này tương tự như Mầu Nhiệm Nhập Thể khi Ngôi Lời hóa thành nhục thể trong lòng Đức Nữ Trinh Ma-ri-a. Dựa vào giáo huấn của các Giáo Phụ và có lẽ của thánh Au-gus-ti-nô khi ngài nói: “Hãy trở nên cái mà ngươi lãnh nhận”, cha thánh Phê-rô Giu-li-a-nô đã xây dựng linh đạo về sự hủy diệt của ngài trên căn bản đó.

Trong ghi chú “Thư Mục Hướng Dẫn Hội Tán Trợ”, thánh Phê-rô Giu-li-a-nô viết:

“Thiên Chúa là vị thượng khách của ta ở trong Thánh Thể. Người quá yêu thương ta đến nỗi không thể rời xa ta được, ngay cả trong trạng thái vinh quang của Người. Thánh Thể là Mầu Nhiệm Nhập Thể được tiếp nối, được gia tăng nhiều hơn và được vĩnh cửu hóa cho tới tận cùng thời gian. Người muốn sống gần bên ta và tiếp tục ba trạng thái của sứ vụ cứu thế của Người là: Cầu nguyện, hi sinh và sống cho các tâm hồn”.

Các Giáo Phụ Hi Lạp cũng đề cập đến sự hủy diệt được thánh Phao-lô trình bày trong chương 2 của thơ gởi tín hữu Phi-líp-phê:

“Hủy diệt (Kenosis),

Tại trung tâm của Ba Ngôi, có một cuộc sống tuyệt vời, một sự hiệp thông không bút nào có thể diễn tả được, trong đó sự gắn bó giữa Ngôi này với Ngôi khác và sự hiến dâng của Ngôi này cho Ngôi khác không gì có thể so sánh được. Các Giáo Phụ Hi Lạp nói đến một sự hủy diệt hoan lạc (Joyful Kenosis). Sự hủy diệt là một từ Hi Lạp có nghĩa là “làm cho trống rỗng”, hay “tước lột đi”. Thánh Phao-lô dùng từ này để nói lên sự kỳ diệu của Mầu Nhiệm Nhập Thể khi Ngôi Lời Thiên Chúa tự hủy mình đi bằng cách chấp nhận thân phận con người (Pl.2:8). Các Giáo Phụ Hi Lạp đã dám dùng từ Kê-nô-sis (Kenosis) để diễn tả tình trạng nghèo khó đáng ngạc nhiên nơi Thiên Chúa khi Ngôi này hiến thân cho Ngôi khác tất cả những gì mình có. Một cách mầu nhiệm, nơi Thiên Chúa không có sở hữu, vì Ngài đã tận hiến, đã cho đi hoàn toàn” (Musique de l’Esprit, M.R. Bous, O.P. Cerf. 1998).

Vì thế, cha E-ma đã khuyên nhủ các con cái ngài: “Các con hãy siêng năng Rước Lễ. Vì đó là sự sống và nhân đức độc nhất của các con. Cha nói: độc nhất, vì chính Chúa Giê-su tác tạo sự sống của Người ở trong các con”.

Chúng ta có thể dễ dàng nhận ra đây là một lối diễn tả hoàn toàn cách mạng. Thánh Phê-rô Giu-li-a-nô thích nói đến cuộc cách mạng, tức cuộc thay đổi hoàn toàn về nguồn hướng dẫn ta hoạt động. Giờ đây chính Chúa Giê-su được tác tạo ở trong ta, tràn ngập ở trong ta, chính Người là Đấng thi hành mọi sự ở trong ta.

Cũng vậy, trong cuộc Đại Tĩnh Tâm ở Rô-ma, sau cuộc tìm kiếm liên tục và lâu dài để khám phá ra chìa khóa đáp lại cách trọn vẹn nhất tác động của Thiên Chúa ở trong ngài, ngài đã thuật lại lời khấn riêng của ngài bằng những lời lẽ sau đây:

“Dường như chính Chúa Cứu Thế đã nói: Khi sai Ta đi qua công cuộc Nhập Thể, Đức Chúa Cha đã cắt đứt mọi gốc rễ trong việc tìm kiếm tư lợi ở nơi Ta, bằng cách không cho Ta có Ngôi Vị nhân loại, nhưng liên kết Ta lại với Ngôi Vị Thần Linh để Ta sống cho Ngài. Như vậy nhờ Hiệp Lễ, ngươi sẽ sống trong Ta, vì Ta sẽ sống ở trong ngươi. Ta sẽ làm cho tâm hồn ngươi tràn đầy những khát vọng và sự sống của Ta, chúng sẽ thiêu hủy mọi gốc rễ của việc tìm kiếm tư lợi, đến nỗi chính Ta sẽ sống và khát vọng mọi sự ở trong ngươi, thay vì ngươi; và như vậy, ngươi sẽ mặc lấy Ta, ngươi sẽ là thân xác của Thân Xác Ta, tâm hồn ngươi, các quan năng hoạt động của tâm hồn ngươi, trái tim ngươi, sẽ là bình chứa đựng và chuyển động của trái tim Ta. Ta sẽ là ngôi vị trong cá nhân ngươi, và cá nhân ngươi sẽ là sự sống của Ta ở trong Ngươi: ‘Giờ đây tôi sống, nhưng không còn là tôi, mà là Chúa Ki-tô sống trong tôi” (Tĩnh Tâm Rô-ma).

7- BẢN NGÃ THEO QUAN NIỆM HIỆN ĐẠI

Làm thế nào chúng ta có thể diễn tả những ý niệm trên theo ngôn ngữ của linh đạo hiện đại? Đó là trách nhiệm của chúng ta. Ý nghĩa của các từ ngữ đã thay đổi và phát triển trong suốt 150 năm qua kể từ khi lần đầu tiên cha E-ma chuyển đạt những chân lý thiêng liêng này cho các chị Nữ Tỳ tiên khởi và đặt làm châm ngôn câu “Không còn gì là của riêng” (Absque propio). Ngày nay tâm lý học đã phát triển, những từ như cá vị và bản ngã đã được định nghĩa cách khác. Khoa chú giải Kinh Thánh và thần học cũng tiến triển rất nhiều. Tuy nhiên, đường lối tốt nhất trong việc tìm kiếm ý niệm này trong lãnh vực linh đạo là dựa vào Kinh Thánh. Những quan niệm của thánh Gio-an và của thánh Phao-lô là những phương tiện hữu hiệu nhất để hiểu biết về giáo huấn này.

Có lẽ các tác giả tu đức ngày nay cũng đề cập tới bản ngã thâm sâu, nơi Thiên Chúa ngự trị, bản ngã này đối nghịch với bản ngã có khuynh hướng hoạch định, tổ chức và cảm xúc. Các tác giả tu đức ngày nay cũng nêu lên sự tương phản giữa bản ngã giả dối do ta tạo nên và bản ngã thực do Thiên Chúa tạo nên theo hình ảnh của Con Một Ngài, tức Bản Ngã Ki-tô, đó là Bản Ngã luôn tìm mọi cách để đến sống ở trong ta.

LỜI NGUYỆN

“Ai yêu mến Ta thì giữ lời Ta, và Cha Ta sẽ yêu mến người ấy, và Chúng Ta sẽ đến và cư ngụ trong người ấy”.

“Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã thực hiện cuộc cách mạng vĩ đại chưa từng có, đó là cuộc cách mạng tình yêu. Chúa đã thiết lập một nơi cư ngụ nơi tâm hồn chúng con. Thiên Chúa đến ngự nơi tâm hồn nhân loại, nhân vị trở nên nhà tạm cho Thiên Chúa, đền thờ của Chúa Thánh Thần! Chúa đã sai Thánh Thần đến để hướng dẫn chúng con trong mọi chân lý, trong mọi hiểu biết về Chúa. Chúc tụng Chúa vì Chúa sống trong chúng con, vì sự hiện diện của Chúa là nguồn bình an sâu xa, giúp chúng con vượt qua mọi thử thách cách an toàn. Thánh Ý Chúa mong muốn chúng con luôn được hưởng tình yêu, bình an và hoan lạc. Chúng con khao khát những ơn ấy, nhưng có quá nhiều trở ngại ở nơi chúng con, cản trở chúng con lãnh nhận những gì Chúa chuẩn bị cho chúng con từ thuở đời đời. Chúng con mong muốn luôn tưởng nhớ sự hiện diện của Chúa trong chúng con, luôn hiện diện trước nhan Thiên Chúa, để sự hiện diện ấy tác động hoàn toàn vào đáy cuộc sống chúng con” (Epheta).


 


 

 

© 2016 Dongthanhthe.net. All rights reserved.