Thánh Thể: Bí Tích Của Niềm Hy Vọng Cánh Chung

Thánh Thể: Bí Tích Của Niềm Hy Vọng Cánh Chung

O Sacrum convivium
In quo Christus sumitur
Recolitur memoria passionis eius
Mens impletur gratia et futurae gloriae nobis pignus datur

Ôi yến tiệc Mình và Máu Thánh Chúa Kitô thành lương thực nuôi chúng ta
Tiệc tưởng nhớ Người đã chịu khổ hình
Và đổ đầy ân sủng xuống cõi lòng nhân thế
Tiệc bảo đảm cho chúng ta một tương lai huy hoàng rực rỡ.

(Thomas Aquinas, Corpus Christi)

 

Nhập Đề

Khi cử hành Bí tích Thánh Thể, chúng ta cử hành mầu nhiệm hy tế thập giá và vượt qua của Chúa Kitô.

Cử hành Thánh Thể cũng là cử hành mầu nhiệm cánh chung vì Bí tích Thánh Thể vừa là bí tích của sự hiệp nhất, vừa là bí tích toàn hảo của thời sau hết.

Một Chúa Kitô hiện diện “hôm qua, hôm nay, và mãi mãi như vậy cho đến muôn đời” (Heb. 13:8). Mỗi người cùng với tất cả mọi người hiệp thông với nhau trong sự hiệp nhất với Thiên Chúa, cùng một niềm tin vao Chúa Kitô là “lời đem lại sự sống đời đời” (Ga 6:68), cùng lãnh nhận chính Chúa Kitô như lương thực than linh trong cuộc lữ hành tại thế, cùng quy hướng về tương lai, cùng trông chờ nước Chúa trị đến, cùng hy vọng về một “trời mới, đất mới”, và “lời hứa về sự sống vĩnh cửu mai sau.”

Bí Tích Thánh Thể, theo như lời của A. Schmemann, là sự quy hướng về “quê hương trên trời.” Trong thời sơ khai, các cộng đồng Ki-tô hữu đã coi những bữa tiệc diễn ra trong sứ vụ của Chúa Kitô như là những “bữa tiệc Nước Trời.” Việc ăn bánh và uống rượu nho trong Bí Tích Thánh Thể không chỉ đơn thuần là việc tưởng nhớ sự chết và sống lại của Chúa Kitô, nhưng còn là một dự kiến về ngày trở lại của Chúa Kitô, như một thông phần trước về sự hoàn kết của những công trình mà Thiên Chúa sẽ thực hiện cho thế giới và nhân loại.

1. Bí tích Thánh Thể là bí tích của niềm hy vọng cánh chung

Thần học truyền thống và tân kinh viện chú trọng đặc biệt đến các tín lý về mầu nhiệm hy tế, vượt qua và sự hiện diện thực sự của Chúa Ki-tô nơi Bí Tích Thánh Thể.

Trong khi ấy, thần học cánh chung chỉ được coi như phần phụ lục. Theo cách hiểu thông thường, thì cánh chung là những thực tại cuối cùng.

Cánh chung quan cá nhân đề cập đến số phận hay thực tại cuối cùng của mỗi người sau khi chết như sự phán xét, thiên đàng, luyện ngục, hỏa ngục.

Cánh chung quan tập thể đề cập đến những thực tại cuối cùng của thế giới và lịch sử nhân loại như ngày tận thế, sự sống lại chung cuoc, sự trở lại của Chúa Kitô, thời đại trị vì của Chúa Kitô, và sự phán xét chung cho toan the nhan loai.

Đến thế kỷ 20, nhất là từ sau Cộng đồng chung Vatican II, thần học cánh chung đặt trọng tâm vào niềm hy vọng Kitô giáo. Văn kiện Hiến Chế về Giáo Hội của Cộng Đồng Vatican II, khi nói về vai trò của Giáo Hội trong thế giới hôm nay, đã nhấn mạnh đến bối cảnh lịch sử và vũ trụ của niềm hy vọng này.

Thần học cánh chung, vì vậy, đã chuyển hướng, không còn đề câp nhiều đến cấu trúc của những thực tại cuối cùng, hay coi những thực tại này như những đối tượng, những nơi chốn, những thực tại có thể tiên đoán được, nhưng nhấn mạnh về bản chất của niềm hy vọng Kitô giáo.

1.1 Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội

Trong phần mở đầu, Hiến Chế Mục Vụ Về Giáo Hội đã nói lên niềm hy vọng và những quan tâm trên như sau: (cf. GS #1) - (GS #38)

1.2 Thông điệp “Ecclesia de Eucharistia”

Đức thánh Cha Gioan Phaolô II đã viết trong thông điệp “Ecclesia de Eucharistia” về chiều kích cánh chung của Bí Tích Thánh Thể và niềm hy vọng Kitô giáo như sau: (cf. # 33, 34).

Trong Thánh Thể, chúng ta cũng nhận được bảo đảm là thân xác chúng ta sẽ được sống lại trong ngày tận thế: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết” (Ga 6,54). Sự bảo đảm về sự sống lại mai sau ấy bắt nguồn từ sự kiện: thân xác của Con Người được trao ban như của ăn, lại chính là thân xác của Đấng Phục Sinh trong vinh hiển. Chinh trong bí tích Thánh Thể, chúng ta có thể thấu triệt “bí ẩn” của sự sống lại.”

2. Bí tích Thánh Thể là một cử hành cánh chung

Bí Tích Thánh Thể được cử hành trong bối cảnh của việc Chúa Ki-tô sống lại, và trong sự trông chờ nước Chúa trị đến.

Thánh Phao-lô nói đến Bí Tích Thánh Thể như là bí tích cánh chung trong đó cộng đồng tín hữu được nhắc nhở về niềm hy vọng ngày trở lại của Chúa Kitô: “Thật vậy, mỗi lần ăn bánh và uống chén này là anh em loan truyền việc Chúa đã chịu chết cho tới ngày Chúa đến” (1 Cor. 11:26)

Trong sách Giáo Huấn, kinh nguyện “Maranatha” được dùng trong nghi thức phụng vụ để nói lên cảm nghiệm về sự hiện diện của Chúa Kitô trong Bí Tích Thánh Thể và niềm hy vọng cánh chung về ngày trở lại Chúa Kitô:

“Xin ân sủng Chúa đến!.. Lậy Chúa, xin ngự đến! Amen.”

Tự bản chất, bí tích Thánh Thể mang tính cánh chung vì là bí tích của Nước Trời. Những gì mà cộng đồng tín hữu cử hành tại thế là một dấu chỉ cho sự việc sẽ được tham dự vào bữa tiệc vĩnh cửu mai sau, một sự tụ họp chung cục của mọi thời trên ngọn núi thánh của Thiên Chúa. Những lời tung hô trong phụng vụ: “Đức Kitô sẽ trở lại trong vinh quang,” hay “Chúc tung Dang nhan danh Chua ma den”, và trong lời nguyện Thánh Thể “Vì Chúa là Vua uy quyền và vinh hiển muôn đời” đều nói lên tính cánh chung của việc cử hành bí tích Thánh Thể.

3. Hy vọng Thánh Thể là sự hiệp thông cánh chung

Theo thần học về cánh chung, lịch sử chỉ có thể tiến đến toàn kết viên mãn qua sự hiệp thông với Thiên Chúa qua Chúa Kitô, trong Chua Thanh Than. Cử hành Bí tích Thánh Thể là cử hành mầu nhiệm hiệp thông “bởi vì chỉ có một tấm bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể (1 Cor. 10:17).

3.1 Chiều kích bản vị của sự hiệp thông cánh chung

Con người là một tinh thần nhập thể. Chúng ta không chỉ là một chủ tri, một ý thức tự do, một tinh thần thuần túy, nhưng là một tinh thần hiện diện trong thân xác, một chủ thể có ý thức, có ý hướng tính và có lịch sử tính.

Trong Bí tích Thánh Thể, thân xác của Con Người được trao ban như của ăn, cũng chính là thân xác của Đấng Phục Sinh trong vinh hiển. Chung ta duoc tro nen tron ven, tro nen chinh minh, mot ca the hoi nhap va hiep nhat.

3.2 Chiều kích liên chủ vị và cộng đồng

Tuy mỗi người là một chủ thể duy nhất, tự do, có ý thức và trách nhiệm với đời mình, nhưng không ai là một hữu thể khép kín.

Theo Zizioulas, “một người không phải là người”, hoặc theo Ernst Bloch, “unus Christianus nullus Christianus” (một người Ki-tô hữu không phải là người Ki-tô hữu). Từ nhận thức này mà chúng ta cảm nhận được sự liên kết gắn bó với toàn thể thế giới như một cộng đồng hiệp nhất. Chính trong chiều kích tương quan liên chủ vị này mà chúng ta thấy được ý nghĩa cánh chung của Bí tích Thánh Thể.

Là Bí tích hy vọng của cộng đồng, Thánh Thể biểu hiện hiệp thông nên chúng ta có thể nói về sự hiện diện của Chúa Kitô trong Bí tích Thánh Thể như là sự đồng hiện diện với Giáo hội, hien dien cho Giao Hoi va vi Giao Hoi.

Như bánh và rượu trở thành lương thực của Nước Trời, thì những người tham dự vào Bí tích Thánh Thể cũng hiệp nhất với nhau để cùng hướng về một thế giới mới, một nhân loại mới trong Đức Ki-tô, qua quyền năng biến đổi của Chúa Thánh Thần.

3.3 Chiều kích vũ trụ

Chúng ta không chỉ hiệp thông với tha nhân nhưng còn là thông hiệp với toàn thể vũ trụ vạn vật. Sự hoàn kết tương lai của con người không thể tách rời với sự biến đổi của thế giới, nơi mà con người gắn bó tron cả mot đời.

Niềm hy vọng Ki-tô giáo, do đó, bao gồm tất cả mọi tạo vật và sự biến đổi là biến đổi toàn thể vũ trụ. Qua Bí tích Thánh Thể, chúng ta có thể nhìn thế giới như là “Nhiệm Thể của Đức Ki-tô,” vì mọi tạo vật đều là hình thức biểu đạt của Thiên Chúa, là Lời Chúa, là dấu chỉ, là hiện thể thần thiêng, là nhiem tích và là công trình nghệ thuật của Thiên Chúa.

Theo niềm hy vọng cánh chung, thì tận thế không phải là sự hủy diệt vũ trụ, nhưng là sự biến đổi và hoàn thiện tất cả để trở thành “một trời mới, đất mới.” (Rev. 21:1).

4. Chúa Ba Ngôi trong bối cảnh Cánh Chung của Thánh Thể

Thánh Thể là cảnh vực thần linh, là cảnh giới linh thiêng nơi Thiên Chúa Ba Ngôi trao ban sự sống cho con người. Khi cộng đồng Kitô hữu quây quần để cử hành bí tích thánh thể, cộng đồng ấy trở thành cộng đồng cánh chung nối kết trực tiếp với chính sự sống của Thiên Chúa. Đặc biệt Lời Nguyện Thánh Thể gói trọn, trong ngôn từ và cử chỉ, niềm hy vọng Kitô Giáo. Lời tung hô: ‘Chính nhờ Đức Kitô, cùng với Đức Kitô, và trong Đức Kitô, mọi vinh quang và danh dự đều thuộc về Cha là Thiên Chúa toàn năng đến muôn thuở muôn đời’ hướng ta đến mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi.

Trong Thánh Thể, người tín hữu được mời gọi liên kết với từng Ngôi vị trong Ba Ngôi Thiên Chúa. Lời mời gọi này đưa người tính hữu đến hiệp thông trong và với sự sống của thần linh, được gói ghém trong lời nguyện dâng lên Chúa Cha, nhờ Đức Kitô, và nguyện cầu trong Chúa Thánh Thần.

Mục đích của Thánh Thể gồm hai phần: thần hóa cộng đồng Kitô hữu, có nghĩa là hiệp thông của cộng đồng đức tin với mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi; thứ hai, hiệp thông giữa các tín hữu với nhau. Khi được thánh hóa và biến đổi bởi Thánh Linh trở nên Thân Thể của Chúa Kitô, cộng đồng Kitô hữu trở nên nhân chứng cho vinh quang của Thiên Chúa, và được tái tạo trong sự sống Ba Ngôi Thiên Chúa

5. Bí tích Thánh Thể như là mẫu thức cho các hoạt động hướng về tha nhân và xã hôi.

Hy vọng cánh chung là nền tảng cho các hành động về công lý, công bình xã hội. Như là Bí tích hy vọng, hợp nhất và hòa giải, Bí tích Thánh Thể nhắc nhở chúng ta về trách nhiệm của mình đối với xã hội. Bởi vì lịch sử của thế giới nằm trong lịch sử của ơn cứu độ, nên việc góp phần xây dựng công lý và hòa bình, tham gia thăng tiến xã hội, chống lại những bất công xã hội và sự tha hóa con người cũng là những trách nhiệm của chúng ta trong hành trình tiến về Nước Chúa.

Như là bí tích hiệp thông, Bí tích Thánh Thể giúp chúng ta nhận thức được cách sống như thế nào để phù hợp với trật tự mới trong đó mọi người cùng tụ họp, hiệp nhất với nhau trong sự chết và sống lại của Đức Ki-tô (Rom. 6:4-5). Trật tự mới này là niềm hy vọng cánh chung vì tất cả cùng hướng về Nước Chúa, Nước của công lý và hòa bình. Để sống đời sống Thánh Thể, cuộc sống của chúng ta không phải chỉ là sống với, sống bên cạnh người khác, nhưng còn là sống cho người khác và vì người khác trong sự thông hiệp và trong tình tương thân tương ái bởi vì tất cả mọi người đều là hình ảnh của Thiên Chúa, không phải chỉ ở bản chất thiêng liêng của mình, nhưng còn do bản chất xã hội của mình qua hình ảnh của mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi.

6. Kết Luận

Nếu Bí tích Thánh Thể là bí tích cánh chung, bí tích toàn hảo của thời sau hết, thì bí tích này không chỉ đem lại cho cộng đồng tín hữu một niềm hy vọng của “trời mới, đất mới,” nhưng còn làm cho chúng ta nhận thấy những việc phải làm trong mối quan hệ với Thiên Chúa và trong quan hệ với tha nhân, thế giới và vũ trụ trong cuộc hành trình tại thế. Do sự liên đới và niềm hy vọng mai sau, chúng ta không thể nói đến số phận sau cùng của mỗi người mà không nói đến số phận chung của toàn thế giới và nhân loại. Vì thế, sống đời sống Thánh Thể không phải chỉ là việc lo việc cứu rỗi cho riêng mình, nhưng đồng thời còn là sự cộng tác với Thiên Chúa trong việc làm thăng tiến, đổi mới xã hội để thế giới trở nên một ngày một tốt đẹp hơn, để mọi người có thể sống xứng đáng với nhân phẩm của mình theo như Tin Mừng.

Là Nhiệm The của Đức Ki-tô, cộng đồng tín hữu cũng là cộng đồng Thánh Thể và cánh chung. Chính qua chiều kích cánh chung mà chúng ta hiểu được ý nghĩa sâu xa và tầm quan trọng của Bí tích Thánh Thể như là “nguồn mạch và chóp đỉnh của đời sống Ki-tô giáo.”(Hiến Chế về Giáo Hội, no. 11) , là ”trung tâm điểm của cộng đoàn tín hữu” (Sắc lệnh về Chức Vụ và Đời Sống Linh Mục, no. 5), là ”nguồn mạch ơn thánh hóa cho con người và làm vinh danh Thiên Chúa”, và là “bí tích của tình yêu, dấu chỉ của sự hiệp nhất, mối dây ràng buộc đức ái, và là bữa tiệc vượt qua trong đó của ăn là chính Đức Kitô, tâm trí chúng ta được tràn đầy ân sủng, và chúng ta nhận được lời hứa ban vinh hiển mai sau.” (Hiến chế về Phụng Vụ, no.10),

* Câu hỏi:

  1. Thánh Thể là bảo chứng cho vinh quang tương lai thế nào? (Ga 6:54; 56-57; 1Cor 15:54-56)
  2. Bảo chứng về vinh quang tương lai có tác dụng gì trên cuộc sống, sứ mạng và sứ vụ của chúng ta? (Ga 15:11; 2Tim 2:11-12; Rm 8:19-21)
  3. Thánh Thể là Bàn Tiệc Thiên Quốc mời gọi và khích lệ chúng ta yêu mến những thực tại vĩnh cửu, hướng lòng trí về thượng giới nhu thế nào? (Col 3:1-11; Lc 22:29-30; GS # 38; 1 Pr 3:11-13; 2 Pr 3:13; Is 25:6).

Lm Phaolô Vũ Chí Hỷ, SSS

 

© 2016 Dongthanhthe.net. All rights reserved.