14. Nơi Biến Đổi Nhờ Thánh Thần – I

PHÒNG TIỆC LY:

NƠI BIẾN ĐỔI NHỜ THÁNH THẦN – I

 

 

I- BIẾN CỐ PHÚC ÂM

“Phần Thầy, Thầy sẽ cho anh em điều Cha Thầy đã hứa. Còn anh em, hãy ở lại trong thành, cho đến khi nhận được quyền năng từ trời ban xuống” (Lc.24:549).

II- NHẬP ĐỀ

Các bạn thân mến, chắc các bạn cũng nhận thấy trong các buổi thuyết trình của chúng ta, tôi đã cố gắng đan kết nhiều đề tài lại với nhau, chẳng hạn: linh đạo thánh thể của cha thánh Phê-rô Giu-li-a-nô được xây dựng trên khuôn mẫu Phòng Tiệc Ly, đồng thời cũng bao gồm những yếu tố căn bản của linh đạo tổng quát.

Người ta thường nói, mỗi linh đạo đều đưa ra một đường khôn ngoan riêng, và cống hiến người ta một chìa khóa xác thực riêng. Trong buổi thuyết trình này, chúng ta sẽ thảo luận về đường khôn ngoan. Trong bài thuyết trình kế tiếp, chúng ta sẽ nghiên cứu về chìa khóa xác thực.

Câu Kinh Thánh: “Còn anh em, hãy ở lại trong thành cho đến khi nhận được quyền năng từ trời ban xuống” (Lc.24: 49), câu này đưa chúng ta vào khung cảnh sau Phục Sinh và trước khi Chúa Giê-su về trời. Chúa Giê-su bảo các môn đệ ở lại trong thành chờ đợi Chúa Thánh Thần hiện xuống.

Trong những suy niệm trước, chúng ta đã chứng tỏ “ở lại trong thành” có nghĩa là “ở lại trong Phòng Tiệc Ly”. Vì các Tông Đồ là những người Ga-li-lê, các ngài không có nhà ở Giê-ru-sa-lem, ngoại trừ căn nhà của một môn đệ khác được đặt dưới quyền sử dụng của họ. Truyền thống cũng cho biết, đó là nhà của Gio-an Mác-cô. Ở đó, họ chờ đợi Chúa Thánh Thần hiện xuống.

Ngoài ra, truyền thống cũng cho biết, các Tông Đồ đã cùng cầu nguyện với Đức Ma-ri-a. Nghệ thuật cũng họa lại cảnh này. Chúng ta có thể tưởng tượng cách chắc chắn rằng, các phụ nữ khác cũng có mặt ở đó, nhưng các nghệ sỹ thời bấy giờ chưa đủ tự do để hoạ nên cảnh Hội Thánh rộng lớn được lãnh nhận Chúa Thánh Thần, mục đích chính là để nói lên địa vị tối cao của Nhóm Mười Hai và địa vị của Đức Mẹ trong Hội Thánh sơ khai.

III- KHÁI NIỆM VỀ ĐƯỜNG THIÊNG LIÊNG

Cuộc hành trình thiêng liêng của ta cốt yếu hệ tại: Chờ đợi Chúa Thánh Thần, đón tiếp Ngài vào cuộc sống của ta để sự sống của Chúa Ki-tô được thành hình ở trong ta. Quả thực, như Chúa Thánh Thần đã tác tạo nên Chúa Giê-su nơi cung lòng Đức Ma-ri-a thế nào, thì giờ đây nhờ Hiệp Lễ là Mầu Nhiệm Nhập Thể nối dài, Chúa Ki-tô cũng đến sống ở trong ta như vậy. Vì thế, cốt yêu cuộc hành trình thiêng liêng của ta hệ tại: phát triển đời sống của Chúa Ki-tô mà chúng ta lãnh nhận được nhờ Phép Rửa.

Cũng vậy, tại Phòng Tiệc Ly, các Tông Đồ đã được biến đổi từ những con người hèn nhát, kêu căng và đầy tham vọng, thành những con người can đảm, nhiệt tình… nhờ mở rộng tâm hồn để đón nhận sự tác động của Chúa Thánh Thần. Như vậy, Phòng Tiệc Ly quả là nơi biến đổi nhờ quyền năng và tác động của Chúa Thánh Thần.

Mục đích của giáo huấn linh đạo là vẽ nên một tấm bản đồ gồm những con đường mà các thánh cũng như những bậc tôn sư linh đạo đã khám phá ra được, để nhờ đó, chúng ta biết đường đến với Chúa. Giáo huấn và đời sống của các ngài vạch ra những đường lối, tạ thành tấm bản đồ giúp ta không bị lạc đường khi đến với Chúa.

Thánh Phê-rô Giu-li-a-nô để lại cho ta cả một di sản phong phú về giáo huấn linh đạo. Giáo huấn này được diễn tả bằng những từ ngữ của xã hội Pháp ở thế kỷ 19. Vì thế, đôi khi rất khó đọc và khó hiểu. Tuy nhiên chúng ta cần khảo sát những giáo huấn ấy để xem sự phát triển thiêng liêng của ta có quân bình và đúng hướng hay không, và sự hiểu biết của ta về linh đạo có hoàn hảo hay không.

Trong bài suy niệm này, chúng ta sẽ khảo sát giáo huấn linh đạo của thánh E-ma qua ba lãnh vực: 

1)- Mầu Nhiệm Vượt Qua.

2)- Những nguyên tắc phân biệt thần loại.

3)- Đời sống thánh thể.

1- MẦU NHIỆM VƯỢT QUA

Dưới đề mục này, chúng ta sẽ rút ra từ những học thuyết của thánh Phê-rô Giu-li-a-nô  về “Tình yêu và hi sinh” và gom tất cả lại thành một học thuyết linh đạo.

Như chúng ta đã khảo sát, theo giáo huấn của thánh Phê-rô Giu-li-a-nô thì tinh thần tình yêu phải là đặc điểm của tinh thần thánh thể, và phải biểu thị nét độc đáo của tu sỹ thánh thể. Ở đây, chúng ta cũng cần nhớ lại “giáo huấn về hai đường lối nên hoàn thiện”, và khởi đầu là tình yêu, đây không phải là thứ tình yêu thuộc tình cảm ấu trĩ, mà là một tình yêu mãnh liệt được biểu lộ ra qua hi sinh, quên mình, và qua cuộc sống cho người khác.

Trước hết, hi sinh là biểu hiệu của tình yêu. Khẳng định này nhắc nhở chúng ta về giáo lý của Chúa Ki-tô:

- “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt.16:24).

- “Nếu hạt lúa mì gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga.12:24).

Những từ: chết, từ bỏ, phục vụ, khổ chế, đền tội, là những từ nghe không được êm tai lắm. Để diễn tả ý nghĩa của những từ mà Thánh Phê-rô Giu-li-a-nô thường dùng “chết cho mình”. Điều đó có nghĩa là gì? Từ ngữ này không nguyên chỉ là từ ngữ tiêu biểu của Trường Phái Linh Đạo Pháp, mà trước tiên phải nói, từ ngữ này phát nguồn từ Phúc Âm, và chúng ta có thể quả quyết rằng, từ này được thể hiện nơi đời sống của bất cứ vị thánh nào. Những người hiện đại không thích nghe thứ ngôn ngữ này. Nhưng nếu muốn sống theo Chúa, người ta phải nghe và phải sống theo ý nghĩa mà những từ ngữ ấy diễn tả. Thật là đáng tiếc, nếu chúng ta khảo sát linh đạo mà lại không đề cập đến ý niệm của những từ này. Đối với Trường Phái Pháp, cũng như đối với thánh Phê-rô Giu-li-a-nô, “chết cho mình” là vì đời sống trong Chúa Ki-tô, là để có được sự sống của Chúa Ki-tô. Hi sinh chỉ là biểu thị của tình yêu, dốc đổ mình đi là để Thiên Chúa có thể đổ tràn đầy chính Ngài vào trong ta. Khổ chế chỉ là một trong những bước của công cuộc biến đổi đời sống ta thành đời sống của Chúa Ki-tô. Quả thực, trong Mầu Nhiệm Vượt Qua của Chúa Ki-tô thì chết chỉ là một bước trong quá trình biến đổi và đi tới Phục Sinh mà thôi. Qua kinh nghiệm, chắc chắn tất cả chúng ta đều thấu rõ điều đó: Hi sinh đem lại niềm vui, còn qui ngã (self-centeredness) thì chỉ đem lại buồn sầu. Luật Sống của Nữ Tỳ Thánh Thể số 23 cũng diễn tả cùng một ý nghĩa như vậy.

Thánh Thể là Bí Tích Biến Đổi. Chúa Giê-su đến với ta cách nhiệm tích để sống trong ta cách thiêng liêng. Và nếu Chúa sống trong ta, thì Người phải biến đổi ta. Khi đã chiếm ngự được cuộc sống ta, Người có thể làm ta lưu lại, không phải ở lãnh vực hi sinh của cuộc sống, nhưng là trong tình yêu, và tình yêu thực phải được biểu lộ ra qua hi sinh. “Lưu lại trong hi sinh”, đó không phải là mục tiêu của tu sỹ thánh thể, mà mục tiêu của tu sỹ thánh thể phải là “lưu lại trong tình yêu”. Nhưng chính vì tình yêu mà tu sỹ thánh thể sẵn sàng thực hiện những hi sinh ngoài ý muốn của mình.

Trong đời sống tu đức, đôi khi chúng ta cũng nên chọn một vài hi sinh nhỏ để luyện cho ý chí dễ sai khiến và để biểu lộ tình yêu của ta. Nhưng tốt hơn hết là chấp nhận những hi sinh do đời sống hằng ngày đem lại, và chấp nhận chúng với niềm vui. Những hi sinh do ta lựa chọn có thể nguy hiểm khi chúng trở thành việc phô trương hay tự hào. Chấp nhận hi sinh là việc của tình yêu, là đón nhận thánh giá của Chúa ở nơi cuộc đời ta. Nếu ta thực sự yêu mến Chúa, liệu chúng ta có thể từ chối thánh giá có mang thân xác của Người bị đóng đinh vào đó không?

Trong cuộc Đại Tĩnh Tâm ở Rô-ma của thánh Phê-rô Giu-li-a-nô, chúng ta có thể nhận thấy ngài đã chiêm ngưỡng Chúa Giê-su như thế nào. Chiêm ngưỡng Chúa Giê-su cũng giống như nhìn vào tấm gương để cha thánh chúng ta thấy được những gì cần thiết phải thực hiện, hầu được trở nên giống như Người mỗi ngày một hơn. Điều cốt yếu là hãy chú mục vào Chúa Giê-su để Người phản ảnh đời sống của Người nơi tâm hồn và trí tuệ ta.

Phụng Vụ Đông Phương trong các Bài Đọc Rm.6:3-11 và Cl.3:1-4, nói về cuộc biến đổi này như sau:

- “Anh em không biết rằng: khi chúng ta được dìm vào nước thanh tẩy, để thuộc về Đức Ki-tô Giê-su, là chúng ta được dìm vào trong sự chết của Người sao? Vì được dìm vào trong cái chết của Người, chúng ta đã cùng được mai táng với Người. Bởi thế, cũng như Người đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha thế nào, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới như vậy. Thật thế, vì chúng ta đã nên một với Đức Ki-tô nhờ được chết như Người đã chết, thì chúng ta cũng sẽ nên một với Người, nhờ được sống lại như Người đã sống lại. Chúng ta biết rằng: con người cũ nơi chúng ta đã bị đóng đinh vào thập giá với Đức Ki-tô, như vậy, con người do tội lỗi thống trị đã bị hủy diệt, để chúng ta không còn làm nô lệ cho tội lỗi nữa. Quả thế, ai đã chết, thì thoát khỏi quyền lực của tội lỗi. Nếu chúng ta đã cùng chết với Đức Ki-tô, chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người: đó là niềm tin của chúng ta. Thật vậy, chúng ta biết rằng: một khi Đức Ki-tô đã sống lại từ cõi chết, thì không bao giờ Người chết nữa, cái chết không còn quyền chi đối với Người. Người đã chết, là chết đối với tội lỗi, và một lần là đủ. Nay Người sống, là sống cho Thiên Chúa. Anh em cũng vậy, hãy coi mình như đã chết đối với tội lỗi, nhưng nay lại sống cho Thiên Chúa, trong Đức Ki-tô Giê-su” (Rm.6:3-11).

- “Anh em đã được trỗi dậy cùng với Đức Ki-tô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Ki-tô đang ngự bên hữu Thiên Chúa. Anh em hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới. Thật vậy, anh em đã chết, và sự sống mới của anh em hiện đang tiềm tàng với Đức Ki-tô nơi Thiên Chúa. Khi Đức Ki-tô, nguồn sống của chúng ta xuất hiện, anh em sẽ được xuất hiện với Người, và cùng Người hưởng phúc vinh quang” (Cl.3:1-4).

Những Bài Đọc trên nói về cuộc biến đổi của người ki-tô hữu, nghĩa là các ki-tô hữu được kêu gọi để mặc lấy đời sống mới của Chúa Giê-su. Thiên Chúa chỉ muốn nhìn thấy hình ảnh của Con Một Ngài nơi tâm hồn ta và Ngài đã sai Thánh Thần đến để thực hiện cuộc biến đổi đời sống ta nên đời sống mới này ở trong ta, tùy theo ơn riêng của mỗi người.

Đó là phụng vụ của cuộc sống hằng ngày mà chúng ta được kêu gọi để thực hiện. Nhờ Phép Rửa, tất cả chúng ta đều lãnh nhận được “chức linh mục phổ quát”, nhờ chức tư tế này, chúng ta có khả năng để dâng lễ hi sinh lên Thiên Chúa, khả năng để biến đổi mọi hoạt động và kinh nghiệm hằng ngày của chúng ta thành lễ hiến tế dâng lên Thiên Chúa. Nhưng những của lễ này phải được sống, và phải được sống với Chúa Ki-tô trước. Các bạn có bao giờ nghĩ rằng, trong mỗi cuộc cử hành phụng vụ Thánh Thể, thì chính đời sống của các bạn được biến đổi không? Có bao giờ các bạn nghĩ rằng, trong mỗi cuộc cử hành Thánh Thể, là các bạn dâng lên Thiên Chúa một hễ hi sinh mới không? Vì mỗi ngày, đời sống của chúng ta đều khác với ngày hôm trước.

2- NHỮNG NGUYÊN TẮC PHÂN BIỆT THẦN LOẠI

Trong các thuyết trình của cha thánh Phê-rô Giu-li-a-nô, chúng ta nhận thấy ngài đưa ra nhiều nguyên tắc để phân biệt thần loại theo đường lối riêng của ngài. Như chúng ta biết, có nhiều nguyên tắc phân biệt thần loại khác, chẳng hạn những nguyên tắc phân biệt thần loại nổi tiếng của thánh I-nha-xi-ô. Cha thánh của chúng ta cũng biết những nguyên tắc ấy và đã sử dụng chúng để hướng dẫn đời sống thiêng liêng riêng của ngài. Tuy nhiên, nét đặc biệt của cha E-ma, phần lớn rút ra từ Trường Phái Linh Đạo Pháp. Liên quan đến vấn đề này, cha E-ma đã đề cập đến những nguyên tắc đặc biệt sau:

- Những động tác của ơn sủng.

- Ơn chủ yếu, hay: ơn lôi cuốn (Grace d’attrait).

- Những yếu tố của hi sinh.

a- NHỮNG TÁC ĐỘNG CỦA ƠN SỦNG

Để học cách phân biệt thần loại ở trong ta, tức phân biệt những tác động nào do bản ngã tự nhiên phát sinh ra, và những tác động nào do bản ngã đã được ơn sủng biến đổi phát sinh ra, cần phải có ơn soi sáng đặc biệt của Chúa Thánh Thần, và người ta nhận được ơn ấy nhờ lời cầu nguyện khiêm tốn. Chúng ta rất dễ rơi vào ảo tưởng về thiện chí của mình, đến nỗi có thể bị mù quáng đối với chính mình. Vì thế chúng cần xin ơn cởi mở tâm hồn, khiêm nhường và soi sáng. Chúng ta cũng có thể nhận biết thần loại nhờ những người cùng sống trong cộng đoàn, các bề trên, cha giải tội và những người hướng dẫn, nhưng đặc biệt là nhờ cầu nguyện, xét mình, tĩnh tâm. Chính Chúa Giê-su sẽ cho ta biết những gì ở trong ta là không thuộc về Người.

b- TÌNH TRẠNG TÂM HỒN

Thánh Tô-ma A-ki-nô (Aquino) nói: Ơn sủng được xây dưng trên bản tính tự nhiên. Đối với mỗi người, bẩm chất tự nhiên chính là lãnh vực mà ơn sủng được đổ vào và phát triển. Chẳng hạn khi ta bị nghiền nát vì đau khổ, chúng ta có thể liên kết với Cuộc Thương Khó của Chúa Giê-su. Khi được tràn đầy niềm hoan lạc, ta có thể liên kết với các mầu nhiệm tình yêu của Chúa đối với ta. Khi những bổn phận hằng ngày trở thành vô nghĩa đối với ta, mầu nhiệm của Thánh Gia ở Na-gia-rét có thể đem lại ý nghĩa cho mọi sinh hoạt của ta.

c- ƠN CHỦ YẾU (Dominant Grace), hay ƠN LÔI CUỐN (Grace d’attrait).

Những câu hỏi: Thiên Chúa hoạt động nơi cuộc sống cá nhân tôi thế nào? Mẫu mực hoạt động của Người ở trong tôi như thế nào? Ơn đặc biệt nào liên kết tôi với Người? Tôi tìm được căn tính thiêng liêng của tôi ở đâu? Tất cả những câu hỏi trên đây có thể giúp ta nhận ra “bộ mặt thiêng liêng” của ta. Cũng như gương mặt tự nhiên: mặt tôi, mũi tôi, mắt tôi, trán tôi… được cấu tạo thế nào. Sự cấu tạo đó làm thành nét độc đáo của bộ mặt tôi. Mỗi người đều có một nét đặc biệt riêng, đều khác biệt với người khác. Trên phương diện thiêng liêng cũng vậy. Mỗi người đều có một “vẻ mặt thiêng liêng” riêng, mỗi người đều độc nhất. Nhờ cầu nguyện và hồi tâm, dần dần chúng ta có thể nhận ra được nét độc đáo của mình trước mặt Thiên Chúa.

Ngoài ra, cũng như trong một gia đình, anh chị em ruột thịt, tuy khác nhau, nhưng cũng có “những nét giống nhau”. Trong lãnh vực thiêng liêng và ơn sủng cũng thế, một số người cũng có những nét giống nhau và họ họp thành “gia đình thiêng liêng”. Nét giống nhau thiêng liêng ấy là do ơn chủ yếu tạo nên. Chẳng hạn đối với chúng ta, ơn chủ yếu là Thánh Thể. Chính Thánh Thể lôi cuốn chúng ta, là tần số mà qua đó Thiên Chúa nói với ta, khích lệ ta, biến đổi ta và ủy thác sứ mệnh cho ta. Thánh Thể lôi cuốn và qui tụ chúng ta lại thành cộng đoàn.

Ý thức về ơn chủ yếu rất quan trọng đối với cuộc hành trình thiêng liêng của ta, tại sao? Lý do là vì, đó là đường dẫn ta tới hoàn thiện, là tiêu chuẩn giúp ta phân biệt thần loại. Một khi chúng ta hiểu rằng, chính nhờ Thánh Thể mà Thiên Chúa lôi kéo ta lại với Người trong đời sống tu trì, chúng ta sẽ dễ dàng phán đoán được những gì đã đẩy ta ra xa ơn ấy, hay làm suy yếu ơn ấy ở nơi ta, hoặc những gì góp phần vào cuộc sống tu trì của ta, hoặc những gì không thuộc về Thiên Chúa. Ơn chủ yếu chính là tiêu chuẩn giúp ta phân biệt thần loại.

d- NHỮNG HI SINH

Lời kêu gọi của Thiên Chúa dành cho ta luôn bao hàm hi sinh, nhưng đó là thứ hi sinh trong bình an, trong sức mạnh và niềm vui sâu xa. Hi sinh là một tiêu chuẩn khác giúp ta phân biệt thần loại.

3- ĐỜI SỐNG THÁNH THỂ

Chúng ta đã đề cập đến Mầu Nhiệm Vượt Qua, đó là bối cảnh của đời sống thiêng liêng, tức là: Chết để được sống. Sự sống phục sinh của Chúa Giê-su ở trong ta phải được trả bằng giá hi sinh, đôi khi bằng những hi sinh anh hùng đối với những công cuộc vĩ đại; nhưng ngay cả đối với những việc nhỏ mọn, đôi khi cũng đòi ta phải trả bằng giá hi sinh anh hùng nữa. Chúng ta cũng khảo sát tác động nội tâm của Chúa Thánh Thần nơi tâm hồn chân thành biết lắng nghe, tác động ấy giúp ta nhận ra những gì phù hợp với ơn kêu gọi và đặc sủng của ta và những gì chỉ là ảo tưởng.

Giờ đây chúng ta hãy nhìn, không phải vào cây và hoa trái của đặc sủng, mà là vào những kết quả của ơn ấy. Đâu là những nhân đức giúp ta nhận ra những hoạt động của Thần Trí Chúa Giê-su nơi cuộc sống của ta? Trong một đoạn văn rất đặc sắc, Đại Hội Thánh Thể Quốc Tế ở Lộ Đức đã dạy ta như sau: “Đời sống thánh thể không thể tách rời khỏi đời sống Tám Mối Phúc Thật”. Thực vậy, như chúng ta biết, các Mối Phúc Thật biểu lộ Thần Trí của Chúa Giê-su, vì thế chính nơi cuộc sống này mà chúng ta thấy được hoạt động của Thần Trí ấy.

Thánh Phê-rô Giu-li-a-nô đã dùng nhiều thời giờ để khảo sát các nhân đức trong đời sống Chúa Giê-su, để xem nhân đức nào là nhân đức đặc biệt nhất. Cuối cùng ngài nhận ra, nhân đức cốt yếu của một tôi tớ là khiêm nhường và phục vụ như Chúa Giê-su đã khiêm tốn phục vụ. Quả vậy, nhưng đây phải là sự khiêm nhường đặc biệt, nghĩa là sự khiêm những phát xuất từ tình yêu. Sự khiêm nhường này được biểu lộ ra qua việc tôn thờ trước sự hiện diện của Thiên Chúa là Cha. Vì sở dĩ chúng ta tôn thờ là vì chúng ta nhận ra lòng nhân hậu và sự cao cả vô biên của Đấng yêu thương ta, và ta yêu mến Ngài.

Khi Chúa Giê-su rửa chân cho các môn đệ tại Bữa Tiệc Ly, Người đã công bố tình yêu của Ba Ngôi và tình yêu của nhân loại. Với cử chỉ khiêm nhường này, Người đã biểu lộ cho ta thấy sự hoàn tất các Mối Phúc Thật, nghèo khó trong tinh thần, hiền lành và dịu dàng, đã tỏ ra sự thánh thiện của Người trong việc phục vụ. Ơn bình an của Người là ơn do Chúa vinh quang ban, Người cống hiến cho hết thảy chúng ta. Ơn sức mạnh trong cơn bách hại. Phúc cho các ngươi… Khiêm nhường của tình yêu chính là tình yêu trong phục vụ đơn sơ, khiêm tốn và tầm thường. Đây cũng là sự noi theo gương mẫu của Đức Ma-ri-a. Trong bài ca cảm tạ và chúc tụng đầy khiêm tốn, Mẹ đã bộc lộ Bài Ca Magnificat (đọc:Mác-nhi-phi-cát) chính là bài ca cảm tạ và chúc tụng của Mẹ. Mẹ nhìn nhận ơn cao cả mà Mẹ lãnh nhận được và Mẹ dâng lời chúc tụng Thiên Chúa. Đức Ma-ri-a chính là người bạn đồng hành với ta trong việc thể hiện đời sống thánh thể.

Những điều được trình bày trên đây chính là tấm bản đồ hướng dẫn cho cuộc hành trình của các bạn. Nếu muốn, các bạn có thể suy niệm thêm về chủ đề này. Các bạn có thể dùng: những Bài Đọc của Chúa Nhật Phục Sinh, bài suy niệm về hai con đường, bài suy niệm về nhân đức chủ yếu, Các Mối Phúc Thật, Kinh Magnificat (Mác-nhi-phi-cát), Phúc Âm thánh Gio-an chương 13:1-15. Những tư tưởng này có thể tóm lại trong một mệnh đề: Công cuộc biến đổi nên Chúa Ki-tô được thể hiện qua tình yêu khiêm tốn.


 


 

© 2016 Dongthanhthe.net. All rights reserved.