PHÒNG TIỆC LY:
NƠI BIẾN ĐỔI
NHỜ CHÚA THÁNH THẦN - II
HIẾN LỄ BẢN VỊ - A
I- CÁC NGUỒN KINH THÁNH
1- Ga.6:54-57:
“Ai ăn thịt tôi và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống. Ai ăn thịt tôi và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy. Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy”.
2- Ga. 14:16:
“Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi”.
3- Pl.2:6-12:
“Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân phận nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và ban tặng danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu. Như vậy, khi vừa nghe danh thánh Giê-su, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quì; và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng: “Đức Giê-su Ki-tô là Chúa”. Ấy vậy, anh em thân mến, anh em là những người luôn luôn vâng phục không những khi tôi có mặt, mà nhất là bây giờ, khi tôi vắng mặt, anh em hãy biết run sợ mà gắng sức lo sao cho mình được cứu độ”.
4- Gl.2:20:
“Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi. Hiện nay tôi sống kiếp phàm nhân trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi”.
II- HIẾN LỄ BẢN VỊ - A (Gift of Self)
1- NHẬP ĐỀ
Chúng ta đã mô tả “đường khôn ngoan” trong linh đạo của thánh Phê-rô Giu-li-a-nô E-ma, đó là đường tình yêu phát nguồn từ Thánh Thể và qui hướng về Thánh Thể.
Chúng ta cũng đã mô tả “đường phục vụ”, đó là đường được thể hiện qua tình yêu khiêm tốn, trong bối cảnh cầu nguyện, tôn thờ và chúc tụng.
Chủ đích mà ta nhắm tới là: sống cho Thiên Chúa trong Đức Giê-su Ki-tô, tức là “ở với Chúa Giê-su Ki-tô” để “sống cho Người, nhờ Người, với Người và trong Người”. Mục tiêu biến đổi này gồm hai khía cạnh: Chết cho mình, và qui hướng về Chúa Ki-tô. Vấn đề “chết cho mình” đã được đề cập tới trước đây qua những tư tưởng sau: Mầu Nhiệm Vượt Qua, lễ hi sinh bản vị (Sacrifice of Self), và hành trình thiêng liêng của thánh Phê-rô Giu-li-a-nô trong cuộc Đại Tĩnh Tâm ở Rô-ma.
Các bạn sống ở một xứ mà Phật Giáo được bành trướng rộng rãi. Họ có một triết lý, một đường khôn ngoan, và một đường lối đi tới hoàn thiện. Tôi đã trình bày với các bạn một đường lối tương tự trong linh đạo Phòng Tiệc Ly. Trong bài trước đây, chúng ta đã đề cập tới đề tài: tình yêu và hi sinh là đường khôn ngoan. Trong bài này, chúng ta sẽ khảo sát về “hiến lễ bản vị” để hiệp nhất với Chúa Giê-su, đó là chìa khóa chính thức của con đường này. Khi dùng từ “chìa khóa chính thức”, tôi muốn ám chỉ rằng, nhờ hiến lễ bản vị trọn vẹn trong tình yêu, chúng ta có thể chắc chắn rằng, công cuộc tìm kiếm Thiên Chúa và phụng sự Người là xác thực. Vì người ta rất dễ rơi vào tình trạng tìm kiếm mình mà lại tưởng rằng đang tìm kiếm Thiên Chúa. Tôi sẽ chia sẻ với các bạn một số nỗ lực tìm kiếm Thiên Chúa của thánh Phê-rô Giu-li-a-nô để bảo đảm cho tính cách xác thực này trong đời sống riêng của ngài. Những suy niệm sau đây sẽ đưa chúng ta vào chính trọng tâm linh đạo của thánh Gio-an và thánh Phao-lô.
Trong cuộc Đại Tĩnh Tâm ở Rô-ma, thánh Phê-rô Giu-li-a-nô đã khảo sát rất tỉ mỉ về tâm hồn ngài. Ở đây chúng ta sẽ khảo sát những vấn nạn căn bản mà ngài tự đặt ra cho mình trong khoảng thời gian suy niệm kéo dài ba tháng này. Những câu hỏi ấy có lẽ cũng chính là những câu hỏi của các bạn và có thể giúp các bạn đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa cách trọn vẹn hơn.
2- HOÁN CẢI THIÊNG LIÊNG (Conversion)[1]
Ngay từ khởi đầu cuộc Tĩnh Tâm, cha E-ma đã thực hiện cuộc khảo sát tỉ mỉ về đời sống và về tình trạng của tâm hồn ngài. Ngài khảo sát phẩm chất của công cuộc phục vụ mà ngài đã thực hiện xét là một ki-tô hữu, một tu sỹ, một kẻ tôn thờ, một bề trên, và một vị sáng lập Dòng. Ngài kiểm kê những thành công cũng như những thất bại trong nỗ lực thực hành các nhân đức ki-tô giáo, chẳng hạn như: khiêm nhường, nhã nhặn, bác ái, tinh thần phục vụ, và cầu nguyện.
Ngài nhìn vào tận gốc rễ của các lỗi lầm, nhưng ngài đã không ngừng lại ở tình trạng buồn phiền và tự trách mình. Bất kỳ lỗi lầm nào ngài khám phá được ở nơi mình cũng thúc đẩy ngài suy gẫm về các nhân đức đối lập với những lỗi lầm ấy, rồi ngài tiến đến bước thứ ba là chiêm ngưỡng những nhân đức này ở nơi Chúa Giê-su, chẳng hạn: Chúa Giê-su là gương mẫu khiêm nhường, phục vụ và hiến thân vì vinh quang Đức Chúa Cha; Người cũng là gương mẫu hiệp nhất với Thiên Chúa trong khi chu toàn sứ mệnh của Người. Cuối cùng ngài lặp lại hiến lễ bản thân cho Chúa.
Mục đích của cha E-ma là đạt tới tình trạng hiện diện thường xuyên trước Thiên Chúa, là thực hiện cuộc cách mạng thiêng liêng toàn diện và sâu xa ở nơi ngài, ngõ hầu Chúa Giê-su trở nên trung tâm của đời sống ngài. Như thánh Gio-an Tẩy Giả, ngài nói: “Người thì phải nổi bật lên, còn tôi thì phải lu mờ đi”.
Ngài kết luận:
“Phải chăng Chúa không tốt lành đủ? Không đáng mến đủ? Không cao cả đủ, để có thể chiếm trọn tâm hồn và toàn thể bản thân tôi trong lúc tôi tôn thờ Người hay sao? Nhưng hồn tôi hỡi! Thánh Thể là ngọn lửa thanh tẩy hoặc thiêu hủy, đem lại hạnh phúc, hoặc khổ hình thập giá”.
“Tại sao tôi lại không yêu mến đủ, hay không yêu mến nồng nàn đủ? Sở dĩ như vậy là vì tôi đã không biết, hoặc không muốn thực hiện việc tôn thờ đích thực trong tình yêu, tôi đã suy tư quá nhiều, mà không yêu mến đủ. Tôi đã không yêu mến Chúa, hay nói cách khác, đã không để mình yêu mến”.
3- PHÒNG TIỆC LY NỘI TÂM
Ngay cả khi suy niệm về cuộc hoán cải thiêng liêng mà Chúa Thánh Thần lôi cuốn ngài, cha E-ma vẫn cảm thấy còn cái gì khác nữa xẩy ra nơi nội tâm ngài. Vì thế ngài đã tự vấn:
“Làm thế nào tôi có thể thực hiện được cuộc hoán cải này ở trong tôi? Làm thế nào tôi có thể đem lại sức sống cho cuộc hoán cải ấy và làm cho cuộc hoán cải ấy được phát triển mạnh mẽ?”.
Rồi ngài kết luận:
“Đó là công cuộc của Chúa Thánh Thần ở trong tôi”.
Tới đây, ngài quay sang cuộc suy niệm lâu dài về chương 15 của Tin Mừng theo thánh Gio-an. Chúng ta cần lưu ý, trong suốt cuộc Đại Tĩnh Tâm ở Rô-ma, Kinh Thánh luôn là thành phần nổi bật nhất trong các suy niệm của ngài để củng cố, soi sáng và gọt dũa, hoặc đi tới kết luận. Duy chỉ có chương 15 của Tin Mừng theo thánh Gio-an và thánh vịnh 84 (Khả ái thay cung điện của Ngài) là những đoạn Kinh Thánh được ngài dùng làm khởi điểm cho những suy niệm, rồi từ đó ngài mới khai triển thêm.
Suy niệm về Tin Mừng theo thánh Gio-an đã đem lại cho ngài ơn mà ngài gọi là “ơn cao cả của cuộc tĩnh tâm”, đó là ơn giúp ngài hiểu biết rằng: “Nước Thiên Chúa ở trong nội tâm”, và đó chính là nơi mà “cuộc cách mạng thiêng liêng” diễn ra. Giờ đây Chúa Giê-su sẽ là Đấng quyết định, là Thầy và là Người Chỉ Đạo.
Ngài cảm thấy, ngài được kêu gọi để sống hiệp nhất với Chúa Giê-su trong niềm tin và tình yêu, để sống hiệp nhất trong đời sống, để chia sẻ cuộc sống với Chúa Giê-su. “Sự hiệp nhất của ta với Chúa phải là sự hiệp nhất thực sự như ngành với thân cây và rễ cây”.
Trong nhiều suy niệm, ngài khám phá ra được lý tưởng này như lời thánh Phao-lô nói: “Tôi sống, nhưng không còn là tôi, mà là chính Chúa Ki-tô sống trong tôi”; hoặc như thánh Gio-an ghi lại lời Chúa phán: “Hãy ở lại trong tình yêu Thầy”. “Lưu lại trong tình yêu của Chúa Giê-su Ki-tô là gì?”.
Cha E-ma đã quảng diễn tư tưởng này qua đoạn văn sau đây:
“Lưu lại trong tình yêu Chúa Giê-su Ki-tô là gì? Đó là đặt tình yêu Người làm trung tâm cho đời sống ta, và trung tâm này phải là Thánh Thể, nơi Chúa Giê-su hiện diện; đó là trung tâm đem lại niềm an ủi cho ta khi gặp cơn thử thách; là trung tâm cho ta khi gặp cảnh buồn sầu và thất vọng, vì chính lúc ấy tâm hồn sẽ dâng hiến trọn vẹn hơn;.. là trung tâm hạnh phúc của ta, vì khi ấy tình yêu chân thực sẽ tìm được niềm hoan lạc nơi Đấng Chí Ái chứ không phải nơi bản ngã mình; là trung tâm cho mọi khát vọng của ta, để tìm cách làm vui lòng Người… để gây ngạc nhiên cho Người bằng hiến lễ của ta”.
“Trung tâm của đời sống, điều đó có nghĩa là: Mọi tư tưởng của ta phải phát nguồn từ trung tâm tình yêu, mọi hành động của ta phải được thực hiện để làm vui lòng người khác… Đó là ý nghĩa của những lời mà Chúa Giê-su đã phán: “Ai ăn thịt Tôi thì sẽ sống nhờ Tôi”. “Sống nhờ Tôi” cũng có nghĩa là “sống bởi Tôi”, tức là nhận Người làm nguyên lý, luật pháp và nguồn cảm hứng, hoặc “sống cho Tôi” là coi Người là cùng đích để làm vui lòng Người, và yêu mến Người trên hết mọi sự” (Đại Tĩnh Tâm ở Rô-ma, ngày 4 tháng 3, 1856).
4- HIẾN LỄ BẢN VỊ
“Hồn tôi hỡi, ngươi phải ra khỏi chính ngươi!”.
Trong cuộc tìm kiếm sự hiệp nhất với Chúa Giê-su, chìa khóa giúp cha E-ma biết phải làm thế nào để đạt được đời sống hiệp nhất ấy, đó là “Hiến Lễ Bản Vị”. Đối với thánh Phê-rô Giu-li-a-nô, chìa khóa của một linh đạo chân thực hệ tại sự thay thế bản vị. Bản vị ích kỷ, tự đắc, kiêu căng, đầy tham vọng của ta, phải được thay thế bằng Bản Vị của Chúa Ki-tô, một Bản Vị hiền lành và khiêm nhường trong lòng, luôn tìm kiếm vinh quang Đức Chúa Cha, luôn sẵn sàng phụng sự Ngài và thi hành mệnh lệnh của Ngài. Hiệp Lễ trở thành phương thế mà nhờ đó Chúa Giê-su đến sống trong ta vì vinh quang Đức Chúa Cha. Đó là công cuộc nối dài của Mầu Nhiệm Nhập Thể và Mầu Nhiệm Vượt Qua. Khi ta mất bản vị của mình thì Chúa Giê-su mới có thể đến sống trong ta:
“Ôi, hồn tôi hỡi! Hãy ra khỏi thế gian này, ra khỏi chính ngươi, hãy lột bỏ bản vị ngươi đi, hãy đến với Thiên Chúa của Thánh Thể. Người có một nơi cư ngụ và Người muốn ngươi ở đó với Người. Người muốn sống với ngươi, hiến thân cho ngươi, sống trong ngươi. Phải trở nên Chúa Giê-su cũng như nhân tính của Người được trở nên Bản Tính Thần Linh nhờ Mầu Nhiệm Nhập Thể”.
“Ra khỏi chính mình” đó là câu nói mà cha thánh chúng ta không ngừng lặp đi lặp lại, và ngài coi đó như một thái độ sống, hoặc thái độ cầu nguyện. “Ra khỏi chính mình” để được ở trong Đấng mà ta yêu mến. Như vậy, hiến lễ bản vị sẽ trở nên của ăn bồi dưỡng cho cuộc sống đồng nhất với Chúa Giê-su. Chính nhờ hiến lễ bản vị này mà cha thánh E-ma đã dâng hiến trọn vẹn con người của ngài cho Đấng ngự trong ngài. Điều đó được chính ngài diễn tả khi khấn lời khấn riêng:
“Khi Đức Chúa Cha sai Ta đến trong công cuộc Nhập Thể, Ngài đã cắt đứt mọi gốc rễ việc tìm kiếm tư lợi ở nơi Ta bằng cách không cho Ta có ngôi vị nhân loại, mà liên kết Ta với Ngôi Vị Thần Linh để Ta sống cho Ngài. Như vậy, nhờ Hiệp Lễ, ngươi sẽ sống cho Ta, vì Ta sống ở trong ngươi. Ta sẽ làm cho tâm hồn ngươi tràn đầy những khát vọng và sự sống của Ta, chúng sẽ thiêu hủy mọi gốc rễ việc tìm kiếm tư lợi, đến nỗi chính Ta sẽ sống và khát vọng trong ngươi thay vì ngươi; và như vậy, ngươi sẽ mặc lấy Ta, ngươi sẽ là thân xác của Thân Xác Ta; tâm hồn ngươi, các quan năng hoạt động của tâm hồn ngươi, trái tim ngươi sẽ là bình chứa đựng sống động của của Trái Tim Ta. Ta sẽ là ngôi vị của cá nhân ngươi, và cá nhân ngươi sẽ là sự sống của Ta ở trong ngươi - “Giờ đây tôi sống, nhưng không phải là tôi, mà là Chúa Ki-tô sống trong tôi” (Đại Tĩnh Tâm ở Rô-ma).
5- HIỆP NHẤT ĐỜI SỐNG VỚI CHÚA GIÊ-SU
Sau cùng, cha E-ma đã tự đặt ra cho mình một số câu hỏi khó khăn:
“Phải chăng Chúa Giê-su là trung tâm của tâm hồn tôi? Tại sao Chúa lại không là trung tâm của tôi? Tôi cần phải làm gì để tạo được trung tâm này?”.
Đó là loại câu hỏi mà người yêu đặt ra khi không biết phải bộc lộ tâm tình của mình bằng cách nào. May mắn, nỗi lo âu của cha E-ma đã nhường chỗ cho sự đơn sơ và hài hước: “Làm thế nào để tạo được trung tâm ấy ư?”. Ngài trả lời:
“Hãy vào trong đó. Hãy lưu lại ở đó. Hãy hành động ở trong trung tâm ấy, và cho trung tâm này. Làm thế nào để tôi có thể sống hiệp nhất ư? Bằng chính sự hiệp nhất. Điều tôi cần thực hiện là phải thường xuyên suy nghĩ đến trung tâm này. Khát vọng duy nhất về trung tâm ấy, đó là tất cả bí quyết”.
“Đó là bí quyết”, điều này có nghĩa là, cha E-ma loại bỏ con đường lý luận để đi vào tâm hồn mình, và để được lôi cuốn ở nơi tâm hồn, như ngài nói:
“Nơi hiệp nhất với Chúa Giê-su là gì? Đó là ở trong tôi, đó là ở trong Chúa Ki-tô: “Hãy ở lại trong Thầy”. Tôi phải lưu lại trong Chúa và với Chúa, trong tư tưởng, cảm xúc, tình cảm của tình yêu và trong lòng sùng mộ của tình yêu… Nơi trung tâm của trái tim thuộc tình yêu thần linh, nhưng hỡi con người tôi, ngươi phải ra khỏi chính ngươi, ngươi phải sống trong tâm hồn và trong lòng nhân lành của Chúa Giê-su Thánh Thể”.
Ngài kết luận:
“Sở dĩ một ngành cây sai trái là nhờ kết hiệp với thân cây và được tràn đầy nhựa sống. Cũng vậy, sở dĩ tôi được trở nên phong phú thiêng liêng chính là nhờ kết hiệp với Chúa Giê-su Ki-tô: “Thầy là cây nho”. Nhờ sự hiệp nhất tư tưởng của tôi với tư tưởng của Người, lời nói của tôi với lời nói của Người, khát vọng của tôi với khát vọng của Người, hành động của tôi với hành động của Người… Tình trạng cằn cỗi của tâm hồn tôi là do thiếu sự hiệp nhất này, đó là ngành nho khô héo, phải cắt bỏ đi”.
Ơn hiệp nhất này chính là ơn mà chúng ta cầu chúc cho nhau và cầu xin cho nhau.
III- BẢN VĂN TƯƠNG QUAN
Ôi lạy Chúa Trời con! Tình Yêu vĩnh cửu,
Thiện Hảo duy nhất của con,
Hạnh Phúc trường sinh của con,
con xin hiến dâng Chúa trót tình yêu của trái tim con.
Tất cả những gì mà một tâm hồn sốt sáng
có thể tưởng tượng và ước muốn được,
Con xin hiến dâng lên Chúa hết thảy.
Con xin dâng hiến Chúa lễ vật ấy,
với lòng tôn kính sâu xa nhất,
với tình yêu tận đáy tâm hồn con.
Con sẽ không giữ lại cho mình bất cứ sự gì,
nhưng xin tự nguyện và với tất cả tâm hồn,
con xin hiến dâng Chúa bản thân con,
và tất cả những gì thuộc về con.
(Gương Chúa Giê-su, quyển 4, chương 17)
(Đại Tĩnh Tâm ở Rô-ma, ngày 22 tháng 3, 1865)
[1] - Conversion (Hoán Cải): Người ta thường dịch từ Conversion là trở về, tức là từ tình trạng tội lỗi trở về tình trạng ngay chính. Thực ra, từ Conversion có một ý nghĩa rộng rãi hơn, tức là từ tình trạng nguội lạnh, tầm thường trở thành sốt sáng hơn; từ tình trạng ít dấn thân đến tình trạng dấn thân hơn; từ tình trạng bất toàn đến tình trạng hoàn hảo hơn. Vì thế, ở đây chúng tôi dịch từ này là hoán cải.