17. Phòng Tiệc Ly Nơi Ban Hành Sứ Vụ

PHÒNG TIỆC LY:

NƠI BAN HÀNH SỨ VỤ

 

 

A- NGUỒN KINH THÁNH

“Khi đến ngày lễ Ngũ Tuần, mọi người đang tề tựu ở một nơi, bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp. Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một. Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Chúa Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tùy theo khả năng Thánh Thần ban cho” (Cv.2:1-4).

B- PHÒNG TIỆC LY:

1-NƠI BAN HÀNH SỨ VỤ

Đối với thánh Phê-rô Giu-li-a-nô, Phong Tiệc Ly không nguyên chỉ là nơi diễn ra Bữa Tiệc Ly, mà còn là nơi Chúa Thánh Thần hiện xuống nữa. Một lần nữa, chúng ta hãy cùng nhau đến hiện diện trong Phòng Tiệc Ly cùng với các Tông Đồ. Còn gì hợp lý hơn là trong buổi suy niệm cuối cùng về cảm nghiệm Phòng Tiệc Ly này, chúng ta cùng nhau suy niệm về biến cố Chúa Thánh Thần hiện xuống và sứ vụ của chúng ta trong Hội Thánh.

“Khi đến ngày lễ Ngũ Tuần, mọi người đang tề tựu ở một nơi, bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà nơi họ đang tụ họp. Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một. Và ai nấy đều được tràn đầy Chúa Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tùy theo khả năng Thánh Thần ban cho” (Cv.2:1-4).

2-HOẠT ĐỘNG VÀ CHIÊM NIỆM

Trọng tâm của mọi sứ vụ là tác động của Chúa Thánh Thần. Đôi khi từ ngữ “sứ mệnh” gợi ra trong óc tưởng tượng của ta một người rảo bước trên đường phố, thuyết pháp ở những nơi công cộng, trở thành nhân vật của quần chúng. Tưởng tượng này hoàn toàn khác biệt với hình ảnh được Phúc Âm thánh Gio-an diễn tả và được thánh Phê-rô Giu-li-a-nô giải thích. Sứ mệnh ở Phòng Tiệc Ly -trước tiên là: sứ mệnh hiệp nhất; -thứ đến là: sứ mệnh lắng nghe và chờ đợi; -rồi sau cùng là: sứ mệnh biểu lộ tình yêu tuân phục đối với Đức Chúa Cha, Đấng sai các sứ giả của Ngài đi.

Gương mẫu cho ta về vấn đề này là chính Chúa Giê-su. Đáp lại yêu cầu của Phi-lip-phê muốn được thấy Đức Chúa Cha, Chúa Giê-su đã giải thích về sự hiệp nhất giữa Người với Cha Người, và đã chứng tỏ rằng, những lời của Người không phải là của riêng Người, mà là do Đức Chúa Cha ban cho Người. Cũng vậy, chúng ta được mời gọi để thi hành một sứ mệnh tương tự như vậy, nghĩa là chúng ta phải để Đức Chúa Cha và Chúa Giê-su cư ngụ trong ta cách trọn vẹn, đến nỗi mọi lời nói và hành vi của ta đều do sự hiệp nhất với Đức Chúa Cha, chính Ngài thực hiện mọi công cuộc của Ngài ở trong ta, nói lời của Ngài qua chúng ta:

“Ông Phi-líp-phê nói: ‘Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện’. Đức Giê-su trả lời: ‘Thầy ở với anh em bấy lâu, thế mà anh Phi-líp-phê, anh chưa biết Thầy ư? Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha. Sao anh lại nói: ‘Xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha’?. Anh không tin rằng Thầy ở Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy sao? Các lời Thầy nói với anh em, Thầy không tự mình nói ra. Nhưng Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy, chính Người làm những việc của mình. Anh em hãy tin Thầy: Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy; bằng không thì hãy tin vì công việc Thầy làm. Thật, Thầy bảo thật anh em, ai tin vào Thầy thì người đó cũng sẽ làm được những việc Thầy làm. Người đó còn làm những việc lớn hơn nữa, bởi vì Thầy đến cùng Chúa Cha. Và bất cứ điều gì anh em nhân danh Thầy mà xin, thì Thầy sẽ làm, để Chúa Cha được tôn vinh nơi người Con. Nếu anh em nhân danh Thầy mà xin Thầy điều gì, thì chính Thầy sẽ làm điều đó” (Ga.14:8-14).

Hình ảnh về Cây Nho và ngành nho cũng diễn tả sự đồng nhất giữa chiêm niệm và hoạt động:

“Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho. Cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái, thì Người chặt đi; còn cành nào sinh hoa trái, thì Người cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn. Anh em được thanh sạch rồi nhờ lời Thầy đã nói vơi anh em. Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy. Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được. Ai không ở lại trong Thầy, thì bị quăng ra ngoài như cành nho và sẽ khô héo. Người ta nhặt lấy, quăng vào lửa cho nó đi. Nếu anh em ở lại trong Thầy và lời Thầy ở lại trong anh em, thì muốn gì, anh em cứ xin, anh em sẽ được như ý. Điều làm Chúa Cha được tôn vinh là: Anh em sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của Thầy” (Ga.15:1-8).

Ngoài ra, Chúa còn nói:

- “Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy” (Ga.6:57).

- “Anh em hãy ở lại trong tình yêu của Thầy” (Ga.15:9).

- “Cả anh em nữa, anh em cũng làm chứng, vì anh em ở với Thầy ngay từ đầu” (Ga.15:27).

3- LẮNG NGHE

Lắng nghe tiếng nói của Đức Chúa Cha là công việc phải được thực hiện suốt đời. Luật Sống của Dòng Nữ Tỳ Thánh Thể đưa ra nhiều phương thế để thực hiện điều đố:

- Ngẫm Đọc Lời Chúa (Lectio Divina) là một phương thế rất công hiệu để học cách lắng nghe Lời Chúa.

- Lời khấn tuân phục cũng dạy ta nghệ thuật lắng nghe tiếng Chúa.

Nhờ luôn để tâm chăm chú lắng nghe tiếng Chúa mà chúng ta có thể phân định được lời kêu gọi của Người qua Lời Người, qua giáo huấn của Hội Thánh, qua tiếng nói của các bề trên, qua những quyết định của cộng đoàn và những biến cố trong cuộc sống hằng ngày (Luật Sống Dòng Nữ Tỳ Thánh Thể, #22). Cũng vậy, Luật Sống của Nữ Tỳ Thánh Thể số 24 mời gọi người ta noi theo chính Chúa Giê-su, Đấng đã mô tả Người là “Kẻ được sai đi” và mời gọi người ta thực hiện như vậy trong cuộc sống riêng của mình.

Cũng trong Luật Sống của Dòng này, chương khởi đầu nói về sứ mệnh nhấn mạnh đến việc chiêm niệm Thánh Thể, trong đó chúng ta được mời gọi để sống hiệp thông với Chúa Giê-su, Đấng được Đức Chúa Cha sai đi.

Chương nói về đời sống cầu nguyện, Luật Sống này (#33) khuyên dạy ta lắng nghe Lời Chúa, để có thể đón nhận được lời Chúa phán dạy nơi tâm hồn, và phân định được hành động của Người ở xung quanh chúng ta. Chính trong sự hiệp nhất với Đức Ma-ri-a và nhờ tác động của Chúa Thánh Thần mà hoa trái vĩnh cửu sẽ được phát sinh ra ở nơi chúng ta. Như vậy, toàn thể Luật Sống của Dòng Nữ Tỳ Thánh Thể và Tin Mừng theo thánh Gio-an đều nhấn mạnh đến sự duy nhất mật thiết giữa hoạt động và chiêm niệm. Thiếu “lắng nghe lời Chúa” trước, làm sao chúng ta có thể biết được Thánh Ý Đức Chúa Cha? Làm sao ta có thể biết được Chúa muốn nói gì với thế giới qua chúng ta? Và Ngài muốn thực hiện những gì nhờ chúng ta?

Điểm đặc biệt được Tin Mừng theo thánh Gio-an là: Tin Mừng này đã đề cập đến sự lưu lại, điều đó vừa có nghĩa là nghỉ ngơi, nhưng đồng thời cũng có nghĩa là hoạt động. Chính nhờ “lưu lại trong Người”, chúng ta mới có thể phát sinh hoa trái. Chính nhờ lắng nghe tiếng nói của Đức Chúa Cha, chúng ta mới có thể nghe được và nhờ đó mới có thể đón nhận lời trao ban sứ mệnh. Nhưng chúng ta phải lắng nghe thế nào?

Thánh Phê-rô Giu-li-a-nô đã nhận ra mối tương quan mật thiết giữa chiêm niệm và hoạt động. Ngài coi đó không phải hai động tác riêng rẽ, mà chỉ là một động tác duy nhất. Cũng như lửa và ngọn lửa không phải là hai thực tại khác biệt nhau, nhưng chỉ là một. Trong cuộc Đại Tĩnh Tâm ở Rô-ma, ngài nói: ơn kêu gọi của ngài là sứ giả của Đức Ki-tô, nhưng tiên vànmột kẻ lắng nghe. Vì sứ giả phải lắng nghe Lời trước, để nhận lãnh chỉ thị của Thầy mình, nhờ đó mới có thể loan báo sứ điệp của Người cho người khác được (Đại Tĩnh Tâm ở Rô-ma, ngày 29 tháng 3).

Đối với các tu sỹ thánh thể, cầu nguyện chính là sứ mạng đặc biệt của chúng ta, một sứ mệnh đốt lửa khắp bốn phương. Đức Ma-ri-a, trung tâm của đời sống cầu nguyện ở Phòng Tiệc Ly, là mẫu gương tuyệt hảo cho chúng ta. Mẹ đã cầu nguyện cho Hội Thánh. Nhờ đồng hóa với Nữ Tỳ của Thiên Chúa mà đời sống khiêm tốn và ẩn dật ở Na-gia-rét đã trở thành mẫu mực cho đời sống cộng đoàn. Đức Ma-ri-a, kẻ tôn thờ trọn hảo, là mẫu mực cho khách lữ hành thánh thể. Điểm nổi bật nhất trong đời sống của những kẻ ở Phòng Tiệc Ly là đời sống hồi tâm, đơn sơ, cầu nguyện cho Giáo Hội, và qui hướng tất cả về Thánh Thể, Bí Tích trung tâm và tột đỉnh của đời sống ki-tô hữu.

4- ĐƯỢC CẢM HỨNG NHỜ THÁNH THỂ.

Trong chương nói về “Sứ mệnh của Hội Thánh”, Luật Sống của Dòng Nữ Tỳ Thánh Thể đề cập đến sứ mệnh cầu nguyện của nữ tỳ được thể hiện giữa dân Thiên Chúa như thế nào. Mọi hoạt động của một nữ tỳ phải phát nguồn từ Thánh Thể và phải qui hướng về Mầu Nhiệm Đức Tin này (#1). Những hoạt động này càng góp phần tích cực vào tình yêu, danh dự và vinh quang của Chúa trong Thánh Thể bao nhiêu, thì ngọn lửa phát xuất từ Thánh Thể càng mãnh liệt hơn bấy nhiêu. Mọi sự đều phải phát nguồn từ Thánh Thể và phải qui hướng về Thánh Thể. Thánh Thể, tình yêu và sự hiểu biết về Chúa Giê-su Ki-tô phải là mục tiêu duy nhất của đời sống người tu sỹ thánh thể. Đó là đặc sủng được ban tặng cho ta, để ta chia sẻ với mọi người, ngõ hầu giúp cho mọi người lớn lên trong đời sống thiêng liêng. Đời sống của tình yêu nơi Phòng Tiệc Ly được dành cho mọi người.

“Đời sống đan sỹ thịnh hành ở một thời,
đời sống ẩn sỹ thịnh hành ở một thời khác,
còn cuộc sống vĩ đại của tình yêu là ở Phòng Tiệc Ly”.

Khi thánh Phê-rô Giu-li-a-nô nhận thấy sự lãnh đạm về tôn giáo ở Pháp, ngài xác tín rằng, chỉ có Thánh Thể mới có thể biến đổi được thế giới, và mới có thể thiêu đốt được trần gian. Các tu sỹ của ngài phải là những chứng nhân cho tình yêu này của Chúa Ki-tô. “Chứng nhân và ngôn sứ của Thánh Thể”, đó là tước hiệu của chúng ta mà cha Mác Xuy-ni (McSweeney) đã sáng tác ra. Điều này liên kết Phòng Tiệc, Thánh Thể và Lễ Ngũ Tuần lại với nhau.

5- ĐƯỢC PHÁT SINH TỪ BIẾN CỐ HIỆN XUỐNG

Cũng như Chúa Thánh Thần biến đổi bánh và rượu trở nên Mình và Máu Chúa Ki-tô thế nào, thì chúng ta, nhờ Mình và Máu Chúa Ki-tô và động tác của Chúa Thánh Thần, chúng ta sẽ đi từ cuộc cử hành Thánh Thể này đến cuộc cử hành Thánh Thể khác, dần dần chúng ta sẽ khám phá ra được căn tính ki-tô hữu và sứ mệnh của mình là gì. “Bộ mặt” ki-tô hữu của ta sẽ dần dần được thành hình nhờ những cuộc cử hành Thánh Thể.

Từ nơi nội tâm, chúng ta được hướng dẫn đến nhận biết và nhận lãnh sức thúc đẩy của Chúa Thánh Thần, đến nhận biết sức thu hút và năng lực của ân sủng. “Sứ mệnh cá nhân” của mỗi người dần dần được sáng tỏ, trong khi mỗi người khám phá ra được đường lối riêng của mình để phục vụ cộng đoàn.

Các Mầu Nhiệm Phục Sinh và Hiện Xuống được đan kết lại với nhau trong cuộc cử hành Thánh Thể. Nhờ Thịt của Chúa mà chúng ta lãnh nhận được Thánh Thần, và Thánh Thể làm gia tăng ơn sủng của Chúa Thánh Thần ở trong ta. Như những lưỡi lửa, các ơn này được phân phát cho mỗi người tùy theo Chúa Thánh Thần muốn. Những ơn này sẽ trổ hoa thành lòng từ bi thương xót, công bình, an hòa, thông hiểu và phục vụ. Thánh Thể luôn là Lễ Hiện Xuống. Những bản văn sau đây được cha Ma-nu-en Bác-bi-ê-rô Dòng Thánh Thể (Manuel Barbiero, SSS), trình bày trong luận án của ngài về đời sống Thánh Thể và đời sống thánh hiến như sau:

- “Cộng đoàn tu sỹ thánh thể phát nguồn từ Lễ Hiện Xuống, đó là ngày mà những lời hứa ở Bữa Tiệc Ly được hoàn tất; ngày toàn thắng thế gian của Chúa Giê-su Ki-tô nhờ Giáo Hội được phát sinh ra với tràn đầy sức sống của Chúa Thánh Thần; một ngày mà các Tông Đồ, các môn đệ khác, và các phụ nữ, được lửa Thánh Thần thấm nhuần vào và biến đổi toàn diện.

Nơi Phòng Tiệc Ly, toàn thể Giáo Hội đều hiện diện, kiên trì trong giáo huấn của các Tông Đồ và tham dự Lễ Bẻ Bánh. Giáo Hội vĩnh viễn sống trẻ trung… Hội Dòng được kêu gọi để tái tạo cuộc sống ấy, bầu khí ấy. Các tu sỹ thánh thể được kêu gọi để trở thành những tông đồ của Phòng Tiệc Ly” (Cha Barbiero).

Trong những ghi chép các bài giảng của ngài về Lễ Hiện Xuống, cha E-ma viết:

“Hôm nay, Chúa chiếm đoạt thế gian nhờ Hội Thánh của Người… Lễ Hiện Xuống là lễ của chúng ta. Giáo Hội xuất hiện đầy sức sống. Giáo Hội xuất hiện với sức sống từ nơi tâm hồn của Chúa nhờ Chúa Thánh Thần… Hãy nhìn xem Giáo Hội được thành hình cách sung mãn và trọn hảo thế nào khi xuất hiện… Hãy nhìn xem Giáo Hội hôm nay xinh đẹp dường nào. Lửa thần linh đã thấm nhập vào và biến đổi các Tông Đồ ra sao, nhưng không riêng chỉ các Tông Đồ thôi, mà còn cả các phụ nữ thánh thiện, các môn đệ khác và toàn thể Giáo Hội đang hiện diện nữa.

Phép lạ vĩ đại nhất của Lễ Hiện Xuống là công cuộc biến đổi các Tông Đồ ở bên trong nội tâm, tước lột họ khỏi con người của họ, khỏi những cảm xúc hoàn toàn tự nhiên của họ đối với Chúa. Biến họ thành những con người mới, theo đuổi một mục đích duy nhất... yêu chuộng một thực tại duy nhất là Nước Chúa. Hãy lợi dụng mọi sự để phụng sự Chúa vì Người, hiến tế bản thân mình vì Người” (Tĩnh Tâm Tháng cho các Nữ Tỳ 1864).

6- NƯỚC CHÚA KI-TO

- Trong thơ gởi bà Tô-lanh Bô (Tholin Bost), ngày 11 tháng 2, 1852, cha E-ma viết:

“Giờ đây chúng ta phải hoạt động cấp bách để cứu các linh hồn nhờ Thánh Thể thần linh, để thức tỉnh Nước Pháp và Âu Châu đang bị tê liệt trong cơn thờ ơ hôn mê, vì họ không biết Tặng Vật vô cùng cao quí của Thiên Chúa là Chúa Giê-su, Đấng Em-ma-nu-en thánh thể. Đây là ngọn đuốc tình yêu mà chúng ta phải đem đến cho những tâm hồn nguội lạnh nhưng lại tưởng mình là sốt sáng, vì họ không đặt Chúa Giê-su trong Nhà Tạm làm trung tâm và làm lẽ sống cho cuộc đời mình. Bất kỳ lòng sùng mộ nào không cắm lều trên núi Can-va-ri-ô và ở gần Nhà Tạm thì đều không phải là lòng sùng mộ được xây dựng trên nền tảng vững chắc, và sẽ chẳng thể thực hiện được những công cuộc đáng kể cho Chúa. Cha sợ rằng, người ta đang lạc xa Thánh Thể đến nỗi Mầu Nhiệm tình yêu vô cùng tuyệt hảo này đã không được loan truyền cách nghiêm chỉnh. Đó là lý do khiến tâm hồn người ta phải đau khổ, cuộc sống đạo chỉ dựa vào cảm xúc, chỉ thiên về vật chất, chỉ gắn bó vào những yếu tố con người. Sở dĩ như vậy là vì người ta không biết làm thế nào để tìm được nguồn an ủi và sức mạnh ở nơi Chúa”.

- Ngày 22 tháng 10, 1851, ngài viết:

“Cha thường nghĩ đến phải làm thế nào để chữa trị căn bệnh thờ ơ lãnh đạm phổ cập đang ảnh hưởng đến biết bao người công giáo tới mức độ kinh hoàng. Cha thấy chỉ có một phương dược duy nhất, đó là Thánh Thể, tình yêu đối Chúa Giê-su Thánh Thể. Người ta mất đức tin trước hết là vì họ mất tình yêu; cũng như tối tăm là vì thiếu ánh sáng; lạnh cóng là vì thiếu hơi ấm. Ôi! Chúa Giê-su đã không nói: Thầy đến để mạc khải những mầu nhiệm cao siêu nhất, nhưng Người khẳng định: Thầy đến để đem lửa xuống trần gian, và Thầy khát mong cho lửa ấy cháy lên khắp nơi. Này con, hãy đốt tất cả những gì ở xung quanh mình, như vậy con sẽ đem lại niềm vui mãn nguyện cho tâm hồn của Chúa. Hãy tiếp tục trung thành với những tác động nội tâm của ơn sủng. Hãy để Chúa hướng dẫn như người mẹ hướng dẫn đứa con thơ, và đừng khát vọng bất cứ gì khác, ngoại trừ Thánh Ý Chúa. Nên nhớ, điều thiết yếu là: bước theo dấu chân của Chúa, Người luôn đi trước con. Vì thế, con chỉ cần đặt chân con lên những dấu chân thần linh của Người mà thôi”.

7- PHONG TIỆC LY NỘI TÂM

Để kết luận, tôi xin khẳng định: lời mời gọi ta đến Phòng Tiệc Ly chỉ thực sự được đáp lại khi chúng ta để tâm hồn mình được biến đổi và trở thành Phòng Tiệc Ly nội tâm; và như cha thánh Phê-rô Giu-li-a-nô nói: ở nơi Phòng Tiệc Ly đó, Chúa Giê-su được tiếp rước, được chiêm ngưỡng, được phụng sự và được vinh quang. Chúa Giê-su sẽ chiếm ngự tâm hồn đến với Người: “Nước Thiên Chúa ở trong anh em”.

“Như Ma-ri-a, bạn ngồi lắng nghe dưới chân Chúa Giê-su,
Ở đó, Mát-ta và Ma-ri-a hòa nhịp cùng một mục đích,
Ở đó, cầu nguyện là cuộc sống, và cuộc sống là cầu nguyện,
Trong khi học biết ý nghĩa “ở với”, đón tiếp lời, và tha nhân là gì,
Ở đó, đời sống trở thành lời nguyện cầu,
Ở đó, bạn sẽ trở thành của ăn cho người khác,
Ở đó, người ta học được tinh thần phục vụ là rửa chân cho người khác,
Và người ấy luôn luôn là Chúa Ki-tô.
Bạn là Phòng Tiệc Ly, đó là phòng đầy lửa và thánh hiến.
Bạn là chính căn phòng ấy, căn phòng đón nhận tha nhân,
Nơi đây, chính Chúa là người tiếp tân, đồng thời cũng là người được đón tiếp.
Bạn là căn phòng nơi diễn ra cuộc biến đổi,
Nơi đây không có gì là phàm tục,
Nơi đây mọi sự đều thuộc về Chúa Ki-tô và Thiên Chúa.
Bạn chính là nơi đó, nơi chỉ toàn là tình yêu,
Nơi mà lời thưa “xin vâng” được vang vọng lên hằng ngày và trong mọi sự,
Ước chi bạn hiểu được hoa trái phong phú của lời thưa “xin vâng” của bạn”.

Sau cùng, Phòng Tiệc Ly chính là tâm hồn con người. Đó chính là ngài tòa mà chúng ta hiến dâng cho Chúa. Thiếu ngai tòa ấy, chúng ta sẽ chẳng thể trổ sinh hoa trái được. Tâm hồn ta chính là Phòng Tiệc Ly, nơi Chúa Giê-su mặc lấy thân xác ở trong ta và đổ tràn đầy Thần Trí Người vào trong ta.

C- LỜI KHẤN

Lạy Chúa,
theo chương trình đầy yêu thương của Chúa,
Chúa đã kêu gọi con,
để sống nhờ Thánh Thể và cho Thánh Thể.
Được thúc đẩy bởi khát vọng làm vinh danh Chúa
nhờ lễ hiến thân trọn vẹn của con,
Con (tên) ……………………………………………. xin cam kết
sống các lời khuyên Phúc Âm
là khiết tịnh, khó nghèo và tuân phục trong cộng đoàn,
theo Luật Sống của các Nữ Tỳ Thánh Thể.
Lạy Chúa,
Cậy tin vào sự trung thành chung thủy của Chúa,
con xin dâng hiến bản thân con cho Chúa.
Xin thánh hiến con nhờ Thánh Thần của Chúa,
để đời sống con trở thành cuộc chiêm niệm liên tục
về tình yêu Chúa, trong khi chúc tụng và tôn thờ,
và trở thành chứng nhân cho Sự Sống được phát sinh từ Mầu Nhiệm Vượt Qua của Chúa.

D- NHỮNG BẢN VĂN CỦA CHA E-MA

- “Tôi phải hiểu rằng, hành vi khiêm tốn đem lại vinh quang lớn lao cho Thiên Chúa hơn là thành công mà tôi đem lại cho Hội Dòng, hoặc ngay cả chiếm hữu được Nhà Tiệc Ly, vì chính Phòng Tiệc Ly ở trong tôi và vinh quang Thiên Chúa ở trong tôi, đó mới là điều Thiên Chúa ưa chuộng hơn tất cả mọi danh dự và vinh quang mà tôi có thể đem lại cho Người nếu không dâng hiến bản ngã sâu xa của tôi cho Người, mà chỉ có những việc bề ngoài…

Nhưng làm thế nào tôi có thể thực hiện được cuộc cách mạng này? Bằng hai cách: Trước hết là sống sự sống của Chúa Giê-su Ki-tô ở trong tôi, tác tạo Người ở trong tôi, để Người sinh ra và lớn lên ở trong tôi… Đó chính là sứ mạng của Chúa Thánh Thần”.

- “Cha sẽ sung sướng biết bao nếu được thấy ít nhất một Phòng Tiệc Ly được thiết lập trước khi nhắm mắt lìa đời. Đó là danh xưng để gọi các cộng đoàn tôn thờ Chúa.

Khi thánh Gio-an dựa đầu vào ngực Chúa, ngài đã rút ra được tình yêu của Chúa và sứ mệnh mà Thiên Chúa ủy thác cho Người. Cha cũng rất cần, không phải được diễm phúc như vậy, nhưng ít nhất được ở dưới chân Chúa Giê-su. Đã gần 20 năm nay, cha sống cuộc sống hoạt động (cuộc sống của một tu sỹ Dòng Đức Mẹ). Giờ đây, cha cần đến Phòng Tiệc Ly” (Thơ gởi Mẹ Marguerite Guillot, ngày 25 tháng 1, 1855).

- “Tôi rất thích hình ảnh mà bà nói với tôi về ngọn đèn chầu, đặc biệt là bà muốn trở thành ngọn đèn chầu quạnh hiu ấy, ngọn đèn cháy và tự thiêu hủy đi để phụng sự Chúa Giê-su. Nếu làm được như vậy, bà sẽ có một đời sống giống Ma-ri-a Ma-đa-lê-na, như Đức Trinh Nữ tại Phòng Tiệc Ly” (Thơ gởi bà Franchet, ngày 21 tháng 5, 1855).

- “Chúng ta không hề bỏ Đức Ma-ri-a khi đến với Chúa Giê-su. Chính vị Nữ Vương thần linh của Phòng Tiệc Ly đã dẫn dắt và chỉ đường cho ta tới đó. Chính dưới tước hiệu cao đẹp: Đức Mẹ của Phòng Tiệc Ly, mà chúng ta tôn kính người. Chúng ta giống như những đứa con thơ dại quì bên Mẹ hiền trước Thánh Thể” (Thơ gởi bà Franchet, ngày 24 tháng 5, 1856).

 

Hiệu chính và đánh máy xong

Khiết Tâm, ngày 1, tháng 1, 2007

Dominic Thuần, SSS


 


 

© 2016 Dongthanhthe.net. All rights reserved.