13. Những Gợi Ý Cầu Nguyện

NHỮNG GỢI Ý CẦU NGUYỆN

 

“Hãy ở lại trong Thầy, hãy ở lại trong tình yêu của Thầy, cũng như Thầy ở lại trong tình yêu của Cha Thầy”.

1- HỒI TÂM - HÒA HỢP NỘI TÂM

Hòa hợp nội tâm, tức chuyển động của con người hướng tới toàn vẹn và đồng nhất, đó là cùng đích của mọi tôn giáo. Đó cũng là giáo lý ki-tô giáo trong mọi truyền thống thiêng liêng. Hồi tâm mà chúng ta đề cập tới ở đây là:

- “Sống trước sự hiện diện của Thiên Chúa”.

- “Ý thức về sự hiện diện của Người” nơi đáy thâm sâu của con người ta.

- Sống nhơ Người và cho Người.

Đó là những yếu tố chuẩn bị căn bản cho việc cầu nguyện sâu xa, và đó cũng là những yêu tố làm phát sinh ra loại cầu nguyện này. Do đó, đời sống kết hiệp với Chúa sẽ nuôi dưỡng đời sống cầu nguyện, và ngược lại, cầu nguyện hồi tâm sẽ nuôi dưỡng đời sống kết hiệp với Chúa.

2- CHIA TRÍ KHI CẦU NGUYỆN

Chia trí trong khi cầu nguyện là một đề tài hấp dẫn, một vấn đề luôn được những ai tìm kiếm mối tương quan mật thiết với Chúa nêu lên. Những chia trí trong khi cầu nguyện khiến người ta cảm thấy mình có lỗi, cho dù cảm nghĩ ấy hợp lý hay không. Những chia trí trong khi cầu nguyện cũng là nguyên nhân khiến nhiều người nản chí, rồi đi tới tình trạng tồi tệ, hoặc bỏ cầu nguyện.

Đó là điều thật đáng tiếc! Vì người ta không hiểu rằng, những chia trí có thể giúp ta phát triển đời sống cầu nguyện, đó là tấm gương để ta nhìn vào và thấy được những băn khoăn, lo lắng, sợ hãi, hiểu lầm, hi vọng, khát mong, tham vọng… Nói tóm lại, đó là tấm gương phản ảnh tất cả những yếu tố cấu tạo nên đời sống của ta. Đó chính là đời sống thường nhật của ta, là chính đời sống mà Thiên Chúa muốn xâm nhập vào, muốn chúc phúc, biến đổi, thanh tẩy và thánh hóa. Người chỉ chờ đợi ta dâng hiến cho Người cuộc sống ấy, cuộc sống hoàn toàn như vậy.

Kể cả đôi khi những chia trí này pha lẫn những yếu đuối và ngay cả tội lỗi của ta nữa. Không nên kiềm chế chúng và gạt bỏ chúng đi, không nên coi chúng như không có. Chia trí lo ra trong khi cầu nguyện, đó là những thử thách, nhưng ngay cả trong tình trạng thử thách này, thì chính những thử thách ấy cũng có thể trở thành đề tài để đàm đạo với Chúa. Cầu nguyện là đàm đạo với Chúa, đó là cuộc đàm đạo giữa Thiên Chúa thực và con người thực của ta.

Một số chia trí chúng ta cần phải bỏ đi, cần phải dâng lên Thiên Chúa, trong khi hướng tâm hồn lên với Người. Chúng sẽ biến đi như đám mây trên bầu trời xanh đẹp được luồng gió thổi đi. Điều quan trọng là phải luôn để tâm hồn gắn bó với điều cốt yếu, tức là với Đấng mà chúng ta yêu mến và tôn thờ.

Những chia trí có thể là phương thế hữu hiệu giúp cho bất cứ cuộc xét mình nào khác để tìm ra lời giải đáp cho câu hỏi: “Tâm hồn tôi ở đâu?”. Chúng trở thành phương thế để phát triển đời sống thiêng liêng khi chúng ta sử dụng chúng để định hướng lại khát vọng của ta hướng về Thiên Chúa, để tái lập bình an và sự hòa hợp ở những khía cạnh bất ổn của cuộc sống ta.

3- NHỮNG PHƯƠNG THẾ ĐIỀU CHỈNH ÓC TƯỞNG TƯỢNG

Như vậy, vấn đề quan trọng là tìm phương thế để điều chỉnh lại óc tưởng tượng của ta trong khi cầu nguyện. Chúng ta sẽ xin thánh Phê-rô Giu-li-a-nô làm người chỉ đạo cho ta trong lãnh vực này. Và sau đây là tóm lược giáo huấn của ngài về vấn đề trên, cùng với những dẫn chứng được trích từ một số thuyết trình của ngài về đề tài này.

Trong một thuyết trình vào ngày 11 tháng 6, 1861, cha thánh của chúng ta đã đưa ra bốn nguyên tắc liên quan đến đề tài trên:

1)- Nguyên tắc thứ nhất:

Đừng bao giờ lý luận với óc tưởng tượng, vì như vậy chỉ mất thì giờ vô ích mà thôi. Thánh nữ Tê-rê-xa A-vi-la nói: Óc tưởng tượng giống như tên khùng ở trong nhà. Và thánh Phê-rô Giu-li-a-nô nói: Phải lờ nó đi, đừng để ý đến nó, nó giống như đứa con nít, chỉ khi nào người ta lờ đi, nó mới thôi khóc.

2)- Nguyên tắc thứ hai:

Khi óc tưởng tượng thêu dệt thêm vào đề tài đã được ấn định, hãy gắn bó với vấn đề đã được ấn định bằng cách chuyển từ tư tưởng sang cảm xúc. Chỉ có trái tim mới thắng nổi óc tưởng tượng. Tâm hồn sẽ trở thành người chỉ đạo và là sức mạnh để hướng cầu nguyện của ta tới sự hiệp nhất của lý trí.

3)- Nguyên tắc thứ ba:

Hãy để cho óc tưởng tượng có việc làm, nghĩa là hãy dùng óc tưởng tưởng để chiêm ngưỡng những cảnh tượng trong Phúc Âm, hãy tưởng tượng chúng ta đang hiện diện ở những cảnh tượng ấy, làm sống lại biến cố và những cảm xúc. Thánh Phê-rô Giu-li-a-nô cho biết, ngài ưa thích chiêm ngưỡng những cảnh tượng như: Chúa Giê-su với thánh Tô-ma, với Ma-ri-a Ma-đa-lê-na, với thánh Gio-an.

Cha thánh E-ma cũng dạy rằng, nếu ta bó buộc óc tưởng tượng phải cầu nguyện theo cách thức này, thì kết quả sẽ là sự bình thản, và chúng ta sẽ đạt được sự hòa hợp tuyệt vời giữa các quan năng của con người, vì tâm hồn, ý chí và trí khôn sẽ tham dự vào đó cách dễ dàng.

Sau đây là cảm nghiệm cá nhân mà thánh Phê-rô Giu-li-a-nô đã mô tả trong một bài thuyết trình cho các Nữ Tỳ Thánh Thể về vấn đề này:

“Các con sẽ nói: Điều đó xẩy ra như thế nào? Cha muốn nói với các con là: các con hãy tự tìm cho mình cách thức riêng của mỗi người. Nhưng cha muốn chia sẻ với các con về cách thức riêng mà cha đã tìm được. Khi chúng ta bị kích thích để chia trí, và điều đó thường xẩy ra khi chúng ta có quá nhiều việc phải làm, và khi phải làm việc với quá nhiều người thì chúng ta sẽ mất hết mọi sự. Nếu muốn hồi tâm, chúng ta phải cần đến óc tưởng tượng, vì chúng ta đã quá mệt mỏi.

“Khi đến trước sự hiện diện của Chúa, cha khởi đầu bằng các giác quan, cha tưởng tượng nhìn thấy Chúa như thánh Tô-ma đã thấy Người, hay như Ma-đa-lê-na đã thấy Người, đặc biệt là Ma-đa-lê-na vì bà là một kẻ tôn thờ trọn hảo. Cha thích hình ảnh bà hơn các vị thánh khác. Cha tưởng tượng như thấy bà quì thờ lạy Chúa. Bà đã thấy được mọi sự nơi nhân tính của Người. Bà hôn kính chân Người, thờ lạy Người và lấy tóc mà lau chân Người”.

“Cha bắt chước Ma-đa-lê-na. Bà tôn thờ bằng cặp mắt. Chúng ta có thể nhận thấy những Dấu Đinh nơi tay chân Chúa, và vì Chúa đã phục sinh nên những Dấu Đinh ấy tỏa ánh sáng rực rỡ. Cha giới hạn tưởng tượng lại ở đây”.

“Cha lấy thánh Ma-đa-lê-na, hay thánh Tô-ma làm mẫu mực cho cha, hay một vị thánh nào khác đã từng hành động như vậy, nhưng đặc biệt là thánh Ma-đa-lê-na. Bà là vị thánh riêng của cha. Sau khi sống lại, những phụ nữ thánh thiện đã hôn kính chân Chúa Giê-su, và Ma-đa-lê-na cũng làm như vậy. Mắt các con phải chú mục vào các Thương Tích do đinh sắt đóng thâu qua. Chúng ta phải cầm lấy đầu đinh mà nhổ ra, hãy nhận lấy máu Người; hãy đi vào tâm hồn Người, rồi từ tâm hồn Người, hãy đi vào Thần Tính Người và đi vào trong Chúa như một Bản Vị, điều đó sẽ làm cho tưởng tượng luôn bận rộn. Chúng ta đi vào tâm hồn Chúa và sau khi cảm xúc đã được toại nguyện thì chúng ta đi vào chính Chúa. Rồi tưởng tượng sẽ thiếp ngủ đi. Từ đó, chúng ta có thể đi tới tay Người. Đó là điều cha đã thực hiện. Dưới chân Chúa, chúng ta thờ lạy nhân tính Người. Với tay Chúa, chúng ta tôn kính lòng nhân hậu đại lượng của Người. Chúng ta phải thờ lạy, hôn kính những Thương Tích nơi tay Người, từ những Thương Tích này đã tuôn trào lòng nhân từ và tình yêu. Chúng ta phải cầm lấy tay Người đặt lên đầu ta, và xin Người chúc lành cho ta, đặt tay Người lên trái tim ta và thưa với Người: “Lạy Chúa, con yêu mến Chúa…”. Từ đó chúng ta đi tới mạo gai… với Đức Trinh Nữ Ma-ri-a, chúng ta ton kính và thờ lạy Thân Xác Chúa”.

“Các con thân mến, các con có hiểu được điều đó không? Nếu các con không hiểu được điều đó thì thật đáng tiếc. Nhưng cũng không sao. Nếu các con nói: “Tôi muốn cầu nguyện như cha E-ma”, Chúa bảo các con: “Ngươi đâu phải là cha E-ma”. Đúng vậy, nếu cha muốn cầu nguyện như các con, Chúa sẽ bảo cha: “Ngươi đâu phải là các chị đó”. Mỗi người có một cách thức cầu nguyện riêng, kinh nghiệm của người khác chỉ giúp ta phần nào thôi”.

Mô tả hấp dẫn trên đây làm sáng tỏ nguyên tắc: “Từ giác quan, ta có thể đi vào Thần Tính của Chúa, và tưởng tượng có thể được sử dụng làm cửa ngõ dẫn vào sự hiệp nhất vô hình với Chúa”.

4)- Nguyên tắc thứ bốn:

Sự hồi tâm lý tưởng nhất là sự hồi tâm do chính Chúa ban khi Người lôi kéo ta đến với Người, nhờ ơn nội tâm được phát sinh từ lòng nhân hậu thần linh của Người. Điều duy nhất phải làm là khi Chúa dẫn ta vào tình trạng ấy, phải để cho giác quan và óc tưởng tượng thiếp ngủ đi. Để được như vậy, chúng ta phải tránh đừng cung cấp bất cứ hình ảnh nào cho giác quan. Hãy giữ bình an và đơn sơ trước sự hiện diện của Thiên Chúa và chú mục vào Người.

4- TRỞ NGẠI

Về trở ngại cản trở ta hưởng thụ Chúa trong Thánh Thể, cha E-ma đưa ra ba lý do chính:

1)- Lý do thứ nhất là thiếu đức tin năng động (dynamic). Những người tìm kiếm cảm xúc trong việc cầu nguyện, tức là muốn dùng giác quan để chiêm ngưỡng Thiên Chúa, như vậy là họ giới hạn việc chiêm ngưỡng này. Họ muốn nghe, muốn thấy, muốn đụng chạm tới, muốn được cảm xúc. Nhưng Thánh Thể là Mầu Nhiệm Đức Tin. Nhờ đức tin mà Thánh Thể được biểu lộ ra, nên phải nhờ đức tin người ta mới có thể thấu hiểu được kho tàng của Thánh Thể.

2)- Lý do thứ hai là lòng đạo đức bề ngoài. Lòng đạo đức bề ngoài làm cho tâm hồn tiếp tục ở trong tình trạng nô lệ như một người khách xa lạ, hay như một người tôi tớ. Thiếu tình trạng mật thiết của tình yêu, người ta sẽ giới hạn việc cầu nguyện vào khẩu nguyện, vào những kinh đã được soạn sẵn. Họ không có mối tương quan mật thiết cá nhân nào với Chúa. Họ thiếu hẳn sự bộc phát chân thành.

3)- Lý do thứ ba là tình yêu chưa tinh tuyền đủ, chưa siêu thoát đủ, chưa thấm nhuần Chúa đủ. Chúng ta dừng lại ở dọc đường. Tình yêu của ta lệ thuộc vào qui luật, nhiệm vụ và ý chí. Tình yêu ấy chưa được tận hiến hoàn toàn, chưa trở thành hiến lễ bản thân thực, chưa là thứ tình yêu quên mình hoàn toàn để đi vào chính tâm hồn của Chúa hầu có thể ngắm nhìn Người, tán dương Người, chúc tụng Người, và sống nhờ Người.

Hãy khởi sự dâng hiến bản thân ta cho Chúa, cho vinh quang của Người, cho tình yêu Người, để đền bồi phạt tạ những xúc phạm đến Người, rồi sau khi dâng hiến bản thân, ta hãy dâng lời cảm tạ tri ân lên Chúa.

5- KHỞI SỰ CẦU NGUYỆN CÁCH SỐT SÁNG

Phải khởi sự cầu nguyện cách sốt sáng, nếu muốn kết thúc cầu nguyện bằng những công hiệu tốt đẹp. Chúng ta thường nói “vạn sự khởi đầu nan”, khó khăn trong việc nguyện gẫm và tôn thờ là ở bước khởi đầu. Nếu khởi đầu sốt sáng, thì phần còn lại cũng sẽ tiếp theo như vậy. Nếu khởi đầu là bước quan trọng như thế thì ta phải khởi đầu thế nào? Phải nhờ Chúa, đó không phải do nơi ta, nhưng là nhờ lời chúc tụng lòng nhân lành của Chúa.

Tuy nhiên, như chúng ta biết, trong những tình trạng đặc biệt, chủ đề và phương pháp thường cũng rất cần thiết: Những niềm vui, những khó khăn, những thử thách, các mầu nhiệm của năm phụng vụ, tất cả đều là những cửa ngõ dẫn ta vào cầu nguyện.

Những lúc thông thường, ta cần sự hồi tâm hoạt động, tức: tôn thờ bằng một động tác đức tin, dâng hiến tâm hồn, trí khôn, cuộc sống, tình yêu, lắng nghe, suy tưởng về Chúa và cảm tạ Người.

Khi đã đạt tới tình trạng hồi tâm như vậy rồi, và sau khi đã đạt được cảm nghiệm về sự hiện diện của Chúa rồi, thì hãy yên nghỉ trong đó bao lâu Chúa cho phép như vậy. Đó là “sự ở lại” được thánh Gio-an đề cập tới: “Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sẽ sinh nhiều hoa trái”.

Khi chúng ta đã hoàn toàn ở dưới ảnh hưởng của tình yêu là ngọn lửa thần linh, thì cả tâm hồn lẫn thể xác ta sẽ cảm nghiệm được hiệu quả của tình trạng này, ta sẽ cảm thấy dường như mặt trời đang chiếu tỏa ánh nắng trên ta. Thánh Thể là ngọn lửa, lẽ nào ngọn lửa lại không cháy sao? Chúng ta hãy hiệp nhất với Ngọn Lửa Giê-su.

6- ĐỜI SỐNG CẦU NGUYỆN

Tình trạng tĩnh mạc nội tâm mà chúng ta tìm được trong cầu nguyện phải được duy trì trong mọi hoạt động của cả ngày. Phải để tâm hồn và tư tưởng luôn hướng về Chúa trong mọi biến cố của cả ngày, để đón nhận ơn sủng, tặng vật và Lời Người… Nếu thành công trong việc duy trì tình trạng cởi mở trước Thiên Chúa, thì toàn thể cuộc sống của ta sẽ trở thành một cảm nghiệm về Ngài.

Lắng nghe Lời Chúa, đặc biệt là trong việc Đọc Gẫm Lời Chúa (Lectio Divina), sẽ giúp ta cởi mở tâm hồn. Tình trạng cởi mở tâm hồn sẽ làm ta luôn thức tỉnh trước sự hiện diện của Chúa, khiến cho sự hiện diện của Chúa mỗi ngày một trở nên thường xuyên hơn và hướng ta tới sự hiệp nhất mật thiết.

Kinh Thánh mời gọi ta bước đi trước sự hiện diện của Chúa, lưu lại trong Người và sống trong tình yêu Người. Đó là cách thế cầu nguyện biến đổi đời sống, và đời sống gợi hứng cho cầu nguyện.

Chính loại đời sống này, loại đời sống nội tâm này mà cha thánh Phê-rô Giu-li-a-nô đã đề cập tới nhiều hơn hết. Chính tình trạng kết hiệp thường xuyên với Chúa Giê-su là tình trạng mà chúng ta được mời gọi để đạt tới.

Ngày 9 tháng 10, 1859, cha thánh nói với các chị Nữ Tỳ Thánh Thể:

“Các con được Chúa trao cho sứ mệnh sống nhờ Người và cho Người. Các con cần phải hồi tâm. Đó là khoa học đầu tiên của các con. Các con phải học biết khoa học ấy. Đó là một ân sủng, nhưng đó cũng là một nhân đức nữa. Đừng quên là các con phải đạt cho bằng được khoa học này. Cha sẽ chỉ dạy cho các con khoa học ấy, nhưng các con cũng phải tự học lấy nhờ sự trợ giúp của ân sủng”.

“Hồi tâm là đi từ ngoại giới vào nội tâm, là hiến thân cho Chúa ngự trong ta như Người ngự trong nhà tạm, ở đó Người phải được tâm hồn, trí khôn, ý chí và mọi quan năng của ta tôn thờ; ở đó ta phải tiếp tục hành động của Chúa Giê-su, tức là hành động hiến thân mình trên bàn thờ cho Đức Chúa Cha”.

“Điều đó đòi hỏi các con phải hết sức chú tâm, sử dụng thiện chí của mình. Các con phải khởi đầu bằng ý thức về sự hiện diện của Chúa Giê-su ở trong các con như Vị Lang Quân ở nơi tâm hồn các con. Các con phải bám chặt lấy Người bằng đức tin, chứ đừng bám lấy Người bằng cảm quan. Trong một cuộc tĩnh tâm, chúng ta có thể đạt được thói quen này và tiếp tục thói quen ấy trong đời sống. Hãy tôn kính Chúa ở trong các con như Vị Khách thủy chung. Người ở trong các con. Các con hãy ở lại trong Người”.

7- CÁC BẢN VĂN LIÊN QUAN ĐẾN CẦU NGUYỆN

a- ĐƯỢC THÁNH THẦN THÚC ĐẨY.

- “Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em” (Ga.14:26).

- “Người sẽ tôn vinh Thầy, vì Người sẽ lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em. Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy. Vì thế, Thầy đã nói: Người lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em” (Ga.16:14-15).

- “Tinh thần tôn thờ là tinh thần của tình yêu. Tinh thần đó là gì? Tinh thần ấy không thể định nghĩa được, vì làm sao có thể định nghĩa được tình yêu. Tình yêu cũng như lửa, khi đụng tới là bị bỏng. Chúa Giê-su đã đem lửa từ trời xuống thiêu đốt trần gian. Tinh thần này là gì? Đó chính là Chúa Thánh Thần, và Chúa Thánh Thần không là gì khác, mà là chính Thần Trí của Chúa Giê-su. Ngài tỏ mình ra khi Ngài muốn trong lúc ta hồi tâm. Ngài đến và đổ tràn đầy lửa tình yêu của Ngài vào trong ta” (Thuyết trình cho các Nữ Tỳ Thánh Thể. Tĩnh Tâm thường niên, ngày 30 tháng 7,1860).

- “Tâm hồn cần phải trầm tĩnh và để Chúa hoạt động. Dưới chân Người, ta cần lắng nghe hơn là dâng hiến. Các con quì ở đó như những kẻ tôn thờ, các con trầm tĩnh để có thể đón nhận những tác động và ân sủng của Thánh Thần. Các con ở đó với đời sống nội tâm hoàn toàn để đến với Chúa” (Thuyết trình cho các Nữ Tỳ Thánh Thể ngày 24 tháng 8, 1865).

b- ĐƯỢC PHƠI BÀY DƯỚI ÁNH MẶT TRỜI

- “A! Hãy tin vào bầu khí ân sủng trong sự hiện diện của Thánh Thể và những nơi có bầu khí ấy. Ngay cả khi chúng ta đến mà không xin Người điều gì, ta cũng được tác động và biến đổi. Bầu khí! Tôi tin vào sự hiện diện và bầu khí ở gần Chúa Giê-su” (Ghi Chép của cha Tesnière: Eymard, ngày 21 tháng 3, 1867).

- “Chúng ta thực may mắn biết bao! Mình Thánh Chúa Ki-tô luôn ở với ta, ngai tòa tình yêu luôn có thể thấy được và Vua vinh hiển luôn ở giữa chúng ta. Ôi, sao người ta lại không chạy đến với Người, đến với tình yêu Người để được thuộc về gia đình Người? Tại sao người ta không đến với bụi gai đang bốc cháy, núi Xi-on tình yêu này, núi Ta-bo vĩnh cửu này?” (Đại Tĩnh Tâm Rô-ma, ngày 28 tháng 3, 1865, Suy Niệm 2).

Trong Nhật Ký, Mẹ Mác-gơ-rít thuật lại rằng, một ngày kia vào khoảng tháng 6, 1862, trong một cuộc đàm đạo riêng, Mẹ hỏi cha E-ma nhiều câu hỏi, trong số đó có câu hỏi sau đây:

“Thưa cha, cha đã thực hiện giờ chầu như thế nào?

Cha thánh đáp:

“Con thân mến, cha cố gắng chú tâm để bỏ lại ở ngoài cửa mọi lo âu, để chỉ nghĩ đến việc tôn thờ Chúa sắp tới, chuẩn bị cho việc đó bằng hồi tâm, rồi hiến dâng tâm hồn cho Thầy nhân lành, để phơi bày tâm hồn dưới ánh Mặt Trời Tình Yêu để được sưởi ấm, rồi thinh lặng ở dưới chân Người. Nếu Người không nâng ta lên cao hơn, đó là vì Người đã nâng ta lên đủ rồi. Nếu chia trí, chúng ta phải gạt bỏ đi. Phải liên tục loại bỏ những tư tưởng nghịch với việc tôn thờ quả là điều nhàm chán, nhưng đó lại là điều làm cho Chúa vui lòng hơn cả. Có những lúc tâm hồn được bình an và hạnh phúc. Tâm hồn cảm thấy tràn ngập tình yêu, và thời gian qua đi thật mau. Ôi, chúng ta hạnh phúc biết bao! Chắc chắn giây phút đó có thể gọi được là giờ ở trên thiên đàng” (Nhật Ký, Tập 2, tr.91).


 


 

© 2016 Dongthanhthe.net. All rights reserved.