Giới Thiệu Huấn Thị

HUẤN THỊ

REDEMPTIONIS SACRAMENTUM

về một số điều phải tuân thủ hay phải xa lánh

liên quan đến Phép Thánh Thể Chí Thánh

25/3/2004

 

BỘ PHỤNG TỰ VÀ KỶ LUẬT BÍ TÍCH

GIỚI THIỆU

HUẤN THỊ

REDEMPTIONIS SACRAMENTUM

về một số điều phải tuân thủ hay phải xa lánh

liên quan đến Phép Thánh Thể Chí Thánh

(Bản dịch Việt Ngữ của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam)

 

1. Nguồn gốc của Huấn Thị này

Trước hết, nên nhắc lại nguồn gốc của Huấn Thị này. Thứ Năm Tuần Thánh, ngày 17/4/2003, trong Thánh Lễ trọng thể Tiệc Ly tại Vương cung thánh đường thánh Phêrô, Đức thánh cha đã ký và ban cho Giáo Hội thông điệp thứ 14 của Ngài “Ecclesia de Eucharistia”.

Trong tài liệu này, ngoài những việc khác, Đức Gioan-Phaolô II tuyên bố rằng Phép Thánh Thể “nằm ở trung tâm đời sống Giáo Hội” (s. 3), “là một mối dây nối kết trời và đất. Nó bao bọc và thấm nhập toàn thể thụ tạo” (s. 8). Nó “là những gì quí giá nhất mà Giáo Hội có thể có được trong cuộc lữ hành theo dòng thời gian” (s. 9).

Đồng thời, Ngài cũng lưu ý rằng, từ Công Đồng Vatican II, có nhiều yếu tố tích cực và tiêu cực đã phát triển trong việc cử hành phụng tự (s. 10) và có những sự lạm dụng đã là nguồn gốc làm đau khổ nhiều người. Vậy, Ngài coi như có nhiệm vụ “phải lên tiếng một cách cương quyết, để trong Cử Hành Thánh Thể, những quy luật phụng vụ phải được tuân giữ một cách trung thành” (s. 52). Ngài thêm : “Thật vậy, để tăng cường ý thức sâu xa ấy về luật phụng vụ, tôi đã yêu cầu những cơ quan chuyên trách trung ương Tòa Thánh soạn thảo một văn kiện chuyên môn hơn với những nhắc nhở về luật, trong vấn đề có tầm quan trọng lớn lao này. Không ai được phép đánh giá thấp Mầu Nhiệm được trao trong tay chúng ta : nó cao cả đến nỗi không ai có thể đối xử với nó theo ý mình, không tôn trọng tính cách linh thánh và chiều kích phổ quát của nó” (s. 52).

Vậy, đó là nguồn gốc của Huấn Thị này mà Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích bây giờ dâng cho Giáo Hội Lạinh, cùng với sự cộng tác chặt chẽ với Bộ Giáo Lý Đức Tin.

2. Những lý do tồn tại của các quy tắc phụng vụ

Người ta có thể đặt cho mình câu hỏi về những lý do tồn tại của các quy tắc phụng vụ. Khả năng sáng tạo, tính tự phát, sự tự do của con cái Thiên Chúa, một lương tri bình thường không đủ sao ? Tại sao việc phụng thờ Thiên Chúa lại phải được các chữ đỏ và các quy tắc chi phối ? Chỉ dạy cho dân chúng biết cái vẻ đẹp và bản chất cao quý của phụng vụ không đủ sao ?

Các quy tắc phụng vụ là cần thiết vì “việc phụng tự công cộng vẹn toàn được thực thi nhờ Nhiệm Thể Đức Giêsu-Kitô, nghĩa là Đầu cùng các chi thể Người. Do đó, vì là công việc của Đức Kitô tư tế và Thân Thể Người là Giáo Hội, nên mọi cử hành phụng vụ đều là hành vi chí thánh, và không một hành vi nào của Giáo Hội có hiệu lực bằng, xét cả về danh hiệu lẫn đẳng cấp” (Sacro-sanctum Concilium s. 7). Việc cử hành Thánh Thể là tột đỉnh của phụng vụ. Không ai nên ngạc nhiên nếu, trong dòng thời gian, Mẹ Giáo Hội đã khai triển nhiều từ, nhiều hành động, và như vậy nhiều chỉ thị cho hành động phụng thờ tối cao này. Những quy tắc thánh thể được nghĩ ra để diễn đạt và bảo vệ mầu nhiệm Thánh Thể, và, hơn nữa, để biểu lộ rằng chính Giáo Hội cử hành hy tế uy linh và bí tích này. Như Đức Gioan-Phaolô II nói : “Những quy luật đó là một cách diễn tả cụ thể tính giáo hội đích thực của bí tích Thánh Thể ; đó là ý nghĩa sâu xa nhất của chúng. Phụng vụ không bao giờ là một sở hữu riêng tư của ai, kể cả chủ tế và cộng đoàn cử hành các Mầu Nhiệm đó” (s. 52).

Kết quả là “linh mục nào trung thành cử hành Thánh Lễ theo những quy luật phụng vụ và cộng đoàn nào tuân theo đó, chứng tỏ tình yêu của họ đối với Giáo Hội một cách âm thầm nhưng rõ rệt” (ibid.).

Rõ ràng là một sự nhất trí bên ngoài không đủ. Đức tin, đức cậy, đức mến đòi hỏi, ngoài việc tham dự Thánh Thể, một tình liên đới với những ai đang nghèo túng. Chiều kích này được nhấn mạnh ở điều 5 của Huấn thị : “Cũng rõ ràng là một sự tuân thủ hoàn toàn bên ngoài là đi nghịch lại với chính bản chất của Phụng Vụ thánh, mà Chúa Kitô đã từng muốn để tập hợp Giáo Hội của Người, để Giáo Hội cùng với Người hợp thành “một thân thể duy nhất và một tinh thần duy nhất”. Cho nên cử chỉ bên ngoài phải được soi sáng bởi đức tin và đức mến, hai nhân đức kết hợp chúng ta với Chúa Kitô và với nhau, và khơi dậy nơi chúng ta tình yêu thương người nghèo và người đau khổ”.

3. Quan tâm đến các lạm dụng có quan trọng không ?

Có một sự cám dỗ phải chống lại là làm cho việc quan tâm đến các lạm dụng phụng vụ là một việc làm mất thời giờ. Người ta đã viết rằng các lạm dụng luôn luôn đã có và chúng luôn luôn sẽ tồn tại ; vậy, chúng ta nên lo đào tạo và cử hành phụng vụ cách tích cực.

Lý lẽ phản đối đó có phần đúng sự thật, có thể đưa chúng ta đến chỗ sai lầm. Tất cả những lạm dụng về Phép Thánh Thể không có cùng một trọng lượng. Một số có nguy cơ làm phép bí tích không thành sự. Số khác biểu lộ một sự thiếu đức tin nơi Phép Thánh Thể. Số khác nữa góp phần gây xáo trộn nơi dân Thiên Chúa và nhằm làm mất tính chất thánh thiêng của các cử hành Thánh Thể. Đó không phải là những lạm dụng được xem thường.

Chắc chắn là mọi thành phần Giáo Hội cần được đào tạo về phụng vụ. Theo Công Đồng Vatican II, “vậy trước tiên rất cần huấn luyện phụng vụ cho hàng giáo sĩ” (SC 14). Nhưng cũng đúng sự thật là “trong một bối cảnh nào đó của Giáo Hội, có những lạm dụng góp phần làm lu mờ đức tin đúng đắn và giáo lý công giáo về Bí Tích kỳ diệu này” (Ecclesia de Eucharistia 10). “Không hiếm những lạm dụng bám rễ trong một quan niệm sai lầm về sự tự do” (Huấn Thị, 7). “Các hành động tùy tiện này không giúp ích được gì cho việc canh tân thực sự” (Huấn Thị, 11) mà Công Đồng Vatican II hy vọng. “Những lạm dụng như thế không có quan hệ gì với tinh thần đích thực của Công Đồng và phải được các mục tử sửa chữa với một thái độ thận trọng cứng rắn” (Gioan-Phaolô II, Tông Thư ‘Spiritus et Sponsa’, 15, dịp kỷ niệm 40 năm Hiến chế Sacrosanctum Concilium về Phụng Vụ thánh).

Đối với những ai tự quyền sửa đổi các bản văn phụng vụ, điều quan trọng là, với Huấn Thị này, làm cho họ nhận ra rằng “Phụng Vụ thánh gắn liền cách mật thiết với các nguyên tắc giáo lý ; cũng thế, việc sử dụng các bản văn và nghi lễ không được phê chuẩn, có hậu quả là mối liên lạc cần thiết giữa lex orandi và lex credendi phải kém đi hay không có” (Huấn Thị, 10).

4. Cái nhìn bao quát về Huấn Thị

Huấn Thị gồm có Lời mở đầu, tám chương và kết luận.

Chương I, về việc điều hành Phụng Vụ thánh, nói về vai trò của Tông Tòa, của Giám mục giáo phận, của Hội Đồng Giám Mục, của linh mục và phó tế. Tôi xin lưu ý về vai trò của Giám mục giáo phận : ngài là thượng tế của đàn chiên mình ; ngài điều khiên, khuyến khích, cổ võ và tổ chức ; ngài giám sát âm nhạc thánh và nghệ thuật ; ngài thiết lập các ủy ban cần thiết cho phụng vụ, âm nhạc và nghệ thuật thánh (Huấn Thị, 22, 25). Ngài tìm phương thuốc cho các sự lạm dụng ; trong trường hợp này, trước tiên phải kêu cầu đến chính ngài hay những người phụ tá của ngài hơn là Tông Toà (Huấn Thị, các số 176-182, 184).

Các linh mục cũng như các phó tế, đã long trọng hứa thi hành sứ vụ của mình cách trung thành. Hy vọng rằng đời sống của các ngài hòa hợp với các trách nhiệm thánh của các ngài.

Chương II bàn đến việc giáo dân tham dự cử hành Thánh Thể. Phép Bí tích Thánh Tẩy là nền tảng của chức tư tế chung của họ (Huấn Thị, 36-37). Linh mục có chức thánh luôn luôn cần thiết cho một cộng đoàn kitô-hữu và những vai trò của các linh mục và của các tín hữu giáo dân không được lẫn lộn với nhau (Huấn Thị, 42, 45). Giáo dân có vai trò riêng của họ. Theo Huấn Thị, việc đó không muốn nói là mọi người phải luôn luôn làm cái gì đó, nhưng đúng hơn là để được hoàn toàn bồi dưỡng sinh khí bởi đặc ân lớn lao đó, quà tặng của Thiên Chúa, là ơn gọi tham dự vào phụng vụ bằng cả trí tuệ và tấm lòng, bằng cả cuộc sống, và như thế, nhận lãnh bởi nó hồng ân của Thiên Chúa. Điều quan trọng là thấu hiểu việc đó và đừng cho rằng Huấn Thị có một vài thành kiến chống lại giáo dân.

Chương III, IV và V thử trả lời những câu hỏi thỉnh thoảng được đặt ra. Chúng đề cập đến một vài lạm dụng được nhận ra lúc cử hành Thánh Lễ, đến việc phân định giữa người có thể và người không thể rước lễ, đến sự cẩn thận cần thiết để rước lễ dưới hai hình, đến những vấn đề liên quan đến lễ phục, bình thánh, tư thế phải có để rước lễ và đến nhiều vấn đề cùng loại.

Chương VI liên quan đến việc tôn sùng Thánh Thể ngoài Thánh Lễ. Nó bàn đến việc tôn kính dành cho Nhà Tạm và về những thực hành như việc viếng Chúa, nhà nguyện dành cho việc tôn thờ Thánh Thể thường xuyênh, các cuộc rước kiệu và những Đại Hội Thánh Thể (Huấn Thị 130, 135-136, 140, 142-145).

Chương VII liên quan đến những chức vụ ngoại thường được ủy thác cho giáo dân, ví dụ, các thừa tác viên ngoại thường cho rước lễ, các giảng viên hay các người phụ trách đọc kinh khi linh mục vắng mặt (Huấn Thị, 147-169). Chương II của Huấn Thị đã bàn đến việc tham dự thông thường của các giáo dân vào phụng vụ và đặc biệt vào phép Thánh Thể. Ở đây, đề cập đến những gì mà giáo dân được kêu gọi thực giện khi không đủ các linh mục hay cả phó tế. Trong những năm sau này Tòa Thánh rất chú ý đến vấn đề này, và Huấn Thị này tiếo tục cứu xét vấn đề và thêm vào những nhận xét khác cho những hoàn cảnh đặc biệt.

Chương cuối cùng bàn đến những phương thuốc theo giáo luật cho những trọng tội hay những lạm dụng phạm đến Phép Thánh Thể. Về lâu dài, phương thuốc chính nằm ở trong việc đào tạo và giáo huấn thích hợp và trong một đức tin vững mạnh. Nhưng khi nào có những lạm dụng, Gáo Hội có bổn phận đề cập đến chúng cách rõ ràng và bác ái.

5. Kết luận

Vì tín điều theo đó Thánh Lễ là biểu tượng bí tích của Hy tế Thập Giá (x. CĐ Trentô : DS 1701) và “Mình và Máu, cũng như linh hồn và thần tính của Đức Giêsu-Kitô, Chúa chúng ta, và như thế, Đức Kitô trọn vẹn, được chứa đựng một cách thật sự, thực tế và thực thể trong bí tích Thánh Thể chí thánh” (CĐ Trentô : DS 1651 ; x. GLHTCG 1374), rõ ràng là các quy tắc phụng vụ liên quan đến Phép Thánh Thể đáng chúng ta quan tâm. Đó không phải là những chữ đỏ tỉ mỉ do các đầu óc triệt để tuân theo pháp chế áp đặt.

“Phép Thánh Thể Chí Thánh chứa đựng tất cả kho tàng thiêng liêng của Giáo Hội, nghĩa là chính Đức Kitô, Người là mầu nhiệm Phục Sinh của chúng ta, Người là bánh hằng sống của chúng ta” (Presbyterorum Ordinis, s. 5). Các linh mục và các Giám mục được phong chức trước hết là để cử hành Hy Tế Thánh Thể và ban Mình và Máu Đức Kitô cho các tín hữu. Các phó tế, và, theo cách của mình, các thầy giúp lễ, những người giúp khác, các thầy đọc sách và các ca đoàn, các giáo dân đã nhận lãnh một sứ mạng đặc biệt, tất cả đều được kêu gọi để hiến dâng sự trợ giúp của mình trong những chức vụ khác nhau và chu toàn những thừa tác vụ khác nhau của mình với lòng tin và lòng sùng kính.

Trong đoạn kết của Huấn Thị này, Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích hy vọng rằng “nhờ ân cần áp dụng những quy tắc được nhắc lại trong Huấn Thị này mà hoạt động của Phép Bí tích Thánh Thể Chí Thánh ít gặp trở ngại do sự yếu đuối của con người gây nên, và, nếu mọi lạm dụng được loại bỏ và mọi sự sử dụng trái phép được khử trừ, nhờ lời cầu bầu của Đức Trinh Nữ Maria hồng phúc, “người phụ nữ Thánh Thể”, sự hiện diện snh ơn cứu độ của Đức Kitô được sáng ngời trên tất cả mọi người trong Bí tích Mình và Máu của Người” (Huấn Thị, 185).

 

Hồng y Francis ARINZE

23/4/2004

 

© 2016 Dongthanhthe.net. All rights reserved.