Chương VI - Lưu Giữ Thánh Thể Và Việc Tôn Thờ Thánh Thể Ngoài Thánh Lễ

Chương VI
LƯU GIỮ THÁNH THỂ
VÀ VIỆC TÔN THỜ THÁNH THỂ NGOÀI THÁNH LỄ

 

1. SỰ LƯU GIỮ THÁNH THỂ
129. Việc cử hành Thánh Thể trong Hy Tế Thánh Lễ thật là nguồn gốc và mục đích của việc tôn thờ Thánh Thể ngoài Thánh Lễ. Nhưng nếu Mình Thánh Chúa được lưu giữ sau Thánh Lễ, chính là để cho các tín hữu không thể tham dự Thánh Lễ, nhất là những bệnh nhân và người có tuổi, nhờ sự Rước Lễ kết hợp với Đức Kitô và Hy Tế của Người, đã hy sinh và tự hiến trong Thánh Lễ”[219]. Lại nữa, việc lưu giữ Mình Thánh Chúa cũng cho phép thực hành việc tôn thờ Bí Tích cao quý này, và thừa nhận cho Thánh Thể một sự tôn thờ dành cho Thiên Chúa. Vì thế, cần phải xúc tiến một số hình thức phụng thờ, chẳng những là riêng tư, mà còn công cộng và có tính cách cộng đoàn, được Giáo Hội sốt sắng thiết lập hay phê chuẩn.[220]
130. “Tùy theo kiểu kiến trúc của nhà thờ và theo thói quen chính đáng của địa phương, Mình Thánh Chúa phải được lưu giữ trong một nhà tạm đặt trong phần nhà thờ đặc biệt cao trọng, đáng chú ý, dễ thấy và được trang hoàng đẹp đẽ”, và trong một nơi yên lặng “thích hợp cho việc cầu nguyện”[221], trước nhà tạm có một khoảng trống có thể xếp một số ghế dài hay ghế một, với bàn quỳ. Vả lại, phải chăm chú tuân theo tất cả những quy định của các sách phụng vụ và những quy tắc của giáo luật,[222] đặc biệt nhằm mục đích tránh mọi nguy cơ xúc phạm.[223]
131. Ngoài các quy định của điều 934 §1 của Bộ Giáo Luật, cấm không được lưu giữ Mình Thánh Chúa ở một nơi không thuộc quyền thực sự của Giám Mục giáo phận, hay trong một nơi có nguy cơ bị xúc phạm. Nếu có trường hợp như vậy, Giám Mục giáo phận phải hủy bỏ ngay quyền cho lưu giữ Thánh Thể, đã được ban trước.[224]
132. Không ai được đem Mình Thánh Chúa về nhà mình hay đến một nơi khác, việc này là nghịch với quy tắc của giáo luật. Vả lại, phải nhớ rằng việc đem hay lưu giữ Mình Thánh Chúa với mục đích phạm sự thánh, cũng như ném Mình Thánh Chúa xuống đất là những hành vi thuộc loại những tội phạm nặng hơn (graviora delicta), mà việc xá giải được dành cho Bộ Giáo Lý Đức Tin.[225]
133. Linh mục hay phó tế, hoặc, vì thừa tác viên thông thường vắng mặt hay bị ngăn trở, thừa tác viên ngoại thường đem Mình Thánh cho một bệnh nhân rước lễ, nếu có thể được, từ nơi Mình Thánh Chúa được lưu giữ, phải đi ngay đến nơi bệnh nhân ở, không chia trí ở dọc đường, như vậy để tránh xa mọi nguy cơ xúc phạm và minh chứng một lòng hết sức tôn kính Mình Thánh Chúa Kitô. Luôn luôn phải tuân giữ nghi lễ cho bệnh nhân Rước Lễ, như đã ấn định trong sách Nghi Thức Rôma.[226]

2. MỘT VÀI HÌNH THỨC TÔN THỜ THÁNH THỂ CHÍ THÁNH NGOÀI THÁNH LỂ
134. “Việc tôn sùng Thánh Thể ngoài Thánh Lễ có một giá trị vô song đối với đời sống của Giáo Hội. Việc tôn sùng này nối kết chặt chẽ với việc cử hành Hy Tế tạ ơn”[227]. Vì thế, phải hăng hái xúc tiến việc tôn sùng Thánh Thể chí thánh, cách công cộng cũng như cách riêng tư, kể cả ngoài Thánh Lễ, để các tín hữu tôn thờ Đức Kitô thực sự đích thân hiện diện,[228] Người là “Vị Thượng Tế đem muôn phúc lộc của thế giới tương lai”[229] và là Đấng Cứu Độ hoàn vũ. “Các mục tử có trách nhiệm khuyến khích, đồng thời nêu gương sáng về việc tôn sùng Thánh Thể, và đặc biệt việc trưng bày Thánh Thể, cũng như việc tôn thờ Đức Kitô hiện diện trong các hình Thánh Thể”[230].
135. “Ước gì trong ngày”, các tín hữu “đừng chểnh mảng viếng Mình Thánh Chúa… Vì, đối với Đức Kitô Chúa chúng ta, hiện diện nơi đó, việc viếng thăm là một dấu hiệu của lòng biết ơn, một bằng chứng của tình yêu mến và là một sự tỏ lòng cảm phục tôn thờ phải được dành để cho Người”[231]. Quả nhiên, như bao nhiêu gương các thánh đã làm sáng tỏ điều đó, việc chiêm ngắm Chúa Giêsu hiện diện trong Phép Thánh Thể, như là một sự hiệp thông ao ước, kết hợp chặt chẽ người tín hữu với Đức Kitô.[232] “Nếu không có một lý do quan trọng ngăn trở, nhà thờ có lưu giữ Thánh Thể phải được mở cửa mỗi ngày ít là vài giờ, để các tín hữu có thể cầu nguyện trước Mình Thánh Chúa”[233].
136. Đấng Bản Quyền phải rất nồng nhiệt khuyến khích việc dân chúng tôn thờ Thánh Thể, trong một thời gian ngắn hay kéo dài, hoặc thường xuyên. Quả nhiên, trong những năm gần đây, trong khi, ở “nhiều nơi, việc chầu Mình Thánh Chúa có một thực hành quan trọng hằng ngày và trở nên nguồn mạch thánh hóa vô tận”, thì cũng có nơi “người ta ghi nhận việc tôn thờ Thánh Thể hầu như hoàn toàn bị quên lãng”[234].
137. Việc đặt Mình Thánh Chúa luôn luôn phải được thực hiện theo những quy định của các sách phụng vụ.[235] Trước Mình Thánh Chúa được lưu giữ hay trưng bày, cũng có thể lần chuỗi Mân Côi, là kinh tuyệt diệu “về mặt đơn sơ và sâu sắc”[236]. Tuy nhiên, nếu lần chuỗi Mân Côi trước Mình Thánh Chúa, nhất là khi được trưng bày, phải làm tỏ rõ bản chất của kinh ấy như là một sự chiêm niệm các mầu nhiệm của cuộc đời Chúa Kitô Cứu Thế và của chương trình cứu độ của Chúa Cha toàn năng, bằng cách chủ yếu nhờ vào các bài đọc tuyển chọn trong Kinh Thánh.[237]
138. Tuy nhiên, không bao giờ nên để Mình Thánh Chúa trưng bày, dù là một thời gian rất ngắn, mà không có sự trông nom đầy đủ. Vậy phải có một vài tín hữu luôn hiện diện, ít là thay phiên nhau, trong những khoảng thời gian nhất định.
139. Trong những nơi mà Giám Mục giáo phận đã cử những thừa tác viên có chức thánh hay những người khác để đặt Mình Thánh Chúa, các tín hữu có quyền đến thường xuyên để viếng Chúa trong Phép Thánh Thể để tôn thờ Người, và họ có quyền tham dự, ít nữa là một vài lần trong năm, vào việc tôn thờ Thánh Thể được trưng bày.
140. Trong các thành phố hay ít ra trong những thành phố quan trọng, rất được khuyên bảo Giám Mục giáo phận chỉ định một nhà thờ để tổ chức tôn thờ Mình Thánh Chúa thường xuyên, nhưng mà nơi đó Thánh Lễ phải được cử hành thường xuyên, và, nếu được, mỗi ngày, và theo dõi chặt chẽ ngưng trưng bày Mình Thánh Chúa trong lúc cử hành Thánh Lễ.[238] Mình Thánh Chúa được trưng bày để chầu, nên được truyền phép trong Thánh Lễ ngay trước giờ chầu, và được đặt trong hào quang, trên bàn thờ, sau khi rước lễ.[239]
141. Giám Mục giáo phận, theo khả năng của ngài, phải nhìn nhận và khuyến khích quyền của các tín hữu tổ chức các hội và đoàn thể nhằm thực hành việc tôn thờ Thánh Thể, kể cả thường xuyên. Khi các đoàn thể loại loại này đạt tới chiều kích quốc tế, thì Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích nâng chúng lên và phê chuẩn quy chế của chúng.[240]

3. RƯỚC KIỆU VÀ ĐẠI HỘI THÁNH THỂ
142. “Giám mục giáo phận có thẩm quyền ra những chỉ thị về việc kiệu Thánh Thể, hầu bảo đảm việc tham dự và tính cách trang nghiêm của cuộc rước”[241] và khuyến khích việc tôn thờ của các tín hữu.
143. “Ở đâu Giám Mục giáo phận xét có thể được, nên tổ chức kiệu Mình Thánh qua các công lộ, để tuyên chứng công khai lòng tôn kính Thánh Thể, đặc biệt trong ngày lễ trọng kính Mình và Máu Chúa Kitô”[242]. Quả nhiên, “sự tham dự sốt sắng của tín hữu vào cuộc rước kiệu Mình Thánh Chúa vào ngày lễ trọng kính Mình và Máu Chúa Kitô là một ân sủng Chúa ban và hằng năm đem lại niềm vui cho những thông phần vào đó”[243].
144. Dù không thể tổ chức những cuộc rước kiệu Mình Thánh Chúa trong một vài nơi, nhưng cần duy trì truyền thống như thế. Trong những hoàn cảnh hiện nay, thà tốt hơn phải tìm những cách mới để tổ chức những cuộc rước đó, như ví dụ, trong khuôn viên thánh đường, trong những nơi thuộc về Giáo Hội, nay, nếu được phép của chính quyền, trong các công viên.
145. Phải nhìn nhận giá trị lớn lao của những Đại Hội Thánh Thể về mặt lợi ích mục vụ, những Đại Hội ấy “phải là dấu hiệu chân thực của đức tin và đức ái”[244]. Chúng phải được chuẩn bị kỹ càng và diễn biến theo các quy tắc được ấn định,[245] để các tín hữu có thể không ngừng gặt hái được những ơn ích cứu độ, khi tôn sùng các mầu nhiệm thánh Mình và Máu Con Thiên Chúa.[246]

Hồng y Francis ARINZE
Bộ Trưởng
+ Domenico SORRENTINO
Tổng Giám Mục Thư Ký


 

[219] Bộ Phụng Tự, Sắc lệnh Eucharistiae sacramentum, 21/6/1973.
[220] x. ibidem.
[221] Thánh Bộ Nghi Lễ, Huấn thị Eucharisticum mysterium, n. 54 ; Huấn thị Inter Oecumenici, 26/9/1964, n. 95 ; Sách Lễ Rôma, Quy chế tổng quát, n. 314.
[222] x. Đức Gioan-Phaolô II, Thư Dominicae Cenae, n. 3 (1980) ; T. Bộ Nghi Lễ, Huấn thị Eucharisticum mysterium, n. 53 ; Bộ Giáo Luật, can. 938 § 2 ; Rituale Romanum, Nghi Thức rước lễ và tôn thờ Thánh Thể ngoài Thánh Lễ, Những điều cần biết trước, n. 9 ; Sách Lễ Rôma, Quy chế tổng quát, nn. 314-317.
[223] x. Bộ Giáo Luật, can. 938 §§ 3-5.
[224] Bộ Kỷ Luật Bí Tích, Huấn thị Nullo unquam, 26/5/1938, n. 10d : AAS 30 (1938) ttr. 198-207, ở đây tr. 206.
[225] x. Đức Gioan-Phaolô II, Tông thư dưới hình thức Tự Sắc Sacramen-torum sanctitatis tutela, 30/4/2001 ; Bộ Giáo Lý Đức Tin, Thư gửi các Giám Mục Giáo Hội công giáo và các phẩm trật khác : những lỗi phạm nặng nề dành cho Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin (2001).
[226] x. Rituale Romanum, Nghi Thức rước lễ và tôn thờ Thánh Thể ngoài Thánh Lễ, nn. 26-78.
[227] Đức Gioan-Phaolô II, Thông điệp Ecclesia de Eucharistia, n. 25.
[228] x. Công Đồng Chung Trente, Khoá XIII, 11/10/1551, Sắc lệnh về Phép Thánh Thể Chí Thánh, chap. 5 : DS 1643 ; Đức Piô XII, Thông điệp Mediator Dei ; Đức Phaolô VI, Thông điệp Mysterium fidei, 3/9/1965 ; Bộ Nghi Lễ, Huấn thị Eucharisticum mysterium, n. 3f (1967) ; Bộ Bí Tích và Phụng Tự, Huấn thị Inaestimabile donum, n. 20 (1980) ; Đức Gioan-Phaolô II, Thông điệp Ecclesia de Eucharistia, n. 25.
[229] x. Dt 9, 11 ; Đức Gioan-Phaolô II, Tđ. Ecclesia de Eucharistia, n. 3.
[230] Đức Gioan-Phaolô II, Thông điệp Ecclesia de Eucharistia, n. 25.
[231] Đức Phaolô VI, Thông điệp Mysterium fidei.
[232] x. Đức Gioan-Phaolô II, Thông điệp Ecclesia de Eucharistia, n. 25.
[233] Bộ Giáo Luật, can. 937.
[234] Đức Gioan-Phaolô II, Thông điệp Ecclesia de Eucharistia, n. 10.
[235] x. Rituale Romanum, Nghi thức rước lễ và tôn thờ Thánh Thể ngoài Thánh Lễ, nn. 82-100 ; Sách Lễ Rôma, Quy chế tổng quát, n. 317 ; Bộ Giáo Luật, can. 941 § 2.
[236] Đức Gioan-Phaolô II, Tông thư Rosarium Virginis Mariae, 16/10/2002 : AAS 95 (2003) pp. 5-36 ; ở đây n. 2, p. 6.
[237] x. Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích, Thư ngày 15/1/1997 : Notitiae 34 (1998) pp. 506-510 ; Tòa Ân Giải, Thư cho một linh mục, 8/3/1996 : Notitiae 34 (1998) p. 511.
[238] x. Bộ Nghi Lễ, Huấn thị Eucharisticum mysterium, n. 61 : AAS 59 (1967) ; Rituale Romanum, Nghi thức rước lễ và tôn thờ Thánh Thể ngoài Thánh Lễ, n. 83 ; Sách Lễ Rôma, Quy chế tổng quát, n. 317 ; Bộ Giáo Luật, can. 941 § 2.
[239] x. Rituale Romanum, Nghi thức rước lễ và tôn thờ Thánh Thể ngoài Thánh Lễ, Những điều cần biết trước, n. 94.
[240] x. Đức Gioan-Phaolô II, Tông hiến Pastor bonus, art. 65 (1988).
[241] Bộ Giáo Luật, can. 944 § 2 ; x. Rituale Romanum, Nghi thức rước lễ và tôn thờ Thánh Thể ngoài Thánh Lễ, Những điều cần biết trước, n. 102 ; Sách Lễ Rôma, Quy chế tổng quát, n. 317.
[242] Bộ Giáo Luật, can. 944 § 1 ; x. Rituale Romanum, Nghi thức rước lễ và tôn thờ Thánh Thể ngoài Thánh Lễ, Những điều cần biết trước, nn. 101-102 ; Sách Lễ Rôma, Quy chế tổng quát, n. 317.
[243] Đức Gioan-Phaolô II, Thông điệp Ecclesia de Eucharistia, n. 10.
[244] Rituale Romanum, Nghi thức rước lễ và tôn thờ Thánh Thể ngoài Thánh Lễ, Những điều cần biết trước, n. 109.
[245] x. ibidem, nn. 109-112.
[246] x. Sách Lễ Rôma, Lễ trọng kính Mình và Máu Thánh Chúa Kitô, Lời tổng nguyện.

 

© 2016 Dongthanhthe.net. All rights reserved.