Chương III - Cử Hành Đúng Thánh Lễ

Chương III

CỬ HÀNH ĐÚNG THÁNH LỄ

 

1. CHẤT THỂ CỦA PHÉP THÁNH THỂ CHÍ THÁNH
Hy Tế Thánh Thể phải được cử hành với bánh không men, bằng bột mì nguyên chất và mới chế biến, không chút nào sợ hư.[123] Do đó, bánh được làm với một chất khác, dù đó là một loại ngũ cốc, hay là bánh mà người ta đã thêm vào đó một chất khác hơn bột mì, với một số lượng đến nỗi, theo ý kiến chung, người ta không thể xem đó là bánh làm bằng lúa mì, thì bánh đó không làm thành chất thể thành sự cho việc cử hành Hy Tế và Bí Tích Thánh Thể.[124] Việc đưa vào những chất thể khác để làm bánh dùng cho Phép Thánh Thể, như là trái cây, đường hay mật, là một lạm dụng nặng nề. Dĩ nhiên, bánh lễ phải được làm bởi những người không những có tiếng là liêm khiết, mà còn có khả năng trong lãnh vực này và dùng những dụng cụ thích hợp.[125]
Vì dấu hiệu diễn đạt, một số phần bánh thánh thể, sau nghi thức bẻ bánh, nên được trao cho ít ra vài tín hữu rước lễ. “Tuy nhiên, không chút nào loại trừ việc dùng các bánh thánh nhỏ khi số người rước lễ đông và những lý do mục vụ khác đòi sử dụng chúng”[126], và hơn nữa, thường người ta cũng dùng bánh thánh nhỏ để khỏi phải bẻ.
Hy Tế Thánh Thể phải được cử hành với rượu nho tự nhiên, nguyên chất và không biến chất, nghĩa là không pha vào đó những chất khác.[127] Trong lúc cử hành Thánh Lễ, người ta thêm một chút nước vào rượu. Phải cẩn thận gìn giữ rượu nho dùng cho Phép Thánh Thể ở tình trạng hoàn hảo, và theo dõi đừng để rượu lễ bị chua đi.[128] Tuyệt đối cấm sử dụng rượu mà người ta nghi ngờ về tính xác thực và nguồn gốc của nó : Quả nhiên, Giáo Hội đòi hỏi sự chắc chắn về vấn đề những điều kiện cần thiết để các bí tích được thành sự. Không có lý do nào có thể chứng minh cho việc dùng một thức uống khác, dù chúng là thế nào, vì không phải là một chất thể thành sự.


2. KINH NGUYỆN THÁNH THỂ
Chỉ được sử dụng các Kinh Nguyện Thánh Thể có trong Sách Lễ Rôma hay đã được Tông Toà phê chuẩn cách hợp pháp, theo những thể thức và giới hạn đã định. “Người ta không thể tha thứ cho một vài linh mục tự cho mình cái quyền soạn các Kinh Nguyện Thánh Thể”[129] hay sửa đổi bản văn đã được Giáo Hội phê chuẩn, hay nữa chấp nhận những Kinh Nguyện Thánh Thể khác được soạn riêng.[130]
Việc công bố Kinh Nguyện Thánh Thể, tự bản tính, là tột đỉnh của cả sự cử hành, được dành cho linh mục căn cứ vào việc ngài đã được phong chức. Như vậy, là một lạm dụng để cho một phó tế, một thừa tác viên giáo dân, hay một tín hữu hoặc toàn thể tín hữu, đọc một số phần của Kinh Nguyện Thánh Thể. Cho nên, Kinh Nguyện Thánh Thể phải được đọc hoàn toàn bởi linh mục, và chỉ bởi ngài mà thôi.[131]
Trong khi linh mục chủ tế đọc Kinh Nguyện Thánh Thể, “không có đọc kinh, cũng không có hát gì khác, cũng thế, đại phong cầm và các loại nhạc cụ khác phải im tiếng”[132], ngoại trừ các lời tung hô của dân chúng được phê chuẩn hợp lệ, mà sẽ nêu lên sau đây.
Tuy nhiên, dân chúng luôn tham dự cách tích cực, và như vậy, họ không bao giờ hoàn toàn thụ động : “quả nhiên, dân chúng kết hợp với linh mục trong đức tin và trong thinh lặng, cũng như bằng những cách tham gia được ấn định trong diễn biến của Kinh Nguyện Thánh Thể :những lời đáp trong phần đối thoại của Kinh Tiền Tụng, kinh Sanctus, lời tung hô sau truyền phép và lời tung hô Amen sau vinh tụng ca cuối cùng, cũng như các lời tung hô khác được Hội Đồng Giám Mục phê chuẩn và Toà Thánh xác nhận”[133].
Sự lạm dụng sau đây phổ biến ở một vài nơi : trong lúc cử hành Thánh Lễ, linh mục bẻ bánh lúc truyền phép. Một sự lạm dụng như thế đi nghịch lại với truyền thống của Giáo Hội. Nó cần bị dứt khoát bác bỏ và được sửa chữa khẩn cấp.
Trong Kinh Nguyện Thánh Thể, không được bỏ sót nêu tên Đức Giáo Hoàng và Giám mục giáo phận, để tôn trọng một truyền thống rất xa xưa và để biểu lộ sự hiệp thông trong Giáo Hội. Quả nhiên, “sự hiệp thông mang tính giáo hội của cộng đoàn thánh thể cũng là sự hiệp thông với Giám mục của mình và với Đức Giáo Hoàng ở Rôma”[134].


3. CÁC PHẦN KHÁC CỦA THÁNH LỄ
Cộng đoàn các tín hữu có quyền đòi hỏi, nhất là trong cử hành của ngày chúa nhật, theo tục lệ, âm nhạc thánh phải xứng hợp và trung thực, bàn thờ, các đồ trang trí và khăn thánh phải luôn ánh lên vẻ xứng đáng, đẹp đẽ và sạch sẽ, theo các quy tắc.
Cũng thế, mọi tín hữu đều có quyền đòi hỏi toàn bộ cử hành Thánh Thể phải được chuẩn bị kỹ càng thế nào trong mọi phần, để lời Thiên Chúa được công bố và giải thíchcách cách xứng đáng và hiệu quả, quyền chọn lựa các bản văn phụng vụ và các nghi lễ được sử dụng cẩn thận, theo các quy tắc, và, trong khi cử hành Phụng Vụ, lời các bài hát phòng giữ và nuôi dưỡng đức tin của các tín hữu cách thích hợp.
Tục lệ sau đây, dứt khoát bị bác bỏ, phải chấm dứt : nơi này nơi nọ, có những linh mục, phó tế hay tín hữu, tự mình có sáng kiến đưa những thay đổi hay biến đổi vào các bản văn của Phụng Vụ thánh, mà họ có nhiệm vụ công bố. Quả nhiên, cách làm này có hậu quả là làm mất ổn định trong việc cử hành Phụng Vụ thánh, và không hiếm trường hợp đi đến chỗ làm biến chất ý nghĩa đích thực của Phụng Vụ.
Trong cử hành Thánh Lễ, phụng vụ Lời Chúa và Phụng Vụ thánh Thể liên kết chặt chẽ với nhau, và chúng hợp thành cùng một hành vi phụng tự duy nhất. Vậy, không được phép tách rời chúng ra, cũng không được cử hành chúng vào những giờ và những nơi khác nhau.[135] Cũng thế, không được phép cử hành những phần khác nhau của Thánh Lễ vào những lúc khác nhau, kể cả cùng trong một ngày.
Về những gì liên quan đến việc chọn các bài đọc kinh thánh phải công bố trong cử hành Thánh Lễ, phải tuân thủ các quy tắc có trong các sách phụng vụ,[136] để, thực sự, “bàn tiệc lời Thiên Chúa được trình bày cho tín hữu cách phong phú hơn, và kho tàng Thánh Kinh được mở rộng cho họ hơn”[137].
Không được phép bỏ hay đổi một cách tuỳ tiện các bài đọc kinh thánh đã được quy định, nhất là cũng không được phép thay thế “các bài đọc và thánh vịnh đáp ca chứa đựng lời Thiên Chúa bằng những bản văn khác được chọn ngoài Thánh Kinh”[138].
Trong buổi cử hành Phụng Vụ thánh, bài đọc Tin Mừng “là tột đỉnh của phụng vụ Lời Chúa”[139], theo truyền thống của Giáo Hội, được dành cho thừa tác viên có chức thánh.[140] Nên, một giáo dân, kể cả một tu sĩ, không được phép công bố Tin Mừng trong cử hành Thánh Lễ, kể cả trong các trường hợp khác, mà quy tắc không có rõ ràng cho phép.[141]
Bài giảng, được ban bố trong cử hành Thánh Lễ và là thành phần của chính phụng vụ,[142] “thường do chính linh mục chủ tế hay một linh mục đồng tế mà ngài nhờ đảm trách, hay đôi khi, nếu là hợp thời, cũng do một phó tế, nhưng không bao giờ do một giáo dân.[143] Trong những trường hợp đặc biệt và có lý do chính đáng, bài giảng cũng có thể do một Giám mục hay một linh mục tham dự cử hành, dù các ngài không thể đồng tế”[144].
Xin nhắc lại điều 767 §1 của Bộ Giáo luật đã bãi bỏ mọi quy tắc trước đây cho phép các tín hữu không có chức thánh giảng trong cử hành Thánh Thể.[145] Quả nhiên, một việc cho phép như thế phải bị dứt khoát bác bỏ, và không tục lệ nào có thể chứng minh việc cho phép như vậy.
Việc cấm giáo dân giảng trong lúc cử hành Thánh Lễ cũng liên quan đến các chủng sinh, các sinh viên thần học, đến tất cả những ai thi hành chức vụ “phụ tá mục vụ”, và đến bất cứ nhóm, phong trào, cộng đoàn hay hiệp hội giáo dân nào.[146]
Đặc biệt, phải quan tâm theo dõi bài giảng được hoàn toàn tập trung vào mầu nhiệm cứu độ, bằng cách trình bày, suốt năm phụng vụ, từ các bài đọc kinh thánh và những bản văn phụng vụ, các mầu nhiệm đức tin và các quy tắc của đời sống kitô-hữu, và bằng cách chú giải các bản văn của phần Chung hay phần Riêng của Thánh Lễ, hay nữa của nghi lễ khác của Giáo Hội.[147] Tất nhiên là tất cả những giải thích Thánh Kinh phải hướng về Đức Kitô như là cột trụ tuyệt đỉnh của kế hoạch cứu độ ; tuy nhiên, việc đó phải được thực hiện cũng có quan tâm đến bối cảnh đặc thù của việc cử hành phụng vụ. Người giảng phải chăm lo chiếu rọi ánh sáng Đức Kitô vào các sự kiện của đời sống, mà không phải vì thế tước đi ý nghĩa chân chính và đích thật của lời Thiên Chúa, ví dụ, bằng cách chỉ dựa vào các nhận xét chính trị hay những luận chứng ngoại đạo, hay bằng cách dựa theo các quan niệm vay mượn của những phong trào tôn-giáo-giả phổ biến trong thời đại của chúng ta.[148]
Giám mục giáo phận phải chăm chú theo dõi về bài giảng [149] bằng cách như là gửi cho các thừa tác viên có chức thánh những quy tắc, phương hướng và sự giúp đỡ, cũng như xúc tiến những cuộc gặp gỡ và những sáng kiến thích hợp khác, để cho các ngài thường có dịp suy nghĩ, với một sự quan tâm nhiều hơn, về bản chất của bài giảng và để giúp các ngài trong việc soạn thảo bài giảng.
Trong Thánh Lễ, cũng như trong các cử hành Phụng Vụ thánh khác, không được phép sử dụng một Kinh Tin Kính hay cách Tuyên Xưng Đức Tin không có trong các sách phụng vụ được phê chuẩn hợp lệ.
Những lễ vật mà các tín hữu có thói quen dâng kính trong Thánh Lễ để cho Phụng Vụ thánh Thể, không nhất thiết chỉ là bánh và rượu, dùng để cử hành Thánh Thể, mà chúng cũng có thể là những tặng vật khác, được các tín hữu mang đến, nghĩa là tiền bạc hay của cải khác dùng để thi hành bác ái đối với người nghèo. Tuy nhiên, những lễ vật cụ thể phải luôn diễn tả được rõ ràng quà tặng thật sự mà Chúa trông chờ nơi chúng ta : đó là một tâm hồn thống hối ăn năn và lòng mến Chúa yêu người, làm cho ta xứng hợp với hy lễ của Đức Kitô, Đấng đã nộp chính mình vì chúng ta. Quả nhiên, chính trong Phép Thánh Thể mà mầu nhiệm đức ái này được sáng ngời ở điểm cao nhất, mầu nhiệm đức ái mà Đức Giêsu Kitô đã bày tỏ trong Bữa Tiệc Ly, bằng việc rửa chân cho các môn đệ của Người. Tuy nhiên, để bảo vệ phẩm giá của Phụng Vụ thánh, các lễ vật cụ thể phải được dâng tiến một cách xứng hợp. Cho nên tiền bạc, cũng như những tặng vật khác dành cho người nghèo, phải được đặt để vào một nơi thích hợp, ngoài bàn tiệc thánh thể.[150] Để riêng tiền bạc và, nếu có, một phần nhỏ những tặng vật khác tượng trưng cho số lớn hơn, nên dâng những tặng vật này ngoài cử hành Thánh Lễ.
Phải duy trì thông lệ của Nghi Lễ Rôma là chúc bình an trước khi Rước Lễ một chút, như được dự liệu trong Nghi thức Thánh Lễ. Quả nhiên, theo truyền thống của Nghi Lễ Rôma, thông lệ này không bao hàm ý nghĩa hoà giải, cũng không có ý nghĩa xoá tội, nhưng đúng hơn nó có mục đích biệu lộ sự bình an, sự hiệp thông và lòng bác ái, trước khi lãnh nhận Thánh Thể.[151] Trái lại, hành động sám hối ở đầu Thánh Lễ, nhất là khi nó được thực hiện theo công thức thứ nhất, có đặc tính diễn tả sự hoà giải này giữa các anh em.
“Mỗi người nên chúc bình an một cách giản dị và chỉ với những người ở chung quanh mình”. “Linh mục có thể chúc bình an cho các thừa tác viên, nhưng ở trong cung thánh, để khỏi làm xáo trộn việc cử hành. Nếu muốn và với lý do chính đáng, ngài sẽ chúc bình an như thế cho vài tín hữu”. “Về những gì liên quan đến dấu hiệu để chúc bình an, cách thức của nó được Hội Đồng Giám Mục ấn định, theo tâm tính, phong tục và tập quán của các dân tộc khác nhau”, và được Tông Toà xác nhận.[152]
Trong cử hành Thánh Lễ, việc bẻ bánh Thánh Thể được khởi sự sau khi chúc bình an, trong lúc đọc kinh Agnus Dei;chỉ do vị chủ tế làm việc này, và, nếu trường hợp xảy ra, với sự giúp đỡ của một phó tế hay một vị đồng tế, chứ không bao giờ của một giáo dân. Quả nhiên, cử chỉ bẻ bánh “được Đức Kitô thực hiện ở Bữa Tiệc Ly và, từ thời các Tông Đồ, đã được dành để chỉ tất cả hành động thánh thể, có nghĩa là vô số tín hữu, trong sự Hiệp Thông cùng một bánh ban sự sống duy nhất, là Đức Kitô, đã chết và phục sinh vì phần rỗi thế gian, trở nên một thân thể (1 Cr 10,17)”[153]. Cho nên, phải thực hiện nghi lễ này với tấm lòng hết sức tôn kính.[154] Tuy nhiên, việc này phải được làm ngắn gọn. Phải rất khẩn cấp sửa lại lạm dụng phổ biến ở một vài nơi là kéo dài nghi lễ này cách không cần thiết, kể cả với sự giúp đỡ của giáo dân, đi nghịch lại các quy tắc, và gán cho nó một tầm quan trọng quá đáng.[155]
Nếu thấy cần để một giáo dân thông báo tin tức hay trình bày một chứng từ đời sống kitô-hữu cho các tín hữu tụ họp trong nhà thờ, cách chung nên làm việc này ngoài Thánh Lễ. Nhưng mà, vì những lý do nghiêm trọng, được phép trình bày loại thông báo hay chứng từ này khi linh mục đã đọc xong lời nguyện Hiệp Lễ. Tuy nhiên, một việc làm như thế không được trở thành thói quen. Lại nữa, những thông báo và chứng từ này không được có những đặc tính có thể làm lẫn lộn chúng với bài giảng,[156] và cũng như không là nguyên nhân để loại bỏ hoàn toàn bài giảng.


4. VIỆC KẾT HỢP NHỮNG NGHI LỄ KHÁC NHAU VỚI VIỆC CỬ HÀNH THÁNH LỄ
Vì một lý do thần học gắn liền với việc cử hành Thánh Thể hay với một nghi lễ đặc biệt, các sách phụng vụ ấn định hay đôi khi cho phép việc cử hành Thánh Lễ cùng với một nghi lễ khác, đặc biệt những nghi lễ của các Bí Tích.[157] Nhưng, Giáo Hội không chấp nhận một sự tương quan như thế trong những trường hợp khác, đặc biệt khi có những tình tiết có vẻ hời hợt.
Hơn nữa, theo một truyền thống rất cổ xưa của Giáo Hội Rôma, không được phép kết hợp bí tích Sám Hối với Thánh Lễ để làm nên một cử hành phụng vụ duy nhất. Tuy nhiên, để đáp ứng các nhu cầu của các tín hữu, các linh mục, không cử hành hay đồng tế Thánh Lễ, có thể ngồi tòa giải tội cho các tín hữu nào muốn, cùng lúc và cùng nơi đang có cử hành Thánh Lễ.[158] Tuy vậy, việc này cũng phải được diễn biến một cách thích hợp.
Tuyệt đối không có trường hợp nào được phép kết hợp việc cử hành Thánh Lễ với một bữa ăn bình thường, cũng không được phép kết hợp Thánh Lễ với một bữa ăn lễ lạt loại này. Ngoại trừ trường hợp cần thiết quan trọng, không được phép cử hành Thánh Lễ trên một bàn ăn,[159] hoặc trong một nhà cơm, hay trong một nơi được dùng vào mục đích ăn uống, hoặc bất cứ nơi nào có thức ăn, những người tham dự Thánh Lễ cũng không được phép ngồi vào bàn ăn trong lúc cử hành. Nếu, trong trường hợp cần thiết quan trọng, nếu Thánh Lễ phải cử hành cùng nơi được dự trù sau đó làm phòng ăn, thì phải dự trù có một khoảng thời gian đủ giữa lúc cuối Thánh Lễ và đầu bữa ăn, và cấm không được trao của ăn cho các tín hữu trong khi cử hành Thánh Lễ.
Không được kết hợp việc cử hành Thánh Lễ với các thực tế có tính chính trị hoặc thế tục, hay nữa với các yếu tố không hoàn toàn phù hợp với Huấn Quyền của Giáo Hội công giáo. Hơn nữa, để không làm mất đi ý nghĩa đích thực của Phép Thánh Thể, tuyệt đối không được cử hành Thánh Lễ với ý muốn duy nhất là để biểu diễn, hay cử hành Thánh Lễ theo cách thức của những nghi thức khác, nhất là ngoại đạo.
Sau cùng, phải rất nghiêm khắc lên án sự lạm dụng đưa vào trong cử hành Thánh Lễ những yếu tố nghịch lại với những quy định của các sách phụng vụ, những yếu tố được vay mượn từ các nghi lễ thuộc các tôn giáo khác.

Hồng y Francis ARINZE
Bộ Trưởng
+ Domenico SORRENTINO
Tổng Giám Mục Thư Ký


 

[123] x. Bộ Giáo Luật, can. 924 § 2 : Sách Lễ Rôma, Quy chế tổng quát, n. 320.
[124] x. Bộ Kỷ Luật Bí Tích, Huấn thị Dominus Salvator noster, 26/3/1929, n. 1.
[125] x. ibidem, n. II.
[126] x. Sách Lễ Rôma, Quy chế tổng quát, n. 321.
[127] x. Lc 22, 18 ; Bộ Giáo Luật, can. 924 §§ 1, 3 ; Sách Lễ Rôma, Quy chế tổng quát, n. 322.
[128] x. Sách Lễ Rôma, Quy chế tổng quát, n. 323.
[129] Đức Gioan-Phaolô II, Tông thư Vicesimus quintus annus, n. 13.
[130] Bộ Bí Tích và Phụng Tự, Huấn thị Inaestimabile donum, n. 5.
[131] x. Đức Gioan-Phaolô II, Thông điệp Ecclesia de Eucharistia, n. 28 : AAS 95 (2003) p. 452 ; Sách Lễ Rôma, Quy chế tổng quát, n. 147 ; Bộ Phụng Tự, Huấn thị Liturgicae instaurationes, n. 4 (1970) ; Bộ Bí Tích và Phụng Tự, Huấn thị Inaestimabile donum, n. 4 (1980).
[132] Sách Lễ Rôma, Quy chế tổng quát, n. 32.
[133] Ibidem, n. 147 ; cf. Đức Gioan-Phaolô II, Thông điệp Ecclesia de Eucharistia, n. 28 : AAS 95 (2003) p. 452 ; x. Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích, Huấn thị Inaestimabile donum, n. 4.
[134] Đức Gioan-Phaolô II, Thông điệp Ecclesia de Eucharistia, n. 39.
[135] x. Bộ Phụng Tự, Huấn thị Liturgicae Instaurationes, n. 2b.
[136] x. Sách Lễ Rôma, Quy chế tổng quát, nn. 356-362.
[137] x. Công Đồng Chung Vatican II, Hiến chế về Phụng vụ Sacro-sanctum Concilium, n. 51.
[138] Sách Lễ Rôma, Quy chế tổng quát, n. 57 ; x. Đức Gioan-Phaolô II, Tông thư Vicesimus quintus annus, n. 13 (1989) ; Bộ Giáo Lý Đức Tin, Tuyên ngôn về tính duy nhất và tính phổ quát cứu độ của Đức Giêsu Kitô và của Giáo Hội, Dominus Iesus, 6/8/2000.
[139] Sách Lễ Rôma, Quy chế tổng quát, n. 60
[140] x. ibidem, nn. 59-60.
[141] x. chẳng hạn Rituale Romanum, được canh tân theo nghị quyết của Thánh Công Đồng Chung Vaticanô II, được Đức thánh cha Phaolô VI công bố và được Đức Gioan-Phaolô II phê chuẩn, Nghi Thức Hôn Phối, ấn bản mẫu thứ hai, ngày 19/3/1990, Typis Polyglottis Vaticanis, 1991, n. 125 ; Rituale Romanum, được thực hiện theo nghị quyết của Thánh Công Đồng Chung Vaticanô II, được Đức thánh cha Phaolô VI công bố : Nghi Thức Xức Dầu Bệnh Nhân và chăm sóc cho họ theo mục vụ, ấn bản mẫu, ngày 7/12/1972, Typis Polyglottis Vaticanis, 1972, n. 72.
[142] x. Bộ Giáo Luật, can. 767 § 1.
[143] x. Sách Lễ Rôma, Quy chế tổng quát, n. 66 ; cf. Bộ Giáo Luật, can. 6 §§ 1, 2 ; và can. 767 § 1, x. Bộ Giáo Sĩ và các cơ quan khác, Huấn thị Ecclesiae de mysterio, Dispositions pratiques, art. 3 § 1 (1997).
[144] SLR, Quy chế tổng quát, n. 66 ; x. Bộ Giáo Luật, can. 767 § 1.
[145] x. Bộ Giáo Sĩ và các cơ quan khác, Huấn thị Ecclesiae de mysterio, Những dự định thực hành, art. 3 § 1 ; cf. Bộ Giáo Luật, can. 6 §§ 1, 2 ; Hội Đồng Giáo Hoàng về Giải Thích các văn bản Luật, Responsio ad propositum dubium, 20/6/1987.
[146] x. Bộ Giáo Sĩ và các cơ quan khác, Huấn thị Ecclesiae de mysterio, Những dự định thực hành, art. 3 § 1.
[147] x. Công Đồng chung Trente, Khoá XXII, 17/9/1562, Giáo lý về Hy Tế cực thánh Thánh Lễ, chap. 8 : DS 1749 ; SLR, Quy chế tổng quát, n. 65.
[148] x. Đức Gioan-Phaolô II, Huấn từ cho các giám mục Hoa Kỳ dịp “ad limina Apostolorum”, 28/5/1993, n. 2 : AAS 86 (1994) p. 330.
[149] x. Bộ Giáo Luật, can. 386 § 1.
[150] x. Sách Lễ Rôma, Quy chế tổng quát, n. 73.
[151] x. ibidem, n. 154.
[152] x. ibidem, nn. 82, 154.
[153] x. ibidem, n. 83.
[154] x. Bộ Phụng Tự, Huấn thị Liturgicae instaurationes, n. 5.
[155] x. Sách Lễ Rôma, Quy chế tổng quát, nn. 83, 240, 321.
[156] x. Bộ Giáo Sĩ và các cơ quan khác, Huấn thị Ecclesiae de mysterio, Những dự định thực hành, art. 3 § 2 (1997).
[157] x. đặc biệt Quy chế tổng quát Các Giờ Kinh Phụng Vụ, nn. 93-98 ; Rituale Romanum, được thực hiện theo nghị quyết của Thánh Công Đồng Chung Vaticanô II, được Đức Gioan-Phaolô II công bố : De Benedictionibus, ấn bản mẫu, ngày 31/5/1984, Những điều cần biết trước, n. 28 ; Nghi Thức đội triều thiên tượng Đức Trinh Nữ Maria, ấn bản mẫu, ngày 25/3/1981, nn. 10 và 14, pp. 10-11 ; Bộ Phụng Tự, Huấn thị cho các Thánh Lễ nhóm Actio pastoralis, 15/5/1969 ; Kim chỉ nam các Thánh Lễ cho trẻ em Pueros baptizatos, 1/11/1973 ; QCTQ/SLR, n. 21.
[158] x. Đức Gioan-Phaolô II, Tông thư dưới hình thức tự sắc Misericordia Dei, 7/4/ 2002, n. 2 ; x. Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích, Responsa ad dubia proposita : Notitiae 37 (2001) pp. 259-260.
[159] x. Bộ Phụng Tự, Huấn thị Liturgicae instaurationes, n. 9.

© 2016 Dongthanhthe.net. All rights reserved.