Chương I
VIỆC ĐIỀU HÀNH PHỤNG VỤ THÁNH
14. “Việc điều hành Phụng Vụ thánh chỉ tùy thuộc thẩm quyền của Giáo Hội mà thôi : nghĩa là thuộc quyền Tông Toà và, chiếu theo quy tắc luật pháp, cũng thuộc quyền Giám Mục”[34].
15. Đức Giáo Hoàng, là đấng “Đại Diện Chúa Kitô và là Chủ Chăn của toàn thể Giáo Hội trên trần gian, do uy lực của nhiệm vụ, ngài có một quyền bính thông thường, tối cao, trọn vẹn, trực tiếp và phổ quát trong Giáo Hội, và ào giờ ngài cũng được tự do thi hành quyền bính ấy”[35], đặc biệt bắng cách thông truyền với các mục tử và các tín hữu.
16. Tông Toà có thẩm quyền tổ chức Phụng Vụ thánh của Giáo Hội toàn cầu, xuất bản các sách phụng vụ, công nhận các bản dịch của chúng sang các ngôn ngữ bản xứ và chăm chú theo dõi để những quy tắc phụng vụ được trung thực tuân giữ khắp nơi, đặc biệt là những quy tắc đặt quy chế cho việc cử hành Hy Tế Thánh Lễ.[36]
17. Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích “chăm lo, trừ những gì thuộc thẩm quyền của Bộ Giáo Lý Đức Tin, tất cả những gì thuộc Tông Toà về mặt quy định và xúc tiến thuộc Phụng Vụ thánh, và trước hết về các bí tích. Bộ giúp đỡ và chăm lo về kỷ luật các bí tích, đặc biệt là tính thành sự và hợp pháp của việc cử hành các bí tích”. Sau cùng, “Bộ ân cần chăm chú theo dõi để các quy định về phụng vụ được tuân giữ cách chính xác, để các lạm dụng trong lãnh vực này được cản ngăn và những lạm dụng bị phát hiện được chấm dứt”[37]. Trong lãnh vực này, theo truyền thống của cả Giáo Hội, việc cử hành Thánh Lễ và việc tôn thờ Phép Thánh Thể Chí Thánh, cả khi ngoài Thánh Lễ, được quan tâm một cách đặc biệt.
18. Các tín hữu có quyền đòi hỏi thẩm quyền Giáo Hội điều hành hoàn toàn Phụng Vụ thánh một cách có hiệu lực, để Phụng Vụ thánh không bao giờ được coi là “tài sản riêng của một người nào, không phải của vị chủ tế cũng không phải cộng đoàn nơi đó cử hành các Mầu Nhiệm”[38].
1. GIÁM MỤC GIÁO PHẬN, THƯỢNG TẾ CỦA ĐÀN CHIÊN
19. Giám Mục giáo phận là người phân phát chính yếu các Mầu Nhiệm của Thiên Chúa trong Giáo Hội địa phương được ủy thác cho ngài, là người tổ chức, chủ xướng và gìn giữ cả đời sống phụng vụ.[39] Quả thực, “Giám Mục, được nhận đầy đủ bí tích Truyền Chức thánh, lãnh trách nhiệm phân phát ân sủng của chức tư tế tối cao”[40], đặc biệt là trong Phép Thánh Thể mà chính ngài dâng hoặc đảm bảo cho việc hiến dâng,[41] và từ đó liên tục phát sinh cho Giáo Hội sức sống và tăng trưởng”[42].
20. Giáo Hội được biểu lộ nhất là mỗi khi Thánh Lễ được cử hành trọng thể, chủ yếu là tại nhà thờ chánh toà, “cùng với toàn thể dân thánh Thiên Chúa tham dự trọn vẹn và linh động, […] trong cùng một kinh nguyện, trước cùng một bàn thờ dưới sự chủ toạ của giám mục”, có linh mục đoàn, các phó tế và những thừa tác viên khác bao quanh.[43] Hơn nữa, “mọi việc cử hành hợp pháp Phép Thánh Thể đều do Giám mục điều khiển, vì ngài là người lãnh nhận nhiệm vụ dâng lên Tôn Nhan uy nghi Chúa phụng tự Kitô-giáo và có phận sự điều hành việc phụng tự đó theo đúng huấn giới của Chúa và lề luật của Giáo Hội. Ngài dùng phán quyết riêng để đem lại cho những lề luật đó những quy định mới phù hợp với giáo phận mình”[44].
21. Quả thực, “Giám Mục giáo phận có quyền ban hành các quy luật về phụng vụ, buộc mọi người phải giữ, trong Giáo Hội đã được uỷ thác cho ngài và trong giới hạn thẩm quyền của ngài”[45]. Nhưng, Giám Mục phải luôn luôn chăm lo đừng làm mất sự tự do, đã được các sách phụng vụ dự liệu, để thích ứng, một cách sáng suốt, việc cử hành vào cơ cấu thánh, hay vào nhóm tín hữu, hay là vào các hoàn cảnh mục vụ, để thế nào toàn bộ nghi lễ thánh được thực sự thích nghi vào tâm thức của con người.[46]
22. Giám Mục điều khiển Giáo Hội địa phương đã được ủy thác cho mình,[47] và, thi hành chức vụ thánh mà ngài đã lãnh nhận khi được truyền chức giám mục,[48] nên ngài có nhiệm vụ đưa vào nề nếp, điều khiển, động viên và đôi khi quở trách,[49] để xây dựng đoàn chiên trong chân lý và thánh thiện.[50] Ngài có nhiệm vụ giải thích ý nghĩa thực sự của các nghi lễ và các bản văn phụng vụ, và chính ngài có nhiệm vụ phải nuôi dưỡng các linh mục, phó tế và giáo dân tinh thần của Phụng Vụ thánh,[51] để tất cả họ đều được hướng dẫn đến một việc cử hành Phép Thánh Thể cách tích cực và có hiệu quả.[52] Sau cùng, Giám Mục cũng phải chăm chú theo dõi để toàn thân của Giáo Hội có thể được phát triển toàn bộ, trong sự hiệp nhất yêu thương về các mặt giáo phận, quốc gia và toàn cầu.[53]
23. Các tín hữu “phải gắn bó với Giám Mục như Giáo Hội gắn bó với Chúa Giêsu-Kitô và như Chúa Giêsu-Kitô gắn bó với Chúa Cha, để mọi sự đều hòa hợp trong sự hiệp nhất và trở nên phong phú cho vinh quang Thiên Chúa”[54]. Tất cả, kể cả các thành viên của các Hội Dòng thánh hiến và Tu Hội tông đồ, cũng như các đoàn thể và các phong trào thuộc giáo hội, phải phục tùng quyền của Giám Mục giáo phận về tất cả những gì liên quan đến Phụng Vụ,[55] ngoại trừ những quyền đã được nhượng cho họ một cách hợp pháp. Như vậy, Giám Mục giáo phận có quyền và có bổn phận quan tâm giám sát về mặt phụng vụ, và, với danh nghĩa này, ngài viếng thăm các nhà thờ và nhà nguyện nằm trên lãnh thổ của ngài, kể cả những nhà thờ, nhà nguyện được xây dựng và điều khiển bởi các thành viên của các hội nói trên, nếu các tín hữu thường ngày lui tới.[56]
24. Về phần mình, dân Kitô-giáo có quyền đòi hỏi Giám Mục giáo phận chăm chú theo dõi các lạm dụng len lỏi vào kỷ luật giáo hội, nhất là về những gì liên quan đến tác vụ Lời Chúa, đến việc cử hành các bí tích và á-bí-tích, đến việc phụng thờ Thiên Chúa và tôn kính các thánh.[57]
25. Các uỷ ban, các hội đồng hay các ban được Giám Mục thành lập nhằm mục đích “xúc tiến hoạt động phụng vụ, cũng như âm nhạc và nghệ thuật thánh trong giáo phận của ngài”, phải hành động hợp với tư tưởng và quy tắc của Giám Mục, và họ phải dựa vào uy quyền và sự phê chuẩn của ngài mà thi hành cách đúng đắn các chức năng riêng biệt của mình,[58] và để đảm bảo uy quyền bính đích thực của Giám Mục trong giáo phận của ngài. Về vấn đề của tất cả những nhóm này, của những hội dòng khác, và của tất cả những ai, cách chung, có những sáng kiến trong lãnh vực phụng vụ, các Giám Mục phải khẩn trương tìm hiểu xem các sinh hoạt của họ, đến bây giờ, đã có hiệu quả hay không [59]; và phải quan tâm phân nhận được những gì phải sửa chữa hay phải cải thiện trong các cấu trúc và sinh hoạt của họ,[60] để đạt được một sức mạnh mới. Luôn luôn phải nhớ rằng các chuyên viên phải được tuyển chọn trong số những người chứng tỏ sự vững vàng trong đức tin công giáo và được chuẩn bị kỹ càng trong những lãnh vực thần học và văn hoá.
2. HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC
26. Những gì khẳng định trước đây cũng có giá trị cho các uỷ ban phụng vụ, mà, theo lời yêu cầu của Công Đồng,[61] đã được Hội Đồng Giám Mục thành lập. Các thành viên của các uỷ ban này phải là những vị Giám mục, phải được phân biệt rõ ràng với các chuyên viên đến hợp tác với các ngài. Trong trường hợp số các thành viên của Hội Đồng Giám Mục không đủ, và do đó việc thành lập uỷ ban phụng vụ trở nên khó khăn, phải chỉ định một hội đồng hay một nhóm chuyên viên luôn luôn phải được đặt dưới quyền chủ tịch của một Giám mục ; tuy nhiên, trong khi làm tròn các tốt nhất trách nhiệm của mình, hội đồng này hay nhóm chuyên viên này phải tránh mang danh “uỷ ban phụng vụ”.
27. Từ năm 1970,[62] Tông Toà đã cho biết tất cả những thí nghiệm phụng vụ liên quan đến việc cử hành Thánh Lễ phải chấm dứt, và Tông Toà đã lặp lại cấm chỉ này vào năm 1988.[63] Do đó, mỗi Giám mục riêng biệt, cũng như các Hội Đồng Giám Mục, không còn có trường hợp nào mà có quyền cho phép các thí nghiệm liên quan đến các bản văn phụng vụ và những điều khác được ấn định trong các sách phụng vụ. Trong tương lai, để có thể làm những thí nghiệm loại này, cần thiết phải được Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích cho phép ; Bộ này sẽ cho phép bằng văn bản, theo lời thỉnh cầu của các Hội Đồng Giám Mục. Một sự nhượng bộ như thế chỉ có thể chấp nhận cho một nguyên nhân nghiêm trọng. Còn những gì liên quan đến các dự án hội nhập văn hoá trong lãnh vực phụng vụ, phải tuân thủ một cách chặt chẽ và toàn bộ các quy tắc đặc biệt được thiết lập cho việc này.[64]
28. Tất cả những quy tắc liên quan đến phụng vụ, do một Hội Đồng Giám Mục thiết lập, theo những quy tắc của luật pháp, cho lãnh thổ riêng của mình, cần phải được trình lên Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích để phê chuẩn (recognitio), nếu không, chúng không có một tính cách bó buộc nào.[65]
3. CÁC LINH MỤC
29. Các linh mục, những người cộng tác trung thành, chín chắn và cần thiết của hàng giám mục,[66] được kêu gọi phục vụ dân Thiên Chúa, và cùng với Giám mục của mình hợp thành một linh-mục-đoàn (presbyterium) duy nhất [67] với nhiều phận vụ khác nhau. “Trong mỗi cộng đoàn tín hữu địa phương, linh mục là hiện thân của Giám mục mà các ngài hằng liên kết với lòng tin tưởng và quảng đại, lãnh nhận phần chức vụ và cùng chia sẻ nỗi lo lắng của Giám mục, và hằng ngày ân cần thi hành việc chăm sóc các tín hữu”. Và “vì tham dự vào chức tư tế và sứ vụ của Giám mục, các linh mục phải thực sự xem ngài như cha mình và phải kính cẩn vâng phục ngài”[68]. Vả lại, “luôn mưu cầu ích lợi cho con cái Thiên Chúa, các linh mục phải hăng hái tham gia công cuộc mục vụ của cả giáo phận, hơn nữa của toàn thể Giáo Hội”[69].
30. “Trong việc cử hành thánh lễ”, trách nhiệm nặng nề thuộc về “các linh mục cách riêng, vì các ngài phải chủ toạ in persona Christi (trong tư cách của Đức Kitô), trách nhiệm làm chứng và phục vụ cho sự hiệp thông không chỉ của cộng đoàn đang tham dự trực tiếp vào buổi cử hành, nhưng còn của Giáo Hội hoàn vũ, vốn là thành phần của mọi cử hành Phép Thánh Thể. Phải lấy làm tiếc, nhất là từ những năm sau cuộc cải tổ phụng vụ hậu-công-đồng, vì nhận thức lệch lạc về tính sáng tạo và thích nghi, mà đã có một số lạm dụng gây nên đau khổ cho nhiều người”[70].
31. Theo lời cam kết trong nghi lễ Truyền Chức Thánh và hằng năm được lặp lại trong Lễ Dầu, các linh mục phải cử hành “cách sốt sắng và trung thành các mầu nhiệm của Đức Kitô, đặc biệt nhất là trong Hy Tế Thánh Thể và bí tích hoà giải, theo truyền thống của Giáo Hội, để ca tụng Thiên Chúa và thánh hoá dân kitô-hữu”[71]. Như thế, các ngài không được làm cạn đi ý nghĩa sâu sắc của sứ vụ đặc thù của mình, mà làm biến dạng một cách tuỳ tiện việc cử hành phụng vụ bằng những thay đổi, những bỏ sót hay những phần thêm thắt.[72] Quả nhiên, như lời thánh Ambrôsiô : “Giáo Hội không bị thương tổn nơi mình, [….] nhưng nơi chúng ta. Vậy, chúng ta hãy coi chừng đừng làm Giáo Hội bị thương tổn do lỗi của chúng ta”[73]. Vậy, phải ân cần đừng để Giáo Hội của Thiên Chúa bị các linh mục làm tổn thương, các ngài là những người đã tự hiến chính mình cho sứ vụ một cách trọng thể như thế. Trái lại, các ngài phải ân cần theo dõi một cách trung thành, dưới quyền của Giám mục, đừng để những người khác mắc phạm những hành động như thế làm biến dạng phụng vụ.
32. “Cha quản xứ cố gắng để Phép Thánh Thể Chí Thánh trở nên trung tâm của cộng đoàn giáo xứ ; ngài cố gắng làm cho tín hữu được hướng dẫn và nuôi dưỡng nhờ việc cử hành sốt sắng các bí tích và đặc biệt họ thường xuyên lãnh nhận Thánh Thể và bí tích thống hối ; ngài cũng hãy cố gắng hướng dẫn các tín hữu biết cầu nguyện, kể cả việc cầu nguyện trong gia đình, và biết tham dự cách ý thức và tích cực vào Phụng Vụ thánh mà, chính ngài với tư cách là quản xứ, dưới quyền của Giám mục giáo phận, phải lo điều hành trong giáo xứ mình và phải theo dõi đừng để xảy ra những lạm dụng”[74]. Để chuẩn bị một cách thoả đáng các cử hành phụng vụ, đặc biệt là Thánh Lễ, cha quản xứ nên nhờ nhiều tín hữu khác giúp mình ; tuy nhiên, không một trường hợp nào ngài được nhường cho họ những gì thuộc riêng phần sứ vụ của ngài về mặt phụng vụ.
33. Sau hết, tất cả “các linh mục phải chăm lo trau dồi kiến thức và nghệ thuật phụng vụ, để nhờ việc các ngài thi hành phụng vụ mà những cộng đoàn kitô-hữu được trao phó cho các ngài biết ca ngợi Thiên Chúa là Cha và Con và Thánh Thần mỗi ngày một hoàn hảo hơn”[75]. Nhất là, các ngài phải thấm nhuần những tâm tình khâm phục và kinh ngạc, mà mầu nhiệm vượt qua, cử hành trong Thánh Thể, làm nảy sinh trong lòng các tín hữu.[76]
4. CÁC PHÓ TẾ
34. Các phó tế, “những người được đặt tay không phải để lãnh nhận chức tư tế, mà là để phục vụ”[77], phải là những người có danh thơm tiếng tốt,[78] và phải ăn ở thế nào để, nhờ ơn Thiên Chúa giúp, các thầy được nhìn nhận là những môn đệ đích thật của Đấng,[79] “đã đến không phải để được phục vụ, nhưng để phục vụ”[80] và đã ở giữa các môn đệ của mình “như người phục vụ”[81]. Hơn nữa, các phó tế được thêm mạnh sức nhờ ơn Chúa Thánh Thần mà các thầy đã lãnh nhận bằng việc đặt tay, để phục vụ dân Thiên Chúa, trong sự hiệp thông với Giám mục và linh-mục-đoàn của ngài.[82] Cho nên, các thầy phải xem Giám mục như một người cha, và phải giúp đỡ ngài cũng như giúp các linh mục “trong thừa tác vụ rao giảng lời, bàn thờ và bác ái”[83].
35. Các thầy không bao giờ được bỏ qua “như lời Thánh Tông Đồ nói, mà không gìn giữ mầu nhiệm đức tin trong một lương tâm trong sạch,[84] và không công bố đức tin này bằng lời nói và hành động của mình, trung thành với Tin Mừng và với truyền thống của Giáo Hội”[85], bằng cách phục vụ hết lòng, trung thực và khiêm nhượng, Phụng Vụ thánh như nguồn suối và tột đỉnh của đời sống Giáo Hội, “để mọi người, nhờ đức tin và phép rửa, trở nên con cái Thiên Chúa, cùng nhau quy tụ ngợi khen Thiên Chúa giữa lòng Giáo Hội, thông phần Hiến Tế và ăn Tiệc của Chúa”[86]. Như vậy, tất cả các phó tế, mỗi người cho phần vụ của mình, bắt buộc phải làm thế nào để Phụng Vụ thánh được cử hành theo các quy tắc có trong các sách phụng vụ đã được phê chuẩn hợp lệ.
Hồng y Francis ARINZE
Bộ Trưởng
+ Domenico SORRENTINO
Tổng Giám Mục Thư Ký
[34] Công Đồng Chung Vatican II Hiến chế về Phụng vụ Sacrosanctum Concilium, n. 22 § 1. x. Bộ Giáo Luật, can. 838 § 1.
[35] Bộ Giáo Luật, can. 331 ; x. Công Đồng Chung Vatican II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium, n. 22.
[36] x. Bộ Giáo Luật, can. 838 § 2.
[37] Đức Gioan-Phaolô II, Tông hiến Pastor bonus, 28/6/1988 ; ở đây art. 62, 63 và 66.
[38] x. Đức Gioan-Phaolô II, Thông điệp Ecclesia de Eucharistia, n. 52.
[39] x. Công Đồng Chung Vatican II, Sắc lệnh về nhiệm vụ mục tử của các Giám Mục trong Giáo Hội Christus Dominus, 28/10/1965, n. 15 ; x. Hiến chế về Phụng vụ Sacrosanctum Concilium, n. 41 ; Bộ Giáo Luật, can. 387.
[40] Lời nguyện phong chức giám mục trong nghi lễ byzantin : Euchologion to mega, Rome, 1873, p. 139.
[41] x. Thánh Inhaxiô thành Antiôkia, Ad Smyrn. 8, 1 : ed. F.X. Funk, I, p. 282.
[42] Công Đồng Chung Vatican II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium, n. 26 ; x. Thánh Bộ Nghi Lễ, Huấn thị Eucharisticum mysterium, n. 7 ; x. Đức Gioan-Phaolô II, Tông huấn Pastores gregis, 16/10/2003, nn. 32-41.
[43] x. Công Đồng Chung Vatican II, Hiến chế về Phụng vụ Sacrosanctum Concilium, n. 41 ; x. Thánh Inhaxiô thành Antiôkia, Ad Magn. 7 ; Ad Philad. 4 ; Ad Smyrn. 8 : ed. F.X. FUNK, I, pp. 236, 266, 281 ; Sách Lễ Rôma, Quy chế tổng quát, n. 22 ; x. Bộ Giáo Luật, can. 389.
[44] Công Đồng Chung Vatican II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen gentium, n. 26.
[45] Bộ Giáo Luật, Can. 838 § 4.
[46] x. Hội Đồng thực thi Hiến chế Phụng Vụ, Dubium : Notitiae 1 (1965) p. 254.
[47] x. Ac 20, 28 ; Công Đồng Chung Vatican II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen gentium, nn. 21 và 27 ; Sắc lệnh về nhiệm vụ mục tử của các Giám Mục trong Giáo Hội Christus Dominus, n. 3.
[48] x. Công Đồng Chung Vatican II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen gentium, n. 21 ; Sắc lệnh về nhiệm vụ mục tử của các Giám Mục trong Giáo Hội Christus Dominus, n. 3.
[49] x. Bộ Phụng Tự, Huấn thị Liturgicae instaurationes, 5/7/1970.
[50] x. Caeremoniale Episcoporum, được thực hiện theo nghị quyết của Thánh Công Đồng Chung Vaticanô II, được Đức Gioan-Phaolô II công bố, ấn bản mẫu, 14/9/1984, Typis Polyglottis Vaticanis, 1985, n. 10.
[51] x. Sách Lễ Rôma, Quy chế tổng quát, n. 387.
[52] x. ibidem, n. 22.
[53] x. Bộ Phụng Tự, Huấn thị Liturgicae instaurationes 5/7/1970.
[54] Công Đồng Chung Vatican II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen gentium, n. 27 ; x. 2 Cr 4,15.
[55] x. Bộ Giáo Luật, can. 397 § 1 ; 678 § 1.
[56] x. ibidem, can. 683 § 1.
[57] x. ibidem, can. 392.
[58] x. Đức Gioan-Phaolô II, Tông thư Vicesimus quintus annus, n. 21 ; Công Đồng Chung Vatican II, Hiến chế về Phụng vụ Sacrosanctum Concilium, nn. 45-46 ; Đức Piô XII, Thông điệp Mediator Dei.
[59] x. Đức Gioan-Phaolô II, Tông thư Vicesimus quintus annus, n. 20.
[60] x. ibidem.
[61] x. Công Đồng Chung Vatican II, Hiến chế về Phụng vụ Sacrosanctum Concilium, n. 44 ; Bộ Giám Mục, Thư gửi các Chủ tịch HĐGM, cũng được gửi nhân danh Bộ Phúc Âm Hóa các Dân Tộc, 21/6/1999, n. 9.
[62] x. Bộ Phụng Tự, Huấn thị Liturgicae instaurationes, n. 12.
[63] x. Bộ Phụng Tự, Tuyên ngôn về các Kinh Nguyện Thánh Thể …, 21/3/1988.
[64] x. Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích, Huấn thị Varietates legitimae (1994).
[65] x. Bộ Giáo Luật, can. 838 § 3 ; Thánh Bộ Nghi Lễ, Huấn thị Inter Oecumenici, 26/9/1964, n. 31 ; Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích, Huấn thị Liturgiam authenticam, nn. 79-80.
[66] x. Công Đồng Chung II, Sắc lệnh về chức vụ và đời sống các linh mục Presbyterorum ordinis, 7/12/1965, n. 7 ; Pontificale Romanum, ed. 1962 : Nghi Thức phong chức linh mục, lời tiền tụng ; Pontificale Romanum, được canh tân theo nghị quyết của Thánh Công Đồng Chung Vaticanô II, được Đức thánh cha Phaolô VI xuất bản và được Đức Gioan-Phaolô II phê chuẩn : Nghi Thức Phong Chức Giám Mục, linh mục và phó tế, ấn bản mẫu thứ hai, 29/6/1989, Typis Polyglottis Vaticanis, 1990, ch. II, Nghi Thức Phong Chức linh mục, Những điều cần biết trước, n. 101.
[67] x. Inhaxiô thành Antiôkia, Ad Philad. 4 : ed. F.X. Funk, I, p. 266 ; Thánh Cornêliô I giáo hoàng, trích dẫn bởi thánh Cyprianô, Epist. 48, 2 : ed G. Hartel, III, 2, p. 610.
[68] Công Đồng Chung Vatican II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen gentium, n. 28.
[69] Ibidem.
[70] Đức Gioan-Phaolô II, Tđ Ecclesia de Eucharistia, n. 52 ; x. n. 29.
[71] Pontificale Romanum, Nghi Thức Phong Chức Giám Mục, linh mục và phó tế, ấn bản mẫu thứ hai : Nghi Thức Phong Chức linh mục, n. 124 ; x. Sách Lễ Rôma, Thứ Năm Tuần Thánh : Lễ Dầu, Các linh mục lặp lại lời hứa.
[72] x. Công Đồng Chung Trente, khóa VII, 3/3/1547, Sắc lệnh về các bí tích, can. 13 : DS 1613 ; Công Đồng Chung Vatican II, Hiến chế về Phụng vụ Sacrosanctum Concilium, n. 22 ; Đức Piô XII, Thông điệp Mediator Dei ; Bộ Giáo Luật, can. 846 § 1 ; Sách Lễ Rôma, Quy chế tổng quát, n. 24.
[73] Thánh Ambrôsiô, De Virginitate, n. 48 : PL 16, 278.
[74] Bộ Giáo Luật, can. 528 § 2.
[75] Công Đồng Chung Vatican II, Sắc lệnh về chức vụ và đời sống các linh mục Presbyterorum ordinis, n. 5.
[76] x. Đức Gioan-Phaolô II, Thông điệp Ecclesia de Eucharistia, n. 5.
[77] Công Đồng Chung Vatican II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen gentium, n. 29 ; x. Constitutiones Ecclesiae Aegypticae, III, 2 : ed F.X. Funk, Didascalia, II, p. 103 ; Statuta Ecclesiae Ant., 37-41 : Ed. D. Mansi 3, 954.
[78] x. Cv 6,3.
[79] x. Ga 13,35.
[80] Mt 20,28.
[81] Lc 22,27.
[82] x. Caeremoniale Episcoporum, nn. 9, 23 ; x. Công Đồng Chung Vatican II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen gentium, n. 29.
[83] x. Pontificale Romanum, Nghi Thức Phong Chức Giám Mục, linh mục và phó tế, ấn bản mẫu thứ hai, ch. III, Nghi Thức Phong Chức phó tế, n. 199.
[84] x. 1 Tm 3,9.
[85] x. Pontificale Romanum, Nghi Thức Phong Chức Giám Mục, linh mục và phó tế, ấn bản mẫu thứ hai, ch. III, Nghi Thức Phong Chức phó tế, n. 200.
[86] Công Đồng Chung Vatican II, Hiến chế về Phụng vu thánh Sacrosanctum Concilium, n. 10.