Chương II
SỰ THAM DỰ CỦA GIÁO DÂN
VÀO VIỆC CỬ HÀNH BÍ TÍCH THÁNH THỂ
1. MỘT SỰ THAM DỰ TÍCH CỰC VÀ Ý THỨC
36. Việc cử hành Thánh Lễ, như là hành động của Đức Kitô và của Giáo Hội, là trung tâm của cả đời sống kitô-hữu đối với Giáo Hội hoàn vũ cũng như địa phương, và đối với mỗi người tín hữu,[87] “mà nó có liên quan cách khác nhau với từng chi thể, tuỳ theo khác biệt về phẩm trật, phận vụ và sự tham dự sống động.[88] Bằng cách này, dân kitô-hữu, “là dòng giống được lựa chọn, là tư tế vương giả, là chủng tộc thánh thiện, là dân được cứu chuộc”[89] biểu lộ sự kết hợp chặt chẽ và cách tổ chức phẩm trật của nó”[90]. Chức tư tế chung của các tín hữu và chức tư tế thừa tác hay phẩm trật, tuy khác nhau không chỉ về cấp bậc mà còn về yếu tính, song cả hai bổ túc cho nhau ; thực vậy, cả hai, đều tham dự vào chức tư tế duy nhất của Chúa Kitô theo cách thức riêng của mình”[91].
37. Nhờ phép rửa, mọi tín hữu của Đức Kitô được giải thoát khỏi tội lỗi của mình và sáp nhập vào Giáo Hội ; vậy do ấn tích của phép rửa, họ được cử vào việc phượng tự của Kitô-giáo,[92] để, căn cứ vào chức tư tế vương giả,[93] kiên trì cầu nguyện và ca ngợi Thiên Chúa,[94] họ dâng hiến chính con người mình làm lễ vật sống động, thánh thiện, làm vui lòng Thiên Chúa và chứng thực một tiến vật như thế bằng tất cả việc làm của họ.[95] Họ làm chứng cho Chúa Kitô khắp nơi trên thế giới, và, trước mọi người chất vấn họ, họ không ngần ngại trình bày về niềm tin của họ về một đời sống bất diệt.[96] Do đó, chính việc tham dự của giáo dân vào việc cử hành Thánh Thể và những nghi lễ khác của Giáo Hội không thể chỉ là một sự kiện đơn thuần, hơn nữa thụ động, nhưng nó phải được coi là một sự luyện tập thật sự của đức tin và phẩm cách của phép rửa.
38. Giáo lý không thay đổi của Giáo Hội về bản tính của Phép Thánh Thể, được xem chẳng những như là một bữa tiệc, mà còn và trước hết là một hy tế, một cách chính xác được coi như là một trong những chìa khoá chính để hiểu và thực hiện việc tham gia đầy đủ của tất cả các tín hữu vào một Bí Tích cao trọng dường ấy.[97] “Bỏ đi giá trị hy tế của nó, Thánh Thể chỉ có ý nghĩa và giá trị của một cuộc gặp gỡ thân hữu trong một bữa tiệc thông thường mà thôi”[98].
39. Để xúc tiến và biểu lộ việc các tín hữu tham dự cách tích cực, việc canh tân các sách phụng vụ mới đây, theo những ý định của Công Đồng, đã góp phần phát triển các lời tung hô của dân chúng, những lời đáp, việc hát thánh vịnh, các điệp ca, các bài hát, cũng như những hành động hay cử điệu, và những tư thế của thân thể, và việc canh tân đó đã quan tâm ấn định việc thinh lặng thánh khi cần thiết, đồng thời cũng dự trù, trong phần chữ đỏ, những phần thuộc về các tín hữu.[99] Hơn nữa, có dành một phần rộng rãi để tự do thích nghi hợp thời, được căn cứ trên nguyên tắc là mỗi cử hành phải được thích ứng với nhu cầu của người tham dự, cũng như với khả năng của họ, với sự chuẩn bị nội tâm và tài năng riêng của họ. Trong mỗi cử hành, có rất nhiều khả năng để lựa chọn các bài hát, các giai điệu, các lời nguyện và các bài đọc kinh thánh, cũng như trong khuôn khổ bài giảng lễ, trong việc soạn thảo kinh nguyện của các tín hữu, trong những lời huấn dụ đôi khi được công bố, và trong việc trang hoàng nhà thờ theo mùa phụng vụ. Những yếu tố này phải góp phần làm nổi bật cách rõ ràng hơn sự phong phú của truyền thống phụng vụ, và, luôn chú trọng đến các nhu cầu mục vụ, chúng góp phần cẩn thận mang đến một ý nghĩa đặc biệt cho việc cử hành, nhằm mục đích giúp cho tham dự nội tâm. Tuy nhiên, phải nhớ rằng hiệu quả các hành động phụng vụ không nằm trong việc thay đổi thường xuyên các nghi lễ, nhưng thực ra trong việc đào sâu lời Thiên Chúa và mầu nhiệm được cử hành.[100]
40. Dù không thể chối cãi rằng việc cử hành phụng vụ có đặc tính là việc tham dự của các tín hữu phải tích cực, nhưng không phải do đó cần thiết mọi người, theo nghĩa cụ thể, phải làm cái gì khác hơn những cử điệu và tư thế thân thể đã được dự liệu, như là mỗi người cần đảm nhiệm một chức vụ đặc thù trong lãnh vực phụng vụ. Đúng hơn phải làm thế nào, khi dạy giáo lý, ân cần quan tâm sửa chữa các quan niệm và thực hành nông cạn đã phổ biến về chỉ định này ở một số nơi, trong những năm gần đây, và phải làm sao, khi dạy giáo lý, ân cần không ngừng khơi lại nơi các tín hữu ý nghĩa đổi mới của lòng khâm sùng sâu sắc đối với đặc tính cao cả của mầu nhiệm đức tin này, là Phép Thánh Thể. Trên thực tế, trong cử hành Thánh Thể, Giáo Hội không ngừng đi “từ cái cũ đến cái mới”[101]. Quả nhiên, trong cử hành Thánh Thể, cũng như trong cả đời sống kitô-hữu, mà Phép Thánh Thể ban cho sức mạnh và hướng về đó, Giáo Hội, như thánh Tông Đồ Tôma, sụp lạy, phụng thờ Chúa chịu đóng đinh, chịu chết, chịu mai táng và phục sinh “trong sự huy hoàng viên mãn của Thiên Chúa, và Giáo Hội liên tục thốt lên : ‘lạy Chúa tôi và Thiên Chúa tôi’”[102].
41. Để khơi dậy, xúc tiến và làm tăng trưởng ý nghĩa nội tâm của sự tham dự phụng vụ, việc cử hành chuyên cần và kéo dài Giờ Kinh Phụng Vụ tỏ ra rất hữu ích, cũng như việc dùng các á-bí-tích và các việc thuộc lòng đạo đức bình dân Kitô-giáo. Những thực hành đạo đức này, “mang một phẩm cách và tầm quan trọng đặc biệt, tuy theo mặt luật chặt chẽ mà nói, không thuộc Phụng Vụ thánh”, phải được giữ lại vì sự liên hệ của chúng với việc tổ chức phụng vụ, nhất là khi chúng được chính Huấn Quyền phê chuẩn và ca tụng [103]; việc này có giá trị đặc biệt cho chuỗi Mân Côi.[104] Hơn nữa, vì những thực hành đạo đức này đưa dân kitô-hữu năng lui tới các bí tích, nhất là với bí tích Thánh Thể, “cũng như suy gẫm các mầu nhiệm Ơn Cứu Chuộc chúng ta hay noi gương các thánh, chính nhờ đó, chúng góp phần giúp chúng ta tham dự việc phụng tự theo phụng vụ với rất nhiều ơn ích cứu độ”[105].
42. Cần nhìn nhận rằng Giáo Hội không được thành lập bởi quyết định của loài người, nhưng được Thiên Chúa triệu tập trong Chúa Thánh Thần và bằng đức tin, Giáo Hội đáp trả với lời kêu gọi nhưng không của Ngài : quả nhiên, từ ekklesia liên quan đến klesis, có nghĩa là “kêu gọi”[106]. Vậy, người ta không thể kể Hy Tế Thánh Thể theo nguyên nghĩa “đồng tế” của linh mục với dân chúng hiện diện.[107] Trái lại, Thánh Lễ do các linh mục cử hành là một quà tặng “triệt để vượt trội quyền hạn của cộng đoàn [….]. Để thực sự là một cộng đoàn thánh thể, cộng đoàn cùng nhau quy tụ để cử hành Thánh Thể tuyệt đối cần một linh mục đã được truyền chức để chủ toạ. Mặt khác, cộng đoàn không có khả năng tự cung cấp cho mình thừa tác viên có chức thánh”[108]. Tất cả cần phải được khẩn cấp khởi công ngay để loại bỏ mọi nhập nhằng trong lãnh vực này, và sửa chữa các khó khăn nảy sinh trong những năm gần đây. Vì thế, chỉ phải sử dụng cách cẩn thận các từ ngữ như “cộng đoàn đồng tế” (communauté célébrante, assemblée célébrante) được dịch ra trong nhiều ngôn ngữ hiện đại khác bằng những từ “celebrating assembly”, “asamblea celebrante”, “assemblea celebrante”, và những từ khác thuộc loại này.
2. NHỮNG CHỨC NĂNG CỦA GIÁO DÂN TRONG VIỆC CỬ HÀNH THÁNH LỄ
43. Vì lợi ích của cộng đoàn và của toàn thể Giáo Hội Thiên Chúa, thật là công bình và đáng khen, trong hàng giáo dân, có một ít người, theo truyền thống, thi hành một số chức năng trong khuôn khổ của việc cử hành Phụng Vụ thánh.[109] Nên có nhiều người chia sẻ với nhau để chu toàn các chức năng khác nhau, hay những phần khác nhau của cùng một chức năng.[110]
44. Thêm vào các thừa tác vụ giúp lễ và đọc sách được thiết lập,[111] trong những chức năng đặc biệt, được nêu trên đây, có những chức năng của người giúp lễ [112] và người đọc sách,[113] được cử tạm thời, thêm vào đó có những chức năng khác được miêu tả trong Sách Lễ Rôma,[114] và cả những chức năng chuẩn bị bánh lễ, giặt giũ đồ phụng vụ và những chức năng khác tương tự. Để phụng vụ của Giáo Hội được diễn biến cách xứng đáng và thích hợp, tất cả, “thừa tác viên có chức thánh hay giáo dân, khi thực hiện thừa tác vụ hay chức năng của mình, phải làm tất cả những gì thuộc về mình và chỉ những điều ấy mà thôi”[115], trong chính khi cử hành phụng vụ cũng như trong lúc chuẩn bị.
45. Phải tránh mối nguy cơ làm lu mờ tính bổ sung giữa sự hoạt động của các giáo sĩ và sự hoạt động của giáo dân, để phận sự của người giáo dân không bị, như người ta nói, là “giáo sĩ hoá”, và các thừa tác viên có chức thánh, về phần mình, không cáng đáng không đúng luật những gì thuộc riêng về đời sống và hoạt động của giáo dân.[116]
46. Người giáo dân, được kêu gọi phụ giúp trong các cử hành phụng vụ, phải được chuẩn bị hợp lệ và được chọn thể theo đời sống kitô-hữu, đức tin, hạnh kiểm và lòng trung thành của họ đối với Huấn Quyền của Giáo Hội. Nên cho đương sự được đào tạo về mặt phụng vụ thích hợp với lứa tuổi, địa vị, lối sống và trình độ tôn giáo của họ.[117] Đừng chọn bất cứ ai mà việc chỉ định có thể gây ngạc nhiên cho các tín hữu.[118]
47. Hoàn toàn đáng ca ngợi việc duy trì tập quán đặc biệt là sự hiện diện các trẻ em hay các thanh niên - thường được gọi là “người giúp lễ” hay “thiếu nhi cung thánh” -, các em giúp việc bàn thờ như các tá viên giúp lễ, và, tuỳ theo khả năng của chúng, được bồi dưỡng giáo lý thích hợp với công việc của chúng.[119] Đừng quên rằng, trong số các trẻ giúp việc bàn thờ này, suốt bao thế kỷ, đã cho vô số thừa tác viên có chức thánh.[120] Để cung ứng có hiệu quả các nhu cầu mục vụ cho các trẻ giúp việc bàn thờ này, cần thiết lập và xúc tiến cho các em những đoàn thể, và kêu gọi cả cha mẹ các em tham gia và giúp đỡ. Khi các đoàn thể loại này đạt đến chiều kích quốc tế, Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích có nhiệm vụ thiết lập các đoàn thể đó, hay xem xét và phê chuẩn quy chế của chúng.[121] Các thiếu nữ hay các phụ nữ có thể được chấp nhận giúp việc bàn thờ, tuỳ theo sự phán đoán của Giám mục giáo phận ; trong trường hợp này, phải theo các quy tắc được thiết lập về vấn đề này.[122]
Hồng y Francis ARINZE
Bộ Trưởng
+ Domenico SORRENTINO
Tổng Giám Mục Thư Ký
[87] x. ibidem, n. 41 ; Công Đồng Chung Vatican II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen gentium, n. 11 ; Sắc lệnh về chức vụ và đời sống các linh mục Presbyterorum ordinis, nn. 2, 5, 6 ; Sắc lệnh về nhiệm vụ mục tử của các Giám Mục trong Giáo Hội Christus Dominus, n. 30 ; Sắc lệnh về đại kết Unitatis redintegratio, 21/11/1964, n. 15 ; Thánh Bộ Nghi Lễ, Huấn thị Eucharisticum mysterium, nn. 3 và 6 ; Sách Lễ Rôma, Quy chế tổng quát, n. 16.
[88] x. Công Đồng Chung Vatican II, Hiến chế về Phụng Vụ thánh Sacrosanctum Concilium, n. 26 ; Sách Lễ Rôma, Quy chế tổng quát, n. 91.
[89] 1 Pr 2,9 ; x. 2,4-5.
[90] Sách Lễ Rôma, Quy chế tổng quát, n. 91 ; x. Công Đồng Chung Vatican II, Hiến chế về Phụng Vụ thánh Sacrosanctum Concilium, n. 14.
[91] Công Đồng Chung Vatican II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen gentium, n. 10.
[92] x. Thánh Tôma Aquinô, Tổng Luận Thần Học, III, q. 63, a. 2.
[93] x. Công Đồng Chung Vatican II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen gentium, n. 10 ; x. Đức Gioan-Phaolô II, Thông điệp Ecclesia de Eucharistia, n. 28.
[94] x. Cv 2,42-47.
[95] x. Rm 12,1.
[96] x. 1 Pr 3,15 ; 2,4-10.
[97] x. Đức Gioan-Phaolô II, Thông điệp Ecclesia de Eucharistia, nn. 12-18 ; Id., Thư Dominicae Cenae, 24/2/1980, n. 9.
[98] Đức Gioan-Phaolô II, Thông điệp Ecclesia de Eucharistia, n. 10.
[99] x. Công Đồng Chung Vatican II, Hiến chế về Phụng Vụ thánh Sacrosanctum Concilium, nn. 30-31.
[100] x. Bộ Phụng Tự, Huấn thị Liturgicae instaurationes, n. 1 (1970).
[101] x. Sách Lễ Rôma, Thứ hai sau chúa nhật V mùa Chay, Lời tổng nguyện.
[102] Đức Gioan-Phaolô II, Tông thư Novo Millennio ineunte, 6/1/2001, n. 21 (2001) ; x. Jn 20, 28.
[103] x. Đức Piô XII, Thông điệp Mediator Dei ; cf. Công Đồng Chung Vatican II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen gentium, n. 67 ; Đức Phaolô VI, Tông huấn Marialis cultus, 11/2/1974, n. 24 ; Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích, Chỉ nam về lòng sùng kính bình dân và Phụng Vụ, 17/12/2001.
[104] x. Đức Gioan-Phaolô II, Tông thư Rosarium Virginis Mariae, 16/10/2002.
[105] Đức Piô XII, Thông điệp Mediator Dei : AAS 39 (1947) p. 586-587.
[106] x. Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích, Huấn thị Varietates legitimae, n. 22 (1995).
107 x. Đức Piô XII, Thông điệp Mediator Dei.
[108] Đức Gioan-Phaolô II, Thông điệp Ecclesia de Eucharistia, n. 29 ; x. Công Đồng Chung Latran IV, 11-30/11/1215, chap. 1 : DS 802 ; Công Đồng Chung Trente, Khoá XXIII, 15/7/1563, Giáo lý và các khoản luật về truyền chức thánh, chap. 4 : DS 1767-1770 ; Đức Piô XII, Thông điệp Mediator Dei (1947).
[109] x. Bộ Giáo Luật, can. 230 § 2 ; x. SLR, Quy chế tổng quát, n. 97.
[110] x. Sách Lễ Rôma, Quy chế tổng quát, n. 109.
[111] x. Đức Phaolô VI, Tông thư dưới hình thức tự sắc Ministeria quaedam, 15/8/1972, nn.VI-XII : Pontificale Romanum, được thực hiện theo nghị quyết của Thánh Công Đồng Chung Vaticanô II, được Đức thánh cha Phaolô VI công bố, Nghi thức ban tác vụ đọc sách và giúp lễ, Nghi thức tiếp nhận ứng viên lên chức phó tế và linh mục, de sacro caelibatu amplectendo, ấn bản mẫu, ngày 3/121972, Typis Polyglottis Vaticanis, 1973 ; Bộ Giáo Luật, can. 230 § 1 ; Sách Lễ Rôma, Quy chế tổng quát, nn. 98-99, 187-193.
[112] x. Sách Lễ Rôma, Quy chế tổng quát, nn. 187-190, 193 ; Bộ Giáo Luật, can. 230 §§ 2-3.
[113] x. Công Đồng Chung Vatican II, Hiến chế về Phụng Vụ thánh Sacrosanctum Concilium, n. 24 ; Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích, Huấn thị Inaestimabile donum, nn. 2 và 18 (1980) ; Sách Lễ Rôma, Quy chế tổng quát, nn. 101, 194-198 ; Bộ Giáo Luật, can. 230 §§ 2-3.
[114] x. Sách Lễ Rôma, Quy chế tổng quát, nn. 100-107.
[115] Ibidem, n. 91 ; x. Công Đồng Chung Vatican II, Hiến chế về Phụng vụ Sacrosanctum Concilium, n. 28.
[116] x. Đức Gioan-Phaolô II, Huấn từ cho Hội Đồng Giám Mục vùng Antilles, 7/5/2002, n. 2 ; Tông huấn hậu Thượng Hội Đồng Christifideles laici, 30/12/1988, n. 23 ; Bộ Giáo Sĩ và các cơ quan khác, Huấn thị Ecclesiae de mysterio, 15/8/1997, Nguyên tắc thần học, n. 4.
[117] x. Công Đồng Chung Vatican II, Hiến chế về Phụng vụ Sacrosanctum Concilium, n. 19.
[118] x. Thánh Bộ Kỷ Luật Bí Tích, Huấn thị Immensae caritatis, 29/01/1973.
[119] x. Thánh Bộ Nghi Lễ, Huấn thị De Musica sacra, 3/9/1958, n. 93c.
[120] x. Hội Đồng Giáo Hoàng về Giải Thích các văn bản Luật, Responsio ad propositum dubium, 11/7/1992 (1994) ; Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích, Thư gửi các Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục về những chức năng phụng vụ do giáo dân thực hiện, 15/3/1994 : Notitiae 30 (1994) pp. 333-335, 347-348.
[121] x. Đức Gioan-Phaolô II, Tông hiến Pastor bonus, art. 65 (1988).
[122] x. Hội Đồng Giáo Hoàng về Giải Thích các văn bản Luật, Responsio ad propositum dubium, 11/7/1992 ; Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích, Thư gửi các Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục về những chức năng phụng vụ do giáo dân thực hiện, 15/3/1994 ; Thư cho một giám mục, 27/7/2001 : Notitiae 38 (2002) 46-54.