TÔNG ĐỒ RAO GIẢNG LÒNG THƯƠNG XÓT - TÔNG ĐỒ THÁNH THỂ

TÔNG ĐỒ RAO GIẢNG LÒNG THƯƠNG XÓT - TÔNG ĐỒ THÁNH THỂ

 

Trong nội dung bài viết này, người viết không nhằm làm một bước so sánh sự khác biệt giữa tông đồ rao giảng Lòng Thương Xót – Tông Đồ Thánh Thể, nhưng muốn quy chiếu về một tinh thần mà người môn đệ phải có trong khi thi hành sứ vụ. Trên hành trình rao giảng Tin Mừng, Đức Giêsu và các môn đệ đã chứng kiến nhiều biến cố, nơi mỗi biến cố các môn đệ cũng trải qua những kinh nghiệm khác nhau qua các hành xử của Thầy mình và từ đó các ông đúc kết thành bài học cho bản thân mình. Như các môn đệ, chúng ta có thể nhìn ra nơi Đức Giêsu nhiều hoạt động cứu giúp người nghèo, chữa lành nhiều bệnh nhân hay những phép lạ lớn lao. Bên dưới những hành động ấy chính là con tim biết chạnh lòng thương. Nơi Đức Giêsu, chúng ta thấy rõ những cảm xúc, những rung động của một con tim rất con người. Đức Giêsu cũng muốn huấn luyện trái tim của chúng ta biết cảm thương như thế để thực thi sứ vụ trao ban chính Ngài cho thế giới hôm nay. Việc chia sẻ với anh chị em ngheo khổ sầu muộn không gì khác hơn chính là trao ban Đức Giêsu cho họ mà là Đức Giêsu nơi Thánh Thể. Nói cách khác Tông Đồ Lòng Thương Xót cũng chính là Tông Đồ Thánh Thể được thể hiện trong một lộ trình sau

1/ Tín thác vào Chúa

Trong trình thuật hoá bánh ra nhiều (Mt 14, 13-20), thánh sử Máttthêu lấy bối cảnh là khi Đức Giêsu nhận được tin cái chết của Gioan Tẩy Giả, và Ngài cùng với một chiếc thuyền qua bờ hồ bên kia để tìm một nơi thanh vắng, để ở một mình. Tuy nhiên, dân chúng hiểu và biết chắc nơi Ngài sẽ tới, vì thế họ đã đi bộ tới trước Ngài. Khi xuống thuyền Đức Giêsu trông thấy một đám đông lớn, Ngài cảm thương họ và chữa lành các bệnh nhân của họ.

Đức Giêsu là như vậy đó: Ngài luôn luôn có một sự cảm thương trắc ẩn nơi con tim. Khi thấy dân chúng từ khắp nơi đến để lắng nghe Ngài và đem các bệnh nhân tới, trông thấy viễn tượng này Đức Giêsu cảm động và suốt buổi chiều hôm ấy Ngài đã tận hiến mình cho dân chúng.  Với trái tim nhạy cảm của lòng thương xót, Đức Giêsu biết rõ dân chúng mệt và đói lả, Ngài lo lắng cho những ai theo Ngài và Ngài muốn mời gọi các môn đệ tham gia vào việc này. Thật thế, Ngài nói với các tông đồ: “Chính anh em hãy cho họ ăn đi”

Khi nghe Đức Giê-su mời gọi: “Chính anh em hãy cho họ ăn đi!” các tông đồ nghĩ ngay đến tiền! Chúng con phải đi mua tới hai trăm quan tiền bánh mà cho họ ăn sao? (Mc 6, 37b) Thật vậy, trước một nhu cầu lớn như thế, Chúa mời gọi các môn đệ thực hiện, nhưng lại không cho tiền! Cũng vậy, khi muốn thực thi chia sẻ bác ái với ai đó, chúng ta cũng thường nghĩ đến những nhu cầu vật chất, và rất thường chúng ta chỉ loay hoay với những phương tiện và điều kiện để làm việc, nhằm đáp ứng nhu cầu của người khác cách nhanh chóng và hiệu quả. Thế nhưng Đức Giêsu muốn các môn đề giải quyết vấn đề cấp bách trong cách thức khác. Ngài hỏi các ông“Anh em có mấy chiếc bánh? Đi coi xem!” Khi biết rồi, các ông thưa: “Có năm chiếc bánh và hai con cá.” Chúa muốn các môn đệ nhìn lại chính mình, khả năng giới hạn và con người thật của mình để thấy được sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời.

“Năm chiếc bánh và hai con cá” diễn tả con người thật của chúng ta: nhỏ bé và giới hạn. Sống tương quan với Chúa, chúng ta không thể chỉ suy xét trên bình diện phương tiện, nhưng còn trên bình diện thần nhiệm nữa. Sống chiều kích thần nhiệm là kết hợp với Đức Kitô và để sức sống của Ngài tỏ hiện ra nơi con người giới hạn, mỏng dòn, yếu đuối của chúng ta, và nơi những phương tiện hạn hẹp và nghèo nàn của chúng ta.

Đức Giê-su muốn chúng ta hành động trong việc tông đồ khởi đi từ những gì chúng ta có và với những gì chúng ta là. Chúng ta cũng có thể hiểu « năm chiếc bánh và hai con cá » là quá ít trước một nhu cầu quá lớn, nhưng chúng ta được mời gọi trao vào tay Chúa. Đức Giê-su không chê bỏ, nhưng đón nhận với tất cả sự trân trọng. Đây là cử chỉ mang chiều kích Thánh Thể. “Người cầm lấy năm chiếc bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ bánh ra, trao cho môn đệ để các ông dọn ra cho dân chúng”

Như vậy, để trở nên “Tông Đồ Thánh Thể”, mỗi người phải khởi đi từ trái tim thương xót và công việc trước tiên là trao lại cho Thiên Chúa tất cả những gì chúng ta có và trao lại cho cho Chúa chính con người của chúng ta để Chúa biển đổi và thánh hoá. Nếu không có bước đi này thì những gì chúng ta chia sẻ có nguy cơ rơi vào sự sáo rỗng và khoe khoang công trạng. Hơn nữa việc trao lại vào tay Chúa là một biểu hiện khiêm nhường của loài thụ tạo và biết đón nhận mọi sự như ơn huệ từ Chúa Cha. Trong hoàn cảnh của mỗi người chúng ta, chúng ta hiểu như thế nào khi nghe lời này của Đức Giêsu : « Chính các con hãy cho họ ăn đi » ? Chúng ta cảm nhận hay phản ứng ra sao ?

2/ Trao ban chính Chúa – trao ban chính mình

Đức Giêsu “cầm lấy năm chiếc bánh và hai con cá, ngước mắt lên trởi, đọc lời chúc tụng, bẻ bánh và trao ban”. Đây cũng chính là các dấu chỉ mà Chúa Giêsu đã làm trong Bữa Ăn chiều cuối cùng; và đó cũng chính là các dấu chỉ mà mỗi linh mục làm khi cử hành Thánh Thể. Cộng đoàn Kitô nảy sinh và tái sinh một cách liên tục từ sự hiệp thông Thánh Thể này. Lòng thương xót thật sự đó là trao ban chính Chúa cho con người chứ không phải là một điều gì khác, thực thi lòng thương xót tích cực là dẫn anh chị em đồng loại đến với Thánh Thể. Để chính Chúa được no thoả trong tâm hồn họ, và chỉ có Chúa mới có thể làm thoả lòng khát khao của con người.

Tuy nhiên, khi thực thi sứ vụ của lòng thương xót là dẫn con người đến với Thánh Thể, thì chính vị tông đồ của lòng thương xót cũng phải được dưỡng nuôi bằng Thánh Thể, Đức Kitô biến đổi vị tông đồ từ từ thành mình Chúa Kitô và lương thực thiêng liêng cho các anh chị em khác. Tông đồ lòng thương xót và Tông Đồ Thánh Thể được chia sẻ cùng một sứ vụ: đưa Đức Giêsu đến với tất cả mọi người, thắp lửa tình yêu của Thiên  Chúa cho thế giới. Vì thế điều này khiến cho mọi tín hữu trở thành người phục vụ lòng thương xót và là tông đồ Thánh Thể, từ đó họ cùng có một kinh nghiệm như Phaolô: “tôi sống nhưng không còn là tôi sống mà là Đức Kitô sống trong tôi”(Gl 2,20)

Khi Chúa Giêsu trông thấy đám đông, Người cảm thương, nhân bánh lên nhiều và Ngài làm cùng điều đó với Thánh Thể và khi nhận bánh này, chúng ta được Chúa Giêsu thúc đẩy đem sự phục vụ này tới cho người khác, cùng với sự cảm thương của Chúa.

Chúng ta cũng đừng quên nhìn ngắm đám đông. Từ một đám đông ô hợp, nay được chăm sóc chu đáo : ngồi thành từng nhóm trên cỏ xanh, nhóm một trăm, nhóm năm mươi. Từ một đám đông lộn xộn, họ trở thành một « dân » được Chúa nuôi dưỡng bằng Lời và bằng Bánh. Lời và Bánh của Chúa vẫn được trao ban cho chúng ta hằng ngày và một cách dư tràn, quảng đại, để làm cho chúng ta trở nên dân của Chúa và trở nên một với nhau. Đây chính là « hành trình trở nên một » của Giáo Hội và của cả nhân loại.Việc mỗi người chúng ta được nuôi dưỡng bằng Lời và  “Bánh Trường Sinh”, chúng ta cũng được mời gọi cộng tác để chia sẻ và trao ban chiếc « bánh đời tôi », đã được trao vào tay Chúa và Chúa làm cho trở thành chính Chúa cho nhiều người.

Để kết thúc những gì chia sẻ, xin được trích dẫn lời ĐTC Phanxicô đã nói với các tín hữu và du khách hành hương trong buổi tiếp kiến chung sáng Thứ Tư 17-08-2016 tại đại thính đường VI,: “Khi bảo các môn đệ cho dân chúng ăn và làm phép lạ hoá bánh ra nhiều để nuôi họ, Chúa Giêsu cho các môn đệ biết con đường cần đi theo: nuôi dân chúng và giữ họ hiệp nhất, nghĩa là phục vụ sự sống và sự hiệp thông. Mỗi người chúng ta phải là dụng cụ của hiệp thông trong gia đình mình, trong nơi làm việc, trong giáo xứ và các nhóm mình là thành phần, và là dấu chỉ lòng thương xót của Thiên Chúa”

Tùy Phong, sss

© 2016 Dongthanhthe.net. All rights reserved.