365 Ngày Với Cha Thánh Eymard – Tháng 11

365 NGÀY VỚI CHA THÁNH EYMARD – THÁNG 11

 

Ngày 1/11

“Hãy gìn giữ những khoảnh khắc thinh lặng và cô tịch của con; linh hồn cần đến chúng và Thiên Chúa muốn những khoảnh khắc này để viếng thăm các linh hồn cũng như trò chuyện với tâm hồn nào ở lại trong tình yêu của Ngài” [Gửi cho cô Antonia Bost, 11/1865]

Có thể nói rằng ba yếu tố quan trọng làm cho việc cầu nguyện đạt hiệu quả chính là sự thinh lặng, cô tịch và sự hiến dâng. Nhận ra tầm quan trọng lớn lao của những yếu tố này, cha Eymard mạnh mẽ khuyên bảo người con linh hướng của mình hãy biết bảo vệ những giây phút thinh lặng và cô tịch sẵn có. Những yếu tố này không dễ gì xảy ra trong cuộc sống của những con người bận rộn, nhưng một cách chính xác là vì những hoạt động ồn ào náo nhiệt đã phủ lấp trọn cả ngày sống, nên những yếu tố này trở nên có giá trị hơn.

Thinh lặng đem lại cho chúng ta sự tự do nội tâm để lắng nghe điều Chúa nói, và vì Thiên Chúa không phải lúc nào cũng la lớn sứ điệp của Ngài nhưng là nói qua một ngọn gió nhẹ như trong trường hợp của ngôn sứ Ê-li-a ở cửa hang (1 V 19,9-15), chúng ta cần chú ý để nắm bắt điều gì đang được nói. Bên cạnh đó, chính Thiên Chúa phán bảo chúng ta “Tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi. Trời cao hơn đất bao nhiêu, thì tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng của các ngươi bấy nhiêu. Đức Chúa phán như vậy!” (Is 55,8-12). Vì thế, điều quan trọng hơn chúng ta cần làm đó là tập trung chú ý hầu nắm bắt không chỉ âm thanh hay lời nói, nhưng là ý nghĩa đích thực của những điều Thiên Chúa nói với chúng ta. Và sự thinh lặng nội tâm này phải bao hàm một sự dứt bỏ thật sự khỏi Cái Tôi. Vì, lúc Thiên Chúa phán một điều gì đó chống lại Cái Tôi hay gây bất lợi cho Cái Tôi, thì nó có khuynh hướng quấy nhiễu, che khuất và phản kháng bằng tất cả khả năng của nó.

Thánh Mác-cô kể cho chúng ta biết việc Chúa Giê-su tiên báo lần thứ hai về cuộc khổ nạn và cái chết của Người, các môn đệ dường như không hiểu Người muốn nói gì. Nhưng các ông sợ hỏi lại Người về điều đó, nhưng Người thực sự nói cho các ông biết điều đó ám chỉ cái gì và bấy giờ các ông từ chối đón nhận và làm theo (Mc 9,30-34). Lẽ thường, chúng ta cũng làm y như vậy!

Cô tịch cũng là một yếu tố quan trọng có thể được đo lường từ thực tế là khi mong muốn dạy dỗ Ít-ra en, Dân được tuyển chọn, biết Ngài thực sự là ai, Thiên Chúa đã dẫn họ vào sa mạc, nơi họ sẽ bị chia rẽ bởi những xáo trộn. Thậm chí, Ngài tước đi của họ những vật dụng cần thiết để sinh tồn, chẳng hạn như lương thực và nước uống để trong những lúc thèm khát ấy, tâm trí họ vẫn chỉ hướng về một mình Ngài mà thôi. Nhưng lịch sử Thánh cho chúng ta thấy càng đưa ra các biện pháp thì Thiên Chúa lại càng thất bại trong việc tạo ra kết quả như mong muốn. Vì thế, chúng ta có thể tưởng tượng ra đâu là những biện pháp chúng ta cần để ngăn cản những nhu cầu phàm tục len lỏi vào bên trong chúng ta, đặc biệt trong suốt thời gian cầu nguyện.

Thinh lặng và cô tịch đem lại cho chúng ta bầu khí nội tâm phù hợp, qua đó chúng ta lắng nghe điều Thiên Chúa thực sự nói với chúng ta, bằng tình yêu vô điều kiện mà Ngài dành cho chúng ta, cho dù điều đó có khó khăn và đòi hỏi đi chăng nữa. Chúng ta cần có ý chí để hoàn thành tất cả những gì chúng ta nghe Thiên Chúa nói với chúng ta và đó là một vấn đề khác!

 

Ngày 2/11

“Thiên Chúa thường đặt sự buồn phiền vào trong một tâm hồn đau khổ để nỗi phiền muộn ấy có thể dẫn đưa tâm hồn này đến cùng Thiên Chúa. Bấy giờ, khi tâm hồn tìm được sự an ủi nơi một người bạn của Thiên Chúa, thì Thiên Chúa sẽ thay thế sự buồn phiền ấy bằng sự khát khao Ngài lớn hơn để Ngài luôn luôn là tâm điểm duy nhất của tâm hồn ấy.” [Gửi cho bà Lepage, 11/1865]

Nỗi phiền muộn mà cha Eymard đề cập đến ở đây là một phương thế khác mà Chúa nhân lành thường dùng để giữ cho các môn đệ yêu dấu của Người được ở gần Người. Hơi kỳ lạ là trong những lúc thử thách như vậy, theo lẽ tự nhiên, chúng ta tìm kiếm sự an nhàn và thư thái nơi bạn bè và nơi những người muốn tìm cách an ủi chúng ta. Nếu chúng ta tìm kiếm sự an nhàn nơi những bạn hữu của Thiên Chúa và hiểu được đường lối của Thiên Chúa, những người bạn này sẽ động viên chúng ta biết chấp nhận mọi thử thách với lòng kiên nhẫn và vui vẻ. Việc dâng hiến đầy yêu thương của chúng ta là điều sẽ giúp chúng ta bước theo sự dẫn dắt của Thiên Chúa để tiến đến bước kế tiếp, nơi mà nỗi ưu phiền sẽ được biến thành sự đói khát vô cùng về một kinh nghiệm sâu sắc hơn về Thiên Chúa.

Kinh Thánh diễn tả Thiên Chúa là “một Thiên Chúa đầy ghen tương” không phải theo nghĩa Thiên Chúa lo sợ Ngài sẽ đánh mất điều gì đó nếu chúng ta chuyển sự trung thành của mình qua những người khác. Đúng hơn, tình yêu của Ngài thì quá vô biên đến nỗi Ngài muốn ban cho chúng ta tất cả lợi ích mà không đánh mất thứ gì dù chỉ là một chút. Ngài muốn trở thành trung tâm của đời sống chúng ta để tất cả ơn phúc của Ngài có thể tuôn tràn trên cuộc đời chúng ta. Khi điều này bắt đầu xảy ra với chúng ta, Thiên Chúa biết chúng ta sẽ tự động trở nên những chứng nhân và sứ giả tình yêu của Ngài và làm cho tình yêu ấy lan tỏa đến người khác. Như thánh Gioan, chúng ta sẽ nói: “Điều vẫn có từ lúc khởi đầu, điều chúng tôi đã nghe, điều chúng tôi đã thấy tận mắt, điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng, và tay chúng tôi đã đụng chạm, Lời sự sống…Những điều này, chúng tôi viết ra để niềm vui của chúng ta được nên trọn vẹn” (1Ga 1,1-4), và lời chứng này luôn luôn phải xảy ra vì nó phát xuất từ kinh nghiệm cá nhân.

Tuy nhiên, khi thủ đắc được khả năng chịu đựng nỗi ưu phiền và sự túng thiếu, chúng ta sẽ vui lòng chấp nhận chết đi cho chính mình. Và ưu thế này lại một lần nữa bị chiếm đoạt qua việc lặp lại những chọn lựa có ý thức để dâng lên Thiên Chúa, dù có phải đánh mất Cái Tôi đi rất nhiều. Điều này trở thành một kết quả của việc đón nhận tất cả những gì Chúa gửi đến cho chúng ta hằng ngày, vì chúng ta càng mở lòng ra đón nhận Thánh ý của Thiên Chúa một cách yêu thương và ân cần, thì chúng ta lại càng trông cậy vào Ngài, những dự định của Ngài đối với lợi ích của chúng ta ngày càng bắt đầu diễn ra theo hướng tích cực.

Khi bàn về ơn gọi mà chúng ta nhận được để trở nên những môn đệ của Người, Chúa Giê-su nói rằng trước tiên chúng ta cần ngồi xuống và cân nhắc phí tổn, giống như một vua kia sắp đi giao chiến với một ngàn quân trong tay mà trước hết lại không suy tính xem mình có thể đương đầu với 20 ngàn. Nếu không đủ sức thì phải tìm cách để cầu hòa. Cũng thế, một người kia muốn xây nhà trước tiên cần đảm bảo mình có đủ ngân quỹ để hoàn tất kế hoạch có trong đầu; bằng không người ấy sẽ cắt xén kế hoạch cũng như ngân quỹ của mình (Lc 14,28-33). Vì thế, trong việc bước theo Đức Ki-tô để tìm kiếm một tương quan sâu đậm hơn và thân thiết hơn với Người, chúng ta cần rõ ràng ngay lúc đầu xem chúng ta đã sẵn sàng hay chưa để trả giá cho tinh thần môn đệ của mình. Điều giúp chúng ta tiếp tục trung thành đó là niềm tin vào Thiên Chúa, Đấng không bao giờ đi ngược lại với Lời của Ngài.

 

Ngày 3/11

“Hoạt động tinh thần đích thực là hoạt động diễn ra trong Thiên Chúa, hay gần Thiên Chúa, vì linh hồn liên kết chính mình với chung cục và ân sủng trước mắt của nó ngang qua đức ái. Đó là lý do vì sao không gì năng động hơn tình yêu đích thực của Thiên Chúa, vì đây chính là hành động của ngọn lửa trong lò sưởi” [Gửi cho bà Mathilde Giraud-Gioodan, 1865]

Những nhận xét của cha Eymard trong lời trích dẫn này dường như quá rõ ràng vì còn chỗ nào mà hoạt động tinh thần đích thực có thể diễn ra nếu không phải là ở trong hay ở gần Thiên Chúa? Tuy nhiên, dù rõ ràng hay không rõ ràng, nhiều người trong chúng ta mong chờ hoạt động tinh thần diễn ra, chẳng hạn khi cầu nguyện người ta bị Cái Tôi phủ lấp. Hầu hết mọi người tin rằng bao lâu trí năng còn hoạt động trong suốt thời gian cầu nguyện, thì mọi thứ sẽ diễn ra tốt đẹp! Tuy nhiên, một suy niệm nhỏ cho chúng ta thấy điều đó không thực sự đúng. Chẳng hạn khi chúng ta bận rộn với việc suy nghĩ, đầu óc chúng ta sẽ vướng bận đến ý tưởng cụ thể hay một khuôn mẫu nào đó. Thế nhưng, tư tưởng của chúng ta không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mặc dù nó có thể là “về Thiên Chúa”.

Cầu nguyện là sự kết hiệp mật thiết với Chúa chứ không phải với những gì về Chúa. Bấy giờ những gì chúng ta nói về những ý tưởng cũng có thể được áp dụng cho tất cả hoạt động của con người, chẳng hạn như ký ức, sở thích, quyết định, cảm xúc và đại loại như vậy. Vì thế, bao lâu chúng ta còn để mình vướng bận vào những hoạt động của con người, chúng ta sẽ bận bịu với chính mình dù cho những hoạt động ấy có liên hệ đến Thiên Chúa đi chăng nữa. Và đó chẳng phải là điều mà chúng ta dành phần lớn thời gian làm trong lúc cầu nguyện sao? Dù việc suy nghĩ và những giải pháp mai hậu cùng những thử thách khác của chúng ta được liên kết trực tiếp đến Thiên Chúa, nhưng chúng không phải là Thiên Chúa và vì thế việc cầu nguyện của chúng ta là một sự kết hiệp hiệu quả với duy bản thân chúng ta, chứ không phải với Thiên Chúa!

Đó là lý do vì sao tất cả việc cầu nguyện đích thực bao gồm việc vứt bỏ nhiều hơn hay ít hơn tất cả các hoạt động quy về cái tôi, chẳng hạn như suy nghĩ, cảm nhận, sẵn sàng… Bấy giờ, nếu chúng ta ý thức quẳng tất cả những hoạt động của con người này, thì lúc ấy chúng ta được đề nghị làm gì khi cầu nguyện? Hành động của chúng ta trong lúc cầu nguyện chỉ bao gồm việc vất bỏ bất cứ thứ gì ngăn cản mối dây hiệp thông với Thiên Chúa để cuối cùng chúng ta chỉ là “tôi” trần truồng trước mặt Thiên Chúa, Đấng có thể không làm phiền “tôi” thực sự và biến đổi tôi thành chính Ngài. Điều đó giống việc đến gặp bác sĩ với một vết thương bị băng bó để tìm kiếm một phương thuốc tốt hơn, nhanh hơn. Nếu chúng ta khăng khăng đòi bác sĩ dùng thuốc mới trên miếng băng gạc với hy vọng rằng nó sẽ thẩm thấu qua và chữa lành vết thương vốn không xảy ra trong đời sống thực tế!

Cũng vậy, chúng ta cần loại bỏ tất cả những vỏ bọc che đậy Cái Tôi và mong muốn nó không còn tiếp tục gây xáo trộn trong cuộc đời chúng ta trước khi chúng ta có thể hy vọng cảm nghiệm được quyền năng của Thiên Chúa trong cuộc đời mình. Vì thế, hành động biến đổi tinh thần đích thực chỉ có thể diễn ra trong hay gần Thiên Chúa khi Cái Tôi thực sự của chúng ta đối diện với Thiên Chúa toàn năng. Khi chúng ta được tràn ngập tình yêu Thiên Chúa và cảm nghiệm được tình yêu ấy một cách cá nhân, bấy giờ chúng ta không còn sợ hãi con người đích thực của mình trước khi Thiên Chúa thấu suốt và biến đổi chúng theo như Ngài muốn và mong ước. Đó là lúc ngọn lửa của cuộc đời chúng ta sẽ bùng lên trong lò sưởi đích thực là chính Thiên Chúa.

 

Ngày 4/11

“Những hy sinh này làm cho tình yêu trở thành một bông hoa giữa sa mạc, được hướng dẫn bởi cột trụ Thánh Thể. Tất cả những gì con nói với cha về sự bình an sâu thẳm trong tâm hồn con cho thấy tình yêu đang hoạt động. Rất tốt” [Gửi cho bà Clotilde Tholin Bost, 1/1866]

Sau khi đọc những bài viết của cha Eymard với việc lập đi lập lại tình yêu là tâm điểm của đời sống Ki-tô hữu, thì theo lẽ tự nhiên, chúng ta muốn có tình yêu như nguyên lý hướng dẫn cho toàn bộ đời sống chúng ta. Thế nhưng sau đó, chúng ta có biết làm thế nào để mình đi đúng đường không? Chất thử a-xít về sự hiện diện của tình yêu trong hoạt động của chúng ta chính là chúng ta sẵn sàng đón nhận bất kỳ sự hy sinh nào để đem lại ích lợi cho người mình yêu, không quan tâm đến cái giá phải trả như thế nào. Nét tinh túy của nguyên lý này chính là khi có một câu hỏi về một hy sinh như thế, chúng ta không dừng lại để suy xét xem nó đáng giá thế nào hay đau khổ thế nào, thì chúng ta mới sẵn sàng và mau mắn thực hiện điều không thể. Do vậy, những hy sinh của chúng ta có thể làm cho tình yêu nở rộ thậm chí là ngay trong sa mạc khô cằn nhất.

Một dấu hiệu đáng tin cậy khác đó là sự an bình nội tâm và sự bình tĩnh mà người ta cảm nghiệm được khi tình yêu chân thật xuất hiện. Điều này đúng, đặc biệt khi người ta đạt đến tình yêu. Người ta được an toàn trong những việc mình làm. Nói cách khác, người ấy yêu không phải để tìm được điều gì đó nơi người mình yêu, hay để gây ấn tượng cho người mình yêu và làm cho họ mắc nợ mình, hay thậm chí là để tìm kiếm sự biết ơn hay sự đón nhận. Khi người ta tin rằng người ta thực sự được chấp nhận vì người ta là, bấy giờ việc cho đi sẽ thực sự vô vị lợi và vì thế kết quả của việc cho đi chính là một sự an bình sâu thẳm và cảm xúc dâng trào.

Nơi đâu thiếu vắng sự cho đi vô vị lợi này, thì thao thức sâu thẳm bên trong luôn luôn kéo dài, và cũng chẳng có những dấu chỉ hay những biểu hiện của lòng biết ơn cũng như sự đón nhận từ phía người mình yêu, những điều này dường như không bao giờ đủ vì người ta luôn luôn tìm kiếm nhiều hơn thế. Kiểu thao thức sâu thẳm bên trong này giống như một cái xô không đáy, người ta càng đổ nước vào bên trong cái xô bị thủng ấy, thì nước càng chảy ra ngoài và lại càng cần đổ thêm vào! Nói chung, điều này xảy ra khi người ta cho đi tình yêu hay thể hiện những hành động yêu thương theo cách của mình. Thế nhưng, nơi đâu Thiên Chúa tự do hành động và nơi đâu người ta biết khởi sự hành động và đem theo hành động này trên mọi nẻo đường, thì nơi đó có một cảm xúc bình thản và an bình tột độ, thậm chí khi hành động yêu thương không tìm được một lời đáp trả cân xứng từ phía người nhận! Hay như khi hành động ấy không được chuẩn bị theo cách đã dự định, thì sự an bình sâu thẳm và bình thản ấy sẽ ở lại mãi nơi người làm! Sau cùng, ‘cơm bưng nước rót đến tận miệng rồi mà vẫn có thể để vuột mất’ và do đó kết quả từ những hành động của chúng ta không phải lúc nào cũng nằm trong tay chúng ta.

Vì thế, khi một ai đó nhận được sự an bình nội tâm sâu thẳm này, người ấy có thể đoan chắc rằng cuộc đời và những hành động của mình đang đi đúng hướng và tất cả mọi sự đang diễn ra tốt đẹp, mặc dù có rất nhiều việc cần phải làm. Tất cả những gì người ấy cần làm ngay bây giờ đó là phải chắc chắn rằng Cái Tôi không còn len lỏi vào những giai đoạn sau đó và làm hủy hoại toàn bộ công trình từ khởi sự cho đến hoàn thành. Người nào tiếp tục ngước nhìn Chúa và lắng tai nghe tiếng Ngài, người ấy sẽ tiến một bước dài trên con đường hoàn thiện về tâm linh! Những rủi ro bất chợt sẽ không được phép ngăn trở sự thăng tiến tuyệt vời này.

 

Ngày 5/11

“Tôi an lòng khi nhìn thấy tinh thần hăng hái và lòng quảng đại cởi mở nơi những tu sỹ của chúng ta ở đây. Mỗi người đều chung tay góp sức trong mọi việc.” [Gửi cho cha Leroyer, 2/1866]

Một trong những mối bận tâm nhất của cha Eymard trong những năm đầu của Hội dòng chính là tìm những người thích hợp để gia nhập Dòng Thánh Thể. Trong vài năm đầu, có nhiều người đã đến với những động cơ và ơn linh hứng khác nhau. Bấy giờ vấn đề đối với các nhà đào tạo trong giai đoạn lịch sử của Dòng đó là sàng lọc và loại trừ những ai không gia nhập với một động lực hy sinh quên mình. Một trong những cách thức dễ dàng nhất để thực hiện điều này là quan sát lòng quảng đại mà các ứng sinh thể hiện qua công việc được Hội dòng giao phó, cụ thể là “việc Chầu Thánh Thể”. Lúc đó vấn đề kéo theo là cứ 8 tiếng thì mỗi tu sĩ phải chầu 1 giờ. Lý do là vì trong giai đoạn đầu, hầu hết mỗi cộng đoàn Dòng Thánh Thể phải chầu 24 giờ.

 Nếu ai đó đã gia nhập Hội dòng mà không thực sự có ơn gọi đối với “công việc” này, thì sự chán nản sẽ mau chóng len lỏi vào, thể hiện qua việc người ấy chầu hay qua việc phê bình những người khác, cách tổ chức hay bất cứ thứ gì khác liên quan đến nó. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, nếu không phải là hầu hết các trường hợp mà cha Eymard phát hiện được và cảm thấy hài lòng đó là các ứng sinh đã có một tinh thần quảng đại lớn lao, được thể hiện qua việc họ chung tay góp sức với bất kỳ công việc gì cần làm, thậm chí không một lời than phiền phát ra từ môi miệng của họ. Việc chầu Thánh Thể đã được thực hiện với một sự sốt sắng và tình yêu tuyệt vời bởi những con người có những giờ chầu đêm cũng như những đêm thức trắng không ngủ. Thật đáng để nhớ lại rằng trong những ngày đầu tiên của Hội dòng, những thành viên của Hội dòng khi chầu Thánh Thể thì không được phép ngồi. Họ phải quỳ mà không được đặt tay (từ lòng bàn tay đến cổ tay) lên bàn quỳ. Khi thực sự mệt mỏi, họ được phép đứng lên tại ngay bàn quỳ, nhưng không bao giờ được phép ngồi, để tránh tình trạng nằm ườn ra cách bất kính trước Thánh Thể.

Do đó, người ta hiểu rằng vì sao một tinh thần quảng đại và sốt sắng được xem là dấu hiệu của một ơn gọi tốt trong những ngày đầu. Ngày nay, khi chú ý đến tư thế của người ta, chúng ta được kêu mời để đảm bảo rằng việc cầu nguyện đích thực vẫn đang diễn ra, chứ không phải chỉ là hình thức mơ giữa ban ngày hay nói chuyện một mình. Phẩm chất của việc cầu nguyện được xem là quan trọng hơn những cử chỉ bên ngoài hay những tình huống chi phối việc cầu nguyện. Trong suốt giai đoạn đào tạo đầu tiên, hàng loạt sự nhấn mạnh được đưa ra nhắm đến những tư thế và cử chỉ phù hợp, nhưng hiệu quả đích thực của việc cầu nguyện được hiểu là độc lập với những thứ đó. Thực ra, người ta được khuyến khích để trở nên người thành thạo trong những thực hành như vậy chẳng hạn như hít thở sâu và ngồi xuống với lưng thẳng, điều mà nhìn chung được thực hiện khi người ta bước vào việc cầu nguyện, để không lãng phí thời gian vào những xao lãng không cần thiết và tư thế của cơ thể giúp đỡ cho việc cầu nguyện hơn là ngăn cản nó.

Tuy nhiên, các tu sỹ Thánh Thể tiên khởi đã thể hiện một lòng quảng đại lớn lao trong mọi khía cạnh của đời sống cộng đoàn và đó là điều tạo nên niềm động viên khích lệ, đặc biệt là để đối lại với hoàn cảnh của nhiều người đã bỏ ra đi cũng như những khó khăn khác mà họ cảm nghiệm được.

 

Ngày 6/11

“Hãy an tâm về tương lai của Hội dòng nhỏ bé của con; nó sẽ lớn mạnh và sẽ trở nên thánh thiện. Tuy nhiên, mỗi người con trong hội dòng sẽ làm cho con chết đi hai lần vì ơn gọi cũng như sự sống còn của hội dòng. Đời sống thánh thiện được mua bằng cái chết” [Gửi cho cô Maguerite Guillot, 2/1866]

Cô Guillot là một cộng sự viên thân thiết của cha Eymard trong việc thành lập ngành nữ của Dòng Thánh Thể. Là một con người có nội tâm sâu sắc, không cần phải bàn cãi, thế nhưng chắc chắn là không giống khả năng của cha Eymard, cô thường tham khảo ý kiến của cha để tìm kiếm sự hướng dẫn trong những lúc khó khăn. Cũng giống như ngành nam, các chị cũng phải trải qua hàng loạt những vấn nạn ngay lúc khởi đầu và đối mặt với những thời điểm căng thẳng, mà không biết tương lai của Hội dòng sẽ ra sao. Điều này đi ngược lại với nền tảng mà cha Eymard đảm bảo với cô rằng nếu đây là công việc của Chúa thì Hội dòng chắc chắn sẽ sống sót qua những thăng trầm của cuộc sống. Không nghi ngờ gì, khi đưa ra lời khuyên này cho cô, cha Eymard đang nghĩ về trường hợp của chính cha cũng tương tự như vậy, và cha tìm cách gia tăng thêm niềm tin của mình_niềm tin mà vốn cũng trở nên yếu ớt khi bị tấn công tư bề!

Trong khi cha Eymard tin tưởng vào sự sống còn, nói đúng ra là sự phát triển của cả hai nhánh thuộc Dòng Thánh Thể, cha đã đủ nhạy cảm để nhận ra rằng phải trả một cái giá cho thành công này và đó là “việc chết đi cho bản thân”, cụ thể là đối với những ai cộng tác với hai hội dòng non trẻ thiếu kinh nghiệm. Khi nhìn vào chính mình, cha đã nỗ lực để Đức Giê-su chi phối công việc nhỏ bé của cha; thực tế, cha càng đối diện với nhiều thử thách, thì cha lại càng xác quyết rằng Thiên Chúa đang hành động qua cha. Cha đã tìm kiếm một cách tỉ mỉ để phân định ý muốn của Chúa và cái giá phải trả, cha đã trung thành với nó bao nhiêu có thể và nỗ lực hết mình. Cha vui mừng dâng tất cả đau khổ được xem như cái giá phải trả cho sự thành công của công việc của Thiên Chúa. Khi nhận ra cách làm này có hiệu quả, cha đã thân tình khuyên cô Guillot cũng làm như vậy.

Trong lời khuyên của cha, có một nguyên tắc phân định tâm linh khác mà cha Eymard học được từ chính kinh nghiệm bản thân của mình. Nhìn chung, thập giá xảy đến trong cuộc đời chúng ta không phải từ những người ngoài cuộc nhưng từ chính chúng ta. Cũng như chính dân Do Thái, dân được tuyển chọn, đã treo Đức Giê-su trên thập giá thế nào, thì cuộc đời chúng ta cũng vậy, chính chúng ta cũng sẽ tự kết án chính mình. Và phần tốt nhất chính là khi họ làm việc này, họ nghĩ rằng họ đang phục vụ Thiên Chúa. Không phải vì nhân danh Chúa mà những người Pha-ri-sêu đòi hỏi cái chết của Đức Giê-su khi cho rằng Ngài đã xúc phạm đến Thiên Chúa? Chẳng phải điều này cũng xảy ra với Stê-pha-nô và sau này là với chính Phao-lô, cũng như nhiều người khác qua nhiều thế kỷ sao? Vì thế, ở đây chính những ứng sinh cũng sẽ là những kẻ kết án các vị bề trên và những nhà đào tạo của họ, đặc biệt khi họ nại vào phẩm chất của lời đáp trả trong cuộc đời họ!

Ngày nay trong Hội thánh, khi người ta đề cập quá nhiều đến Sự Phục Sinh cũng như vẻ sáng láng hơn của công trình do Đức Ki-tô thực hiện, thì quan điểm của cha Eymard lại là: chỉ qua cái chết thì sự sống mới có thể bắt đầu. Đây là điều cần thiết để uốn nắn sự quân bình và đưa chúng ta trở lại đường ray!

 

Ngày 7/11

“Không gì cho chính tôi ngay trong các mối tương quan của tôi với người khác. Không gì bởi tôi ngay trong đời sống dâng hiến của tôi. Không gì nơi tôi ngay trong lời cầu nguyện và tạ ơn của tôi. Đừng tìm kiếm sự thỏa mãn trong việc phụng sự Chúa của chị. Hãy làm đẹp lòng Thầy nhân lành của chúng ta, hãy vui sướng khi thấy Người được yêu mến và được phụng sự bởi những nữ tử của chị…” (gửi cho Mẹ Guyot, tháng 2/1866)

Lại một lần nữa, cha Eymard đánh bóng một cách hùng hồn khi đề cập đến mầu nhiệm vượt qua trong cuộc đời chúng ta như cha đã khuyên một người con linh hướng khác của mình. Thật ngạc nhiên làm sao khi chúng ta dễ dàng quên đi nguyên tắc tâm linh quan trọng này khi vướng bận vào lo toan của cuộc sống thường ngày. Chỉ những ai được học tập một cách kỹ lưỡng về những nguyên tắc này mới dễ dàng phát hiện ra rằng nguyên tắc quan trọng này đang thiếu vắng nơi cuộc sống của một con người khi họ bắt đầu nói về những khó khăn của mình trong đời sống tâm linh.

Điều đáng chú ý này là cách mà cha Eymard đề cập đến những khía cạnh, trong đó nguyên tắc này cần được áp dụng. Nhìn chung, một người nào đó đang gặp những khó khăn sẽ tìm kiếm sự hỗ trợ về mặt cảm xúc cũng như sự đảm bảo cho bản thân mình qua việc bước vào và tập trung vào những mối tương quan hỗ tương. Vì vậy, chúng ta mong chờ những người bạn tốt để giúp đỡ chúng ta, đặc biệt khi chúng ta xuống tinh thần. Thế nhưng nếu trong những trường hợp ấy, chúng ta có thể làm chủ bản thân mình để không tìm kiếm điều gì cho ‘bản thân’ trong mối tương quan của chúng ta với người khác, thì phần lớn của cuộc chiến sẽ giành được thắng lợi.

Một khía cạnh khác mà Cái tôi cho thấy sự xấu xa của nó đó là những thành tựu của chúng ta thuộc về vật chất hay tâm linh. Khuynh hướng là thủ đắc tư lợi cho riêng mình. Thế nhưng khi chúng ta tự nhủ với lòng mình rằng chẳng có gì mà chúng ta có thể tự mình làm, giống như cành cây không thể tự mình sinh trái, bấy giờ những thử thách của chúng ta sẽ tự động tan biến hết. Nhưng, việc kêu cầu sự cộng tác của Thiên Chúa (hơn cả sự trợ giúp) trong mọi công việc chúng ta làm là một điều gì đó chỉ xuất hiện qua những sự chọn lựa được lập đi lập lại.

Khía cạnh thứ ba mà cha Eymard chọn lựa đó là cầu nguyện, trong đó chúng ta có xu hướng cảm nhận rằng chính chúng ta, và những khởi phát cũng như những hành động của chính chúng ta mới là quan trọng nhất đối với việc cầu nguyện. Thế nhưng, ngay cả một bài suy niệm ngắn cũng sẽ nhắc nhở chúng ta rằng trong việc cầu nguyện, điều chúng ta làm thì không quan trọng bằng điều chúng ta để cho Thiên Chúa làm nơi chúng ta. Chính Ngài là Đấng tạo dáng và đổ khuôn đúc chúng ta, tất cả những gì chúng ta cần làm là trở nên giống như cục đất sét trong tay người thợ gốm. Khi Thần Khí ngự trị trong cuộc đời chúng ta, thì đó là lúc việc cầu nguyện của chúng ta sẽ hiệu quả nhất và sinh nhiều hoa trái nhất. Và cuối cùng, cha Eymard kết thúc lời khuyên của mình bằng việc khẳng định rằng trong mọi công việc của mình, chúng ta chỉ tìm kiếm điều thiện và điều đẹp lòng Cha trên trời của chúng ta, Đấng mà chúng ta phụng sự chứ không phải ai khác… vả lại một điều gì đó rất khó vì dường như chúng ta phụ thuộc rất nhiều vào sự phê chuẩn cũng như việc khẳng định của loài người!

Thật là tự do biết mấy khi chúng ta có thể giải thoát chính mình khỏi não trạng cần được người khác phê chuẩn về tất cả những công việc chúng ta làm! Chúng ta thấy mình tự do để suy nghĩ về chính mình, dám thử sức với những cái mới, để cảm nghiệm được sự rung động khi đạt được một thành công mới! Chết đi cho Cái tôi trong tất cả biểu hiện của nó là phương thế duy nhất để đạt được thành công trên đường thiêng liêng hay để loan báo Nước Thiên Chúa, chứ không phải của chính chúng ta! Và đó chẳng phải là một biểu hiện của sự thăng tiến và sự trưởng thành về đường thiêng liêng sao?!

 

Ngày 8/11

Đúng thế, con yêu dấu, Thiên Chúa thực sự yêu thương con. Cuộc đời con là một công trình của ân sủng và lòng thương xót. Con phải nói với Ngài ‘Lạy Thầy Chí Thánh, vì Ngài yêu thương con quá nhiều trong khi con không yêu mến Ngài, giờ đây con yêu mến Ngài và khát khao một trái tim hoàn thiện để yêu mến Ngài nhiều hơn, giờ đây Ngài yêu mến con biết dường nào.[Gửi cho bà Eulalie Tenaillon, tháng 2 năm 1866]

Bà Eulalie là một trong những người con linh hướng của cha Eymard và chúng ta có thể thừa nhận rằng cha biết rõ bà, cụ thể là con đường mà bà đã thực hiện trên hành trình thiêng liêng của bà. Và ngay cả khi lược đồ phác họa của con đường ấy không mấy rõ ràng để được người ta quan tâm đến, một người khác đứng bên ngoài tình cảnh này cũng có thể nhận ra những phức tạp đang bày ra trên hành trình thiêng liêng ấy. Vì vậy, cha Eymard đã nhận ra “công trình của ân sủng và lòng thương xót” trong cuộc đời bà. Thực tế, điều này đúng với từng cá nhân có hành trình thiêng liêng khởi đầu với một hành động nhân lành và từ bi vô ngần bắt nguồn từ Thiên Chúa, Người Cha giàu lòng yêu thương của chúng ta. Chính Ngài lôi kéo con người đến với Ngài, cũng như làm cho người ứng sinh ý thức về những ơn lành của Ngài.

Nhưng sau đó, thường thì sau giây phút ngọt ngào lúc ban đầu- Thiên Chúa tỏ lộ những ân phúc của Ngài một cách dồi dào trong giây phút ấy, thì sẽ đến giai đoạn khô khan. Đây là thời gian mà niềm tin của người ứng sinh bị thử thách, chủ yếu là để xem xem người ấy bị cuốn hút đến Thiên Chúa vì những ân huệ của Ngài hay vì sự nhân lành tự nơi Ngài. Chính trong suốt giai đoạn ấy mà người ta cảm thấy nhạt nhẽo đối với việc cầu nguyện, thậm chí còn có thể tưởng tượng ra rằng Thiên Chúa không yêu thương mình nhiều như trước nữa. Đây là lúc niềm tin phải được cứu chữa. Cha Eymard đề xuất một lý do hữu ích dành cho người con linh hướng để chiếm được tình yêu của Thiên Chúa trong suốt giai đoạn khô khan này. Và cuộc tranh luận này hoàn toàn hợp lý: Nếu Thiên Chúa quá yêu thương chúng ta khi chúng ta hầu như không biết ơn tình yêu của Ngài, Ngài lại chẳng yêu thương chúng ta nhiều (thậm chí nếu chúng ta không cảm nhận hay không đón nhận một cách tương xứng) khi chúng ta chân thành khao khát để yêu mến Ngài sao?!? Khi chúng ta có thể vươn tới Thiên Chúa, dù chúng ta có cảm nhận được tình yêu của Ngài cũng như sự nhân lành của Ngài hay không cũng không thành vấn đề, lúc đó chúng ta có thể đoan chắc rằng chúng ta sẽ bước những bước tiến khổng lồ trong đời sống thiêng liêng.

Một hướng suy nghĩ khác có thể giúp ích trong trường hợp này là: Thiên Chúa tự bản chất là tốt lành, điều đó có ý nói rằng bản chất của Ngài là tình yêu. Vì thế, bất luận chúng ta có đáp trả Ngài hay không, bất luận chúng ta tốt hay xấu, Ngài cũng không thể không yêu thương chúng ta. Tình yêu Thiên Chúa tựa như mặt trời chiếu tỏa mãi mãi. Thậm chí khi chúng ta đặt mình ra bên ngoài tầm ảnh hưởng của tình yêu ấy. Cũng thế, Thiên Chúa luôn luôn yêu thương chúng ta. Khi chúng ta vững tin vào tình yêu của Ngài, chúng ta là những kẻ được lợi nhất từ chính hành vi đức tin. Bấy giờ chúng ta sẽ đi đến giai đoạn tin tưởng vào tình yêu của Ngài dù khi không có những dấu hiệu hữu hình về tình yêu của Ngài. Đây là điều mà ngôn sứ Khabacúc quả quyết một cách mạnh mẽ trong thánh ca của ngài: “Quả Ô-liu đợi hoài không thấy… ngó vào chuồng bò bê hết sạch, nhưng phần tôi, tôi nhảy mừng vì Đức Chúa, hỷ hoan vì Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ tôi. Đức Chúa là Chúa Thượng, làm cho tôi mạnh sức, cho đôi chân này lanh lẹ tựa chân nai, và dẫn tôi đi trên đỉnh núi cao vời” (Kb 3,17-20). Phúc thay người nào có thể bám víu vào Chúa, người ấy sẽ không cần những đảm bảo có được sự chăm lo và quan tâm của Thiên Chúa, và người ấy có thể tiếp tục bình tĩnh và yên bình ngay cả giữa đau khổ tột cùng. Một người như thế quả thật là một nhân chứng hùng hồn ngay giữa tất cả chúng ta!

 

Ngày 9/11

“Trước hết, hãy bắt đầu với Mùa Chay. Không giữ chay… nếu con có thể dùng bữa mà không ăn thịt trong vòng ba ngày, con sẽ giữ chay tốt. Thế nhưng nếu con không giữ chay được, thì nên ăn thịt. Điều đó có ý nói rằng con sẽ ăn thịt trong cả hai bữa. ‘Thế nhưng việc hoán cải của tôi hệ tại điều gì?’ Hệ tại ở sự hối tiếc vì không thể làm như bao người khác, tình trạng yếu đuối của con, và cuối cùng là ở sự vâng phục.’ [gửi cho Bá tước D’Andigne, tháng 2/1866]

Trong lời khuyên này, chúng ta nhận thấy tính nhân đạo của cha Eymard rất rõ. Cha sửa lại lời khuyên của mình theo bối cảnh của người con linh hướng. Khi một ai đó không ở trong tình trạng sức khỏe tốt nhất, cha đề nghị rằng việc giữ chay có thể được miễn, bởi vì rõ ràng là trong tình trạng đó, việc giữ chay sẽ gây nguy hại cho sức khỏe của người ấy. Việc kiêng khem cũng phải được giảm bớt đi để phù hợp với tình trạng của người ấy. Sau khi đã giải quyết những yếu tố bên ngoài, cha chuyển sang một mức độ quan trọng hơn đó chính là tinh thần. Ngay cả trong thời đại của chúng ta, chúng ta nhận thấy rằng nhiều người không hiểu ý nghĩa thực sự của luật giữ chay trong suốt Mùa Chay. Họ chỉ hiểu việc giữ chay đó như một sự thử thách về thể xác, chứ không liên quan gì đến nguồn gốc của tội lỗi nơi chính mình. Vì thế, một người có thể giữ chay và kiêng khem một cách nghiêm ngặt trong suốt Mùa Chay mà chẳng chịu sửa đổi gì trong cách sống vốn cần được chú trọng nhiều hơn và cần được thay đổi hơn! Ngay cả trong Cựu Ước, các ngôn sứ đã tuyên sấm để lên án dân Ít-ra-en vì việc giữ chay của họ chỉ là vẻ bề ngoài mà không cho thấy một sự thay đổi nào thực sự ở bên trong, hay một sự trở về với đường lối của Thiên Chúa.

Hơn nữa, khi nhận ra rằng việc từ bỏ Cái tôi chính là việc hoán cải vĩ đại nhất mà tất cả các Ki-tô hữu cần làm, cha Eymard đề nghị người con linh hướng của cha nên dâng lên Chúa sự bất lực của bà để làm được nhiều hơn hay tốt hơn. Dâng lên Chúa sự nghèo khó nội tâm cũng như bám víu vào Ngài với một niềm tin tưởng tuyệt đối thì khó khăn hơn và đáng giá hơn bất kỳ một việc hoán cải chỉ đơn thuần ở bên ngoài thân xác. Chúng ta có thể xem tình trạng mà người con linh hướng này nhận thấy sự bất lực cũng như sự vô dụng của bà giống như một ví dụ mà một bài thơ đã nói: ‘Cả khi đứng và chờ đợi, họ cũng vẫn phục vụ!’ Có vẻ như, những đầy tớ này không làm gì khi họ đứng và chờ đợi, thế nhưng nếu họ làm vì lòng mến và kính trọng Ông Chủ, sẵn sàng vâng nghe ông khi ông cần đến sự phục vụ của họ, thì họ sẽ tiếp tục phục vụ ông và phục vụ một cách rất hiệu quả!

Kiểu phục vụ mà trong đó ‘mắt của gia nhân hướng nhìn tay ông chủ’ thì tốt hơn và giá trị hơn là làm biết bao nhiêu công việc chỉ vì tình yêu vị kỷ, vì những người đầy tớ như thế tỏ ra là họ sẵn sàng và vâng nghe theo Ông Chủ. Họ không chịu đựng ông với ước muốn nhận được một phần thưởng gì đó. Họ nhận ra giới hạn của mình và những chọn lựa khác nhau mà Ông Chủ có thể cần đến, vì thế họ tôn trọng nhu cầu của ông. Thế nhưng, họ vẫn tin tưởng rằng họ vẫn còn đáng giá đến nỗi một ngày nào đó Ông Chủ sẽ cần đến họ và bấy giờ sẽ là hạnh phúc nhất khi họ đáp trả bằng niềm vui và lòng sốt sắng. Thái độ này nói lên một sự quên mình lớn lao về phía người đầy tớ cũng như một sự an toàn nội tại mà người đầy tớ tận hưởng được. Sự an toàn ấy làm cho họ trở thành một con người đặc biệt! Họ là một người đầy tớ rất khác biệt! Và đây là điều mà Ông Chủ mong muốn nhất nơi họ! Sau hết, chẳng phải Đức Giê-su đã gọi các môn đệ của Người là bạn hữu chứ không phải là tôi tớ, khi Người sắp kết thúc cuộc đời ở dương thế này sao? Điều mà Người mong mỏi nhất cho chúng ta đó là chúng ta có thể trở thành ‘những bạn hữu’ của Người.

 

Ngày 10/11

“Khi Chúa chúng ta nắm giữ được một người nào đó, ít là qua việc Hiệp lễ, Người sẽ để lại một ký ức không thể gột sạch được và một dấu vết về con đường Người đã đi qua: nó giống như một vương quốc đã được chinh phục, nơi mà Đức Giê-su đã cai trị ít nhất là vài ngày.” (gửi cho Bá tước de Fraguier, tháng 2/1866)

Trong suốt hành trình sứ vụ công khai của Đức Giê-su, chúng ta thấy rằng khi một người nào đó được đưa vào mối tương giao với Người, thì ngay lập tức nảy sinh một mối dây bằng hữu thân thiết. Cụ thể, chúng ta nhận thấy điều này khi Phi-líp-phê, sau khi gặp Đức Giê-su, đã quay trở về ngôi làng của mình và kể cho người bạn hữu của mình là Nathanaen về Đức Giê-su. Thậm chí, ông đã giới thiệu Nathanaen với Đức Giê-su và khi mối tương giao được thiết lập, chúng ta thấy Đức Giê-su đã tiếp đón ông. Khi những lời nhận xét của Đức Giê-su xuyên thấu tận đáy lòng của Nathanael, thì chúng để lại một ký ức không thể gột sạch được và Nathanael đã trở lại, mặc dù không được đề cập nhiều lắm trong Tin Mừng, nhưng có lẽ điều đó cho thấy rằng không có điều gì quá sốc hay vượt quá điều bình thường cả!

Chúng ta thấy chuyện xảy ra tương tự với những người khác, một trường hợp đáng chú ý đó là dân làng Samari, nơi mà người phụ nữ đã kêu gọi. Chính bà đã quay trở lại ngôi làng và nói với mọi người rằng bà đã gặp một con người phi thường, người đã nói với bà về mọi chuyện liên quan đến cuộc đời của bà… dân làng đổ xô đến với Đức Giê-su nhưng sau khi họ dành thời giờ ở lại với Người, họ đã nói với người phụ nữ ‘Bây giờ chúng tôi tin không phải vì những lời bà nói với chúng tôi, nhưng vì chúng tôi đã chứng kiến tận mắt!’ (Ga 4,4-42). Và điều này cũng xảy ra trong cuộc đời chúng ta. Trong hoạt động tông đồ của chúng ta nhằm đưa người khác đến với Đức Giê-su, tất cả những gì chúng ta cần làm đó là làm cho họ liên đới với Người, có thể qua một lời cầu nguyện, hay một dấu chứng mà chúng ta thể hiện với lòng hăng hái. Khi người ta đã cảm nếm được sự nhân lành và lòng thương xót của Đức Giê-su, chúng ta có thể an tâm để họ ở lại trong tình thân hữu của Đức Giê-su. Người sẽ làm tất cả!

Tuy nhiên, chúng ta không được phép tưởng tượng rằng sự lôi cuốn này của Đức Giê-su sẽ xuất hiện mỗi khi chúng ta đem một ai đó đến với Người. Trong những lúc ấy, có thể xuất hiện một sự thay đổi vô hình nơi con người mà chúng ta đem đến với Người, thế nhưng chúng ta không cần phải lo lắng về điều đó. Tất cả những gì Đức Giê-su đòi hỏi chúng ta đó là dành cho Người một cơ hội và nếu đúng như vậy thì Người sẽ không bao giờ ép buộc người ta bằng bất cứ giá nào, nhưng chúng ta có thể đoan chắc rằng Người có cách riêng để lôi kéo những đứa con yêu dấu của Thiên Chúa trở về với Chúa Cha. Người có thể chờ đợi và tấn công vào lúc thích hợp nhất, nói chung là lúc khẩn cấp đối với người ấy. Vì kinh nghiệm cho chúng ta thấy rằng chúng ta có thể bị tổn thương vì tình yêu khi chúng ta cần đến nó hay gặp rắc rối về chuyện gì đó. Khi nhận ra Chúa để ý đến những nhu cầu của chúng ta một cách rộng lượng và thấu suốt, chính chúng ta sẽ muốn trở về với Người hết lần này đến lần nọ và trước khi chúng ta biết điều gì đang thực sự xảy ra, chính chúng ta sẽ chiếm được tình yêu tuyệt vời của Người.

Tình yêu này sẽ ngày càng chín mùi nếu sau đó chúng ta có thể trở thành những sứ giả cho tình yêu của Người khi làm chứng trước mặt người khác. Vả lại, tất cả những gì chúng ta cần làm đó là đem những ứng sinh có triển vọng bước vào mối tương giao với Thiên Chúa và dâng mọi sự cho Người. Và chu kỳ sẽ bắt đầu trở lại. Không gì dễ hơn việc trở thành một tông đồ của tình yêu dành cho Đức Giê-su! Vì qua việc giúp người khác đến với Đức Giê-su, chính chúng ta sẽ tiến lại gần Người hơn bao giờ hết.

 

Ngày 11/11

“Nhưng bà thân mến, không có một giới hạn nào hay cấp bậc nào đối với tình yêu của Thiên Chúa, quà tặng bản thân, việc từ bỏ cái tôi của mình. Chúng ta phải chết đi mỗi ngày và phải trở nên giống như mặt trời luôn luôn mọc như thể đó là lần đầu tiên nó tuân lệnh Thiên Chúa vậy, và chúng ta hãy đi theo hướng đi của nó cho đến khi nó lặn. Đặc biệt là hãy sống nhờ Nhiệm tích Thánh Thể…”[Gửi bà Marechal, 3/1866]

Lời khẳng định này của cha Eymard có thể được hiểu theo hai nghĩa. Một là, không có một giới hạn nào đối với tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta. Tình yêu của Ngài luôn luôn vô biên cũng như chính Ngài thì vô biên vậy. Lẽ dĩ nhiên, điều xảy ra là chúng ta chỉ có thể đón nhận trong giới hạn và vì thế điều chúng ta cảm nghiệm về tình yêu Thiên Chúa luôn luôn bị giới hạn và không hoàn thiện. Thế nhưng, sự dư tràn của tình yêu Thiên Chúa luôn luôn khiến chúng ta muốn trở về với nguồn mạch và suối nguồn của ơn phúc cao cả này.

Thế nhưng lời khẳng định này cũng có thể hiểu theo nghĩa, đó là sẽ không có bất kỳ một giới hạn và cấp bậc nào dành cho việc đáp trả lại tình yêu mà chúng ta dâng lên Chúa Cha. Thực tế, khi chúng ta đạt đến cấp độ của ‘tình yêu toan tính’, điều đó có nghĩa là chúng ta đã thỏa mãn và tự giới hạn mình vào việc chỉ cho đi bao nhiêu có thể những gì chúng ta đã nhận được, tình yêu nơi tâm hồn chúng ta sẽ bắt đầu lạnh nhạt và trở nên toan tính. Điều này cũng đúng với tình yêu của con người dành cho người khác. Sự hà tiện và tính toán luôn luôn bóp nghẹt tình yêu đích thực, và tình yêu sẽ chấm dứt vì sự co thắt lại cũng như sự chết dần chết mòn. Mặt khác, chúng ta càng cho đi và càng làm cho mình trở nên trống rỗng trong tình yêu, tình yêu của chúng ta sẽ càng trở nên phong phú và sâu đậm hơn đối với Chúa cũng như đối với anh chị em xung quanh chúng ta.

Càng vui thích và càng khám phá/sáng tạo, chúng ta lại càng biết cách thể hiện tình yêu của mình đối với Thiên Chúa, đặc biệt là qua những tình cảnh và những biến cố đã lấy khỏi chúng ta điều gì đó, tình yêu của chúng ta sẽ ngày càng trở nên phong phú. Tình yêu luôn luôn triển nở qua việc hy sinh chính mình và chết đi cho Cái Tôi của mình. Giờ đây, khi chúng ta có thể có óc sáng tạo trong việc chọn lựa và việc làm, chẳng hạn như những hy sinh này, chúng ta phải nhớ rằng chính Chúa sẽ ban cho chúng ta những cơ hội phong phú về điều này trong suốt cả ngày sống. Tất cả những gì chúng ta cần làm đó là phải cảnh giác và nhạy bén trước lời mời gọi và việc đáp trả mà không dành giờ để tính toán và cân đo đong đếm. Nếu lòng quảng đại của chúng ta cũng có thể tự phát, thì những cơ hội chính là thời khắc kết hiệp sâu sắc và hoàn toàn với Chúa mà chúng ta mau chóng có được. Khi thường xuyên được suy xét, sẽ có tự do chọn lựa ngay bước khởi đầu của mối tương quan tình yêu giữa chúng ta với Chúa, khi chúng ta tiến bước trên đường thăng tiến về tính tự phát và lòng quảng đại, chúng ta sẽ thấy rằng hầu như chúng ta đã đánh mất tự do của mình. Chúng ta tiến lại gần Chúa để được yêu mến Ngài như sự thiện hảo siêu việt nhất của chúng ta, và về mặt lý thuyết chúng ta vẫn có thể nói “không” với bất kỳ lời đề nghị nào của Thiên Chúa dành cho chúng ta, nhưng chúng ta nhận thấy rằng chúng ta sẽ vui mừng và sẵn sàng “cho đi” mà không cần phải nỗ lực quá nhiều.

Như cha Eymard đã chú thích một cách rất khôn ngoan, tất cả những hoạt động bằng tình yêu này sẽ ngày càng trở nên dễ dàng và có ý nghĩa trong bối cảnh của việc cử hành Thánh Thể với việc nhận ra quyền năng và mục đích của việc cử hành ấy! Vì chính nhờ Thánh Thể mà chúng ta “biết” được Chúa yêu thương chúng ta dường nào, cả khi chúng ta chăm chú lắng nghe lời Chúa cũng như khi chúng ta tham dự việc bẻ và chia sẻ tấm bánh ấy!

 

Ngày 12/11

“Nếu không khổ chế, thì sẽ không thể có những tu sĩ đích thực: tất cả chỉ là lòng đạo đức giả hình, với những cảm xúc vui sướng và hạnh phúc, giống như một chuyến du lịch trên một chiếc xe buýt thật đẹp. Tôi không còn bất kỳ niềm tin hay sự cậy dựa nào vào những điều đó nữa. Trước hết, chúng ta phải đào tạo những con người có nhân đức; đó là những con người dám hy sinh. Sau hết, Chúa chúng ta sẽ thiết lập nền tảng của việc hoàn thiện theo Tin Mừng: từ bỏ chính mình (abneget semetipsum).” [Gửi cho cha Michael Chanuet, tháng 3/1866]

Lời nhận xét này của cha Eymard nhắm trực tiếp đến một vị linh mục, cũng như đến những người đang làm công tác đào tạo. Cha trở lại với nền tảng vững chắc của vấn đề tâm linh đó là vâng phục Thiên Chúa, một sự dâng hiến chính mình trong tin yêu. Đây là điều khó khăn nhất trong hành trình thiêng liêng của chúng ta vì nó gợi lên một ‘sự chết đi cho cái tôi của mình’. Và rõ ràng là, đây là điều kiện tiên quyết mà Đức Giê su đặt ra cho những ai bày tỏ ước muốn đi theo Người ‘Ai muốn trở thành môn đệ của Thầy, thì phải vác thập giá hằng ngày mà đi theo Thầy!’ (Mt 16,24). Chúng ta không thể mãi là môn đệ của Đức Giê-su nếu chúng ta hiểu rõ rằng chúng ta không muốn bất kỳ một sự bất tiện hay khó khăn nào trong việc đi theo Người. Cách làm đó cũng giống như việc đi du lịch trên một chiếc xe buýt sang trọng có đủ mọi thứ tiện nghi ngay cả khi chúng ta biết rằng nó sẽ không đến được nơi chúng ta cần đến; chúng ta chọn lựa nó đơn giản là vì những tiện nghi mà nó hứa hẹn và đem đến cho chúng ta! Trong trường hợp này, mục tiêu rõ ràng là nhắm vào ‘cái tôi’ và nó chỉ làm cho chúng ta đi lòng vòng cũng như đi xung quanh một tâm điểm là chính Cái tôi!

Từ ‘Religion’ bắt nguồn từ hai từ Latinh có nghĩa là ‘ràng buộc lại với nhau’, chức năng của tôn giáo là ràng buộc người ta lại với Thiên Chúa. Thế nhưng khi sự ràng buộc này diễn ra, cả hai bên đều phải sẵn sàng đánh mất một điều gì đó liên quan đến chủ quyền hay độc lập của họ. Qua việc trao ban ‘tất cả’ mọi sự nơi mình cho chúng ta, Thiên Chúa bày tỏ sự sẵn sàng đánh mất chính mình Ngài vì lợi ích của chúng ta. Biểu hiện cụ thể hơn nữa của điều này chính là việc sai Con yêu dấu của Ngài là Đức Giê-su xuống thế làm người, đặt hoàn toàn Người con ấy trong tay chúng ta và thậm chí để chúng ta buộc Người phải chết trên cây thập giá một cách tàn nhẫn! Giờ đây, sự sâu thẳm của việc dâng hiến nơi Thiên Chúa chỉ có thể được bù đắp bởi một sự hoàn toàn dâng hiến tương tự từ phía chúng ta nếu muốn có một sự ràng buộc chân thật giữa đôi bên. Thế nhưng, ở đâu xuất hiện một sự tính toán, một sự toan tính và một thái độ mặc cả, thì ở đó sợi dây ràng buộc không thể được mong chờ là sẽ sâu đậm hay lâu bền được!

Vì thế, trong việc đào tạo những người có ơn gọi linh mục hay tu sỹ, đức tính căn bản nhất cần được khắc sâu đó là việc chết đi cho Cái Tôi. Thế nhưng ở đây, việc chết đi cho Cái tôi chỉ theo bổn phận, hay tìm lại chính mình sẽ làm hỏng toàn bộ dự án và sẽ không có cơ hội đạt đến sự sống đích thực. Thế nhưng khi việc này được thực hiện bằng tình yêu và có thể là lòng biết ơn, nó có thể tạo ra những điều tuyệt vời. Bất kể điều gì có thể là điểm xuất phát trong mối tương quan tình yêu giữa Thiên Chúa với con người (và Thiên Chúa có nhiều cách để thực hiện mối tương quan như vậy, một đặc ân hay ân phúc đặc biệt, một lối thoát chật hẹp khỏi cái chết, một sự chữa lành đột ngột khỏi những căn bệnh hiểm nghèo…) cũng sẽ cần đi đến cấp độ trao ban tình yêu của chính mình, nếu như muốn sống sót. Kể từ đó, Chúa sẽ dẫn đưa con người từng bước từng bước vào việc quyết tâm chết đi cho Cái tôi của mình cùng với kinh nghiệm tương ứng về tình yêu và lòng nhân từ của Thiên Chúa.

 

Ngày 13/11

“Thiên Chúa yêu thương tôi. Đó là sự thật. Trong mọi sự, Ngài chỉ muốn những điều tốt cho tôi, tôi là tất cả của Ngài và tôi chỉ muốn một mình Ngài. Sự yếu đuối của tôi chính là yêu sách của tôi, sự nghèo khó của tôi chính là gia tài của tôi, những bất toàn của tôi chính là nhu cầu cần đến ân sủng của Ngài.” [Gửi cho nữ bá tước D’Andigne, 3/1866]

Ở đây lại một lần nữa, cha Eymard trở về với nguyên lý nền tảng và điểm khởi phát trong đời sống thiêng liêng của con người. Thiên Chúa mời gọi người ta đi vào tương quan sâu đậm qua nhiều phương tiện khác nhau. Nói chung, Ngài ban cho người ấy một kinh nghiệm xác thực về tình yêu, một điều gì đó thực sự lấp đầy tâm hồn và tâm trí của người ấy. Khi đã nếm cảm được tình yêu tuyệt vời của Chúa Cha, người ấy tìm cách đáp trả, có thể lúc đầu là vì lợi ích cá nhân, nhưng dần dần người ấy sẽ cảm nghiệm được lời mời gọi để ngày càng từ bỏ Cái Tôi đi. Khi giai đoạn khô khan, thậm chí trong lúc cầu nguyện, diễn ra, vốn là cấp độ bình thường thứ hai trong mối tương quan này, người ấy sẽ đối mặt với sự chọn lựa bước theo Chúa vì những ân huệ và phúc lành của Ngài hay vì chính Ngài, bởi lẽ Ngài thì quá tốt lành và tuyệt hảo.

Hầu hết mọi người sẽ tiếp tục chọn Chúa nhưng khi mối tương quan này trở nên sâu đậm hơn, người ta bắt đầu ý thức về sự hư không của mình trước mặt Chúa. Lời đáp trả về phía con người chúng ta thực ra không đáng kể hoặc có lẽ hoàn toàn nghèo nàn khi so sánh với sự quảng đại bao la của Chúa Cha. Đó chính là lúc nỗi sợ hãi hay việc đánh mất tài sản quý giá của mình là Thiên Chúa, dần dần gia tăng. Nhưng nếu có xảy ra, thì đó đơn giản chỉ là một dấu hiệu cho thấy Cái Tôi đang hoạt động. Và trong tình cảnh này, tất cả những gì người ta cần đó là nhớ lại sự ân thưởng một cách nhưng không của tình yêu Thiên Chúa. Thiên Chúa không chọn chúng ta vì chúng ta vĩ đại hay có những phẩm chất tuyệt vời. Nhưng Ngài chọn chúng ta là vì bản chất của Ngài là tốt lành và yêu thương. Thực vậy, chúng ta càng nghèo nàn và yếu đuối bao nhiêu, thì tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta càng lớn lao bấy nhiêu và đặc tính của Ngài chính xác là “ai nghèo túng, Người cất nhắc từ đống phân tro, đặt ngồi chung với hàng quyền quý, hàng quyền quý dân Người.” (1Sm 2,8/Tv 113,7).

Nhưng nếu chúng ta tiếp tục cảm nghiệm ân sủng này của tình yêu Thiên Chúa, điều quan trọng là chúng ta phải hết lòng chấp nhận sự hư không của mình và đặt mình vào bàn tay của Thiên Chúa. Đây là điều mà Đức Maria đã làm, khi Mẹ xem mình là nữ tỳ hèn mọn của Chúa, Mẹ đã không ngần ngại mà thưa lên rằng: “Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả. Danh Ngài chí thánh!” (Lc 1,48-49). Hầu hết các vị đại thánh cũng bước theo con đường của sự thấp hèn này và khám phá ra tình yêu của Thiên Chúa trong sự sung mãn.

Nhưng khi một ai đó tự nâng mình lên vì nghĩ rằng mình có thể làm những điều cao trọng bằng chính sức lực của mình, thì đó là lúc Thiên Chúa sẽ gạt người đó sang một bên và chọn những người khác ít kiêu ngạo và tự phụ hơn! Đức Giê-su đã đúc kết cách làm này của Chúa Cha khi nói: “Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên” (Lc 14,11). Đó chính là những người biết chấp nhận sự hư không của mình, họ là những người có thể nói, như cha Eymard đề nghị, là ‘sự yếu đuối của tôi chính là yêu sách của tôi, sự nghèo khó của tôi chính là gia tài của tôi, những bất toàn của tôi chính là nhu cầu cần đến ân sủng của Ngài’. Chính qua những khí cụ khiêm nhường này mà Chúa luôn thực hiện những dấu lạ vĩ đại nhất!

 

Ngày 14/11

“Con thân mến, hãy tin cha, những lời cầu nguyện trong lúc khô khan và tuyệt vọng thì đẹp lòng Chúa hơn là những lời văn tuyệt vời nhất và những ý tưởng cao siêu nhất. Ít ra, con sẽ hiện diện trước Nhan Thánh Chúa như một người nghèo, một người tàn tật và như một trẻ nhỏ không biết nói bất cứ điều gì, nhưng lại là người biết yêu mến.” (Gửi cho Josephine Gourd, tháng 3/1866)

Sự khô khan trong khi cầu nguyện là vấn đề phổ biến mà một người thụ huấn trình bày với vị linh hướng của mình không bao lâu sau khi hành trình thiêng liêng bắt đầu. Lý do là vì khi đã cảm nghiệm được giai đoạn ngọt ngào của cầu nguyện vào đầu cuộc hành trình thiêng liêng, thật là bối rối khi người ta nhận ra mình trong sa mạc thiêng liêng. Trong suốt giai đoạn này, không chỉ sự cằn cỗi trong lúc cầu nguyện mới gây ra căng thẳng mà quan trọng hơn, chính sự dằn vặt mới khiến người ta nghi ngại rằng khó khăn này có thể là kết quả của sự sao lãng hay tội lỗi của chính họ. Thế nhưng, thường thì, ngay cả cuộc thử luyện lương tâm cứng rắn nhất cũng không biểu lộ bất kỳ một sự xung đột nào về ý chí và tự do trong ý định của Thiên Chúa. Lời Chúa cũng không giúp ích được gì nhiều trong suốt giai đoạn khô khan này và người ta hoàn toàn cảm thấy bị tước đoạt khỏi mọi sự trợ giúp. Trong tình trạng hỗn loạn này, theo lẽ tự nhiên, người ta sẽ tìm kiếm sự hướng dẫn và hơn thế nữa là một sự đảm bảo rằng mọi thứ đều tốt đẹp cả.

Như hầu hết các vị hướng dẫn đường thiêng liêng đã nói, giai đoạn khô khan này mang ý nghĩa là một cuộc thử luyện về lòng trung tín cũng như là một sự gia tăng đức tin của người ta vào lòng nhân lành và tình yêu của Thiên Chúa. Vì thế, người thụ huấn luôn luôn được động viên để giữ vững đức tin, ngay cả lúc cuộc thử luyện về đức tin không cho thấy những việc làm sai trái có chủ ý hay sự quyến luyến với bất kỳ điều gì trái ngược với ý định của Thiên Chúa. Những ân sủng mà Thiên Chúa dành cho những người được Ngài tuyển chọn càng dồi dào, thì giai đoạn khô khan này lại càng mạnh và có lẽ lại càng kéo dài. Thánh Tê-rê-sa Avila được xem là vị thánh đã trải qua nhiều năm khô khan trong cầu nguyện, thế nhưng thánh nữ vẫn trung thành với mọi đòi hỏi của Chúa, không cần biết những đòi hỏi ấy nhỏ hay lớn thế nào. Vì thế mà không lấy làm ngạc nhiên khi sau này thánh nữ lại nhận được những ân sủng phi thường liên quan đến việc cầu nguyện.

Cách an toàn nhất đối với những người thụ huấn để tiến hành trong giai đoạn khó khăn này là chấp nhận sự hư không của mình và đặt nó trước mặt Chúa với lòng đơn sơ và phó thác. Sau hết, chính Chúa là Đấng đã tạo dựng nên chúng ta và Ngài biết rõ sự yếu đuối bẩm sinh cũng như sự không kiên định của chúng ta. Hãy ký thác mọi sự cho Ngài, đào sâu niềm tin của chúng ta rằng Ngài chấp nhận và yêu thương chúng ta dù chúng ta có những giới hạn, tiếp tục trung thành với hành trình thiêng liêng bao nhiêu có thể vì nói theo cách của loài người thì đây là điều sẽ giúp ích nhiều trong cuộc hành trình dài. Hơn nữa, người ta cũng cần nhớ rằng làm đẹp lòng Chúa và làm mọi việc Chúa muốn thì quan trọng hơn là cảm nghiệm được những cảm giác sung sướng trong khi cầu nguyện. Cũng vậy, điều quan trọng là người ta vẫn tiếp tục trung thành với thời gian cầu nguyện, chứ không bị cám dỗ để rút bớt thời gian cầu nguyện vì cho rằng việc này dường như là lãng phí thời gian. Trái lại, thật là hữu ích và đáng khen khi gia tăng thêm thời gian cầu nguyện ít là vài phút mỗi ngày, chịu đựng thập giá thêm một chút nữa vì tình yêu dành cho Thiên Chúa là Đấng mà chúng ta tin. Chúng ta cần tiếp tục đào sâu lòng mến của chúng ta trong toàn bộ giai đoạn này, dù không ‘cảm nghiệm’ được nhiều, chúng ta nhớ rằng tình yêu là một quyết định hơn là một cảm xúc. Và vì thế, quyết định tiếp tục trung thành với Chúa của chúng ta sẽ tiếp tục mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

 

Ngày 15/11

“Con phải luôn giữ tấm gương tuyệt đẹp của Chúa chúng ta trước linh hồn con, những nhân đức của Ngài vốn là vườn hoa Phúc âm tuyệt đẹp, nhưng đặc biệt đó là những động cơ thánh thiêng cho biến cố Nhập Thể, cho ơn cứu chuộc của chúng ta, cho Thánh Thể. Trước những cảnh đẹp ấy, linh hồn sẽ tìm thấy niềm vui, hay ít ra là giữ được niềm vui trước mặt Thiên Chúa” [gửi cho nữ bá tước D’Andigne, 6/1866]

Thật hữu ích vì trong suốt giai đoạn khô khan của việc cầu nguyện, thì lời khuyên trên quả thật có ích và nên được thực hành dù khi mọi sự vẫn diễn ra suông sẻ. Vì một điều là, nó nhấn mạnh việc không nên chú trọng đến bản thân cũng như những nhu cầu của bản thân chúng ta và chỉ quy hướng về Thiên Chúa. Bên cạnh đó, việc quy hướng về Chúa có thể làm cho chúng ta càng biết quý trọng hơn khi nhận ra rằng Ngài yêu thương chúng ta và cho chúng ta quá nhiều. Điều này đào sâu và tăng sức cho việc sẵn sàng yêu mến Ngài bằng cả tấm lòng của chính chúng ta. Một thực tế được đưa ra là nhìn chung chúng ta có xu hướng quên đi những gì Đức Giê-su đã làm cho chúng ta, hay thậm chí là bỏ qua tất cả những biểu hiện tình yêu của Ngài đã ban, lời đề nghị: hãy tập trung vào những ưu phẩm của Đức Giê-su, là một nguồn trợ giúp lớn lao và tích cực theo chiều hướng tốt. Chúng ta càng bị lòng nhân từ và tình yêu của Thiên Chúa cuốn hút, thì càng tốt cho chúng ta và cho việc cầu nguyện của chúng ta nữa.

Hơn thế, những ưu phẩm của Đức Giê-su quá lôi cuốn đến nỗi chúng ta không bao giờ có thể thực sự khám phá hết dù có dành nhiều thời giờ để chiêm niệm về những ưu phẩm ấy. Vả lại, những ưu phẩm của Thiên Chúa thì vượt xa những gia tài của chúng ta và luôn luôn có yếu tố ngạc nhiên khi nhận ra rằng những ưu phẩm của Ngài quả thực là khác xa những phẩm chất của chúng ta, thật không khó để dành giờ kinh ngạc trước tình yêu của Ngài. Lòng nhân từ tuyệt đối và tình yêu không thể tin nổi của Ngài biểu lộ qua 1000 cách khác nhau, quả thực làm chúng ta say mê cho đến giờ phút cuối cùng.

Trong lúc cầu nguyện, việc thực hành này sẽ ngày càng trở nên dễ dàng hơn nếu chúng ta tự đào luyện mình khi đọc Sách Thánh để tự do quy hướng vào những ưu phẩm của Thiên Chúa trước tiên, thâu lượm từng từ một trước khi chú ý đến hành động mà Chúa có thể đang đề nghị chúng ta làm. Sau hết, Sách Thánh chẳng phải như một chiếc gương, qua đó chúng ta nhận ra những ưu phẩm của Thiên Chúa/Đức Giê-su phản chiếu trên chúng ta sao? Mỗi biến cố trong cuộc đời của Đức Giê-su làm nên một ưu phẩm cụ thể của Người, cho chúng ta thấy tâm hồn Người mong ước tuôn đổ trên chúng ta tình yêu và lòng nhân từ của Người như thế nào. Thật không may, chúng ta thường không dành thời giờ cho việc này, mà lại mau chóng lao vào những việc thực hành lấy ra từ sự hiểu biết sáng suốt trong những đoạn văn chúng ta đọc được. Kết quả là chúng ta không thực sự hiểu được những điều kỳ diệu của tình yêu Thiên Chúa, và đến một mức độ nào đó, không hiểu được rằng cách làm của Ngài thì khác hẳn với cách làm của chúng ta. Một hình ảnh rõ nét cho thấy tình yêu của Thiên Chúa vượt xa tình yêu của chúng ta sẽ tạo ra sự khác biệt trong lời đáp trả của chúng ta đối với tình yêu của Ngài. Có một điều là Cái Tôi sẽ trở nên ít đi trong việc cầu nguyện của chúng ta vì khi ấy sự chú ý của chúng ta sẽ hoàn toàn hướng về Ngài và về tình yêu của Ngài.

Bấy giờ, thậm chí nếu chúng ta quy hướng về bản thân mình, thì tốt hơn nên nhận ra rằng làm thế nào để chúng ta có thể đạt đến tầm mức của yêu thương qua những công việc hằng ngày của mình.

 

Ngày 16/11

“Tình trạng đau khổ luôn luôn phát xuất từ Thiên Chúa. Đây chính là tình trạng mà Thiên Chúa dùng để đem lại điều tốt hơn cho chúng ta, và để ban cho chúng ta những ân huệ đặc biệt” [gửi cho Josephine Gourd, tháng 6 năm 1866]

Trước khi ban phát bất kỳ ân huệ nào cho chúng ta, đầu tiên Thiên Chúa gây ra một sự khát khao mãnh liệt nơi chúng ta. Trước hết, Người chỉ cho chúng ta thấy ân huệ cao quý đó là gì, qua việc nhận ra nó hoạt động nơi người khác, hay qua việc đọc ra sự kỳ diệu của nó, hay thậm chí có thể là cảm nếm đôi chút về ân huệ ấy. Sau khi lôi cuốn sự chú ý của chúng ta bằng động cơ ban đầu này, có thể nói như vậy, kế đó Thiên Chúa sẽ làm cho chúng ta ao ước điều ấy. Sau hết, Thiên Chúa sẽ không ném những viên ngọc của Người cho heo, khi mà chính Người khuyên chúng ta, những đứa con của Người, không nên làm như vậy. Thậm chí, sau khi chúng ta ao ước ân huệ tuyệt vời ấy, hầu như là Người sẽ ban cho chúng ta một phần khác của ân huệ ấy, không phải để trêu tức chúng ta, nhưng là để giữ cho niềm khao khát của chúng ta tiếp tục lớn mãi cho tới khi nó trở thành một niềm đam mê và nỗi ám ảnh trong chúng ta! Điều này cũng chuẩn bị cho chúng ta biết cách trả giá vì ân huệ này.

Nhìn chung, đây sẽ là những đau khổ hay thập giá đặc biệt mà người khác dường như không chịu đựng được. Nhưng giờ đây, chúng ta có một mục tiêu xác định, và đang sẵn sàng để trả giá vì tình yêu, chúng ta sẽ ngày càng sẵn sàng và sẵn lòng để đón nhận nó một cách vui vẻ. Cha Eymard còn đi xa hơn nữa khi cha đề nghị rằng đau khổ này có thể là một “tình trạng”, một loại đau khổ kéo dài. Nếu đây là điều mà Thiên Chúa muốn dành cho chúng ta, chúng ta hãy chấp nhận nó qua việc dùng lý trí của mình để đưa ra những lời giải thích trong những trường hợp này, điều đó có nghĩa là đau khổ kéo dài này phải là hậu quả của những tội lỗi hay những điều khác do chúng ta đã gây ra. Câu chuyện ông Gióp nhắc nhở chúng ta rằng Thiên Chúa có thể muốn chúng ta chịu đựng đau khổ để chứng tỏ lòng trung tín của chúng ta đối với lời Ngài. Dĩ nhiên, khi con người chạm đến toàn thể vấn nạn này bằng tình yêu, thì cường độ và phạm vi của đau khổ sẽ không còn tạo ra bất kỳ một sự khác biệt nào nữa.

Quả thực, phần đau khổ của mỗi ngày sẽ được xem như một phúc lành đặc biệt, đem đến điều lành cho chính chúng ta và cho người khác. Như Viktor Frankl, qua lý thuyết về liệu pháp trị liệu tâm lý nổi tiếng của mình, đã chỉ cho chúng ta thấy rằng khi một ai đó tìm được ý nghĩa cho cuộc sống của mình, người ấy có thể chịu đựng bất cứ đau khổ nào, thậm chí là cả những đau đớn về phần thể xác trong Trại Tập Trung. Khi ý nghĩa này được nối kết với sự thiện vĩnh cửu (có lẽ là ơn cứu độ) mà Thiên Chúa muốn dành cho một vài người nào đó, chẳng lẽ người Ki-tô hữu ngoan đạo lại không dám sẵn sàng để chấp nhận đau khổ ấy sao? Và phúc lành được dành cho những người hưởng lợi sẽ không đủ khích lệ người ấy kiên trì đến cùng hay sao?

Chúng ta biết rõ là một người mẹ sẵn sàng chịu đựng đau khổ tột cùng chỉ vì tình yêu dành cho đứa con đang đau bệnh của mình mà thậm chí không nghĩ đến chuyện than phiền những bất tiện gây ra cho bà. Cũng thế, người Ki-tô hữu tin rằng Thiên Chúa sẽ không bao giờ gửi đến cho anh ta/chị ta bất kỳ đau khổ nào vượt quá sức chịu đựng của họ, và khi Thiên Chúa gửi đến cho chúng ta một thập giá, thì trong cái rủi lại có cái may, chắc chắn là người ấy sẽ sẵn sàng chấp nhận bất kỳ đau khổ nào mà Chúa nhân lành gửi đến cho họ. Thực vậy, anh ta/chị ta thậm chí sẽ tiến xa hơn và giống như các tông đồ trong Sách Công Vụ Tông Đồ ở chương 5 câu 41, luôn xem đó như đặc ân để chịu đau khổ vì danh Chúa! Chính việc đón nhận Thập giá này làm cho người ta trở thành một chứng nhân của Đức Giê-su Phục Sinh.

 

Ngày 17/11

“Xin cho tâm hồn con thuộc về Chúa qua việc thanh tẩy ý hướng, qua việc gắn kết với tình yêu của Người, qua việc cậy trông vào lòng thương xót của Người.” [Gửi cho cô Josephine Gourd, 6/1866]

Kinh Thánh minh chứng rằng con người được tạo dựng bởi Thiên Chúa giàu lòng yêu thương với ý định mời gọi họ chia sẻ sự sống với Ngài qua Giao ước. Mối tương quan giao ước này là mối dây liên kết sâu sắc nhất giữa hai người khi mỗi người bước vào Giao ước với ước muốn rõ ràng là trao ban tất cả mọi thứ thuộc về mình cho người khác. Cụm từ Giao ước điển hình trong Kinh Thánh là: “Ta sẽ là Chúa các ngươi và các ngươi sẽ là dân Ta!”. Thế nhưng, mặc dù con người được dựng nên vì mục đích ấy, Thiên Chúa sẽ không phá vỡ Giao ước của Ngài với bất kỳ ai. Ngài yêu thương mời gọi con người bước vào tương quan sâu đậm này với Ngài. Sách Xuất Hành đã diễn tả ý tưởng này: “Các ngươi đã thấy những gì Ta đã làm đối với Ai Cập, và đã nâng các ngươi trên cánh chim bằng mà đem đến với Ta (như thế nào). Vậy giờ đây, nếu các ngươi thật sự nghe tiếng Ta và giữ giao ước của Ta, các ngươi sẽ là sở hữu riêng của Ta” (Xh 19,3-5).

Trước hết, Thiên Chúa bày tỏ tình yêu của Ngài cho chúng ta. Ngài không chỉ ban lời cho chúng ta để chứng tỏ yêu sách của Ngài, nhưng thực hiện những điều kỳ diệu cũng như qua việc cứu độ chúng ta thoát khỏi những cạm bẫy của sự chết, trong những tình cảnh mà không một ai có thể giúp ích gì cho chúng ta! Khi đã làm theo cách của mình để biểu lộ tình yêu đặc biệt và vô biên của Ngài dành cho chúng ta, bấy giờ Ngài sẽ đợi chờ lời đáp trả của chúng ta. Khi con người biết đón nhận một cách vô điều kiện, Thiên Chúa sẽ tiếp tục đổ tràn những ơn lành. Tuy nhiên, kẻ lãnh nhận sẽ không vâng theo, những gì người ấy làm thực sự đang khép cánh cửa đời mình lại với Thiên Chúa_Đấng sẽ không áp đặt con đường hay kế hoạch của Ngài lên bất kỳ ai. Ngài đứng ngoài cửa và gõ, và hễ ai mở cửa cho Ngài, thì Ngài sẽ vui vẻ bước vào và ‘dùng bữa với người ấy’ (Kh 3,20)

Gánh nặng của hiệp ước đáng kể này nằm ở phía con người. Đó là lý do vì sao cha Eymard khuyên người con linh hướng của mình hãy đoan chắc rằng tâm hồn họ thuộc trọn về Chúa. Điều này không chỉ diễn ra trong một ngày, nhưng phải được thể hiện mỗi ngày và mỗi lúc khó khăn khi chúng ta bị cám dỗ thoái lui. Bấy giờ, dù cho tất cả những ý hướng ngay lành trong thế gian, con người chúng ta chắc chắn sẽ dao động và thoái lui hết lần này đến lần nọ; nhưng bấy giờ tất cả những gì chúng ta cần làm là trở về cùng Cha với một tình yêu vĩ đại, cậy trông vào lòng thương xót của Người. Người biết chúng ta mỏng giòn và có khuynh hướng thất bại ngay bây giờ và mãi sau này, vì thế không ngạc nhiên khi điều này xảy ra, thậm chí nếu nó được lập đi lập lại. Tất cả những gì Ngài yêu cầu đó là một sự hoán cải thực sự, một ước muốn chân thành trở về với tình yêu không thay đổi của Ngài.

Chính sự chân thành này mà cha Eymard gọi là “sự thanh tẩy ý hướng” vì những ý hướng đen tối và những mức độ của chủ nghĩa cá nhân bị pha trộn lẫn nhau khi con người chúng ta quyết định về bất cứ điều gì. Tuy nhiên, điều quan trọng là trong việc trở về với tình yêu này, chúng ta luôn ngước nhìn về lòng nhân lành của Chúa chứ không phải vào sự bất trung và hay thay đổi của chúng ta. Điều đó cũng giống như việc trèo lên một cái thang sắt rất cao. Bao lâu chúng ta nhìn lên phía trước, chúng ta không cảm thấy bất kỳ một khó khăn nào. Nhưng khi chúng ta nhìn xuống dưới, chúng ta cảm thấy choáng váng và nỗi sợ bị té ngã sẽ đeo bám chúng ta.

 

Ngày 18/11

“Cha xin con đừng đặt sự bình an của con nơi người phàm... bởi vì điều đó giống như việc đặt nó trên đống cát vậy.” (gửi cho bà Lepage, tháng 7 năm 1866)

Sự bình an trong tư tưởng là một trong những ân huệ cao quý nhất mà con người có được. Khi một ai đó có được sự bình an nội tâm, thì không gì có thể gây phiền toái cho họ được dù là bất kỳ định chế nào ở thế gian này. Do vậy, không ngạc nhiên lắm vì trước khi lìa bỏ thế gian này, Chúa Giê-su đã để lại bình an của Người cho các môn đệ, một sự bình an mà thế gian không thể ban tặng cũng như không thể lấy mất (Ga 14:27). Tuy nhiên, cũng trong bối cảnh để lại bình an của Người cho chúng ta, Chúa Giê-su đã cảnh báo chúng ta rằng “đừng để tâm hồn anh em ra xao xuyến, hãy tin vào Chúa Cha và tin vào Thầy...”. Nói cách khác, Người nhắc nhở chúng ta rằng mặc dù Người đã ban cho chúng ta chính sự bình an thánh thiện của Người, nhưng chúng ta có thể đánh mất sự bình an đó khi bị quấy rầy và vì lo lắng. Do đó, điểm mấu chốt đối với sự bình an nội tâm và hạnh phúc của chúng ta nằm trong tay chúng ta.

Đó là lý do vì sao cần phải kiểm tra xem cơ sở hay nền tảng sự bình an của chúng ta là gì. Nếu sự bình an đó dựa vào con người, thì nó sẽ đưa đến thất bại, không cần biết người ấy là tốt hay thân thiện đến mức nào. Con người không thể đem lại cho chúng ta sự bình an đó và vì thế cũng cần nhớ rằng Chúa Giê-su đã nói với chúng ta “Thầy để lại bình an cho anh em” (Ga 14:27). Sự bình an của chúng ta phải được xây dựng trên chính con người của Chúa Giê-su và trên Lời của Người, nếu như muốn sự bình an đó tồn tại mãi và không lay chuyển. Thiên Chúa không lừa dối, bên cạnh đó Người biết mọi sự và Người cũng không thể thờ ơ hay lãnh đạm trước những mối đe dọa đang bao trùm chúng ta. Vì thế khi Người ban cho chúng ta bình an, thì đó là một ân huệ mà chúng ta cần vui mừng.

Nhưng khuynh hướng của con người chúng ta là luôn lo lắng về những bổn phận tiêu cực trong tương lai vượt quá tầm kiểm soát của chúng ta. Giờ đây điều tốt nhất đó là khi Thiên Chúa đảm bảo cho chúng ta về sự bình an của Người, Người không có ý nói rằng mọi sự sẽ không diễn ra như chúng ta không thể tưởng tượng nổi. Hầu như là sẽ có những cơn sóng gió ập đến trên những cuộc hành trình băng qua biển hồ của chúng ta, những người khác sẽ bỏ rơi và làm cho chúng ta thất vọng. Nhưng trong mọi sự, chính Chúa Giê su nhắc nhở chúng ta rằng “Đừng sợ! Thầy ở cùng anh em… Thầy đã thắng thế gian!” (Ga 16: 26-33). Vì thế, chúng ta có thể trông chờ những chuyện rủi ro xảy đến trong cuộc đời mình, nhưng càng rủi ro, chúng ta càng cần phải vui mừng vì chỉ khi ấy Chúa Giê-su mới có thể tỏ lộ Người quyền năng và vinh hiển như thế nào. Đây chính là chiến thắng của chúng ta, niềm tin của chúng ta.

 Mỗi lần chúng ta cử hành Hy Lễ Tạ Ơn và lắng nghe Lời Chúa, hiệu quả sâu xa của việc loan báo này phải là một sự đào sâu về đức tin của chúng ta được diễn tả qua việc Tuyên xưng đức tin cũng như Lời nguyện tín hữu. Nhưng nếu việc này không diễn ra trong suốt Hy Lễ Tạ Ơn và theo một cách có ý thức, thì chúng ta có thể trông chờ những cơn dông tố trong ngày xảy ra trước mắt chúng ta. Chúng ta thấy điều này xảy ra sau phép lạ nuôi năm ngàn người, các Tông Đồ tưởng rằng mình trông thấy ma khi chính Chúa Giê-su đi trên mặt nước (Mc 6:51-52). Lý do là vì các ông không nhận ra Chúa Giê-su là Con Thiên Chúa trong phép lạ ấy (Thánh Thể) và vì thế các ông cũng không nhận ra Người sau này! Khi đức tin của chúng ta vào Thánh Thể trở nên mạnh mẽ, khi ấy chúng ta sẽ sẵn sàng để sống theo điều mà thánh Phao-lô nói ở chương 8 thư gửi tín hữu Rô-ma “Nếu Thiên Chúa ở với chúng ta, ai có thể chống lại chúng ta? Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa nơi Đức Giê-su Ki-tô?” (Rm 8:31-39).

 

Ngày 19/11

“Vì con hoàn toàn vô tội, cha có thể hiểu được là con đang gặp đau khổ vì bị tố cáo. Hãy kết hợp tất cả những điều ấy với Chúa Giê-su, Đấng bị người ta vu khống; đó là lúc con liên kết bản thân con với Ngài và tìm thấy bình an của con trong sự quy phục và lòng kiên nhẫn.” [gửi cho bá tước D’Andigne, 07/1866]

Trong lời khuyên gửi cho người con linh hướng của mình, cha Eymard có cơ hội áp dụng những gì cha đã nói nhiều lần trong những bối cảnh khác vào trong một tình huống cụ thể. Bà đã bị tố cáo về một vài chuyện mà bà đã không gây ra và không chịu trách nhiệm. Thế nhưng, bản chất con người là điều mà tâm trí bà đang phải chạy đua với việc đưa ra những cuộc tranh luận để chứng tỏ rằng bà vô tội trước những lời cáo buộc gán cho bà. Nếu ai đó đã trải qua một tình huống tương tự như thế, thì quả thật người ấy sẽ nhận ra rằng thật là đau đớn biết bao khi tâm trí cứ ngày đêm xao động không ngừng, và không bao giờ có một kết cục hay một thời khắc an bình. Cứ mỗi khoảnh khắc thì lại có một góc độ mới được bày ra và tiến trình cứ thế tiếp diễn không ngừng.

Trong một tình huống như vậy, người ta có thể đề nghị rằng phương thuốc hữu hiệu nhất là ra đi và trình bày với người quan tâm đến việc giải thích tình huống theo quan điểm của chúng ta. Thế nhưng, kinh nghiệm cho thấy dường như điều này không thực hiện được, thường vì phía bên kia không được chuẩn bị để nhận trách nhiệm; họ sẽ không chịu lắng nghe bất kỳ cuộc tranh luận nào mà chúng ta có thể đưa ra, và cuối cùng tình hình sẽ lại càng trở nên thậm tệ hơn. Đó là lý do vì sao cha Eymard đề nghị rằng cách hiệu quả hơn và sinh nhiều hoa trái hơn là đặt toàn bộ tình cảnh này vào tay Thiên Chúa, chấp nhận chúng như điều phát xuất từ nơi Ngài vì một mục đích cao cả hơn. Nó cũng sẽ giúp nhận ra rằng Đức Giê-su cũng bị tố cáo một cách bất công và những lời giải thích của Người cũng không được chấp nhận. Khi phó thác tình cảnh này vào trong tay Người, bấy giờ chúng ta sẽ để vấn đề đó cho Ngài giải quyết theo cách riêng của Ngài mà chúng ta không thể bắt chước được, vào đúng giờ của Ngài. Nếu niềm tin của chúng ta vào Đức Giê-su mạnh mẽ, bấy giờ chúng ta sẽ tận hưởng một sự an bình vì chúng ta biết rằng Người sẽ giải quyết tình huống theo cách tốt nhất có thể.

Tuy nhiên, cậy dựa vào Người trong đức tin không dễ dàng chút nào trong những tình huống như vậy, đặc biệt nếu như người khác tiếp tục châm chọc chúng ta, xem sự thinh lặng của chúng ta như một sự nhận tội. Nếu như điều này xảy ra, buộc lòng chúng ta phải có một nhóm hỗ trợ, dù cho nhóm ấy có ít người đi chăng nữa, họ sẽ giúp đỡ và hỗ trợ chúng ta tiếp tục kiên vững trong niềm tin của mình. Nhìn chung, điều đó sẽ tạo ra sự khác biệt và làm cho chúng ta có thể khắc phục khó khăn.

Một lời đề nghị hữu ích khác đó là chúc tụng Thiên Chúa, chúc phúc cho những ai tố cáo chúng ta cách bất công với một sự chân thành bao nhiêu có thể. Khi chúng ta chúc phúc cho người khác trong những tình huống bi đát như thế, điều chúng ta tìm cách làm đó là tập trung vào những điểm tích cực hay điểm tốt nơi những người tố cáo chúng ta (dĩ nhiên là những điểm đang có ở hiện tại và hữu hình nếu chúng ta quan tâm để ý!) Dường như việc thực hành này sẽ phát ra một dòng chảy vững chắc của nguồn năng lượng tích cực không chỉ giúp ích cho những người có tội, nhưng còn bảo vệ cho đối phương theo một cách thức tuyệt vời. Mặc dù cách làm này dường như không thích hợp lắm, thế nhưng nó phải được thực hiện để cho thấy nó hiệu quả như thế nào. Vả lại, nó dựa trên đức tin và ở đâu người ta có đức tin đủ mạnh để cố gắng đạt được điều đó, thì phép lạ có thể xảy ra. Chính chiều sâu của đức tin nơi chúng ta là thước đo cho những gì có thể xảy ra trong những tình huống này.

 

Ngày 20/11

“Tự nhiên, tâm hồn nhớ lại sự thinh lặng nơi miền quê, và khi chúng ta biết cách làm thế nào để đọc ra được nơi mỗi thụ tạo sự thiện mà Thiên Chúa đã đặt vào đó vì con người và vì vinh quang của Ngài! Ôi, thật là những tham vọng mà chúng ta có thể dâng lại cho Thiên Chúa, Đấng là tác giả của mọi sự thiện hảo.” (gửi cho bà Natalie Jordan, tháng 7/1866)

Lời khuyên cụ thể này của cha Eymard có thể chỉ có giá trị khi chúng ta thực sự cảm nghiệm được nó. Thế nhưng, ngày nay hầu hết tất cả chúng ta sống trong những thành phố lớn, nơi mà thiên nhiên đã bị phá hủy vì lợi lộc vật chất. Chúng ta sẽ không nhận ra những thành phố của chúng ta ồn ào và ô nhiễm đến mức nào cho đến khi chúng ta đi về miền quê. Điều đầu tiên gây ấn tượng cho chúng ta khi đến đó chính là sự thanh bình và sự tĩnh lặng tràn ngập chúng ta, chính xác là vì sự thanh bình sâu lắng này không dễ gì có được nơi thành phố chúng ta ở. Tuy nhiên, trong khi sự thanh bình và tĩnh lặng của Thiên Chúa hiện diện xung quanh chúng ta, chúng ta lại đặt mình vào trong tâm trạng để cho phép nó ảnh hưởng đến chúng ta, trấn tĩnh chúng ta và lan tỏa khắp toàn bộ con người chúng ta. Vì sự bình an đích thực không chỉ đơn thuần là một điều gì đó ở bên ngoài, nguồn gốc của nó ẩn sâu bên trong con người. Chính Đức Giê-su đã cảnh tỉnh chúng ta ‘Anh em đừng xao xuyến…’ (Ga 14,1)

Khi đã có được bầu khí bình an thực sự xung quanh chúng ta, bấy giờ chúng ta sẽ cần dừng lại và suy niệm về sự thiện hảo của Thiên Chúa nơi Thiên nhiên. Chúng ta càng tập trung vào sự thiện hảo của Thiên Chúa được phản ảnh nơi Thiên nhiên, thì nó sẽ càng ảnh hưởng sâu đậm trên chúng ta. Nếu chúng ta có thể ngồi bên cạnh một dòng suối đang chảy róc rách, hay một thác nước đổ hay thậm chí là những ngọn sóng vỗ đang ập vào bờ, thì chúng ta mới có thể tưởng tượng hiệu quả tác động đến tâm trí và tâm hồn xao động của chúng ta. Ngay cả một ngọn sóng vỗ đang ập vào bờ cũng có khuynh hướng trấn tĩnh tâm trí của chúng ta. Nếu chúng ta có thể thêm vào sự an bình ngoại tại này những lời của một Thánh vịnh hay một đoạn Kinh Thánh phù hợp, thì quả thực điều đó sẽ giúp ích rất nhiều. Hay thậm chí một bài thơ của một nhà thơ xuất chúng vì điều đó sẽ giúp tạo ra cùng một hiệu quả. Những người được ban tặng ân huệ có khả năng nắm bắt những gì là cần thiết nhất và tuyệt vời nhất nơi Thiên nhiên và còn gì hơn nữa, họ sẽ có kỹ năng diễn tả nó đến nỗi đụng chạm đến cả tâm hồn!

Trong những trường hợp này, dù một lời cầu nguyện rõ ràng không được thốt ra, thế nhưng tâm hồn chúng ta sẽ tán dương Chúa theo cách thức tuyệt vời nhất và ý nghĩa nhất hơn là khi chúng ta tập trung vào Lời kinh phụng vụ của Hội thánh mỗi ngày! Những kinh nghiệm ấy được nuôi dưỡng từ đời nọ đến đời kia, cho phép chúng ta trở về với thói quen hằng ngày của mình với một tâm trí và tâm hồn trong sáng, và tìm được ý nghĩa sâu đậm hơn trong hoạt động hằng ngày. Nếu chúng ta không biết chiêm ngắm thiên nhiên, thiên nhiên sẽ giúp chúng ta có được những người bạn biết mở lòng ra với chiều kích này, và họ sẽ giúp chúng ta đánh giá nó một cách tốt hơn từ đời nọ đến đời kia.

 Nếu lời cầu nguyện được thực hiện ‘trong tinh thần và chân lý’ và còn hay hơn cả những lời được trích dẫn trong một quyển sách, thì bấy giờ những tâm tình trong tâm hồn của Mẹ Thiên Nhiên phải là một đòi hỏi dành cho mỗi con người đang khao khát có được sự kết hiệp mật thiết với Chúa. Trong những trường hợp này, người ta phải học cách cầu nguyện từ trái tim và trong trái tim chứ không phải bằng cái đầu! Và hầu hết chúng ta- những cư dân thành thị, rất cần đến phương thuốc này trong thời đại mình. Chúng ta phải nghiện phương thuốc này vì chúng ta đã quá quen thuộc với nhịp sống của những người giàu thích đi du lịch khắp nơi.

 

Ngày 21/11

“Con đã trở nên Mát-ta, một Mát-ta tốt lành và khoan dung, điều đó là tốt. Giờ đây, con sẽ trở nên Maria, một Maria tốt lành và sốt sắng ngồi bên chân Chúa chúng ta. Thật là tốt khi ngồi bên chân Người, khi Người nói với tâm hồn chúng ta và tỏ lộ chính Người cho chúng ta!” [gửi cho nữ bá tước D’Andigne, 8/1866]

Trải qua nhiều thế kỷ, dường như có một sự ganh đua giữa vai trò của hai chị em nhà Bê-ta-ni-a: Mát-ta và Maria, và dường như câu hỏi thường được đặt ra là ‘trong hai vai trò này thì cái nào tốt hơn, cái nào đẹp lòng Chúa hơn?’. Rõ ràng câu trả lời không thể là cái này hay cái kia, nhưng là một sự kết hợp sáng suốt của cả hai vai trò, cái này diễn ra sau cái kia hay đồng thời. Theo truyền thống linh đạo của Ấn Độ, người chủ hộ gia đình sau khi tất bật với vai trò của một người chu cấp và người chủ gia đình, thì đến một lúc nào đó, sẽ vất bỏ mọi sự và đi vào trong rừng để sống cuộc đời của một ẩn sĩ; bấy giờ người ấy sẽ từ bỏ mọi sự và toàn tâm toàn ý cho việc phụng sự Đấng Thánh. Trong trường hợp này, chúng ta có thể nhận ra một sự kết hợp giữa hai vai trò của Mát-ta và Maria, cái này tiếp sau cái kia.

Tuy nhiên, sự kết hợp khó khăn hơn đó là có cả hai vai trò đồng thời nhưng cân bằng nhau, và cái này nâng đỡ cái kia. Có lẽ sự kết hợp này thì dễ dàng chấp nhận đối với những cá nhân này, nhưng lại khó khăn hơn hay có lẽ không thể chấp nhận đối với những người khác. Thế nhưng, yếu tố chung liên kết hai vai trò này lại với nhau đó là quy hướng về Chúa đang hiện diện trong cả hai trường hợp đó nhưng theo những cách thức khác nhau! Mâu thuẫn giữa hai vai trò này dường như xảy ra khi trong suốt giai đoạn Mát-ta, con người ta tập trung hoàn toàn vào những khả năng xoay xở và kế hoạch của riêng mình (không nghi ngờ gì vì tất cả đều là làm cho Chúa, nhưng không phải “với Chúa”). Nếu trong thời gian này, người ta có thể nhất quyết quy hướng vào Chúa hơn là vào Cái Tôi, cả đối với sáng kiến hay những ý tưởng cũng như đối với việc thực hiện những kế hoạch này, bấy giờ sự cân bằng sẽ tốt hơn nhiều.

Vì thế, suy cho cùng mâu thuẫn không phải là giữa công việc náo nhiệt hay không náo nhiệt, nhưng là chú ý đến Chúa đang hiện diện trong mỗi tình cảnh. Trong câu chuyện Tin Mừng, Maria đã có thái độ của một người môn đệ khi ngồi dưới chân Đức Giê-su. Điều này không có nghĩa là cô đã không làm gì hết, nhưng giống như người môn đệ, hoàn toàn dồn sự chú ý vào Vị Thầy của mình, thì cô Maria cũng quy hướng về Đức Giê-su và chỉ một mình Người mà thôi. Mặt khác, Mát-ta bị xao lãng vì nhiều chuyện! Điều chi phối sự chú ý của Mát-ta đó là mọi thứ bà chuẩn bị cho Chúa. Vì thế, chúng ta thấy chỉ mình “sự tinh tuyền trong ý định” thôi (làm một việc cho riêng mình Chúa) thì không hiệu quả, chúng ta cần đào luyện mình để cùng làm việc với Đức Giê-su.

Chính Đức Giê-su nhắn nhủ chúng ta “Không có Thầy, anh em chẳng làm gì được!”. Cần lưu ý rằng Người không nói nếu không có Người thì chúng ta sẽ làm được ít việc, hay làm việc kém chất lượng. Nhưng Người nhấn mạnh đến chân lý đó là: nếu không có Người, chúng ta không thể làm bất cứ việc gì, không làm được gì cả! Khi nào chúng ta còn ở gần Đức Giê-su, chính Người sẽ làm việc trong và qua chúng ta, vì thế công việc của chúng ta sẽ sinh hoa trái thực sự.

 

Ngày 22/11

“Người nào yêu mến thì sẽ cho đi tất cả; người nào được yêu mến thì sẽ có tất cả. Con thật may mắn vì được đổ tràn ngọn lửa thánh thiêng này. Ngọn lửa thì tự thiêu đốt, nó chỉ tìm cách để ngày càng bùng cháy lên. Nó được nhóm lên bởi chính tình yêu, vì Thiên Chúa là tất cả tình yêu và tất cả sự nhân lành.” (gửi bà Eulalie Tenaillon, tháng 9/1866)

Đặc tính của tình yêu chính là nó không giữ lại điều gì cho mình nhưng cho đi tất cả đến giọt máu cuối cùng. Chúng ta nhận thấy rõ điều này qua việc hoàn toàn dâng hiến chính mình của Đức Giê-su trên Thập giá. Vì muốn hoàn toàn vâng phục Chúa Cha và để phục vụ anh em mình một cách vô vị lợi, Người đã cho đi đến cùng. Khi chúng ta cũng muốn dành tình yêu của mình cho Thiên Chúa theo cách này, chúng ta phải sẵn sàng cho đi tất cả: “Lạy Thiên Chúa, tâm hồn con đã sẵn sàng, tâm hồn con đã sẵn sàng!’ (Tv 57,7). Và khi Thiên Chúa trao ban thì Ngài trao ban cho chúng ta tất cả những gì thuộc về Ngài, chúng ta là những người lãnh nhận mọi sự. Đây chính là kinh nghiệm chung của tất cả các vị đại thánh khi các ngài thực sự đến gần Chúa, các ngài cảm thấy không còn cần những của cải vật chất cũng như tất cả những tiện nghi khác nữa, thậm chí là cả lời động viên của bạn bè và những người thân cận. Dường như chỉ một mình Chúa mới là điều cần thiết duy nhất đối với các ngài. Quả thật, ai được chúc phúc bởi sự liên kết mật thiết với Chúa thì người ấy được tràn đầy mọi ơn phúc và không thiếu thứ gì cả.

Ở đây, tình yêu Thiên Chúa được sánh ví với một ngọn lửa. Quả đúng như vậy, ngọn lửa bốc cháy biểu hiện sự mãnh liệt của nó, bao trùm tất cả tự nhiên, nó cũng cần được gìn giữ và điều gìn giữ nó và làm cho nó tiếp tục cháy chính là tình yêu, mặc dù việc đáp trả tình yêu của chúng ta còn quá thấp kém. Những nỗ lực mà chúng ta thể hiện ra để đáp trả trong điều kiện tốt nhất của mình sẽ làm cho Thiên Chúa đến gần chúng ta bằng một tình yêu vĩ đại hơn. Khả năng yêu thương bẩm sinh của chúng ta sẽ khiến Ngài ban cho chúng ta những gì chúng ta đang thiếu. Lòng nhân hậu và lòng bao dung của Ngài trổi vượt hơn mọi nỗ lực nhỏ nhoi mà chúng ta ra sức làm. Cũng như một bà mẹ hiểu được tiếng bập bẹ của đứa con thơ, bà nhận ra những nhu cầu của nó và mau chóng đáp ứng tất cả những gì nó đòi hỏi. Còn gì vui sướng hơn khi người mẹ nghe được những âm thanh vô nghĩa do chính đứa con của mình nói ra nhằm cố gắng thông báo một điều gì đó; đối với người khác thì điều đó chẳng khác gì là việc nói nhảm, nhưng đối với đôi tai của người mẹ thì điều đó quả là một thứ âm nhạc ngọt ngào.

Trái lại, thật là ngớ ngẩn biết bao khi đến trước Thiên Chúa, chúng ta cố gắng nhại theo những gì đã được học và đã đọc được ở đâu đó, rồi thưa lên với Ngài bằng những từ ngữ và cụm từ rất trau chuốt từ một cuốn sách nào đó- mà bản thân những từ này có thể rất có ý nghĩa, nhưng lại không đánh động gì chúng ta cũng như không thích hợp với điều kiện thấp kém của chúng ta. Một vài lời bập bẹ của chính chúng ta sẽ làm hài lòng Chúa Cha hơn tất cả những câu văn hết sức trau chuốt của các chuyên gia! Đó là lý do vì sao mà tốt hơn hết là nên nói ít nhưng hãy để cho lời ấy phát xuất từ chính con tim mình, hơn là cầu nguyện dài lê thê mà tâm hồn chẳng đọng lại chút gì cả! Chúng ta cần luôn luôn nhớ rằng chính tình yêu sẽ tạo nên sự khác biệt giữa một lời cầu nguyện hay và một lời cầu nguyện hoàn chỉnh. Lời cầu nguyện hay phát xuất từ tâm hồn và được nuôi dưỡng bằng tình yêu dù cho nó có thể hiện một cách vụng về đi chăng nữa, trong khi lời cầu nguyện hoàn chỉnh thì rất đúng văn phạm và mặt khác là rất đầy đủ, nhưng lại không chứa đựng tình yêu, là điều cần thiết nhất!

Nếu chúng ta thuộc số những người cảm thấy rằng những lời cầu nguyện được soạn sẵn thì tốt hơn là những lời bày tỏ từ tận đáy lòng của chính chúng ta, thì chúng ta cần phải xem lại sự hiểu biết của mình về khái niệm cầu nguyện là gì. Chúng ta không cầu nguyện để gây ấn tượng với Thiên Chúa, hay thể hiện mình vĩ đại trước mặt Ngài. Tất cả những gì chúng ta cần làm đó là làm cho mình trở nên bé nhỏ trước Chúa Cha đầy lòng yêu thương và thấu suốt mọi sự, Ngài là Đấng biết tất cả!

 

Ngày 23/11

“Công trình của Thiên Chúa khởi đầu tại Bê-lem, bị thử thách ở Na da-rét, và đơm bông kết trái dưới bóng của Thập giá trên đồi Gôn-gô tha.” [Gửi cho cha Arthur Dhe, tháng 11/1866]

Trong khi trật tự mà cha Eymard đề ra trong lời trích dẫn trên kéo theo trình tự thời gian trải dài trong đời sống của một con người, nó cũng cho thấy ba giai đoạn khác nhau của sự trưởng thành. Mỗi khi một công việc mới hay một việc làm khó khăn bắt đầu, thì nó thường khởi đầu với một sự thịnh vượng. Có một loạt hành động ập đến và mọi thứ dường như diễn ra suông sẻ… nó tiến về phía trước với một hứa hẹn to lớn. Những người tham gia thì đều hăng hái và chăm chỉ để nhắm đến những mục tiêu và mục đích của công việc. Điều này giống như Bê lem trong cuộc đời của Đức Giê-su, các thiên thần ca hát và các mục đồng sấp mình thờ lạy! Đây chính là giai đoạn vui mừng tột cùng và hành động tích cực. Điều này cũng đúng với đời sống cầu nguyện mà người ta thực hiện trong giai đoạn đầu tiên này. Đó là một trong số những niềm an ủi cũng như những ân huệ mà Chúa tuôn đổ trên ứng sinh.

Nhưng ngay lập tức sẽ đến giai đoạn mà tất cả ‘những độ cao’ này sẽ dần dần tụt dốc và theo lẽ thường thì dường như khựng lại. Sự say mê ban đầu dường như giảm dần và những công việc cực nhọc và nhàm chán hằng ngày dần dần phát triển. Trong việc cầu nguyện, đây là giai đoạn khô khan khi việc đi đến để cầu nguyện là một nỗ lực rất lớn. Vô số những khó khăn và thử thách phải gặp trong suốt giai đoạn này và nếu đức tin của người ta không mạnh (và hằng được tăng sức sau này) thì người ta sẽ từ bỏ và buông xuôi dự án này. Điều này được ví với cuộc đời công khai của Đức Giê-su. Trong suốt thời gian này, Người bị những người Pha-ri-sêu và những người khác thách thức, họ thường thử thách Người và thậm chí là một vài người khác còn khước từ Người! Đức tin và lòng trung tín với cam kết của con người là những nhân đức quan trọng cần phải có trong suốt giai đoạn này.

Trong khi lý trí muốn có một giai đoạn tươi sáng diễn ra tiếp theo giai đoạn khô khan này, thì điều luôn luôn xảy ra đó là Na-da-rét mở ra để hướng đến Giệt-si-ma-ni cũng như Thập giá trên đồi Can-vê. Chính trong giai đoạn này mà người ta bị đòi hỏi phải hy sinh Cái Tôi của mình ở mức cao nhất, một cuộc sống hoàn toàn ‘chết đi cho Cái Tôi’ để sự sống đối với công trình của Thiên Chúa được trổ bông. Thập giá có thể nhiều hay ít đau khổ, cũng như là phải chết đi nhiều hay ít, thế nhưng chúng ta không bao giờ quên rằng Can vê được tiếp nối bằng vinh quang của Sự Phục Sinh. Thật đáng lưu ý là đấu mà chúng ta chia sẻ qua cái chết của Đức Ki-tô chính là đấu mà chúng ta cũng được chia sẻ trong vinh quang phục sinh của Người. Điều này có thể hiểu dễ dàng qua một ví dụ đơn giản. Nếu một cái ly được đổ đầy nước tới miệng và rồi người ta đổ dầu vào đó, bấy giờ không quan trọng là chúng ta đã đổ dầu trên mặt nước nhiều đến mức nào, nhưng tất cả sẽ tràn ra ngoài, không có gì được đổ vào ly nữa vì ly đã đầy rồi.

Nhưng nếu chúng ta đổ hết lượng nước khỏi cái ly, thì nó cũng chỉ có thể chứa được một lượng dầu ngang bằng như vậy… Người ta càng đổ nước khỏi ly, thì người ta lại càng có thể đổ dầu vào ly như vậy. Cũng thế, chúng ta càng loại bỏ Cái Tôi khỏi mình, chúng ta sẽ càng có thể chia sẻ vinh quang của Thiên Chúa. Chúng ta lưu ý đến hình thức này (được gọi là Mầu Nhiệm Vượt Qua) không chỉ nơi những biến cố, nhưng còn trong cuộc sống của con người, đặc biệt những người đang tìm kiếm để bước theo Đức Ki-tô. Đây chính là kiểu mẫu về chính cuộc đời của Đức Giê-su, và đó cũng sẽ là kiểu mẫu trong cuộc đời chúng ta.

 

Ngày 24/11

“Người thợ xây qua đời sau khi đặt nền móng cho một tòa nhà đồ sộ quả thực là một người sáng lập ra ngôi nhà ấy hơn là người đã hoàn tất nó”. [Gửi cho cha Arthur Dhe, tháng 11/1866]

Một trong những ước mơ của cha Eymard đó là làm việc với và cho các linh mục giáo phận vốn được mọi người biết đến. Thậm chí trong giai đoạn này, cha đã mơ ước thành lập một Hội Dòng Ba dành cho các linh mục để chia họ thành ba phạm trù khác nhau. Khi cha Dhe xin sự trợ giúp, cụ thể là trong việc phục hồi nhân phẩm cho những linh mục sa ngã, hay giúp đỡ những linh mục đang gặp rắc rối với những vị bề trên của mình, cha Eymard đã rất vui mừng vì tìm được một người nào đó có chung suy nghĩ với cha. Cũng thế, cha muốn cộng tác với cha Antoine Chevrier (đấng sáng lập dòng Prado), người đã bắt đầu công việc giúp đỡ những trẻ em bị bỏ rơi và bị từ chối, vì cha Eymard nhận ra một sự tương đồng to lớn giữa công việc giúp đỡ những người thâu lượm ve chai ở Paris với công việc khó khăn của cha Chevrier. Mặc dù cả hai ước mơ này thực sự không bao giờ được hiện thực hóa, thế nhưng tâm hồn cha Eymard vẫn hướng đến tất cả những chiều hướng đó để tình yêu của Thiên Chúa nơi Thánh Thể có thể đụng chạm đến tất cả mọi người.

Trong mọi công việc mạo hiểm này, cha đã không bao giờ bận tâm đến những kỹ thuật của những vị được xem là đấng sáng lập hay đại loại như thế. Cha xem những việc mạo hiểm này như một lời đáp trả lại lời mời gọi của Thiên Chúa để làm một việc gì đó đang thiếu trong vương quốc của Thiên Chúa ngay tại trần gian này và ngay bây giờ. Không quá xa sự thật khi nói rằng lời trích dẫn trên có một vài điểm quy chiếu đến cuộc đời của chính cha Eymard, cũng như đến công việc ‘đồ sộ’ mà cha đang gánh vác. Nhiệm vụ của cha là đặt nền tảng cho công việc này và thiết lập nó thành một nền móng vững chắc. Đó chính là tất cả những gì cha bận tâm trong đầu vào giai đoạn này. Đó không chỉ là nhu cầu tức thời, nhưng còn là đóng góp quan trọng nhất mà cha Eymard có thể làm đối với công việc mạo hiểm này. Nếu thực sự cần thiết lập một nền tảng vững chắc, thì đòi hỏi phải mất nhiều thời gian; nếu không nó sẽ sụp đổ vì cơn thử thách ban đầu.

Cha cũng thấy trước khả năng một số người khác có thể được kêu gọi để hoàn tất công việc mà cha đã khởi sự. Chắc chắn cha đã nhớ đến tấm gương của Mô-sê, người được Thiên Chúa dùng như một khí cụ để dẫn dắt dân Chúa ra khỏi Ai Cập và hướng dẫn họ trong suốt 40 năm khi họ đi lưu lạc trong sa mạc. Đây là những năm đào tạo dân Ít-ra-en, và không nghi ngờ gì khi Mô-sê đã dâng điều tốt nhất của ông hết lần này đến lần khác cho đến khi ông đưa toàn dân đến ngưỡng cửa của Miền Đất Hứa. Thế nhưng, chính xác là trong giai đoạn này Chúa đã phán bảo ông rằng không phải ông là người sẽ dẫn dắt dân vào Miền Đất Hứa, nhưng là Giô-suê, thuộc hạ của ông, người mà ông đã chuẩn bị tất cả mọi sự cho. Chính Mô-sê sẽ không có vinh dự được bước vào miền đất tràn trề sữa và mật, cũng như không tận hưởng được những hoa trái dù chỉ một vài năm ngắn ngủi trong cuộc đời ông!

Giống như Mô-sê, cha Eymard có thể đứng ở bên ngoài trước khi nhìn thấy công việc của mình đạt đến thành công mĩ mãn, thế nhưng điều đó không ngăn cản cha trở thành đấng sáng lập, vì chính cha là người đã ra công làm việc để xây dựng một nền tảng vững chắc. Công việc của cha là cộng tác với Chúa bao lâu việc phục vụ của cha cần thiết. Khi đã dâng phần tốt nhất của mình trong mỗi tình cảnh, bấy giờ cha Eymard sẵn sàng ra đi và tiến vào Miền Đất Hứa trên Trời bất kể khi nào Chúa nghĩ điều đó là thích hợp!

 

Ngày 25/11

“Điều cha ao ước cho con đó là một tình yêu dành cho Chúa chúng ta và cho vinh quang của Ngài lớn lao như những ân sủng của con, bao la như tâm hồn của Ngài.” [Gửi cho Edmond Tenaillon, tháng 1/1867]

Rõ ràng là chính từ những tác phẩm của cha Eymard mà người ta nhận ra rằng có một điều duy nhất chi phối cha suốt cả cuộc đời, đó là tình yêu Thiên Chúa, không chỉ như một sự thủ đắc nhưng như tâm điểm năng động của đời sống Ki-tô giáo của con người. Đây chính là kho tàng quý giá nhất mà một con người có thể có được ở trần gian này. Kho báu này cũng giống như kho báu mà người nông dân đã tìm thấy trong ruộng khi cày cấy (Mt 13:44). Khi nhận ra giá trị của khó báu này, lập tức anh ta đi và bán hết mọi tài sản mình có để mua lấy thửa ruộng ấy cùng kho báu được chôn giấu trong đó. Để có được kho tàng tình yêu của Thiên Chúa, không có cái giá nào có thể trả nổi.

Nhưng cái giá mà người ta sẽ phải trả để có được tình yêu của Thiên Chúa chính là một cuộc chiến dứt khoát với Cái Tôi cho đến cùng. Chủ nghĩa cá nhân và tình yêu của Thiên Chúa không thể đồng thời tồn tại trong đời sống của con người, vì cái này sẽ loại trừ cái kia. Vì thế, đó chính là điều cha Eymard mong muốn cho những người con linh hướng của cha trong một mức độ phong phú, cũng như Chúa đã ao ước đổ đầy vào tâm hồn họ. Dù không diễn tả rõ ràng, nhưng cùng lúc ấy cha cầu xin cho việc từ bỏ Cái Tôi của họ cũng sẽ đạt đến một mức độ vượt bậc. Cha biết rằng người con linh hướng này rất quảng đại trong việc mở lòng mình ra với Chúa và người ấy đã nhận được những ân huệ tuyệt vời, thế nhưng còn nhiều điều lớn lao hơn mà người ấy có thể có. Tiêu chuẩn đánh giá mà người ấy nên nhắm đến chính là sự vĩ đại của chính tâm hồn Thiên Chúa, tâm hồn vĩ đại vô biên!

Thiên Chúa đã tỏ ra cho chúng ta thấy Ngài có thể quảng đại như thế nào trong cuộc đời của Đức Trinh Nữ Maria. Trong lời kinh Magnigicat, Mẹ đã thưa lên rằng: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng, vì Thiên Chúa Đấng Cứu Độ tôi. Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới. Từ nay hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc; Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả. Danh Người thật chí thánh chí tôn. Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người. Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh, dẹp tan phường lòng trí kiêu căng. Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường. Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư, người giàu có lại đuổi về tay trắng” (Lc 1:46-53). Và điều Thiên Chúa đã làm cho Đức Maria chính là một mẫu gương về những gì Ngài đã chuẩn bị để làm cho bất kỳ người con nào của Ngài, những người ao ước cộng tác với Ngài trong công trình cứu chuộc vĩ đại.

Thật không may, chính chúng ta là những kẻ ngăn cản lòng bao dung của Thiên Chúa qua việc đón nhận tình yêu của Ngài một cách đầy sợ hãi, đặc biệt khi điều đó đòi hỏi những khó khăn từ phía chúng ta. Thế nhưng nơi đâu người ta không sợ hãi và quảng đại như Đức Maria đã làm, thì bầu trời sẽ là ranh giới cho những gì Thiên Chúa có thể và sẽ thực hiện nơi người ấy. Lịch sử đưa ra cho chúng ta rất nhiều tấm gương về những con người như thế, và không còn nghi ngờ gì khi ngày nay vẫn còn có nhiều người như thế đang hiện diện xung quanh chúng ta … Vì thế, chúng ta cần tiếp tục cầu nguyện để Thiên Chúa có thể tìm thấy những con người can đảm và bao dung như vậy, những người mà sau này có thể trở thành những hướng dẫn viên dẫn chúng ta vào Miền Đất Hứa tràn đầy tình yêu bao la của Thiên Chúa! Và nếu chính chúng ta có thể tình nguyện để trở nên những hướng dẫn viên này, thì còn gì tốt hơn, vì Chúa sẽ sẵn sàng và hăng hái trợ giúp cho sự cộng tác quảng đại của chúng ta.

 

Ngày 26/11

“Hãy làm việc cho tình yêu bằng tình yêu thánh thiện. Hãy thắp lửa trong phòng Tiệc Ly khi con chuẩn bị sứ vụ linh mục. Hãy dập khuôn theo mẫu gương thánh thiện của vị Thượng Tế đời đời, là Đức Giê-su” [gửi cho Edmond Tenaillon, tháng 1 năm 1867]

Nếu tình yêu là kho tàng quý giá nhất của con người trên trần gian này, thì người ta còn đòi hỏi gì nữa? Trước hết, chính chúng ta cần nhớ rằng tình yêu mà chúng ta đề cập đến ở đây không phải là thứ tình yêu của con người vốn bị giới hạn và có điều kiện. Chỉ có tình yêu của Thiên Chúa mới có giá trị thực sự, vì tình yêu ấy cho đi một cách tự nguyện và vô điều kiện. Vì thế, đây là điểm xuất phát cho những cuộc phiêu lưu trong tình yêu của chúng ta. Chúng ta bắt đầu bằng việc để cho chính mình được Chúa yêu, bị tình yêu ấy bắt chộp, chiếm lấy tình yêu ấy để nó thực sự trở thành một niềm đam mê trong cuộc đời chúng ta. Đây chính là ân huệ mà Chúa Cha mời gọi mỗi người đón nhận vì Người là Đấng yêu thương chúng ta trước. Chỉ sau khi cảm nếm và cảm nghiệm được tình yêu ấy, chúng ta mới bắt đầu sẵn sàng chấp nhận chính mình.

Đó là lúc chúng ta thắp lên ngọn lửa, và nếu chúng ta vẫn trung thành với đòi hỏi được đặt ra, nghĩa là chết đi cho cái tôi, lúc đó người ta sẽ không còn nói còn lâu tình yêu của Thiên Chúa mới đến được với chúng ta. Kinh Thánh chứa đựng những mẫu gương về những con người hết sức bình thường, thậm chí những con người với những lỗi lầm rõ ràng, nhưng vẫn mở lòng ra với tình yêu bao dung của Thiên Chúa và họ đã được biến đổi trên cả sự tưởng tượng. Thật thú vị khi biết rằng một người như Abraham lại được biến đổi để trở nên tổ phụ của một dân tộc vĩ đại, tất cả chỉ vì sự tầm thường nhưng luôn biết mở lòng ra với những công việc của Thiên Chúa thực hiện trong cuộc đời ông. Thậm chí khi sự hy sinh khó khăn nhất được đặt ra cho ông, nghĩa là hiến tế người con duy nhất của mình, người con của tuổi già. Nhưng ông đã không run sợ hay nghi ngờ tình yêu và quyền năng của Thiên Chúa.

Tuy nhiên, các nhân vật trong Tin Mừng gần gũi với chúng ta hơn đến nỗi chúng ta có thể dễ dàng đồng cảm với họ hơn. Phê-rô là một nhân vật có nhiều đặc điểm: rộng lượng, bộc trực, nhiệt thành và dám liều, nhưng cũng yếu đuối và hay thay đổi khi đối diện với đau khổ và bắt bớ. Tuy nhiên, không nghi ngờ gì về tình yêu nồng nhiệt của ông đối với Đức Giê-su; ông đã mạnh dạn để ở gần Đức Giê-su cũng như để cho Người biến đổi ông từng bước trở thành vị tông đồ vĩ đại. Trong khi thật là khó để chúng ta hành động như Đức Giê-su đã làm, tuy nhiên chúng ta cần xem Người như là tấm gương cho chúng ta. Người đã chỉ dẫn chúng ta, cụ thể là trong việc đảm nhận sứ vụ của Thiên Chúa trao phó cho Người. Điều đó nhắc nhở chúng ta rằng không có gì quá vĩ đại đến nỗi không thể phó thác vào bàn tay của Thiên Chúa khi làm việc bằng tình yêu.

Vả lại trong mối tương quan của chúng ta với Đức Giê-su, điều quan trọng cần phải nhớ là không phải chúng ta nắn đúc chính mình theo Người, nhưng tất cả những gì chúng ta làm là hãy để chính chúng ta được Người nắn đúc. Nhiệm vụ của chúng ta là đáp lại tiếng gọi của Người một cách quảng đại mỗi khi có thể. Chúng ta không cần phải sợ hãi những khó khăn liên quan đến việc này, vì chính Đức Giê-su sẽ dẫn dắt chúng ta từng bước; thậm chí Người sẽ biến những thất bại của chúng ta thành những bước đi vững vàng khi chúng ta thực sự đặt mình vào trong bàn tay của Người như cục đất sét trong tay người thợ gốm. Người ta cần nghiệm ra điều này để tin rằng đó là sự thật! Khi đảm nhận một công việc, Đức Giê-su sẽ làm cho nó nên hoàn thiện và điều này cũng đúng khi Người dùng chính mình để nắn đúc chúng ta trở nên những linh mục giống như Ngài.

 

Ngày 27/11

“Tôi không bảo ông phải làm việc để có được kiến thức. Ông đang làm điều đó bằng sự kiên trì và lòng dũng cảm. Nhưng hãy thêm vào những thành tố này một tinh thần của đức tin, vốn sẽ làm cho chúng trở nên thánh thiêng, nghĩa là lý do của mọi sự, và tinh thần của đức mến là chính sự thánh thiện của chúng.” [gửi cho Alphonse Tenaillon, 2/1867]

Đức tin và đức mến là hai nhân đức hay hai ân huệ cốt yếu mà Hội Thánh cầu xin trong mỗi Thánh lễ, vì chúng là những cơ sở để qua đó hành trình thiêng liêng của chúng ta được xây dựng. Tuy nhiên, thật đáng để lưu ý rằng cha Eymard có thể đã chọn ra những nhân đức này cách đây 150 năm khi thần học về Thánh Thể chưa phát triển cũng như chưa được diễn tả một cách rõ ràng. Một đức tin sâu đậm và sống động đảm bảo rằng một người sẽ nhìn vào thực tại và đáp trả lại từ chính cái nhìn của Thiên Chúa. Người ta tự nhắc nhở mình rằng đường lối của Thiên Chúa không phải là đường lối của chúng ta, suy nghĩ của Ngài thì hoàn toàn khác với chúng ta. Một trong những hệ quả của điều này đó là không phải lúc nào chúng ta cũng tìm được những lý do hợp lý cho những sự việc xảy ra trong cuộc đời mình. Nhiều bí nhiệm sẽ vẫn không thể nào giải thích được và vẫn mãi là mầu nhiệm, nhưng chỉ có thể chấp nhận bằng đức mến và trong đức tin mà thôi.

Trong lúc tình cảnh này sẽ gây phiền hà cho những người khác và có thể dẫn đến một cuộc nổi loạn nội tại, người tôn thờ đích thực sẽ biết cách xoay xở dễ dàng. Người ấy tin rằng đối với những ai yêu mến Thiên Chúa thì mọi sự sẽ diễn ra theo hướng thuận lợi, và vì thế dù kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa không thể tỏ hiện ngay trên bề mặt, nhưng người ấy tin mọi thứ sẽ diễn ra vì lợi ích hàng đầu của những ai quan tâm đến kế hoạch ấy. Và do đó, sự cộng tác phải đạt đến cực đại và hết sức nhiệt tình. Đức tin sẽ chiếu tỏa để chống lại nền tảng của bóng tối cũng như những điều không chắc chắn, và người có đức tin sẽ nhận ra sự hiện diện và quyền năng của Thiên Chúa trong khi những người khác chỉ thấy tai họa và sự chết chóc!

Thế nhưng, tất cả những điều này có thể xảy ra theo chiều hướng không được trợ giúp hay không thể tránh khỏi, chứ không phải trong trường hợp của người tôn thờ. Đối với họ, chính tình yêu chi phối tất cả câu trả lời mà họ đưa ra vì chính nhờ tình yêu mà họ nhận ra mọi sự đang diễn ra trong cuộc đời mình. Như Thánh vịnh 32 quả quyết một cách mạnh mẽ ‘người trung tín cũng như kẻ bất tín đều phải gánh chịu những bấp bênh và bất an trong cuộc đời này, nhưng con cái Thiên Chúa luôn luôn cậy dựa vào tình yêu của Chúa Cha. Chính vì lý do này mà ánh sáng chiếu rọi vào giữa đêm tối, niềm vui không thể hiểu nổi ngay giữa nỗi buồn và chúng ta có thể tìm thấy cái giá của hạnh phúc cũng như hiểu rõ hơn về những tình cảnh xung quanh chúng ta’ (Leslie Brandt, Psalms Now, trang 52)

Phương pháp này của đức mến là điều làm cho đời sống của người tín hữu trở nên “thánh thiện” theo nghĩa gốc của từ khác biệt với những người khác. Trong khi tất cả mọi người trên thế gian chịu đau đớn, người tín hữu sẽ không phải chịu đau khổ, ‘cảm giác lo sợ’ mà một người sẽ phải trải qua vì người ấy không hiểu được lý do của đau khổ; họ cảm nhận được những khó khăn nhưng không bao giờ gặp ‘rắc rối’. Vì thế, cuộc sống được diễn ra trên một hành tinh xa lạ và người tôn thờ có thể đứng vững như ‘những vầng hào quang chiếu sáng trên thế gian’! (Pl 2,15). Đức mến dung thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả. Đức mến không bao giờ mất được cũng như không bao giờ bỏ cuộc vì thất vọng! (1 Cr 13,7-8).

 

Ngày 28/11

“… Thiên Chúa đang dạy cho chúng ta một bài học hay đó là: chúng ta chẳng nhận được bất cứ thứ gì qua việc nóng giận hay quả quyết một cách dứt khoát. Chúng ta hãy cố gắng ngắm nhìn Chúa chúng ta trong mọi tình cảnh khó khăn này, và yêu thích sự ôn hòa hơn là bạo lực, kiên nhẫn hơn là cọc cằn thô lỗ.” [ gửi cho Michael Chanuet, 2/1867].

Khi đời sống của một người nào đó được hướng dẫn bởi hai nhân đức nền tảng này: đức tin và đức mến, bấy giờ những lời đáp trả với những tình cảnh trong đời sống của họ sẽ khác (thánh) so với những người khác. Người ấy không sợ bị khống chế trong mọi tình cảnh xung quanh mình. Đối với nhiều người, việc không làm chủ được tình thế hoàn toàn là điều không thể chịu đựng nổi và có thể đưa đến sợ hãi và căng thẳng. Nhưng người tôn thờ thì tin rằng cuộc đời của họ được gìn giữ an toàn trong lòng bàn tay Chúa, và vì thế họ sẽ vô sự và được che chở. Người ấy không cần bực bội nóng giận hay rối loạn. Đơn giản là sự nóng giận cho thấy chúng ta bực bội vì không làm chủ được tình thế!

Đức tin của người ấy mách bảo cho người ấy rằng: “Hỡi ai nương tựa Đấng Tối Cao và núp bóng Đấng quyền năng tuyệt đối, hãy thưa với Chúa rằng: “Lạy Thiên Chúa, Ngài là nơi con náu ẩn, là đồn lũy chở che, con tin tưởng vào Ngài.” Chính Chúa gìn giữ bạn khỏi lưới kẻ thù giăng, khỏi tai ương tàn khốc. Chúa phù trì che chở, dưới cánh Người, bạn có chỗ ẩn thân: lòng Chúa tín trung là khiên che thuẫn đỡ. Bạn không sợ cảnh hãi hùng đêm vắng hay mũi tên bay giữa ban ngày, cả dịch khí hoành hành trong đêm tối, cả ôn thần sát hại lúc ban trưa. Dù tả hữu có ngàn người quỵ ngã, dù hai bên có chết cả vạn người, riêng phần bạn, tuyệt nhiên không hề hấn. Mở mắt coi, bạn liền thấy rõ thế nào là số phận bọn ác nhân. Vì bạn có Chúa làm nơi trú ẩn, có Đấng Tối Cao làm chỗ nương thân. Bạn sẽ không gặp điều ác hại, và tai ương không bén mảng tới nhà, bởi chưng Người truyền cho thiên sứ giữ gìn bạn trên khắp nẻo đường, và thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng cho bạn khỏi vấp chân vào đá. Bạn có thể giẫm lên hùm thiêng rắn độc, đạp nát đầu sư tử khủng long. Chúa phán: “Kẻ gắn bó cùng Ta sẽ được ơn giải thoát, người nhận biết danh Ta sẽ được sức phù trì. Khi kêu đến Ta, Ta liền đáp lại, lúc ngặt nghèo có Ta ở kề bên. Ta giải cứu và ban nhiều vinh dự, cho sống lâu, tuổi thọ dư đầy và hưởng ơn cứu độ Ta ban.”” (Tv 91,1-16)

Khi người tôn thờ nhận ra rằng Thiên Chúa đang ở xung quanh mình, như người mục tử canh giữ, thì người ấy có thể trải qua ngày sống của mình một cách bình an vô sự. Vì “Xin Đấng gìn giữ bạn đừng để bạn lỡ chân trật bước, xin Người chớ ngủ quên. Đấng gìn giữ Israel, lẽ nào chợp mắt ngủ quên cho đành! Chính Chúa là Đấng canh giữ bạn, chính Chúa là Đấng vẫn chở che, Người luôn luôn ở gần kề. Ngày sáu khắc, vầng ô không tác họa, đêm năm canh, vành nguyệt chẳng hại chi. Chúa gìn giữ bạn lúc ra vào lui tới, từ giờ đây cho đến mãi muôn đời.” (Tv 121, 3-8). Với nền tảng này, người tôn thờ có thể phản ứng một cách bình tĩnh, nói nhỏ nhẹ và sống bình an. Cuộc đời họ thực sự là một chiếc đèn báo trong đêm tối, mời gọi người khác dừng lại và suy nghĩ vì sao cần phải chịu đựng những đau khổ không cần thiết trong cuộc đời mình khi bến bờ bình an và tình yêu đang ở ngay trong tầm tay!

 

Ngày 29/11

“… con phải rước lễ, với đôi mắt hướng nhìn về Thánh Tâm Chúa chúng ta, Đấng đang mời gọi con, [đang lắng nghe] lời thưa xin vâng của con và bảo con: Hãy đi! Đừng nhìn vào chính bản thân mình qua sự phản ảnh của những hành động hay những nhân đức của con…” [ gửi cho cô Antonia Bost, tháng 2 năm 1867]

Đoạn này, được trích từ lời khuyên dành cho một người con linh hướng khác, rất phù hợp với điều mà chúng ta đã đề cập đến trong bài suy niệm trước. Khi đức tin và đức mến hướng dẫn hành trình cuộc sống của con người, thì thật là dễ dàng để chúng ta hướng mắt nhìn về Chúa là Đấng không chỉ biết về con đường, nhưng chính Ngài là con đường. Khi chúng ta đã sẵn sàng để vâng theo Chúa bằng cả tâm hồn, thì chúng ta cũng giống như trường hợp dân Ít-ra-en hành trình trong sa mạc để tiến về Đất Hứa. “Cứ xảy ra liên tục như thế: mây che phủ Nhà Tạm ban ngày, ban đêm thì trông như lửa. Mỗi lần mây bốc lên cao khỏi Lều, thì lập tức con cái Ít-ra-en nhổ trại lên đường, và nơi nào mây đậu lại, thì ở đó con cái Ít-ra-en đóng trại. Cứ lệnh ĐỨC CHÚA con cái Ít-ra-en nhổ trại lên đường, và cứ lệnh ĐỨC CHÚA họ đóng trại; bao lâu mây còn đậu trên Nhà Tạm, thì họ tiếp tục đóng trại. Khi mây lưu lại trên Nhà Tạm lâu ngày, thì con cái Ít-ra-en giữ y như điều ĐỨC CHÚA truyền và không nhổ trại lên đường.” (Ds 9:16-19).

Không nghi ngờ gì khi dân Ít-ra-en được ĐỨC CHÚA và ÔNG CHỦ của mình dẫn dắt nên đã không đi lạc trong sa mạc, là nơi rất dễ bị lạc hướng. Đối với người Ki-tô hữu cũng vậy, thế gian đầy rẫy những nguy hiểm và khó khăn, nhưng bao lâu họ hướng nhìn về ĐỨC CHÚA và sẵn sàng vâng lời trong tin yêu, thì họ không còn sợ bị lạc đường nữa!

Dĩ nhiên, cơn cám dỗ trong trường hợp này là người ta muốn tìm xem mình đã tiến bộ được bao nhiêu trong đời sống thiêng liêng. Thông thường, điều này được đong đếm bằng những cảm giác vui thích, an toàn và bình an của con người. Nếu những cảm giác này có thể là những dấu hiệu tốt, thì người ta không thể hoàn toàn cậy dựa vào nó, cũng như không nên bận tâm về nó vì nó sẽ kéo chúng ta xa rời Thiên Chúa và làm cho chúng ta quy về Cái Tôi nhiều hơn. Khi một ai đó bắt đầu cảm thấy thỏa mãn với Cái tôi cũng như những thành tựu đã đạt được, chắc chắn một điều là người ấy sẽ gặp khó khăn trong việc phớt lờ Cái Tôi trong một thời gian dài. Đây không phải là một tiến trình quan trọng trong đời sống thiêng liêng cho bằng mối dây liên kết thân mật với Thiên Chúa, và đây là một ân huệ tinh tuyền mà Thiên Chúa ban cho chúng ta vì lòng nhân từ của Ngài chứ không phải vì nhân đức của chúng ta.

Tuy nhiên, chính trong những thời điểm và những tình huống này, chúng ta cần đến sự hướng dẫn của Vị Linh Hướng, một người hướng dẫn có kinh nghiệm có thể nhận ra những cạm bẫy xảy đến trên hành trình của chúng ta và khuyên bảo chúng ta vào dịp thuận tiện. Thông thường, chúng ta có thể lầm lẫn khi coi tiếng gọi của Cái Tôi là tiếng gọi của Thiên Chúa đang mời gọi chúng ta vào một công việc cụ thể. Chính lúc ấy, Satan có thể cải trang thành một thiên sứ để đem đến cho chúng ta một sứ điệp về tình yêu và an bình, nhưng thực tế nó đang đánh lừa chúng ta mà thôi! Và vì nói chung, chúng ta không phải là những chuyên gia trong việc phân định thánh ý của Thiên Chúa, nên chúng ta cần phải tìm đến những bậc khôn ngoan đầy kinh nghiệm cũng như những lời hướng dẫn của những người đi trước sẵn sàng hướng dẫn và giúp đỡ chúng ta. Điều quan trọng cần phải biết nữa là tìm kiếm sự hướng dẫn thì chưa đủ: người ta còn cần phải thực hiện một cách có ý thức và thông báo về tình trạng của mình một cách định kỳ nếu dự án ấy tiến triển một cách suông sẻ.

 

Ngày 30/11

“Thiên Chúa đã đưa người cha kính mến và tốt lành của con ra khỏi thế gian này để đưa về Thiên Đàng cùng với Ngài. Đó chính là giờ gặt dành cho ông. Cái chết của Người Công chính thì có giá trị trước mặt Thiên Chúa, một sự nghỉ yên nơi thánh tâm của Chúa chúng ta. Ôi! Nguyện xin cho mỗi người chúng ta ít ra cũng trở nên một trong số những con người đáng yêu ấy!” [Gửi cho cô Virginie Danion, tháng 2/1867]

Khi viết lá thư chia buồn với người con linh hướng của mình vào dịp cha của bà qua đời, cha Eymard đưa ra cho bà một lối nhìn của Ki-tô giáo về sự chết: đó là một ‘sự đoàn tụ trong cánh tay yêu thương của Thiên Chúa để tận hưởng niềm an bình và tình yêu mà Ngài đã chuẩn bị sẵn cho những môn đệ trung thành’! Nếu đó là điều tốt nhất mà chúng ta, những con người, có thể và sẽ trao tặng cho những người mà mình thương mến, thì chẳng lẽ Cha trên trời lại sẽ không chuẩn bị những điều này cho chúng ta khi Ngài gọi chúng ta ra khỏi thế gian này sao? Một người mộ đạo đã kiên nhẫn ngong ngóng chờ đợi, chính xác là giây phút hiệp nhất mai sau và quá đau buồn vì cái chết, sẽ không nói đến niềm tin vào tình yêu và lòng nhân từ của Chúa Cha.

Vì đã sống trọn cuộc đời để cố gắng làm cho tình yêu trở thành nguyên lý hướng dẫn cho cuộc đời, nên không ngạc nhiên gì khi cha Eymard mong muốn cái chết của cha cũng tràn ngập tình yêu. Thật là một nước trời hạnh phúc khi chúng ta có thể kín múc tình yêu vô biên mà Chúa Cha dành cho chúng ta. Không có điều gì khác sẽ lấp đầy chúng ta nhiều như tình yêu của Ngài vốn là chính cuộc sống của chúng ta. Tuy nhiên, thật đáng để tự nhắc nhở mình rằng trong khi Chúa Cha mong ước đổ tràn tình yêu của Ngài vào trong chúng ta, thì chúng ta chỉ có thể nhận được tình yêu ấy khi chính chúng ta đã chuẩn bị để lãnh nhận!

Mỗi biến cố trong cuộc đời chúng ta là một thử thách để gia tăng khả năng yêu thương của chúng ta. Ban đầu, khả năng này hầu như nằm ở con số 0, nhưng nó sẽ gia tăng khi chúng ta đối diện với những khó khăn và thử thách trong cuộc đời và trong tình yêu. Nhưng điều trái ngược này cũng đúng khi chúng ta không đáp trả lại tình yêu, thì khả năng yêu thương của chúng ta sẽ giảm đi. Vì thế, khi thời gian ra khỏi thế gian của chúng ta bắt đầu, chúng ta mang theo bên mình khả năng mà chúng ta đã phát triển trong thời gian đó và đây chính là khả năng mà chúng ta sẽ tận hưởng được tình yêu của Thiên Chúa mãi muôn đời. Từ quan điểm này, thật quan trọng biết bao khi chúng ta tìm kiếm cho mình những cơ hội để đáp trả lại tình yêu. Dĩ nhiên, chúng ta có thể dùng cách diễn tả thô tục và nóng nảy, nhưng thay vào đó nếu chúng ta bắt kịp thời gian và nhất quyết đưa ra càng nhiều lời đáp trả đầy yêu thương thì chúng ta sẽ lại chẳng có niềm vui ngay tại trần gian này và cả niềm vui viên mãn sau này trong Nước Trời sao!?!

Tuy nhiên, rất ít người suy nghĩ về những thử thách trong cuộc đời theo cách này? Hỏi có bao nhiêu người đã nhận ra nó như một cơ hội quý giá để phát triển sức mạnh tâm linh của mình và tiếp tục vươn đến và gia tăng khả năng của mình, không để nó bị suy giảm đi để chúng ta đạt đến mức tối đa vào thời gian chúng ta được kêu gọi vào sự sống vĩnh hằng. Nếu đây là cái nhìn của chúng ta, chúng ta sẽ không ngừng khẩn khoản nài xin Chúa ban cho chúng ta ngày càng có nhiều cơ hội để mở rộng khả năng yêu thương của chúng ta? Chẳng lẽ chúng ta sẽ không biết tạ ơn Ngài vì những con người và những khí cụ khác mà Ngài dùng để gửi đến cho chúng ta những cơ hội quý giá sao? Cách làm này có thể đem đến cho chúng ta mối tương quan đầy hoa trái và tích cực với những ai đã gây lỗi với chúng ta dù ý thức hay không ý thức, vì mục tiêu của chúng ta không phải nơi những khí cụ con người nhưng là nơi Chúa, Đấng đào luyện chúng ta để lôi kéo chúng ta đến gần với Ngài trong tình yêu qua những khó khăn chúng ta gặp.

Bản dịch của Lm. Martinô Nguyễn Trung Hiếu, SSS

© 2016 Dongthanhthe.net. All rights reserved.