4. Lịch Sử Hành Trình Thiêng Liêng

THÁNH PHÊ-RÔ GIU-LI-A-NÔ E-MA

LỊCH SỬ HÀNH TRÌNH THIÊNG LIÊNG

 

 

A-NHẬP ĐỀ

“Mỗi người chúng ta đã nhận được ân sủng tùy theo mức độ Đức Ki-tô ban cho” (Êp.4:7).

* * *

Chắc chắn các bạn đã biết rõ về tiểu sử thánh Phê-rô Giu-li-a-nô E-ma, về những biến cố chính trong cuộc đời ngài, những thành quả cũng như những công cuộc ngài thực hiện. Hôm nay tôi muốn mời các bạn nhìn vào một góc cạnh đặc biệt khác của đời sống ngài, đó là cuộc hành trình thiêng liêng của ngài. Trong khi suy niệm về cuộc hành trình thiêng liêng này, chúng ta sẽ chú tâm vào việc nhận biết nguồn gốc phát sinh ra linh đạo của chúng ta, ý thức những ơn đặc biệt trong đời sống của chúng ta, nhìn nhận chúng là phần phúc do lòng nhân hậu mà Chúa Ki-tô dành cho chúng ta, “Chúng phải là nguồn cảm tạ cho ta, cũng như chúng đã là nguồn cảm tạ cho ngài”.

Nguồn tài liệu chính liên quan đến các ơn của cha E-ma được chứa đựng trong “Những Ghi Chúa Tĩnh Tâm” (Retreat Notes), trong đó ngài duyệt lại các ân huệ, những thử thách, những thất bại và ơn kêu gọi của mình. Các cuộc Tĩnh Tâm thứ nhất và thứ hai ở Rô-ma và cuộc Tĩnh Tâm ở Xanh Mô-ris (Saint Maurice) là những tài liệu rất phong phú về các vấn đề này.

Vấn đề chúng ta sẽ cố gắng khảo sát ở đây là mức độ phong phú và sung mãn của các ơn mà Chúa Ki-tô dành cho ngài. Trong thơ gởi cho một người bà con là cô Đờ Mông-mô-răng (de Montmorand), bà Gioóc-đăng (Jordan) viết:

“Cha E-ma cho chúng tôi hay là ngài đã thấu suốt được tâm hồn ngài như ban ngày. Ngài đã hiểu rõ ý nghĩa những lời: ‘Để Chúa Ki-tô lớn lên trong ta cho tới khi đạt được mức độ trưởng thành trong tầm vóc sung mãn của Chúa Ki-tô đến nỗi ta không còn sống cuộc sống riêng của mình nữa, mà là cuộc sống của Chúa Ki-tô” (Cf. Êp.4:13; Gl.2:20).

Cuộc hành trình thiêng liêng của cha thánh Phê-rô-Giu-li-a-nô có thể tóm lại trong những điểm chính sau đây:

I- Những ơn của thời niên thiếu.

II- Các ơn trong những năm ở Dòng Đức Mẹ.

III- Các cuộc Tĩnh Tâm

 

B- LỊCH SỬ HÀNH TRÌNH THIÊNG LIÊNG

 

I- NHỮNG ƠN CỦA THỜI NIÊN THIẾU

Sau đây là những ơn chính được cha E-ma đặc biệt quan tâm tới trong các suy niệm của ngài:

   1- Ơn Phép Rửa.

   2- Ơn Rước Lễ Lần Đầu

   3- Các ơn phát sinh do lòng sùng kính Đức Mẹ

   4- Ơn Linh Mục

   5-Ơn ở Xanh Rô-măng

 

1- ƠN PHÉP RỬA

Cha E-ma sinh ngày 4 tháng 2, năm 1811, và được rửa tội ngay ngày hôm sau, tức ngày 5 tháng 2, 1811.

Trong cuộc Đại Tĩnh Tâm ở Rô-ma, Phép Rửa Tội là một đề tài suy niệm quan trọng đối với ngài. Đối với cha E-ma, cũng như đối với chúng ta, đây là ơn đầu tiên và căn bản cho đời sống thiêng liêng. Cha E-ma là Vị Sáng Lập Dòng, quả đúng như vậy, nhưng tiên vàn ngài là một con người của Thiên Chúa, được Thiên Chúa tuyển chọn để thi hành một sứ mệnh đặc biệt. Cha E-ma đã hết sức trung thành với Ơn Phép Rửa mà ngài nhận được. Đây không những là một tiến trình đem lại nguồn hạnh phúc cho riêng ngài, mà còn cho tất cả những ai quen biết ngài nữa. Chính nhờ Phép Rửa mà tất cả các ơn khác mới được gieo vào tâm hồn ta để ta có thể thực sự mặc lấy Chúa Ki-tô.

Đối với cha E-ma, Phép Rửa là một ơn hết sức cao trọng và quí giá, đến nỗi có lần, nhân dịp kỷ niệm ngày chịu Phép Rửa, ngài đã viết cho chị ngài, cám ơn chị đã nhận làm mẹ đỡ đầu cho ngài, đã chỉ dạy cho ngài biết và sống đời sống ki-tô hữu. Khi có dịp về viếng thăm La Muya (La Mure), ngài luôn đến viếng nhà thờ của Họ Đạo và cầu nguyện bên giếng nước rửa tội và bên Nhà Tạm. Một nhân chứng nói về ngài: “Ngài là người hết sức trung thành với Ơn Phép Rửa của mình”. Nếu diễn tả cách khác thì nhận xét đó có nghĩa là gì? Chúng ta có thể nói được rằng: ngài đã hết sức chuyên lo để đời sống của Chúa Ki-tô được lớn lên trong ngài, và để Thánh Thể, Bánh Hằng Sống gìn giữ sự sống ấy được luôn mạnh mẽ và cường tráng.

 

2- ƠN RƯỚC LỄ LẦN ĐẦU

Cha E-ma được Rước Lễ Lần Đầu ngày 16 tháng 3, năm 1823. Lúc ấy ngài lên 12 tuổi.

Trong cuộc Tĩnh Tâm ở Xanh Mô-ris (St Maurice), cha E-ma đã đề cập đến Ơn Rước Lễ Lần Đầu và thời gian chờ đợi lâu dài để được diễm phúc cao cả này, nghĩa là ngài phải chờ đợi suốt bốn năm trời: từ lúc 8 tuổi, ngài phải chờ đợi tới 12 tuổi mới được diễm phúc Rước Lễ Lần Đầu.

Sau khi được Rước Lễ Lần Đầu, ngài khao khát được rước lễ thường xuyên mỗi Chúa Nhật, và sống đời sống trong sạch. Để sống trong sạch, ngài đã xưng tội thường xuyên. Lúc lên 13 tuổi, ngài gặp được cha Tút-sơ (Touche) ở Đền Đức Mẹ Laus. Cha Tút-sơ đã cho phép ngài rước lễ mỗi Chúa Nhật. Đây là một trong những trường hợp ngoại lệ đối với thói quen thời ấy.

Cuối năm đó, vào tháng 7, 1823, ngài gia nhập Hội Thánh Tâm. Ngài đã thi hành bổn phận của một hội viên cách hết sức nhiệm nhặt, kể cả chầu đêm từ 11 giờ khuya đến nửa đêm vào mỗi tối thứ năm. Sau này ngài nói với cha Tes-ni-e (Tesnière): “Lòng sùng kính Thánh Tâm chính là ơn cứu độ cho tôi.

Trong một buổi chia sẻ với các Nữ Tỳ Thánh Thể, ngài cũng nói:

“Lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa Giê-su là nguồn phát sinh ra muôn vàn ơn. Những ai có lòng sùng kính này thường có một tình yêu lớn lao đối với Chúa, có lòng quảng đại thực sự và có tâm hồn trong sạch”.

Lòng sùng kính Thánh Tâm đã ảnh hưởng nhiều đến linh đạo của ngài. Chẳng hạn những lời Chúa Giê-su nói với thánh nữ Ma-ga-ri-ta Ma-ri-a như: “Đây là Trái Tim đã quá yêu thương, mà chẳng nhận lại được gì ngoài sự vô ơn tệ bạc”. Ta có thể nhận thấy những lời tương tự như vậy trong suy niệm ngày 3 tháng 3, 1865: “Người ta đã chẳng yêu mến Chúa Giê-su trong Thánh Thể. Tại sao người ta lại ít yêu mến Chúa Giê-su như vậy?”.

 

3- CÁC ƠN DO LÒNG SÙNG KÍNH ĐỨC MẸ

Thân mẫu của cha E-ma qua đời ngày 5 tháng 8, năm 1828. Biến cố bi thảm này đã ảnh hưởng sâu xa và mãnh liệt đến lòng sùng kính Đức Mẹ của ngài. Vì thế, lòng sùng kính Đức Mẹ của ngài đượm vẻ bi thương. Kể từ khi hay tin người mẹ ở trần gian qua đời, ngài đã nhận Đức Mẹ làm mẹ riêng của mình, và tận hiến toàn thể cuộc sống cho Đức Mẹ. Trong cuộc Tĩnh Tâm ở Rô-ma, ngày 17 tháng 3, ngài viết:

“Tôi đã suy gẫm về tình yêu của Đức Trinh Nữ đối với tôi ngay từ khi tôi còn thơ ấu. Tôi cảm tạ Đức Mẹ ở Laus, và ngày mà người mẹ thân yêu của tôi qua đời, tôi đã nhận người làm Mẹ riêng của tôi. Kể từ ngày ấy, tôi đã nhận được biết bao ân huệ cao quí!

Dưới chân người ở nhà nguyện Xanh Rô-be (St Robert), tôi đã khẩn khoản cầu xin được trở thành linh mục. Chính Mẹ đã cầm tay tôi mà dẫn dắt đi cho tới chức linh mục, rồi tới Bí Tích Cực Thánh”.

 

4- ƠN LINH MỤC

Ngày 20 tháng 7, năm 1834, tức Chúa Nhật thứ 9 sau Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, Phê-rô Giu-li-a-nô E-ma được thụ phong linh mục do Đức Cha Phi-li-be đờ Brui-a (Philibert de Bruillard), Giám Mục Giáo Phận Gờ-rơ-nốp (Grenoble).

Trong cuộc Tĩnh Tâm thứ nhất ở Rô-ma, cha E-ma đã đề cập đến Ơn Linh Mục như một ân huệ do lòng nhân hậu của Thiên Chúa. Ngài nhận được ơn này không phải cách dễ dàng, nhưng với biết bao cố gắng và vật lộn, vì ngài luôn cảm thấy phải cố gắng nhiều hơn nữa. Ngay cả khi cảm nghiệm được ơn kêu gọi tu dòng, ngài vẫn chưa sẵn sàng đáp ứng.

 

5- ƠN Ở XANH RÔ-MĂNG (St Romans)

Ba mươi năm sau, trong thơ gởi cho bà Gioóc-đăng (Jordan), cha E-ma đã mô tả ơn mà ngài nhận ở Xanh Rô-măng vào năm 1837 như sau:

“Trong khi cầu nguyện, hãy khát mong sao để được nuôi dưỡng bằng chính Thiên Chúa hơn là thanh tẩy, hay tự hạ. Để thực hiện điều đó, hãy nuôi dưỡng tâm hồn con bằng chân lý được nhân cách hóa nơi lòng nhân hậu thần linh của Thiên Chúa đối với con, bằng sự dịu dàng và tình yêu của Ngài. Bí quyết của việc cầu nguyện chân thực là khám phá những hành động và chương trình của Thiên Chúa nơi tình yêu Ngài đối với ta. Nhờ vậy mà tâm hồn ta sẽ cảm thấy kinh ngạc, thanh thản và kêu lên: ‘Lạy Chúa Trời con, Chúa tốt lành dường bao! Con có thể làm được gì cho Chúa? Con có thể làm được gì làm vui lòng Chúa?’. Đó là ngọn lửa bốc lên từ chính lò lửa.”.

Nhưng để đạt tới trình độ cầu nguyện sống động như vậy, ta phải cố gắng hết sức để quên mình đi, tránh tìm kiếm mình qua bất cứ phương thế nào khi cầu nguyện. Phải đặc biệt đơn giản hóa tác động của tâm trí bằng cái nhìn đơn sơ và trầm lặng vào các chân lý của Thiên Chúa. Bí quyết của cái nhìn đơn sơ này là hãy nhìn vào sự vật bằng nhãn quan của lòng nhân hậu Chúa đối với ta, tìm hiểu lý do của ân huệ này, giá cả mà Chúa đã phải trả cho ơn ấy thế nào, tình trạng hiện tại và thường xuyên của ơn ấy đối với ta ra sao?

Khi tâm hồn được hưởng niềm vui nhờ khám phá ra khía cạnh tốt đẹp này thì cầu nguyện sẽ trở thành cuộc chiêm niệm đầy thích thú và thời giờ sẽ qua đi mau chóng. Con thân mến, biết bao lần cha mong sao con được nếm thử Chúa theo đường lối này! Biến cố này đã xẩy ra lâu lắm rồi, đó chính là Đá Tảng của cha ở Xanh Rô-măng”.

Bản chất của ơn ở Xanh Rô-măng đã ảnh hưởng sâu xa đến suốt cuộc đời thánh Phê-rô Giu-li-a-nô. Ở nơi tĩnh mạc ấy, một nơi thanh vắng với cảnh thiên nhiên tuyệt mỹ đã trở thành nơi lý tưởng cho cuộc cầu nguyện vào buổi chiều hôm ấy. Rất có thể ngài đã lên dốc cao và khi thấy Chặng Đàng Thánh Giá, ngài đã suy gẫm về mầu nhiệm Can-va-ri-ô. Rồi khi tới gần ba cây thập giá gỗ nhìn xuống phong cảnh bao la, ngài đã nhận được ơn cầu nguyện âu yếm khiến ngài xúc động mãnh liệt khi cảm nghiệm được tình yêu bao la và dịu dàng của Thiên Chúa. Cảm nghiệm ấy đã làm ngài xác tín mãi mãi về lòng nhân hậu của Chúa. Một số nhà bình luận coi biến cố này là khởi đầu cho sự hiểu biết mới về Thiên Chúa, đó là một quan niệm ít khắt khe và ít thiên về sám hối hơn theo quan niệm mà ngài hấp thụ được vào thời ấy. Nền giáo dục ki-tô giáo mà ngài hấp thụ được lúc ban đầu, bị ảnh hưởng nặng nề bởi Phái Giăng-xê-nis-mô, đây là một phong trào thần học và tu đức chủ trương những thái độ tiêu cực về Thiên Chúa. Phái này chủ trương rằng, không ai biết chắc được họ có thể đẹp lòng Thiên Chúa hay không. Phái này nhấn mạnh đến khía cạnh tội lỗi và bất xứng của con người. Vì thế, những tín hữu sốt sáng khi bị ảnh hưởng của phái này thì luôn chú trọng đến việc sám hối, xưng tội thường xuyên, mà không dám rước lễ vì cho mình hoàn toàn bất xứng. Tại Xanh Rô-măng, thánh Phê-rô Giu-li-a-nô đã cảm nhận được sự hiểu biết mới về Thiên Chúa, đó là: Ngài hết mực từ bi và nhân hậu. Ơn ấy đã dần dần thấm nhuần sâu xa vào đời sống thiêng liêng của ngài. Ngài coi cầu nguyện như là lời mời gọi đến thưởng thức lòng nhân hậu và tốt lành của Thiên Chúa hơn là chú trọng đến việc thực hành đức khiêm nhường và thanh tẩy (Coi: Những Thuyết Trình cho các Nữ Tỳ, ngày 6 tháng 7, 1860; ngày 31 tháng 8, 1862; ngày 7 tháng 7, 1851).

 

II- CÁC ƠN TRONG NHỮNG NĂM Ở DÒNG ĐỨC MẸ

 

1- ƠN TU DÒNG

Sau khi thụ phong linh mục, cha E-ma đã hăng say với công việc mục vụ tại Sát (Chatte) và Mông-tê-na (Monteynard). Chúa Nhật ngày 18 tháng 8, năm 1839, ngài được phép Đức Giám Mục Giáo Phận cho gia nhập Dòng Đức Mẹ (Marist), một Dòng mới vừa được cha Cô-lanh (Colin) thành lập. Động lực thúc đẩy ngài trở thành một tu sỹ Dòng Đức Mẹ là khát vọng tìm một lối sống hoàn thiện hơn, một đường lối tốt đẹp và vững chắc hơn để đạt tới ơn cứu độ, nhờ sự bảo trợ và dẫn dắt của Đức Mẹ. Tám ngày sau khi nhập dòng, ngài viết trong Ghi Chú Tĩnh Tâm: “Nếu tôi đang trên đường cứu độ, đó chính là nhờ Đức Ma-ri-a. Nếu Thiên Chúa không ruồng bỏ tôi, đó cũng chính là nhờ Đức Ma-ri-a. Tôi sẽ được cứu rỗi nhờ Mẹ”.

Sau này, khi thành lập Dòng Thánh Thể, cha E-ma còn bị thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa trong khát vọng sống đời sống tu dòng và ngài cũng đưa một mục tiêu khác cho các môn đệ của ngài: “Tất cả là để phụng sự Ngôi Vị Thần Linh của Chúa Giê-su Ki-tô, Người là Sự Sống, là Sự Thật, là Đường và là sự hoàn thiện duy nhất của ta”.

 

2- BỀ TRÊN TỈNH CỦA DÒNG ĐỨC MẸ

Năm 1845, hai biến cố quan trọng xẩy ra đã gây ảnh hưởng sâu xa đến đời sống thiêng liêng của cha E-ma. Cả hai biến cố này đều liên quan và phát nguồn từ Thánh Thể.

a- Ơn thứ nhất ngài nhận được là nhờ đọc các thơ của bà Ma-ri Ơ-ten Ac-panh (Marie-Eustelle Harpain). Qua một bức thơ gởi cho cha May-ê (Mayet), bạn cùng dòng với ngài, cha E-ma cho hay, ngài đã xúc động mạnh mẽ trước đời sống và các tác phẩm của người phụ nữ trẻ này (Coi: Donald Cave, Eymard, Years 1845-1851).

Ngày 26 tháng 1, năm 1845, ngài nói với cha May-ê:

“Nhìn vào đời sống và đọc những tác phẩm của Ma-ri Ơ-ten, tôi đã xúc động mạnh mẽ, bà đã chết như một vị thánh hồi năm 1842! Tôi đã kết ước với bà và nhận bà làm chị của tôi. Chúng tôi có cùng một khuynh hướng, cùng một nhiệt huyết và cùng một tính tình. Tôi cũng có lòng sùng kính và mến yêu nồng nàn đối với Trái Tim Chúa Giê-su, nên đã gia nhập Huynh Đoàn Thánh Tâm Chúa. Nhưng giữa chúng tôi cũng có những khác biệt, đặc biệt là tôi đã được ơn biến đổi sớm hơn bà, khi tôi vừa lên 9 tuổi, và kể từ đó tôi vẫn một lòng trung thành với Chúa và những quyết định của tôi”.

Mười bẩy năm sau, đề cập đến ảnh hưởng khi đọc những tác phẩm của Ma-ri Ơ-ten, cha E-ma đã mô tả ảnh hưởng ấy như một dạo khúc khởi đầu cho một ơn đặc biệt khác:

“Bạn thân mến, 15 năm trước đây, tôi đã đọc hạnh tích và các thơ của bà Ma-ri Ơ-ten. Xúc động mãnh liệt để lại ở trong tôi là một trong những ơn đáng ghi nhớ mà không bao giờ tôi có thể quên được. Tôi có thể nói, ơn ấy tựa hừng đông báo hiệu một ơn trọng đại khác…

Từ đó, hằng ngày tôi rất thích khẩn cầu với vị thánh này, một người có lòng mến yêu đặc biệt đối với Thánh Thể. Tôi xác tín rằng, lòng sùng kính đối với trinh nữ Pa-le (Palais) là tiền hô cho lòng sùng kính phi thường đối với Thánh Thể đáng tôn thờ mà chúng ta đang chứng kiến, và những tâm tình của lòng sùng kính ấy chứa chất trong các thơ của bà, nếu được thu góp lại, chúng sẽ trở thành một thủ bản tuyệt vời cho lòng sùng kính Thánh Thể”.

b- Ơn thứ hai xẩy ra vào Lễ Kính Mình Máu Thánh Chúa, ngày 25 tháng 5, năm 1845. Hôm ấy, cha E-ma được cha sở họ Thánh Phao-lô mời mang Mình Thánh Chúa đi rước qua các đường phố ở Li-ông (Lyon). Trong khi mang Mình Thánh Chúa đi rước như vậy, cha E-ma được ơn xúc động mạnh mẽ về sự hiện diện của Chúa trong Thánh Thể.

Thoạt đầu, ơn này chỉ là ơn hướng về Chúa Ki-tô, ơn đức tin và tình yêu đối với Chúa Giê-su hiện diện trong Thánh Thể; đồng thời đây cũng là ơn mời gọi dấn thân hoạt động tông đồ, vì kể từ đó, ngài quyết định noi gương thánh Phao-lô chỉ nói về Chúa Giê-su khi giảng dạy mà thôi.

Trong giây phút mật thiết ấy, tâm hồn ngài hoàn toàn rộng mở trước Chúa Ki-tô, và ngài khát vọng chinh phục được cả thế giới cho Chúa.

Ngày nay, các sử gia đều lên án những cuốn tiểu sử đầu tiên viết về cha E-ma, khởi đầu là của cha Tes-ni-e (Tesnière), vì những cuốn tiểu sử này đã quá nhấn mạnh và gia diết về lãnh vực thánh thể của ơn này đến nỗi làm lu mờ lãnh vực về ki-tô học. Thực ra ơn ấy bao gồm cả hai lãnh vực trên.

Sau đây là trích dẫn Nhật Ký của cha E-ma về biến cố trên:

“Ngày 25 tháng 5, 1845, nhân dịp Lễ Mình Thánh Chúa Ki-tô, tôi được hân hạnh mang Mình Thánh Chúa ở giáo họ thánh Phao-lô, tâm hồn tôi được chìm ngập trong niềm an ủi và tin yêu đối với Chúa Giê-su nơi Bí Tích Thần Linh. Hai giờ trôi qua đối với tôi dường như chỉ trong giây lát. Dưới chân Chúa, tôi đã đặt Giáo Hội, nước Pháp, những người công giáo, Hội Dòng và cá nhân tôi. Ôi biết bao lời than thở nồng nàn, biết bao là nước mắt. Tâm hồn tôi dường như bị nghiền nát tan loãng trong niềm vui siêu nhiên. Lúc ấy tôi chỉ khát mong được tất cả mọi trái tim của nhân loại và được lòng sốt sáng nhiệt thành như thánh Phao-lô.

Sau đây là những điều tôi đã hứa với Chúa. Vì khởi đầu từ tháng này, tôi cảm thấy một sức hấp dẫn mãnh liệt đối với Chúa mà tôi chưa từng cảm nghiệm thấy như vậy bao giờ. Sức hấp dẫn ấy thôi thúc tôi, trong khi giảng giải cũng như khi làm linh hướng, phải giúp cho mọi người hiểu biết và yêu mến Chúa, phải rao giảng về một mình Chúa Giê-su Ki-tô, và là Chúa Giê-su trong Thánh Thể. Tôi đã từng thực hiện như vậy nhiều lần rồi, khi thì trong tòa giải tội, khi thì trong các buổi giảng dạy, và Chúa đã chúc phúc lành cho lời Ngài. Đó là điều tôi đoan hứa với Chúa cùng với tất cả trái tim và trọn tâm hồn tôi. Đó là quyết định dứt khoát, và kể từ nay, điều đoan hứa ấy sẽ là đề tài chính cho các buổi cầu nguyện và mọi khát vọng của tôi. Tôi nguyện xin Chúa cho tôi thấm nhuần tinh thần được chứa đựng trong các Thơ của thánh Phao-lô, người đã trọn tình yêu mến Chúa Giê-su Ki-tô. Kể từ nay, tôi sẽ bắt đầu đọc các Thơ ấy ít nhất mỗi ngày hai chương. Tôi xin nhận thánh Phao-lô làm bổn mạng và làm đấng bảo trợ tôi theo đường lối hoạt động tông đồ mới của tôi, và làm như mẹ hiền dạy dỗ tôi về tinh thần của Con Thiên Chúa. Ôi lạy Chúa Trời con, hạnh phúc cho con biết bao nếu con được nghe từ chính môi miệng Chúa những lời mà Chúa đã phán với thánh Tô-ma Tiến Sỹ Thiên Thần: ‘Phê-rô, ngươi nói rất hay về Ta!’. Lạy Chúa, Chúa biết rõ, lời nguyện con sẽ dâng lên Chúa trong cuộc toàn thắng của Chúa là: ‘Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời’. Con sẽ thường xuyên lặp lại lời nguyện ấy. Ôi, lời nguyện đem lại biết bao hoan lạc cho tôi”.

 

3- ƠN TIẾP XÚC VỚI HỘI CHẦU ĐÊM

Trong khi làm bề trên tỉnh của Dòng Đức Mẹ, năm 1849, cha E-ma tới viếng thăm cộng đoàn Pa-ri, lần đầu tiên ngài có dịp gặp một số hội viên của Hội Chầu Đêm, đặc biệt là bá tước Rây-mông Đờ Qui-es (Raymond de Cuers) và cha Éc-măng Cô-ăng (Hermann Cohen), cả hai đều là bổn đạo mới. Cha E-ma đã hết sức cảm phục lòng nhiệt tình và sự dấn thân của các ngài trong công cuộc tổ chức chầu Thánh Thể đêm cho giáo dân. Các vị này cũng rất cảm phục tài trí, lòng nhiệt thành và đức độ của cha E-ma. Vì thế, cha Đờ Qui-es đã mời cha E-ma hướng dẫn thiêng liêng cho công cuộc tương tự như vậy ở Mạc-xây (Marseilles) và Tu-lông (Toulon).

 

4- ƠN KÊU GỌI THÁNH THỂ

Vào cuối đời, trong cuộc Tĩnh Tâm ở Xanh Mô-ris (St Maurice), cha E-ma đã hồi tưởng lại ơn mà ngài nhận được ở Phuốc-vi-e (Fourvière) năm 1851. Ngài mô tả ơn ấy như sau:

“Chúa hiện diện một mình trong Thánh Thể, không một dòng tu nào săn sóc đến Người, tôn kính Người và làm vinh danh Người. Tại sao không có một tổ chức nào để chăm lo những công việc ấy, một Hội Dòng Ba chẳng hạn,?”.

Đây là khởi đầu cho những nhận định của ngài về các nhu cầu của Hội Thánh. Ngài viết cho bà Tô-lanh Bô (Tholin Bost):

“Cha thường suy nghĩ về các phương dược để chữa trị tánh thờ ơ phổ quát mà rất nhiều người công giáo mắc phải cách trầm trọng. Cha thấy chỉ có một phương dược duy nhất là Thánh Thể, tức là tình yêu đối với Chúa trong Thánh Thể” (Vol.1, Doc. 0286).

Mẹ Mác-gơ-rít cũng ghi lại trong Nhật Ký của Mẹ như sau:

“Đôi khi ngài bảo tôi, ngày đó Đức Ma-ri-a đã phù trợ ngài, Mẹ đã tỏ ra quá nhân từ đối với ngài, ngài hiểu và cảm nghiệm thấy rằng, chắc chắn Chúa muốn ngài hiến thân phụng sự Thánh Thể” (Journal Vol. 1).

 

5- ƠN Ở LA XEN-XUYỆC-ME (La Seyne-sur-Mer)

Ngày 18 tháng 4, năm 1853, nhằm ngày lễ Thánh Giu-se, khi các sinh viên đi nghỉ hết, sáng hôm ấy, trong khi cám ơn rước lễ, cha E-ma được ơn xúc động mạnh mẽ. Ngài đề cập đến cảm nghiệm ấy với bà Tô-lanh Bô trong một bức thơ như sau:

“Ngày 18 tháng 4 (năm 1853), trong khi cám ơn rước lễ, cha bỗng cảm thấy xúc động mãnh liệt về lòng tri ân và tình yêu đối với Chúa Giê-su, và cha đã nói với Người: ‘Con có thể thực hiện được công cuộc vĩ đại nào cho Chúa?’. Rồi một tư tưởng êm ái dịu dàng, nhưng hết sức mãnh liệt và sôi động làm cha ngây ngất, khiến cha nghĩ đến việc tận hiến mình để phụng sự Bí Tích Thánh Thể, đến việc xin phép để thực hiện công cuộc đó, đến nỗ lực tìm phương cách để hỗ trợ và thiết lập công cuộc chầu Thánh Thể liên tục, đẩy mạnh công cuộc thiết lập Dòng Thánh Thể.

Con thân mến, đó chẳng phải là tư tưởng cao đẹp lắm sao? Kể từ ngày thành lập Giáo Hội đến nay, Thánh Thể đã chẳng có được một dòng tu chuyên biệt nào, một đội cận vệ danh dự, một triều đình, một gia đình, để tôn kính và truyền bá, đó chẳng phải là điều đáng ngạc nhiên lắm sao? Đối với cha, cha sẵn sàng hi sinh tất cả cho Chúa Giê-su Thánh Thể”.

Trong cuộc Tĩnh Tâm ở Xanh Mô-ris (St Maurice), cha E-ma đã mô tả ơn này là “ơn dâng hiến, hiệp nhất và hoan lạc”. Cảm giác êm ái dịu dàng ấy, theo chính lời cha E-ma, đã kéo dài mãi cho tới khi được Sắc Lệnh Châu Phê của Tòa Thánh. Ngài đã bày tỏ tâm sự với cha Tes-ni-e (Tesnière) vào tháng 7, năm 1868, trước khi qua đời.

 

III- NHỮNG CUỘC TĨNH TÂM Ở RÔ-MA

1- CUỘC TĨNH TÂM ĐẦU TIÊN (1863)

Cuộc Tĩnh Tâm này được diễn ra ở Tu Viện thánh Gio-an và Phao-lô thuộc Dòng Thương Khó ở Rô-ma, trong khi chờ đợi Sắc Lệnh Châu Phê Dòng Thánh Thể, và Phép Lành của Đức Giáo Hoàng Pi-ô IX ban cho công cuộc của các Nữ Tỳ Thánh Thể.

Như chúng ta vừa thấy, kể từ đây, cha E-ma không còn cảm thấy xúc động mạnh mẽ về ơn ở La Xanh-xuyệc-Me của năm 1853 nữa. Người ta có thể dễ dàng nhận ra những hoàn cảnh bên ngoài giải thích cho sự biến đổi nội tâm này. Khởi đầu cuộc Tĩnh Tâm, ngài viết: “Tôi làm cuộc tĩnh tâm này là để trở thành một vị thánh”. Ngài không tin rằng, ngài thực sự đã là một vị thánh rồi. Ngài cũng xác tín rằng, đời sống chân thực của Dòng do ngài sáng lập là tùy thuộc vào công cuộc nên thánh của ngài.

 

2- CUỘC ĐẠI TĨNH TÂM Ở RÔ-MA (1865)

Cuộc Tĩnh Tâm này là cuộc tĩnh tâm nổi tiếng và quan trọng nhất của cha E-ma. Chúng ta sẽ nghiên cứu chi tiết hơn về cuộc tĩnh tâm này trong bài chia sẻ sau. Ở đây, tôi chỉ xin nêu lên đặc điểm chính của cuộc Tĩnh Tâm nổi tiếng ấy, đó là:

- Tìm kiếm sự hiệp nhất với Chúa Giê-su dẫn tới cuộc biến đổi nội tâm.

- Ý thức về Nước Thiên Chúa nơi nội tâm, thường được gọi là Phòng Tiệc Ly Nội Tâm. Ý thức này dẫn đến cuộc sống kết hiệp mật thiết với Chúa được cụ thể hóa bằng Lời Khấn Riêng.

Hai đặc điểm trên là những dấu chỉ chứng tỏ sự trưởng thành thiêng liêng sâu xa, sự hòa hợp giữa đời sống thiêng liêng và tự nhiên của ngài. Những Ghi Chú Tĩnh Tâm chứng tỏ, ngài đã tận hiến hoàn toàn cho sứ mạng Thiên Chúa ủy thác cho ngài rồi.

 

C- KẾT LUẬN

Trong suốt cuộc hành trình này, chúng ta thấy cha E-ma đã sống trọn vẹn Ơn Phép Rửa của ngài nhờ trung thành với đặc sủng về Thánh Thể. Cuộc hành trình ấy đã trổ sinh hoa trái là: nỗ lực tìm kiếm sự hiệp nhất với Chúa Giê-su, Đấng Cứu Độ vô cùng đáng mến của ngài, để được nên giống hình ảnh của Chúa là Người Tôi Tớ Đau Khổ của Đức Chúa.

Chúng ta có thể khẳng định được rằng, những hành động của ngài chứng tỏ, ngài đã nỗ lực không ngừng để tìm kiếm sự hiện diện của Chúa mỗi ngày một sâu xa hơn:

- Khi còn là một em nhỏ, chị ngài đã bắt gặp ngài ở trong nhà thờ, kề bên Nhà Tạm, lắng nghe tiếng Chúa, tìm kiếm sự kết hiệp mật thiết với Người.

- Ở La Xanh-xuyệc-Me, khi làm giám đốc trường trung học, ngài đã đục một lỗ nhỏ ở phòng để có thể nhìn lên Nhà Tạm lúc đêm khuya.

- Khi gặp các vị sáng lập Hội Chầu Đêm ở Pa-ri, ngài đã xúc động sâu xa và mãnh liệt trước công cuộc của các vị này, và công cuộc ấy đã mở ra trước mặt ngài một chân trời mới cho cuộc sống hiến thân để phụng sự Chúa trong Thánh Thể.

Như chúng ta thấy, Thánh Thể đã trở nên “cửa sổ” cho ngài, đó là “cửa sổ” để ngài nhìn vào Thiên Chúa là Cha, và Con, và Chúa Thánh Thần; một “cửa sổ” để nhìn lên vẻ đẹp trên trời và nhìn vào những nhu cầu của thế giới.

Chúng ta có thể nói, công cuộc tìm kiếm sự hiện diện của Thiên Chúa là đặc điểm của cuộc đời ngài và là đề tài liên tục cho các cuộc khảo sát lương tâm. Ngài quả thực đã học để luôn sống với ý thức về sự hiện diện của Thiên Chúa, nhờ đó mà ngài nhận ra ý nghĩa của các biến cố trong cuộc đời ngài, và hướng đi cho cuộc đời ngài trong sự kết hiệp nội tâm với Chúa.

 

(Bài suy niệm trên đây dựa theo công cuộc nghiên cứu của

Sơ Valentine Bouchard, SSS)

Lm. Dominic Thuần, SSS


 


 

© 2016 Dongthanhthe.net. All rights reserved.