5. Cấu Tạo Nên Linh Đạo E-ma

CÁC NGUỒN TÀI LIỆU

CẤU TẠO NÊN LINH ĐẠO E-MA

 

Thánh Phê-rô Giu-li-a-nô E-ma là con người rất ham học hỏi, mặc dầu chương trình huấn luyện về thần học ở thời ngài rất hạn hẹp, nhưng ngài đã phát triển một chương trình nghiên cứu và học tập riêng, ngay từ khi còn là một linh mục trẻ, để bổ túc cho những thiếu sót về kiến thức và làm phong phú thêm cho các khoa cần thiết trong đời sống và sứ vụ của ngài. Về linh đạo, tuy được hấp thụ nhiều nguồn và linh đạo khác nhau, nhưng ngài vẫn luôn trung thành với đặc sủng riêng của mình. Là vị sáng lập dòng, nhưng chính ngài và vị tập sư được ngài chỉ định là cha Mi-sen Sa-nuy-ê (Michel Chanuet), cũng đã viếng thăm nhiều cộng đoàn tu sỹ để quan sát, học hỏi và rút tỉa những kinh nghiệm về Qui Luật và Hiến Pháp của họ. Tuy nhiên, ngài vẫn luôn áp dụng những nguyên tắc riêng của ngài trong việc phân định. Trong tất cả các nguồn ấy, ngài chỉ hấp thụ những gì phù hợp với đặc sủng và nhãn quan thánh thể của ngài mà thôi. Vì thế, linh đạo của ngài, tuy bao gồm những yếu tố vững chắc và bảo đảm nhất của ki-tô giáo, nhưng vẫn luôn giữ nét đặc thù là hướng về Thánh Thể.

Qua các bài thuyết trình của ngài cho các Nữ Tỳ Thánh Thể, chúng ta có thể khám phá ra những ảnh hưởng khác nhau mà ngài đã từng hấp thụ, và chúng ta phải thán phục cách thức chúng được đan dệt lại với nhau thành một bức thảm hoàn toàn mới mẻ. Giờ đây chúng ta sẽ nghiên cứu về một số những nguồn tài liệu này.

1- KINH THÁNH

Lòng yêu mến Kinh Thánh của cha E-ma thật lớn lao và phi thường. Đó là sức lôi cuốn đặc biệt của ngài. Vào thời của ngài, Kinh Thánh ở chủng viện chỉ là môn phụ. Ngài cảm thấy rất đáng tiếc về điều đó. Vì thế, sau khi thụ phong linh mục, để bổ túc cho sự thiếu sót này, ngài đã tự ra luật cho mình là mỗi ngày phải đọc bốn chương Kinh Thánh: Ba chương Cựu Ước và một chương Tân Ước.

Những bài thuyết trình của ngài cho các Nữ Tỳ Thánh Thể chứa chất đầy những trích dẫn Kinh Thánh, cũng như các hình ảnh và khung cảnh của Phúc Âm. Ngài trích dẫn thuộc lòng và không nói đến xuất xứ. Các bài giảng của ngài cũng thường khởi đầu bằng một câu Kinh Thánh, hay bằng cách nêu lên mầu nhiệm được cử hành trong Thánh Lễ hôm ấy. Rồi sau đó, dựa theo bản văn Kinh Thánh, ngài tiếp tục diễn giải thêm.

Người ta nói rằng, ngài luôn mang theo trong mình cuốn Tin Mừng theo thánh Gio-an để thỉnh thoảng đọc một vài câu. Hiển nhiên là trong những cuộc Tĩnh Tâm ở Rô-ma, cũng như trong các bài thuyết trình của ngài, tất cả đều thấm nhuần tinh thần Phúc Âm của thánh Gio-an, nhất của Bài Giảng về Bánh Hằng Sống (Chương 6), và của Bài Giảng sau Bữa Tiệc Ly (Chương 14 và 15). Vào năm cuối đời, Bài Giảng về Bánh Hằng Sống đã trở thành đề tài cho các bài giảng hàng tuần của ngài vào mỗi thứ năm khi ban Phép Lành Mình Thánh Chúa.

Như chúng ta đã từng đề cập trên đây, ngài đã chọn các Thơ của thánh Phao-lô làm đề tài nghiên cứu đặc biệt của ngài. Đây là nguồn tài liệu phong phú cho giáo huấn của ngài về sự hiệp nhất với Chúa Giê-su, cho sự hiểu biết về hiến lễ bản vị (Gift of Self), cho giáo huấn về sự hủy bỏ mình đi của Chúa Giê-su (Pl. 2:6-12).

 

2- CÁC GIÁO PHỤ

Thánh Phê-rô Giu-li-a-nô cũng trích dẫn nhiều tài liệu của các Giáo Phụ, đặc biệt là trong khi ngài giảng dạy. Chính vì mục đích đó, nên ngài đã ghi vào sổ tay của ngài hơn 200 trang thuộc những bản văn của các Giáo Phụ liên quan đến Thánh Thể.

Trong giáo huấn của cha E-ma, ngài đã trích dẫn thánh I-nha-xi-ô thành An-ti-ô-ki-a, thánh Au-gus-tinh, thánh I-rê-nê-ô, thánh Gio-an Cri-xô-tô-mô (Crisostomo), khi các vị này đề cập đến Thánh Thể là Mầu Nhiệm Nhập Thể nối dài, là năng lực biến đổi, là Man-na và lửa.

Ngài ưa thích đặc biệt so sánh của thánh A-nha-xi-ô thành An-ti-ô-ki-a: “Tôi là hạt lúa mì của Thiên Chúa. Tôi bị nghiền nát bởi nanh vuốt của thú dữ để trở thành bánh tinh tuyền của Chúa Ki-tô”.

Trong cuộc Đại Tĩnh Tâm ở Rô-ma, ngày 1 tháng 2, trong khi suy niệm về ơn kêu gọi thánh thể, ngài đã nhắc tới bản văn của thánh I-nha-xi-ô: “Cho đi tất cả để tìm lại được tất cả”; “Tôi là hạt lúa mì của Đức Ki-tô”…

Giáo huấn của cha E-ma về Hiệp Lễ là nguồn năng lực biến đổi con người cũng chính là giáo huấn phát nguồn từ các Giáo Phụ của Hội Thánh.

 

3- THÁNH I-NHA-XI-Ô LOI-Ô-LA

Cha E-ma rất am tường phương pháp linh thao của thánh I-nha-xi-ô. Khi còn là linh mục triều, vào các năm 1835 và 1838, ngài đã sử dụng phương pháp linh thao này. Khi viết cho bà Lơ-pa-giơ (Lepage), ngài nói về kinh nghiệm này như sau: “Tĩnh tâm theo Dòng Tên[1] giống như suối nước nóng: đôi khi chúng làm ta mệt mỏi, nhưng sau đó ta sẽ cảm thấy những hiệu quả thật tốt đẹp” (Letters, Vol.6. Doc.2128).

Chương trình đào tạo của Dòng Đức Mẹ cũng thấm nhuần những đặc điểm của Dòng Tên. Cha Cô-lanh (Colin), người có một ảnh hưởng rất lớn lao đối với đời sống thiêng liêng của cha E-ma, chính ngài đã nhận khẩu hiệu của thánh I-nha-xi-ô làm phương châm riêng cho mình: “Để làm vinh danh Thiên Chúa hơn”, và ngài cũng có khuynh hướng noi theo tinh thần của Dòng Tên. Sau khi lập dòng, trong một buổi thuyết trình cho các chị Nữ Tỳ Thánh Thể, cha E-ma đã nói với các chị như sau: “Hầu như tất cả các dòng tu đều phỏng theo Qui Luật của Dòng Tên, chẳng hạn như Dòng Đức Mẹ, Hiến Sỹ[2] Đức Mẹ Vô Nhiễm và nhiều dòng tu khác”.

Những đề tài suy niệm trong cuộc tĩnh tâm khởi đầu Nhà Tập ở Dòng Đức Mẹ cũng dựa theo phương pháp của thánh I-nha-xi-ô, và chủ đề: “Hai tiêu chuẩn, hai lãnh tụ” được mô phỏng lại ở đây.

Khi còn là tu sỹ của Dòng Đức Mẹ, cha E-ma đã đọc nhiều tác giả của Dòng Tên, đặc biệt là Xu-ranh (Surin), Rô-đi-ghê (Rodriguez), Ghi-o (Guillore) và Gờ-ru (Grou). Rô-đri-ghê (Rodriguez) đã ảnh hưởng sâu xa đến học thuyết khổ chế của cha E-ma, nhưng ngài cũng không theo Rô-đri-ghe cách mù quáng. Quả thực, trong khi Rô-đri-ghê được coi như nhà phản thần bí (Anti-mystic), thì đặc sủng thánh thể đã dẫn cha E-ma đi theo một hướng khác. Đường thiêng liêng dựa trên tình yêu của ngài là thần bí, và như chúng ta đã từng đề cập tới, đường lối này chịu ảnh hưởng của các Giáo Phụ và phù hợp với linh đạo của thánh Gio-an và thánh Phao-lô hơn. Đây là học thuyết thần bí chân chính của ki-tô giáo. Cha E-ma đã dạy rằng, công cuộc tìm kiếm chính yếu của ta không phải là sự hoàn thiện cá nhân, mà là sự kết hiệp mật thiết với Chúa Ki-tô.

Về những tương đồng giữa các bản văn của Ghi-o (Guillore) và cha thánh E-ma, chúng ta sẽ nghiên cứu sau. Ở đây chỉ xin nhấn mạnh một điều là: “Những tôn chỉ thiêng liêng” của cha Ghi-o và nhiều nguyên tắc thiêng liêng khác của cha Xu-ranh có lẽ là những nguồn tài liệu mà cha E-ma đã sử dụng khi làm giám đốc linh hướng.

Khi giảng dạy, cha E-ma đã noi theo một số nguyên tắc của thánh I-nha-xi-ô, cũng như những nguyên tắc phân biệt thần loại và chiêm niệm tình yêu.

 

4- TRƯỜNG PHÁI LINH ĐẠO PHÁP

Trường phái linh đạo Pháp phát sinh từ thời Phục Hưng và được quảng bá rộng rãi khắp Âu Châu. Đây là một phong trào thiêng liêng chủ trương trở về tinh thần của Giáo Hội sơ khai bằng cách chú trọng đến Kinh Thánh, các Giáo Phụ, Tín Lý, Phép Rửa và Mầu Nhiệm Nhập Thể. Từ ngữ “Trường Phái Pháp” chỉ mới được sử dụng ở thế kỷ này, nhưng trào lưu thiêng liêng thì đã xuất hiện từ lâu, và cha E-ma cũng rất quen thuộc với trường phái này, vì thế ngài đã sử dụng nhiều tài liệu của trường phái này trong các giáo huấn của ngài. Từ ngữ “Trường Phái Pháp” được một nhà tư tưởng Pháp là Hăng-ri Brơ-mông (Henri Bremond) đặt ra để gọi tên phong trào thiêng liêng thịnh hành của thế kỷ 16. Trường phái này vẫn còn ảnh hưởng mạnh mẽ nhiều đến linh đạo của chúng ta ngày nay. Trong số các nhà linh đạo nổi tiếng của trường phái này, có lẽ cha E-ma gần gũi với cha Ô-li-ê (Olier) hơn cả. Những định nghĩa về nhiều lãnh vực được cha E-ma sử dụng có lẽ phát nguồn từ đây, chẳng hạn như: Vinh dự, tình yêu, tôn thờ, Chúa Giê-su, ơn lôi cuốn …

Cuốn “Giáo Lý về Đời Sống Nội Tâm” của cha Ô-li-ê (Olier) là một bản văn được cha E-ma trích dẫn trong một số cuộc tĩnh tâm, đặc biệt là từ “Hiến Lễ Bản Vị”. Cha E-ma đã thêm yếu tố thánh thể vào các ý niệm mà ngài vay mượn của những người khác.

Một số môn sinh nổi tiếng của Trường Phái Pháp là: Đức Hồng Y Đờ Bơ-rui (de Berulle), vị sáng lập ra trường phái này; thánh Giăng Ớt (Jean Eudes); Giăng Giắc Ô-li-ê (Jean Jacque Olier); thánh Vanh-xăng đờ Pôn (Vincent de Paul); thánh Gờ-ri-nhông đờ Mông-pho (Grignon de Montfort), và hầu hết các các vị sáng lập các dòng tu. Một số vị thiết lập chủng viện để đào tạo linh mục. Đó là lý do khiến phong trào này gây được ảnh hưởng thiêng liêng sâu rộng trên nhiều lãnh vực. Các vị tôn sư của phong trào này đã đóng góp nhiều hơn các phong trào khác trong việc thiết lập linh đạo hiện đại mà ngày nay vẫn còn rất thịnh hành. Chúng ta cũng có thể nhận ra ảnh hưởng của phong trào này trong các văn kiện của Công Đồng Va-ti-ca-nô II, và trong Sách Giáo Lý Mới của Giáo Hội.

 

5- LINH ĐẠO CA-MÊ-LO

 Cha E-ma rất quen thuộc với học thuyết của trường phái Ca-mê-lô, bằng chứng là ngài không ngừng lặp đi lặp lại tầm quan trọng của việc hồi tâm, đời sống hiệp nhất với Thiên Chúa, và ý thức về sự hiện diện của Thiên Chúa, đó là những đặc điểm cốt yếu của linh đạo Ca-mê-lô.

 

6- LINH ĐẠO CỦA DÒNG ĐỨC MẸ

Tầm quan trọng của linh đạo Dòng Đức Mẹ mà chúng ta được thừa hưởng của hai vị sáng lập là cha E-ma và Mẹ Mac-gơ-rít, đã không được nhấn mạnh đủ. Nên biết rằng, thánh Phê-rô Giu-li-a-nô trước tiên là một tu sỹ Dòng Đức Mẹ. Và Ma-gơ-rít Ghi-ô (Marguerite Guillot) cũng đã được huấn luyện để trở thành hội viên của Hội Dòng Ba Đức Mẹ. Trong những năm các ngài cộng tác mật thiết với nhau, yếu tố linh đạo của Dòng Đức Mẹ đã được phát triển mạnh mẽ, và sau đó mới đi tới linh đạo Phòng Tiệc Ly Thánh Thể.

Về ảnh hưởng của linh đạo này, chúng ta có thể nêu lên ở đây là: sự nhấn mạnh về đời sống nội tâm sâu xa trong sự kết hiệp với Đức Ma-ri-a, noi gương đời sống ẩn dật và đơn sơ của người ở Na-gia-rét, tầm quan trọng của đức giản dị, cuộc sống với Đức Ma-ri-a trên đỉnh đồi Can-va-ri-ô và trong Phòng Tiệc Ly.

 

7- CÁC LÒNG SÙNG KÍNH

Trước hết, chúng ta nên biết rằng, các lòng sùng kính (Devotions) là đường và là bước chuẩn bị dẫn ta vào các mầu nhiệm của Chúa. Thánh Phê-rô Giu-li-a-nô rất ưa chuộng các hình thức của lòng sùng kính thuộc giáo hội  Pháp vào thế kỷ 19. Những lòng sùng kính này đã thấm nhuần sâu xa vào đời sống đạo đức của ngài. Ngài có lòng sùng mộ đặc biệt đối với Thánh Tâm Chúa Giê-su, Chặng Đàng Thánh Giá, Tượng Chịu Nạn, Năm Dấu Thánh và các địa danh hành hương kính Đức Mẹ.

 

8- THÁNH THỂ

Cha E-ma bị ảnh hưởng bởi nhiều linh đạo khác nhau. Tuy nhiên, chính nơi Thánh Thể mà ngài đã rút ra được sức mạnh và nguồn thần hứng cho ngài:

- Chúa Giê-su, Bánh Hằng Sống;

- Chúa Giê-su, Vua mọi tâm hồn;

- Chúa Giê-su, Con Chiên bị sát tế;

- Chúa Giê-su, Ngọn Lửa biến đổi;

- Chua Giê-su, Đấng Tôn Thờ Đức Chúa Cha;

- Chúa Giê-su, Bạn và Đấng Cứu Độ…

Những đề tài này, cũng như những ý niệm khác trong linh đạo của cha E-ma đều phát nguồn từ việc chiêm niệm Thánh Thể.

Đây là kết thúc những khám phá tổng quát về các ảnh hưởng thiêng liêng đối với đời sống thiêng liêng của cha thánh E-ma. Một số những vấn đề này sẽ được lặp lại khi đề cập tới những khía cạnh khác nhau trong linh đạo của ngài.

(Bài chia sẻ trên đây dựa theo công cuộc nghiên cứu của

Sơ Valentine Bouchard, SSS)

Lm. Dominic Thuần, SSS


 

[1] Tĩnh Tâm theo Dòng Tên có nghĩa là Tĩnh Tâm theo phương pháp linh thao của Dòng Tên.

[2] Hiến Sỹ (Oblates) tức tu sỹ thuộc các dòng không có lời khấn trọng thể.


 


 

© 2016 Dongthanhthe.net. All rights reserved.